Khô Lâu Họa

Chương 12: Sinh mệnh kiếm




Lão không ngờ người sau lưng lập tức làm một chuyện.

Lập tức thu kiếm.

Nhiếp Thiên Sầu không hề quay lưng lại.

Lão chìm vào trầm tư, một hồi lâu sau nói nói:

– Ngươi nói đi!

Người sau lưng nói:

– Ba điều kiện.

Nhiếp Thiên Sầu cảm thấy sau lưng mình như có vạn mũi tên đang chĩa vào, nhưng cũng lại cảm thấy như được một thành trì vô cùng vững chắc bảo vệ:

– Điều kiện gì.

– Thứ nhất, không được quay đầu.

Nhiếp Thiên Sầu gật đầu.

– Thứ hai, không giết bọn họ.

Nhiếp Thiên Sầu trầm mặc.

Người sau lưng cũng trầm mặc.

Đường Khẩn, Đinh Thường Y, Cao Phong Lượng, Ngôn Hữu Tín, Ngôn Hữu Nghĩa chỉ thấy dưới ánh trăng khi tỏ khi mờ, trước cây tùng gãy, Nhiếp Thiên Sầu xõa tóc đứng yên, cạnh những cành cây gãy lòa xòa là một bóng người đang đứng lặng lẽ.

“Đêm nay ta không giết người”. Nhiếp Thiên Sầu lập tức bổ sung thêm:

“Nhưng, vô luận là chúng chạy đến đâu, sớm muộn cũng sẽ chết trong tay ta”.

– Ta biết.

“Ngoại trừ kẻ tên Đường Khẩn kia”. Nhiếp Thiên Sầu lại bổ sung tiếp:

“Người ta đánh một chưởng mà không chết, quyết không ra tay lần thứ hai”.

– Ta hiểu.

“Ta cũng biết hắn có thể tránh được một chưởng đó của ta là vì người đã dùng quả tùng bắn trúng đầu gối hắn”. Nhiếp Thiên Sầu nói kèm theo:

“Bất quá ta đã nói ra thì tuyệt không hối hận”.

– Ta rất rõ.

– Điều kiện thứ ba?

– Không phải điều kiện, là yêu cầu.

Thanh âm của người sau lưng vô cùng thành khẩn:

– Không nên bởi vì một số kẻ gian trá lang độc mà mất hết lòng tin với tất cả bằng hữu.

Nhiếp Thiên Sầu đột nhiên nói:

– Ngươi đã nói hết chưa?

Người sau lưng đáp:

– Nói hết rồi.

Nhiếp Thiên Sầu nói:

– Ta nói điều kiện với ngươi, bởi vì ngươi là kẻ thù của ta, không phải là bạn.

Lão nói từng chữ một như sấm động:

– Ta thà tin kẻ thù chứ không tin bằng hữu.

Sau đó nói như chém đinh chặt sắt:

– Vì thế điều kiện thứ ba của ngươi, ta không thể đáp ứng.

Người sau lưng trầm giọng nói:

– Ta hiểu.

Nhiếp Thiên Sầu đột nhiên duỗi người, vươn mình một cái:

– Nếu đêm nay đã không giết người, ta có thể đi được chưa?

– Mời.

Nhiếp Thiên Sầu bước đi, Ngôn thị huynh đệ vội đi theo hai bên lão. Nhiếp Thiên Sầu đột nhiên dừng chân, cười nhạt nói:

– Ngươi không cho ta quay đầu lại, có phải không muốn ta nhận ra ngươi không?

“Nhưng ...”. Khoé miệng lão nở ra một nụ cười kỳ dị:

“Tuy rằng ta không quay đầu lại, ta nhận ra kiếm của ngươi, khí thế của ngươi, sát khí của ngươi”.

Bóng người kia cũng không hề có gì là động dung, gây cho người ta cảm giác y không phải là người, mà là một bức tượng đá lạnh lùng.

“Ta không hy vọng đó là ngươi. Nếu thực sự là ngươi, đừng quên là Bộ Vương cũng đã đến rồi”. Nhiếp Thiên Sầu ném lại hai câu nói đó, người đã tung mình lên ngựa.

Ở đây tổng cộng có bốn con ngựa, Ngôn thị huynh đệ cưỡi lên hai con, phóng đi theo Nhiếp Thiên Sầu. Dưới ánh trăng lạnh lẽo, chỉ còn lại một con ngựa duy nhất và gốc tùng đổ rạp. Con ngựa ấy gõ móng cóc cóc, phát ra những tiếng hí thê lương.

