Kim Ngọc Kỳ Ngoại

Chương 5: Hung Dữ




Biên tập: Ginny.

Hôm sau, Diệp Trọng Cẩm đến giữa trưa cũng chưa tỉnh, tướng phủ nháo nhào hết lên, An Thị bị dọa hoảng hồn, đêm qua con trai nhỏ ngủ rất sớm, vậy mà giờ này còn chưa dậy, lẽ nào là bị bóng đè?

Tuy nàng là người có tri thức lễ nghĩa, nhưng từ nhỏ được mẫu thân luôn tin Thần Phật dạy dỗ, không tránh khỏi đôi lúc có những suy nghĩ vượt quá lẽ thường, gặp chuyện như thế này ít nhiều sẽ nghĩ ngay đến yêu ma tác quái.

Chỉ có điều Diệp lão thái gia lại là người ngay thẳng chính trực, không thích mấy chuyện giả thần giả quỷ, An Thị vốn đã không được lòng lão thái gia, hiện tại nào dám nói những lời vô căn cứ, đành lén nhờ An ma ma lên chùa thỉnh một lá bùa bình an, định rằng trộm nhét dưới gối A Cẩm, người ta thường nói lo trước vẫn hơn không phải không có cái lý của nó.

Bùa bình an chưa về tới thì Diệp Trọng Cẩm đã tỉnh, đêm qua y mất ngủ, đến rạng sáng mới chợp mắt được, ngủ đến giờ vẫn chưa đủ giấc. Ngước mắt nhìn quanh, đánh một cái ngáp thật thiếu đòn, mềm mại gọi: “Mẫu thân, sớm.”

An Thị không nén được lo lắng, véo mũi con trai: “Trưa rồi còn sớm gì nữa, trước đây không thấy con dậy trễ như vậy, thân thể có gì không ổn sao?”

Đầu óc Diệp Trọng Cẩm vẫn còn mơ màng, ngẫm nghĩ một lúc mới hiểu, ra là An Thị lo mình đổ bệnh, y chậm chạp lắc đầu, giọng còn lẫn vào âm mũi, nũng nịu đáp: “Đêm qua có một con muỗi cứ ong ong bên tai, A Cẩm không ngủ được nên đã lấy khóa thất xảo ra chơi…”

An Thị nghe thế mới thoáng buông xuống lo lắng trong lòng, cho gọi nha hoàn Phúc Ninh Viện vào hỏi: “Đêm qua các ngươi không đốt hương trừ muỗi sao? Để muỗi làm nhiễu giấc ngủ của tiểu chủ tử cả đêm.”

“Bẩm phu nhân, đêm qua nô tỳ đã đốt rồi ạ.” Nha hoàn thấp thỏm đáp: “Có thể con muỗi đó không sợ mùi hương xua muỗi, thấy da thịt quý giá của tiểu chủ tử biết ngay là hàng quý hiếm, cho nên liều mạng cũng muốn cắn một phen không chừng.”

An Thị bị lời ngụy biện của nàng chọc cho bật cười, nhìn lại dáng vẻ ngọc tuyết của con trai, cảm thấy lời này cũng không phải là vô lý.

Đành lắc đầu nói: “Được rồi, ta lại tìm cách khác.”

Đoạn, cầm một chiếc lược gỗ ở bàn lên chải tóc cho con trai, đứa con này tuổi còn nhỏ nhưng tóc dài đen bóng, vừa mềm vừa mượt, chỉ duy dúm tóc ở trán là hơi quăn, nom có chút buồn cười.

Tới giờ Diệp Trọng Cẩm uống thuốc, nha hoàn đúng giờ bưng thuốc lên, An Thị buông lược trong tay xuống, đón lấy chén thuốc, múc lên một muỗng thổi nhẹ mấy hơi cho bớt nóng rồi đưa đến môi con.

Diệp Trọng Cẩm ngửi thấy mùi thuốc lập tức nhíu mày như thường lệ, ấy vậy mà hôm nay không bày ra dáng vẻ tùy hứng như mọi ngày, không giở đủ trò nũng nịu không chịu uống thuốc nữa, chỉ do dự chốc lát rồi chậm chạp hé môi, khuôn mặt xinh xắn nhăn tít lại, tay cầm muỗng của An Thị vì biểu cảm của con trai mà thoáng run rẩy, cuối cùng vẫn kiên trì múc tiếp muỗng thứ hai.

Cực khổ uống xong chén thuốc đắng đến đòi mạng, Diệp Trọng Cẩm nằm sấp trên giường nhỏ không buồn nhúc nhích, khuôn mặt hoạt bát đã xìu xuống từ lâu, khiến cho người ta nhìn mà thương tiếc. An Thị xót hết ruột gan, vội vã sai người mang mấy món ăn vặt đã chuẩn bị sẵn lên dỗ dành cục cưng nhỏ cả nửa ngày.

