Kim Sơn Hồ Điệp

Chương 5: Trạm di trú trên đảo Thiên Thần (1)




*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Con tàu chạy thêm được một đoạn thì Hoài Chân cảm giác có gì đó không đúng, cô bèn quay đầu lại, phát hiện một đôi mắt phượng đang lẳng lặng nhìn mình chằm chằm.

Trong chớp mắt ấy, Diệp Thùy Hồng từ tốn mỉm cười, để lộ hàm răng chỉnh tề, “Tôi thấy trong đôi mắt của cô gái này có điều thú vị.”

“Thú vị là thế nào?”

Khương Tố bị câu nói bằng tiếng phổ thông của cô dọa sợ.

Diệp Thùy Hồng vẫn bình tĩnh mỉm cười: “Cô nghe hiểu được tiếng phổ thông?” Ý nói là: cô đã nghe được bao nhiêu về cuộc trò chuyện của bọn tôi đêm qua rồi?

Hoài Chân lại nhìn ra ngoài cửa sổ, thờ ơ bổ sung một câu, “Tiếng phổ thông của tôi không được tốt lắm.”

Quả đúng là không tốt. Nghe giống phương ngữ miền Bắc song lại không có âm cổ họng của phương Bắc, cũng không có dấu vết của tiếng Ngô*, khá là nghiêm túc, không biết học ở đâu.**

(*Tiếng Ngô là một trong những bộ phận lớn của tiếng Trung Quốc. Tiếng Ngô được nói ở phần lớn tỉnh Chiết Giang, thành phố Thượng Hải, Nam Giang Tô, cũng như một số phần nhỏ hơn của các tỉnh An Huy, Giang Tây, và Phúc Kiến.)

(**Chú thích của tác giả: Lúc bấy giờ đang phổ biến quốc ngữ, giọng ở phía Nam có lẫn khẩu âm tiếng Ngô, còn giọng phương Bắc lại có âm cổ họng. Tiếng phổ thông hiện tại lại tương đồng với tiếng Ngô của khẩu âm phương Bắc, song không có âm cổ họng.)

Hoài Chân dùng dây chun buộc tóc qua một bên, cầm lấy áo khoác đã hơ khô bên lò sưởi lên mặc vào. Mọi người lục tục chạy ra boong tàu, tiếng gõ cửa bên ngoài cũng như rượt nhau. Rõ ràng Khương Tố muốn nhanh chóng kết thúc đề tài này, vừa xách hành lí vừa mở cửa khoang ra, thục giục hai người mau ra bến tàu với bà ta.

Bọn họ theo dòng người chật chội đồng loạt dồn ra hành làng dài, đứng trên boong ồn ào huyên náo. Tiếng còi tàu vang lên liên hồi, mười mấy thủy thủ bám vào dọc mạn tàu ném neo xuống nước. Vóc dáng Hoài Chân quá thấp, chen chúc trong đám đông, chỉ có thể nhìn thấy mặt nước được đèn hải đăng nhuộm sáng; vịnh San Francisco yên tĩnh lúc này đang ở ngay trước mắt, chân thực tồn tại trong tiếng hoan hô trầm trồ xung quanh, yên tĩnh đợi cô cập bến.

Một cảm giác choáng váng ập mạnh đến trong lòng, Hoài Chân bừng tỉnh, không biết là Mộng Khanh bị thay thế bỗng sống lại, hay là chính bản thân sống trong giấc mộng dài không tỉnh của Mộng Khanh.

Trời vẫn đổ mưa rơi lất phất, tóc và lông mi đều bị dính ướt. Cô ngẩng đầu lên, vừa vặn trông thấy người da trắng và vài người da vàng trên lối đi ở khoang hạng nhất đang bình tĩnh uống trà đỏ.

