Khi Lỗi Thuộc Về Những Vì Sao

Chương 3




Đêm đó tôi thức khá trễ vì mải mê đọc cuốn Cái giá của Bình minh. (Cảnh báo ẩn: Cái giá của Bình minh là máu.) Đây không phải truyện Nỗi đau tột cùng, nhưng nhân vật chính, Trung sĩ Max Mayhem, cũng hơi bị đáng yêu mặc dù đã ‘xử đẹp’, theo tôi đếm, ít nhất 118 người trong 284 trang truyện.

Thế nên tôi dậy muộn vào sáng hôm sau, thứ Năm. Chủ trương của Mẹ là không bao giờ đánh thức tôi, bởi vì một trong những yêu cầu công việc của Bệnh Nhân Chuyên Nghiệp là phải ngủ thật nhiều. Nên tôi hơi bối rối khi giật mình thức dậy và thấy Mẹ đang lay vai tôi.

“Gần mười giờ rồi con,” bà âu yếm nói.

“Ngủ giúp chữa lành ung thư mà Mẹ,” tôi trả lời, giọng còn ngái ngủ. “Tối qua con thức khuya đọc sách.”

“Thì sách truyện chứ gì!” Mẹ nói khi bà quỳ bên cạnh giường và loay hoay tháo giúp tôi cái máy tạo ô-xy cá nhân hình chữ nhật, mà tôi gọi là Philip, bởi vì nó trông vạm vỡ y như chàng Philip huyền thoại.

Mẹ móc cho tôi một chiếc bình ô-xy di động rồi nhắc tôi có lớp học sáng nay. “Anh chàng tối qua cho con cái này à?” Mẹ hỏi vu vơ.

“Cái này ý Mẹ là mấy nốt mụn giộp hả?”

“Con suy nghĩ linh tinh quá,” Mẹ kêu lên. “Là cuốn truyện, Hazel. Ý Mẹ hỏi cuốn truyện ấy.”

“Dạ, anh ấy đưa cho con cuốn truyện này.”

“Mẹ thấy con thích anh chàng này,” Mẹ vừa nói vừa nhướng mày, như thể sự quan sát này đòi hỏi bản năng đặc biệt của người mẹ. Tôi nhún vai. “Mẹ đã nói với con là Hội Tương Trợ này cũng đáng tham gia mà.”

“Bộ Mẹ đứng ngoài chờ con suốt buổi hay sao mà Mẹ biết?”

“Ừ. Mẹ có mang theo một số tài liệu để đọc. Mà thôi, đã đến lúc bắt đầu ngày mới rồi thưa quý cô.”

“Mẹ à! Ngủ. Ung thư. Chữa bệnh.”

“Mẹ biết rồi, con cưng, nhưng còn lớp học sáng nay. Và hôm nay là ngày…” Giọng Mẹ không giấu được vẻ hân hoan.

“Thứ Năm?”

“Con không nhớ ngày thật à?”

“Hì, chắc vậy.”

“Hôm nay là thứ Năm, ngày hai mươi chín tháng Ba!” Mẹ gần như hét lên, một nụ cười rạng rỡ bừng sáng trên khuôn mặt bà.

“Mẹ thật sự phấn khích về vụ ngày tháng nhỉ!” Tôi cũng hô to.

“HAZEL. HÔM NAY LÀ SINH NHẬT LẦN THỨ BA MƯƠI BA CHIA ĐÔI CỦA CON ĐÓ!”

“Ồ,” tôi ngạc nhiên đáp. Mẹ tôi thực sự là chuyên gia siêu giỏi trong việc tìm mọi lý do để tăng số ngày lễ kỷ niệm trong năm. HÔM NAY LÀ NGÀY CY XANH! NÀO, CHÚNG TA HÃY CÙNG ÔM CY VÀ ĂN BÁNH! COLUMBUS MANG BỆNH ĐẦU MÙA ĐẾN CHO NGƯỜI DN BẢN ĐỊA; CHÚNG TA NÊN TƯỞNG NIỆM SỰ KIỆN NÀY BẰNG MỘT BUỔI PICNIC DÃ NGOẠI!, v.v. “Chà, xin Chúc mừng Sinh nhật Lần thứ Ba mươi ba Chia đôi của con,” tôi hùa theo.

