Kết Hôn - Ly Hôn

Chương 17




Một tháng sau, nhờ công sức của Văn Bác mà thị trường của chi nhánh công ty đã được mở rộng, số lượng công việc tăng lên trông thấy, mức tiêu thụ đã vượt quá con số mười triệu, vì vậy công ty đã đặc cách cân nhắc Văn Bác lên làm phó tổng giám đốc, tiền lương tăng lên 15 nghìn tệ một tháng, ngoài ra còn được nhận 200 nghìn tệ tiền thưởng.

Văn Bác vui mừng gần như phát điên lên, cuối cùng thì những nỗ lực của anh đã được đền đáp, anh có thể mua nhà được rồi. Thực ra, Văn Bác định chờ thêm hai năm nữa sẽ mua nhà, như vậy có thể trả hết tiền nhà một lần, hoàn toàn không cần phải vay tiền. Nhưng anh nghĩ đến việc cả gia đình nhà vợ đều đang khinh thường mình, anh lại thấy không thể chờ đợi được nữa, anh muốn mua nhà ngay lập tức để chứng minh rằng mình hoàn toàn có thế sống tốt mà không cần phải nhờ vào đàn bà. Với hai trăm nghìn tệ tiền thưởng, anh hoàn toàn có thể mua được một căn nhà bằng cách trả tiền đợt đầu, các lần thanh toán sau sẽ trả góp dần dần. Văn Bác cảm thấy nhà không cần quá lớn, chỉ cần hai phòng là đủ dùng.

Văn Bác bỏ ra 200 nghìn tệ để mua trả góp một căn nhà rộng hơn 80 mét vuông rồi đến ngân hàng vay dài hạn trong 10 năm, tiền lãi hàng tháng cũng không quá nhiều. Từ một nhân viên quèn, long đong không nhà, phải ở nhờ nhà người khác, cuối cùng anh đã có được một căn nhà thuộc về chính mình. Văn Bác bùi ngùi xúc động, nguyện vọng bao năm trời của anh cuối cùng cũng thành hiện thực rồi. Mặc dù căn nhà không lớn nhưng dù sao cũng là tiền anh tự bỏ ra, dựa vào chính sức lực của mình chứ không nhờ vào đàn bà. Cuối cùng Văn Bác cũng có thể ngẩng cao đầu, ưỡn thẳng lưng mà nhìn người đời.

Văn Bác có nằm mơ cũng không ngờ mình lại có thể mua được nhà nhanh như thế, hơn nữa lại đơn giản như mua một bao thuốc lá. Anh thực sự quá vui mừng, vui mừng đến phát điên lên. Lần đầu tiên anh gọi điện về cho bố mẹ, xúc động báo tin. Bố mẹ anh cũng vui mừng đến nỗi cả đêm chẳng ngủ được, không ngờ con trai mình lại giỏi giang đến thế.

Ngày thứ ba sau khi mua nhà, Văn Bác nhắn tin cho Y Đồng: “Tôi đã mua được nhà, phòng 303, tầng 3, toà 3A, khu đô thị Phú Qúy. Có ly hôn hay không, cô tự quyết.”

Hai câu lạnh băng, chẳng khác gì một hòn đá tảng giáng xuống đầu Y Đồng. Toàn thân cô lạnh ngắt. Ly hôn ư? Ly hôn thật sao? Y Đồng ngồi bệt xuống ghế, ánh mắt thất thần.

Y Đồng không biết trong lòng cô hiện giờ là cảm giác gì, nói tóm lại là rất phức tạp. Theo lý mà nói, chồng mua được nhà thì cô phải vui mừng mới đúng, nhưng đằng này cô chẳng thể nào vui nổi. Nhận được tin nhắn của Văn Bác, cô bỗng cảm thấy có một áp lực rất lớn đang đè lên người mình, nguy cơ đến rồi. Y Đồng nghĩ, có lẽ lúc Văn Bác mua được nhà cũng là lúc anh muốn ly hôn với cô. Với tính cách của Văn Bác, chắc chắn anh sẽ trả thù.

Thực ra Y Đồng cũng linh cảm ngày này sớm muộn gì cũng sẽ đến, nhưng cô không ngờ lại đến nhanh như thế. Mới có hơn một tháng mà anh đã mua được nhà, không biết anh lấy đâu ra tiền? Lúc mẹ Y Đồng về nhà, nhìn thấy con gái ngồi ngây ra trên ghế, vội vàng hỏi: “Y Đồng, con sao thế?”

- Mẹ, anh ta mua được nhà rồi! – Y Đồng nói.

- Ai cơ? – Mẹ Y Đồng ngạc nhiên hỏi.

- Còn có thể là ai nữa ạ? Văn Bác chứ ai?

- Hả? Nó lấy đâu ra tiền thế? – Mẹ Y Đồng kinh ngạc hỏi.

- Con không biết, anh ta nhắn tin bảo con là mua được nhà rồi!

- Haizz, nó mua được nhà rồi, sau này sẽ không ở nhà chúng ta nữa!

- Chắc chắn là vậy, với tính cách của anh ta thì đó là điều đương nhiên!

- Thế bố mẹ già rồi, sau này chẳng có hi vọng gì nữa à? Vốn dĩ mong nó ở nhà ta để sau này có người chăm sóc. Thế này thì sau này ai chăm sóc bố mẹ?

- Mẹ à, mẹ yên tâm, chẳng phải còn có con hay sao?

- Thế sau này con tuyệt đối không được bỏ mặc mẹ đấy!

- Làm gì có chuyện ấy? Mẹ à, mẹ cứ yên tâm đi!

Tối đó, cả nhà Y Đồng ngồi ăn cơm. Hai mẹ con Y Đồng mỗi người một tâm sự. Y Đồng nghĩ, sau này nên cư xử với Văn Bác như thế nào? Bởi vì hiện giờ cô đang có bầu, hoàn toàn không muốn ly hôn. Ly hôn rồi đứa trẻ biết làm thế nào đây? Bỏ đi ư? Như vậy quá tàn nhẫn, bây giờ cô đã có chút tình cảm mẹ con rồi, cô cũng đâu muốn bỏ nó đi. Văn Bác giờ đã mua được nhà, chắc chắn sẽ trở nên cứng đầu, chắc chắn không nghe sự chỉ đạo của cô, không bao giờ chịu cúi đầu trước cô nữa, những ngày tháng sau này của cô sẽ khó mà sống đây.

Mẹ của Y Đồng thì nghĩ, Văn Bác mua được nhà rồi, chắc chắn sẽ ở riêng, con gái mình là vợ nó, đương nhiên cũng phải chuyển về đó ở, nếu không đi có khi sẽ phải ly hôn thật. Nếu như hai đứa ra ở riêng, sau này mình già rồi ai sẽ ở bên cạnh chăm sóc? Sau này hai ông bà già cả ốm yếu, đi lại không được, ai sẽ chăm sóc? Bà vốn nghĩ rằng Văn Bác không mua nổi nhà, sau này sẽ phải ngoan ngoãn ở trong nhà mình, nào ngờ mọi việc đều không như bà tính toán, sau này rồi biết làm sao?

Y Đồng nghĩ ngợi suốt cả đêm, cũng chẳng nghĩ ra được gì, trong lòng cô vô cùng rối bời. Văn Bác nhắn tin cho cô, đợi rất lâu mà không nhận được hồi âm của vợ liền gửi thêm một tin nhắn nữa: “Nếu không muốn ly hôn thì lập tức chuyển về đây ở, không được ở nhà mẹ đẻ nữa. Nếu cô cứ kiên quyết ở nhà mẹ, chúng ta buộc phải ly hôn.”

Y Đồng nhận được tin nhắn liền nhắn lại: “Nhà mới phải xây sửa, chưa chắc chưa thể ở, không tốt cho thai nhi.”

Văn Bác nhắn tin lại: “Nhà đang sửa, nhưng tôi đã thuê một căn nhà ở ngay bên cạnh, tạm thời ở lại đó, nhà sửa xong, một thời gian sau sẽ qua ở.”

Y Đồng không biết nói sao đành phải hỏi mẹ. Hai mẹ con bàn bạc suốt cả đêm, cũng chẳng tìm được cái cớ nào khác. Y Đồng nghĩ, chẳng còn cách nào khác cả, đành phải chuyển sang đó ở thôi.

Văn Bác thấy Y Đồng đã phải thỏa hiệp, trong lòng cũng thở phào nhẹ nhõm. Anh thầm mắng nhiếc trong lòng: “Mẹ kiếp, trước đây cô khinh thường tôi, làm gì cũng phải nghe theo cô, giờ thấy tôi mua được nhà là cô phải xuống nước ngay, đúng là đồ tiện nhân!”

Ngày thứ hai sau khi Y Đồng về nhà ở, Văn Bác liền đón bố mẹ lên. Vốn dĩ bố mẹ Văn Bác không muốn lên, nói rằng không quen cuộc sống thành phố. Văn Bác nói với bố mẹ:

- Con đã mua nhà trên này, bố mẹ chuyển lên đây sống cũng được nở mày nở mặt với hàng xóm láng giềng, dù gì con trai mua được nhà rồi, bố mẹ lên thành phố hưởng phúc ít ngày cũng là điều nên làm, nếu không người ngoài lại xầm xì, cho là con trai không hiếu thuận với bố mẹ.

Sau đó, Văn Bác lại đệ đơn xin phép công ty tạm thời chuyển về tổng công ty làm việc cho tiện việc chăm sóc vợ sắp sinh. Đương nhiên, công ty cũng phải cân nhắc đến vấn đề tình người nên chẳng bao lâu đã phê duyệt đề nghị của anh.

Một buổi tối, Y Đồng ăn cơm xong liền ngồi trên ghế xem bộ phim Hàn Quốc Ngôi nhà hạnh phúc. Đang xem đến đoạn hay thì Văn Bác đi vào, tay cầm điều khiển chuyển sang kênh khác.

Y Đồng nói:

- Em muốn xem Ngôi nhà hạnh phúc.

Văn Bác bảo:

- Anh muốn xem Diễn đàn Bách Gia.

- Để em xem Ngôi nhà hạnh phúc.

- Đây là ti vi anh mua, anh có quyền quyết định.

- Anh...

Y Đồng nhất thời nghẹn giọng không nói được gì, đành hậm hực đi vào phòng ngủ, tâm trạng vô cùng bực bội.

Văn Bác xem ti vi một lúc, thấy Y Đồng ngủ rồi mới lớn tiếng gọi:

- Em chưa tắm à?

Y Đồng chẳng động đậy gì, thấy vậy Văn Bác lại cao giọng:

- Em không nghe thấy à? Anh hỏi sao em không tắm?

Y Đồng vẫn chẳng động đậy.

Văn Bác lần này liền lớn tiếng nói:

- Cô còn đợi tôi tắm cho cô chắc? Tôi nói cho cô biết, sau này cô đừng có nằm mơ!

- Văn Bác, con làm gì mà lớn tiếng thế hả? – Mẹ Văn Bác vừa rửa bát xong, từ trong nhà bếp đi ra, lên tiếng hỏi.

- Mẹ à, không có gì đâu, mẹ ngồi nghĩ một lát đi! - Văn Bác kéo mẹ ngồi xuống ghế rồi rót cho mẹ ly nước.

- Văn Bác, rót cho Y Đồng cốc nước! - Mẹ nói.

- Cô ta không có tay à? - Văn Bác bảo.

- Cái thằng này, thật là cứng đầu! – Mẹ Văn Bác nói xong liền đứng dậy bê một cốc nước vào phòng ngủ cho Y Đồng.

- Mẹ, mẹ có mệt không? - Văn Bác hỏi.

Mẹ anh đi đến bên gường Y Đồng, gọi mấy tiếng nhưng Y Đồng vẫn quay mặt vào tường, lưng quay ra ngoài, chẳng động đậy gì. Mẹ anh tưởng Y Đồng đã ngủ rồi liền đặt cốc nước lên chiếc tủ đầu gường, sau đó đi ra ngoài.

Văn Bác thấy Y Đồng chẳng buồn ngó ngàng đến mẹ mình liền đi thẳng vào phòng ngủ, đập “bốp” xuống giường, nói:

- Cô điếc à? Mẹ cô không dạy cô thế nào là lễ phép à?

- Con làm cái gì vậy? - Mẹ Văn Bác vội vàng ngăn anh lại.

- Cô ta thật vô lễ, thái độ gì thế hả? Có đứa con dâu nào như thế không? - Văn Bác tức tối nói.

- Nó ngủ rồi, chớ làm phiền nó! Mau ra đây để cho nó nghỉ ngơi! - Mẹ anh bảo.

- Cô nghe thấy gì chưa hả? Tôi đang nói chuyện với cô đấy! - Văn Bác giật cái chăn trên người Y Đồng ra.

- Văn Bác, con mà còn không nghe lời, còn gây sự nữa, ngày mai mẹ sẽ về quê ngay! – Mẹ anh dọa.

- Mẹ, thế thì con không nói nữa! - Văn Bác vừa nghe thấy mẹ đòi về quê liền vội vàng im lặng, đi ra ngoài.

Ra đến phòng khách, mẹ anh nói:

- Văn Bác, con phải chăm sóc nó chu đáo, nó đang mang bầu, con phải nhường nó chứ, coi như mẹ xin con đấy!

- Mẹ à, con...

