Kết Hôn - Ly Hôn

Chương 2




Buổi chiều, hết giờ làm là Văn Bác lại về nhà trước, đi chợ mua rau về nấu nướng. Thường ngày Văn Bác ít khi để Y Đồng xuống bếp,anh sợ dầu mỡ làm hỏng làn da mịn màng mỏng manh của Y Đồng. Y Đồng được vậy thì mừng lắm, đàn bà mà không phải lo chuyện bếp núc thì đúng là nằm mơ cũng không dám nghĩ đến!

Văn Bác đang lúi húi ở trong bếp thì Y Đồng về. Vừa vào cửa cô đã hào hứng nói: “Ông xã ơi, hôm nay được phát tiền thưởng rồi, vợ chồng mình ra ngoài ăn một bữa đi!”

- Anh không muốn ra ngoài! - Văn Bác nói.

- Tại sao?

- Anh mệt lắm!

- Anh làm sao thế? Từ sáng tới tối lúc nào cũng ủ rũ, sao lúc nào anh cũng mệt mỏi thế? Đi chuyển đá hay đi đào than hả? - Y Đồng nổi cáu.

- Anh mệt tim, em thì hiểu cái gì? - Văn Bác trả miếng.

- Anh mệt tim á? Tim em còn mệt hơn anh đấy! - Y Đồng gào lên.

- Có phải anh làm cho em mệt đâu, em thích thế nào thì cứ làm như thế!

- Anh...

Hai người nói chuyện không hợp, cứ nói là cãi nhau, vốn dĩ hôm nay Y Đồng được phát tiền thưởng, trong lòng vui lắm, định ra ngoài ăn, coi như tự thưởng cho mình, nào ngờ vừa mới về đã bị Văn Bác làm cụt hứng.

Nhìn thấy Y Đồng có vẻ không vui, Văn Bác sợ sẽ cãi nhau, bởi vì tối nay anh còn phải viết báo cáo của công ty, ngày mai sẽ phải dùng đến trong cuộc họp, nếu viết không tốt sẽ bị lãnh đạo truy cứu trách nhiệm, ảnh hưởng không tốt đến việc thăng chức và tăng lương của anh. Nghĩ đến đây, anh đành phải nhẫn nhịn, vội vàng cười giả lả: “Bà xã, anh xin lỗi, ý của anh là giờ chúng ta cần phải tiết kiệm một chút, nếu không tiết kiệm tiền thì sau này sinh em bé biết làm thế nào?”

- Chuyện ấy vẫn còn xa vời lắm, anh nhìn xa gớm nhỉ?

- Thì anh chuẩn bị trước mà!

- Em thấy đầu óc anh có vấn đề rồi đấy!

- Thôi được rồi, thì đầu óc anh có vấn đề!

- Đúng thế còn gì!

- Cưng à, thế này đi, ngày mai anh mời em ăn đồ Tây, coi như xin lỗi, thế nào?

- Thế còn tạm được!

Sau một hồi vỗ về, cơn giận của Y Đồng đã nguôi ngoai. Thấy vậy Văn Bác thở phào nhẹ nhõm, cuối cùng cũng tránh được một trận cãi vã. Nếu không, làm sao anh viết báo cáo được đây? Đàn bà ưa ngọt, ưa nịnh, xem ra đây đúng là chân lý cuộc đời!

Ăn xong, Văn Bác đang chuẩn bị đi viết báo cáo thì Y Đồng đã nói: “Anh đi đâu thế? Mau rửa bát trước đi!”

- Bà xã à, hôm nay anh phải viết xong một bản báo cáo, ngày mai phải nộp lên công ty, rất gấp, em có thể rửa bát một lần được không? - Văn Bác nói bằng giọng năn nỉ.

- Không được, em còn phải xem “Trái tim mùa thu” với “Cô nàng bướng bỉnh!” – Y Đồng từ chối.

Đương nhiên Văn Bác chẳng thấy ngạc nhiên với cái đáp án này, anh vốn chẳng hi vọng. Kể từ khi lấy nhau đến giờ luôn là anh rửa bát, vợ anh chẳng động tay động chân bao giờ.

