Khi Lỗi Thuộc Về Những Vì Sao

Chương 12




Tôi thức dậy lúc bốn giờ mà theo múi giờ Hà Lan thì trời đã hửng sáng. Mọi nỗ lực để ngủ trở lại đều không thành, vì vậy tôi nằm trên giường trong khi máy thở BiPAP cứ liên tục hết bơm không khí vào lại rút khí thải ra. Tuy tôi thích nghe âm thanh tựa như một chú rồng đang thở phát ra từ chiếc máy nhưng tôi vẫn ước mình có thể chủ động chọn nhịp thở cho chính mình.

Tôi lấy cuốn Nỗi đau tột cùng ra đọc lại cho đến khi Mẹ tỉnh dậy lúc sáu giờ sáng. Bà lăn qua phía tôi đang nằm và rúc đầu vào vai tôi, khiến tôi chợt thấy khó chịu và mơ hồ nhớ cảm giác Augustinô.

Nhân viên khách sạn phục vụ bữa sáng tận phòng cho chúng tôi, một thực đơn thật hợp ý tôi vói các món thịt được chế biến công phu và hoàn toàn ‘nói không’ với công thức quen thuộc của bữa sáng kiểu Mỹ. Chiếc váy tôi định mặc đến gặp Peter Van Houten đã được ‘đặc cách’ lên trình làng trong bữa ăn tối lãng mạn ở Oranjee. Vì vậy sau khi tôi tắm táp và rũ thẳng tóc, tôi mất đứt ba mươi phút tranh luận với Mẹ về những ưu - khuyết điểm của những bộ trang phục mang theo trước khi quyết định diện giống Anna trong Nỗi đau tột cùng, càng giống càng tốt: một đôi giày đế mềm hiệu Chuck Taylor cùng quần jean sậm màu như bạn ấy luôn mặc, và một áo T-shirt màu xanh lơ.

Trên chiếc áo in một tác phẩm Siêu thực nổi tiếng của René Magritte, tron đó ông đã vẽ một tẩu thuốc kèm dòng ghi chú bên dưới được viết theo kiểu chữ thảo Ceci n'est pas une pipe. (“Đây không phải là một tẩu thuốc.”)

Mẹ nói: “Mẹ thật không hiểu cái hình trên áo.”

“Ông Peter Van Houten sẽ hiểu nó, Mẹ tin con đi. Có đến khoảng bảy ngàn ẩn dụ kiểu Magritte trong siêu phẩm Nỗi đau tột cùng mà.”

“Nhưng nó là một tẩu thuốc.”

“Không, không phải,” tôi nói. “Đó là hình vẽ của một tẩu thuốc. Mẹ hiểu không, mọi hình ảnh đại diện cho một vật nào đó vốn đều trừu tượng. Lập luận này thật thông minh.”

“Sao mà con lớn nhanh như thổi và hiểu được những điều mà người mẹ cổ lỗ sĩ của con thấy khó hiểu nhỉ?”

Mẹ thắc mắc. “Với Mẹ vẫn mới như ngày hôm qua, khi còn giải thích cho bé Hazel bảy tuổi tại sao bầu trời lại có màu xanh. Chắc hẳn khi đó con nghĩ Mẹ là một thiên tài ha!”

“Tại sao bầu trời lại màu xanh vậy Mẹ?” Tôi hỏi.

“Bởi vì...” bà dài giọng. Tôi phá lên cười nắc nẻ.

Càng gần đến mười giờ, tôi càng hồi hộp lo lắng: hồi hộp vì sắp gặp anh Augustus; hồi hộp vì sắp gặp Peter Van Houten; lo lắng rằng bộ trang phục tôi đang mặc không bắt mắt; lo lắng rằng chúng tôi sẽ không tìm đúng nhà ông văn sĩ vì mọi ngôi nhà ở Amsterdam trông khá giống nhau; lo lắng rằng chúng tôi sẽ bị lạc và không bao giờ tìm được đường về Khách sạn Filosoof; hồi hộp lo lắng, lo lắng hồi hộp. Mẹ cố gắng trò chuyện với tôi nhưng thực sự tôi không để tâm lắng nghe. Tôi vừa định nhờ Mẹ đi lên lầu trên xem anh Augustus đã thức chưa thì nghe tiếng anh gõ cửa phòng.

Tôi ra mở cửa. Anh nhìn chiếc áo và mỉm cười. “Buồn cười quá!” Anh nhận xét.

“Đừng nói ngực em buồn cười,” tôi hờn mắt.

“Có người lớn ở đây nha,” Mẹ nhắc nhở từ phía sau. Vì tôi đã làm Augustus đỏ mặt và kéo anh khỏi trò chòng ghẹo của anh, nên cuối cùng tôi đủ can đảm liếc nhìn lên anh.

“Thật sự Mẹ không muốn đi cùng tụi con à?” Tôi hỏi Mẹ.

“Mẹ sẽ tham quan Bảo tàng Rijksmuseum và Công viên Vondelpark hôm nay,” bà sôi nổi nói. “Thêm nữa là Mẹ chẳng mê tác phẩm của ông ấy. Không có ý xúc phạm gì thần tượng của con đâu nhé. Nhớ gửi lời cảm ơn của chúng ta đến ông ấy và cô Lidewij nhé!”

“Dạ được,” tôi đáp. Tôi ôm Mẹ, và bà âu yếm hôn phía trên vành tai tôi.

Khu nhà trắng nơi Peter Van Houten nằm ở ngay góc ngã tư cùng dãy phố với khách sạn, trên đường Vondelstraat, đối diện với công viên. Nhà số 158. Một tay anh Augustus cẩm hộ giá ô-xy, tay còn lại anh dắt tôi bước ba bước về phía cánh cửa sơn màu xanh - đen. Tim tôi đập thình thịch. Chỉ còn cách một cánh cửa nữa thôi tôi sẽ có được câu trả lời mà mình luôn ao ước được biết kể từ lần đầu tiên đọc trang cuối cùng dở dang của tác phẩm này.

Tôi có thể nghe thấy tiếng bass ầm ầm bên trong, lớn đến nỗi mấy bệ cửa sổ cũng phải rung chuyển. Không biết Peter Van Houten có con nhỏ thích nghe nhạc rap hay không?

Tôi nắm lấy vòng sắc gõ cửa hình đầu sư tử và ngập ngừng đạp vào cửa. Tiếng bass vẫn vọng ra từ bên trong. “Có lẽ ông ấy không nghe thấy giữa tiếng nhạc chói tai này đâu,” Augustus nói. Anh nắm lấy cái vòng sắt và động cửa mạnh hơn.

Tiếng nhạc tắt hẳn, thay vào đó là tiếng chân lê bước ra cửa. Tiếng mở chốt cửa. Thêm một chốt khác. Rồi cánh cửa cọt kẹt hé mở. Một người đàn ông bụng phệ, tóc lưa thưa, gò má xệ, và bộ râu lún phún chắc một tuần chưa cạo bước ra, nheo mắt trước ánh sáng mặt trời. Ông ta mặc bộ đồ ngủ màu lam nhạt, giống như mấy ông già trong khi hai cánh tay thì khẳng khiu, nên trông ông ta giống như một quả bóng với bốn cái que xiên vào nó. “Chú Van Houten phải không ạ?” anh Augustus cất tiếng hỏi, giọng anh hơi cao hơn bình thường.

Cánh cửa đóng sầm một phát. Phía sau cửa, một chất giọng the thé hét lên, ngắt quãng, “LEEE-DUH-VIGH!” (Trước đó, tôi toàn phát âm tên chị trợ lý của ông ta là lid-uh-widge.)

Chúng tôi có thể nghe thấy cuộc đối thoại ở bên kia cánh cửa. “Họ đến rồi hả chú Peter?” Giọng người phụ nữ hỏi.

“Có — cô Lidewij này, có hai đứa thiếu niên ‘hiện hồn’ ở trước cửa.”

“Hiện hồn?” Chị hỏi lại bằng âm giọng Hà Lan thánh thót rất dễ thương.

Van Houten hấp tấp tuôn ra một tràng. “Là bóng ma, bóng quỷ, ma-cà-rồng, ma cà tưng, hồn ma bóng quế hiện về, Lidewij. Làm sao mà một con người đang học cao học về văn chương Mỹ như cô lại có thể sở hữu kỹ năng tiếng Anh tệ lậu như vậy hả?”

“Chú Peter, mấy em đó không phải là ma quỷ gì hết. Đó là Augustus và Hazel, những fan hâm mộ trẻ mà gần đây chú đã phúc đáp thư từ qua lại.”

“Chúng — cái gì? Chúng — tôi tưởng chúng nó đang ở Mỹ chứ!”

