Kim Sơn Hồ Điệp

Chương 25: Đồi Telegraph (5)




La Văn vừa thấy già Huệ thì lập tức thở phào, nét mặt buồn rầu đã tan biến, nở nụ cười tươi rói mời ông ở lại ăn cơm.

Già Huệ cũng không từ chối. Trên chiếc bàn vuông, Hoài Chân và Vân Hà chen chúc trên một băng ghế, già Huệ chỉ bảo Hoài Chân tuần sau bắt đầu, tan học thì cô đến phòng khám tìm ông, sau đó không nói gì thêm. Nghe người lớn nói chuyện với nhau, hai cô gái cũng không thể nói xen vào, ăn cơm xong thì về phòng mình làm bài.

Ngồi một mình trên chiếc ghế trong căn phòng nhỏ, đối mặt với lá cờ Thanh Thiên Bạch Nhật, rốt cuộc Hoài Chân cũng nghiệm ra được quy tắc trên phố người Hoa.

Dạng phụ nữ như La Văn có sự tính toán chi li của dân thành phố, vì đủ nguyên nhân mà sinh ra dục niệm tham lam, không đủ khôn khéo lại còn nhút nhát sợ sệt. Bà vừa áy náy với Hoài Chân vì lòng tham của mình, nhưng đồng thời bà cũng muốn bảo vệ gia đình nhỏ của mình, nên vì vậy mà trong lòng sinh ra mâu thuẫn về Hoài Chân.

Phố người Hoa đều dựa vào Hồng gia che chở. Hoài Chân lại chạy thoát ngay dưới mí mắt Hồng gia, cuối cùng lại “bị” cảnh sát da trắng mà cả phố người Hoa đều ghét cay ghét đắng đưa về. Bị Hồng gia ghi thù thì từ rày về sau đừng mơ sống tốt. Đến lúc đó nếu khu phố này bị lũ người da trắng gây chuyện, không chừng có người sẽ  vì Hoài Chân mà trút mọi thứ lên đầu tiệm giặt giũ A Phúc.

A Phúc nói đúng. Từ trước đến nay người da trắng đối nhân xử thế khá đơn giản, tiêu chuẩn duy nhất trong cách hành xử chỉ gỏn gọn một câu “thiên hạ không có bữa ăn chùa”. Đêm đó Ceasar đưa cô rời khỏi rạp hát ở phố người Hoa,đến căn hộ của anh ở một ngày, tới hôm sau mới mời cảnh sát liên bang đến đưa cô về, tất cả cũng là vì nghĩ cho cô chỉ có một thân một mình, lại còn đắc tội với đầu sỏ Hồng gia, nếu muốn an phận ở lại thì dù gì cũng phải ra oai phủ đầu đám “điêu dân” này. Thế nên hôm nay cảnh sát đến cửa viếng thăm rồi lại tặng hoa, nói không chừng là muốn để người ta biết “cô gái này được đạo luật di trú nước Mỹ giám sát và bảo vệ”, nhưng cũng vì thế mà Hoài Chân bị đẩy về phía đối lập với toàn bộ phố người Hoa quyết không đội trời chung với người da Trắng.

Ý của già Huệ chính là muốn thu nhận cô, lời này không khó hiểu. Nhưng trong lời của già Huệ có hàm ý, hiểu ra ý đó lại thấy khá đáng gờm.

Con gái người Hoa nhà mình vì cầu mạng sống mà lại để người da trắng động lòng trắc ẩn trước, Huệ đại phu không cách nào tiếp nhận được sự thật hoang đường đó. Chó ngáp phải ruồi thế nào mà cách nghĩ của Ceasar lại để Huệ đại phu đồng ý nhận cô làm học trò vào lúc này.

Ngoài ra, sự chênh lệch giàu nghèo và đạo luật bài trừ người Hoa cũng đem đến thân phận khác xa. Vào thời đại này, tình yêu giữa con gái người Hoa và người da trắng luôn bị những kẻ hèn mọn tự ái trên khu phố Hoa nhìn với ánh mắt khinh bỉ. Pinkerton và Ciocio trong nhạc kịch Puccini, Chris và cô Kim trong Cô Gái Sài Gòn, Ellen và Liên Hoa trong Hải Thệ (1)… Câu chuyện tình yêu của thời đại do chiến tranh mang đến, trong mắt người Hoa ở thời này, ấy là sự phụ thuộc của kẻ yếu với kẻ mạnh, là bất công, là sự xúc phạm nền văn hóa phương Đông bởi văn hóa của cường quốc.