- Con muốn hiếu thuận thì hãy nghe lời của mẹ, thế thì mẹ sẽ ở đây thêm vài hôm, nếu không nghe lời, mẹ sẽ về quê ngay ngày mai!

- Vâng, vâng, con sẽ nghe lời mẹ mà!

- Vậy thì tốt, con ngủ sớm đu, mẹ đi xem bố con ngủ chưa!

- Khụ... khụ... khụ... – Đột nhiên, bố Văn Bác ho một tràng dữ dội ở trong phòng, sắc mặt ông rất xanh xao.

Văn Bác hoảng quá, vội đỡ lưng bố, hỏi han:

- Bố à, bố làm sao thế? Con đưa bố đi bệnh viện!

Bố Văn Bác nói:

- Không, không nghiêm trọng đâu, bố không sao, một lát, là khỏi thôi!

- Con rất lo cho sức khỏe của bố, hay là bố cứ đi bệnh viện đi! - Văn Bác giục.

- Ông à, ông đã đỡ hơn chưa? Nếu mà nghiêm trọng thì phải nghe theo lời con nó đấy!

- Không sao, bố nghe thấy con với Y Đồng bất hòa nên lo lắng, bệnh dạ dày lại tái phát đấy mà!

- Bố, sau này bố phải chú ý một chút, đừng có lo lắng, cũng đừng nổi cáu!

- Con à, con phải nhường nó, dù gì nó cũng đang mang trong mình cốt nhục nhà ta, sao con có thể...

- Bố, con sẽ nghe lời bố mà, bố cứ yên tâm!

Văn Bác thấy bố nói thế, trong lòng rất khó chịu, đành phải đồng ý với bố mẹ, sau này sẽ nhường nhịn Y Đồng. Thực ra trong lòng anh đang sục sôi ngọn lửa trả thù. Anh đã phải chịu bao nhiêu ấm ức, quá nhiều áp lực, giờ buộc phải giải tỏa chúng, nếu không đầu anh sẽ nổ tung mất. Mặc dù hiện giờ có “trung tâm giải tỏa stress”, chỉ cần bỏ tiền ra là có thể đập phá bất kỳ đồ đạc nào trong đó, nhưng dù sao vẫn không thể giải tỏa nổi nỗi ấm ức trong lòng anh. Muốn tháo chuông phải tìm người buộc chuông.

Nỗi oán hận trong lòng Văn Bác cứ như chất độc gặm nhấm gan ruột anh, anh rất muốn trút hết nỗi khó chịu này lên Y Đồng, nếu không anh sẽ cảm thấy mất cân bằng. Nhưng bố mẹ anh lại không cho phép anh làm vậy, thế nên Văn Bác cực kỳ u uất.

Y Đồng chuyển đi được mấy hôm thì mẹ cô đến thăm, còn mua rất nhiều đồ tẩm bổ cho cô, nhắc nhở mẹ Văn Bác làm cho Y Đồng ăn. Mẹ Văn Bác vui vẻ đồng ý. Y Đồng thầm than vãn, kể khổ với mẹ mình:

- Mẹ à, hiện giờ thái độ của anh ấy với con vô cùng khó chịu, con không thể chịu nổi!

- Có phải nó bắt nạt con không? Mẹ tuyệt đối không để nó bắt nạt con đâu!

- Thái độ anh ấy rất ngang ngược!

- Cái gì? Thái độ ngang ngược á? Sao cô không nghĩ xem trước đây cô đã đối xử với tôi như thế nào? - Văn Bác hùng hổ nói. Hóa ra, anh vừa mới đi làm về, về đến nhà thì nghe thấy Y Đồng nói xấu mình, do vậy anh không nhịn được liền gầm lên.

- Nó có nói gì quá đâu mà anh phải nổi nóng thế hả? – Mẹ Y Đồng bênh con, nói.

- Trước đây cô hung dữ với tôi như vậy, giờ tôi mới tỏ thái độ một chút mà cô đã không chịu nổi rồi à? Cô đã bao giờ nghĩ đến cảm nhận của tôi lúc ấy chưa? - Văn Bác gắt lên.

Y Đồng thấy Văn Bác càng nói càng gay gắt nên đành im lặng không dám nói gì nữa. Giờ thì cô đã hiểu được cái cảm giác bị người khác đay nghiến, chỉ trích là như thế nào. Lúc trước cô đối xử với anh ngang ngược, hung hãn như vậy, tại sao không nghĩ rằng mình cũng sẽ có ngày hôm nay? Rõ ràng là đầu lợn, mà lợn thì có thể nghĩ đước cái gì khác ngoài việc ăn chứ? Cô không ngờ rằng “cười người lúc trước, hôm sau người cười”.

Mẹ Văn Bác nghe thấy tiếng cãi vã vội vàng đến khuyên giải. Bà nói với con trai:

- Văn Bác, con không nói ít đi được vài câu à?

Văn Bác nghe mẹ nói vậy thì thôi không nói nữa, mặt mày tím tái vì tức giận, bỏ ra khỏi nhà. Tối hôm ấy, anh và Y Đồng quay lưng với nhau cả đêm, chẳng ai hỏi han ai điều gì.

Sáng hôm sau đi làm, tâm trạng Văn Bác vẫn vô cùng khó chịu. Bận rộn suốt cả ngày trời, người anh đau ê ẩm, đồng nghiệp Trương Tân Bảo:

- Văn Bác, hết giờ làm chúng ta đi mát xa chân đi! Tôi mời cậu!

- Mát xa chân á? Cảm ơn, nhưng tôi không cần đâu!

- Tôi thấy tâm trạng cậu không tốt, có thể là do quá mệt mỏi, đi mát xa chân có thể xoa dịu cơn mệt mỏi đấy!

- Không cần đâu, cảm ơn cậu! - Văn Bác từ chối.

- Có phải sợ vợ biết sẽ mắng không? – Trương Tân nhếch mép cười.

- Không phải, tôi không quen trò đó, chẳng thà về nhà ngâm chân còn hơn!

- Haizz, anh thật là chẳng biết hưởng thụ cuộc sống gì cả, lương mỗi tháng cao như vậy, sao không làm cho cuộc sống thêm màu sắc? Ngày nào cũng đi làm rồi về nhà, đi mãi trên một tuyến đường, chán chết đi được! – Trương Tân cười nói.

- Ha ha, tôi á, quen mất rồi!

- Người anh em, anh quá cứng nhắc rồi, không biết hưởng thụ cuộc sống gì hết, thế thì anh cần nhiều tiền làm gì?

Đàn ông hiện nay, đặc biệt là những người đàn ông có mức lương cao liệu có mấy người không ăn chơi đàn đúm, không đi tìm thú vui bên ngoài? Văn Bác không thích những trò đó, anh cũng chẳng có hứng thú. Thực ra đàn ông cho dù thuộc tầng lớp nào, phần lớn đều thích chơi bời. Trương Tân thì khỏi cần nói rồi. Phó giám đốc Trần Giang của công ty cũng là người biết hưởng thụ, về cơ bản mỗi tuần đều ra ngoài chơi một lần. Lần trước, Văn Bác đến văn phòng của anh lấy tài liệu, vô tình nhìn thấy trên bàn anh ta có rất nhiều hóa đơn thanh toán của trung tâm mát xa, khách sạn cao cấp. Anh đoán chắc anh ta đã từng mát xa, xông hơi, nói không chừng đã xài cả dịch vụ từ A đến Z cũng nên. Trong khi đó, Văn Bác chưa bao giờ đi mát xa hay xông hơi. Trong các hoạt động làm ăn và trong cuộc sống hàng ngày, anh luôn giữ gìn phẩm chất đạo đức của mình, chưa bao giờ dính vào những thứ trụy lạc, sa đọa như vậy.

Văn Bác nói chuyện với Trương Tân một lúc, cũng sắp đến giờ tan sở, anh đang chuẩn bị ra về thì bỗng nhiên nhận được điện thoại của một khách hàng, là của Hứa Đông, tổng giám đốc công ty khoa học kĩ thuật Thiên Lam. Hứa Đồng nói:

- Giám đốc Lý, hết giờ làm anh có rảnh không? Chúng ta đến trung tâm Qúy Phi mát xa một lúc đi!

Gần đây, Văn Bác đang làm ăn với Hứa Đông, đề án lên đến hơn ba triệu tệ. Làm thế nào bây giờ? Đi hay không? Nếu như không đi, vụ làm ăn này coi như đi tong. Nếu như vụ làm ăn này không thành, tiền lương của anh chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng, vậy làm sao mà mua xe được? Còn phải trả góp tiền nhà nữa chứ? Làm sao để bố mẹ hưởng phúc đây? Nếu như đi thì chẳng khác gì tự chìm xuống bùn? Thế này có khác gì khách làng chơi?

Những người trong giới kinh doanh thường vô cùng phức tạp, phần lớn những người đó đều sống một cuộc sống ăn chơi, trụy lạc. Có những người đàn ông không chỉ có vợ bé, đi cặp bồ mà còn thản nhiên đi chơi gái, thật là nhơ nhuốc! Giờ khách hàng quan trông lại yêu cầu Văn Bác đến trung tâm giải trí khiến cho anh vô cùng khó xử, cực kỳ mâu thuẫn. Anh nghĩ, nếu đi chắc chắn sẽ bị vấy bẩn, không đi thì vụ làm ăn hơn ba triệu tệ tan thành mây khói. Làm ăn không thành chỉ là chuyện nhỏ, quan trọng là nó ảnh hưởng đến tiền lương và tiền thưởng của anh. Anh vừa mới mua nhà, còn phải trả góp, lại còn tiết kiệm tiền mua xe, còn phải chăm sóc bố mẹ, cải thiện điều kiện sống. Văn Bác đắn đo suy nghĩ, cuối cùng quyết định sẽ đi.

Trung tâm Qúy Phi nằm ở khu vực sầm uất nhất trong thành phố, rất nổi tiếng. Văn Bác hẹn thời gian cụ thể với Hứa Đông rồi vội vàng đến đó. Lúc Văn Bác đến nơi, Hứa Đông đã chờ sẵn ở đó rồi. Hứa Đông mặt đỏ phừng phừng, miệng phả ra toàn hơi rượu, rõ ràng là mới đi uông về, thậm chí còn uống nhiều nữa là khác.

Văn Bác mỉm cười, nói:

- Ông chủ Hứa, sao ông đến nhanh thế? Đã để ông phải chờ lâu rồi!

- Giám đốc Lý, anh đến rồi à, tôi đang định bàn bạc chuyện làm ăn với anh đây. Hôm nay mệt quá, tôi đang định đi thư giãn tí, thế nên mới gọi điện hẹn anh ra ngoài! – Hứa Đông lè nhè nói.

- Ông chủ Hứa, ông định bao giờ ký hợp đồng vụ làm ăn đó với công ty tôi?

- Không vội, không vội, chúng ta vào trong rồi từ từ nói! – Hứa Đông vừa nói vừa đi vào trong.

Văn Bác ái ngại đành phải đi theo. Nói thực lòng, đây là lần đầu tiên anh tới những chỗ này. Anh thấy rất khó chịu, không sao thích nghi được, thậm chí nhìn thấy nhân viên phục vụ, anh còn cảm thấy ngài ngại, bởi vì cho dù có là người bảo thủ mấy đi chăng nữa cũng biết thừa những nơi như thế này phục vụ cái gì. Sau khi vào trong, nhân viên phục vụ mang áo và khăn tắm ra, đưa cho họ. Văn Bác liếc nhìn cô nữ nhân viên, là một cô gái khoảng hơn hai mươi, rất xinh đẹp: mặt tròn, đôi mắt to, thân hình thon thả. Nói theo ngôn ngữ của thời buổi bây giờ thì cô gái này đúng vào dạng: ngực tấn công, mông phòng thủ, vô cùng sexy. Thêm vào đó, chiếc sườn xám xẻ rất cao ở đùi để lộ đôi chân trắng nuột, mịn màng. Văn Bác thấy mắt mình như hoa lên, đầu óc ong ong, chỉ nghe thấy Hứa Đông nói:

- Người đẹp, mau lại đây tắm chung với anh nào! Kì lưng cho anh đi!

- Thưa ông, đây là khu vực dành cho nam giới, tôi có thể gọi phục vụ nam giúp ông! – Cô nhân viên phục vụ nói.

- Thế hả? Hôm nay anh đến đây tiêu tiền, em phải phục vụ anh chứ? – Hứa Đông bảo.

- Thưa ông, tôi thực sự không thể nào làm được ạ! – Cô nhân viên như năn nỉ.

- Cái gì? Cô không vào thì làm sao phục vụ cho tôi?

- Tôi thật sự không thể, tôi chỉ là nhân viên phục vụ, không phải loại gái đó!

- Ở đây cô có thể làm gì nữa? Chắc chắn là cave rồi, hôm nay cô nhất định phải phục vụ tôi!

Hứa Đông ra sức kéo cánh tay cô phục vụ vào trong. Bởi vì Hứa Đông kéo quá mạnh khiến cho chiếc sườn xám của cô gái kia rách toạc ra, lộ cả áo ngực màu trắng ra ngoài. Tội nghiệp cho cô gái, phải chịu đựng ánh mắt hau háu của bao nhiêu gã đàn ông.

- Thưa ông, xin ông hãy thả tay tôi ra! – Cô nhân viên vừa vùng vẫy vừa cầu xin.