“Vâng, nhưng chú đã mời hai em ấy đên đây, chú nhớ không?”

“Cô có biết lý do tại sao tôi rời nước Mỹ không, cô Lidewij? Tôi đi để mà tôi không bao giờ gặp bọn người Mỹ nữa.”

“Nhưng chú là người Mỹ.”

“Một sự thật không thể sửa chữa được, có vẻ như thế. Nhưng đối với mấy đứa Mỹ này, cô phải bảo chúng nó rời khỏi đây ngay, rằng đó là một sai lầm khủng khiếp, rằng thằng cha Van Houten chết tiệt chỉ mời lơi thế thôi chứ không phải thật tâm muốn vậy, cho nên cần phải đọc và hiểu lời mới ấy một cách tượng trưng.”

Có vẻ như tôi suýt chút nữa là nôn mửa. Tôi nhìn qua phía Augustus, anh đang dán chặt mắt vào cánh cửa, và tôi thấy anh buông thõng hai vai.

“Cháu sẽ không làm vậy đâu, chú Peter,” tiếng chị Lidewij trả lời. “Chú phải gặp họ. chú phải làm như vậy. Chú cần gặp gỡ hai em ấy. Chú cần thấy công việc viết lách của chú có sức ảnh hưởng như thế nào.”

“Cô Lidewij, có phải cô cố tình qua mặt tôi để sắp xếp chuyện này không?”

Một sự im lặng kéo dài, và cuối cùng cánh cửa lại mở ra lần nữa. Người đàn ông hết nhìn anh Augustus lại quay đầu nhìn sang tôi, mắt vẫn nheo nheo. “Ai trong hai cô cậu là Augustus Waters?” ông ta hỏi. Anh Augustus ngập ngừng giơ tay. Van Houten gật đầu và nói tiếp, “Thế cậu đã ‘cưa đổ’ cô nàng đó chưa?”

Và lần đầu tiên và duy nhất tôi chứng kiến một Augustus Waters thực sự không nói nên lời. “Cháu,” anh ngắc ngứ, “ừm, cháu, Hazel, ừm. À.”

“Cậu bé này dường như bị một chứng bệnh chậm phát triển nào đó,” Peter Van Houten kết luận với Lidewij.

“Chú Peter,” chị mắng ông.

“À,” Peter Van Houten vừa nói vừa chìa tay về phía tôi. “Dù sao thì cũng rất vui khi được gặp những sinh vật không thể tồn tại về mặt bản thể.” Tôi bắt tay ông ta — một bàn tay sưng húp, và nhìn ông ta bắt tay với anh Augustus. Tôi đã tự hỏi về mặt bản thể nghĩa là gì. Dù sao, tôi cũng thích thuật ngữ này. Anh Augustus và tôi đều thuộc Câu lạc bộ Những sinh vật Không thể tồn tại gồm chúng tôi và bọn thú mỏ vịt.

Tất nhiên, tôi đã hy vọng rằng Peter Van Houten là một người ôn hòa mực thước, nhưng quả thật thế giới này không phải là một công xưởng sản xuất điều ước. Điều quan trọng là cánh cửa đã được mở và tôi đã bước qua ngưỡng cửa đó, vào bên trong để tìm hiểu những chuyện xảy ra sau khi kết thúc truyện Nỗi đau tột cùng. Vậy là đủ. Chúng tôi đi theo ông ta và chị Lidewij vào trong nhà, băng qua một bàn ăn bằng gỗ sồi khổng lồ với chỏng chơ hai chiếc ghế, để vào một phòng khách lạnh lẽo đến gợn tóc gáy.

Nó trông giống một bảo tàng, nhưng chẳng có tranh ảnh nghệ thuật nào trên những bức tường trắng toát. Ngoại trừ một chiếc ghế xô-pha và một chiếc ghế nệm dài, đều bằng thép bọc da màu đen, căn phòng dường như trống rỗng. Thế rồi tôi để ý thấy phía sau ghế xô-pha có hai túi rác lớn màu đen, căng phồng và buộc xoắn ở miệng túi.

“Rác à?” Tôi thì thầm với anh Augustus, giọng thẽ thọt đủ để không ai khác nghe thấy.

“Thư của fan hâm mộ,” Van Houten trả lời khi ông ra ngồi phịch xuống ghế nệm. “Mười tám năm được ngần đấy. Không thể mở ra. Đáng sợ lắm. Thư của cô cậu là những bức thư đầu tiên mà tôi đã trả lời, và hãy nhìn xem kết quả thế nào đây. Thành thật mà nói tôi thấy hành động của các độc giả hoàn toàn chẳng hay ho tí nào.”

Điều đó lý giải tại sao ông ra không bao giờ trả lời thư của tôi: Ông ra chưa bao giờ đọc qua chúng. Tôi tự hỏi tại sao ông ta giữ tất cả thư từ lại, chưa nói đến việc cất chúng trong một căn phòng khách trang trọng dù trống toác thế này. Van Houten ‘thượng’ hai bàn chân lên chiếc ghế đệm thấp, đôi dép lê bắt chéo nhau. Ông ta ra hiệu về phía chiếc ghế nệm dài. Anh Augustus và tôi ngồi xuống cạnh nhau, nhưng không quá sát nhau.

“Hai em ăn sáng chút gì nhé?” Chị Lidewij mời.

Tôi định trả lời là chúng tôi đã ăn sáng rồi thì Van Houten chen ngang. “Còn quá sớm để nghĩ đến chuyện ăn sáng, cô Lidewij.”

“Ồ, hai em đến từ nước Mỹ, chú Peter à. Nên lúc này đã quá giờ trưa đối với bụng của hai em ấy rồi.”

“Vậy thì lúc này cũng quá trễ để ăn sáng rồi,” ông ta tiếp tục. “Tuy nhiên, đã quá giờ trưa thì sao chúng ta không thưởng thức rượu hoa quả nhỉ. Cô bé có uống rượu Scotch không?” Ông ta hỏi tôi.

“Cháu á — ừm, không, cháu không cần uống gì đâu,” tôi đáp.

“Cậu Augustus Waters?” Van Houten hỏi, hất đầu về phía Gus.

“Ừm, cháu cũng không cần.”

“Vậy thì chỉ có mình tôi thôi, cô Lidewij. Rượu Scotch và nước nhé.” Van Houten chuyển sự chú ý của mình sang Gus, ông ta hỏi: “Cậu có biết cách chúng tôi pha rượu Scotch với nước trong ngôi nhà này không?”

“Không, thưa chú,” Gus trả lời.

“Chúng tôi đổ rượu Scotch vào ly và sau đó suy nghĩ đến nước trong tâm tưởng, thế rồi chúng tôi hòa rượu Scotch trên thực tế với ý nghĩa trừu tượng về nước.”

Lidewij nói: “Có lẽ đầu tiên nên ăn sáng một ít, chú Peter.”

Ông nhìn về phía chúng tôi và thì thào từng chữ, “Cô ấy nghĩ rằng tôi nghiện rượu.”

“Và tôi nghĩ rằng mặt trời đã lên cao,” Lidewij đáp lời. Tuy nhiên, chị vẫn bước đến quầy rượu trong phòng khách với tay lấy một chai Scotch, và rót lấy một nửa ly rồi mang nó đến cho ông ta. Peter Van Houten nhấp một ngụm, sau đó ngồi thẳng dậy trên ghế. “Rượu ngon thế này phải uống với tư thế chuẩn nhất,” ông ta nói.

Tôi chợt ý thức về tư thế ngồi của mình và hơi thẳng lưng lên một chút trên chiếc ghế nệm dài. Tôi sắp xếp lại dây nhợ của mình. Ba luôn luôn nói với tôi là chúng ta có thể đánh giá một người qua cách họ đối xử với trợ lý và người phục vụ bàn. Theo cách đó thì Peter Van Houten có thể là kẻ xấu xa đê tiện nhất trần đời. “Vậy là cậu thích cuốn sách của tôi,” ông ta nói với Augustus sau khi nhấp một ngụm rượu nữa.

“Dạ,” tôi hào hứng đáp thay anh Augustus. “Dạ vâng, chúng cháu — à, anh Augustus đây đã quyết định Điều Ước của mình là được đến đây gặp chú và nghe chú tiết lộ cho tụi cháu biết chuyện gì xảy ra sau khi kết thúc cuốn Nỗi đau tột cùng.”

Van Houten không nói gì, chỉ cầm lấy ly rượu nốc một hơi.

Sau một phút, anh Augustus lên tiếng, “Cuốn sách của chú có thể xem là đã đưa chúng cháu đến với nhau.”

“Nhưng cô cậu không đến với nhau,” ông ta buông lời nhận xét mà chẳng buồn liếc nhìn tôi.