Cô biết A Phúc có nhiều ít bận tâm, nếu không cũng sẽ không dẫn cô đến quán trà Quảng Đông, nói với cô đạo lý “nợ tiền là chuyện nhỏ, nợ tình mới cam go”. Còn Huệ đại phu lại sáng suốt hơn A Phúc nhiều, vì thế nên lúc đến còn cố tình cầm theo một tờ báo của người da trắng, cố ý bảo Vân Hà phiên dịch tại chỗ, đại để là muốn A Phúc yên tâm: dù đang ở trong tình hình phân biệt chủng tộc bất bình đẳng, chúng ta cũng có thể cố gắng duy trì mối quan hệ bình đẳng.

Chuyến viếng thăm này của già Huệ rốt cuộc cũng để tảng đá trong lòng A Phúc rơi xuống. Tuy bình thường ông vẫn ôn hòa song cũng khá lo lắng; cho đến tận hôm nay, cuối cùng trời quang mây tạnh, tự nhiên thả lỏng hơn nhiều.

Trước khi đi ngủ, rốt cuộc Vân Hà cũng dịch xong tờ báo kia, cầm một túi bánh may mắn* đến hai người chia nhau ra ăn.

(*Bánh may mắn là một loại bánh quy giòn, hình bán nguyệt bẻ gập ở giữa, bên trong có một tờ giấy nhỏ in một thông điệp “bạn là một người thông minh” hay một câu danh ngôn như “ở hiền gặp lành” hoặc một dãy các con số mà đã có người dùng để mua vé số và trúng xổ số.)

Nhân lúc Hoài Chân vẫn đang đọc sách, cô mặc đồ ngủ nằm trên giường đọc to:

“Lúc hẹn hò phải cố gắng thả lỏng tâm trạng, nhất định phải thật vui vẻ tự nhiên; đừng nói quá nhiều, tốt nhất không nên chủ động nhắc đến bạn trai cũ —— À, em có bạn trai cũ không?”

“…” Hoài Chân cắn miếng bánh may mắn, nhìn lên trần nhà, “Không có.”

Độc thân 19 năm từ lúc sinh ra, trước đây không có, bây giờ cũng không.

Vân Hà lại đọc tiếp xuống dưới: “Muốn tỏ vẻ ‘bạn có hứng thú với người ấy’ thì cũng phải tỏ vẻ một cách có chừng mực… Lần đầu ăn tối sẽ do đàn ông làm chủ, nhưng không được gọi món đắt tiền, nếu không có thể sẽ dọa đối phương chạy, lại càng không được ăn rau chân vịt! Nếu muốn có bước tiếp theo thì phải nhìn vào mắt đối phương, chân thành nói: ‘Hôm nay em rất vui, xem ra chúng ta rất hợp nhau, em rất muốn gặp lại anh’. Đấy sẽ là tiền đề cho buổi hẹn hò lần sau…”

Hoài Chân im lặng lắng nghe.

Chân thành nói hôm nay em rất vui, xem ra chúng ta rất hợp nhau, em rất muốn gặp lại anh?

Bản năng cầu sinh mách bảo cô rằng, tốt nhất không nên thử nghiệm chuyện như vậy.

Bài báo kia đúng là khá dài. Đọc được một nửa, Vân Hà đã mơ màng gật gù trong phòng cô. Hoài Chân đã đọc sách địa lý xong, ngồi bên mép giường, cầm lấy tờ báo trong tay cô nhìn tiếp bên dưới.

Dòng cuối cùng có viết: tình yêu là tự do công bằng, không phải là cuộc chiến của chính trị gia giữa hai nước, càng không phải là một cuộc thi. Hãy quên đi sự khác biệt giàu nghèo và chênh lệch về địa vị, chí ít trong khoảnh khắc linh hồn giao thoa, cả hai bên đều công bằng.