Từng chiếc vali da thuộc to lớn kéo đi trên đường, chuyền qua tay của người hầu châu Âu trên tàu để đến lối đi trong cùng ở khoang hạng nhất. Cửa mở ra, mấy chiếc vali sẽ được đưa lên ca-nô để vận chuyển lên bờ trước chủ nhân của chúng, sau đó được chuyển tới xe có rèm che. Rồi cuối cùng, các hành khách ở khoang hạng nhất mới được mời xuống tàu cập bến.

Ở bên tai, La Văn không ngừng lặp đi lặp lại những câu hỏi với thông tin gia đình mà lát nữa nhân viên hải quan ở trạm di trú sẽ hỏi cô. Cô im lặng lắng nghe, bất chợt nhớ lại cuộc gặp gỡ đêm qua —— đối với người khác thì cuộc gặp ấy chẳng hề có chút vui vẻ, nhưng không biết vì sao lại để cô cảm thấy, thật sự lúc này bản thân vẫn còn sống.

Quý ông nhà Crawford nho nhã lễ độ, cô gái tóc vàng Muhlenberg ngây thơ hồn nhiên, cùng với người anh cả trẻ tuổi cũng có ác ý với người da vàng giống cô gái kia, bọn họ sắp đi qua lối đi miễn kiểm tra, ung dung dễ dàng rời khỏi đảo Thiên Thần để đến thành phố San Francisco, ngày nào đó trong tương lai sẽ trở về nhà ở bờ biển phía Đông, từ đấy không còn gặp lại nhau nữa, giống như một vài kẻ phân biệt chủng tộc mà cô gặp phải khi đi du học đã chỉa tia hồng ngoại vào cô ở kiếp trước.

Nhưng Hoài Chân không ngờ, cuộc gặp mặt tiếp theo lại lại nhanh như thế.

***

Xuống tàu, có hai cảnh sát to béo đứng trên bến tàu, đưa mắt nhìn từng người một ở trên boong, nhấn mạnh lặp đi lặp lại: “Không phải công dân nước Mỹ thì lên bờ từ bên này! Người da vàng, không kể quốc tịch, thì lên bờ bên này!”

Có một số người Anh ở Canada rất bất mãn, nói móc mấy câu.

Cảnh sát Mỹ lập tức trợn tròn mắt hỏi ngược lại: “Chê rắc rối thì sao các người không lên bờ ở đảo Ellis bên bờ Đông?”

“Đảo Ellis? Đi từ Hương Cảng? Xuyên qua toàn bộ đại lục Âu Á và Đại Tây Dương, sau đó đi tàu hết nước Mỹ?”*

(*Bản đồ cho dễ hình dung. Từ Hongkong đến đảo Ellis ở bờ Đông nước Mỹ thì sẽ đi qua đảo Thiên Thần trước.)

c5

Người ở hai nước tranh chấp với nhau gay gắt tới nỗi cảnh sát suýt móc súng bên hông ra, lúc bấy giờ mới đành ngậm ngùi không giải quyết được gì. Người Anh hậm hực xuống thuyền, trên mặt người cảnh sát hải quan càng ra vẻ dương dương đắc ý – giờ đây nơi này là địa bàn của người Mỹ, tất cả đều thế. Ai bảo các ngươi nếm mùi thất bại?

Dưới sự kiểm tra của cảnh sát, tất cả những người da vàng lần lượt bước lên con đường lát ván dưới hải đăng được bố trí riêng cho họ. Hoài Chân im lặng đi theo sau La Văn, từ đằng xa trông thấy hơn mười cô gái trẻ tuổi theo sau một người đàn bà da vàng, cùng xuống tàu dưới cái nhìn soi mói của cảnh sát. Mấy cô gái đó cao có thấp có, nhưng đều gầy gò vàng vọt, môi khô nứt, trên mặt dặm lớp phấn dày, khiến gương mặt trở nên trắng đến quái dị giống búp bê trắng, còn trên cổ lại buộc một vòng đen vàng.