“Nó đã đưa chúng cháu gần đến với nhau,” tôi chỉnh lại.

Giờ thì ông ta quay sang tôi. “Cô đã cố tình ăn mặc giống như con bé phải không?”

“Bạn Anna ạ?” Tôi hỏi.

Ông ta chỉ nhìn tôi chằm chặp.

“Phần nào,” tôi nói.

Ông ta lại nốc một hơi nữa, sau đó nhăn mặt. “Tôi không có nghiện rượu,” ông ta tuyên bố, bất chợt to tiếng một cách không cần thiết. “Tôi có một mối quan hệ thiết với rượu: Tôi có thể kể chuyện cười, cai trị nước Anh và làm bất cứ điều gì tôi muốn làm. Ngoại trừ chuyện cai rượu.” Ông ta liếc nhìn chị Lidewij và hất đầu về phía ly của mình. Chị cầm lấy nó quay về quầy rượu. “Nhớ nghĩ đến nước nhé, cô Lidewij,” ông ta hướng dẫn.

“Vâng ạ, biết rồi khổ lắm nói mãi!” Chị đáp, phát âm lơ lớ giọng Mỹ.

Ly rượu thứ hai đã tới. Van Houten lại duỗi cột sống lần nữa với tất cả lòng tôn sùng rượu. Ông ta tuột đôi dép ra, để lộ hai bàn chân thực sự xấu xí. Ông ta mỗi lúc một phá hỏng hình tượng thiên tài viết lách trong mắt tôi. Nhưng ông ta có câu trả lời cho những câu hỏi của tôi.

“À, ừm,” tôi nói, “đầu tiên, chúng cháu muốn cảm ơn chú đã mời bữa tối đêm qua và —”

“Chúng ta đã trả tiền bữa ăn tối qua à?” Van Houten hỏi chị Lidewij.

“Vâng, tại Oranjee.”

“À, thế à. Ừ, tin tôi đi, người cô cậu phải cảm ơn không phải là tôi mà là cô Lidewij, người đặc biệt có khiếu trong việc xài tiền của tôi.”

“Đó là tấm lòng của chúng tôi,” chị Lidewij từ tốn.

“Vâng, dù sao đi nữa cũng xin cảm ơn,” anh Augustus chen vào. Tôi có thể nghe giọng anh thoáng qua chút bực bội.

“Vậy giờ có tôi đây,” Van Houten nói sau một lúc. “Cô cậu muốn hỏi gì?”

“Ừm,” Augustus bật thốt.

“Anh chàng này dường như có ngòi bút sắc sảo hơn là lời nói,” Van Houten nói với chị Lidewij về Augustus. “Có lẽ căn bệnh ung thư đã tấn công vào não cậu ta.”

“Chú Peter,” Lidewij thốt lên, giọng thoáng chút kinh hãi.

Tôi cũng giật bắn mình. Nhưng có một sự thật dễ chịu là một người ti tiện hèn hạ như thế luôn bất lịch sự trước tất cả mọi người, với chúng tôi cũng sẽ chẳng tử tế gì hơn. “Thật ra chúng cháu có một số câu hỏi,” tôi nói. “Cháu đã liệt kê chúng trong email gửi chú, không biết chú còn nhớ không.”

“Tôi chẳng nhớ gì sất.”

“Trí nhớ của chú ấy đã giảm sút,” chị Lidewij giải thích.

“Phải chi mà trí nhớ của tôi giảm sút,” Van Houten vặc lại.

“Trở lại câu hỏi của chúng cháu,” tôi nhắc lại.

“Cô bé tự xưng là ‘chúng cháu’ kìa,” Peter nói bâng quơ. Thêm một ngụm rượu. Tôi không biết rượu Scotch có vị như thế nào, nhưng nếu nó có vị giống sâm-banh thì tôi không thể hình dung làm thế nào ông ta có thể uống quá nhiều, quá nhanh, và quá sớm vào buổi sáng như vậy. “Cô bé có từng nghe qua ‘Ngịch lý của Zeno về Achilles và con rùa’ chưa?” Ông ta hỏi tôi.

“Chúng cháu có một số thắc mắc xoay quanh những chuyện đã xảy ra với các nhân vật sau khi kết thúc truyện, nhất là Anna —”

“Cô bé nhầm ở chỗ tôi cần phải nghe câu hỏi trước rồi mới trả lời. Cháu có biết triết gia Zeno không?” Tôi ngơ ngác lắc đầu. “Trời ơi! Zeno là một nhà triết học trước thời Socrates, người đã phát hiện ra bốn mươi nghịch lý trong thế giới quan của Parmenides đưa ra trước đó — chắc chắn cháu phải biết Parmenides rồi,” ông ta nói chắc nịch, và tôi gật đầu xác nhận rằng tôi biết Parmenides, mặc dù tôi chẳng có chút ý niệm nào về vị này. “Tạ ơn Chúa,” ông ta nói tiếp. “Zeno đặc biệt chuyên chỉ ra những điểm không chính xác và quá đơn giản hóa vấn đề của Parmenides, một việc không mấy khó khăn, vì Parmenides luôn sai be bét trong mọi nhận định. Parmenides chỉ hữu dụng trong đúng một trường hợp duy nhất khi chúng ta có một người quen luôn chọn sai ngựa chiến mỗi dịp chúng ta đưa anh chàng này đến trường đua và cá cược với hắn. Nhưng phát hiện quan trọng nhất của Zero — khoan đã, hãy chứng minh cho tôi thấy rằng cô cậu biết nhạc hip-hop của Thụy Điển nào.”

Tôi không chắc liệu có phải Peter Van Houten đang nói đùa không. Sau một lúc, anh Augustus trả lời thay tôi. “Chỉ biết chút chút!”

“Được rồi, nhưng có lẽ có biết đến album trứ danh Fläcken của Afasi och Filthy.”

“Chúng cháu không biết,” tôi đáp thay cho cả hai.

“Lidewij, bật bản ‘Bomfalleralla’ ngay cho tôi.” Chị Lidewij đi đến bên một máy nghe nhạc MP3, hơi xoay trục đĩa một chút rồi nhấn nút phát. Một bài nhạc rap nổi lên dồn dập từ mọi hướng. Nó nghe như một bài rap khá bình thường, ngoại trừ phần ca từ bằng tiếng Thụy Điển.

Sau khi bài nhạc kết thúc, Peter Van Houten nhìn chúng tôi chờ đợi, cặp mắt ti hí của ông ta mở to hết cỡ. “Hay không?” ông ta hỏi. “Hay không?”

Tôi nói, “Cháu xin lỗi chú, nhưng chúng cháu không biết tiếng Thụy Điển.”

“Chậc, tất nhiên là không rồi, tôi cũng chẳng biết một chữ bẻ đôi. Ai điên mà đi học tiếng Thụy Điển chứ!? Điều quan trọng không phải nằm ở chỗ mấy ca từ vớ vẩn ấy đang nói gì, mà chính là ta cảm thụ lời bài hát ra sao. Chắc hẳn cháu cũng biết rằng chỉ có hai cảm xúc tồn tại thôi, đó là tình yêu và sự sợ hãi. Và đó là cách Afasi och Filthy lèo lái giữa hai cảm xúc này bằng một phương tiện mà chúng ta khó tìm thấy trong nhạc hip-hop bên ngoài biên giới Thụy Điển. Cô bé có muốn nghe lại lần nữa không?”

“Chắc chú đang đùa với tụi cháu!” Gus nói.

“Gì cơ?”

“Đây là kiểu nói chuyện của chú ấy à?” anh hướng mắt nhìn lên Lidewij và hỏi, “Chị?”

“Chị e là không,” Lidewij trả lời. “Chú ấy không phải lúc nào cũng — hôm nay quá bất thường —”

“Thôi, cô im ngay, cô Lidewij. Rudolf Otto từng nói nếu ta chưa từng gặp một điều gì bí ẩn, nếu chưa từng trải qua một sự kiện mà ta không thể lý giải được, thì công trình nghiên cứu của ông không dành cho ta. Và tôi xin thưa với cô cậu, hai người bạn trẻ, rằng nếu cô cậu đây không thể nghe thấy phản ứng can đảm của Afasi och Filthy trước nỗi sợ hãi, thì tác phẩm của tôi không dành cho hai người.”

