Kinh Sở Tranh Hùng Ký

Chương 21: Quỷ biến chi đạo




Cuộc hội nghị trọng yếu nhất của nước Ngô từ thời khai quốc đến nay đã hoàn tất, chúng nhân đều vội vã ra về. Phu Khái Vương cố ý đi cùng Hoàn Độ, bọn Ngũ Tử Tư biết ý nên mượn cớ bỏ đi để hai người này có cơ hội trò chuyện.

Phu Khái Vương cười ha hả, nhập đề ngay: "Tôn tướng quân, xem ra ông sẽ sớm cải biến cách xưng hô với bản Vương rồi."

Hoàn cảnh này rất hợp với binh pháp "Công kì vô bị" của Tôn Tử, làm Hoàn Độ tuy kinh nghiệm lão luyện cũng phải đỏ mặt vì bất ngờ không phòng bị, phải gượng cười hy vọng khỏa lấp cho qua chuyện.

Nhưng Phu Khái Vương lại không bỏ qua, nghiêm chỉnh nói: "Chúng ta nếu là người một nhà thì ta nhất định sẽ ủng hộ ông mọi mặt." Nói xong thì ánh mắt thoáng một tia lạnh lẽo, sáng ngời lên chăm chú nhìn Hoàn Độ.

Hoàn Độ biết y muốn mình phải biểu tỏ lập trường phe phái một cách công khai thì trong lòng tựa như có tiếng sét đánh. Phu Khái Vương có dã tâm rất lớn, lại cam tâm chỉ làm kẻ thứ nhì của nước Ngô, chỉ vì Hạp Lư có hùng tài đại lược, lại dùng người rất giỏi nên mới đàn áp được y, nhưng dù sao đi nữa, Hạp Lư có ơn với hắn, hắn tuyệt đối không thể xoay đầu mũi thương để trợ giúp Phu Khái Vương. Cho dù nếu hắn không có mối quan hệ với Thư Nhã thì hắn cũng cảm thấy Phu Khái Vương là một kẻ khó đối địch, thật là một hoàn cảnh khó xử. Trong lòng hắn chợt nảy sinh ra tư tưởng muốn lui về ẩn dật.

Kỳ thật lý do sâu xa hơn khiến hắn có ý niệm lui về ẩn dật đã bắt nguồn từ ngày đào thoát khỏi nước Sở rồi được cùng Mặc Địch giao đàm, từng bàn đến hiện tượng bất bình đẳng nhan nhãn khắp nơi, đã làm hắn thường xuyên nghĩ ngợi, lại còn có hơn năm trăm gia tướng thủ hạ, nên đợi khi giết được Nang Ngõa hắn phải tìm một địa phương để cho họ sinh sống, một địa phương lý tưởng phải là một nơi hoang dã để hắn khai thác và thành lập một nước mới, chấn hưng gia tộc, kiến lập một chế độ theo tâm ý của hắn. Phu Khái Vương đã như vậy lại càng làm cho ý tưởng này của hắn thêm phần mạnh mẽ.

Hoàn Độ hồi phục sự bình tĩnh như không có việc gì xảy ra: "Phu Khái Vương có lòng giúp đỡ, Tôn Vũ tất sẽ báo đáp, huống chi chúng ta vì đại Ngô xuất lực, mục tiêu tương đồng, Phu Khái Vương hãy yên lòng."

Câu nói này thật là xảo diệu có thể nghĩ nhiều cách khác nhau, Phu Khái Vương nhất thời không có cách nào để làm khó hắn, câu chuyện giữa hai người chuyển sang việc bố trí phương diện quân sự rồi chia tay về phủ.

Hoàn Độ về tới phủ tướng quân thì đã hừng sáng, không ngờ Thư Nhã và Di Điệp đã chờ hắn cả đêm.

Hoàn Độ cùng hai nàng vào thư phòng. Vừa bước vào phòng thì hai cô gái đã đỏ mặt tới mang tai, cả hai đều thầm nghĩ tới những điều họ đã trải qua trong thư phòng này, không hiểu Hoàn Độ có làm lại chuyện cũ hay không, tim họ hồi hộp xao xuyến.