Dưới ánh trăng mờ.

Bên gốc tùng đổ.

Im lặng bao trùm.

Người kia vẫn đứng trong bóng tối.

Người đứng ở chỗ bóng tối bao phủ, dáng vẻ khó tránh khỏi đôi chút mơ hồ, nhưng hình dáng người này lại hết sức rõ ràng trong mắt bọn Cao Phong Lượng ba người.

Cao Phong Lượng thở phào một hơi, sắc mặt xanh trắng, lảo đảo như muốn ngã, Đinh Thường Y vội đến đỡ lấy ông.

Người trong bóng tối nói:

– Vừa nãy ông đấu với Lỗ Vấn Trương, đã bị ngoại thương không nhẹ, khi đấu với Ngôn Hữu Nghĩa lại tổn thương không ít nguyên khí, vừa nãy lại ngưng tụ toàn thân nội lực chém Nhiếp Thiên Sầu ba đao, phát mà không công, nên thương thế càng nặng hơn.

Cao Phong Lượng cười rầu rĩ nói:

– Không quan trọng, ta vận khí điều tức một hồi sẽ không sao.

Nói đoạn chỉ tay vào Đường Khẩn nói:

– Thương thế của y còn nặng hơn ta nhiều ...

Đường Khẩn lập tức nói:

– Cục chủ, tôi khoẻ như trâu, bị thế này có đáng gì đâu?

Đinh Thường Y mím môi mỉm cười nói:

– Làm gì có người nói mình giống con trâu nhỉ?

Cao Phong Lượng cũng tán thưởng nói:

– Y giống một con báo.

Đường Khẩn nói:

– Báo ngu!

Hắn vừa nói vậy, tất cả đều cười phá lên.

Cả người trong bóng tối cũng cười.

Người này dường như không lãnh khốc vô tình giống như sát khí và cũng không huyền bí giống như thân phận của y.

Đường Khẩn đột nhiên hỏi một câu:

– Viên Phi đâu?

Thì ra gã vẫn lo lắng cho Viên Phi, kẻ đã bỏ rơi họ mà đào tẩu.

Người trong bóng nói thở ra nhè nhẹ:

– Bị Nhiếp Thiên Sầu giết rồi.

Đường Khẩn không ngờ lại ra vẻ không vui hỏi:

– Các hạ đã biết Nhiếp Thiên Sầu muốn giết Viên Phi, tại sao còn không xuất thủ ngăn cản?

Cao Phong Lượng cắt lời nói:

– Đường huynh đệ, nếu ta đoán không sai, lúc đó vị đại hiệp này đang phải ngăn ngừa truy kỵ, ngoài ra còn phải vận dụng tấm gương kia để dẫn dụ Nhiếp Thiên Sầu, chỉ sợ không thể làm được hai việc cùng một lúc.

Đường Khẩn ngẩn người nói:

– Xin lỗi tại hạ đã nghĩ các hạ thấy chết không cừu.

Gã ngưng lại giây lát rồi nói tiếp:

– Kỳ thực tại hạ rất cảm tạ ơn cứu mạng của các hạ, nhưng lại không dám hỏi cao danh quý tánh.

Từ lúc hỏi tên Cao Phong Lượng lúc đang ác đấu ở Cúc Hồng Viện, gã không còn dám khinh xuất hỏi tên người khác nữa.

Đinh Thường Y chợt lên tiếng:

– Ngươi giấu được người khác, chứ không giấu được ta.

Nàng ra vẻ rất chắc chắn nói:

– Ta biết ngươi là ai.

Đường Khẩn cả kinh nhìn sang phía Đinh Thường Y.

Dưới ánh trăng, nàng đẹp một cách nhu hòa tựa một đóa mai khôi đang khép kín.

“Ngươi là Hứa Cát. Ngươi nhất định là Hứa Cát”. Đinh Thường Y nói:

“Ta là phụ nữ, hơn nữa Quan đại ca còn nói, ta rất tinh tế, chỉ cần nghe người khác nói chuyện một lần, mười tám năm sau cũng có thể nhận ra được”.

Khi nàng nói đến Quan Phi Độ thì cười hết sức ôn nhu, ngọt ngào, hạnh phúc, nhưng đang ôm một giấc mộng đã vỡ:

– Thậm chí chỉ cần nghe một tiếng hắt hơi, một tiếng ngáp, ta đều có thể nhận ra rõ ràng.