Đến thời gian dùng ngọ thiện, Diệp Trọng Huy từ Thái An thư viện trở về.

Lý ra mà nói dòng dõi nhà họ Diệp làm gì cần đến tiên sinh dạy học, nhưng thời nay kinh thành không chỉ coi trọng học vấn, mà còn nhìn vào nhân mạch và xã giao.

Luận giáo thư dạy người, Tân Châu Diệp Thị đương nhiên đề danh đầu bảng, nhưng luận về con đường làm quan và cách đối nhân xử thế thì Thái An thư viện nhỉnh hơn một bậc, cũng vì vậy mà hầu hết quan lại trong kinh đều tống đám trẻ trong nhà vào thư viện để rèn giũa, một là cầu học vấn, hai là kết giao thêm bằng hữu, mai này ra làm quan cũng có thể giúp đỡ lẫn nhau.

So với Diệp Thị chỉ cần là người muốn học đều sẽ dạy thì cánh cửa vào Thái An thư viện ngược lại rất cao, không chỉ nhìn vào xuất thân, còn phải xem thiên phú của đệ tử thế nào, tựu chung chỉ nhận những học sinh tài hoa gia thế hiển hách.

Từ đó có thể thấy, Diệp Trọng Huy tám tuổi đã bước vào Thái An thư viện tuyệt đối là người xuất chúng.

Nếu đổi là người bình thường, nhà ai có một đứa trẻ tiền đồ rộng mở như vậy nhất định sẽ tổ chức tiệc mừng linh đình, nhưng ở Diệp gia, các trưởng bối nhiều lắm cũng chỉ gật đầu khen một tiếng “Tốt lắm” rồi thôi.

Đến cả người ngoài khi nghe thấy cũng chỉ cảm khái: “Thì ra là con trai nhà họ Diệp, được vậy cũng chẳng có gì là lạ.”

Cho nên Diệp Trọng Cẩm dù mang tâm trí của người trưởng thành nhưng không cần lúc nào cũng phải giả ngu, có tấm gương Diệp Trọng Huy nằm ngay trước mắt, y dẫu có thông minh hơn tuổi của mình thì người nhà cũng không thấy lạ, thậm chí còn nói, hai huynh đệ nhà này thông minh từ nhỏ.

Diệp Trọng Huy sau khi hồi phủ, túi cũng chưa kịp cất đã chạy thẳng tới Phúc Ninh Viện. Tới nơi nhìn thấy mấy ma ma đang hóng mát và nhóm nha hoàn đang túm tụm đá cầu trong sân có người bên viện mẫu thân mình, đoán chừng mẫu thân đang ở bên trong.

Bàn tay nắm món đồ được giấu trong túi đựng sách thoáng chốc cứng đờ.

Đại nha hoàn Lưu Ly bên cạnh An Thị trông thấy bóng dáng Đại thiếu gia, chạy đến cúi chào một cái, nhỏ giọng thuật lại tình hình: “Đại thiếu gia, tiểu thiếu gia vừa mới uống thuốc xong, tâm tình không được tốt lắm, phu nhân dỗ mãi vẫn không được, người mau vào xem thử.”

Cõi lòng Diệp Trọng Huy như nở hoa, gật đầu một cái rồi đi thẳng vào phòng.

Sức khỏe Diệp Trọng Cẩm không tốt nên ít khi dùng huân hương, trong phòng lúc nào cũng chỉ lởn vởn mùi thuốc nồng nặc, còn có mùi thảo mộc nào đó không biết tên. A Cẩm là một con mèo tham ăn, cái gì cũng ăn được, không kén không chọn, làm gì có dáng vẻ của đệ đệ Diệp Trọng Huy.

Vừa bước vào phòng đã thấy bé con kia nằm sấp trên gối, rõ ràng là đang vờ ngủ, mẫu thân ngồi cạnh tay còn cầm một mẩu quế hoa cao, nét mặt vô cùng bất đắc dĩ, quả như lời Lưu Ly nói, mẫu thân dường như đã hết cách rồi.

Hắn bước lại gần, nhìn gương mặt trầm tĩnh của đệ đệ, khóe môi cong lên, cúi đầu hôn lên má Diệp Trọng Cẩm một cái.

“Chụt –“

Bé con mới còn “say ngủ” nháy mắt nhảy dựng, vung nắm tay vào người Diệp Trọng Huy, muốn bao nhiêu hung dữ có bấy nhiêu hung dữ, nhưng mà giữa ba tuổi và tám tuổi dẫu sao cũng không thể so sánh, nắm tay của bé con ba tuổi vừa mềm vừa mịn chẳng khác gì kẹo bông, khiến cho người ta ngứa ngáy muốn cắn một phát chứ nào làm đau ai được.

Diệp Trọng Huy trông có vẻ rất hưởng thụ, đổ thêm một câu: “A Cẩm, bên này một cái nữa nào.”

“…”

===========

Hết chương 5.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.