Tôi xin nhấn mạnh điều này: Đó là một bài rap hoàn toàn bình thường, trừ chuyện bằng tiếng Thụy Điển. “Ừm,” tôi nói. “Vậy về tác phẩm Nỗi đau tột cùng. Mẹ của Anna khi kết thúc truyện, bà đang —”

Van Houten ngắt lời tôi, vừa nói vừa gõ ngón tay vào ly rượu cho đến khi chị Lidewij rót đầy lần nữa. “Vậy Zeno nổi tiếng nhất nhờ nghịch lý con rùa của ông. Hãy tưởng tượng rằng cô bé đang chạy đua cùng một chú rùa, trong đó cô chấp rùa chạy trước mười thước. Trong khoảng thời gian cô bé chạy hết mười thước đó thì chú rùa đã dẫn trước thêm khoảng một thước. Và trong thời gian cô chạy thêm một thước thì chú rùa cũng đồng thời lết thêm được một đoạn. Cứ như thế, dù cô bé có chạy nhanh hơn rùa thì cũng không bao giờ có thể bắt kịp chú; cô bé chỉ có thể rút ngắn khoảng cách giữa mình và rùa thôi.”

“Tất nhiên, cô bé có thể chạy vượt mặt chú rùa mà không suy ngẫm về khía cạnh cơ học liên quan, nhưng bài toán làm thế nào để có thể đạt được điều đó hóa ra lại vô cùng phức tạp. Và không có ai thực sự giải quyết được bài toán này cho đến khi Cantor chứng minh cho chúng ta thấy rằng có những tập hợp số vô hạn lớn hơn những tập hợp số vô hạn khác.”

“Dạ,” tôi nói.

“Tôi cho rằng những gì tôi vừa trao đổi đã trả lời cho câu hỏi của cô bé,” ông ta tự tin nói, sau đó sảng khoái nốc một ngụm rượu rõ to.

“Không hẳn thế,” tôi vẫn lì lợm. “Tụi cháu đều tự hỏi là sau đoạn kết của Nỗi đau tột cùng —”

“Tôi phủ nhận tất cả mọi thứ trong cuốn tiểu thuyết thối tha đó,” Van Houten cắt ngang lời tôi.

“Không,” tôi kêu lên.

“Gì chứ?”

“Không, cháu không chấp nhận,” tôi phản đối. “Cháu hiểu rằng câu chuyện kết thúc lưng chừng vì Anna qua đời hoặc quá ốm yếu không thể tiếp tục kể chuyện. Nhưng chú đã hứa sẽ nói cho chúng cháu biết những gì sẽ xảy ra với các nhân vật, và đó là lý do tại sao chúng cháu ở đây. Chúng cháu, cháu cần chú nói cho cháu biết.”

Van Houten thở dài. Lại tợp một ngụm nữa rồi ông ra mới khề khà, “Được rồi, cô bé muốn biết chuyện của ai?”

“Mẹ của Anna, chú Tulip Hà Lan, chú Chuột hamster Sisyphus, tức là — những chuyện sau đó của tất cả mọi người.”

Van Houten nhắm mắt lại, phồng má thở hắt ra, rồi ngước lên nhìn thanh rầm gỗ đan chéo nhau trên trần nhà. “Con chuột hamster đó,” ông ta thủng thẳng nói sau một lúc trầm ngâm. “Chú chuột được Christine nhận nuôi,” đó là một trong số bạn bè cũ của Anna hồi trước khi bạn ấy phát bệnh. Cũng có lý. Christine và Anna đã cùng chơi với Sisyphus trong một vài đoạn của truyện. “Chú được Christine mang về nuôi và sống thêm một vài năm sau đó rồi chết thanh thản trong giấc ngủ thiên thu của loài chuột.”

Giờ mọi việc đang tiến triển hơn. “Tuyệt,” tôi reo. “Tuyệt thật. Được rồi, thế còn Chú Tulip Hà Lan. Ông ấy có phải kẻ bội tín không? Liệu ông ấy và mẹ của Anna có kết hôn với nhau không?”

Van Houten vẫn nhìn chằm chằm lên các thanh rầm trên trần. Ông ta lại nhấp một ngụm rượu, cái ly lại gần như cạn. “Cô Lidewij, tôi không thể làm việc này. Tôi không thể. Tôi không thể mà.” Ông ta hướng ánh mắt sang phía tôi. “Chẳng có gì xảy ra với Chú Tulip Hà Lan cả. Ông ấy không phải kẻ lừa đảo và cũng không là kẻ lừa đảo; ông ấy là Đức Chúa Trời. Ông ấy là một hình tượng ẩn dụ rõ ràng và hiển nhiên của Chúa, hỏi những gì xảy đến với người này cũng hóc búa tương tự như hỏi chuyện gì đã xảy ra với cặp mắt quái gở của Bác sĩ T.J.Eckleburg trong Gatsby vậy. Liệu ông ấy và mẹ của Anna có kết hôn không hả? Chúng ta đang nói về một cuốn tiểu thuyết, cô nhóc ạ, không phải là tiểu sử của một ai cả.”

“Phải, nhưng chắc hẳn chú đã nghĩ đến những chuyện sẽ xảy ra với họ, ý cháu là với các nhân vật, tức là tách bạch họ với ý nghĩa ẩn dụ, đại khái là vậy.”

“Đó là những nhân vật hư cấu,” ông ta nói, lại gõ ly rượu lần nữa. “Không có gì xảy ra với họ cả.”

“Chú nói chú sẽ cho cháu biết,” tôi khăng khăng. Tôi nhắc mình phải cương quyết. Tôi cần phải hướng sự chú ý của vị tác giả này vào câu hỏi của mình.

“Có lẽ thế, nhưng tôi đã bị ẩn tượng sai lầm rằng cô bé không thể du lịch xuyên Đại Tây Dương như vậy. Tôi đã cố gắng... để an ủi cô bé, tôi nghĩ vậy, chuyện mà lẽ ra tôi không nên dại dột thử. Nhưng nói thẳng thừng thì cái ý tưởng rất trẻ con là tác giả của một cuốn tiểu thuyết hẳn phải thấu hiểu sâu sắc các nhân vật trong đó... thì thật nực cười. Cuốn tiểu thuyết được sáng tác từ các phác thảo nguệch ngoạc trên một trang giấy, bé con ạ. Các nhân vật sống trong truyện không tồn tại bên ngoài mấy cái ý tưởng phác thảo đó. Điều gì đã xảy ra với họ ư? Tất cả bọn họ đều không còn tồn tại vào thời điểm cuốn tiểu thuyết kết thúc.”

“Không,” tôi nói và đẩy mình đứng lên. “Không, cháu hiểu điều đó, nhưng không thể không tưởng tượng đến một tương lai cho họ. Và chú là người có năng lực nhất để tưởng tượng đến tương lai đó. Phải có chuyện gì đó đã xảy ra với mẹ của Anna. Hoặc cô có kết hôn hay không. Hoặc cô có chuyến đến Hà Lan với Chú Tulip Hà Lan hay không. Hoặc cô có sinh thêm con nữa hay không. Cháu cần biết những gì sẽ xảy ra với cô ấy.”

Van Houten mím môi. “Tôi rất tiếc rằng tôi không thể nuông chiều ý thích bốc đồng trẻ con của cô bé, và tôi cũng từ chối thương hại cô bé theo cách mà cô bé đã quen.”

“Cháu không cần chú thương hại gì hết,” tôi đáp.

“Giống như mọi đứa trẻ bị bệnh,” ông ta thản nhiên bình luận, “cô bé nói mình không muốn được thương hại, nhưng mỗi giây mỗi phút tồn tại của cô bé đều phụ thuộc vào nó.”

“Kìa chú Peter,” chị Lidewij gắt lên, nhưng ông ta vẫn tiếp tục khi ngồi ngả ngớn trên xô-pha, từng lời sang sảng buông ra từ cái miệng say khướt của ông ta. “Trẻ em mắc bệnh rõ ràng đã trở thành tù nhân bị giam giữ: Định mệnh buộc cô cậu sống lay lắt qua ngày chẳng khác gì một đứa trẻ từ khi được chuẩn bệnh, một đứa trẻ tin rằng có cuộc sống tồn tại sau khi một cuốn tiểu thuyết kết thúc. Và chúng tôi, những người lớn, chúng tôi thương hại trước điều này, nên chúng tôi chi trả phí điều trị cho cô cậu, cho máy tạo ô-xy của cô bé. Chúng tôi cung cấp cho cô bé thức ăn và nước uống dù cô bé không sống đủ lâu —”

“CHÚ PETER!” chị Lidewij gắt um.

“Cô bé là một tác dụng phụ,” Van Houten vẫn ngoan cố, “của một quá trình tiến hóa nghèo quan tâm đến cuộc sống của các cá nhân. Cô bé là một thí nghiệm thất bại của quá trình đột biến.”