Người trong bóng tối trầm ngâm một hồi lâu, nói:

“Ta nhìn thấy máu trên kiếm thì biết đó là vết thương ở chân hay tay, bụng hay ngực của địch nhân, ngay cả thương nặng hay nhẹ, có trí mạng hay không, chỉ cần thấy một giọt máu là ta đều có thể nhận ra”. Thanh âm của y lạnh lùng, nhưng thanh điệu lại ấm áp vô cùng:

“Xem ra, bản lĩnh của cô nương còn cao hơn ta một bậc”.

Nói đoạn, y chầm chậm bước ra từ trong bóng tối. Người này bước ra, vừa hay mặt trăng cũng từ sau đám mây mờ ló ra, mặt đất bỗng chốc sáng bừng lên.

Con ngựa hí lên một tiếng.

Xa xa có tiếng gió thổi rì rào.

Cao Phong Lượng liếc nhìn, còn tưởng rằng một con mãnh thú đang bước ra, khi nhìn thêm lần nữa thì không hiểu sao lại sinh một cảm giác ấm ấp.

Một thứ ấm áp tràn đầy sinh lực, phấn chấn, mà lại kiên nhẫn, hiểu biết.

Một người thanh niên mà lại có nhiều cá tính tương cận mà không tương đồng như vậy tập trung trên mình, mãnh liệt mà không xâm phạm đến khí chất. Cao Phong Lượng mở Thần Uy Tiêu Cục, nổi danh biết nhiều người nhưng cũng chưa từng gặp qua một ai như vậy.

Đường Khẩn lại cao hứng thốt lên:

– Hứa Cát, ta trước giờ luôn nhớ đến ngươi, thì ra ngươi còn chưa chết hả Hứa Cát, hại ta phí công lo lắng.

Thần thái của Hứa Cát so với trước đây hoàn toàn bất đồng, nhưng y vẫn là Hứa Cát.

Hứa Cát cười cười nói:

– Ta biết.

Ánh mắt sắc bén của y nhìn về phía Đường Khẩn, thần tình ấm áp vô cùng.

– Chúng ta chỉ bất quá mới gặp nhau một lần, không ngờ ngươi lại có tình cảm như vậy.

Đường Khẩn nói:

– Chúng ta đã cùng chung hoạn nạn, đã cùng chung hoạn nạn lẽ nào không phải là hảo bằng hữu?

Cao Phong Lượng nói:

– Nếu như y không coi ngươi là bằng hữu, làm sao xuất thủ cứu ngươi những hai lần?

Đường Khẩn không hiểu:

– Hai lần?

Cao Phong Lượng nói:

– Một lần tại cửa lớn của Cúc Hồng Viện, y dùng một mẫu nến cản Cự Phủ Thư Sinh Dịch Ánh Khê lại để ngươi tẩu thoát.

Đường Khẩn còn chưa minh bạch Hứa Cát xuất thủ lúc nào, thì Hứa Cát đã nói:

– Cao cục chủ nhãn lực ...

Nói đến đây, thân hình bất giác khẽ run run.

Đinh Thường Y nhãn lực sắc bén, vừa liếc nhìn đã thấy khoé miệng Hứa Cát đang rỉ máu, vội thốt lên:

– Ngươi ... ngươi thọ thương rồi?

Hứa Cát đưa tay chùi máu trên miệng, nhìn lại vết máu trên tay, hiện ra một thứ biểu tình kỳ dị vô cùng, tựa một con mãnh thú đang liếm vết thương của mình vậy, bình tĩnh đến mức như đang thưởng thức máu của chính mình, một cảm giác vừa văn nhã lại vừa thú tính.

Hứa Cát nói:

– Không có gì.

Đinh Thường Y quan thiết hỏi:

– Làm sao mà thọ thương?

Nàng tựa như một vị tỷ tỷ thấy đệ đệ mình ngã đến chảy máu mà không khóc không kêu, ngược lại sợ nó trọng thương, nên không nhịn được hỏi tiếp vậy.

Khuôn mặt như đá hoa cương của Hứa Cát thoáng lộ một chút tiếu ý:

– Ta đâm Nhiếp Thiên Sầu một kiếm đó, là toàn lực xuất kích, nhưng nửa đường lại đột ngột thu kiếm, nội lực phản kích, chấn thương bản thân ... Có điều, không ảnh hưởng gì cả.

Thứ kiếm thuật gì lại đáng sợ như vậy?