Câu này cũng có ý tương tự như lời A Phúc nói vào sáng sớm hôm đó. Hoài Chân đoán, có lẽ già Huệ muốn mượn tờ báo này để nói với cô rằng: trong mắt người ngoài, mối quan hệ này là của nền văn hóa yếu dựa vào cường quốc, như kiểu của quý cô Butterfly Ciocio là điều đáng xấu hổ, tuyệt đối sẽ không đạt được kết quả nào; cô sẽ bị xem thường, bị đồng bào khinh bỉ… nhưng cô nhất định phải hiểu rõ một đạo lý thế này: dù nợ tiền hay nợ tình, thì không được thản nhiên tiếp nhận ân huệ vô cớ, cũng không cần phải vì nhờ cậy người khác mà cảm thấy mình thấp cổ bé họng; bây giờ không phải là xã hội nô lệ, cho dù quan hệ thế nào thì điều đầu tiên cũng là bình đẳng.

Hoài Chân xuống lầu rửa mặt rồi về phòng tắt đèn. Vân Hà đã trùm chăn chiếm hơn nửa cái giường, trong giấc ngủ say mơ màng nói mớ. Hoài Chân bò lên giường, sửa lại chăn cho cả hai.

Hiện tại đã bước vào tết Âm Lịch, khắp nơi giăng đèn kết hoa vô cùng náo nhiệt. Bên ngoài vẫn ồn ào, Hoài Chân ngả lưng nằm xuống, ánh mắt rơi vào nơi ánh đèn sáng choang xa xôi, cõi lòng vô cùng bình thản.

Từ khi đến San Francisco cho tới nay, rốt cuộc lúc này mọi chuyện mới lắng xuống.

Sáng sớm ngày thứ bảy, sương mù lại phủ lấy San Francisco. Thường thì quần áo đưa đến vào chiều thứ sáu luôn nhiều nhất trong tuần, xe ba gác lại không có chân phanh, sợ sẽ đụng vào người ta trên con đường gồ ghề dốc đứng ở phố người Hoa, thế là chuyện đành phải tạm thời gác lại đó, đợi đến trưa sương mù tan bớt rồi lại đi.

Vì thứ sáu Hoài Chân có hẹn nên đành phải gác lại cuộc hẹn với các cô gái đến chợ. Cho nên để bồi thường, từ sáng sớm Hoài Chân đã rời giường, cùng Vân Hà đến tiệm bánh mới mở ở phố Jackson uống cà phê và ăn bánh dứa. Vì chuyện này mà Vân Hà còn cãi lại A Phúc, nói: “Bánh dứa ở quán trà một phần hai xu, nhưng ở tiệm bánh mới mở này thì chỉ một phần một xu, ngay cả cà phê cũng bán chạy, không phải lợi hơn uống một trà hương hoa nhài trong quán trà ở quê sao?”

Nhân lúc chưa cãi nhau với cha, Hoài Chân cầm bình sữa bò, kéo Vân Hà chạy như điên trên con đường lát đá. Thời tiết mây mù, hai đôi giày da lẹt xẹt kêu vang trên đường núi đầy đá cuội. Ông chủ trong cửa tiệm dọc trên phố ló đầu ra quát lớn: “Chạy chậm thôi, sáng sớm đường trơn, kéo một cái là cả hai đứa ngã đấy, cha Quý vừa hao tài lại đau lòng ——”

Nhưng hai cô bé vẫn cố hết sức chạy xa.

Từ khi tiệm bánh khai trương đến nay, cứ đúng bảy giờ rưỡi sáng là lại bốc ra mùi thơm nức mũi, hơn nửa con phố chìm trong mùi bánh ngậy mùi mỡ và sữa, dụ dỗ người lớn trẻ con lim dim khép mắt mang dép lẹt xẹt tranh nhau đến xếp hàng.

Nhưng vì đang cuối tuần nên mọi người đều muốn ngủ nướng. Lúc hai người đến cửa tiệm bánh, trên đường vẫn vắng tanh vắng ngắt. Đẩy cửa đi vào, mẻ bánh dứa đầu tiên vẫn chưa ra lò, cách một lò nướng, cả hai có thể trông thấy những lát bánh mì kẹp dứa ở giữa chưa được xốp vàng.