“CHÁU XIN NGHỈ VIỆC!” chị Lidewij hét lên, nước mắt lưng tròng. Nhưng tôi không tức giận. Người ngồi đối diện đang tìm cách nói gây tổn thương nhất để biểu đạt sự thật, nhưng tất nhiên là tôi đã biết sự thật này. Tôi đã có nhiều năm nằm chú mục lên trần nhà từ phòng ngủ riêng của mình đến Phòng chăm sóc đặc biệt ICU, và vì vậy từ lâu tôi đã tìm thấy những cách gây tổn thương nhất để hình dung về căn bệnh của mình. Tôi bước về phía ông ta. “Nghe này, ông chú cốt đột,” tôi nói, “ông không cần nói cho tôi biết bất cứ điều gì về căn bệnh mà tôi đã biết tỏng tòng tong. Tôi cần một và chỉ một điều từ ông trước khi tôi bước ra khỏi cuộc đời ông mãi mãi: ĐIỀU GÌ XẢY ĐẾN VỚI MẸ CỦA ANNA?”

Ông nhà văn mơ hồ ngẩng chiếc cằm nọng mỡ của mình về phía tôi và nhún vai. “Tôi không thể cho cô bé biết những gì sẽ xảy ra với bà ấy cũng như tôi không thể cho cho cô bé biết những gì sẽ xảy đến với Người kể chuyện của Proust, hay cô em gái yêu quý của Holden Caulfield hay Huckleberry Finn sau khi cậu thình lình bỏ đi đến địa phận của những người da đỏ.”

“NHẢM NHÍ! Thật nhảm nhí. Chỉ cần cho tôi biết! Bịa đại chuyện gì đó đi!”

“Không, và tôi sẽ cảm ơn nếu cô bé không nói tục trong nhà tôi. Điều đó không giúp cô bé trở thành quý cô thanh lịch được đâu.”

Thật ra tôi chẳng thấy tức giận gì, tôi chỉ muốn tập trung lấy bằng được thông tin mà tôi đã được hứa. Trong cơn bộc phát, tôi đưa tay xuống và hất thẳng vào bàn tay múp míp đang cầm ly Scotch. Phần rượu Scotch còn lại bắn tung tóe khắp mặt Van Houten, chiếc ly nảy ra khỏi tay ông ta, xoay một vòng điệu nghệ trong không trung rồi đáp xuống sàn gỗ cứng lâu năm, vỡ tan tành thành trăm mảnh.

“Lidewij,” Van Houten bình thản nói, “Tôi muốn uống một ly martini, làm phiền cô. Nhớ thêm một xíu rượu vang trắng vermouth nhé.”

“Cháu đã thôi việc,” Lidewij nói sau một lúc.

“Cô đừng cư xử buồn cười thế.”

Tôi không biết phải làm gì tiếp theo. Cư xử đàng hoàng không hiệu quả. Cư xử thô lỗ cũng chẳng nên cơm cháo gì. Tôi cần một câu trả lời. Tôi đã cướp Điều Ước của anh Augustus, bay một chặng đường dài để đến được đây. Tôi cần biết câu trả lời.

“Bé con đã bao giờ dừng lại và tự hỏi,” ông ta nói, giọng càng lúc càng nhừa nhựa, “tại sao bé con lại quá để tâm đến mấy câu hỏi ngớ ngẩn của mình chưa?”

“ÔNG ĐÃ HỨA!” Tôi hét lên, nghe tiếng khóc than rền rĩ bất lực của anh Issac vang vọng từ Buổi Tối Đập Phá Cúp. Van Houten không buồn đáp.

Khi tôi còn đang đứng như trời trồng, chờ ông ta mở miệng nói gì đó thì tôi chợt cảm thấy bàn tay của anh Augustus nắm lấy tay mình. Anh kéo tôi đi ra phía cửa, và tôi thẫn thờ đi theo anh. Bên tai tôi còn nghe rõ tiếng Van Houten lên lớp Lidewij về sự vô ơn của thanh thiếu niên ngày nay và sự rệu rã của phép tắc lịch sự, và chị Lidewij, có phần nào kích động, đã quát vào mặt ông ta một tràng tiếng Hà Lan nghe như súng liên thanh.

“Cô cậu hãy rộng lòng tha thứ cho cựu trợ lý của tôi,” ông ta nói. “Hà Lan là một ngôn ngữ nghe cứ như bệnh nhân đau họng đang hát.”

Augustus kéo tôi ra cánh cửa, thoát khỏi căn phòng ngột ngạt đó, bước ra ngoài trời vào cuối buổi sáng mùa xuân khi những bông hoa giấy hạt du vẫn lả tả bay trong gió.

Đối với tôi, không có khái niệm tẩu thoát. Nhưng chúng tôi vội vã leo xuống cầu thang, anh Augustus cầm hộ giá thép cho tôi, sau đó bước thấp bước cao đi ngược về Khách sạn Filosoof trên vỉa hè mấp mô những viên gạch hình chữ nhật được lát đan xen nhau. Lần đầu tiên kể từ sau câu chuyện về bộ đánh đu, tôi bắt đầu thút thít khóc.

“Này,” anh Gus nói, chạm vào eo tôi. “Này. Không sao đâu.” Tôi gật đầu và quệt mu bàn tay lau nước mắt. “Ông già xấu xa!” Tôi gật đầu lần nữa. “Anh sẽ viết cho em đoạn kết,” anh nói. Lời anh nói càng làm tôi khóc to hơn. “Anh sẽ viết mà,” anh dỗ dành. “Anh sẽ viết. Viết hay hơn bất kỳ ý tưởng nhảm nhí nào mà ông già say rượu đó có thể viết ra. Não của ông toàn là pho mát Thụy Sĩ. Ổng thậm chí còn không nhớ đã từng viết cuốn sách này. Anh có thể viết hay gấp mười lần câu chuyện của ổng. Sẽ có đổ máu, lòng can đảm và sự hy sinh. Một sự giao thao hoàn hảo giữa Nỗi đau tột cùng và Cái giá của Bình minh. Chắc chắn em sẽ thích nó.” Tôi liên tục gật đầu, gượng gạo cười trấn an anh. Anh ôm choàng lấy tôi, đôi cánh tay mạnh mẽ kéo tôi ấp vào lồng ngực săn chắc của anh, nước mắt tôi loang ra chiếc áo thun pô-lô của anh. Một lúc sau tôi dần trấn tĩnh và đã có thể nói chuyện.

“Em đã phí phạm Điều Ước của anh vào ông già cốt đột đó,” tôi nói nơi ngực anh.

“Hazel Grace. Không, anh tặng em Điều Ước duy nhất của anh. Nhưng em không tiêu phí nó vào ổng. Em đã sử dụng nó cho cả hai chúng ta.”

Ở phía đằng sau, tôi nghe có tiếng gót giày gõ lộp cộp trên mặt đường. Tôi quay lại. Đó là chị Lidewij, nước kẻ mắt của chị theo nước mắt lem dài trên má, mặt vẫn chưa tan vẻ kinh hoàng, đang hấp tấp đuổi theo chúng tôi. “Có lẽ chúng ta nên đến tham quan Nhà lưu niệm Anne Frank,” chị Lidewij hổn hển nói.

“Em sẽ không đi bất cứ nơi đâu với ông quái vật ấy,” Augustus nói.

“Chú ấy không được mời,” chị Lidewij trấn an.

Augustus vẫn ôm chặt tôi, đầy vẻ bảo vệ, tay anh ôm lấy khuôn mặt tôi. “Em không nghĩ rằng —” anh vừa định nói tiếp thì tôi đã cắt ngang lời anh.

“Chúng ta nên đi.” Tôi vẫn muốn có câu trả lời từ Van Houten. Nhưng đó không phải là tất cả những gì tôi muốn. Tôi chỉ còn vẻn vẹn hai ngày ở Amsterdam với Augustus Waters. Tôi sẽ không để cho một ông già chán đời phá hỏng quãng thời gian ngắn ngủi này.

Chị Lidewij lái một chiếc Fiat cà tàng màu xám với động cơ phát ra âm thanh nghe giống một bé gái bốn tuổi đang bị kích động. Vừa lái xe luồn lách giữa phố phường Amsterdam, chị vừa xin lỗi rối rít: “Chị thành thật xin lỗi. Không có lời nào biện minh được. Chú ấy bị bệnh rất nặng,” chị nói. “Nên chị cứ nghĩ rằng gặp hai em sẽ giúp chú ấy, cho chú thấy tác phẩm của chú đã lay động độc giả và ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của họ như thế nào, nhưng... Chị vô cùng xin lỗi hai em, mọi chuyện diễn biến tệ hại và thật đáng xấu hổ.” Cả anh Augustus và tôi đều không nói gì. Tôi ngồi ở ghế sau, phía sau lưng anh Gus. Tôi len tay vào khoảng trống giữa thành xe và thành ghế của anh, cố tìm tay anh nhưng tôi không thể tìm thấy. Chị Lidewij tiếp tục, “Chị đã tiếp tục công việc này vì chị tin rằng chú ấy là một thiên tài và vì thù lao cũng rất hậu hĩnh. Nhưng chú ấy đã biến thành quái vât.”