Một kiếm đã xuất, đừng nói kẻ thù vô phương ngăn cản, ngay cả bản thân người xuất kiếm cũng không thể khống chế, một khi đình thủ, ngược lại sẽ làm chấn thương chính mình.

Đây đã không phải là chiêu thức của kiếm nữa, mà là sinh mệnh của kiếm.

Người dùng kiếm đã làm cho kiếm có sinh mệnh của nó, bất khuất mà độc lập, không bị người khác khống chế, điều khiển.

Uy lực của loại kiếm pháp này là sức mạnh cực đại của người và kiếm hợp nhất, một khi xuất kích, sinh tử đều đặt ra bên ngoài.

Vậy mà người sử ra một kiếm đó lại thà chấn thương bản thân, chứ không để kiếm đó giết người. Đây là thứ dũng khí gì vậy?

Hứa Cát giải thích:

– Mười năm trước, tuyệt kỹ của Lão Hổ Tiếu Nguyệt Nhiếp Thiên Sầu đã không thể xem thường, còn Tam Bảo Hồ Lô mà lão mới luyện thành thì càng không thể coi nhẹ, nhưng ta không muốn giết lão.

Đinh Thường Y nói:

– Không phải ngươi đã đẩy lùi lão sao?

Hứa Cát nói:

– Đó là ta công kỳ vô bị, dùng một tấm gương để dẫn dụ sự chú ý của lão ... huồng hồ, ba chiếc hồ lô, lão mới chỉ dùng một chiếc.

Y ngẩng đầu lên nhìn vầng trăng sáng:

– Người này tính cách cực kỳ quá khích, hành sự dễ đi vào con đường cực đoan, lại vô cùng kiêu ngạo, một kích không trúng, thì sẽ không xuất thủ tái chiến nữa, một khi rơi xuống thế hạ phong, cũng rất khẳng khái nhận thua. Bất quá, ngày khác y sẽ nhất định quyết phân thắng phụ.

Đường Khẩn không ngăn được hỏi:

– Vậy ... ngươi cũng không nắm chắc được phần thắng?

Đột nhiên Cao Phong Lượng nói:

– Y không thể thắng? Người khác không thắng nổi Lão Hổ Tiếu Nguyệt Bạch Phát Cuồng Nhân thì là chuyện đương nhiên, nhưng nếu nói Thiên Hạ Tứ Đại Danh Bộ cũng không thắng nổi, liệu người ta có tin nổi không?

Đường Khẩn há hốc miệng, trợn mắt nhìn Cao Phong Lượng.

Cao Phong Lượng lạnh lùng nói:

– Kiếm của ai mà sát khí lại lớn như vậy? Ai có kiếm pháp cao vậy mà tuổi lại trẻ thế không? Ai có thể một kiếm đẩy lùi Nhiếp Thiên Sầu? Ai mà khi thu kiếm lại sẽ làm chấn thương bản thân?

Ông cố ý nhấn mạnh từng chữ một:

– Lãnh Huyết. Lãnh bộ đầu. Ngươi muốn bắt ta về quy án, thì cứ tùy tiện, đừng bắt rồi lại thả, thả rồi lại bắt như mèo vờn chuột nữa.

Đường Khẩn trợn trừng mắt nhìn "Hứa Cát".

Ánh trăng lạnh.

Lưỡi kiếm cũng lạnh.

Lòng người có lạnh hay không? Máu có lạnh hay không?

"Hứa Cát" mỉm cười:

– Ta là Lãnh Huyết.

Khi chàng mỉm cười, tựa hồ như ánh dương đẩy lui mùa đông giá băng, như ánh nến làm bừng sáng đêm thâu, khiến người ta cảm thấy một sự ấm áp không gì kháng cự nổi.

“Ta vốn muốn bắt các người về quy án”. Lãnh Huyết tiếp tục nói:

“Bất quá, xem ra, ta sẽ không bắt các người nữa”.

Cao Phong Lượng lập tức hỏi:

– Tại sao?

“Bởi vì các người bị oan”. Lãnh Huyết nói:

“Ta không bao giờ bắt những người bị oan”.

Khoé mắt Cao Phong Lượng đột nhiên ươn ướt.

Nếu chưa từng bị người khác hàm oan một cách chân chính, toàn diện và triệt để, thì không thể biết được mùi vị bị hàm oan, bị người khác không tin tưởng, đến đâu cũng bị người ta săn đuổi và phải lẩn trốn như loài chuột nhắt bi thương đến dường nào.