Hai cô bé nhìn nhau bật cười, thở phào một hơi rồi đi vào tiệm.

Mặt tiền cửa tiệm vừ hẹp vừa sâu, tựa như đường hầm ngăn cách với đời. Đi vào trong nữa sẽ thấy có quầy cà phê, đặt bên trên là một bầu sữa, một hũ đường cát trắng cùng hũ đường tán cục để khách pha cà phê. Vân Hà nhân đó nằm nhoài lên quầy chợp mắt, Hoài Chân đưa chiếc bình kia ra sau quầy, chị gái ở tiệm bánh cầm lấy đặt dưới máy pha cà phê hơ nóng, sau đó “xì” một tiếng, trong tiệm chìm trong mùi cà phê rang thơm lừng.

Đương nhiên mẻ bánh ra lò đầu tiên cũng thuộc về hai cô. Bên trong túi giấy là những chiếc bánh dứa và bánh trứng muối, Hoài Chân thấy trong quầy có bánh sữa bò, thế là lại mua thêm hơn miếng nữa. Hàng xóm trên phố người Hoa lục tục tỉnh dậy kéo nhau đến tiệm bánh, còn hai người xách ấm đồng, mang theo túi giấy đựng đầy chiến lợi phẩm, bước trên đường quay về nhà.

Sau mười giờ, sương mù đã dần tan, trên cửa sổ ở các nhà hay các tủ kính theo mốt đều lưu lại một lớp hơi nước mông lung đầy thi ý.

Lúc này Hoài Chân và Vân Hà mới đẩy xe ba gác ra cửa. Bánh xe kêu lọc cọc trên đường, hàng xóm tầng hai dậy sớm ăn sáng, đẩy cửa ra cười chào hai người. Song cũng có người dậy trễ không có vẻ vui lắm: một tiệm tạp hóa bỗng nhiên mở cửa ra, một người phụ nữ nước ngoài ủ rũ bước ra, dùng tiếng Anh hét lên với hai người: “Mấy đứa con gái chúng mày đều do ma quỷ phương Đông đẻ ra cả!”

Cô ta mặc đồ như giẻ lau, chiếc váy quá mông không tay như túi nilon nhàu nhĩ, rất không hợp mùa, chân đi đôi giày cao gót màu trắng dày mười centimet to tướng không cân xứng, khiến cô ta đột nhiên giống một người khổng lồ tấn công làng vào sáng sớm. Hoài Chân nghiêng đầu nhìn sang, thấy vết sơn xanh da trời trên tường ở tiệm tạp hóa sa lưng cô thì bừng tỉnh, đi được mấy bước bèn quay đầu lại hét lớn với cô ta: “Còn cô thì sao, gái điếm nước Mỹ thì do ai đẻ hả!”

Vừa dứt lời, đến Vân Hà cũng trợn mắt quay đầu nhìn cô.

Hai giây sau, hai cô nàng đẩy xe ba gác chạy nhanh như điên trên phố Clay.

Mọi người ở hai bên đường đều đã mở toang khung cửa, chỉ thấy trong làn sương mù buổi sáng, hai cô bé buộc tóc đuôi ngựa ở tiệm giặt giũ chạy nhanh như bay, đẩy xe ba gác lắc lư vang lớn ở trên đường; cách đó 30 mét, một cô ả gái mại dâm da trắng đi giày cao gót hét lớn đuổi theo ba con phố nhưng vẫn không đuổi kịp, tức tới mức suýt đã giãy đành đạch trên mặt đất.

Nhưng trận ồn ào sáng sớm này cũng chẳng để Hoài Chân và Vân Hà có được niềm vui thắng lợi.

Điều vui quá hóa buồn chính là, chiếc giày da Vân Hà mới mua đã sứt chỉ. Mà bi kịch hơn, ba giờ chiều nay trên đường Hoài Chân đưa cô ấy đến phố chợ, đế giày hoàn toàn rơi ra.

Hai người ngồi trên băng ghế ở trạm xe cáp, nhìn chằm chằm vào đôi giày há cái mỏ to tướng, nhất thời nói không nên lời.

