Kim Sơn Hồ Điệp

Chương 63: Sonoma (2)




Hoài Chân biết vụ án nổ súng này đã đem lại ảnh hưởng cực xấu cho phố người Hoa. Cũng như vụ Đêm Pha Lê nổi tiếng năm 1938, nguyên nhân là vì một người Do Thái Ba Lan ám sát thư ký đại sứ quán Đức trú tại Paris, từ đó đẩy đồng bào của mình rơi vào cảnh địa ngục nhân gian đã được mưu tính trước đó rất lâu.

Tuy nhiên có lẽ chuyện này vẫn phải dựa vào vụ án ở đồn cảnh sát thành phố cùng với căn bệnh của Hồng gia, thế nên không khiến dân cư trên phố người Hoa khốn khổ quá nhiều. Hồng gia đã bảy mươi rồi, mặc dù trông ông ta có vẻ ít tuổi hơn thế, nhưng hệ thống miễn dịch suy giảm vẫn khiến ông ta mắc rất nhiều chứng bệnh của người cao tuổi, ví dụ như tăng huyết áp hay huyết khối tĩnh mạch não.

Đây không phải là lần đầu ông ta bị bệnh, mọi người không biết ông ta bị bệnh đến mức đó nên không quan tâm. Dân tộc này có sự nhẫn nại khiến người da trắng phải ngạc nhiên, mà điều này vào năm 1863 đến 1869, các công nhân da trắng đã gặp một lần ở trên đường sắt rồi. Nhược điểm lớn nhất của dân tộc này là nổi loạn chống lại mọi bất công, và có lẽ đó cũng là ưu điểm. Cách mạng là phải chảy máu, nhưng lại không được đông đảo nhiều người khát vọng an cư lạc nghiệp chấp nhận. Mà đa số cư dân ở phố người Hoa đều như thế. Bọn họ chỉ cần một người lãnh đạo chứ không quan tâm người đó là ai. Có khi người tiếp theo còn tốt hơn Hồng gia nhiều thì sao, ai mà biết được?

Cuộc tình thất bại của Hoàng Văn Tâm lại có sức ảnh hưởng lớn hơn, rất nhiều bà mẹ vì thế mà thay đổi cách dạy con gái và kỳ vọng vào chuyện gả cưới. La Văn cùng các bà bạn trên phố người Hoa chính là nhân vật đại diện tiêu biểu trong đó. Khi bà phát hiện Vân Hà lén làm thêm lại còn để dành được một khoản tiền không nhỏ, La Văn cảm thấy khủng hoảng chưa từng có. Bởi vì lúc này Vân Hà đã vào học kỳ cuối cùng của trường cấp ba công lập, kết thúc kỳ nghỉ xuân sẽ bắt đầu kế hoạch công tác hoặc chuyện học tập tương lai với trưởng ban nhà trường.

La Văn cầm ống tiết kiệm tra hỏi Vân Hà, khoản tiền này định để làm gì.

Vân Hà không do dự đáp, cô muốn dùng nó để xin vào trường học ở bờ Đông.

La Văn đổ tiền ra đếm rồi bảo, tạm thời không nói đến học phí, nhưng con có biết tiền thuê nhà, chi phí sinh hoạt ở bờ Đông cao hơn San Francisco bao nhiêu không? Với hoàn cảnh gia đình nhà ta, có thể để con đến trường cộng đồng San Francisco là đã không tệ rồi. Hơn nữa nếu con bị bệnh thì ai chăm sóc cho con?

Nói đến chuyện đau lòng nhà họ Hoàng, La Văn vừa tức vừa thương, vừa đấm vừa xoa làm Vân Hà không ứng phó kịp.

Hoài Chân lập tức nói, “Thật ra đại học Berkeley và đại học California cũng rất tốt mà, không nhất thiết cứ phải đến bờ Đông.”

Vân Hà nói, “Đời này nơi xa nhất chị từng đi chính là Los Angeles, chị không thể chết dí cả đời ở California được.”

Hoài Chân đăm chiêu nghĩ ngợi, cảm thấy cô ấy nói cũng đúng. Dù là học sinh trong nước ở thế kỷ 21, thì dù lên đại học cũng chủ yếu chọn những thành phố lớn xa nhà, đối với cô California đã đủ xa, nhưng với Vân Hà thì lại quá gần.