“Có lẽ chú ấy thu được bộn tiền từ cuốn sách đó,” tôi nói sau một hồi im lặng.

“Ồ, không không, chú ấy thuộc dòng dõi Van Houten,” chị đính chính. “Vào thế kỷ mười bảy, dòng họ của chú đã phát hiện ra cách hòa tan ca cao với nước. Một vài thành viên của nhà Van Houten đã chuyển đến Hoa Kỳ từ lâu, trong đó có cả chú Peter. Nhưng chú ấy lại quay về Hà Lan sau khi phát hành cuốn tiểu thuyết đó. Chú ấy là nỗi xấu hổ của một gia đình danh gia vọng tộc.”

Tiếng động cơ rít lên. Chị Lidewij sang số và xe chúng tôi chạy lên một cây cầu bắc ngang kênh. “Đó là do hoàn cảnh đưa đẩy thôi,” chị nói. “Hoàn cảnh đã khiến chú ấy trở nên khắc nghiệt. Bản chất chú không phải là một người xấu xa. Nhưng hôm nay, chị không ngờ rằng — khi chú thốt lên những điều khủng khiếp ấy, chị không thể tin vào tai mình nữa. Chị thành thật xin lỗi Vô vàn xin lỗi.”

Chúng tôi phải đậu xe cách Nhà lưu niệm Anne Frank một dãy phố. Và trong khi chị Lidewij đứng xếp hàng chờ mua vé tham quan, tôi ngồi tựa lưng vào một thân cây nhỏ, mắt dõi theo những nhà thuyền neo dọc bờ kênh Prinsengracht. Anh Augustus đứng ngay cạnh bên, tay nghịch giá đỡ ô-xy của tôi và đăm đăm nhìn mấy cái bánh xe quay mòng trong một quỹ đạo đơn điệu. Tôi muốn anh ngồi xuống cạnh mình, nhưng ý thức được đó là một yêu cầu khó đối với anh, và thậm chí khi đứng lên còn khó khăn hơn gấp bội. “Em ổn chưa vậy?” anh cúi xuống hỏi. Tôi nhún vai và đưa tay vịn vào chân anh. Đó là bên phía chân giả nhưng tôi vẫn bám chặt. Anh nhìn xuống tôi.

“Em muốn...” tôi mấp máy nói.

“Anh biết,” anh cắt lời. “Anh biết mà. Rõ ràng thế giới này không phải là một công xưởng sản xuất điều ước.” Lời anh nói khiến tôi mỉm cười.

Chị Lidewij quay lại với những chiếc vé trong tay, nhưng đôi môi mỏng của chị mím lại đầy lo lắng. “Bên trong không có thang máy,” chị nói. “Chị thật xin lỗi.”

“Không sao đâu,” tôi trấn an chị.

“Không, bên trong đó có rất nhiều bậc thang,” chị giải thích. “Toàn là thang thẳng dốc.”

“Không sao đâu mà chị,” tôi lặp lại. Trước khi anh Augustus định nói gì, tôi chặn lời anh. “Không sao đâu. Em có thể leo được.”

Chúng tôi bắt đầu từ một căn phòng trình chiếu đoạn phim về cộng đồng người Do Thái ở Hà Lan, cuộc xâm lược của Đức Quốc xã và gia đình Frank. Sau đó, chúng tôi leo thang lên lầu, bước vào căn nhà bên bờ kênh, nơi kinh doanh của ông Otto Frank ngày xưa. Công đoạn leo thang hơi rị mọ, đối với cả tôi và anh Augustus, nhưng tôi cảm thấy mình thật mạnh mẽ. Chẳng mấy chốc tôi đã nhìn thấy cái tủ sách nổi tiếng, nơi từng giấu Anne Frank, gia đình em, và bốn người khác. Tủ sách để mở một nửa, và đằng sau đó là một cầu thang thậm chí dốc hơn và chỉ vừa đủ cho một người đi. Có rất nhiều du khách xung quanh chúng tôi, và tôi không muốn làm kẹt dòng người tham quan. Nhưng chị Lidewij đã lên tiếng: “Xin quý vị kiên nhẫn và vui lòng nhường đường cho cô bé,” và tôi bắt đầu leo từng nấc thang, chị Lidewij cầm hộ giá ô-xy phía sau tôi, sau nốt là anh Gus.

Có cả thảy mười bốn bậc thang. Tôi cứ nghĩ về dòng người phía sau tôi — đa phần họ là người lớn đến từ nhiều quốc gia với nhiều ngôn ngữ khác nhau — và tự cảm thấy xấu hổ, kiểu như mình giống như một bóng ma, cảm giác ấy vừa dễ chịu vừa ám ảnh, nhưng cuối cùng tôi đã làm được. Tôi bước lên một căn phòng trống trải một cách kỳ quái, tựa lưng vào tường, và não của tôi nói với hai lá phổi rằng không sao, không sao hết, bình tĩnh nào, ổn rồi trong khi phổi của tôi nói với não rằng ôi Chúa ơi, tụi mình mệt đứt hơi luôn. Tôi thậm chí không nhìn thấy anh Augustus lên tới nơi, mãi đến khi anh bước đến và đưa tay lau trán như úi chà và khen tôi, “Em là nhà vô địch.”

Sau một vài phút đứng dựa tường nghỉ mệt, tôi đi tham quan phòng kết tiếp, nơi Anne sống chung với nha sĩ Fritz Pfeffer. Căn phòng nhỏ xíu, trống huơ trông hoác, chẳng có nội thất gì. Sẽ không ai biết phòng này từng có người sinh sống nếu như không thấy mấy bức hình Anne cắt ra từ các báo, tạp chí và dán lên tường, chúng vẫn ở đó theo năm tháng.

Thêm một cầu thang dẫn lên căn phòng nơi gia đình Van Pels từng sống. Lần này lại dốc hơn so với lần trước và những mười tám bậc, cơ bản là một dãy thang rất hoành tráng. Tôi đứng ở đầu cầu thang, nhìn lên tần ngần và thầm nghĩ mình không thể leo nổi, nhưng đồng thời tôi cũng biết rõ lối duy nhất là phải leo lên.

“Chúng ta quay lại nhé!” anh Gus nói sau lưng tôi.

“Em không sao đâu,” tôi khẽ khàng đáp. Thật ngu ngốc, nhưng tôi cứ nghĩ mình nợ em — em Anne Franks ấy — bởi vì em đã qua đời trong khi tôi còn sống sờ sờ, vì em đã sống cuộc đời thầm lặng, tách biệt với thế giới bên ngoài và làm toàn những điều đúng đắn mà vẫn chết, thế nên tôi cần phải đi hết những bậc thang này và tìm hiểu về phần còn lại của thế giới mà em đã từng sống trong nhiều năm trước khi bọn Gestapo đến.

Tôi bắt đầu leo lên cầu thang, dò dẫm từng bước như một đứa trẻ, lúc đầu chầm chậm để có thể giữ được nhịp thở, nhưng sau đó tăng tốc bởi tôi biết mình không thể thở nổi và muốn đến được đích càng sớm càng tốt trước khi cạn kiệt sức lực. Cứ mỗi khi tôi nhấc chân lên là có một màn đen che ngang tầm mắt, mười tám bậc, dốc ơi là dốc. Khi bước hết bậc thang cuối cùng, tôi thấy hoa cả mắt và buồn nôn, các cơ bắp ở cả tay và chân đều đang kêu gào vì thiếu ô-xy. Tôi ngồi thụp xuống, tựa lưng vào tường, há miệng thở. Có một cái hộp rỗng bằng thủy tinh được bắt vít dính vào tường ở phía trên đầu và tôi ngẩng nhìn nó chằm chặp, tập trung hướng lên trần nhà để không bị ngất đi.

Chị Lidewij cúi nhìn xuống tôi, động viên: “Em đã lên đến đầu cầu thang, chúc mừng em!” và tôi gật đầu. Tôi mơ hồ nhận thức được rằng tất cả khách tham quan ở xung quanh đang liếc nhìn tôi đầy lo lắng; rằng chị Lidewij vừa thì thào một ngôn ngữ khác rồi thêm một ngôn ngữ khác nữa lan truyền trong nhóm khách; rằng anh Augustus đang đứng bên cạnh tôi, tay đặt trên đầu và âu yếm vuốt tóc tôi.

Sau một lúc lâu, chị Lidewij và anh Augustus kéo tôi đứng dậy. Lúc này tôi mới thấy rõ những gì được bảo vệ phía sau hộp kính: chi chít dấu bút chì trên tấm giấy dán tường đo chiều cao của tất cả trẻ em trong khu nhà phụ suốt quãng thời gian chúng sống ở đó, từng centimet một cho đến khi chúng không cao thêm được nữa.