Hoài Chân nói, “Cởi ra đi, để em về lấy thêm cho chị một đôi.”

Vân Hà ấm ức, “Hôm nay chị đến khu phố Nhật… nên mới cố ý đi đôi này.”

Hoài Chân chợt nhớ đến Hayakawa Iwa – đối tượng tin đồn kia, thế là bèn nói, “Vậy để em đem đi sửa cho chị.”

Vân Hà tháo giày ra, mặc tất màu đỏ ngồi trên ghế, thấp giọng nói: “Vậy… nhất định phải bảo thợ sửa nhanh nhé. Nếu chậm là không kịp đoạn đầu phim đâu.”

Hoài Chân biết gần đây có một cửa hàng may vá, cách trạm xe cáp ở phố Clay hai khu phố.

Cô cầm đôi giày sứt chỉ trong tay, đội nắng chang chang chạy hai con phố, trong lòng gấp gáp, sợ cả đi cả về thì sẽ trễ mất giờ hẹn ở Sacramento.

Nghĩ như thế, cô lập tức bước nhanh hơn, cuối cùng thành chạy. Đôi giày da xách trong tay cũng như nghe thấy câu chuyện cười nào đó, theo tần suất bước chân cô mà há miệng đóng miệng kêu “cáp cáp”.

Hoài Chân không biết dáng vẻ túng quẫn của mình lúc này đã bị người ta trông thấy.

Cho dù đã trăm năm trôi qua từ khi những người nhập cư vào Tân Thế Giới, thì truyền thống đúng giờ của người Đức vẫn được bảo toàn nguyên vẹn.

Đúng ba giờ bốn mươi phút, chú Thompson lái xe chở Ceasar vào phố người Hoa.

Vào phố Stockton, Ceasar đột nhiên nhoài lên cửa xe, bên phải con đường xuất hiện một bóng người bé nhỏ quen thuộc đang chạy phăm phăm.

Đang còn đi, cô đột nhiên chạy bay như điên, thứ đồ lỗi thời trong tay cô hết há lại đóng.

Xe chạy được một đoạn, Ceasar cảm thấy bóng người này khá quen mắt, bèn bảo chú Thompson dừng xe rồi vòng lại.

Từ từ đuổi theo dọc con đường.

Khăn choàng đỏ bọc ngoài đầm len màu hạt dẻ, giày da tròn màu nâu, trên đoạn đường dốc gập ghềnh, cô chạy đi như bay. Dù bóng dáng kia khá nhỏ bé, Ceasar cảm thấy mình không nhận nhầm.

Anh cúi đầu nhìn giờ: bốn giờ kém mười lăm phút.

Nơi này cách con phố Sacramento đã hẹn khoảng mười phút đi bộ.

… Làm trò gì vậy?

Thompson cũng nhận ra, cười nói, “Ồ, hình như giày bị hỏng?”

Ceasar nheo mắt, lúc này mới nhìn rõ trong tay cô cầm gì ——

Là hai chiếc giày da đã hỏng.

Sau đó bước chân cô chậm lại, tìm quanh bốn phía rồi đi vào một cửa tiệm rất bé.

Xe dừng lại, Ceasar đẩy cửa bước ra ngoài, đi vào tiệm theo cô.

Tiệm thực sự rất nhỏ, trần nhà không cao hơn đỉnh đầu Ceasar là bao. Có lẽ nếu anh cao hơn ba inch nữa hoặc nặng một trăm pound thì đã không vào được rồi.

Trong tiệm cực tối, khiến Hoài Chân không để ý có người đến từ phía sau.

Cô giơ đôi giày rách kia lên, cái miệng nhỏ nhắn thở hổn hển bảo: “Chú Ngô, nhờ chú sửa giày cho con với ạ, Vân Hà cần dùng gấp.”

Chủ tiệm không tiếp lời, ngồi sau quầy chậm rãi cầm kim to xỏ chỉ thêu giày da đen.

Cô còn nói: “Gấp lắm chú Ngô ơi, Vân Hà đang để chân trần đợi ở trạm xe đó ạ.”