La Văn tức tới nỗi suýt nữa đập vỡ đồ: “Con nên biết vui khi năm đó ông nội chuyển cả nhà ta từ thành phố Sacramento đến San Francisco mới phải! Nếu không dù con đến San Francisco một lần cũng cảm thấy chưa đủ. Nếu để cha con mà biết, nhất định sẽ bắt con về nước kết hôn, sau đó vào trường đại học Mỹ kiều ở Thượng Hải.”

Ví dụ như Saint John. Hoài Chân nghĩ.

Ngay khi hai mẹ con cứ giằng co qua lại thì già Huệ kịp thời chạy đến. Hồng tam thiếu từ Los Angeles đã về, mời Huệ đại phu đi cùng ông đến tiệm thuốc phiện xem, muốn biết rốt cuộc tình trạng cơ thể của cha mình thế nào. Già Huệ nói ông không thể rời bỏ con bé trợ lý được, nên cố ý đến cửa bấm chuông, giải cứu Hoài Chân đi.

Hồng tam thiếu cao hơn người Hoa bình thường, là một anh chàng đẹp trai mười trên mười, làm Hoài Chân không khỏi nhìn thêm mấy lần. Đây là lần đầu tiên cô gặp Hồng tam thiếu, nhưng trước đó vẫn thường xuyên nghe thấy người ta nhắc đến anh. Nghe nói anh là người Hoa đầu tiên ở San Francisco đậu kỳ thi luật California, rồi vì nguyên nhân nào đó mà anh cũng là luật sư người Hoa hiếm hoi được sở luật sư của người da trắng tiếp nạp. Có lẽ do anh mang trong mình 1/4 huyết thống của người da trắng, lúc còn trẻ chỉ cần che giấu là gần như có thể ngụy trang thành người da trắng —— vì có rất nhiều người Ba Lan cũng có tướng mạo gần giống với người phương Đông. Sau đó vì sao không công tác cho người da trắng nữa, thì có người nói bởi vì dòng máu lai của anh không ổn định, dần dần các bộ phận mang huyết thống châu Á trên người anh ta càng rõ ràng, không che giấu tiếp được nữa, hay bị khách hàng da trắng khiếu nại nên đành nghỉ việc; lại có người nói, tam thiếu thấy được bộ mặt giả nhân giả nghĩa của người da trắng nên tự thành lập sở luật sư Trung Hoa, từ đấy dồn lực vào công việc di trú ở phố người Hoa.

Bất kể thế nào đi chăng nữa, thì bây giờ nhìn Hồng tam thiếu càng gần gũi với người Hoa hơn. Nếu không có ai nói với Hoài Chân là mẹ đẻ của Tam thiếu từng là cô gái lai trong sòng bạc Macau, thì nhất định cô chỉ cho rằng ngũ quan của anh góc cạnh hơn người Hoa một chút mà thôi. Tuy nhiên, vì huyết thống của cô gái đó đã bị pha trộn quá nhiều lần, có thể nhận ra có Trung, Anh, Đức, Pháp và Bồ Đào Nha, thế nên rốt cuộc Hồng tam thiếu có bao nhiêu huyết thống Trung Hoa thì thật khó mà nói.

Năm nay tam thiếu đã 34 tuổi, song trông anh trẻ hơn tuổi thật của mình. Người cũng khá lễ phép, luôn cười nói với Huệ đại phu, chốc chốc lại quay đầu nhìn Hoài Chân xách hòm thuốc, nói đùa đôi câu. Ví dụ như, “Ngăn cản phụ nữ cãi nhau còn khó hơn nhiêu là cản đàn ông đánh nhau, có đúng không?”

Cho đến khi đi vào con hẻm đầy tiếng xấu kia, Hoài Chân mới biết bọn họ phải đến một tiệm thuốc phiện. Có lúc cô có đi qua đây, nhưng rất ít khi tạt qua con hẻm này. Con hẻm này chật hơn những hẻm khác ở phố người Hoa, gần như chỉ đủ hai người đi song song. Vì xe cộ của người da trắng không thể nào chạy vào đây được nên nó cũng không có tên. Cũng vì vậy mà nó tránh được rất nhiều cuộc kiểm tra quy mô lớn. Người ở phố người Hoa đều gọi nó là “phố Minh”, hoàn toàn trái ngược với ý nghĩa “con hẻm nghiện ngập” không thấy được ánh sáng của nó.