Từ đó, chúng tôi rời khỏi không gian sinh hoạt của gia đinh Frank, nhưng vẫn còn trong bảo tàng: Một hành lang dài và hẹp trưng rất nhiều hình ảnh của mỗi người trong số tám nhân vật sinh sống trong khu nhà phụ và mô tả chi tiết họ chết như thế nào, ở đâu và khi nào.

“Thành viên duy nhất của cả gia đình còn sống sót sau chiến tranh,” chị Lidewij nói với chúng tôi, ý chỉ ông Otto - cha của em Anne. Giọng chị khẽ đến nỗi cứ như ba chúng tôi đang ở trong khu nhà thờ.

“Nhưng thật ra ông ấy không sống sót sau chiến tranh,” anh Augustus chỉnh lại. “Ông ấy đã sống sót sau một cuộc diệt chủng.”

“Đúng thế!” chị Lidewij đáp. “Chị cũng không biết làm sao ta có thể tiếp tục sống mà không còn người thân nào trong gia đình bên cạnh. Chị thật không thể tưởng tượng được.” Khi tôi đọc về tiểu sử của bảy người đã khuất, tôi thấy Otto Frank không còn là một người cha nữa khi ông sống trơ trọi cùng một cuốn nhật ký thay vì với vợ và hai cô con gái thân yêu. Ở cuối hành lang có một cuốn sách rất to, dày hơn cả từ điển, trong đó nêu tên của 103.000 người đến từ Hà Lan bị tàn sát trong cuộc diệt chủng Holocaust. (Theo một chú thích trên tường thì chỉ có 5.000 người Do Thái ở Hà Lan bị trục xuất may mắn sống sót. Vỏn vẹn 5.000 ông Otto Frank.) Tôi giở sang trang có tên của Anne Frank, nhưng chuyện khiến tôi băn khoăn là ngay bên dưới tên em ấy còn những bốn tên Aron Frank. Bốn người. Bốn người tên Aron Frank mà không có bảo tàng lưu niệm, không có dấu tích lịch sử, không có bất cứ ai tiếc thương họ. Tôi nhủ thầm sẽ nhớ và cầu nguyện cho bốn người Aron Frank này trong lúc mình còn sống. (Có thể một số người cần phải tin vào một Đức Chúa đúng đắn và toàn năng để cầu nguyện, nhưng tôi thì không.)

Khi chúng tôi đi đến cuối gian phòng, anh Gus dừng lại và hỏi, “Em không sao đó chứ?” Tôi gật đầu.

Anh đưa tay chỉ bức ảnh của Anne. “Đáng thương nhất là cô bé suýt được sống, em biết không. Em ấy qua đời chỉ vài tuần trước ngày giải phóng.”

Chị Lidewij đi đến xem một đoạn phim, và tôi nắm tay của anh Augustus khi chúng tôi bước vào căn phòng tiếp theo. Đó là một căn phòng hình chữ A trưng bày một số bức thư ông Otto Frank đã gửi khắp nơi trong suốt nhưng tháng ròng do tìm tung tích con. Trên bức tường ở giữa phòng đang chiếu một đoạn phim nói bằng tiếng Anh của Otto Frank.

“Không biết còn tên Đức quốc xã nào sót lại để anh săn lùng và đưa hắn ra công lý không?” Anh Augustus hỏi trong khi chúng tôi dán mắt vào tủ kính đọc các bức thư khẩn thiết của Otto cùng trích dẫn thư trả lời rằng không, không có ai đã nhìn thấy hai người con gái của ông sau khi giải phóng.

“Em nghĩ rằng tất cả bọn họ đều chết cả rồi. Nhưng không hẳn chỉ có bọn Đức Quốc xã mới độc quyền về chuyện gây ra tội ác.”

“Đúng thế!” anh hùng hồn nói. “Đó là những gì chúng tôi nên làm, Hazel Grace. Chúng ta nên lập thành bộ đội cảnh vệ tàn tật với nhiệm vụ bảo vệ thế giới, sửa chữa những việc làm sai trái, bảo vệ kẻ yếu và những loài có nguy cơ bị tuyệt chủng.”

Mặc dù đó là ước mơ của anh chứ không phải của tôi, tôi cũng bị cuốn theo. Rốt cuộc anh đã truyền cảm hứng cho tôi. “Lòng can đảm sẽ là vũ khí bí mật của chúng ta,” tôi hùa theo.

“Rồi đây những câu chuyện về kỳ tích của hai chúng ta sẽ trường tồn vĩnh viễn chừng nào nhân loại còn sống để kể lại,” anh tiếp lời.

“Và thậm chí cả sau đó, khi bọn rô-bốt hồi tưởng về sự ngớ ngẩn của loài người, như đức hy sinh và lòng trắc ẩn, chắc chúng sẽ nhớ đến hai đứa mình.”

“Chúng sẽ cười rất rô-bốt về sự điên rồ can đảm của chúng ta,” anh nói. “Nhưng sâu thẳm trong trái tim rô-bốt bằng kim loại của chúng, chúng khao khát được sống và chết như chúng ta: thực hiện sứ mệnh của một anh hùng.”

“Augustus Waters,” tôi gọi tên anh, nhìn vào mắt anh và nghĩ rằng mình không thể hôn ai ngay trong Nhà lưu niệm Anne Frank, rồi sau đó lại nghĩ Anne Frank chắc đã từng hôn ai đó trong chính Ngôi nhà Anne Frank này, và có thể em ấy sẽ nhiệt liệt tán thành việc biến ngôi nhà của mình thành một nơi hàn gắn những trái tim trẻ trung và bị tổn thương không thể nào liền sẹo, để họ đắm chìm trong tình yêu đôi lứa.

“Thành thật mà nói,” Otto Frank phát biểu trong đoạn phim bằng giọng tiếng Anh lơ lớ, “tôi đã rất ngạc nhiên trước những suy nghĩ sâu sắc của cháu Anne.”

Và sau đó chúng tôi hôn nhau. Tôi buông giá ô-xy và choàng tay lên cổ anh. Anh ôm eo kéo tôi lên, tôi nhón gót chờ đợi. Và khi đôi môi hé mở của anh chạm vào môi tôi, tôi bắt đầu cảm thấy khó thở theo một cách mới mẻ thật hấp dẫn. Không gian xung quanh chúng tôi như tan biến. Và trong một khoảnh khắc lạ kỳ, tôi thực sự thích cơ thể của mình; cái thân xác hao mòn vì ung thư mà tôi đã lê la khắp nơi trong nhiều năm qua bỗng nhiên có giá trị hẳn, chẳng bõ công tôi đấu tranh, tôi đeo nào là ống dẫn ở ngực rồi ống thông nội tĩnh mạch PICC, và cả sự phản bội liền tù tì của mấy khối u đối với cơ thể tôi.

“Đó như là một cháu Anne khác chứ không phải con gái tôi. Con bé chưa bao giờ thể hiện cảm xúc nội tâm như vậy,” giọng ông Otto Frank tiếp tục.

Nụ hôn kéo dài mãi mãi trong lúc ông Otto Frank vẫn nói đều đều phía sau tôi. “Và tôi rút ra một kết luận là,” ông nói, “dù tôi rất gần gũi với cháu Anne nhưng đa phần các bậc cha mẹ không thực sự hiểu con cái của mình.”

Tôi nhận ra mắt mình đang nhắm nghiền, nên vội mở choàng mắt. Anh Augugtus đang nhìn tôi đắm đuối, đôi mắt xanh của anh chưa bao giờ gần với tôi đến như vậy. Và hỡi ôi sau lưng anh có một đám đông vây thành ba vòng xung quanh chúng tôi. Chắc họ đang tức giận, tôi thầm nghĩ. Bị sốc, vì mấy đứa thiếu niên nhãi nhép không biết xấu hổ này dám hôn hít nhau trong lúc người ta đang phát một đoạn phim ghi âm giọng nói vỡ òa của một người cha bị mất con.

Tôi buông anh Augustus ra và anh đặt vội một nụ hôn lên trán tôi khi tôi đang sượng trân cúi nhìn mũi giày Chuck Taylor của mình. Chợt mọi người đồng loạt vỗ tay. Tất cả khách tham quan, tất cả đều là người lớn, nhất loạt vô tay hưởng ứng. Thậm chí một người còn hét lên “Hoan hô!” với chất giọng Châu u đặc sệt. Anh Augustus mỉm cười, cúi đầu chào. Cũng cười, tôi khẽ nhún gối chào và nhận được thêm một tràng pháo tay nhiệt liệt.