“Con muốn làm gì vào ngày rất đặc biệt này của mình?”

“Về nhà sau khi tan học và lập kỉ lục thế giới về số tập chương trình Vua bếp mà con được xem liền tù tì, Mẹ thấy sao?”

Mẹ với tay lên chiếc kệ trên đầu giường của tôi và chộp lấy Bluie, chú gấu bông màu xanh mà tôi được tặng từ hồi tôi mới khoảng một tuổi – cái thời mình còn được phép đặt tên bạn bè theo màu sắc của họ.

“Thế con không muốn đi xem phim với Kaitlyn, Matt hay bạn nào đó sao?” những người này là bạn tôi.

Đó là một ý hay. “Dĩ nhiên rồi!” tôi hồ hởi đáp. “Để con nhắn tin cho Kaitlyn xem nhỏ có muốn đi mua sắm hay làm gì đó sau giờ học không.”

Mẹ cười, ôm chú gấu bông vào lòng. “Liệu đi mua sắm có còn là điều tuyệt vời không ta?” bà hỏi.

“Con rất tự hào về chuyện không phân biệt được cái gì là tuyệt vời đó nha Mẹ,” tôi đáp tỉnh bơ.



Tôi nhắn tin cho Kaitlyn, tắm táp, thay đồ, và sau đó Mẹ chở tôi đến trường. Hôm nay có lớp Văn học Mỹ. Cô giảng về Frederick Douglass trong một hội trường gần như vắng teo, và thật vô cùng khó khăn để không phải ngủ gật trong lớp. Vào phút thứ bốn mươi ba của tiết học dài chín mươi phút, Kaitlyn nhắn tin lại.

Tuyệt cú mèo. Chúc mừng sinh nhật chia đôi nhé. Ở Castleton lúc 3:32 nha?

Kaitlyn có một cuộc sống xã hội bận rộn đến mức lịch trình sinh hoạt được tính đến từng phút. Tôi nhắn trả lời:

Nghe hay đó. Hẹn gặp ở khu ẩm thực nhé!

Từ trường, Mẹ lái xe đưa tôi đến thẳng hiệu sách nối liền khu trung tâm mua sắm. Ở đó tôi mua cả hai cuốn Bình minh lúc nửa đêm và Cầu siêu cho Mayhem, hai tập đầu của cuốn Cái giá của Bình minh. Rồi tôi băng ngang khu ẩm thực rộng thênh thang và mua một lon Coca Diet. Lúc đó đã là 3:21.

Tôi ngồi đọc truyện, thỉnh thoảng ngước nhìn những đứa trẻ đang nô đùa trong khu vui chơi mô hình tàu cướp biển. Có hai đứa trẻ cứ bò tới bò lui trong một đường hầm và dường như chúng không lúc nào biết mệt, khiến tôi lại miên man suy nghĩ đến Augustus Waters và trò ném bóng dở hơi.

Mẹ cũng vào khu ẩm thực, một mình, ngồi trong một góc mà bà nghĩ là tôi không thể nhìn thấy, thong thả ăn bánh sandwich kẹp bít-tết và phô mai. Vừa ăn bà vừa đọc một số giấy tờ. Có lẽ là tài liệu y tế. Thủ tục y tế là vô tận.

Đúng boong 3:32, tôi thấy Kaitlyn sải bước tự tin qua tòa nhà Wok House. Nhỏ nhìn thấy tôi ngay khi tôi vừa giơ tay vẫy, và không quên cười nhe hàm răng mới chỉnh trắng tinh, đi thẳng đến chỗ tôi.

Nhỏ mặc một chiếc áo khoác màu xám than dài đến gối, ôm vừa khít người và mang một cặp kính mắt to đùng che gần hết khuôn mặt. Nhỏ đẩy kính lên trên đầu khi cúi xuống ôm tôi.