Chú Ngô cũng chẳng thèm ngẩng đầu lên, “Mười xu.”

Hoài Chân vội vã đáp được, móc ra mười xu trong túi tiền tiêu vặt rồi đặt trên quầy.

Chú Ngô lại nói tiếp, “Sau giờ cơm tối đến lấy.”

“… Chú Ngô!” Hoài Chân lại đặt lên quầy hai đồng nữa.

Chú Ngô hừ lạnh, đặt đồ trong tay xuống, cầm đôi giày kia lên nhìn, ghét bỏ ra mặt: “Đồ Mexico.”

Dứt lời liền cúi người làm lụng, cây kim lên xuống mấy chục lần, chỉ chốc lát đôi giày đã được khâu liền lại.

Hoài Chân cầm lấy xách trong tay, “Cám ơn chú Ngô.”

Bên trong vọng ra tiếng phụ nữ: “Ông già bủn xỉn, đến tiền của tụi nhỏ mà ông cũng lừa.”

Chú Ngô đáp: “Tôi bủn xỉn lừa được mười hai xu, còn bà tối nay đến hội đồng hương đánh bài, chỉ một phút đã thua sạch!”

Người đàn bà hừ lạnh.

Chú Ngô lại ngẩng đầu lên, không nhìn rõ diện mạo của người đến: “Anh cũng sửa giày à?”

Hoài Chân cầm giày, vừa xoay người thì trước mắt tối đen, suýt nữa đâm sầm vào người ta.

May mà bóng đen kia kịp thời lùi ra sau một bước, giữ khoảng cách với cô.

Hoài Chân dừng bước, đứng thẳng người lên rồi cúi người nói “Xin lỗi.” Dứt lời nghiêng người sang, cơ thể bén nhỏ chen qua khe hở hành lang đủ để đưa đầu gối vào.

Chạy chưa được hai bước thì cổ tay bị chụp mạnh, bị ai đó dùng sức lôi về xoay vòng 180 đ. Dưới ánh mặt trời, cô lập tức trông thấy gương mặt xấu xa đã một tuần không gặp.

“Chạy cái gì?” Anh hỏi.

“Bạn tôi đang chờ ở trạm xe —— làm ơn đợi tôi người phút thôi!”

Hoài Chân gập người xin lỗi, xoay người toan bỏ chạy.

Nhưng lại lập tức bị lôi về.

Ceasar nhẫn nại: “… Lên xe.”

Hoài Chân nghiêng đầu, nhìn thấy chiếc xe Ford màu đen kia đang đậu dưới mái hiên, chú Thompson đang đứng thẳng mở sẵn cửa.

Cô và Thompson nhìn nhau.

Ông cười gật đầu, mời Hoài Chân ngồi vào ghế sau.

Ceasar cũng ngồi hàng sau, Hoài Chân cầm đôi giày vừa khâu trong tay, suốt đường đi im lặng nhìn ra ngoài cửa sổ.

Xe chậm rãi chạy vào phố Clay. Lúc đến gần trạm xe cáp, Thompson tiên sinh hỏi, “Là cô gái đi chân trần kia sao?”

Xe không thể dừng gần trạm xe được. Hạ cửa kính xuống, Hoài Chân khẽ hô lên: “Vân Hà.”

Vân Hà ngồi thẳng người trên ghế, há to miệng.

Xe dừng lại, chú Thompson bảo Hoài Chân giao giày cho mình, rồi ông băng qua đường, cúi người đặt dưới ghế chỗ Vân Hà ngồi.

Ceasar hỏi, “Còn có chuyện gì nữa không?”

Hoài Chân nói, “Có thể quay về phố Grant Ave một chuyến được không?”

“…” Ceasar xoay đầu đi, cảm thấy mình không còn lại nhiều kiên nhẫn cho lắm.

Không đợi anh lên tiếng, chú Thompson đã từ từ cho xe chạy, theo đường cũ trở về đường hẻm cửa tiệm giặt giũ ở gần phố Sacramento.

Xe dừng lại, Hoài Chân thoát ra khỏi bầu không khí khiến người ta hít thở khó khăn, bước nhanh về tiệm giặt giũ A Phúc.