Tiệm thuốc phiện cũng vậy, nó cũng không có tên. Tiệm thuốc phiện được ngụy trang thành một rạp hát, nhưng ngay cả sân khấu rạp hát cũng đã xập xệ tới độ không dùng được.

Hoài Chân ngơ ngác, “Nếu có người muốn hẹn bạn đến đây thì phải gọi tên nó là gì?”

Tam thiếu nói, “Bọn họ đều gọi nó là ‘chỗ tốt’.”

Vừa dứt lời thì ông chủ “rạp hát” cao gầy đi ra từ sau sân khấu đóng đầy mạng nhện, dẫn hai người đi tiệm thuốc phiện thật sự ở sau cánh cửa cũ nát, vừa đi ông ta vừa nói: “Mấy người đến đúng lúc quá, vừa nãy có cảnh sát người nước ngoài vừa tới.”

Tam thiếu hỏi, “Bọn họ đã đi chưa?”

“Vừa rời đi thôi.”

Hoài Chân để ý đến ông chủ gọi người da trắng ở trước mặt tam thiếu là “người nước ngoài” bình thường, chứ không phải là “lũ người da trắng” mang sắc thái miệt thị rõ rệt kia. Có lẽ vì tam thiếu cũng là con lai, thỉnh thoảng được xã hội người da trắng tiếp nạp, và cũng thường bị người Hoa chửi là “quỷ ngoại quốc”.

Sau đó Hoài Chân không còn thời gian để ý đến thứ khác nữa, vì bố trí bày biện trong tiệm thuốc phiện vô cùng có thú vị, ví dụ như một mặt tường không dán giấy dán tướng mà treo một bức xuân cung đồ. Những bức xuân cung đồ này không chỉ không có gạch men, mà tư thế thu thập được cũng rất nguyên vẹn. Thậm chí Hoài Chân còn nhận ra bút tích của họa gia Cừu Anh trong đó.

Trong tiệm thuốc phiện có hai đại sảnh rất rộng lớn, bên trong có từng chiếc giường một, khách nằm trên giường cứ mơ mơ màng màng. Đi sâu vào trong nữa là “nhã gian” được mấy bức tường ngăn cách tạo nên, trong nhã gian có một hoặc hai chiếc giường. Cô thấy trên những chiếc giường ấy có rất nhiều khuôn mặt người da trắng đang người ngậm ống tẩu, nhả khói về phía bức họa trên tường. Hoài Chân cảm thấy thật khó tin, bởi vì hoàn toàn trái ngược với tranh sơn dầu phương Tây là phụ nữ vú cao mông to, thì đa số những bức họa này không cố ý miêu tả chi tiết vóc dáng phái nữ, mà hầu như đều có tấm thân bé nhỏ, eo thon ngực phẳng.

Hồng gia nằm trên chiếc giường giữa đại sảnh bên trong, lúc bọn họ đi vào, một người đàn bà đang ngồi cuối giường xoa khớp xương chân cho ông ta, mệt tới nỗi đầu vã mồ hôi.

Già Huệ thấy vậy thì phì cười, hỏi: “Mệt rồi phải đi, không thay người à?”

Người đàn bà cầm vạt áo lên lau mồ hôi, quét mắt nhìn mấy người, “Không mệt lắm.”

Gã làm công ngồi cạnh lập tức nói, “A Anh, hay để tôi thay cho?”

Ả đàn bà lườm gã ta, mệt tới mức không có hơi sức mở miệng.

Hoài Chân đột nhiên nhớ già Huệ từng nói với cô: tuổi càng lớn thì gân cốt càng cứng.

Tiết trời tháng ba, phòng ngầm dưới đất cũng lành lạnh, vậy mà Hoài Chân thấy chiếc áo mỏng manh của cô gái ấy ướt đẫm mồ hôi, biết Hồng gia đã già thật rồi.

Hồng gia hé mở mắt rồi nhắm lại, khoát tay nói, “Ta bảo con đến đồn cảnh sát xem vụ kiện của thằng Sáu thế nào, con đến đây làm gì?”

“Không đến xem cha, con không yên tâm.”

“Xem ta chết lúc nào à? Yên tâm, sắp rồi.”