Vậy mà hôm nay có người vừa mở miệng đã nói họ bị oan uổng, hơn nữa người đó còn là một trong những tuyệt đỉnh cao thủ đang truy đuổi bọn họ.

Đường Khẩn lần này lại nhìn sang Đinh Thường Y:

– Đinh cô nương, đây là ...?

Đinh Thường Y cắn môi, tròn mắt nhìn Lãnh Huyết:

– Ta cũng không biết. Y mới chỉ gia nhập Vô Sư Môn một thời gian ngắn, hơn nữa cũng thường xuyên vắng mặt. Chính là đại ca giới thiệu y gia nhập. Rất nhiều lần hành động y đều không tham gia, có một thời gian còn vô cớ thất tung nữa ... cho đến lần phá ngục cứu đại ca, y mới có biểu hiện xuất sắc ...

Thần tình của nàng không biết là đang vui hay đang giận:

– Ta thật không biết Hứa Cát là Lãnh Huyết, một tiểu huynh đệ mới gia nhập Vô Sư Môn không ngờ lại là người trẻ nhất, ra tay độc ác nhất trong Thiên Hạ Tứ Đại Danh Bộ, Lãnh Huyết.

Lãnh Huyết nói:

– Xin lỗi, bởi vì ta phải lo án, thân phận không thể không giấu đi.

Ánh mắt ôn nhu dịu dàng của Đinh Thường Y dưới ánh trăng lại càng ôn nhu dịu dàng hơn:

– Vậy lần này ngài xuất diện cứu chúng ta, là không còn muốn tiếp tục ẩn giấu nữa?

Lãnh Huyết gật đầu.

Đinh Thường Y lắc đầu như một người mẹ không cho con mình ăn đồ bậy bạ:

– Ngài vẫn còn dối ta một chuyện.

Lần này đến lượt Lãnh Huyết ngạc nhiên.

Đinh Thường Y mím môi cười nói:

– Ngài nói ngài chỉ có thể nhìn máu nhận vết thương, nhưng theo ta được biết, Lãnh tứ bộ đầu còn có khả năng chỉ nhìn qua là nhớ, nghe qua là vĩnh viễn không quên.

Công phu nghe tiếng nhận người của ta, so với ngài còn kém một vạn tám ngàn dặm.

Nàng cười lên khanh khách, nhưng sau khi cười dứt thì thần tình lập tức lạnh lùng:

– Lãnh bộ đầu, đa tạ ngài đã tán mỹ, nhưng ta không thích nghe những lời nói giả dối, vô luận là lúc đắc ý hay là lúc thất ý, ta đều không muốn nghe những lời không chân thành.

Vừa nãy nàng bằng thanh âm nhận ra "Hứa Cát", lúc đó Lãnh Huyết đã tán thưởng bản lĩnh nghe tiếng nhận người của nàng, nhưng Lãnh Huyết ngoại trừ nổi tiếng "kiếm lang nhân dũng, liều mạng đệ nhất" ra, thì tâm tư cũng vô cùng tinh tế, phàm là những gì đã quá mắt qua tai, chàng đều nhớ rõ như in.

Lãnh Huyết không ngờ Đinh Thường Y trong lúc này còn có thể nói ra những lời như vậy, chàng ngây người:

– Ta không nói dối.

Đinh Thường Y nhìn chàng chằm chằm nói:

– Ta có mấy câu muốn hỏi ngài.

Có người nói tim của Lãnh Huyết là do kiếm mài thành, vì vậy không sợ đau, không sợ khổ, không sợ thương, không sợ chết.

Nhưng khi nghe thấy lời nói lạnh nhạt của Đinh Thường Y, tim của chàng như đột nhiên thắt lại.

Đinh Thường Y đứng ở đó, thân hình nảy nở làm bộ y phục căng ra, bó sát vào người, đôi gò bồng đảo như hai chiếc lồng bánh bao nhỏ thơm ngon, khi bị nàng nhìn chăm chăm, Lãnh Huyết chợt cảm thấy được ý nghĩa của bốn chữ "mị nhãn như tơ".

Nhưng chàng vẫn rất định tâm:

– Cô nương hỏi đi.

Đinh Thường Y lấy từ trong bọc ra một cây nhang, đốt lên rồi vái một vái, hai hàng lông mi dài khẽ rung động nhè nhẹ, trông nàng có một vẻ thành kính vô cùng.

Sau đó nàng cắm cây nhang xuống đất, quay đầu lại nhìn Lãnh Huyết.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.