Văn Bác chán nản đành bỏ đi rửa bát. Dọn dẹp vệ sinh xong anh liền ngồi xuống viết báo cáo. Vừa viết báo cáo xong, chưa kịp thở thì Văn Bác đã nhận được mệnh lệnh của bà xã: “Ông xã ơi, mau mang quần áo của em đi giặt đi, à phải rồi, còn cả tất nữa, anh đừng quên đấy!”

Lúc này Y Đồng đang ngồi vắt chân trên ghế sô pha, vừa uống nước dưa hấu vừa xem phim Hàn Quốc, miệng cười hỉ hả, bộ dạng vô cùng lười biếng.

Văn Bác vươn vai một cái cho đỡ đau nhức rồi đứng dậy, chậm chạp lê bước. Anh có chút miễn cưỡng và bực bội nhưng không muốn làm ầm lên. Trước khi kết hôn, ngay cả quần áo của mình anh còn lười không giặt, ấy thế mà sau khi kết hôn, anh còn phải giặt quần áo cho cả vợ nữa. Có lúc anh nghĩ rốt cuộc anh lấy vợ để làm gì?

- Mau đi đi, anh còn lề mề đến bao giờ? Mau giặt cho sạch đi! – Y Đồng lại lần nữa ra lệnh.

Văn Bác chán nản đành phải làm theo. Anh đi vào trong nhà vệ sinh, thu nhặt quần áo của vợ. Vừa liếc nhìn đã thấy quần lót của vợ dính máu, chắc là cô ấy đã đến ngày. Nói thật là một thằng đàn ông, giúp phụ nữ giặt quần lót thật là một chuyện đáng xấu hổ, nhất là giặt những cái quần lót trong thời kỳ sinh lý đặc biệt này. Mặc dù nói là kết hôn rồi nhưng dù sao anh cũng là thằng đàn ông, anh làm sao chấp nhận được chuyện này?

Văn Bác vốn dĩ không muốn làm nhưng lại nghĩ, Y Đồng giàu có như vậy, ấy thế mà chẳng chê một thằng nghèo kiết xác như mình, đồng ý lấy mình đã là thiệt thòi cho người ta rồi, giúp cô ấy chút chuyện vặt coi như là bù đắp cho cô ấy. Huống hồ hiện giờ cô ấy đang đến tháng, mình phát huy tí ga lăng của đàn ông cũng có sao. Thôi thì giặt đi!

Nói rồi anh vùi đầu vào giặt giũ đống quần áo trong nhà tắm. Chưa giặt xong thì Y Đồng đã nói vọng vào từ trong phòng khách: “Ông xã ơi, mau rửa chân cho em!”

Văn Bác lau sạch xà phòng trên tay rồi bê chậu đi rửa chân cho Y Đồng. Khoảnh khắc khom lưng xuống anh cảm thấy một sự xỉ nhục trào lên trong lòng. Mặc dù nói là ở trong nhà, không có người ngoài nhưng anh thật sự cảm thấy khó chịu. Đàn bà mà lười nhác đến mức này thì thật quá nghiêm trọng, quần áo không giặt thì thôi không nói, nhưng ngay cả chân mình cũng bắt người khác rửa hộ, thật chẳng ra làm sao! Nếu gặp phải một thằng đàn ông gia trưởng thì hắn đã sớm trở mặt: “Cái gì? Không phục vụ ông đây thì thôi, còn bắt ông phải phục vụ mày à? Tao phải đánh chết mày mới được!”

- Anh giúp em mát xa lòng bàn chân nhé, dạo này em mệt quá! - Bà xã lại hạ lệnh.

Văn Bác cúi đầu mát xa chân cho vợ, chẳng còn cách nào khác, ai bảo mình lấy phải một thiên kim tiểu thư? Người ta là tư sản, nhà có của ăn của để, lại xinh đẹp, nếu mà là cô bé lọ lem thì có tăng cô thêm mười lá gan nữa, cô cũng không dám làm vậy.

- Ái, anh nhẹ tay một chút có được không? Sao mà mạnh tay thế? Đau chết đi được! - Y Đồng trách móc.