- Vớ vẩn, hôm nay cô muốn hay không cũng phải hầu hạ tôi. Ông đây không thiếu tiền! – Hứa Đông nói.

- Thưa ông, xin ông đừng làm như vậy, ông không thể... – Cô phục vụ vẫn gắng sức giằng co.

Văn Bác thấy Hứa Đông lì lợm không chịu buông tha, trong lòng rất khó chịu, nhất là khi nhìn thấy bộ dạng đáng thương của cô phục vụ. Anh đang định lên tiếng thì chợt thấy một nhân viên bảo vệ khoảng hai mươi tuổi, dáng vẻ rất khôi ngô lao vào.

Anh chàng bảo vệ lịch sự nói: “Thưa ông, xin hãy lịch sự một chút, cô gái này chỉ là nhân viên phục vụ, xin ông đừng làm khó cô ấy!”

- Cái gì? Lịch sự á? Lẽ nào tao chưa đủ lịch sự? Xéo đi! – Hứa Đông đẩy mạnh nhân viên bảo vệ, tức tối gào lên.

- Xin ông đừng dùng vũ lực, có gì từ từ nói ! – Nhân viên bảo vệ vẫn lễ phép nói.

- Cút ngay, ông đây đang hứng, đừng làm mất hứng của ông! Nếu không tao đá thẳng mày ra khỏi cửa đấy, mày có tin không? – Hứa Đông hầm hè uy hiếp.

Nhân viên bảo vệ bị Hứa Đông đẩy giật lùi ra sau mấy bước, tỏ vẻ bất lực. Hứa Đông liền tóm chặt lấy tay cô phục vụ không chịu buông ra. Cô gái bật khóc nức nở rồi ra sức vùng vẫy.

- Cô em có khóc rách cổ họng thì hôm nay cũng phải phục vụ ông đây. Tôi nói cho cô biết, ông chủ các cô nhìn thấy tôi cũng phải nhún nhường vài phần đấy! – Hứa Đông hơi thở nồng nặc mùi rượu, tỏ vẻ kênh kiệu.

- Tôi không cần biết, thả tôi ra! – Cô phục vụ ra sức vùng vẫy.

- Mày nghe rõ đây, cho dù ông chủ chúng mày có đến thì mày cũng vẫn phải phục vụ tao tử tế, còn giả bộ trong sáng gì chứ? Đồ làm đĩ lại còn bày đặt con nhà lành sao? Được ông để mắt đến là phúc cho nhà mày đấy!

Hứa Đông vừa nói vừa kéo tay cô phục vụ vào bên trong. Bộ mặt của ông ta đã biến đổi. Văn Bác cảm thấy, thứ biến đổi không chỉ có bộ mặt ông ta mà còn cả trái tim và tâm hồn ông ta nữa.

Văn Bác bỗng cảm thấy vô cùng ghê sợ, sao Hứa Đông lại là loại người như thế cơ chứ? Anh không nhịn được nữa liền nói:

- Ông chủ Hứa, thôi bỏ đi, đừng làm khó cô ấy nữa, người ta là con gái nhà lành chứ có phải cave đâu!

- Cái gì? Nó không phải là cave ư? Thế nó không phải là bạn gái của mày đấy chứ? Xéo đi! – Nói rồi, Hứa Đông liền vung nắm đấm về phía Văn Bác.

Văn Bác có lòng tốt khuyên nhủ Hứa Đông đừng làm khó cho cô phục vụ kia, nào ngờ Hứa Đông không những không nghe mà còn vung tay đánh anh. Văn Bác vốn dĩ có thể né tránh cú đấm ấy nhưng anh không hề né, anh hy vọng chuyện này có thể giải quyết một cách êm đẹp. Do vậy ngực anh lãnh trọn một cú đấm rất mạnh của Hứa Đông. Lồng ngực Văn Bác đau dữ dội, anh gần như ngã ngửa ra đất. Văn Bác vẫn tươi cười nói:

- Ông chủ Hứa, bỏ qua chuyện này có được không?

- Mày nói cái gì? Mày là cái thá gì chứ? Mày định “chọc gậy bánh xe” phải không? – Hứa Đông lớn tiếng mắng chửi.

- Ông chủ Hứa, ông cũng đánh tôi rồi, thôi thì nể mặt tôi chút đi? - Văn Bác nghiêm túc nói.

- Nể mặt mày á? Cút đi! – Hứa Đông lại chửi.

- Ông đừng có lên mặt nữa, tôi cảnh cáo ông, nếu ông còn không chịu buông tay cô ta ra, đừng trách tôi không khách sao! - Văn Bác phẫn nộ nói.

- Ái chà, tao sợ quá đi mất, sợ quá! Mày có thể làm gì được tao chứ? Cho dù có là vợ mày thì tao cũng dám chơi chứ đừng nói! – Hứa Đông đúng là một kẻ khốn nạn.

Văn Bác không thể nhịn được nữa, anh lúc này giống như một con sư tử bị chọc tức, hai mắt tóe ra lửa. Văn Bác túm lấy cổ áo Hứa Đông, vung nắm đấm thép của mình về phía ông ta. Chỉ nghe thấy một tiếng “bốp”, Hứa Đông đã ngã ngửa ra đất. Ông ta không ngờ Văn Bác dám đánh mình, cũng chẳng có phòng bị gì nên cú đấm như thép của anh khiến ông ta mãi không đứng lên được.

Hứa Đông lồm cồm bò dậy, gào lên:

- Mẹ kiếp, dám đánh tao à? Tao sẽ cho mày hết đường sống ở nơi này? Tao sẽ cho anh em diệt mày!

Văn Bác túm lấy cổ áo Hứa Đông, gằn giọng:

- Tôi nói cho ông biết, đừng có quá quắt, làm nhiều chuyện xấu sau này con cái sẽ phải chịu tội thay ông đấy!

- Mày còn dám đánh tao nữa, tao sẽ cho mày chết! – Hứa Đông nghiến răng trèo trẹo.

Văn Bác lại vung tay, giáng thẳng nắm đấm vào sống mũi Hứa Đông. Máu mũi ông ta phun ra. Văn Bác chỉ cười khẩy:

- Hôm nay tôi nể mặt ông, chỉ cho ông một bài học, sau này đừng có làm việc xấu nữa, nếu không tôi gặp ông lần nào sẽ đánh ông lần đấy!

- Mày to gan lắm!

- Cút, đồ cặn bã!

Hứa Đông ôm mũi, bộ dạng thê thảm chạy ra khỏi cửa, chắc sẽ đến bệnh viện để cầm máu. Văn Bác dìu cô nhân viên phục vụ đang run cầm cập đứng dậy, an ủi:

- Cô đừng sợ, không sao rồi! Sau này tên đó còn dám đến quấy nhiễu cô, tôi sẽ bảo vệ cho cô!

- Cảm ơn anh! – Cô gái cảm kích nói.

- Không có gì, cô mau đi nghỉ đi! - Văn Bác vừa bảo vừa đi ra ngoài.

- À phải rồi, tên anh là gì? Anh cho em số điện thoại của anh có được không?

- Được thôi! - Văn Bác đi về phía cô gái, viết số điện thoại của mình rồi đưa cho cô gái đó.

Văn Bác vừa quay người định đi thì cô gái lại nói:

- Anh ơi, em có thể mời anh bữa cơm không?

- Không cần đâu! - Văn Bác xua tay rồi bỏ đi.

Chẳng còn nghi ngờ gì nữa, vụ làm ăn này coi như đi tong, một nắm đấm của Văn Bác đã tiêu tan hơn ba triệu tệ. Nhưng anh không hề hối hận, những việc tốt mà mình làm không thể dùng tiền ra để đong đếm được.

Lúc Văn Bác về đến nhà, mẹ anh đang làm cơm, bố anh đang dọn dẹp đống sách báo cũ, Y Đồng đang nằm trên gường vừa xem ti vi vừa ăn khoai sấy khô, bộ dạng rất an nhàn. Mẹ Y Đồng vì nhà có việc nên đã về rồi. Văn Bác vừa vào nhà bếp, mẹ anh đã hỏi:

- Văn Bác, sắc mặt con không tốt lắm, con sao thế? Mệt lắm à?

- Mẹ, con không sao, chỉ là áp lực công việc lớn quá, một lát sẽ đỡ ngay ấy mà! - Văn Bác nói dối.

- Con à, con phải giữ gìn sức khỏe, không có sức khỏe thì chẳng làm được gì đâu. Con nhìn bố con đi, bị bệnh tật làm cho...

- Mẹ à, mẹ yên tâm, con sẽ chú ý mà!

Đang nói chuyện thì bố Văn Bác đi vào, tay ôm một đống sách báo cũ, định tập trung cả rồi mang bán. Văn Bác nhìn thấy vậy liền chạy đến đón lấy chồng sách báo trên tay bố, nói:

- Bố à, bố cứ nghỉ ngơi đi đã, đừng làm việc quá sức, bác sĩ đã nói rồi, bố phải nghỉ ngơi, không được làm việc nặng đâu!

- Ngồi không chán lắm, cứ ngồi không là thấy khó chịu. Có thể là do số bố mệnh không được tốt.

- Bố, nghe bố nói kìa, bố cứ nghe lời bác sĩ là sẽ khỏe mà! - Văn Bác nói.

- Ngồi không buồn lắm, bố làm có chút việc thôi mà, không sao đâu!

- Bố, sức khỏe của bố không tốt, con còn muốn để bố bế cháu nội nữa, bố mà ngã bệnh ra đấy thì ai bế cháu nội đây?

Bố Văn Bác cười sung sướng, trong lòng trào dâng một niềm hạnh phúc. Xem ra cứ nhắc đến đứa cháu là bố anh lại thấy hân hoan. Người già chẳng cần tiền bạc nhiều, chỉ cần có con cháu sum vầy trong nhà là vui rồi. Thực ra người nông thôn rất dễ thỏa mãn, họ chẳng ham hố gì, chỉ mong được nhìn thấy cháu nội, có thể ngẩng mặt trước hàng xóm láng giềng là đủ.

- Văn Bác, con vào đây, mẹ có chuyện muốn nói với con! – Văn Bác đang nói chuyện với bố thì mẹ anh bỗng gọi anh vào.

Văn Bác thấy nong nóng liền cởi áo rồi đi vào trong bếp. Mẹ anh mỉm cười nói:

- Con à, Y Đồng đã có bầu năm, sáu tháng rồi, đi bệnh viện kiểm tra, bác sĩ có nói là trai hay gái không?

Đứa con trong bụng Y Đồng là mối quan tâm lớn nhất của bố mẹ Văn Bác, đặc biệt là giới tính của thai nhi.

- Mẹ à, giám định giới tính của thai nhi là phạm pháp đấy! - Văn Bác nói.

- Cũng không phải mẹ bắt các con phải giám định giới tính thai nhi, mẹ chỉ là rất muốn biết cháu mẹ là trai hay gái thôi mà! – Mẹ Văn Bác cười cười.

- Vậy ạ mẹ? Mẹ à, mẹ đừng bận tâm chuyện đó, trai hay gái chẳng phải đều như nhau sao? - Văn Bác nói.

- Đúng thế, đúng thế, mẹ cũng nghĩ thông rồi, cháu trai hay cháu gái đều là báu vật của nhà ta.

- Dạ, con trai hay con gái thì đều là khúc ruột nhà ta, đều phải yêu thương nó!

- Bố con thì rất muốn có một thằng cháu đích tôn, ha ha. Ông ấy nghĩ, nếu như có thằng cu thì nhà ta đã có người hương hỏa rồi! – Mẹ Văn Bác nói.

- Mẹ à, vậy mẹ có thể làm công tác tư tưởng cho bố, để bố nghĩ thoáng ra một chút, đừng phong kiến quá, lạc hậu lắm! Mẹ phải vận động bố, trước đây chẳng phải bố cũng là đội trưởng đội sản xuất sao? Tư tưởng phải tiến bộ mới đúng chứ? - Văn Bác bảo mẹ.

- Đúng thế, bố con giờ lạc hậu mất rồi, còn thường xuyên cãi nhau với mẹ, nói là mẹ không chịu sinh cho ông ấy mấy thằng con trai vào!

- Thế ạ? Thế bao nhiêu mới là nhiều ạ?

- Bố con nói càng đông thì càng có phúc!

- Đấy là quan niệm cũ rồi, đã cải cách mở cửa hơn ba mươi năm rồi, phải theo kịp với thời đại mới chứ!

- Bố con ấy mà, đúng là ông già cổ hủ, không theo kịp đâu!

- Mẹ à, thế thì phải xem khả năng của mẹ, nếu mẹ có thể cải tạo được bố thì đúng là lập công lớn rồi!

Hai mẹ con đang nói chuyện vui vẻ thì đột nhiên Y Đồng hùng hổ lao vào bếp, chỉ vào mặt Văn Bác mà mắng:

- Anh là đồ đê tiện, đồ mặt dày, anh hay ho gớm nhỉ!

Văn Bác sững người, ngạc nhiên hỏi:

- Cô nói cái gì thế? Lại lên cơn thần kinh à?

- Cái gì? Tôi thần kinh á? Anh mới là đồ khốn nạn, tôi thật ghê tởm anh! – Y Đồng đanh giọng quát!

- Rốt cuộc cô đang nói cái gì? - Văn Bác nghi hoặc hỏi.

- Sao anh lại đi chơi gái hả? Sao mặt anh lại dày đến thế hả?