Lần này Hoàn Độ lại hết sức đứng đắn, nghiêm chỉnh nói: "Giả sử ta bỏ hết tất cả mọi điều ở đây và tìm tới một địa phương xa xôi để xây dựng lại hai nàng có bỏ hết theo ta không?"

Cả hai cô gái đồng thời bị chấn động, cùng ngẫng mặt lên. Di Điệp suy nghĩ rồi lên tiếng: "Ta chỉ có một mình trên đời, nếu chàng không chê bỏ thì ta nguyện ý bên cạnh thị phụng chàng dù chàng có đi đến nơi nào chăng nữa."

Hoàn Độ thỏa mãn, lại nhìn Thư Nhã.

Thư Nhã cúi đầu trầm ngâm, cô vốn thông minh, ngấm ngầm thấy điều này liên quan đến phụ thân cô. Phủ Khái Vương hết sức sủng ái cô, bảo cô phải quyết định thế nào cho phải đây? Cô ngước khuôn mặt sáng lán lúc này hiện vẻ hoang mang: "Ta không biết phải làm sao!"

Hoàn Độ đã biết đáp án này là hợp lý nhất, một bên là phụ thân yêu quí cô, một bên là tình lang đã cùng cô luyến ái nồng nhiệt, đương nhiên cô phải lâm vào một cảnh hết sức khó xử nhưng trong lòng hắn vẫn có một chút thất vọng.

Ba hôm sau, trời mới hừng sáng thì đại quân đã sẵn sàng xuất phát.

Hoàn Độ nghe một luồng nhiệt hỏa dâng lên trong lòng. Hắn đã đợi bao năm hôm nay mới đến ngày quyết định sống còn, đã bao đêm mối huyết cừu gia tộc này đã trở lại trong cơn ác mộng để hắn sau đó bừng tỉnh thức giấc trong sự hãi hùng.

Đánh bại nước Sở quả là khó còn hơn lên trời. Hắn cần phải giết cao thủ đệ nhất của nước Sở là Nang Ngõa, người này vũ công còn cao hơn Tương lão, làm vấn đề vốn khó khăn lại càng thêm gian nan. Nhưng hắn có còn cách nào khác ? Hiện tại hoàn cảnh này giống như tên đã được dương lên cung, không thể không bắn ra.

Trường Giang tại Hồ Bắc và Tứ Xuyên bị một một mỏm núi dài ngăn lại, qua khỏi eo núi này dòng nước chảy siết về hướng đông nam đổ xuống thành Đình Hồ bao la vạn khoảnh, từ đây lại chảy gập về phía đông bắc cho tới tận Vũ Xương mới nhập với dòng Hán Thủy. Nơi dòng Trường Giang giáp giới dòng Hán Thủy là một bình nguyên rộng lớn đầy phù sa màu mỡ, đây chính là căn cứ của dân tộc Kinh Sở. Nước Sở hùng mạnh bá vương trong thời xuân thu chiến quốc đã hưng thịnh từ mảnh đất này.

Bắt đầu thời đại Xuân Thu, người Chu đã thành lập dọc theo hạ lưu dòng Hán Thủy một tiểu quốc nhưng vì nước yếu nên không những đã không ngăn cản được nước Sở, mà còn bị gậm nhấm lần mòn.

Phía tây của nước Sở là Ba và Dong, vốn là hai dân tộc nhược tiểu chỉ đáng làm thuộc địa của Sở. Phía nam, bên ngoài Động Đình hồ là núi rừng hoang vu vô tận, đã cung cấp đất hoang cho nước Sở khai thác.

Phía đông là nước Ngô mới bộc phát mạnh mẽ vào thời kỳ cuối cùng của giai đoạn Xuân Thu, trước Ngô thì Sở vốn không có một kình địch nào. Từ trước đến nay nước Sở chỉ chuyên đi xâm lược nước khác, chưa hề sợ hãi vì họa bị xâm lược bao giờ.