- Anh xin lỗi! Văn Bác vội xin lỗi, sau đó nhẹ tay xoa bóp. Anh nghĩ, ban nãy bóp mạnh quá, giờ phải nhẹ tay hơn.

- Anh chưa ăn cơm à? Sao nhẹ hều thế này? Anh bị mắc bệnh mềm xương à? - Y Đồng lại la lên.

Cuối cùng Văn Bác không thể nhịn nổi nữa, anh nói: “Con người em sao mà khó phục vụ thế hả? Em tưởng em là ai? Nếu như em không phải là phụ nữ thì anh đã đấm cho em...”

- Cái gì? Anh dám đánh tôi à? Anh có gan thì đánh đi! - Y Đồng gào lên.

- Mặc xác cô!

Văn Bác hầm hầm bỏ về phòng ngủ. Vừa nằm xuống giường thì Y Đồng đã xông vào, cầm cái gối dựa sô pha đập vào mặt Văn Bác. Văn Bác ôm đầu tránh trận đòn tới tấp của Y Đồng. Y Đồng đánh tới tấp mất năm phút mà vẫn chưa có ý định dừng tay. Văn Bác cuối cùng cũng nổi điên, anh giật lấy cái gối, ném sang bên rồi gào lên.

- Cô gây chuyện đủ chưa hả?

Y Đồng hùng hổ lao đến như một con sư tử bị thương, ra sức cào cấu, đấm đá lên người Văn Bác. Đột nhiên Văn Bác cảm thấy mũi mình nóng bừng, một dòng máu tươi chảy ra. Xong rồi!

Y Đồng dường như vẫn còn chưa chịu thôi. Văn Bác bực bội vô cùng, anh ra sức đẩy Y Đồng ra, vô tình khiến cho Y Đồng ngã ra đất. Trong cơn tức giận, Y Đồng đùng đùng bỏ về nhà mẹ đẻ.

Vừa vào đến cửa, mẹ của Y Đồng là Trương Thanh đang nấu cơm, thấy con gái về liền hỏi:

- Y Đồng à, sao con về mà không báo trước với mẹ một tiếng? Ăn cơm chưa?

- Mẹ à, con không đói! - Y Đồng chào mẹ rồi đi thẳng vào phòng ngủ của mình. Sau khi cô lấy chồng bố mẹ vẫn giữ căn phòng này của cô lại, chờ khi nào cô có thời gian rảnh về nhà ở vài hôm, đoàn tụ với gia đình.

Phòng ngủ của em gái Hoàng Thanh ở ngay sát vách, nghe thấy tiếng của Y Đồng, Hoàng Thành liền chạy sang, vui vẻ nói: “Chị về rồi à? Đây là thạch em mới mua đấy, ngon lắm, chị ăn thử đi!”

Y Đồng nhìn em gái, nói: “Em đấy, suốt ngày chỉ biết ăn, lớn bằng đầu bằng cổ rồi mà cứ như trẻ con ấy, thế này thì làm sao mà lấy chồng được?”

Hoàng Thanh thè lưỡi, quay về phòng mình.

- Mẹ ơi, bố con đâu ạ? - Y Đồng đi vào phòng bếp hỏi mẹ.

- Bố con ra ngoài đi dạo rồi. Ông ấy dạo này hay đau lưng, bác sĩ nói khi nào rảnh rỗi nên ra ngoài đi dạo!

- À, phải rồi, mẹ ơi con muốn về nhà ở vài ngày! - Y Đồng nói.

- Sao thế? Con cãi nhau với Văn Bác à? - Mẹ nhíu mày, lo lắng hỏi.

- Đâu có, làm gì có chuyện đó hả mẹ!

- Thật không?

- Mẹ à, ở nhà con bức bối quá, con muốn về nhà ở với bố mẹ cho vui, lẽ nào mẹ không nhớ con sao?

- Không phải chứ? Y Đồng, con đừng có dấu mẹ!

- Mẹ, làm gì có chuyện đấy! Mẹ cứ yên tâm!

- Con ngốc, con tưởng là giấu được mẹ sao? Mẹ một tay nuôi các con khôn lớn đấy!

- Mẹ à, con...