- Đi chơi gái á? Cô nói lăng nhăng gì vậy? Tôi đâu có?

- Anh nhìn đi, đây là cái gì? – Y Đồng nói rồi liền nám hai cái hóa đơn ở trung tâm Qúy Phi ra trước mặt Văn Bác.

Hóa ra là vì lúc thanh toán tiền ở trung tâm Qúy Phi, Văn Bác tiện tay nhét hóa đơn vào trong túi áo, định về thanh toán với phòng tài vụ. Thế nhưng Hứa Đông trêu ghẹo nhân viên phục vụ ở đó, Văn Bác không nhịn nổi nên đã ngăn cản ông ta, sau đó hai người đánh nhau. Cuối cùng, Hứa Đông ôm mũi bỏ đi, Văn Bác cũng bỏ về nhà. Về đến nhà, Văn Bác liền cởi áo ra, ném vào trong phòng, hai hóa đơn thanh toán ấy rơi ra ngoài, vô tình bị Y Đồng nhìn thấy, đúng là chọc vào tổ ong, hậu quả thật khôn lường.

Nhìn thấy hóa đơn thanh toán ở trung tâm Qúy Phi, Văn Bác mặt mày biến sắc, anh sợ chuyện này khó mà nói rõ trắng đen. Đã đến những nơi như thế này rồi thì có nhảy xuống sống Hoàng Hà cũng không rửa sạch tội. Y Đồng vô cùng tức giận, mặt mày đỏ phừng phừng. Văn Bác lắp bắp:

- Tôi không đi chơi gái, cô phải tin tôi!

- Không đi? Thế những hóa đơn này là giả chắc? – Y Đồng cười khẩy.

- Tôi thật sự không như cô tưởng tượng đâu, tôi không hề làm việc gì có lỗi với cô! - Văn Bác muốn giải thích nhưng không biết phải nói thế nào.

- Giờ tôi có thai rồi, không đủ thỏa mãn nhu cầu cho anh, vì thế anh phải ra ngoài vụng trộm chứ gì? Anh không cảm thấy xấu hổ à? – Y Đồng như một ngọn lửa bùng lên dữ dội. Cô quay sang nói với mẹ Văn Bác:

- Con trai của bà làm chuyện bậy bạ ở bên ngoài, bà rốt cuộc quản lý anh ta kiểu gì thế hả?

- Y Đồng, có gì từ từ nói, con đừng có nổi cáu, không có lợi cho sức khỏe đâu! – Mẹ Văn Bác cố khuyên nhủ.

- Tôi thật sự quá đau lòng, không ngờ anh lại đi làm những chuyện như thế này, quá bẩn thỉu, không bằng loài chó lợn! – Y Đồng phẫn uất gào lên.

- Văn Bác, có thật con không đến những nơi như thế không? Nói cho mẹ nghe xem nào!

- Con có đi! - Văn Bác nói.

- Đấy, thế là anh thừa nhận rồi nhé! – Y Đồng nói.

- Tôi đến những nơi đó nhưng không làm những chuyện như cô nghĩ đâu, cô phải tin tôi! - Văn Bác ấm ức nói.

- Tin anh ư? Tôi còn dám tin anh không? Tôi dựa vào đâu mà phải tin anh? – Y Đồng lớn tiếng chất vấn.

- Tôi thực sự không làm những chuyện đó, tôi có thể tìm người làm chứng!

Văn Bác vì cuống quá nên mới buột miếng nói ra câu này. Nhưng nói xong rồi anh mới hối hận, bởi vì sao ư? Bởi vì người có thể làm chứng chỉ có Hứa Đông, nhưng anh vừa mới đánh cho ông ta một trận, chắc chắn ông ta không chịu làm chứng cho anh. Còn tìm nhân viên trong trung tâm Qúy Phi làm chứng ư? Những người làm việc ở nơi ô uế đó, có nói Y Đồng cũng chẳng tin. Cave đi bán dâm, có ai dám tin lời của bọn họ chứ?

- Làm chứng ư? Ai có thể làm chứng cho anh? Anh gọi người ta đến đây! – Y Đồng bức ép Văn Bác.

- Ông ta sẽ không làm chứng cho tôi đâu! - Văn Bác chán nản nói.

- Anh chẳng phải đang lừa gạt tôi hay sao? Không có người làm chứng, vậy anh còn gì để nói đây? – Y Đồng càng thêm tức giận.

- Bởi vì ban nãy tôi đã đánh nhau với ông ta! - Văn Bác nói.

- Đánh nhau à? Không phải là vì một con cave đấy chứ? – Y Đồng cười khẩy.

- Cô nói cái gì thế hả? Tôi chỉ ngăn không cho ông ta chọc ghẹo phụ nữ, thế nên mới đánh nhau với ông ta!

- Anh đang lừa ai thế hả? Tôi là con nhóc ba tuổi à? – Y Đồng hoàn toàn không tin vào những gì Văn Bác nói.

- Haizz...

Văn Bác quả thật là bị oan, vì chuyện công ty mà phải đi đến nơi đó với khách hàng. Anh đâu có muốn đi, nhưng vì cái đơn hàng ba triệu tệ, vì nguồn thu nhập của mình mà không thể không đi. Nhưng đi rồi nào ngờ mọi chuyện lại hỏng bét hết, đã vậy vợ anh còn phát hiện ra, làm ầm ĩ lên, khiến cho cả gia đình không được yên ổn.

Y Đồng cãi cọ, gây chuyện ầm ĩ với Văn Bác, Văn Bác bị dồn đến đường cùng. Mẹ Văn Bác liên tục xin lỗi Y Đồng, Y Đồng vừa khóc vừa mắng chửi anh, thậm chí còn gọi điện cho mẹ mình. Bố Văn Bác nghe thấy con trai mình làm chuyện xấu liền tức đến mức suýt ngất đi, bệnh dạ dày lại tái phát khiến ông phải nằm yên trên gường mà thở dốc.

Văn Bác cúi đầu, ngồi im lìm trong phòng. Mặc dù anh chẳng làm gì sai nhưng cũng cảm thấy nhục nhã vì chuyện đó, thế nên anh không dám nổi cáu. Hơn nữa, Y Đồng ở giai đoạn quan trọng trong thai kì, bố mẹ lại ở đây, vì thế, anh cũng chẳng dám làm ầm lên với Y Đồng. Anh chỉ còn cách nhẫn nhịn.

Mẹ Y Đồng vốn dĩ đã về nhà rồi, nhưng nghe con gái bị bắt nạt lại hộc tốc lao đến. Bà ta vừa vào đến cửa đã chửi bới:

- Mày là đồ khốn nạn, không phải con người! Dám đi chơi gái, làm những chuyện bậy bạ, mày không thấy nhục nhã à? Y Đồng nhà ta lấy phải mày đúng là vô phúc!

Vốn dĩ mẹ Y Đồng đã rất lớn tiếng, bà ta mà chửi bới thì có cả tòa nhà này cũng nghe thấy hết, vì thế, gần như mọi người ở cả tầng lầu này đều biết chuyện. Mẹ vợ đã đến tận nhà chửi bới khiến cho Văn Bác cảm thấy rất mất mặt. Nếu người ngoài nhìn anh bằng ánh mắt kỳ lạ thì sau này làm sao anh dám ra khỏi cửa? Văn Bác đang ủ rũ thì đột nhiên điện thoại đổ chuông. Văn Bác nghe máy, hỏi:

- Xin hỏi ai đấy ạ?

- Tôi là người anh đã cứu hôm nay ở trung tâm Qúy Phi ạ!

- Ờ, chào cô, xin hỏi có chuyện gì không? - Văn Bác nói.

- Không có gì đâu ạ, chẳng qua tôi chỉ định mời anh một bữa cơm! – Cô gái nói.

- Cảm ơn cô, không cần đâu, đừng khách sáo thế! - Văn Bác khéo léo từ chối.

- Anh nhất định phải đến đấy! – Cô gái kiên quyết bảo.

- Thật sự không cần đâu, thôi không nói chuyện nữa nhé!

Văn Bác nói xong liền cúp máy. Vừa mới cúp máy, cô gái đó đã gọi lại, giọng điệu kiên quyết: “Anh không đến tôi sẽ thấy rất khó chịu. Anh đã cứu tôi, tôi phải cảm ơn anh, làm người biết ơn thì phải báo!”

Nghe thấy cô gái kia nói muốn cảm ơn anh, Văn Bác liền từ chối. Đó dù sao cũng là chuyện nên làm, hơn nữa anh làm vậy cũng chẳng phải vì muốn được cô báo đáp. Trong cuộc sống, không phải tất cả mọi người làm việc tốt gì đó cũng chỉ là để mong chờ nhận được sự báp ơn hoặc những điều có lợi từ người khác.

Cô gái thấy Văn Bác một mực không chịu nhận lời mình liền tỏ vẻ thất vọng, nói:

- Nếu như anh không đến, tôi thấy rất áy náy trong lòng...

Văn Bác ngẫm nghĩ một lát rồi bảo:

- Thôi được rồi, gặp nhau ở đâu nhỉ?

- Tôi đợi anh ở nhà hàng Thắng Lợi nhé? Là nhà hàng nằm trên đường Văn Hoa ấy, anh biết chứ?

- Ok, lát nữa tôi qua!

- Vâng, thế tôi đợi anh, không gặp không về!

Văn Bác cúp điện thoại, chuẩn bị ra ngoài. Hai mẹ con Y Đồng vẫn mắng chửi không ngừng, đặc biệt là mẹ Y Đồng, bà ta còn chỉ vào mặt Văn Bác mà chửi:

- Mày đâu có phải là người! Mày là cầm thú, đồ cặn bã!

Mồm miệng bà ta quá ngoa ngoắt, chẳng khác gì bọn con buôn. Văn Bác cúi đầu, chẳng dám đáp trả, bởi vì anh sợ sẽ càng khiến mọi việc thêm phức tạp. Bất đắc dĩ, Văn Bác đành cầm lấy cái cặp định ra ngoài. Y Đồng thấy vậy liền uy hiếp:

- Hôm nay anh mà dám bước chân ra khỏi cánh cửa này, tôi sẽ chết cho anh xem, anh có tin không?

Văn Bác sững sờ, kinh ngạc thầm nhủ: “Người đàn bà này đúng là điên rồi, bọn họ đều điên hết cả rồi!”. Đàn ông không so đo với đàn bà, cứ dây dưa thế này thì bao giờ mới kết thúc, sẽ chẳng có kết quả tốt đẹp gì đâu! Nghĩ thế, Văn Bác liền bình tĩnh nói:

- Y Đồng, cô đừng có cực đoan quá có được không? Chúng ta không thể bình tĩnh mà nói chuyện với nhau sao?

- Anh không nói rõ chuyện ngày hôm nay ra, tôi quyết không bỏ qua. Tôi mang thai khổ sở thế này, vậy mà anh còn ra ngoài tìm gái, anh không thấy có lỗi với tôi sao? – Y Đồng chất vấn.

Văn Bác cố gắng giải thích:

- Tôi chỉ đi cùng khách hàng đến trung tâm giải trí thôi. Để lấy lòng khách hàng, tôi buộc phải mời khách, tôi cũng chẳng còn cách nào khác, làm vậy cũng chỉ là để đối phó cho xong chuyện, tôi không hề làm trò lăng nhăng đó!

- Anh còn nói anh không làm à? Anh không vì tìm gái sao phải đến trung tâm mát xa đó? – Y Đồng gắt lên.

- Tôi đã nói rồi, tôi không hề làm việc gì xấu xa cả. Bởi vì khách hàng sàm sỡ một nhân viên nữ nên tôi với ông ta đã đánh nhau, vụ làm ăn hơn ba triệu tệ cũng theo đó mà tan biến, tôi cũng đang rất bực bội đây, cô không tin tôi cũng hết cách!

- Nếu nó đã không nhận sai, vậy thì chúng ta về nhà thôi! – Mẹ Y Đồng bảo.

- Vâng! – Y Đồng khóc lóc nói.




Văn Bác nghĩ, cô về nhà càng tốt, tôi mong còn không được nữa là, cô đi rồi lỗ tai tôi đỡ khổ! Suốt ngày chửi bới bên cạnh, đến ruồi nhặng cũng phải bực mình chứ đừng nói con người. Văn Bác gần như sắp sụp đổ đến nơi rồi, nếu đổi lại là người khác chắc cũng không chịu nổi.

Bố mẹ Văn Bác nghe thấy con dâu đòi về nhà mẹ đẻ liền ra sức khuyên ngăn, nhưng Y Đồng một mực đòi về nhà mình. Văn Bác đứng bên cạnh trầm ngâm không nói. Mẹ anh để làm cho Y Đồng bớt giận liền cầm cây lau nhà đánh anh tới tấp. Văn Bác không dám né tránh, cây lau nhà giáng mạnh vào lưng anh. Cơn đau ập đến dữ dội. Mẹ Văn Bác ngoài mặt đánh anh nhưng trong lòng vô cùng xót xa, nói gì thì nói anh cũng là máu mủ mẹ anh đứt ruột đẻ ra. Nhưng để được con dâu lượng thứ, bà buộc phải làm như vậy, nếu không con dâu đi rồi phải làm thế nào? Người xưa có câu: “Gia đình hoa thuận, vạn sự phát đạt” mà.

- Đừng đi, mẹ xin con đấy! – Mẹ Văn Bác năn nỉ.