Tam thiếu mỉm cười, chỉ coi cha là ông già bướng bỉnh. Anh ta gập người, mời già Huệ chẩn mạch cho ông ấy.

Hồng gia không mở mắt cũng không từ chối, hỏi, “Tôi thế nào không phải ông đã biết sớm rồi à?”

Già Huệ nói, “Có người bỏ nhiều tiền mời tôi, sao tôi có thể không đến?”

Hồng gia cười lớn.

Già Huệ quay đầu, bảo Hoài Chân cầm hòm thuốc đứng bên nhìn.

Bắt mạch, bấm mắt cá chân cho ông ta, lại xoa ấn đầu gối, mấy lần Hồng gia lớn tiếng kêu đau.

Già Huệ tức giận cầm chân ông ta ném mạnh đi, “Ông mà còn hút nha phiến thêm nữa thì có là thần tiên cũng không cứu được.”

Hồng gia cười to, cầm tẩu hút thuốc phiện trong tay, nói, “Chính vì biết thần tiên không cứu được nên mới ở đây, giao tính mạng cho thứ đồ chơi này.”

Trong lúc nói chuyện, có một thoáng Hồng gia giương mắt liếc Hoài Chân. Sau đó bình tĩnh khép mắt lại như biết rõ điều gì.

Trong chớp mắt ấy, Hoài Chân nhìn thấy dưới hốc mắt hõm sâu của ông ta là tròng mắt tối đen nặng trĩu. Cô đã học được ít thứ ở chỗ già Huệ, nhưng trong lòng vẫn giật mình như cũ, luôn cảm thấy đó giống như triệu chứng phung phí tính mạng mình đến mức độ nào đó.

Già Huệ nói, “Ông không đi được. Ông cũng biết là tên nghiệp chướng Tiểu Lục gia không chống đỡ nổi bốn mươi con phố mà.”

Hồng gia mỉm cười, từ tốn nói, “Nếu không phải vì cái thằng nghiệp chướng đó thì sao tôi thành thế này. Cũng được, những chuyện phải chịu trách nhiệm đáng lý phải nên chịu từ lâu rồi. Hiện tại không ra hồn, còn không phải có mấy người giúp đỡ à?”

Tam thiếu nói, “Lương Sinh thấy mẹ Năm bị người da trắng vô duyên vô cớ đánh nên mới không nuốt nổi cục tức này.”

Hồng gia nhớ đến chuyện này lại điên lên, tay run rẩy, “Ả đàn bà Latin kia, ỷ vào luật pháp không thừa nhận hôn sự này, từ lâu đã được người da trắng giúp mà như diều gặp gió muốn, thoát khỏi phố người Hoa này, ta cũng bớt chuyện. Chỉ trách ả không có bản lĩnh, không thoát được. Có chuyện đến cửa cầu mày, không có chuyện lại bới ra một đống rắc rối. Nếu không phải ngày nào thằng Sáu cũng ôm eo bá vai với đám đĩ điếm Latin chỗ ả thì lý nào ả có thể để người ta gọi mình là mẹ Năm?”

Tam thiếu biết chuyện này là chỗ đau của cha nên không nhiều lời nữa.

Tuy Hồng gia vẫn còn tức, song vẫn quan tâm đến cậu quý tử, “Có điều đừng để ý đến ta nữa, nghĩ cách cứu nó ra khỏi đồn cảnh sát đi. Thằng nhãi đó bị nhốt lâu như vậy, e là bị thương còn nặng hơn ta nhiều.”

Tam thiếu đáp, “Không phải con trai đang nghĩ cách sao?”

Hồng gia không nói gì thêm.

Già Huệ khám cho ông xong thì nói thẳng: “Tôi chỉ có thể kê cho ông mấy liều thuốc mạnh, nhưng không đảm bảo được ông có thể khỏe lên.”

Hồng gia lại cười, “Khoẻ thì cũng là khoẻ của lão già Trung Quốc thôi. Bệnh như ta đây, ông có thể nhìn ra, nhưng đám người da trắng kia thì không.”

Già Huệ biết ý của ông, mọi chuyện cũng đành chịu, chỉ đành khuyên nhủ, “Thật sự không thể hút nha phiến được nữa.”

Hồng gia không nói gì thêm, chỉ cười cười, để mặc già Huệ châm cứu lên mấy chỗ máu bầm.

