Không Có Ngày Mai

Chương 52




TÔI ĐANG Ở TRÊN TÀU TUYẾN R. Tàu R chạy theo Broadway tới quảng trường Thời đại rồi tiếp tục tới phố 57 và đại lộ Bảy, nơi nó ngoặt gấp về bên phải rồi dừng ở phố 59 và đại lộ Năm rồi tới phố 60 và Lexington trước khi chạy tiếp xuyên lòng sông về phía Đông tới khu Queens. Tôi không muốn tới Queens. Khu ngoại ô đó thì ổn, chẳng vấn đề gì nhưng buồn tẻ về đêm, và dù sao trong lòng tôi cũng cảm thấy rằng việc cần làm nằm ở một nơi khác. Chắc chắn là ở Manhattan rồi. Có lẽ ở khu East Side, không cách xa phố 57. Lia Hoth đã dùng khách sạn Four Seasons làm bẫy. Nghĩa là căn cứ thực sự của cô ta ở một nơi gần đó, hầu như có thể chắc chắn thế. Không sát nhưng có thể gần để đi lại được thuận tiện.

Và căn cứ thực sự của cô ta là một căn nhà chung vườn với nhà khác, không phải căn hộ hay một khách sạn khác. Bởi cô ta mang theo một đội, chúng phải có khả năng tới lui mà không bị phát hiện. Ở mạn Đông khu Manhattan có rất nhiều nhà như thế.

Tôi ngồi trên tàu đi hết quảng trường Thời đại. Tại đây có một số người lên. Trong khoảng thời gian một phút chạy tới phố 49, trên toa tôi có hai mươi bảy người. Rồi năm người xuống ở phố 49 và số khách bắt đầu giảm. Tôi xuống ở ga giữa phố 59 và đại lộ Năm. Không ra khỏi ga. Tôi chỉ đứng trên sân ga dõi theo con tàu tiếp tục chạy mà không có mình. Rồi tôi ngồi xuống một ghế băng mà đợi. Tôi đoán các nhân viên điều tra liên bang ở phố 22 đã nhận được thông tin qua hệ thống liên lạc radio. Tôi cho là có thể cảnh sát đang hướng về các ga có tàu tuyến R theo một hàng dài có trình tự. Tôi hình dung cảnh họ ngồi trong xe hơi hay đứng trên vỉa hè, ước lượng thời gian con tàu chạy dưới lòng đất, người căng ra, rồi lại thả lỏng khi họ nhận định rằng tôi đã đi qua phía bên dưới họ và lại tiếp tục tiến xa hơn theo hướng tàu chạy. Tôi hình dung cảnh họ đứng đợi khoảng năm phút rồi bỏ cuộc. Thế nên tôi đợi. Cả chục phút. Rồi tôi rời ga. Tôi đi lên khỏi lòng đất và không thấy ai đang tìm kiếm mình. Tôi chỉ có một mình ở một góc phố không người, khách sạn cổ nổi tiếng Plaza ngay phía trước mặt, được chiếu sáng khắp nơi, và phía sau tôi là công viên, đen ngòm.

Tôi còn cách khách sạn Four Seasons hai dãy nhà về phía Bắc, nửa dãy về phía Tây.

Nếu xét ngay từ lúc mọi chuyện bắt đầu, tôi còn cách nơi Susan Mark lên mặt đất từ tàu điện ngầm tuyến 6 đúng ba dãy nhà về phía Tây.

Và ngay lúc này tôi hiểu rằng Susan Mark đã chẳng đi về phía khách sạn Four Seasons. Không mặc đồ đen và sẵn sàng chiến đấu. Không thể có chuyện chiến đấu ở sảnh khách sạn, trong hành lang hay trong một khu phòng của nó. Mặc đồ đen nơi đầy đèn sáng chẳng có chút lợi thế nào. Vậy nên khi ấy Susan đang hướng về một nơi khác. Có lẽ thẳng tới điểm bí mật, vậy thì nó phải ở một con phố ngang kín đáo và tối. Nhưng nó vẫn phải nằm trong ô vuông ban đầu gồm sáu mươi tám dãy nhà, nằm giữa phố 42 và phố 59, đại lộ Năm và đại lộ Ba. Xét về tính chất của khu vực này thì nhiều khả năng nhất nằm ở một trong hai góc vuông phía trên. Hoặc phía trên bên trái, hoặc phía trên bên phải. Có thể là một trong hai ô vuông nhỏ hình thành từ mười sáu dãy nhà.

Ô đó có thể chứa những gì?

Chừng hai triệu thứ khác nhau.

Như thế là tốt gấp bốn lần so với tám triệu thứ khác nhau, nhưng không tốt hơn nhiều tới mức khiến tôi nhảy cẫng vì vui sướng. Thay vì thế tôi đi về phía Đông qua đại lộ Năm và lại tiếp tục kiểu đi lang thang, quan sát các xe hơi, ở trong bóng tối. Người vô gia cư ít hơn nhiều so với khu 20, tôi cho là nằm ở các ô cửa còn dễ bị chú ý hơn không nằm. Thế nên tôi quan sát xe cộ và sẵn sàng hoặc bỏ chạy hoặc chiến đấu, tùy kẻ nào phát hiện ra tôi đầu tiên.