“Bồ khỏe không?” nhỏ hỏi, lơ lớ giọng Anh. Sẽ không ai thấy chất giọng này lạ hay khó chịu cả. Kaitlyn chỉ vô tình là một cô nàng quý tộc Anh hai mươi lăm tuổi cực kỳ sành điệu bị mắc kẹt trong một cơ thể thiếu nữ mười sáu tuổi ở thành phố Indianapolis này. Ai cũng sẽ chấp nhận sự thật đó.

“Mình khỏe. Còn bồ?”

“Mình cũng không biết nữa. Đó là Coca Diet hả?” Tôi gật đầu và đưa lon nước cho nhỏ, nhỏ cầm lấy hút vài ngụm. “Mình ước gì bồ còn đi học chung. Mấy chàng trai giờ nhìn ngon lành hết sảy.”

“Ồ, vậy hả? Như chàng nào?” Tôi hỏi. Nhỏ hăm hở kể tên năm anh chàng từng học chung thời tiểu học và trung học với chúng tôi, nhưng tôi không thể hình dung được bất kỳ ai trong số đó.

“Dạo này mình đang hẹn hò với Derek Wellington,” nhỏ nói, “Nhưng mình cũng chẳng lâu dài đâu, hắn còn trẻ con quá. Mà thôi, nói về mình thế đủ rồi. Bồ có gì mới trong thế giới của Hazel không nào?”

“Thật ra cũng chẳng có gì,” tôi đáp.

“Thế sức khỏe bồ tốt không?”

“Cũng vậy à!”

“Phalanxifor!” nhỏ cười toe toét. “Nhờ vậy mà giờ bồ có thể sống mãi mãi, phải không?”

“Có thể không được mãi mãi đâu,” tôi trả lời.

“Nhưng cơ bản là vậy,” nhỏ liến thoắng. “Còn tin gì mới nữa nào?”

Tôi định sẽ kể cho nhỏ nghe rằng tôi cũng đang qua lại với một anh chàng, hay chí ít là tôi đã cùng xem phim với một người khác giới. Bởi vì tôi biết tin đó sẽ khiến nhỏ bất ngờ và thích thú vì một đứa con gái ăn mặc lôi thôi, gầy nhom và vụng về như tôi có thể nhanh chóng chiếm được cảm tình của một chàng trai. Nhưng tôi cũng không thực sự có gì nhiều nhặn để khoe khoang, nên tôi chỉ nhún vai.

“Đây là gì vậy trời?” Kaitlyn chỉ cuốn truyện và hỏi.

“Ồ, truyện khoa học viễn tưởng ấy mà. Mình đang ghiền đọc loạt truyện này.”

“Bồ làm mình hơi cảnh giác đó. Thế giờ tụi mình đi mua giày nhé?”

Hai đứa cùng đến cửa hàng giày. Trong lúc đang chọn mua, Kaitlyn cứ liên tục đưa mấy kiểu giày bệt hở mũi cho tôi và khen tới tấp, “Đôi này trông dễ thương với bồ nè!” nhắc tôi nhớ rằng Kaitlyn không bao giờ mang giày hở mũi bởi nhỏ ghét ngón chân của mình. Nhỏ cứ bị ám ảnh là ngón chân nhỏ quá dài, như thể ngón chân trỏ là cửa sổ tâm hồn hay đại loại thế. Nên khi tôi chỉ một đôi dép rất tiệp với màu da của nhỏ, nhỏ ngần ngừ: “Ừ thì cũng đẹp, nhưng…” Nhưng ở đây có nghĩa là nhưng nó sẽ làm lộ ngón chân trỏ gớm ghiếc của mình cho bàn dân thiên hạ xem. Tôi thốt lên: “Kaitlyn, bồ là người duy nhất mình biết bị bệnh mặc cảm ngón chân đó,” và nhỏ ngơ ngác hỏi: “Bồ nói gì thế?”

“Thì giống như khi bồ soi gương, bồ thấy khiếm khuyết khiến bồ mặc cảm cứ lồ lộ ra, nhưng thật sự thì chẳng đến nỗi nào đâu.”