- Văn Bác bắt nạt con à? Ngày mai mẹ sang bên đó, mắng cho nó một trận!

- Mẹ, không phải thế đâu! Mẹ đừng nhắc đến anh ấy nữa có được không?

Đang nói chuyện thì bố của Y Đồng vui vẻ về nhà, trong tay ông còn cầm một chai rượu cao lương mới mua ở siêu thị về. Vừa nhìn thấy Y Đồng, ông đã mỉm cười nói: “A, con gái cưng đã về đấy à!”

- Bố ạ, con về thăm...

- Con ma men kia, biết ngay là ông lại uống rượu mà. Chẳng phải bác sĩ đã nói ông không được uống nhiều rượu sao? - Y Đồng còn chưa kịp nói hết thì mẹ cô đã bắt đầu mắng bố cô rồi.

- Tôi uống có chút rượu thì đã làm sao? Có phải phạm pháp đâu?

- Ông tránh sang một bên!

- Bố, mẹ, đừng cãi nhau nữa! Con vừa mới về nhà đã không được yên thân rồi!- Y Đồng chán nản nói.

- Thôi được rồi, nể mặt con gái, hôm nay tôi không tranh cãi với ông, mau đi ăn cơm đi!

Cả nhà lặng lẽ ăn cơm. Ăn cơm xong, em gái Hoàng Thanh về phòng lên mạng, hai mẹ con Y Đồng xuống bếp dọn dẹp, bố Y Đồng vào phòng đọc sách.

- Y Đồng, mẹ thấy sắc mặt con không được tốt, gần đây thấy khó chịu ở đâu à? - Mẹ hỏi

- Không có, con rất khỏe mà!

- Đừng giấu mẹ! À, hay là con có bầu rồi? - Bà vuốt vuốt má Y Đồng trìu mến hỏi.

- Mẹ ơi, làm gì nhanh thế ạ? - Y Đồng vỗ vỗ vào tay mẹ, vội vàng phủ định.

- Có thật không? Mẹ mong cháu lắm rồi đấy, chỉ mong được bế cháu ngoại thật nhanh thôi! Ha ha...

- Mẹ à, còn chưa thấy tăm hơi đâu cả, nhìn mẹ sốt ruột kìa!

- Thì mẹ sốt ruột, muốn được bế cháu mà! Để muộn nữa mẹ sợ bế không nổi. Ha ha...mau sinh một đứa đi!

- Mẹ, cả tháng nay anh ấy chẳng động đến con rồi! - Y Đồng bực bội nói.

- Cái gì? Một tháng nay nó không động đến con á? - Mẹ Y Đồng ngây người.

- Con cũng chẳng biết rốt cuộc có chuyện gì. Kể từ sau khi lấy nhau, anh ấy cứ như trở thành một người khác ấy!

- Có phải nó có vấn đề về chuyện ấy không? - Mẹ cô hoài nghi.

- Không ạ, con thấy anh ấy vẫn ổn, nhưng anh ấy không muốn thân mật với con.

- Con à, có phải nó đang tức con chuyện gì không?

- Bọn con thường xuyên cãi nhau! - Y Đồng ngao ngán nói.

- Con à, hai đứa con còn ít tuổi, lại chẳng phải lo ăn, lo uống, nhà cửa đầy đủ, xe cộ cũng có rồi, có gì mà phải cãi nhau chứ?

- Mẹ à, con cũng đâu muốn cãi nhau với anh ấy, nhưng anh ấy lúc nào cũng chọc tức con! - Y Đồng ấm ức nói.

- Tại sao? - Mẹ Y Đồng càng nghe càng không hiểu.

- Mẹ không biết đấy thôi, nhà bố mẹ mua anh ấy không ở, xe bố mẹ mua anh ấy không đi!

- Mẹ biết Văn Bác có lòng tự trọng rất cao, nó thà đi thuê nhà chứ không chịu ở nhà bố mẹ mua cho các con. Để lần sau mẹ sang khéo léo khuyên bảo nó vậy!

- Mẹ à, con với anh ấy cãi nhau không biết bao nhiêu lần về chuyện này rồi, anh ấy cứng đầu lắm, chẳng ích gì đâu mẹ!

