Khúc Ca Biệt Ly

Quyển 3 - Chương 9




Tôi lên lầu, bấm chuông đã đời, vẫn không thấy ai mở cửa.

Tôi nhìn đồng hồ, năm giờ. Vẫn còn cách bữa cơm tối một lúc. Tôi lục sâu trong túi xách ra chiếc chìa khoá, mở cửa. Nhà cửa gọn gàng ngăn nắp, đây là tác phong đã thành thói quen của ông. Trong bếp có nồi canh gà đang được ninh, lửa liu riu, bốc hơi nóng. Chắc là ông không đi đâu xa.

Tôi về phòng mình, hết thảy đều chưa thay đổi. Ngay cả khăn trải giường, hình như là mới được giặt hôm qua, phảng phất mùi hương bột giặt. Tôi mệt mỏi rã rời, cởi giày ngã xuống giường, mau chóng chìm vào giấc ngủ. Lúc tỉnh dậy, trên người đã được đắp một chiếc chăn, mà ông thì đang ngồi trong chiếc ghế sô pha nhỏ ở trong phòng tôi, nhìn tôi cười, hỏi: “Dậy rồi à?”

“Dạ.” Tôi ngồi dậy.

“Thấy con ngủ thật ngon lành, không nỡ gọi con dậy, sao đột ngột về nhà thế?”

“Trong trường được nghỉ học, con về thăm ba.” Không biết vì sao lại nói dối. Trông ông rất tiều tuỵ, râu lại mọc lún phún, bộ dạng như đã rất nhiều ngày không nghỉ ngơi đàng hoàng.

“Cũng không biết gọi một cú điện thoại, làm ba hết hồn, còn tưởng là trong nhà có trộm.” Ông đứng dậy nói, “Cũng muộn rồi, chắc con đói rồi phải không, đi ra ăn chút gì nhé.”

Tôi ngó đồng hồ, gần 8 giờ tối, tôi thế mà đã ngủ lâu như vậy.

Tôi theo ông ra phòng khách, ông hâm lại thức ăn, lại còn có món cá chua ngọt mà tôi yêu thích nhất. Tôi xới hai bát cơm, tôi với ông mỗi người một bát, ông lôi một chai rượu từ dưới bàn lên nói với tôi: “Đang vui, uống vài ngụm.”

“Có chuyện gì mà vui thế?”

“Còn phải hỏi!” Ông nói, “Con về chứ sao.”

Tôi xuống bếp lấy lên hai ly rượu, rót rượu cho ông.

Ông nhấp một ngụm, ngẩng đầu nhìn quanh nhà nói với tôi, “Đúng rồi, có một chuyện đang định nói cho con hay, căn hộ này ba sắp bán rồi, mấy năm nay giá lên không ít, rất lời.”

“Tại sao ba phải bán siêu thị đi vậy?” Tôi hỏi ông.

“À.” Ông nói, “Ba già rồi, muốn nghỉ ngơi.”

“Ba lười quá đi.” Tôi nói, “Bốn mươi tám tuổi, đang còn là tráng niên, nghỉ cái gì chứ?”

Ông cười: “Bà con cũng ở đây không quen, thích ở dưới huyện, có mạt chược để chơi. Con đi rồi, mình ba ở căn hộ lớn thế này, cảm thấy rất cô đơn. Cũng không thú vị gì.”

“Nhưng mà,” tôi buông đũa, “Cho dù ba đến Bắc Kinh, con cũng đâu có thời gian bầu bạn với ba.”

“Ba không cần con bầu bạn với ba mà.” Ông thoáng sửng sốt, nói, “Ba có việc riêng của mình.”

“Ba.” Tôi nói, “Có cách nào đừng như thế này không?”

“Đừng như thế nào?” Ông nói.

“Con đi đến đâu, ba liền theo đến đó. Con đã lớn rồi, con muốn sống cuộc sống của riêng mình, ba mà như vậy, trong lòng con sẽ cảm thấy khó chịu, ba có hiểu không ba?”