- Mẹ nó đã đánh nó rồi, con đừng đi nữa có được không? – Bố Văn Bác cũng lên tiếng.

- Không được, hôm nay nhất định tôi phải đi! – Y Đồng khóc lóc nói.

- Con trai ngoan của các người đấy, thật mất mặt! Chúng tôi còn ghê tởm thì ở đây làm cái gì? – Mẹ Y Đồng ngoa ngoắt nói.

Cứ như vậy, hai mẹ con Y Đồng bỏ đi trong sự năn nỉ của bố mẹ Văn Bác. Hai mẹ con cô đi rồi, bố Văn Bác liền thở dài chán nản, mẹ Văn Bác còn rớt nước mắt. Một phần vì xót con trai, một phần lo cho đứa cháu trong bụng Y Đồng, dù gì đứa bé cũng là hy vọng của cả nhà.

- Mẹ, mẹ đừng buồn, cô ta đi càng tốt, con cũng muốn được yên tĩnh vài ngày! - Văn Bác an ủi mẹ.

- Đều tại con cả, nó đi rồi thì cháu mẹ tính sao đây? Mẹ lo chết đi được!

- Mẹ à, cô ta sẽ ổn thôi, mẹ cô ta chăm sóc cô ta cẩn thận lắm!

- Mẹ lo là lo cho đứa con trong bụng nó kìa! – Mẹ Văn Bác thở dài.

- Cô ta mà dám là gì cháu mẹ, con đá cô ta ngay tức khắc! - Văn Bác nói.

Anh an ủi mẹ vài câu rồi lại quay sang khuyên nhủ bố, để bố mẹ đỡ lo lắng. Sau khi an ủi bố mẹ xong, anh liền ra ngoài vì cô gái ở trung tâm Qúy Phi kia vẫn đang chờ anh. Văn Bác ra khỏi cửa, đi đến nhà hàng Thắng Lợi. Nhà hàng này nằm trên đường Văn Hoa, là một trong những con phố sầm uất nhất ở đây, hai bên đường toàn là các trung tâm mua sắm, người qua kẻ lại không ngớt. Văn Bác đi đến trước cửa nhà hàng, cô gái kia hình như đã đứng ở cửa đợi anh lâu lắm rồi. Vừa nhìn thấy Văn Bác đến, cô đã lịch sự nói:

- Chào anh, anh đến rồi ạ!

Văn Bác quan sát kỹ cô gái. Cô trang điểm rất nhạt: chỉ kẻ lông mày, đánh qua một lớp phấn và bôi son môi. Lúc này trông cô xinh đẹp hơn nhiều so với lúc ở trong trung tâm giải trí, hơn nữa dáng vẻ rất trong sáng, giống như một sinh viên đại học vậy. Cô ta trong sáng như vậy sao lại làm việc trong trung tâm tắm hơi đó nhỉ? Thật là đáng tiếc!

Nghĩ thế, Văn Bác liền nói:

- Chuẩn bị đi thì tôi có chút việc nên đến muộn, mong cô lượng thứ!

- Dạ không sao ạ! – Cô gái mỉm cười.

- Chúng ta vào trong nói chuyện đi!

- Vâng ạ! Mời anh!

- Đừng khách sao!

Vào nhà hàng, ngồi xuống ghế, cô gái liền nói:

- Em còn chưa biết tên anh đấy! Xin hỏi em phải xưng hô với anh thế nào ạ?

Văn Bác mỉm cười trả lời:

- Tôi là Văn Bác. Còn cô?

- Em tên là Trì Mộng Mộng, người Triết Giang!

- Trông cô rất giống sinh viên!

- Em học đại học trong thành phố này, chuẩn bị tốt nghiệp rồi, giờ đang thực tập ở một trường trung học. Em thường tận dụng thời gian rảnh rỗi cuối tuần để đi làm thêm kiếm tiền ở trung tâm Qúy Phi!

- À, hóa ra là vậy!

- Anh làm nghề gì ạ?

- Tôi làm giám đốc bộ phận maketing của một công ty.

- Hôm nay, may có anh ra tay giúp đỡ, giờ nghĩ lại em vẫn còn thấy sợ.

- Chuyện đã qua rồi, đừng lo lắng, sau này cô phải cẩn thận. Có điều, tốt nhất cô nên đổi địa điểm làm thêm, đừng đến những nơi như vậy nữa!

- Vâng, em sẽ làm vậy, sau này em sẽ chú ý hơn. Hôm nay, em hẹn gặp anh ra đây là để tỏ lòng biết ơn anh, ngày mai em sẽ về quê tìm việc.

- Cô định làm gì?

- Em học chuyên ngành tiếng Anh, có thể sẽ về làm giáo viên ở một trường dưới quê.

- Cũng không tồi, đó là một nghề tốt đấy! Năm nay cô bao nhiêu tuổi?

- Hai mốt ạ!

- Vẫn còn ít tuổi, làm cô giáo rất cao quý. Giáo viên là kiến trúc sư tâm hồn của nhân loại, cô phải dạy dỗ học sinh cho tốt, tốt nhất là giáo dục tốt cả những đứa trẻ hư để tránh trở thành mầm họa cho xã hội sau này!

- Làm giáo viên thì đương nhiên phải giáo dục tốt học sinh của mình rồi. Ít nhất cũng không để hổ danh với hai từ “giáo viên” chứ!

- Đúng thế! Tôi nghĩ ngoài dạy học còn phải dạy làm người nữa!

- Anh đúng là có hiểu biết sâu rộng, giống như cái tên của anh vậy! Ha ha, à phải rồi, em về quê làm việc,chẳng biết đến khi nào mới có thể gặp lại anh nữa!

- Thiếu gì cơ hội gặp mặt, biết đâu chúng ta sẽ gặp lại nhau sớm thì sao!

- Mong là như vậy, em rất muốn ở lại thành phố này, nhưng bố mẹ em cứ ép em phải về! Haizz...

- Chỉ cần có thể làm những việc mà mình thích thì ở đâu chẳng như nhau?

- Giờ em thấy rất mông lung, chẳng biết nên lựa chọn thế nào nữa?

- Trước tiên phải xác định mục tiêu của mình, tìm một vị trí thích hợp rồi nỗ lực là được!

Văn Bác và Trì Mộng Mộng nói chuyện rất hợp nhau, hai người họ mãi nói chuyện đến quên cả gọi món khiến cho nhân việc phục vụ phải đứng chờ mất cả buổi. Nhân viên phục vụ là một cô gái trẻ, khuôn mặt thanh tú. Văn Bác cười nói:

- Xin lỗi, đã để cô phải đợi lâu!

- Không có gì ạ! – Cô phục vụ bàn nói.

- Em gọi món đi, em thích ăn gì? - Văn Bác hỏi Trì Mộng Mộng.

- Anh gọi đi! Em mời anh!

- Em gọi đi, ưu tiên phụ nữ!

- Thế cũng được! – Trì Mộng Mộng nói.

Trì Mộng Mộng gọi lên bốn món, ba món ăn và một bát canh. Món ăn có sườn xào, cá sốt cà chua, cải thảo xào, cộng thêm với một bát canh trứng gà rong biển.

Cô hỏi Văn Bác:

- Anh thích ăn những món này không ạ? Thế đã đủ chưa ạ?

Văn Bác mỉm cười nói:

- Thích lắm, thế là đủ rồi! Ba món ăn một món canh, vừa đủ tiêu chuẩn yến tiệc quốc gia!

- Không phải tiệc tùng quốc gia là phải bốn món một canh sao? - Trì Mộng Mộng nói.

- Giờ đã chuyển thành ba món một canh rồi, chẳng phải nhà nước đang đề xướng tiết kiệm sao? – Văn Bác bảo.

- Hóa ra là vậy! Em đúng là lạc hậu so với thời đại!

- Em nặng lời quá rồi! – Văn Bác cười bảo.

- À phải rồi, anh thích ăn món gì? - Trì Mộng Mộng hỏi.

- Anh thích những món ăn thanh đạm, còn em?

- Em thích ăn các món cay, ví dụ như món ăn của Tứ Xuyên ấy. Ha ha, chắc là anh bất ngờ lắm nhỉ!

- Em là người Triết Giang, sao lại thích ăn cay?

- Em cũng không biết, bố mẹ em đều nói là em kỳ quặc!

- Ha ha, thế à? Anh không ăn cay được, cứ ăn vào là nổi ngứa toàn thân!

- Chẳng phải có câu “không ăn cay không làm cách mạng” sao?

- Thật à? Thế thì thà làm Hán gian, phản đồ còn hơn!

- Ha ha, anh thật là hài hước!

Trong lúc hai người nói chuyện, món ăn đã được đưa lên. Văn Bác nhìn qua, ừm, cũng không tồi, món ăn ở đây làm rất ngon, có thể nói là đầy đủ cả sắc, hương và vị. Văn Bác tấm tắc khen:

- Món ăn ở đây thơm quá, xem ra rất hấp dẫn đấy!

- Thật không? Anh nếm thử xem!

Văn Bác gắp một miếng sườn lên, ăn thử, cảm thấy rất vừa miệng:

- Ngon quá, đúng là ngon thật!

- Hôm khác em mời anh nếm thử tài nghệ nấu nướng của em nhé! - Trì Mộng Mộng nói.

- Được thôi, có cơ hội anh nhất định phải nếm thử món em nấu! – Văn Bác cười bảo.

- Em thích làm món ăn Tứ Xuyên, còn anh?

- Anh sợ cay, về cơ bản không ăn được các món Tứ Xuyên với Tương Tây, đồ ăn của Quảng Đông thì anh còn ăn được đôi chút.

- Thật ạ?

- Thật, còn món ăn Tứ Xuyên nổi tiếng là cay và tê lưỡi, hơn nữa mùi vị rất nồng, hòa hợp đặc điểm giữa các vùng đông, tây, nam, bắc.

- Thế à? Thế còn Tương Tây?

- Các món ăn Tương Tây chú trọng vào nghệ thuật dùng sao, nêm nếm gia vị, nổi tiếng với các món ăn chua cay và các chế phẩm từ lạp xưởng. Phương pháp chế biến thường dùng là hâm, hấp, chiên, xào...

- Thế còn món ăn Quảng Đông?

- Món ăn Quảng Đông chú trọng độ lửa, các món ăn làm ra đặc biệt chú trọng đến: màu sắc, hương thơm, mùi vị và trình bày. Khẩu vị khá thanh đạm, nhẹ nhàng, chủ yếu là các món có độ giòn, đặc biệt là coi trọng yếu tố: thanh nhưng không nhạt, tươi nhưng không sống, béo nhưng không ngấy. Các món ăn thay đổi theo thời tiết, mùa hè thanh đạm, mùa đông đậm đà.

- Anh nghiên cứu cách chế biến món ăn kỹ càng quá nhỉ, thật không đơn giản chút nào!

- Ha ha, đó là bởi vì anh ham ăn mà!

- Anh tên là Văn Bác, đúng là bác học! Chỉ có mỗi vấn đề ẩm thực thôi mà cũng hiểu biết nhiều đến thế!

- Người xưa có câu: Dân lấy “thực” làm gốc, điều đó cho thấy ăn uống vô cùng quang trọng.

Hai người vừa ăn vừa nói chuyện rất vui vẻ. Văn Bác rất có hứng thú với chủ đề ẩm thực, thế nên cứ thao thao bất tuyệt. Trì Mộng Mộng cũng rất hào hứng với chủ đề này, thấy anh am hiểu nên cô càng có thiện cảm với anh hơn. Cô thầm nhủ, nếu như mình lấy được một người đàn ông tốt như thế này thì thích biết bao.

Nghĩ thế, cô liền hỏi:

- Sau này, ai mà trở thành bạn gái của anh chắc chắn sẽ hạnh phúc lắm!

- Thật à? Anh đã có vợ rồi! – Văn Bác nói.

- Hả? Anh lấy vợ rồi á? - Trì Mộng Mộng tròn mắt ngạc nhiên.

- Ừ, anh kết hôn rồi! – Văn Bác nói.

- Thế thì tiếc thật! - Trì Mộng Mộng bảo.

- Tiếc cái gì? – Văn Bác ngây người.

- Ờ, ý của em là vợ của anh thật hạnh phúc! - Trì Mộng Mộng ý thức được rằng mình nhỡ miệng, vội vàng lẳng đi.

- Haiz, đừng nhắc nữa, giờ anh đang sống chẳng bằng chết đây!

- Hả? Tại sao?

- Vợ anh cứ như một người điên ấy!

- Chị ấy bị bệnh ạ? Sao anh còn lấy chị ấy?

- Cô ta có vấn đề về thần kinh, thật đáng sợ! Kết hôn với cô ta cứ như ác mộng ấy!

- Tại sao ạ?

- Cô ta quá đa nghi, còn đa nghi hơn cả Tào Tháo nữa!

- Anh nói em xem nào!

- Giờ anh chỉ cần có liên lạc với người khác giới, kể cả đồng nghiệp hay bạn học, chỉ cần anh điện hay nhắn tin là cô ta lập tức nghi ngờ rằng anh có quan hệ vụng trộm với người đó. Cãi nhau với anh rồi mắng chửi người khác, thậm chí còn thường xuyên đến công ty anh làm loạn, làm anh mất hết cả thể diện! – Văn Bác nói.