Khi hai người cảnh sát trên tàu hỏi người đàn bà kia là “các cô gái này với bà có quan hệ thế nào”, bà ta cũng dùng thứ tiếng Anh bồi giống Khương Tố hay nói để trả lời: “Me daughter, they all me daughter.” (Đây đều là con gái của tôi.)

“Con gái? Ha ha ha ha ha ha….” Hai cảnh sát to béo cười tới mức đau cả bụng: “Đến heo cũng không đẻ được ổ con gái lớn như vậy.”

So ra thì Khương Tố cẩn thận hơn nhiều. Bởi vì chính bà ta “quá nổi tiếng”, nên đi cùng với bà ta là một người đàn ông trung niên, Diệp Thùy Hồng nắm tay một cô gái mười ba mười bốn tuổi đi theo sau lưng một đôi vợ chồng. Suốt hành trình, Hoài Chân không thấy cô gái nào khác bất ngờ đồng hành ngoài Diệp Thùy Hồng – có lẽ cũng có nhiều người giống cô và La Văn, quần áo đơn giản sạch sẽ, tụ năm tụ ba làm thành một đội, mỗi người được chia đều cho “phụ thân” hoặc “mẫu thân” có tư chất di trú.

Người về nước và người ngoại tịch nhập cảnh chia làm ba hàng, còn người Hoa có riêng một hàng. Bên phải đội ngũ là đám đông người da trắng cao lớn im lặng đứng đó, càng lúc càng đông, khiến những người Đông Phương bé nhỏ như cô như đi lạc vào đất nước của người khổng lồ.

Đội ngũ người da trắng di chuyển rất nhanh. Các cô vừa xuống tàu thì con đường bên phải đã gần như trống rỗng. Dọc theo đường đi leo lên đảo, trên cột đá cẩm thạch trắng ở phía bên phải có treo một chiếc chuông đồng, lắc lư nhẹ nhàng theo gió biển phát ra tiếng “ting tang ——” vang vọng cổ xưa.

Cuối con đường dài và hẹp ở bến tàu là một tòa nhà mái bằng hai tầng, đây chính là trạm di trú ở đảo Thiên Thần. Ngọn hải đăng nằm sau lưng trạm di trú, ánh đèn chói mắt ở ngay trên đỉnh đầu, làm người ta không mở nổi mắt.

La Văn kéo cô đi sát theo sau người đàn bà dẫn mười mấy cô gái kia, đi qua cửa hàng rào vào tòa nhà trạm di trú màu đỏ.

Trong trạm di trú hai tầng là không gian vô cùng thoáng đãng; ở tầng hai có một ban công hẹp, lan can sắt chạm rỗng, có người da trắng đứng đấy nói chuyện phiếm, không biết đang nói gì; tường sơn màu xanh lam, là loại sơn màu phổ biến ở Đông Nam Á và Nam Trung Quốc vào cuối thế kỷ 20. Với Hoài Chân, thật sự có cảm giác thân thiết cổ xưa.

Ở chính giữa là một buồng ngăn nhỏ lợp kính thủy tinh, được thiết lập riêng trong trạm di trú, dùng để vặn hỏi “những người Hoa xảo trá vượt biên”; bên ngoài căn phòng kính là dãy ghế trống để nhóm người kế tiếp ngồi chờ; cạnh cánh cửa đối diện dãy ghế có một gã cảnh sát béo mũi cà chua, đang mắt lớn trừng mắt nhỏ với bọn họ. Sau mấy giây, gã ta ngáp dài.

Người đàn bà dẫn theo mười mấy cô con gái đi vào buồng ngăn trước, La Văn và Hoài Chân cùng đôi vợ chồng châu Á đi du lịch về ngồi trên ghế chờ. La Văn khá căng thẳng, đứng ngồi không yên, không kìm được ngọ nguậy liên hồi, còn khiến tim người ta đập thình thịch hơn cả đồng hồ quả lắc to tướng kêu tích tắc cuối hành lang.