Ông nhìn tôi, nét mặt rất kỳ lạ, giống như là gặp một người ngoài hành tinh.

Mãi một lúc sau ông mới lên tiếng: “Có phải con sợ ba làm phiền con không?”

Tôi tìm cách nói cho ông hiểu: “Con chỉ muốn tự lập, sớm muộn gì con cũng phải dựa vào bản thân mình, không thể cứ ỷ lại vào ba.”

“Con vẫn còn đang đi học—–“

“Rất nhanh sẽ tốt nghiệp rồi.” Tôi ngắt lời ông, “Con sẽ tìm được việc, tự nuôi mình, đương nhiên cả ba nữa.”

Ông lắc đầu: “Ba nào có cần con nuôi!”

“Bao năm nay, con đã nợ ba quá nhiều rồi.”

Vẻ mặt của ông như bị tổn thương, nói: “Con sao thế, còn nói ra được chữ ‘nợ’ này?”

“Xin lỗi ba, có lẽ còn dùng từ không thoả đáng. Con hiểu lòng tốt của ba đối với con là phúc phần của con, nhưng ba cũng nên hiểu cho, con đã lớn rồi, con có thể tự chăm sóc cho bản thân. Ba không thể cứ lúc nào cũng xoay quanh con, ba cần phải có cuộc sống của riêng mình, cùng với người ba thương, kết hôn, sinh con cái, sống vui vẻ!”

“Có phải con đang nói ba đã thành gánh nặng của con?”

Tôi vội vàng nói: “Ba đừng hiểu lầm, ý của con không phải là như vậy—-“

“Vậy thì ý của con là gì?” Ông nổi giận, “Có phải là con muốn thanh toán rạch ròi với ba, sau đó chặt đứt quan hệ từ đây về sau?”

Trời ạ.

Tôi tưởng chúng tôi có thể bình tĩnh ngồi xuống thảo luận, tôi tưởng là chỉ cần tôi nói chuyện nhỏ nhẹ với ông, ông nhất định sẽ hiểu ý của tôi. Tôi hoàn toàn không ngờ sự tình lại có thể trở nên hỏng bét như thế này. Ông đã thật sự nổi giận, uống một ngụm sạch bách rượu trong ly, sau đó đứng lên, quay về phòng của mình, rất lâu sau không ra lại.

Tôi cũng chả thiết tha gì với ăn uống nữa. Chạy ra sô pha ngồi suy xét hồi lâu, tôi quyết định gõ cửa phòng ông.

Ông không trả lời tôi.

Tôi hé cửa phòng ngó vào, trông thấy ông đang ngồi trên chiếc ghế đung đưa ngay gần cửa sổ, nhắm mắt, không biết có phải đã ngủ rồi hay không. Đêm ở phương Nam, bởi vì không có lò sưởi, còn lạnh hơn cả ở phương Bắc. Tôi rón rén đến bên ông, khom người, đắp cho ông một chiếc chăn nhỏ. Đầu mày ông hơi cau lại, khẳng định còn chưa ngủ, chỉ là ông không muốn để ý đến tôi. Tôi ngồi xuống thảm kế bên chiếc ghế của ông, nhìn đầu giường của ông. Vẫn còn đặt bức hình của Lâm Quả Quả. Đã nhiều năm trôi qua, nhưng nụ cười của bà chưa từng thay đổi, cùng với một sự thật không cách nào thay đổi được, đó chính là tôi càng ngày càng giống bà ấy. Hết thảy những điều này như một lời nguyền rủa không sao giải trừ được, không ngừng nhắc nhở tôi đêm ngày phải đề phòng những cạm bẫy và bất trắc của số mệnh, không lúc nào được yên thân.

“Ba đừng giận nữa nha ba?” tôi năn nỉ ông, “Ba biết ý của con mà.”