“Chú Quý, chú Quý ——”

A Phúc ló đầu ra, “Sao đã về rồi?”

“Chú có thấy chiếc balo của con trên quầy đâu không ạ?”

A Phúc cầm balo đưa cho cô, “Ở đây, sáng sớm để bên ngoài sợ có người lấy nên chú đã cất thay con rồi.”

“Cám ơn chú Quý —— Con đi đã ạ!”

“Con bé này, xem con gấp gáp chưa kìa.” A Phúc vui vẻ.

Quay về lại xe, Ceasar mỉm cười, “Đến trễ kiểu Trung Quốc?”

Cô còn chưa kịp nghĩ phải bày tỏ áy náy với anh thế nào thì đột nhiên tiếng chuông bên ngoài gõ bốn phía.

Hoài Chân từ tốn cười, “Lợi dụng kiểu Trung Quốc.”

Sau mấy giây im lặng, bên cạnh truyền đến tiếng xì giễu cợt.

Hoài Chân trả chiếc balo kia lại cho anh.

“… Đây là gì?”

Dứa và bánh sữa được đóng gói trong túi giấy mua hồi buổi sáng. Ngoài ra còn có bốn nghìn năm trăm đô la dư của lần trước.

Xun xoe lấy lòng “một cách thông minh” xong, Hoài Chân nghiêng mặt nhìn ra ngoài cửa xe, suýt nữa đã bật giọng ngâm nga.

Ồn ào một hồi, kèm theo âm đó là tiếng sột soạt gỡ giấy ra.

Trong xe vang lên tiếng nhẹ nhàng cười.

Hoài Chân đột nhiên cảm thấy có gì đó không ổn. Cô quay đầu lại, song lại không thấy anh cầm túi đồ ăn.

Tiếng loạt soạt đó là tiếng Ceasar mở báo. Tựa đề bên trên viết ——

“Phụ nữ nhận lời mời hẹn hò của đàn ông thì nên chú ý những gì? Xin hãy để chuyên gia hôn nhân Smith mách nước cho bạn…”

Ceasar mỉm cười, chậm rãi thì thầm.

________

Thông tin thêm:

(1) Puccini đã viết vở nhạc kịch Madame Butterfly (1901-1903) về câu chuyện giữa một lính thủy quân Mĩ tên Pinkerton và nàng Butterfly tên Ciocio. Pinkerton cưới Butterfly vì nó là một điều dễ dàng, tuy nhiên ngay từ đầu anh đã có dự định sau khi hết thời gian nghĩa vụ ở Nhật thì sẽ quay về Mĩ cưới một người vợ khác. Hôn nhân của Butterfly và Pinkerton bị người bác của cô gái phản đối. Kết quả là Butterfly bị họ hàng mình bỏ rơi. Ba năm sau khi Pinkerton đi khỏi, Butterfly vẫn một mực chung thủy chờ đợi. Khi biết mình bị bỏ rơi, Butterfly để lộ sự thật rằng cô đã có với Pinkerton một đứa con, khẩn thiết yêu cầu người bạn của Pinkerton báo cho chồng mình biết điều này để gia đình đoàn tụ. Trớ trêu thay, Pinkerton không có ý định ly dị vợ tại Mĩ và mang cả người vợ da trắng đến Nhật Bản để nhận con trai. Kết thúc cuối cùng, Butterfly tự sát còn đứa con bị đem đi. (Nguồn: Hội những người yêu nhạc kịch.)

Miss Saigon (1989) là vở nhạc kịch hiện đại phỏng theo vở opera Madame Butterfly của Giacomo Puccini, là một câu chuyện cảm động xoay quanh cuộc tình đau khổ giữa một cô gái người Việt bị bỏ rơi bởi chàng trai người yêu phương Tây. Lấy bối cảnh là Sài Gòn trong thập niên 1970 trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam, và hai nhân vật chính là cô gái quán bar Sài Gòn và một anh lính người Mỹ.

The Toll of the Sea (1922) là bộ phim câm của Mỹ kể về một phụ nữ trẻ người Trung Quốc giúp một người Mỹ bất tỉnh bên bờ biển. Sau đó, hai người yêu nhau rồi cưới nhau.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.