Kiều Kiều Có Biết Gì Đâu - Văn Đô

Chương 39: Ngoại truyện: Huyền Khanh (2)




A Đồ La không bao giờ uống rượu, nhưng bắt đầu từ một ngày nọ, cứ vào mồng tám tháng giêng mỗi năm, A Đồ La đều uống say đến mức không còn biết gì. Mãi sau Huyền Khanh mới biết, người con gái mà A Đồ La yêu thương, Thánh nữ của Tư Lan - Vu Chí Vũ, đã c.h.ế.t cùng với phu quân của bà.

Hắn từng nghe nói về vị Thánh nữ này, bà là hảo tỷ muội của mẫu phi hắn khi còn ở Tư Lan. Cuối cùng, bà vì minh oan cho mẫu phi hắn mà bị Hoàng hậu hãm hại.

Sau đó, A Đồ La rời đi một thời gian, trước khi đi có nói sẽ mang về một muội muội cho hắn. Huyền Khanh đã từng thực sự mong đợi người muội muội này, nhưng rồi A Đồ La chỉ quay về với gương mặt bị cào rách. Nghe nói đó là do phu nhân của Tề Tướng quân gây ra.

Huyền Khanh âm thầm nhẫn nhịn ở biên địa hơn hai mươi năm mới trở lại kinh thành, khi ấy Tề Tướng quân đã qua đời và con trai ông ta - Tề Tuyên, trở thành Tề Tướng quân kế nhiệm.

Huyền Khanh thừa nhận rằng lý do hắn đồng ý với kế hoạch của A Đồ La, giả làm nữ nhi và sống trong phủ Tề Tuyên là vì lòng riêng của hắn: hắn muốn nhìn xem cô bé năm xưa suýt chút nữa trở thành muội muội của mình giờ ra sao.

Cả cuộc đời hắn cô độc bước trong bóng tối, chưa từng nhận được chút ánh sáng hay ngọt ngào nào. Khi tám tuổi, tại ngôi đền, hắn đã cầu nguyện một lần duy nhất trong đời, rằng: “Thưa Thần linh, xin Người hãy đến cứu lấy con.” Cho đến khi hai mươi ba tuổi, khi nhìn thấy A Kiều ở tướng phủ, hắn mới biết rằng lời cầu nguyện ấy thực sự đã được Thần linh nghe thấy.

Lương Vân Kiều là một người vô cùng trong sáng, hồn nhiên đến mức gần như tàn nhẫn đối với hắn.

Làm sao mà một đứa trẻ như nàng có thể được nuôi lớn trong sự yêu thương và ấm áp đến mức này? Huyền Khanh không biết.

Mang trong lòng ý định tàn nhẫn, hắn cố ý tiếp cận A Kiều, muốn phá vỡ sự ngây thơ trong sáng của nàng, muốn vạch trần bộ mặt xấu xa của cái thế đạo này cho nàng thấy. Nhưng đến giây phút thực sự phải làm điều đó, hắn lại bị giằng xé khôn nguôi. Cô bé ngây ngốc tin hắn là một cô gái, nói rằng hai người là bạn tốt và với thân hình nhỏ bé, nàng dũng cảm chắn trước hắn, nói rằng sẽ bảo vệ hắn.

Hắn thậm chí đã nghĩ, cứ làm “Khanh Khanh” của nàng mãi như vậy, cũng tốt.

Trước mọi sự khiêu khích của hắn, Tề Tuyên luôn bình thản đối mặt. Dáng vẻ tính toán, cẩn trọng của Tề Tuyên càng làm hắn trở nên giống như một trò cười. Có lẽ Huyền Khanh đã quá rõ ràng trong biểu hiện của mình, đến mức A Đồ La không ngại mà chế giễu hắn, hỏi rằng hắn lấy đâu ra tự tin nghĩ mình có thể vượt qua được Tề Tuyên.

Phải, hắn lấy đâu ra tự tin mà cho rằng bản thân có thể vượt qua được mười lăm năm ấy?

Sau đó, kế hoạch diễn ra suôn sẻ. Ung Vương phủ nhận được tin hắn hồi kinh, quả nhiên không nhịn được mà tấn công vào tướng phủ. Dưới sự xúi giục của Tư Lan, các bộ tộc biên cương gây loạn, chính là lúc cần binh lực, nên Tề Tuyên đã kháng chỉ. Ung Vương đã sống trong lo âu nhiều năm, sớm có dã tâm tạo phản, lại được lão Hầu gia xúi giục, quả nhiên chủ động xin dẫn quân dẹp loạn, rồi sau đó phản loạn thật.

Khi hắn tự tay xử lý kẻ thù, Tề Tuyên bế A Kiều bước ra khỏi cửa cung.

Các người thấy đấy, rõ ràng Tề Tuyên cũng có mối thù sâu đậm với những kẻ này. Chính những kẻ ấy đã bức tử mẫu phi của Huyền Khanh, họ cũng góp phần bức tử Tề lão Tướng quân. Vậy mà Tề Tuyên lại có thể, ngay trong khoảnh khắc đối mặt với kẻ thù, buông thanh kiếm xuống và quay lưng đi tìm A Kiều.

Huyền Khanh từ đầu đến cuối đều hiểu rõ, hắn không thể nào so sánh được với Tề Tuyên.

Vị Hoàng đế trẻ thu lại ánh nhìn, bất mãn mà “chậc” một tiếng.

Đợi tuyết ngừng rơi, nhất định hắn phải đến phủ Quốc công một chuyến. Không làm cha ruột thì chẳng lẽ không làm cha nuôi được sao?

Chết tiệt, cái trận tuyết này, đừng rơi nữa.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.