Cho đến trước khi rời đi, ông không nói thêm câu gì với ba người họ. Chỉ giơ tay lên gọi A Anh lại, miệng lẩm bẩm như hát khúc, lại chậm rãi nói.

“Lão Chung, hồi chúng ta còn trẻ tốt biết mấy. Lúc đó con gái cũng còn trẻ đẹp, mặc áo thời Đường lụa đen, bím tóc đuôi sam đen nhẫy bóng mượt, đi một đôi guốc mộc trên đường. Khóe miệng mỉm cười, mắt ngọc mày ngài, khi cúi đầu lại giấu rạng rỡ vào trong đáy mắt, cầm ống tiêu thổi khúc nhạc hớp hồn.”

Già Huệ nhìn ông, từ từ thu dọn hòm thuốc, bảo Hoài Chân xách lấy.

Bước ra khỏi tiệm thuốc phiện, hai người mới mở miệng nói chuyện.

Ngay đến Hoài Chân cũng không biết có cảm giác gì, chỉ cảm thấy ngũ vị tạp trần, có chút cuống cuồng.

Câu nói cuối cùng của Hồng gia giống như bức tranh treo tường kia, trong đầu cô mường tượng nên hình dáng của thiếu nữ miền Nam mấy chục năm trước, bím tóc đen đặt trước ngực, đứng cạnh dòng suối rửa mặt giặt quần áo, nở nụ cười chất phác hồn nhiên với người ta, ngay đến con tim cũng thuần khiết. Sau lưng cô gái ấy, cô như nhìn thấy một đất nước cổ kính, từng chiếc bóng màu vàng vác theo giấc mơ đẹp của cố hương cằn cỗi, bước lên từng chiếc thuyền nhỏ chòng chành. Trên mỗi chiếc thuyền ấy chở đầy những nỗi niềm cùng hình ảnh cố hương chôn sâu trong bóng dáng thiếu nữ đất phương Nam. Những bóng dáng ấy đi cùng bọn họ đến mảnh đất được gọi là “Kim Sơn”, cuộc đời trăm năm cô đơn và nhạo báng, như thể là ngọn đèn le lói duy nhất trong sự gian nan nhẫn nại khuất nhục. Năm qua tháng lại, cho đến khi đại lục ở bờ bên kia dần thay đổi lớp người mới, thì đầu này của đại lục, một trận động đất và hỏa hoạn đã thiêu sạch những năm tháng cổ xưa. Trên mảnh đất vốn là những căn nhà gỗ chật hẹp bẩn thịu lại mọc lên từng ngôi nhà gạch đen. Trong tro bụi, phố người Hoa xập xệ cùng Trung Quốc cũ xưa yếu đuối lững lờ trôi đi, phố người Hoa mới theo Trung Quốc rực rỡ phồn vinh niết bàn sống lại trong tro bụi. Mấy trăm năm ngậm bồ hòn làm ngọt, lại mọc lên một sinh mệnh ương ngạnh không chịu khuất phục, đấy chính là bọn họ từ đời này qua đời khác.

Hoài Chân gần như không biết mình ra khỏi tiệm thuốc phiện “chỗ tốt” kia thế nào. Cho tới khi già Huệ và Tam thiếu lần lượt sực tỉnh từ trong tâm trạng, tiếng nói chuyện lại vang lên lần nữa. Rồi Hồng tam thiếu gọi cô mấy lần thì cô mới đột nhiên hoàn hồn.

Hồng tam thiếu nở nụ cười bất đắc dĩ. Còn chưa kịp nhắc lại câu hỏi kia thì một luồng gió lạnh đập vào mặt, thổi bay mùi thuốc lượn lờ trên người mấy người. Sau đó tất cả mọi người đều trông thấy, dưới đèn lồng trên con đường hẹp hòi có một bóng người cao ráo đang dựa vào tường. Trong khoảnh khắc bọn họ đi ra, bóng người màu đen đó chậm rãi đứng thẳng dậy, đi về phía bọn họ, để lộ gương mặt người da trắng tuấn tú nặng nề.

Anh không giới thiệu mình mà chỉ nhếch mép coi như mỉm cười, đứng trước mặt Hoài Chân, khẽ gập lưng với hai người kia, “Xin lỗi, có thể chiếm ít thời gian của cô ấy không?”