Chúng tôi cùng đi trở xuống tầng dưới, đầu tiên là nhường cho tất cả mọi người xuống trước, và ngay hai đứa tôi đến được quầy cà phê (nơi mà may mắn thay có một thang máy đưa chúng tôi đi thẳng xuống tầng trệt và cửa hàng bán đồ lưu niệm), chúng tôi kịp đọc vài trang nhật ký của Anne cũng như quyển sổ tay cô bé ghi lại các câu danh ngôn hay hay mà chưa được phát hành. Quyển sổ tay vô tình mở đúng trang trích dẫn mẫy câu thơ bất hủ của đại thi hào Shakespeare. Em viết, Nào có ai trên đời đủ mạnh mẽ để vượt qua cám dỗ?

Chị Lidewij đưa chúng tôi về lại Khách sạn Filosoof. Ngoài trời mưa lất phất nên lúc anh Augustus và tôi đứng trên vỉa hè lát gạch, từng hạt mưa bụi từ từ thấm ướt cả hai đứa tôi.

Augustus: “Có lẽ em cần nghỉ ngơi một lát.”

Tôi: “Em không sao mà.”

Augustus: “Được rồi!” (Ngừng lại một chốc.) “Thế em đang nghĩ gì vậy?”

Tôi: “Anh đó!”

Augustus: “Anh sao?”

Tôi: “Tôi không biết tôi thích gì hơn, / Vẻ đẹp của những đoạn luyến láy / Hay vẻ đẹp của bóng gió ca từ, / Con chim đen khi đang say sưa hót / Hay ngay khi nó dứt lời.”

Augustus: “Lạy Chúa, em thật quyến rũ.”

Tôi: “Chúng ta có thể lên phòng anh.”

Augustus: “Anh từng nghe những ý tưởng tệ hơn.”

Chúng tôi cùng chen vào cái buông thang máy nhỏ xíu. Tứ phía, bao gồm cả sản nhà, đều được lắp kính. Chúng tôi hì hụi kéo cửa, cứ như tự nhốt mình trong đó và cái thang máy cũ kỹ kêu cọt kẹt, chậm rãi đưa chúng tôi lên tầng hai. Tôi mệt lả người, mồ hôi mồ kê nhễ nhãi, cứ lo ngay ngáy mình trông tả tơi và hôi như cú. Nhưng ngay cả khi như vậy, tôi vẫn hôn anh trong thang máy. Chợt anh kéo tôi ra, chỉ vào gương và nói, “Nhìn kìa, có vô số nàng Hazel.”

“Có những tập hợp số vô hạn lớn hơn những tập hợp vô hạn khác,” tôi lè nhè, bắt chước giọng điệu Van Houten.

“Thật là một kẻ hợm hĩnh!” anh Augustus bảo, cũng vừa lúc thang máy lên đến tầng hai. Buồng thang máy lảo đảo dừng lạ và anh đẩy cánh cửa lắp kính ra. Khi chỉ mới mở được một nửa, anh nhăn mặt đau đớn và buông tay khỏi cửa trong tích tắc.

“Anh có sao không?” Tôi hỏi.

Anh liền trấn an tôi, “À, ừ, tại cánh cửa nặng quá.” Anh đẩy thêm lần nữa và cửa mở hẳn ra. Anh để tôi bước ra trước, lẽ dĩ nhiên, nhưng tôi không biết đi hướng nào xuống hành lang. Nên tôi chờ ở bên ngoài thang máy còn anh đứng tần ngần đó, gương mặt vẫn nhăn nhó vì đau đớn. Tôi hỏi lại lần nữa, “Ổn không vậy anh?”

“Chỉ hơi đuối một chút thôi, Hazel Grace. Mọi chuyện vẫn ổn.”

Chúng tôi cứ đứng đó trước khi dãy hàng lang, và anh không dẫn đường đến phòng anh hay gì hết, còn tôi thì không biết phòng anh ở đâu. Và khi tình huống cứ bế tắc như thế, tôi càng bị thuyết phục rằng anh đang cố tìm một cách tế nhị để không làm ‘chuyện ấy’ với tôi, rằng tôi không bao giờ nên gợi ý chuyện đó trước bởi hành động đó thật không giống con gái tí nào. Và điều đó khiến anh Augustus Waters coi thường tôi nên anh cứ đứng im như phỗng, nhìn tôi không chớp mắt và đang tìm đường giải thoát chính mình khỏi tình huống khó xử này một cách lịch sụ. Cuối cùng, sau một lúc lâu ơi là lâu, anh lên tiếng trước, “Nó ở phía trên đầu gối, chỉ còn da thôi và hơi thuôn nhọn. Có một vết sẹo xấu xí nhưng nó chỉ trông giống như —”

“Cái gì vậy?” Tôi ngơ ngác hỏi.

“Chân anh,” anh đáp. “Để em chuẩn bị sẵn sàng tinh thần phòng trường hợp, ý anh là, lỡ như em nhìn thấy nó hoặc cái gì —”

“Ồ, thôi nào, anh phải vượt lên chính mình chứ,” tôi nói và tiến hai bước về phía anh. Tôi ôm hôn anh, cuồng nhiệt, ép mạnh anh vào tường, và cứ thế tiếp tục trong khi anh mò mẫn tìm chìa khóa phòng.

Chúng tôi ngã ra giường. Sự tự do của tôi bị giới hạn vì mớ thiết bị dẫn ô-xy. Nhưng ngay cả khi như vậy tôi vẫn ráng leo lên người anh, cởi áo anh ra và nếm vị mồ hôi mằn mặn ngay dưới xương đòn của anh trong khi thì thào thú nhận, “Em yêu anh, Augustus Waters!” Cơ thể anh giãn ra bên dưới tôi khi nghe thấy điều đó. Anh lần tay xuống và cố gắng kéo áo tôi ra, nhưng nó bị mắc vào dây dẫn. Tôi cười ngặt nghẽo.



“Sao em có thể xoay xở như thế này mỗi ngày vậy?” Anh hỏi khi tôi gỡ chiếc áo ra khỏi mớ dây nhợ quanh người. Ngốc thật, tôi chợt nhận ra chiếc quần chíp màu hồng của mình chẳng ăn nhập gì với cái áo ngực màu tím cả, như thể con trai sẽ chú ý mấy chuyện như vậy. Tôi thu mình dưới tấm chăn, hất chiếc quần jean lẫn vớ ra khỏi chăn rồi nằm theo dõi chiếc chăn bông phập phồng khi bên dưới nó, anh Augustus đang cởi quần jean và tháo cái chân giả của anh.

Chúng tôi nằm sát bên nhau, chăn đắp che kín người. Sau một lúc, tôi đánh bạo đặt tay lên đùi anh và lần mò sờ xuống bên dưới chỗ tháo khớp, nơi dày lên vì sẹo mổ. Tôi ôm lấy đầu chân cụt của anh. Trong thoáng chốc anh hơi nao núng. “Anh đau hả?” Tôi hỏi.

“Không,” anh đáp.

Anh lăn người qua hôn tôi. “Anh thật phong độ,” tôi thì thầm, tay vẫn ôm lấy chân anh.

“Anh bắt đầu nghĩ rằng em mắc chứng sùng bái người bị cụt đó,” anh đáp trong khi vẫn hôn tôi. Tôi cười khúc khích.

“Em mắc chứng sùng bái Augustus Waters thái quá,” tôi giải thích.

Toàn bộ chuyện ấy trái ngược hoàn toàn với những gì tôi hình dung: chậm rãi, kiên nhẫn, không ồn ào, không đau đớn tột cùng cũng chẳng ngây ngất tột đỉnh, Chuyện dùng bao cao su gây nhiều phiền toái khiến tôi không có một cái nhìn rõ ràng. Không làm gãy ván giường. Không kêu rên sung sướng. Thành thật mà nói, đó có thể là quãng thời gian lâu nhất chúng tôi ở bên nhau mà không nói gì hết.

Chỉ có một điều theo đúng hướng tôi tưởng tượng: Sau đó, khi tôi đang ấp mặt vào ngực anh, lắng nghe nhịp đập của tim anh thì anh Augustus chợt nói, “Hazel Grace, anh thật sự không thể mở mắt nổi.”

“Lạm dụng từ ‘thật sự’ quá!” Tôi đáp.

“Không,” anh nói. “Thật mà. Đuối thật sự!”

Anh quay mặt đi, tai tôi ép vào ngực anh, nghe hai lá phổi nhịp nhàng chìm vào giấc ngủ. Sau một lúc, tôi bật dậy, mặc quần áo vào, tìm giấy của Khách sạn Filosoof và viết cho anh một bức thư tình:

Anh Augustus yêu dấu,

Thương,

Hazel Grace

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.