“À, à, mình hiểu rồi,” nhỏ gật gù. “Thế bồ thích đôi này không?” Nhỏ giơ ra một đôi giày Mary Janes xinh xắn nhưng không mấy đặc sắc. Tôi gật đầu và thế là nhỏ tìm cỡ chân mình, xỏ vào thử và cứ bước tới bước lui, vừa đi vừa ngắm nhìn chân mình qua chiếc gương cao đến đầu gối. Sau đó, nhỏ lại chộp lấy một đôi giày xăng-đan cao gót và nói: “Mình có thể đi đôi này không nhỉ? Ý mình là, chắc mình sẽ chết—” và chợt im bặt, ngại ngần nhìn tôi như muốn nói mình xin lỗi, như thể đó là một trọng tội khi nhắc đến cái chết với người đang sắp chết vậy. “Bồ nên thử đôi này,” Kaitlyn mở lời, cố gắng xua tan cảm giác ngượng ngùng.

“Mình sẽ chết sớm,” tôi bảo.

Cuối cùng tôi chỉ chọn một vài đôi dép kẹp để có cái mà mua. Xong tôi ngồi phịch xuống một băng ghế đối diện với kệ trưng bày giày và ngó Kaitlyn lượn lờ xem giày, với một sự tập trung cao độ thường thấy ở mấy kiện tướng cờ vua chuyên nghiệp. Tôi muốn lấy cuốn Bình minh lúc nửa đêm ra đọc một chốc nhưng làm vậy có phần khiếm nhã nhên tôi chỉ ngồi nhìn Kaitlyn. Thỉnh thoảng nhỏ vòng lại chỗ tôi, tay nắm chặt một số mẫu giày bít mũi và hỏi: “Đôi này nha?” Tôi cố gắng tìm một lời bình luận thông minh, và cuối cùng nhỏ mua những ba đôi còn tôi mua mớ dép kẹp đã chọn. Và khi cả hai vừa ra khỏi cửa hàng, nhỏ hỏi: “Qua bên Anthropologie không?”

“Mình nên về nhà,” tôi đáp. “Mình thấy hơi mệt trong người.”

“Ừ, phải rồi!” nhỏ nói. “Mình phải thường xuyên gặp bồ hơn.” Nhỏ quàng tay lên vai tôi, hôn lên má rồi quay lưng đi, cái hông nhỏ lắc lư theo nhịp bước. Nhưng tôi không về nhà. Tôi đã dặn mẹ đến đón lúc sáu giờ chiều, và khi thấy bà không có trong khu mua sắm hay dưới bãi đậu xe, tôi muốn dành hai giờ còn lại cho bản thân.

Tôi thương Mẹ, nhưng sự có mặt thường xuyên của bà đôi khi khiến tôi thấy khó chịu một cách kỳ lạ. Cũng như tôi quý Kaitlyn. Tôi thực sự rất quý nhỏ. Nhưng ba năm đằng đẵng không gặp gỡ bạn bè thường xuyên như hồi học chính quy, tôi cảm thấy có một khoảng cách nhất định khó lấp giữa chúng tôi. Tôi nghĩ các bạn cũng muốn giúp tôi vượt qua căn bệnh ung thư này, nhưng cuối cùng họ thấy bất lực. Bởi vì căn bệnh này không thể vượt qua.

Nên tôi thường viện cớ mệt và đau mỗi khi gặp Kaitlyn hay bất kì bạn nào khác trong mấy năm qua. Thật ra thì tôi luôn luôn thấy đau. Đau khi không thở được như một người bình thường, khi không phải ngừng nhắc nhở lá phổi phải làm nhiệm vụ của nó, khi buộc phải chấp nhận không thể cắt được cơn đau xé người của chứng suy hô hấp. Vậy thật ra tôi đâu nói dối, tôi chỉ lựa chọn giữa nhiều sự thật mà thôi.

Tôi tìm thấy một băng ghế nằm giữa các cửa hàng Quà tặng Ireland, Viết máy Emporium, và một cửa hàng bán mũ bóng chày – một góc của khu trung tâm mà thậm chí Kaitlyn sẽ không bao giờ ghé qua mua sắm. Thế là tôi bắt đầu đọc cuốn Bình minh lúc nửa đêm.