May mà cửa buồng thủy tinh ở bên trái đã mở ra, Khương Tố cùng người đàn ông đồng hành nhanh chóng bước ra. La Văn nghe thấy tiếng liền ngẩng đầu lên, Khương Tố âm thầm ra hiệu “không thành vấn đề”, lúc này bà ta mới thả lỏng.

Hoài Chân nhân đó tính toán.

Trước đó có nghe hai người cảnh sát da trắng nói chuyện, những người vượt biên đều được đưa về nước, khi đó cần phải trả cho lãnh sự quán 600 đô la tiền bảo đảm, theo vật giá vào thời điểm này thì nó tương đương với 2400 đồng bạc.

Nhìn tình hình trước mắt, người tự chuộc cần trả thấp nhất là 425 đô la, nhiều nhất cũng không quá 3000 đô.

Nhưng trong cùng một niên đại, làm cùng một công việc, thì tiền lương kiếm được ở Mỹ khác xa một trời một vực ở Trung Quốc.

Giả sử cô có được công việc bán thời gian thì mỗi tháng có thể kiếm được hai mươi lăm đô la, cùng điều kiện như thế nhưng nếu ở trong nước thì cô chỉ có thể kiếm được tám đồng bạc, cụ thể có thể tham khảo thủ thư nổi tiếng nào đó*.

(*Người tác giả nhắc đến ở đây là Mao Trạch Đông, ông từng là Trợ lý Thủ thư Thư viện Đại học Bắc Kinh, tiền lương mỗi thám là 8 đồng.)

Trong tiền đề này, quay về nước trả hết 2400 đồng tiền đảm bảo thì phải mất đến hai mươi lăm năm.

Còn ở Mỹ, muốn trả hết 3000 đô la thì cùng lắm chỉ cần mười năm.

Ngoài ra, còn phải cân nhắc đến các vấn đề như du học có tiện lợi không, có gặp phải chiến tranh không.

Có câu nói, thà làm chó thời bình chớ làm người thời loạn. Cô cũng không phải là nhân tài loại hình kỹ thuật, cũng không có bản lĩnh lớn cứu giúp khắp thiên hạ. Đã không gây loạn thêm cho tổ quốc là tốt lắm rồi, giờ mà về nước thì còn đeo thêm cái nợ nước ngoài tư bản sáu trăm đô la, đây còn không phải là thêm loạn sao?

Nửa đùa nửa thật tính toán một lúc, dù gì cũng nhẩm ra được chút manh mối trong mớ bòng bong.

Hai người Khương Tố còn chưa bước ra khỏi trạm di trú, thì cánh cửa trước mặt Hoài Chân bất chợt bị đẩy mở.

Hai cảnh sát kéo một người đàn bà khóc thất thanh, chính là mẹ của mười hai cô gái kia. Bà ta lùn nên khi bị người ta giữ lấy, hai chân vùng vẫy trên không đạp tứ tung, tiếng hét vang vọng khắp trạm: “Me daughter, you can not send them back HongKong! Me have no daughter——” (Con gái của tôi, các ông không thể gửi chúng nó về Hương Cảng được! Con gái tôi không phải ——)

“Những lời này cứ giữ lại mà nói với thẩm phán California đi, đồ lừa đảo bịp bợm.” Dứt lời, người đàn bà bị ném ra khỏi trạm di trú.

Mấy phút sau, cảnh sát vỗ tay, “Người tiếp theo, Lowan Kwai.”

La Văn đáp một tiếng. Hoài Chân đứng dậy theo bà ta, đi vào phòng kính dưới cái nhìn chòng chọc của cảnh sát cao lớn.

Vừa vào phòng, Hoài Chân vô cùng sửng sốt. Bài trí trong phòng rất ít: chỉ một chiếc bàn rộng lớn, mỗi bên một chiếc ghế da, bên kia có một chiếc ghế đẩu; đối diện bàn có một chiếc ghế dài, ngoài mấy thứ đó ra thì chỉ còn lại một chiếc cân nằm trong góc.