Tôi băng ngang đại lộ Madison và hướng về đại lộ Park. Giờ thì tôi đã ngay phía sau khách sạn Four Seasons, nằm cách hai dãy nhà về phía Bắc. Con phố yên tĩnh. Hầu hết là các cửa hiệu bán lẻ hàng đầu và cửa hiệu xa hoa, tất cả đều đã đóng cửa. Đến đại lộ Park tôi rẽ về phía Nam rồi tới phố 58 lại ngoặt sang Đông. Không thấy gì nhiều. Vài căn nhà chung vườn, nhưng căn nào cũng giống căn nào. Mặt tiền xây bằng đá cát, cao năm hoặc sáu tầng, phía dưới là cửa sổ có chấn song, trên là cửa sổ lắp cửa chớp, không đèn đóm. Một số căn là lãnh sự quán của một số nước nhỏ. Một số là văn phòng trưng bày chiến tích hay các quỹ từ thiện và công ty nhỏ. Một số dùng làm nơi ở, nhưng được chia làm nhiều căn hộ. Một số chắc chắn là nhà của một gia đình duy nhất, song tất cả các gia đình duy nhất đã say ngủ sau những cánh cửa khóa kín.

Tôi băng ngang đại lộ Park và hướng về đại lộ Lexington. Quảng trường Sutton ở phía trước. Tĩnh lặng, rất điển hình cho khu dân cư. Hầu hết là căn hộ, nhưng có một số nhà riêng. Xưa kia các khu dân cư tập trung nhiều hơn ở phía Nam và Đông, nhưng các tay cò nhà đất đầy lạc quan đã đẩy ranh giới của chúng về phía Bắc, đặc biệt là phía Tây, tới tận đại lộ Ba. Các khu vực vành đai mới phát triển tương đối ít người biết.

Một khu vực lý tưởng để ẩn náu.

Tôi tiếp tục lang thang, Tây và Đông, Bắc và Nam, phố 58, 57,56, đại lộ Lexington, đại lộ Ba, đại lộ Hai. Tôi vòng quanh nhiều dãy nhà. Chẳng có gì nhảy xổ vào tôi. Chẳng kẻ nào nhảy xổ vào tôi. Tôi trông thấy nhiều xe hơi, song tất cả đều chạy một cách vui vẻ từ A đến B. Chẳng chiếc nào thể hiện kiểu chạy chậm đặc trưng khi người cầm lái vừa chạy vừa quét ánh mắt qua các vỉa hè. Tôi nhìn thấy nhiều người, nhưng hầu hết đều ở xa và hoàn toàn không liên quan. Những người khó ngủ dắt chó đi dạo, người của ngành y tế từ bệnh viện ở East Side trở về nhà, công nhân dọn rác, những người gác cửa chung cư ra ngoài hít thở không khí trong lành. Một trong những người dắt chó đi qua khá gần nên có thể bắt chuyện được. Con chó là chó lai màu xám khá già, người dắt là một bà già da trắng chừng tám mươi tuổi. Mái tóc của bà được chải chuốt và bà trang điểm kỹ lưỡng. Bà mặc chiếc váy mùa hè đã lỗi mốt, rất cần thêm một đôi găng tay trắng dài cho đủ bộ. Con chó ngừng lại, đau buồn nhìn tôi và bà già, coi đó là lời giới thiệu xã giao đủ ý rồi. Bà nói, “Chúc buổi tối vui vẻ.”

Đã gần 3 giờ sáng, do đó chính xác ra thì đây là buổi sáng. Nhưng tôi không muốn tỏ ra là người thích tranh cãi. Cho nên tôi chỉ nói, “Hello.”

Bà ta nói, “Ông có biết rằng từ đó được phát minh ra gần đây không?”

Tôi hỏi, “Từ nào cơ?”

“Hello,” bà đáp. “Nó được sinh ra để chào hỏi chỉ sau khi điện thoại được phát minh. Người ta cảm thấy cần nói điều gì đó sau khi nhấc ống nghe. Nó chính là biến thể của từ cổ halloo. Từ này thực ra là cách biểu thị sự ngạc nhiên hay cảm giác sốc tạm thời. Anh gặp một chuyện gì đó bất ngờ, anh sẽ nói halloo! Có lẽ người ta giật mình bởi tiếng réo của chuông điện thoại.”

“Vâng,” tôi nói. “Có lẽ thế.”

“Anh có điện thoại không?”

“Tôi từng sử dụng,” tôi đáp. “Chắc chắn tôi từng nghe chúng đổ chuông rồi.”

“Anh có thấy âm thanh của chúng thật khó chịu không?”

“Tôi luôn cho đấy là mục đích của chuông điện thoại ấy chứ.”

“Vâng, tạm biệt,” bà già nói. “Nói chuyện với anh thật là dễ chịu.”

Chỉ là như vậy ở New York thôi, tôi nghĩ. Bà già tiếp tục đi, con chó già bên cạnh. Tôi dõi theo bà. Bà đi theo hướng Đông rồi hướng Nam bằng đại lộ Hai và khuất tầm mắt. Tôi quay trở lại và chuẩn bị hướng về phía Tây lần nữa. Nhưng phía trước tôi sáu mét, một chiếc Chevy Impala dừng khựng lại ở rãnh nước và Leonid từ băng ghế sau bước ra.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.