- Hả? Sao có thể như thế được? - Trì Mộng Mộng nghệch mặt ra.

- Cô ta không chỉ nghi ngờ anh mà còn thường xuyên kiểm tra danh mục cuộc gọi trong điện thoại của anh, kiểm tra nick chát, hòm thư điện tử của anh để xem anh liên lạc với những ai. Chỉ cần có người liên lạc với anh là y như rằng cô ta lại điều tra xem đó là nam hay nữ, liên lạc với anh có việc gì? Anh ra ngoài làm việc, cô ta có thể gọi điện kiểm tra bất cứ lúc nào, nếu tắt máy, cô ta sẽ làm ầm lên. Giờ anh chẳng có chút tự do nào nữa cả! – Văn Bác tâm sự.

- Ôi trời ơi, sao chị ấy cực đoan thế cơ chứ? - Trì Mộng Mộng thối lên.

- Đúng thế, giờ anh rất đau đầu. Haiz, bạn bè chẳng còn ai dám liên lạc với anh nữa! – Văn Bác bất lực nói.

- Anh đã nói chuyện thẳng thắn với chị ấy chưa?

- Nhiều lần lắm rồi, đều vô ích! Giờ bọn anh không thế nói chuyện với nhau được nữa!

- Như thế cũng không phải là cách, suốt ngày sống trong môi trường như vậy thì chịu sao nổi? - Trì Mộng Mộng lo lắng nói.

- Cô ta không chỉ như vậy đâu, còn không tôn trọng bố mẹ anh. Lễ tết chưa bao giờ gọi điện hỏi thăm bố mẹ anh lấy một câu. Bố mẹ anh có lên đây, cô ta thậm chí còn không để bố mẹ anh ở lại nhà, bắt bố mẹ anh ra ở nhà nghỉ, ngay cả bữa cơm cũng chẳng mời ăn, thật đáng trách!

- Như thế thì đúng là quá đáng thật, làm gì có ai làm dâu mà như thế chứ, chẳng có chút phép tắc nào cả! - Trì Mộng Mộng phẫn nộ nói.

Nhớ lại những chuyện không vui khiến cho Văn Bác lại thấy khó chịu. Là một người đàn ông, ấy thế mà lại phải chịu đựng sự đối xử như thế này, bị áp bức ra nông nỗi này, thật chẳng khác gì bù nhìn. Không chỉ mất đi tự do mà chẳng còn chút uy nghiêm nào cả. Điều đó cũng chưa là gì so với việc, cô ta còn bất kính với bố mẹ mình, đây chính là điều khiến cho anh không thể nhẫn nhịn được.

- Thế sao anh không ly hôn? Anh đã nghĩ đến chuyện này chưa? - Trì Mộng Mộng hỏi.

- Nếu chẳng phải cô ta có bầu thì anh đã ly hôn cô ta từ lâu rồi. Anh không muốn làm những chuyện có lỗi với đứa bé!

- Thế thì phải làm sao? Làm sao mà sống cả đời như vậy được?

- Bọn anh mâu thuẫn quá nhiều, không thể hòa giải nổi!

- Tại sao chị ta lại như thế nhỉ?

- Bởi vì cô ta là người thành phố, anh là người nông thôn, giữa bọn anh có sự khác biệt về xuất thân, cô ta luôn cảm thấy hơn người khác, cảm thấy mình cao quý, cái gì anh cũng phải nghe theo cô ta, phục tùng cô ta, bố mẹ anh là người nhà quê, cô ta có tôn trọng hay không cũng chẳng sao.

- Thế sao lúc trước anh còn kết hôn với chị ta?

- Hồi đầu anh đâu ngờ cô ta lại là người như vậy! Lúc yêu nhau, anh không phát hiện ra cô ta lại cực đoan đến thế. Lúc ấy cô ta cư xử rất phóng khoáng, cởi mở, nhưng kể từ khi kết hôn, cô ta đột ngột trở nên cực kỳ nhạy cảm, rất đa nghi, rất hách dịch, càng ngày càng đáng sợ!

- Giờ anh định làm sao?

- Hết cách rồi! Anh lại không thể ly hôn, giờ cô ta đang mang bầu, bố mẹ anh cũng biết, dứt khoát không cho anh ly hôn, anh rất đau khổ!

- Thế sao lúc trước anh không cẩn thận một chút? Sao không dùng biện pháp tránh thai đi?

- Anh có dùng biện pháp nhưng cô ta vẫn có bầu đấy chứ!

- Có thể bỏ đứa bé đi mà!

- Không được, đứa bé vô tội, nó cũng là một sinh linh bé nhỏ, anh không nhẫn tâm. Hơn nữa, bố mẹ anh cũng không cho anh làm vậy, thậm chí còn mang cái chết ra dọa anh nữa!

- Haiz, đúng là khó xử thật!

- Anh hiện giờ về cơ bản là chẳng còn mối quan hệ bạn bè nào nữa, vì thế ảnh hưởng rất lớn đến công việc. Lần trước, công ty cử anh đến Thẩm Quyến công tác, cô ta còn chạy đến công ty anh làm ầm lên, hại anh chút nữa bị đuổi việc!

- Người ta đều nói: “Sau lưng một người đàn ông thành công luôn có bóng dáng của một người phụ nữ”, chị ta đáng lẽ không nên trói tay trói chân anh như vậy!

- Giờ anh sống một ngày dài như cả năm!

- Anh định cam chịu như thế này đến khi nào?

- Anh cảm thấy rất mông lung, không biết nên làm thế nào? Giờ anh chẳng có lấy một người bạn tâm giao, muốn tìm người than thở cũng khó. Anh đúng là một kẻ thất bại!

- Không sao, sau này em sẽ làm bạn của anh! Những chuyện không vui anh cứ kể cho em biết, em sẽ chia sẻ khó khăn với anh! Em được coi là “hạt dẻ cười” của trường đấy!

- Thế thì tốt quá, cảm ơn em!

- Em nên cảm ơn anh mới đúng, cảm ơn anh đã cứu em lần này!

- Đều là chuyện đã qua rồi, em đừng nhắc lại nữa, không có gì đâu!

- Em rất lo cho anh, hi vọng anh sớm thoát khỏi bế tắc!

- Cảm ơn em, anh cũng mong thế!

Tâm sự với Trì Mộng Mộng một lúc khiến tâm trạng Văn Bác khá khẩm hơn nhiều. Nín nhịn đã bao nhiêu ngày trời, giờ được dốc bầu tâm sự khiến anh nhẹ nhõm hơn hẳn.

Ăn xong bữa cơm thì trời đã tối rồi. Văn Bác nói:

- Giờ em đang sống ở đâu? Anh đưa em về!

- Em thuê một phòng nhỏ ở cạnh trường! - Trì Mộng Mộng nói.

- Mỗi tháng bao nhiêu tiền?

- Ba trăm tệ!

- Thế thì cuộc sống vất vả lắm nhỉ, em đã quen chưa? Có thích nghi được không?

- Em quen rồi, em là người nhà quê, chắc chắn có thể thích nghi được!

- Đi, anh đưa em về!

- Được thôi, nhưng có tiện cho anh không? Anh có sợ vợ anh lại gọi đến kiểm tra không? - Trì Mộng Mộng nói.

- Sợ chứ! Chỉ có điều hôm nay anh với cô ta cãi nhau, cô ta bỏ về nhà mẹ đẻ rồi!

- Thật ạ? Thế thì tốt, đỡ phải lo bị chị ta gọi kiểm tra!

- Đúng thế, hôm nay coi như anh đã có lại được tự do của chính mình rồi! – Văn Bác thở phào.

- Thế thì phải chúc mừng thôi!

- Haiz, anh cũng chẳng có tâm trạng đây mà chúc mừng.

- Em đi với anh, thế nào? Bảo đảm anh sẽ thấy vui!

- Là sao?

- Đến lúc đó anh sẽ biết!

- Không cần đâu, cảm ơn ý tốt của em, em nên về sớm nghỉ ngơi, đã muộn lắm rồi!

Văn Bác đưa Trì Mộng Mộng về nhà. Anh bắt một chiếc taxi về chỗ trọ của cô. Chẳng mấy chốc đã đến khu trọ của Trì Mộng Mộng. Trì Mộng Mộng lấy tay chỉ:

- Đến rồi, em ở trong này!

Văn Bác xuống xe, nhìn vào khu nhà trọ chật chội, các căn nhà trọ san sát nhau, môi trường sống không tốt cho lắm. Văn Bác nói:

- Em ở một mình ở đây à?

- Vâng, anh có vào trong ngồi một lát không?

- Cảm ơn em, không cần đâu, anh muốn về nhà! Đã muộn rồi, em nghỉ sớm đi!

- Dạ!

- Anh đi đây, tạm biệt!

Văn Bác quay người đi, không phải là anh không muốn vào ngồi một lúc mà là anh cảm thấy ái ngại trước sự đa nghi khủng khiếp của Y Đồng, thế nên anh không dám quá thân thiết với con gái, càng không dám một mình vào nhà người ta lúc nửa đêm thế này.

Văn Bác còn chưa ra khỏi cái ngõ nhỏ thì đột nhiên Trì Mộng Mộng đã hộc tốc đuổi theo, hoảng lọan kêu lên:

- Chết rồi, chết rồi!

- Sao thế? – Văn Bác giật nảy mình, nôn nóng hỏi.

- Có kẻ dọa chặt tay em! - Trì Mộng Mộng hoảng hốt nói.

- Cái gì? ở đâu?

- Trên cửa phòng em có dán một tờ giấy, trên đó viết như vậy, em sợ quá!

- Để anh đi xem xem!

Văn Bác vội vàng lên tầng với Trì Mộng Mộng, quả nhiên trước cửa phòng có dán một tờ giấy, trên đó có viết: “Con khốn kia, mày đã đắc tội với ông, ông sẽ chặt tay mày, cho mày biết thế nào là lễ độ! Tao biết là mày sống ở đây rồi, cứ chờ đấy!”

- Là ai viết thế nhỉ? Em đã đắc tội với ai rồi? – Văn Bác hỏi.

Trì Mộng Mộng ngẫm nghĩ một lát rồi nói:

- Đâu có, em có đắc tội với ai đâu?

- Em nghĩ kỹ lại đi! – Văn Bác nói.

- Thực sự là em không nhớ ra được, trừ khi... chính là cái gã đàn ông ở trung tâm ngày hôm nay!

- Hứa Đông? Lẽ nào là ông ta? Sao ông ta lại biết chỗ em ở nhanh thế chứ? – Văn Bác hoài nghi nói.

- Hôm nay hết giờ làm, em có cảm giác như có ai đó theo dõi em! - Trì Mộng Mộng bảo.

- Không sao đâu, anh sẽ bảo vệ em! Nếu không được nữa thì đành nhờ đến cảnh sát!

- Vâng, cảm ơn anh!

Văn Bác vào phòng của Trì Mộng Mộng. Phòng của cô không rộng lắm, nhưng rất gọn gàng, sạch sẽ, không có lấy một hạt bụi. Trong phòng thoang thoảng mùi hương của con gái, khiến cho anh cảm thấy rất sảng khoái. Có thể thấy Trì Mộng Mộng là một người ưa sạch sẽ. Một cô gái như thế này sau này trở thành vợ chắc chắn sẽ là một bà nội trợ đảm đang.

Trì Mộng Mộng nói:

- Nhà chật quá, anh thông cảm nhé!

- Không sao, nhỏ càng ấm áp!

- Thật ạ? Thế anh mau ngồi xuống nghỉ ngơi đi, em gọt hoa quả cho anh ăn! - Trì Mộng Mộng nói xong liền đi gọt táo.

- Không cần đâu, không cần thật mà!

- Không sao, nhanh thôi mà, anh ngồi không thấy chán thì bật ti vi lên mà xem, điều khiển ở trên giường ấy!

Văn Bác bật ti vi lên, xem thời sự. Trì Mộng Mộng gọt táo rất khéo, vỏ táo liền một đường như một sợ lò xò rất đẹp mắt.

- Em gọt táo giỏi nhỉ, sao anh không thể nào gọt liền một đường được nhỉ? – Văn Bác hỏi.

- Qua đây, em dạy anh!

Văn Bác cầm một quả táo lên, mới gọt được một ít, vỏ táo đã rời ra rồi. Văn Bác nói:

- Em khéo tay thật đấy!

- Thật không ạ? À phải rồi, em có chai rượu vang, lần trước đi làm thêm em được bạn tặng cho, em vẫn còn giữ chưa uống, hôm nay coi như em mời anh!

- Không cần đâu, anh không thể uống rượu!

- Rượu vang mà, không say đâu!

- Chưa chắc đâu, rượu vang cũng ghê phết đấy!

- Uống một chút thôi, ngày mai em phải đi rồi, không biết bao giờ mới gặp lại anh!

- Được rồi, anh uống với em một chút!

Trì Mộng Mộng rót rượu vào cho Văn Bác, rồi rót cho mình nửa ly, cô nói:

- Nào, chúc mừng chúng ta đã quen biết nhau, cạn ly!

- Ok, cạn ly! – Văn Bác ngửa cổ tu ực một hơi.

Trì Mộng Mộng lập tức rót rượu, cười bảo:

- Ly này em chúc anh!

Văn Bác lại ngửa cổ uống cạn, Trì Mộng Mộng cũng một hơi cạn cốc. Cô nói:

- Uống thêm vài ly để quên hết mọi chuyện không vui với phiền não nhé!