Người râu quai nón ngồi sau bàn có lẽ chính là nhân viên ở trạm di trú.

Trên chiếc ghế đẩu ở cạnh bàn có một chồng tài liệu để mở, trang bìa chia làm hai, bên trái là tiếng Anh, bên phải là tiếng Trung phồn thể – có lẽ là vị trí phiên dịch tiếng Trung.

Đúng như dự đoán, “Gần đây có rất nhiều người của Đảng Cộng hòa đến California, thậm chí trong đó có ba nghị sĩ. Hình như lại muốn chỉnh sửa đạo luật liên quan đến người Hoa, nếu không thì nhân viên điều tra cũng sẽ không thường xuyên ngó ngàng đến trạm di trú như vậy. Mời vừa rồi lại có mấy người đến, nói là có người tố cáo tài liệu di trú của người Hoa không thật, thông dịch viên tiếng Trung của chúng tôi vừa được mời đi phiên dịch tài liệu rồi. Cho nên xin ngồi đợi một lát, anh ta sẽ trở lại ngay. Tôi đoán sẽ không trì hoãn nhiều thời gian đâu. Sao thế phu nhân, nhìn bà có vẻ căng thẳng?”

Hoài Chân né người liếc nhìn, sắc mặt La Văn còn kém hơn ban nãy. Xem ra Khương Tố ra hiệu cũng không có tác dụng gì.

Lại nhìn một cái, ánh mắt của La Văn cứ dao động giữa cửa hông sau lưng nhân viên và chiếc ghế đẩu. Trong lòng Hoài Chân chợt động: thì ra người thông dịch kia là người của hội Khương Tố.

“Bà có khỏe không?”

“Bình thường.”

“Thế thì tốt. Đừng để nghị sĩ của Đảng Cộng hòa hù dọa, dù sao thì bắt đầu từ năm 1924, tất cả đạo luật đều đang đổi mới theo chiều hướng tốt mà, không phải sao? Nhất định lần này cũng thế – vậy còn cô, quý cô đáng yêu này?”

Hoài Chân ngẩn người, suýt nữa đã mở miệng dùng tiếng Anh trả lời “tôi khỏe cảm ơn còn anh”.

May mà La Văn đã kịp thời nói, “Con gái tôi không biết tiếng Anh.” Rồi quay sang dùng tiếng phổ thông hỏi cô: “Người ta hỏi mày có căng thẳng không?”

Hoài Chân lắc đầu.

Cô căng thẳng cái gì? Nhập cảnh cũng được mà bị đuổi về nước cũng được, dù gì cũng bị con sóng số mạng đẩy về phía trước, những chuyện đó với cô mà nói thì có gì khác nhau.

Cô như thế không phải là cô bi quan.

Thân thể này đi một vòng ở quỷ môn quan nên vẫn rất yếu. Lại còn lênh đênh một đêm trên biển trong bão táp, cô thật sự không chịu nổi nữa rồi. Cô không muốn lại phải đi tàu ra biển một lần nữa.

Nhân viên di trú hỏi: “Để tránh chậm trễ nhiều thời gian, trước khi thông dịch viên quay lại, cho phép tôi hỏi cô vài vấn đề đơn giản. Những câu hỏi này, có lẽ mẹ cô có thể phiên dịch cho cô.”

La Văn thuật lại đại ý bằng tiếng Quảng Đông. Tốc độ nói khá chậm, rất dễ hiểu.

Cô gật đầu, trong lòng hồ nghi, không biết có nên quy điều này về cho công lao của những bộ phim TVB cô xem hằng năm hay không, hay là do trung khu vận động ngôn ngữ và trung khu thính giác ngôn ngữ của cơ thể chưa bị tổn thương hoàn toàn, cho nên cô vẫn có thể nghe hiểu được tiếng Quảng Đông.