Ngược lại, các quốc gia phía bắc của Sở đã thiếu sự an toàn này. Về mặt quân sự Sở không phải lo lắng gì, đất đai lại trù phú, mật độ dân khẩu thấp, người nước Sở so với các nước đương thời đã có một sự an toàn về kinh tế mà người nước khác không bằng, nên lúc này nước Sở là một kẻ khổng lồ về cả hai mặt quân sự và kinh tế, quân Ngô lần này muốn đánh Sở, đã phải huấn luyện ba vạn quân tinh nhuệ trong một thời gian dài mới dám khiêu chiến với kẻ khổng lồ về mặt quân sự này.

Hoàn Độ đứng tại đầu thuyền, ngắm nhìn cảnh sắc tráng lệ hai bên bờ dòng Trường Giang. Lần này ra quân thắng bại thật khó liệu, tuy lệnh doãn nước Sở là Nang Ngõa đã làm hư hoại triều chánh, nhưng thực lực của Sở quả hơn Ngô thập bội, quốc gia cường thịnh vốn đã lâu đời, binh lính được huấn luyện tinh thục, thêm vào đó mãnh tướng nhiều như mây, mưu sĩ như mưa, vào lúc tồn vong của quốc gia tất nhiên trên dưới sẽ đều một lòng thề chống quân Ngô. Vì vậy Ngô có thể thủ thắng hay không là hoàn toàn nhờ vào phương pháp hành quân, có thể nói đây là một nỗ lực quân sự và cũng là một ván bài lớn lao nhất.

Lần này Ngô vương Hạp Lư xuất quân đã đặt tất cả vốn liếng vào một tiếng bạc mà Hoàn Độ biết rằng phần lớn là do đã đặt tin tưởng vào bản thân Hoàn Độ hắn. Hắn đối với cuộc chiến này tuy có tín tâm tranh thắng rất mãnh liệt nhưng cũng chỉ là một ý nghĩ chủ quan, điều này cũng giống như trong kiếm pháp, mỗi một kiếm chiêu đều phải có tín tâm mạnh mẽ mới có thể phát huy được hết oai lực của kiếm thuật, còn việc có thể đạt được thắng lợi tối hậu hay không lại là một vấn đề khác. Thật ra nếu chỉ xét về lực lượng và tình hình chân thực của đôi bên thì nước Ngô xem như chắc chắc sẽ thất bại, khả quan nhất chỉ là có thể thắng nhỏ lúc đầu rồi sau cùng cũng vẫn sẽ bị đại bại. Chỉ vì quân tình nước Sở vốn đã áp đảo được Ngô dễ dàng, so với quân viễn chinh của nước Ngô thì Ngô đã bị lâm vào trường hợp chiến tranh trường kỳ rất bất lợi.

Hoàn Độ nhìn hàng mộc thuẫn trên thuyền, trong lòng thích thú, bên cạnh mộc thuẫn là một kiện gỗ, bên trong chính là vũ khí bí mật để giết quân Sở lần này, dùng cơ quan để phát động nõ cứng bắn ra. Vũ khí này đã được thiết kế cực kỳ tinh vi chính là then chốt thắng bại của cuộc chiến, nếu vận dụng được đúng mức sẽ có oai lực kinh người.

Từ xưa đến nay chư quốc đều quen dùng thuẫn làm bằng da.

Hiện tại đang là mùa xuân, khí hậu ẩm ướt làm thuẫn da mềm đi dễ dàng bị cung tên xuyên thủng, thuẫn gỗ không có vấn đề này.

Hơn ba trăm chiến thuyền lớn trên dòng Trường giang rẽ sóng tiến tới, chỉ còn khoảng hai thời thần nữa là đã tới địa điểm đổ quân.