- Mẹ không tin là không làm gì được, hồi đầu bố con chẳng ương ngạnh lắm hay sao? Mẹ huấn luyện ông ấy trở nên dễ bảo đấy thôi!

- Mẹ à, anh ấy sống chết gì cũng không chịu ở nhà của chúng ta!

- Chuyện của nó cứ để mẹ, con không phải lo!

Lúc Y Đồng lấy Văn Bác, Văn Bác còn chưa có sự nghiệp, nghèo kiết xác, gần như chẳng có thứ gì. Bố mẹ Y Đồng đều làm kinh doanh, làm ăn không tồi, do đó tiết kiệm được không ít. Trước khi cô kết hôn, nhà cô đã mua một căn nhà rất rộng, giá hơn 600 nghìn tệ, ngoài ra còn mua thêm một chiếc xe hơi Audi A8 cho hai người. Sau khi mua nhà, bố mẹ Y Đồng đã bán căn nhà cũ và chuyển về sống trong căn nhà mới. Vốn dĩ cô định sau khi kết hôn sẽ sống với cả nhà cho vui, nhưng Văn Bác một mực không chịu. Văn Bác thuê một căn phòng, Y Đồng tạm thời sống với anh trong căn nhà thuê ấy.

Văn Bác vì sự tôn nghiêm của đàn ông mà từ xưa đến nay không bao giờ tiêu tiền của cô, cho dù là khi hẹn hò với Y Đồng hay khi đã cưới nhau. Văn Bác cho rằng đàn ông không thể ăn bám, không thể sống dựa vào dàn bà, nếu không cả đời này anh không thể ngẩng đầu lên được. Đàn ông nghèo cũng không sao, nhưng tuyệt đối không thể không có khí phách. Anh rất thích một câu thoại trong bộ phim “Số 7 Trường Giang”: “Chỉ cần có khí phách, không bốc phét, không đánh nhau, cố gắng học hành, dù nghèo thì đi đâu cũng vẫn được tôn trọng!”

Tối đến, Y Đồng và mẹ ngủ cùng phòng, bố của Y Đồng ở trong phòng đọc sách nghiên cứu cách làm ăn rồi ngủ lại luôn ở bên ấy. Em gái Y Đồng online chat chít cả đêm, mẹ Y Đồng cũng chán chẳng buồn quản lý. Đây là một cơ hội để hai mẹ con tâm sự. Mẹ nói: “Y Đồng, lúc nào thì bọn con chuyển về đây ở?”

- Con cũng bảo anh ấy dọn về nhà ở nhưng anh ấy toàn việc cớ khoái thác!

- Con nhất định phải bảo nó về đây ở, mẹ già rồi, cần có người chăm sóc!

- Vâng, để con khuyên nhủ anh ấy!

- Con à, có phải vì chuyện này mà con với Văn Bác thường xuyên cãi nhau, vì vậy mà nó không buồn động đến con không?

- Không phải, con cũng không biết vì nguyên nhân gì!

- Thế thì lạ thật, có điều mẹ không nói con, Văn Bác mà cứ thế này là không ổn đâu, con phải quản lý cho chặt, xem xem liệu nó có bồ nhí ở ngoài không?

- Dạ, con biết mà, con quản lý nghiêm ngặt lắm, ngày nào cũng kiểm tra. Mỗi ngày anh ấy ngáp mấy cái con đều biết!

- Đàn ông mà không có hứng thú với đàn bà thì hôn nhân chẳng lâu bền được đâu. Con à, con phải cẩn thận đấy!

- Mẹ ơi, con nên làm thế nào?

- Con à, theo mẹ thì con nên sớm có bầu đi!

- Tại sao ạ? - Y Đồng khó hiểu hỏi.

- Con có bầu rồi thì sẽ buộc được trái tim của nó. Đàn ông có trách nhiệm sẽ không thay lòng đổi dạ nữa. Hơn nữa, bố mẹ đã lớn tuổi rồi, cũng muốn sớm được bế cháu ngoại!

- Nhưng hiện giờ anh ấy không muốn có con sớm, biết là thế nào ạ?