Quan di trú mở bản “Tuyên thệ Di trú” ra.

“Bố cô tên gì?”

“Fu, Kwai.”

“Còn mẹ?”

“Lowan, Kwai.”

“Cô có biết cha cô làm gì ở Mỹ không?”

“Ông ấy mở một cửa tiệm giặt quần áo ở đường Grant Avenue tại San Francisco.”

“Còn mẹ?”

“Mẹ giúp đỡ trong cửa tiệm của bố, có lúc dệt vài bộ quần áo.”



Ngay sau đó, cô nghe nhân viên di trú hỏi, “Tên cô là gì?”

Hoài Chân nhìn bản Tuyên thệ Di trú dán ảnh của Mộng Khanh trong tay nhân viên, chợt trong đầu lóe lên.

Nếu nói cô còn có tư tâm gì khác với Tân Đại Lục này…

Nếu thuận lợi được đăng ký dưới danh nghĩa La Văn có tư chất di trú, thì cô có thể nhận được một tấm thẻ căn cước mới, và cái tên ghi ở trên đó, có thể là…

Trước khoảnh khắc này, cô vẫn còn hơi mù mờ luống cuống, không biết vì sao mình lại ở đây.

Song đến bây giờ, trong lòng Hoài Chân giật mình, như thể vừa tỉnh dậy sau giấc mộng, cảm giác mình đã sống lại một nửa.

Có phải đây chính là cơ hội duy nhất để cô thoát khỏi số mệnh của Mộng Khanh không?

“Hoài Chân… Waai zan, Kwai.”

Bút trong tay nhân viên khựng lại.

Anh ta còn chưa kịp hỏi gì thì cô đã bình tĩnh nói tiếp: “Bình thường người Trung Quốc có hai tên. Tôi thích cái tên Hoài Chân hơn Mộng Khanh.”

La Văn phiên dịch lại đúng y hệt. Vào khoảnh khắc này, trước mặt nhân viên của trạm di trú, bà ta không dám làm gì khác thường.

Quan di trú quanh năm tiếp xúc với người Hoa nên rõ ràng đây không phải lần đầu nghe đến chuyện này. Anh ta vạch một đường thẳng lên cái tên “Munghing” do lãnh sự quán ở Quảng Châu viết, sau đó viết một hàng chữ cái in hoa ở bên cạnh —— Waaizan.

Đã hỏi đáp xong tài liệu cơ bản, nhân viên di trú mở tài liệu ra cho cô xem qua.

Hoài Chân nhìn thấy trên bản “Tuyên thệ Di trú” được Khương Tố ngụy tạo, lãnh sự quán Quảng Châu để lại một dòng chú thích tiếng Trung.

Mộng Khanh, Quý —— Waaizan(Munghing), Kwai.

Quý Hoài Chân.

Đây chính là thân phận mới trong sinh mạng mới của cô.

Thông dịch viên vẫn chưa quay về.

Nhân viên ở trạm di trú nhìn đồng hồ, bĩu môi nói, “Nếu không phải là tài liệu có vấn đề, vậy chắc chắn là nhân viên của cục điều tra có vấn đề.”

Rồi sau đó anh ta lại mở ra một trang tài liệu khác, nói tiếp: “Tiếp theo, quý cô, tài liệu này yêu cầu ghi lại cân nặng lúc cô nhập cảnh, điều này sẽ giúp cho việc xác định cô có mang thai hay không.”

Nói đoạn, anh ta liền chỉ vào trong góc.

Hoài Chân hiểu ý, cởi đôi giày vải trên chân ra, chân trần dẫm lên chiếc cân đo sức khỏe.

Khi cây kim vẫn còn đung đưa giữa số 35 và 50, thì cô nghe thấy cánh cửa sau lưng nhân viên di trú bật mở.