Hoài Chân ngẩn người, nhớ lại vừa rồi hình như Tam thiếu có lời muốn nói với cô.

Hồng tam thiếu nhìn người da trắng rồi lại nhìn Hoài Chân, lễ phép nói, “Tôi và Huệ đại phu chờ em ở phía trước.” Sau đó cả hai rảo bước rời đi.

Ở ngã rẽ trên đại lộ có tiếng nói chuyện mơ hồ, không biết Hồng tam thiếu nghe chuyện gì thú vị mà bật cười.

Hoài Chân cảm thấy có lẽ già Huệ đang kể chuyện phong lưu của cô. Vừa hay bả vai mỏi nhừ, cô nhân cơ hội đặt hòm thuốc xuống đất, che giấu đi sự bất an nho nhỏ.

Sau đó cô nghe thấy Ceasar nói, “Vừa nãy tôi nhìn thấy em đi vào.”

“… Không phải nơi tốt đúng không?”

“Cũng tạm, còn… rất đặc sắc.”

Hoài Chân đột nhiên muốn hỏi anh, anh có thấy những bức tranh nữ ngực phẳng kỳ lạ kia không, nhưng rồi lại nghĩ bọn họ còn chưa thân đến mức độ đó, đành sờ tóc, đổi đề tài, “Đợi lâu lắm rồi đúng không. Có chuyện gì không?”

“Không có.”

“… Ừ.”

“Tôi sắp đi rồi… Chỉ muốn đến báo cho em vậy thôi.”

“Bao giờ?” Cô phát hiện giọng mình nhỏ đi.

“Hai tuần nữa.”

“Sao nhanh vậy.”

“Thi thế nào rồi?”

Hoài Chân cười, “Tôi cảm thấy mọi chuyện rất tốt. Tôi có thể sửa lại được giọng Anh rồi…”

“Ừ, nghe thấy rồi.”

“… Cám ơn.”

“Đây không phải là một đề tài vui vẻ đúng không?”

Hoài Chân bật cười.

“Vậy em có thời gian đi với tôi không… Ý tôi là, một cuộc hẹn chẳng hạn.”

Hoài Chân đang định nói có thời gian. Nhưng trong khoảnh khắc mở miệng, cô lại sửng sốt.

Tiếng Anh của cô đã khá hơn nhiều rồi, khá đến độ cô có thể ý thức được sự khác biệt trong cách anh dùng từ.

Anh vừa nói là, “hang out” và “date”.

Ceasar lặp lại lần nữa.

“Đúng, chính là kiểu hẹn mà em đang nghĩ đấy. Quên tám nghìn đô kia đi, với cả những thứ bừa bộn em đang nghĩ trong đầu nữa, có được không?”

“Thế anh sẽ nói cho em biết đàn ông cần phải chú ý gì trong buổi hẹn hả?”

“Nếu em muốn nghe.”

Hoài Chân cười phì.

Ceasar không cười. Anh cúi người nhìn vào mặt cô, “Đừng từ chối tôi.”

Bảo cô từ chối thế nào đây.

Hoài Chân thôi cười, thấp giọng “vâng”.

Ceasar thở phào.

“Vậy hôm nào thì em rảnh?” Anh hỏi tiếp.

Cô vẫn có thể nghe thấy âm thanh trong lòng mình đang nói: Chuyện này đối với anh chỉ là chuyện nhỏ, nhưng đối với mày là không thể vãn hồi.

Thế là cô nói với anh, “Cuối tuần đều rảnh, với cả, em hy vọng đó có thể là ngày nói lời tạm biệt trong vui vẻ.”

Ceasar cười khẽ, “Vậy thì đừng lỡ hẹn được không? Nếu không tôi sẽ đau lòng lắm.”

Anh không đùa. Anh đang nghiêm túc.

“Em nào dám.” Cô nửa trêu.

Tiếng cười và tiếng phát biểu không hợp thời ở đầu kia truyền đến, Hoài Chân ngoái đầu nhìn, thấy hai người kia cũng đang nhìn cô.

Cô cúi đầu tìm tòi, vì ngược chiều sáng nên không mò thấy hòm thuốc kia đâu.

Anh cúi người xách hòm thuốc kia lên cho cô, nói, “Đi thôi. Tôi đã hứa sẽ không chiếm nhiều thời gian của em rồi.”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.