Đại quân viễn chinh của nước Ngô cập bến tại tại đông nam Tân Thái là nơi Nhữ Thủy và Hoài Thủy cắt nhau, đúng như lộ tuyến của Hoàn Độ đã truyền xuống, tránh trọng binh của đại tướng nước Sở là Thân Tức tại Phương Thành ở mặt tây, theo hướng nam đi xuống. Quả như sở liệu của Hoàn Độ, quân Ngô bỏ thuyền lên bờ, không cùng thủy quân của Sở giao chiến, lại bỏ hướng tây mà đi xuống nam, tránh trọng binh của Sở đang kết tập tại Phương Thành, mọi mặt đều nằm ngoài ý liệu của người nước Sở, ứng hợp với binh pháp của Tôn Vũ một cách sâu xa vốn đã nói “Cố thiện công giả, địch bất tri kì sở thủ”, khi kẻ tấn công giỏi thì địch không biết đỡ. Ở giai đoạn đầu của chiến dịch có thể nói là Ngô là "kẻ tấn công giỏi" và Sở đã "không biết đỡ" vậy.

Ba vạn quân tinh nhuệ của Ngô lựa quân yếu kém không phòng bị của Sở ở ba cửa ải là Minh, Trực Viên và Đại Toại đánh tới thế mạnh như chẻ tre, xuyên qua núi Đại Biệt, thẳng xuống Giang Hán, vượt khỏi Chương Sơn, rồi đại quân tiến về nam để tới Dự Chương. Thế là đúng như kế hoạch của Hoàn Độ, lộ tuyến thâm viễn vòng vèo của cuộc hành quân này đúng là "Xuất kỳ sở bất xu, xu kỳ sở bất ý", khi xuất hiện thì địch có phản ứng nhanh cách mấy cũng trở tay không kịp, khi lại hành quân mau lẹ tới nơi địch không thể ngờ tới, tấn công vào nhược điểm của quân Sở. Đại quân Ngô đi hơn ngàn dậm, hoàn thành cuộc viễn chinh vĩ đại của giai đoạn cuối thời Xuân Thu.

Quân Ngô tạm đóng tại Dự Chương, các tướng lĩnh chủ yếu đều tập trung tại trướng của Hạp Lư để nghiên cứu bàn luận về tình hình quân sự đôi bên hầu quyết định bước kế tiếp.

Hạp Lư nhìn quanh chúng tướng rồi nói: "Quân ta hiện đang tiến sâu vào trong đất địch nên sớm muộn rồi sẽ phải cùng quân chủ lực của địch giao chiến." Nói rồi lại nhìn sang Đẩu Tân, người phụ trách về tình báo nói: "Chỉ không biết là quân địch đang bày trận như thế nào?"

Đẩu Tân nghiêm chỉnh đáp: "Quân ta từ khi tiến vào đất Sở lúc nào cũng tránh mạnh đánh yếu, thám tử đã báo cáo rằng địch nhân đang hỗn loạn, đối với hành tung của quân ta chúng hoàn toàn không biết phải đối phó như thế nào. Nhưng Nang Ngõa đã đề phòng trường hợp chúng ta đột nhiên chuyển sang hướng tây để tấn công Dĩnh Đô, đã bày bố tuyến phòng ngự giữa nơi quân ta đang đóng và Dĩnh Thiệu, giả sử quân ta nhắm Dĩnh Đô tiến đánh thì chỉ trong ba ngày sẽ gặp phải trọng binh của Sở."

Hạp Lư nói: "Căn cứ tình hình hiện tại ông nghĩ bước kế tiếp chúng ta nên làm gì?"

Đẩu Tân đáp: "Hiện giờ đường vào Dĩnh không ngoài hai cách, một là tây tiến theo đường Tảo thẳng tới Dĩnh Đô; cách thứ hai là giữ nguyên kế hoạch ban đầu tiếp tục tiến về nam, một khi tới bình nguyên Giang Hán sẽ vượt Đại Hồng sơn để vào Dĩnh." Y lại nói tiếp: "Nếu quân ta thay đổi lộ trình và theo cách thứ nhất, nhắm hướng tây để vào Dĩnh, thì có lợi thế là trận cước của đối phương chưa ổn, ta dùng nhanh thắng chậm, quyết chiến trước khi chúng tưởng ta có thể tới nơi. Hiện nay sĩ khí quân ta rất cao, có thể giúp ta chỉ trong một trận đánh bại chủ lực của quân địch, quét sạch thông đạo thẳng vào Dĩnh."