Văn Bác đang định uống thì đột nhiên từ cửa sổ phía đối diện vang lên tiếng rên rỉ của một người phụ nữ. Đêm khuya tĩnh mịch, tiếng rên càng nghe to.

Nghe thấy tiếng rên, Trì Mộng Mộng liền nói:

- Thật ngại quá, cô gái nhà đối diện đã rên như vậy mấy ngày nay rồi, thật chẳng ý tứ gì cả, quá quắt!

- Thế à? Giờ người ta sống thoáng lắm, rất có cá tính!

- Em thấy ồn ào đến khó chịu, thật hối hận vì đã ở đây!

- Thế à? – Văn Bác cười.

- Để em đi đóng cửa sổ rồi kéo rèm lại! - Trì Mộng Mộng nói.

Lúc Trì Mộng Mộng đi đóng cửa sổ, Văn Bác liếc nhìn sang cửa sổ phòng đối diện, chỉ thấy đèn bên đó vẫn sáng, bóng của hai người quấn lấy nhau. Trì Mộng Mộng đóng cửa sổ lại rồi mà vẫn nghe thấy tiếng, bởi vì ở quá gần nên âm thanh nghe càng rõ.

Tiếng rên rỉ của cô gái nhà bên lúc to lúc nhỏ, vô cùng kích thích màng nhĩ của Văn Bác, toàn thân anh nóng bừng, tim đập thình thịch, cả người như đang bốc cháy, các mạch máu trong cơ thể như căng phồng lên, sắp sửa vỡ tung ra. Trì Mộng Mộng vẫn ra vẻ như không có chuyện gì, bình tĩnh làm việc của mình, cứ như chưa nghe thấy gì cả. Có lẽ vì nghe thấy nhiều rồi nên cô chỉ coi đó là chuyện bình thường. Cũng có thể phụ nữ thường không có hứng thú với tiếng rên rỉ của người cùng giới. Văn Bác không chịu được sự kích thích của tiếng rên rỉ, định đi về. Anh đứng dậy, nói với Trì Mộng Mộng:

- Không còn sớm nữa, anh phải về đây!

- Anh về bây giờ ạ? Thế em biết làm thế nào? Em sợ sẽ có người đến trả thù em! - Trì Mộng Mộng sợ hãi nói.

- Chẳng phải mai là em về quê rồi sao? Sợ gì chứ?

- Tối nay em sợ!

- Thế thì biết làm thế nào? – Văn Bác hỏi.

- Anh có thể ngủ lại đây không?

- Ở đây á? – Văn Bác sững người.

- Chỉ một đêm thôi có được không?

- Ở đây làm gì có chỗ mà ngủ?

- Anh ngủ cạnh em có được không?

- Thế sao được?

- Sao thế?

- Nhỡ anh không cẩn thận, không kiểm soát nổi mình? – Văn Bác lo lắng nói.

- Anh sẽ không làm thế đâu, em tin anh1

- Nhưng anh không tin bản thân anh!

- Anh thật hài hước, ha ha!

- Anh nói thật mà!

- Anh không kiềm chế được cũng không sao, em không sợ, bởi vì em đã thích anh rồi!

- Cái gì? Thích anh á?

- Đúng thế!

- Em đùa gì vậy?

- Em không đùa, em nói thật đấy!

Văn Bác giật thót mình, thế này đâu có được. Bản thân anh đã là người có vợ, hơn nữa đối phương chỉ là một cô gái ít tuổi, làm sao có thể làm những chuyện vượt quá giới hạn như vậy? Nghĩ thế, Văn Bác liền nói:

- Anh đã lấy vợ rồi, anh không muốn làm tổn thương em, em tìm một người chưa kết hôn ấy!

- Không, giờ em thật lòng thích anh, ở bên cạnh anh, em thấy rất an toàn!

- Anh thật sự không thể làm hại em!

- Tối nay anh đừng đi, nếu không em sợ lắm! Hay anh ngủ trên giường, em ngủ dưới đất!

- Thế sao được? Em ngủ trên gường, anh ngủ dưới nền nhà còn được!

- Ok, cứ thế nhé, anh đừng đi, em đi tắm trước rồi anh vào tắm!

Trì Mộng Mộng nói rồi đi vào nhà tắm. Văn Bác ngồi trên gường xem ti vi, đầu óc rối loạn. Tiếng nước vọng ra lúc Trì Mộng Mộng tắm trong nhà vệ sinh đã làm rung động lòng Văn Bác. Anh thầm nghĩ, nếu như mình chủ động, chắc chắn cô ấy sẽ lên giường với mình.

Miếng mồi béo bở đưa lên tận miệng rồi, có ăn hay không đây? Trong đầu Văn Bác đang cân nhắc vấn đề này. Lý trí bảo anh rằng không được, tuyệt đối không làm chuyện bậy bạ, nếu không sẽ bị lương tâm cắn rứt. Mặc dù con gái bây giờ rất thoáng, nhưng ít nhất anh cũng phải tuân thủ giới hạn đạo đức của mình, không được vượt qua. Văn Bác đang nghĩ ngợi miên man thì tiếng mở cửa nhà vệ sinh vang lên. Trì Mộng Mộng vừa tắm xong, bước chân ra ngoài, mặc rất thoáng. Văn Bác có chút ngại ngần, không dám nhìn cô. Trì Mộng Mộng nói:

- Anh thấy thân hình em thế nào?

- Rất đẹp, rất thon thả!

- Em thấy có hơi béo một chút, nếu mà gầy đi chút nữa thì đẹp.

- Anh thấy thế là vừa, gầy quá trông như cái que ấy!

- Ha ha, thế anh mau đi tắm đi, em đã pha nước cho anh rồi đấy. Anh dùng tạm khăn của em vậy, em rất sạch sẽ, anh cứ yên tâm!

- Ừ, cảm ơn em!

Văn Bác vào nhà tắm, thử nước, thấy rất vừa, không lạnh cũng chẳng quá nóng, anh vừa tắm vừa nhắm mắt nghĩ ngợi. Trên khăn tắm vẫn còn mùi hương của Trì Mộng Mộng, một mùi hương rất ấm áp. Mùi của anh toàn là mùi hương của cô, người con gái này đã bắt giữ được anh làm nô lệ rồi.

Văn Bác tắm xong liền ra ngoài, Trì Mộng Mộng đã nằm ở trên giường, trên người cô che một tấm ga mỏng, để lộ đôi chân trắng ngần. Làn da săn chắc không tì vết càng thêm mịn màng dưới ánh đèn dìu dịu, ở cô toát lên sức sống của tuổi trẻ.

Văn Bác cố gắng hết sức để kiềm chế bản thân. Bên cạnh gường, Trì Mộng Mộng đã trải một cái chiếu nhỏ, trên đó có một tấm thảm màu hồng và một ga giường màu xanh nhạt. Văn Bác nhẹ nhàng nằm xuống bên cạnh gường của cô. Nếu Trì Mộng Mộng xuống giường rất có thể sẽ giẫm trúng người anh. Văn Bác thầm nghĩ, ngộ nhỡ cô ấy giẫm phải người mình, mình sẽ không kìm chế được bản thân mất.

- Anh có lạnh không? - Trì Mộng Mộng hỏi.

- Không sao!

- Nếu như anh lạnh thì anh cứ lên đây ngủ! - Trì Mộng Mộng dịu dàng nói.

- Không sao, không vấn đề gì dâu!

- Anh đừng lo, em tin anh mà! - Trì Mộng Mộng khẽ nói.

- Anh ngủ dưới đất, làm thần hộ mệnh cho em!

Văn Bác nằm dưới sàn, ngẩn người nhìn vào cái ga giường màu hồng của Trì Mộng Mộng. Đột nhiên, phòng đối diện lại vang lên tiếng rên của cô gái kia.

Văn Bác không sao ngủ nổi, trằn trọc, xoay hết bên nọ đến bên kia. Dường như Trì Mộng Mộng cũng không ngủ nổi, ai có thể ngủ được trong hoàn cảnh này cơ chứ? Trong không khí tràn đầy mùi của đam mê và dục vong, rất nồng nàn, rất mãnh liệt, dường như chỉ cần một đốm lửa nhỏ cũng sẽ làm bùng lên ngọn lửa dữ dội.

Văn Bác nhẹ nhàng đưa mắt nhìn lên gường, chỉ nhìn thấy Trì Mộng Mộng trong chiếc váy mỏng tang, nằm quay đầu về bên trong, quay lưng ra phía Văn Bác. Văn Bác thầm nhỉ, cô ấy thật thoáng, dám mặc chiếc váy ngủ khêu gợi thế này? Lẽ nào không sợ mình nhìn thấy hết? Văn Bác đang nghĩ ngợi vẩn vơ thì đột nhiên điện thoại đổ chuông. Anh giật nảy mình, tưởng là Y Đồng gọi đến. Giờ anh như người có tật giật mình, cứ có điện thoại gọi đến là giật mình thon thót. Văn Bác nghe điện thoại, giọng mẹ anh lo lắng hỏi:

- Con à, giờ con đang ở đâu? Sao còn chưa về nhà?

- Mẹ à, con làm thêm ở công ty, hôm nay có chuyện gấp, tối nay con không về nhà được! – Văn Bác nói dối, anh không thể cho bố mẹ biết mình đang ngủ ở nhà một cô gái khác được.

- Thế thì con ngủ kiểu gì? – Mẹ anh lo lắng hỏi.

- Con ngủ ở công ty, mẹ đừng lo!

- Con đừng có thức đêm đấy! Không tốt cho sức khỏe đâu! – Mẹ Văn Bác dặn dò.

Văn Bác đang nói thì đột nhiên tiếng rên rỉ ở phòng bên lại vang lên. Văn Bác vội vàng cúp điện thoại, sợ mẹ nghe thấy. Nếu mẹ anh mà nghe được, các cụ lại tưởng anh làm chuyện gì bậy bạ ở bên ngoài.

Cúp điện thoại rồi, Văn Bác vội vàng tắt máy. Anh sợ Y Đồng lại gọi đến. Lúc này, Trì Mộng Mộng liền bảo:

- Anh thật là biết nói dối!

- Anh cũng chẳng còn cách nào khác, không làm như vậy, mẹ anh biết được thì nguy!

- Vợ anh có gọi điện cho anh không?

- Anh tắt máy rồi!

- Thế nếu chị ta không gọi được cho anh, chắc chắn sẽ gây chuyện với anh cho mà xem!

- Giờ cô ta đã về nhà mẹ rồi, chắc đang bực anh, chắc chắn sẽ không gọi đâu!

- Thật không ngờ anh lại có một người vợ như vậy, chẳng khác gì sư tử Hà Đông, không, phải là quỷ dạ xoa mới đúng!

- Cô ta còn khủng khiếp gấp mười lần sư tử Hà Đông với quỷ dạ xoa ấy chứ!

- Sau này anh biết sống ra sao?

- Chịu đựng thôi, giờ anh đi làm chẳng muốn về nhà, anh thà ở công ty còn hơn.

- Thật là đáng thương, tiếc là em sắp phải về quê rồi, nếu em mà ở đây, anh có thể đến chỗ em ở!

- Nếu để cô ta phát hiện ra thì chúng ta sẽ tàn đời đấy!

- Em chẳng sợ!

- Em không sợ cô ta á? Tại sao?

- Vì em cũng là đàn bà!

- Chỉ có điều anh không muốn làm hại em, anh đã là người có vợ rồi!

- Thực ra em có thể nhận ra anh là một người tốt bụng, là một người đàn ông tốt, đáng tiếc là chị ta không biết quý trọng!

- Sao em biết anh là người tốt?

- Anh là người rất có nghĩa khí, tấm lòng rất lương thiện, rất thành thật với người khác, lại am hiểu rộng, biết quan tâm. Một người đàn ông tốt như vậy giờ biết tìm ở đâu ra?

- Em quá khen rồi, anh bình thường mà, chỉ không hư thôi!

Văn Bác và Trì Mộng Mộng nói chuyện một lúc, chẳng thấy buồn ngủ nữa. Trì Mộng Mộng liền ngồi dậy, nói với anh:

- Anh lên đây, chúng ta nói chuyện!

Văn Bác liền ngồi lên giường. Trì Mộng Mộng xuống giường, rót cho Văn Bác một cốc nước, đưa cho anh:

- Anh uống đi ạ!

- Cảm ơn em!

Tiếng rên rỉ bên kia lại vang lên, Văn Bác lại bắt đầu thấy toàn thân nóng bừng, ham muốn trong anh lại bị khơi dậy. Nhưng anh biết anh không thể để xảy ra chuyện gì, người ta là sinh viên mới tốt nghiệp, vẫn còn ít tuổi, anh không thể làm trò đó được.

Thực ra, con gái học đại học bây giờ rất nhiều cô thường sống thử với bạn trai ở bên ngoài. Có cô cặp với một sinh viên khác, nhưng cũng có cô tìm một đại gia nào đó, cũng có cô tìm đến một người đàn ông đã có gia đình nhưng có tiền để bao mình, thậm chí có cô còn trở thành đồ chơi cho đàn ông. Nhưng nếu anh cũng làm như vậy thì hóa ra anh cũng giống những loại người đó sao?