- Đồ ngốc, nó nói nó không muốn là con không muốn luôn à? Con phải lén bày trò mà tạo ra chuyện ngoài ý muốn chứ!

- Trước đây anh ấy toàn sử dụng biện pháp an toàn, vô cùng cẩn thận. Giờ lại không chịu động đến con, con có muốn có bầu cũng khó!

- Thế thì phải xem con ra sao rồi!

- Nhưng con thấy anh ấy rất phiền phức, lúc đầu đúng là không nên lấy anh ấy!

- Con à, con nghĩ thế là sai rồi! Hồi đó bố mẹ đồng ý chuyện cưới xin của con là bởi vì nhà nó ở nông thôn, mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn!

- Tại sao ạ?

- Nhà nó ở nông thôn, chắc chắn không thể mua nổi nhà ở thành phố, sau khi cưới sẽ phải dọn về nhà ta ở, ở rể chẳng khác gì “chó chui gần chạn”. Chẳng mất chút sức lực nào mà bố mẹ vẫn có được cái lợi lớn, sau này sẽ có người chăm sóc lúc tuổi già.

- Ừm, lúc ấy con cũng nghĩ như vậy, nhưng mà khó sống với anh ấy quá!

- Con phải nhẫn nhịn, đợi đến khi con có bầu rồi lập tức yêu cầu nó dọn về đây ở, con nói là ở nhà điều kiện tốt hơn, có lợi cho việc dưỡng thai, nó sẽ phải đồng ý thôi!

- Mẹ à, ý này hay đấy!

- Đợi nó chuyển vào nhà ta rồi, nó làm gì cũng phải nhìn sắc mặt người nhà ta, lúc ấy chúng ta sẽ nắm quyền chủ động, bảo nó làm gì nó phải làm cái nấy. Chúng ta sẽ ngày ngày bắt nó dọn dẹp, rửa bát giặt quần áo, cọ nhà vệ sinh... Ha ha... Thế là chúng ta được nhàn thân rồi!

- Thế có được không mẹ?

- Chắc chắn là được! Con nghĩ mà xem, nó ở trong nhà ta, ít nhất con cũng không bị nó bắt nạt còn có thể tránh được mâu thuẫn với mẹ chồng, lợi để đâu cho hết!

- Đúng đấy, người ta thường nói mẹ chồng với nàng dâu như oan gia, đặc biệt là mấy bà nhà quê, không có văn hóa, bẩn thỉu, thật đáng sợ!

- Còn nữa, sau này các con sinh con rồi, sẽ nhập hộ khẩu vào nhà chúng ta, theo họ của chúng ta. Bố mẹ con không có con trai nhưng vẫn có thể ôm cháu nội, còn gì vui hơn hả con?

- Mẹ à, thế thì con phải làm sao?

- Con phải làm thế này này...

- Vâng ạ, để con thử xem!

- Ừ, con nhớ cho kĩ, về nhà rồi thì chớ có ương bướng, ngang ngược nữa!

Nhờ có sự hướng dẫn của mẹ mà Y Đồng cảm thấy dễ chịu hơn nhiều, cô ở lại nhà mẹ đẻ vài hôm rồi về nhà. Trước khi về nhà, cô đến bách hóa mua hai bộ đồ lót cực kì sexy, lại mua thêm hai chai nước hoa Pháp, tất cả hết hơn 3000 tệ. Quan điểm của Y Đồng là, đàn bà phải phóng tay một chút vì bản thân.

Về đến nhà, Y Đồng chủ động giặt quần áo, nấu nướng. Thái độ của cô cũng dịu dàng hơn hẳn. Điều kì lạ là Văn Bác chẳng hề tỏ chút vui mừng nào với những biểu hiện khác thường của cô. Y Đồng chửi thầm trong bụng: Mẹ kiếp, tôi sẽ coi anh như một thằng khờ!

Buổi tối lúc đi ngủ, Y Đồng liền nhẹ nhàng cọ cọ vào người Văn Bác, hi vọng sự chủ động của mình cộng với sự gợi cảm của cơ thể đàn bà sẽ đánh thức ham muốn của Văn Bác. Nhưng Y Đồng hoàn toàn thất vọng, Văn Bác ngủ say như chết, hoàn toàn chẳng có phản ứng gì.