Ba cảnh sát cao to đi vào, một người trong đó nói, “Tiếc thật. Đêm qua nhận được điện báo, có người nói trên Santa Maria có kẻ vượt biên, hình như còn xảo quyệt hơn chúng ta nghĩ. Hơn nữa quả thật tài liệu của trạm di trú năm trước có vấn đề – có thể thông dịch viên tiếng Trung của các anh tạm thời không phân thân được.”

Nhân viên ở trạm di trú đẩy mắt kính, “Ồ, người đàn bà dẫn theo con gái vượt biên vừa bị cảnh sát của chúng tôi đưa ra ngoài rồi. Nếu bà ta không thể nộp 600 đô la tiền bảo đảm cho mỗi một đứa con gái, thì sáng mai ‘đám con gái’ của bà ta sẽ bị tống cổ về nước…”

“Không, không chỉ bọn họ đâu.” Người cảnh sát dẫn đầu lấy thẻ cảnh sát khắc hình chim đại bàng ra, đưa cho nhân viên trạm di trú, “Chúng tôi nghi ngờ tài liệu do lãnh sự quán tại Quảng Đông và cảng Hương Cảng cung cấp không đủ. Cho nên tiếp theo, người Hoa nhập cảnh có thể phải bị hỏi thêm mấy câu nữa. Có được không?”

Nhân viên cục di trú đứng dậy, gật đầu một cái.

Một người cảnh sát trong đó quay đầu lại, hô ra bên ngoài: “Ceasar, đến đây phiên dịch giùm bọn tôi đi.”

Xa xa trong phòng khách truyền đến âm thanh: “Sao lần nào cũng là tôi thế hả? Tôi đi tàu ba mươi ngày, vừa mới lên bờ đấy! Tôi chỉ là một công dân bình thường, không phải để các anh sai khiến ——”

Dường như ở đằng sau có người đạp anh ta một phát, “Nhiều lắm cũng chỉ mười phút thôi!”

Mấy người cảnh sát nghiêng mình nhường đường, anh ta cười đi vào.

Âm thanh vô cùng quen thuộc, phát âm rất chuẩn, không phải khẩu âm Nevada.

Hoài Chân xoay đầu lại nhìn.

Ceasar nhướn mày nhìn cô, nhoẻn miệng cười rồi lễ phép hỏi nhân viên di trú: “Thật không khéo, vừa hay tôi biết được chút tiếng Trung, có lẽ tôi có thể cống hiến mười phút vì tiên sinh phiên dịch kia chăng?”

La Văn nhìn sang bên kia, giật mình bất an, vì căng thẳng mà trong cổ họng phát ra âm thanh rời rạc.

“Làm phiền rồi. Mời vào.” Nhân viên ở trạm di trú mỉm cười, “Hy vọng cậu không quá hà khắc với cô gái người Hoa này của chúng tôi.”

Ba cảnh sát xoay người khép cửa lại, lần lượt ngồi xuống ghế da ở bên trái.

Ceasar cười, giọng nhẹ nhàng chậm rãi: “Sao biết được?”

Nói đoạn anh ta đi băng qua nửa căn phòng, cầm tài liệu trên chiếc ghế đẩu kia lên. Sau đó anh ta gập người ngồi xuống, đôi chân dài không có chỗ gác, trong nháy mắt chiếc ghế đẩu kia trở thành ghế kê chân.

“Đến đâu rồi?”

“Ở mục cân nặng.”

“Ồ. Hoài Chân mở ngoặc Mộng Khanh, cân nặng…” Anh ta quay đầu nhìn kim chỉ, đột nhiên lời nói im bặt.

Nhân viên trạm di trú tưởng anh không đọc được số, bèn đẩy mắt kính, đọc lên con số đáng yêu kia thay anh: “Tám mươi lăm pound.”*

(*85 lb xấp xỉ 38,5 kg.)

____________

P/S: Các cái tên “Lowan”, “Kwai”, “Munghing”, “Waaizan” đều là phiên âm của tiếng Quảng Đông.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.