Ông vẫn không thèm để ý đến tôi.

“Cho con một chút thời gian, để con làm những gì con muốn làm, đừng nâng đỡ con từng bước một thì con mới có một chút cảm giác thành tựu, ba thấy đúng không ba?”

Cuối cùng ông mới chịu mở mắt ra nhìn tôi, nhưng vẫn không nói gì.

“Con đi hâm nóng lại thức ăn, chúng ta ăn cơm, được không ạ?”

“Ngày nào con về trường?” Lúc tôi đứng dậy đi ra đến bên cửa phòng thì nghe thấy tiếng ông hỏi.

“Chuyến bay muộn nhất tối mai ạ.” Tôi nói.

“Ba lái xe chở con ra phi trường.” Ông nói, “Tranh thủ bây giờ ba còn có ích một chút.”

Tôi biết ông đang dỗi, nhưng tôi sẽ không giận lời nói lẫy của ông.

Lúc bữa tối sắp sửa bắt đầu một lần nữa, chợt nhận được cú điện thoại của Luật Sư Phương, giọng điệu của ông không tốt lắm, hỏi thẳng tôi về chuyện của Lạc Tiêu Tiêu ngay tại chỗ.

Tôi hỏi ông: “Ý chú là sao ạ?”

“Cô ta nói cháu bày cho người ta bắt cóc cô ta, rồi tống tiền mẹ cô ta.”

“Không có chuyện đó.” Tôi nói, “Đợi cháu quay về, sẽ giải thích rõ ràng hết với chú.”

“Tôi cần cháu giải thích ngay bây giờ.” Luật Sư Phương nói.

Tôi chỉ đành buông bát đũa, chạy về phòng, kể hết đâu đuôi câu chuyện cho Luật Sư Phương nghe. Ông ta nghe xong, chỉ hỏi tôi một câu: “Vì sao bỏ mặc cô ta ở đó?”

“Bọn chúng sẽ không làm gì cô ta, cháu cảm thấy, cô ta nên được dạy dỗ một chút, còn không sẽ vĩnh viễn không học cách ngoan được.”

“Cháu cảm thấy, cháu có năng lực tới cỡ nào mà có thể tự mình cảm thấy? Cháu có biết là cô bé bị bọn chúng đánh cho suýt tàn phế không. Nếu như cô ta mà xảy ra chuyện gì, chúng ta biết nói sao với mẹ của cô ta!”

“Xin lỗi chú.” Tôi nói.

“Thôi, không nói nữa. Cháu mau mau về lại đây, thu dọn đồ của mình rồi rời khỏi văn phòng ngay cho tôi.” Luật Sư Phương nói xong, cúp điện thoại. Tôi gọi lại, ông ta không bắt máy. Tôi hoàn toàn tin là loại người như Lạc Tiêu Tiêu có thể dùng dao tự rạch người mình để trả thù tôi.

Tôi không trách Luật Sư Phương đã nổi nóng, nếu có trách thì chỉ trách tôi quá sơ ý, có lẽ trong chuyện này, tôi vốn nên xử lý tốt hơn.

Tôi quay lại phòng khách, do trong lòng ôm tâm sự, ăn được nửa chừng đã không ăn tiếp được nữa. A Nam hỏi tôi: “Chuyện gì đã xảy ra vậy?”

“Không có gì.” Tôi nói, “Công việc gặp chút vấn đề, bị luật sư mắng vốn.”

“Đừng lo,” A Nam nói, “Mắng la một hồi sẽ học được cách làm. Hồi đó ba bốc vác, suốt ngày bị sếp mắng cả trăm lần, nếu không, làm sao ba hạ quyết tâm tự đi mở siêu thị làm sếp của chính mình được chứ.”

Tôi cười gượng.

“Không vui thì đừng làm nữa, đổi việc khác biết đâu tốt hơn.” Ông lại hạ thấp tiêu chuẩn một cách vô nguyên tắc nữa rồi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.