À phải rồi, tại sao không thử thăm dò cô ấy, xem xem cô ấy là loại con gái như thế nào? Rốt cuộc là loại hư hỏng hay là con gái nhà lành? Tính cách vốn dĩ đã như thế này hay chỉ là giả vờ giả vịt? Nghĩ thế, Văn Bác liền hỏi:

- Em thích loại đàn ông như thế nào?

- Em thích những người chu đáo, biết quan tâm, chăm sóc người khác!

- Còn gì nữa không? Chỉ có ngần ấy thôi á?

- Còn nữa, phải lương thiện, có lòng nhân ái, đối xử lễ phép với người khác, không có thói quen xấu!

- Về điều kiện gia đình thì sao? Em không có yêu cầu gì à?

- Em hi vọng anh ấy có điều kiện kinh tế nhất định, tốt nhất là có một căn nhà, hơn nữa không có gánh nặng về kinh tế!

- Em không quan tâm xem gia đình anh ta có tiền hay không sao?

- Đàn ông con nhà giàu có ấy ai ra gì? Quá là hư hỏng, suốt ngày chơi bời với đàn bà bên ngoài, ở bên cạnh họ cảm thấy không an toàn!

- Ha ha, em đúng là người thực tế đấy! – Văn Bác bật cười.

- Thực ra cái mà phụ nữ cần đâu có nhiều, chỉ là hi vọng người đàn ông quan tâm, yêu thương và mang lại cảm giác ấm áp cho mình, khiến cho mình cảm thấy được trở thành một người phụ nữ hạnh phúc, thế là đủ, tiền có nhiều đi chăng nữa nhưng cũng chẳng mua được tình yêu, đúng không anh?

- Em nói rất có lý, tiền có thể mua được đàn bà nhưng không mua được tình yêu, cũng không mua được hạnh phúc.

- Em đang suy nghĩ, sau này mà kiếm được một tấm chồng như anh thì tốt biết mấy, em sẽ rất hạnh phúc!

- Anh á? Thực ra cũng chẳng tốt lắm đâu, anh cũng chỉ tàm tạm thôi! – Văn Bác khiêm tốn nói.

- Em không nhìn nhầm người đâu, em rất muốn ở bên cạnh anh!

- Em không để tâm đến chuyện anh từng kết hôn ư?

- Không!

- Tại sao?

- Có câu nói như thế này: “Đàn ông chưa vợ là một ngọn cỏ, đàn ông đã ly hôn là một báu vật”! - Trì Mộng Mộng cười nói.

- Thế là sao? – Văn Bác nghi hoặc hỏi.

Người chưa vợ phần lớn rất đơn thuần, chẳng có gì vướng mắc. Nhưng đàn ông đã ly hôn rồi, phần lớn đều còn dây dưa với vợ hoặc con, dù gì cũng là điều rắc rối! Văn Bác không sao hiểu nổi điều Trì Mộng Mộng nói.

Trì Mộng Mộng thấy Văn Bác ngây người, liền giải thích:

- Rất nhiều người nói với em rằng, đàn ông đã ly hôn rồi còn “hot” hơn cả đàn ông chưa vợ. Trước đây, em chẳng tin, giờ thì tin rồi! Phần lớn những người bạn đồng trang lứa với em đều là con một, dưới sự hun đúc của lịch sử văn hóa hơn năm nghìn năm của Trung Quốc, anh nghĩ mà xem, một gia đình có được một đứa con trai, lại là con trai độc đinh, thế thì anh ta sẽ được chiều chuộng như thế nào?

- Thì đúng như thế, hiện giờ con trai độc đinh được chiều như tiểu hoàng đế ấy chứ! – Văn Bác nói.

- Vậy thì anh ta cho rằng mình là trung tâm của vũ trụ, nghĩ rằng mình là mặt trời, còn những người khác chỉ là những ngôi sao bao quanh mình, phải nghe theo mình, chăm sóc mình! Nếu như anh ta chẳng thể trưởng thành được, thế thì rắc rối to! Nhưng đàn ông đã ly hôn rồi thì không như vậy! Bọn họ chững chạc, hiểu biết, biết chăm sóc người khác, biết trân trọng người ở bên cạnh mình. Em có một người bạn trước đây đã lấy một người từng ly hôn vợ, đây chính là những lời tâm huyết mà cô ấy nói ra! - Trì Mộng Mộng bảo.

Nghe xong những điều Trì Mộng Mộng nói, Văn Bác kinh ngạc trợn tròn mắt. Anh thật không ngờ cô gái ngồi trước mặt anh đây lại hiểu biết về đàn ông một cách triệt để như vậy. Xem ra cô gái này cũng không phải loại người dễ đối phó. Nghĩ vậy, Văn Bác liền nói:

- Có điều không thể vơ đũa cả năm được!

- Đúng vậy, là em nói những trường hợp thông thường thôi! - Trì Mộng Mộng bảo.

Văn Bác nói chuyện với Trì Mộng Mộng rất lâu. Hai người chỉ nói chuyện thuần túy, không làm việc gì đi quá giới hạn. Cứ như vậy, anh và cô đã trải qua một đêm mà không xảy ra bất kỳ chuyện gì. Sáng hôm sau, Văn Bác dậy rất sớm, Trì Mộng Mộng cũng dậy sớm thu dọn hành lý, chuẩn bị ra bến xe. Văn Bác nói sẽ tiễn cô lên xe. Trì Mộng Mộng liền vui vẻ đồng ý.

Đợi Trì Mộng Mộng sắp xếp hành lý xong xuôi, hai người cùng ra ngoài ăn sáng, sau đó đi trả phòng cho chủ nhà. Văn Bác tiễn cô ra nhà ga. Hai người xách túi đồ, chuẩn bị bắt taxi. Đúng lúc ấy, đột nhiên từ con hẻm đối diện có mấy kẻ xông ra. Văn Bác tưởng là kẻ cướp. Anh còn chưa kịp nhìn rõ là ai đã lãnh trọn một cú đập vào người. Trì Mộng Mộng sợ quá kêu thét lên cũng bị đánh ngã ra đất ngay tức khắc. Văn Bác đưa mắt nhìn, thấy mấy tên côn đồ thân hình vạm vỡ, tay cầm gậy gộc, ống thép, còn có cả dao nữa. Văn Bác đơn thương độc mã, chốc lát đã bị đánh ngã ra đất, người đầy vết thương, trán chảy máu. Máu tươi nhuộm đỏ cả áo anh.

- Chạy mau! – Văn Bác ôm đầu, gào lên với Trì Mộng Mộng.

- Đánh chết mày, cái con đĩ bẩn thỉu, xem mày còn cứng đầu đến đâu? – Một gã đàn ông trong đó túm lấy tóc Trì Mộng Mộng vừa đánh vừa chửi.

- Chúng mày đừng có đánh đàn bà, muốn đánh thì đánh tao đây này, thả cô ấy ra! – Văn Bác nói.

- Mẹ kếp, đánh chết con đàn bà này đi! Còn thích làm cao cơ đấy! Chẳng qua cũng chỉ là loại bán thân nuôi miệng thôi! – Một gã đàn ông quát lên.

Văn Bác ra sức phản kháng, nhưng chỉ chuộc lấy những trận đòn tới tấp của kẻ thù. Văn Bác chớp lấy thời cơ, cướp được cây gậy từ trong tay một kẻ côn đồ. Trong lúc cướp gậy, anh liếc thấy một gã đàn ông đang túm tóc Trì Mộng Mộng, thẳng tay tát tới tấp vào mặt cô. Văn Bác lúc này mới nhìn rõ, kẻ đó chẳng phải ai khác, chính là Hứa Đông. Cái tên cặn bã, rác rưởi, hóa ra hắn đến để báo thù!

Lúc này, bởi vì còn sớm nên đường phố khá vắng vẻ, gần như chẳng có ai qua lại. Thỉnh thoảng mới có một, hai người đi qua, nhưng nhìn thấy một đám côn đồ, tay cầm hung khí nên chẳng ai dám lại gần.

Văn Bác muốn gọi điện báo cảnh sát nhưng điện thoại trong tay anh đã bị một gã côn đồ cướp mất và ném thẳng xuống đất, vỡ tan tành:

- Đánh, đánh chết cái thằng khốn lắm chuyện này! Xem xem nó còn ra vẻ ta đây được nữa không! – Hứa Đông lên tiếng.

- Đánh chết nó đi! – Một tên nói.

- Cũng không thể tha cho con điếm này được, chúng ta sẽ biến nó thành đồ chơi của chúng ta! – Hứa Đông hét lên thích thú.

Trì Mộng Mộng bị đánh đến mụ mị đầu óc, chỉ biết kêu gào:

- Cứu tôi với, cứu tôi với, có kẻ giết người!

- Mẹ kiếp, mày kêu cái gì hà? Ông đánh chết mày, cái đồ rác rưởi, còn giả bộ gì chứ hả? Giả bộ trong sáng à, mẹ kiếp, trong sáng thì đã chẳng vào làm ở khu giải trí. Đã làm ở đó rồi, còn không lên gường với đàn ông thì mày muốn làm gì chứ hả? Đánh, đánh hết sức cho tao! – Hứa Đông gào lên, thẳng tay đánh Trì Mộng Mộng.

Lúc này Trì Mộng Mộng đã bị đánh ngã lăn ra đất. Một gã đàn ông túm lấy áo của cô, vì quá mạnh tay nên áo Trì Mộng Mộng bị rách toạc ra. Trì Mộng Mộng đầu óc xõa xượi, bộ dạng vô cùng thê thảm...

Hứa Đông cười dâm dê:

- Ha ha, mau lột sạch quần áo của con này ra cho tao!

- Đúng thế, chúng ta cùng chơi, thế nào? – Một gã côn đồ cao lớn nói.

- Cởi đồ nó ra trước đã! Mau lên! – Có tên khác nói.

Một gã to béo, đen sì tóm lấy hai chân Trì Mộng Mộng, bắt đầu kéo váy của cô ra. Tên côn đồ cao lớn nhân cơ hội định làm nhục cô, Trì Mộng Mộng ra sức chống trả, tiếng thét đau đớn như xé rách toạc cổ họng của cô...

- Chúng mày là một lũ súc sinh, đồ cặn bã, có giỏi thì đánh nhau tay đôi với tao đây này, đừng có bắt nạt một cô gái yêu đuối! Có giỏi thì thả tay ra! – Văn Bác cố tình chửi bới để kích bọn côn đồ kia tập trung vào mình.

Trì Mộng Mộng sắp bị cởi sạch quần áo, tình hình vô cùng nguy cấp, ngàn cân treo sợi tóc thì một chiếc xe cảnh sát đi tuần tình cờ ngang qua, đám côn đồ nhanh chóng bỏ chạy tán loạn. Văn Bác nhìn thấy Hứa Đông định bỏ chạy liền bò dậy, lao về phía hắn ta, cố sức giữ chặt chân hắn lại. Hứa Đông dồn sức vào cây gậy trên tay, đánh tới tấp vào người Văn Bác. Nhưng Văn Bác lì lợm nhất quyết không buông tay, mãi cho đến khi cảnh sát xông đến, khóa còng vào tay Hứa Đông.

Văn Bác ngã ra đất, trên mặt, trên đầu, miệng toàn là máu, máu tươi gần như nhuốm đỏ cả quần áo của anh. Anh nói bằng giọng yếu ớt:

- Các anh cảnh sát, mau cứu cô gái kia, mau...

Lúc này, nhân viên cảnh sát mới điện cho cấp cứu. Văn Bác được dìu dậy, anh mở mắt ra, thấy Trì Mộng Mộng đang nằm cách đó không xa, quần áo rách nát tơi bời, đầu tóc rối bug, đau đớn rên rỉ...

- Có chuyện gì thế? Có nghiêm trọng không? – Một viên cảnh sát hởi Văn Bác.

- Có kẻ muốn trả thù chúng tôi, chúng đánh chúng tôi! – Văn Bác khó nhọc nói.

- Vết thương của anh thế nào rồi? Gắng chịu đựng, chúng tôi lập tức đưa anh đi bệnh viện!

- Tôi không sao, các anh mau xem vết thương của cô gái đó thế nào rồi? – Văn Bác chỉ tay về phía Trì Mộng Mộng.

Chẳng mấy chốc, xe cứu thương đã đến, Văn Bác và Trì Mộng Mộng nhanh chóng được khiêng lên xe chở tới bệnh viện, còn Hứa Đông bị dẫn về đồn cảnh sát. Sau khi được đưa đến viện, Văn Bác được các bác sĩ tiến hành kiểm tra. Cũng may là vết thương không chí mạng, chỉ là những vết thương ngoài da, rách da đầu, bị khâu ba mũi, ngực bị một vết dao rạch, mất rất nhiều máu. Kết quả kiểm tra của Trì Mộng Mộng là: mặt bị sưng tím, tay và đùi tụ máu, cũng mau là không bị thương quá nặng, càng may hơn là cảnh sát đến kịp thời, nếu không cô đã bị bọn khốn đó làm nhục.

Bác sĩ nói, hai người phải theo dõi một đêm, ngày mai mới được xuất viện. Bên cảnh sát có hỏi cụ thể tình hình, Văn Bác liền tường thuật lại sự tình xảy ra ở trung tâm giải trí Qúy Phi. Bên cảnh sát ghi chép lời khai lại rồi thông báo cho gia đình Văn Bác và Trì Mộng Mộng. Sau đó bên họ tiếp tục tiến hành truy bắt đồng bọn của Hứa Đông.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.