Y Đồng tâm trạng rối bời, chẳng thấy buồn ngủ chút nào. Cô ngồi dậy, bật đèn ngủ lên, ngắm nhìn ông chồng đang say ngủ trong ánh đèn mờ mờ, nhớ lại cảnh tượng những ngày đầu hai người mới kết hôn. Lúc ấy Văn Bác rất ân cần, rất quan tâm và dịu dàng với cô, cũng rất chủ động trong chuyện quan hệ, luôn luôn đóng vai trò là người “cầm cương”. Còn cô thì khép mình nằm trong vòng tay anh, hưởng thụ dư vị của hạnh phúc... Đến giờ thì tất cả những thứ ấy đều không còn. Cô thật không hiểu nổi rốt cuộc đã có chuyện gì xảy ra? Tại sao hạnh phúc lại biến mất nhanh như một ngôi sao băng? Đêm dài lắm mộng, những ngày tháng sau này biết sống ra sao? Lẽ nào để tuổi xuân tươi đẹp của mình cứ thế này mà qua đi sao?

Cô mặc áo ngủ vào, đi ra trước cửa sổ, châm một điếu thuốc lên và rít mạnh mấy hơi, cô muốn trút toàn bộ ấm ức trong lòng. Bình thường cả Văn Bác và Y Đồng đều không hút thuốc, thuốc lá là để tiếp khách. Nhưng hôm nay tâm trạng Y Đồng cực kì tồi tệ, cô muốn hút. Vừa hút được mấy hơi thì Văn Bác tỉnh giấc, nhìn thấy Y Đồng hút thuốc, anh tức giận nói: “Sao em lại hút thuốc? Nửa đêm không ngủ còn giở trò gì thế hả?”

- Liên quan gì đến anh? Tôi muốn hút!

- Anh còn không hút thuốc, em hút cái gì mà hút!

- Tôi vui thì hút, được chưa hả?

- Sa đọa! - Văn Bác mắng một câu rồi ôm gối ra phòng khách ngủ.

Thấy Văn Bác bỏ đi, trái tim Y Đồng như rỉ máu. Đây gọi là hạnh phúc tân hôn sao? Rõ ràng là giờ cô chẳng khác gì một bà quả phụ. Đừng nói là mang thai, ngay cả nhu cầu bình thường của phụ nữ còn không được đáp ứng chứ đừng nói là sinh em bé.

Mấy ngày hôm ấy Y Đồng rất ham muốn nhưng chồng cô lại một mực không chịu thân mật với cô, khiến cô tức phát điên lên. Cô hậm hực nghĩ, nếu còn không thân mật, cô sẽ cắm sừng cho anh.

Y Đồng cảm thấy vô cùng áp lực, cô nghĩ mãi mà không hiểu vì sao Văn Bác lại không có hứng thú với mình, trong khi những gì đàn ông khác đều nhỏ dãi thèm thuồng trước cô, có nằm mơ cũng muốn được lên giường với cô! Hồi đầu, lúc cô chưa quen với Văn Bác, có biết bao nhiêu gã đàn ông theo đuổi cô. Thế mà cô chẳng để mắt đến ai. Rất nhiều người cho rằng Y Đồng quá thanh cao, trong mắt chẳng có ai, vậy mà thật không ngờ, cô lại đi lấy một thằng nhà quê nghèo kiết xác. Rất nhiều người nói rằng cô đã tự hạ thấp giá trị bản thân. Cô nên tìm một anh chàng thành phố, gia đình có tiền để lấy làm chồng. Những cả cô và mẹ cô đều không nghĩ như vậy. Hai người nghĩ rằng kết hôn với một anh nhà quê nghèo kiết xác có rất nhiều cái lợi: gia đình cần đi mua đồ, đi tảo mộ, đi chúc tết...đều cần có con rể. Bởi vì con rể là tài xế miễn phí, lại là một ô sin thật thà. Chỉ khổ cho mẹ của anh, vất vả sinh con, nuôi con khôn lớn lại bị người ta cướp mất, chẳng khác gì cho không nhà người ta.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.