Truyện gần như cứ một câu là có một người chết và tôi say sưa đọc mà không buồn nhìn lên. Tôi thích Trung sĩ Max Mayhem, mặc dù ông không hẳn là giỏi chuyên môn, chủ yếu tôi thích những cuộc phiêu lưu của ông cứ tiếp diễn liên tục. Lúc nào cũng có nhiều kẻ xấu để tiêu diệt và nhiều người tốt để bảo vệ. Ông bắt đầu cuộc chiến mới cả trước khi chiến thắng cuộc cũ. Thật sự tôi chưa hề đọc một loạt truyện như vầy kể từ khi tôi lớn, và giờ thật thú vị khi sống lại trong thế giới hư cấu vô tận này.

Hai mươi trang cuối truyện, tình hình trở nên bi kịch với Mayhem, khi ông bị bắn mười bảy lần trong một nỗ lực giải cứu con tin (là gái Mỹ, tóc vàng) từ Kẻ thù. Tuy nhiên, từ góc độ người đọc, tôi không thấy thất vọng. Nỗ lực chiến đấu sẽ trường tồn dù không còn Mayhem. Có thể - và thật sự là thế - phần tiếp theo sẽ có sự tham gia của đội quân của ông: Chuyên gia Manny Loco và Thám tử tư Jasper Jacks cùng những đồng đội khác.

Khi tôi sắp đọc hết truyện thì có một cô bé tóc tết bím xuất hiện trước mặt tôi, hỏi: “Cái gì trong mũi của chị vậy?”

Tôi đáp: “Ừm, nó gọi là ống thông. Cái ống này cung cấp ô-xy cho chị, giúp chị hít thở.” Mẹ cô bé chạy đến và nói vẻ không hài lòng, “Jackie!” Tôi vội trấn an, “Không, không sao đâu cô,” vì thật ra cũng chẳng có gì nghiêm trọng. Sau đó Jackie lại hỏi: “Thế nó có giúp em hít thở được không?”

“Chị cũng không rõ. Hay chúng ta thử nhé.” Nói đoạn tôi rút ống ra và cho Jackie gắn ống thông vào trong mũi của cô bé và thở. “Nhột quá!” cô bé thốt lên.

“Chị biết mà!”

“Em nghĩ em thở tốt hơn,” cô bé nói.

“Vậy à?”

“Dạ.”

“Ừ,” tôi đáp, “Ước gì chị có thể tặng em chiếc ống này nhưng chị thực sự cần nó để trợ thở.” Tôi bắt đầu thấy hụt ô-xy. Tôi ráng tập trung hít thở khi Jackie trả ống lại cho tôi. Tôi nhanh chóng luồn dây vào trong áo thun, móc vòng ra sau vành tai và đặt các đầu ống vào vị trí cũ.

“Cảm ơn chị đã cho em thử nó,” cô bé nói.

“Không có gì đâu bé!”

“Jackie,” mẹ cô bé lại kêu, và lần này tôi để cô bé đi theo mẹ.

Tôi quay trở lại với cuốn truyện, tới đoạn Trung sĩ Max Mayhem thấy ray rứt vì ông chỉ có một mạng sống để cống hiến cho Tổ quốc. Nhưng tôi cứ miên man nghĩ về cô bé tóc bím, tôi thích cô bé biết nhường nào.

Còn một điều nữa về Kaitlyn, theo tôi, là không bao giờ tôi cảm thấy tự nhiên khi nói chuyện với nhỏ nữa. Bất kỳ nỗ lực xã giao bình thường nào cũng chỉ tổ làm tăng thêm thất vọng. Bởi vì rõ rành rành là tất cả mọi người tôi tiếp xúc trong suốt quãng đời còn lại sẽ luôn thấy khó xử và lúc nào cũng ý thức về căn bệnh của tôi, ngoại trừ trẻ em như Jackie vốn chẳng biết gì mấy.

Dù sao, tôi thực sự thích được ở một mình. Tôi thích ở một mình đơn độc với vị Trung sĩ Max Mayhem đáng thương, người mà - ồ, không phải chứ, đừng nói ông ta vẫn tiếp tục sống sót sau mười bảy vết đạn này nha!

(Cảnh báo ẩn: Ông vẫn sống.)

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.