Công khanh Tử Sơn cũng phụ họa vào: "Lời Đẩu Tân tướng quân nói không phải là không có đạo lý, quân Sở muốn bảo vệ phòng tuyến vốn rất rộng dài của Dĩnh Đô dĩ nhiên quân lực khó mà tập trung được. Ngược lại nếu ta theo cách nam tiến tất phải tốn nhiều thời gian hơn, quân Sở sẽ yên tâm bố trí quân lực để lấy số đông chống số ít của ta, làm sao ta có thể thắng được?"

Lộ tuyến hành quân do Hoàn Độ quyết định cho đến bây giờ đã đem lại thành công phi thường nhưng tới đây thì trong phía quân Ngô đã bắt đầu có điều dị nghị.

Ngũ Tử Tư, Phu Khái Vương và Bạch Hỉ đều im lặng không nói, bọn họ biết Hoàn Độ sẽ đưa ra lý do để chi trì sách lược nam tiến của hắn.

Lúc này mọi người đều nhìn về phía Hoàn Độ.

Hoàn Độ biết lúc này không phải là lúc thối lui, cười nhẹ và thản nhiên nói: "Nhìn tình hình này, giả sử hai bên có thực lực ngang ngửa với nhau thì đề nghị của hai vị đúng là thượng sách." Nói rồi nhìn lại chúng nhân với ánh mắt sáng ngời khiến họ cảm nhận được sự tự tin của hắn.

Hoàn Độ nói tiếp: "Nhưng thực lực quân Sở hơn ta thập bội, nếu ta nhắm mắt đánh liều tây tiến quyết chiến với chủ lực của quân địch chính là đem hết mọi thứ dồn vào một canh bạc, hết sức nguy hiểm và rất ít cơ hội để thắng. Địch nhân lúc đầu có thể bị thất lợi nhưng vì thế sẽ ép chúng kéo dài trận chiến, đưa quân ta vào thế chiến tranh tiêu hao, tai hại không tưởng nổi."

Hạp Lư gật đầu nói: "Điều này chính là vấn đề mọi người đều quan tâm, Tôn tướng quân hãy giải thích thêm."

Hoàn Độ mỉm cười khoe hàm răng trắng, thần thái ung dung đáp: "Quân ta nếu cứ tây tiến để vào Dĩnh là đã nằm trong ý liệu của địch nhân, và cũng là điều mỗi người ở đây muốn làm. Nên chúng ta phải đổi ngược lại và án binh bất động tại đây. Lấy cái lợi thế nghỉ ngơi để đợi địch nhân tấn công."

Phu Khái Vương cười sang sảng, y vốn có tài quân sự nên lập tức nắm được cốt tủy của chiến lược này, nên lên tiếng nói: "Chiêu này dùng để dụ rắn ra khỏi hang thật tuyệt, Nang Ngõa tự phụ là tướng tài nhất đời không xem ai vào đâu, tất nhiên không muốn bọn ta ở lâu trong đất Sở, một khi tìm ra địa điểm đóng quân của ta nhất định y sẽ cấp tốc mang quân Sở đông tiến và thế là bọn ta sẽ lấy quân nghỉ ngơi chống lại quân mệt mỏi của y, bất kể chuyện gì xảy ra thì tình hình cũng hoàn toàn đảo ngược."

Bạch Hỉ nói: "Hơn nữa nếu ta tấn công thì Sở tất phải có cứu viện, nơi này tiếp cận với Đồng Lục sơn là trọng địa sản xuất quặng đồng của nước Sở, vốn là vùng đất liệt vào hạng tài nguyên chiến lược của Sở, tất nhiên quân địch sẽ cố giữ chứ không để ta chiếm, quân Sở vì thế nhất định sẽ đông tiến chứ không có cách nào khác."

Đẩu Tân hỏi: "Một khi địch quân đã điều tập binh lực trực diện tấn công quân ta, Tôn tướng quân có sách lược gì để đối phó?"

Vẻ mặt của Hoàn Độ hiện lên nét cười quỷ dị, nhẹ nhàng đáp lời: "Gom lại để diệt." Chúng nhân đều ngẩn ra.

Kẻ dùng binh phải biết cách biến hóa thần kỳ quỷ dị.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.