Kẻ Địch Khó Thuần - Kỵ Kình Nam Khứ

Chương 38: Hợp tác (6)




Mạng của Takeshi Motobu được định giá là 1,2 triệu.

Nếu kẻ chủ mưu đằng sau không bị bắt, hoặc Takeshi còn sống thì xem như Ninh Chước không hoàn thành nhiệm vụ.

Đến lúc đó thì Ninh Chước buộc phải đồng quy vu tận để lấy được mạng của Takeshi.

Sau khi cúp máy, Ninh Chước đứng yên một lúc lâu, ánh mắt lạnh lùng, âm trầm nhìn chằm chằm vào vô định.

Anh xoay người, đi xuống tầng 9.

Tầng 9 được trang hoàng bình thường, mục đích chủ yếu là để thử nghiệm và nghiên cứu vũ khí. Mỗi phòng ở tầng này đều có công năng riêng, khoảng cách giữa các cửa cũng tương đương nhau, thiết kế cửa cũng nhất trí một kiểu, tạo cảm giác khô khan, nhàm chán.

Ninh Chước đi đến khoảng giữa hai cánh cửa, anh đứng đối diện với bức tường, tháo găng tay ra.

Khi đặt ngón tay lên bức tường đá cẩm thạch, anh cố tình chạm vào mối liên hệ trống giữa vết nứt trên tường và cánh cửa vô hình và nghĩ: làm sao Thiện Phi Bạch lại tìm được nơi này?

Chỉ dựa vào khứu giác nhanh nhạy của sói con thôi?

Vừa nghĩa, Ninh Chước vừa đặt ngón tay lên một máy quét vô hình.

Cánh cửa vô hình mở ra.

Cùng lúc đó, trong một góc tối, một người đàn ông lặng lẽ đứng dậy.

Gương mặt người này bị khuất trong bóng tối nên không thể nhìn rõ. Giọng nói của người này vang lên trước, chất giọng tao nhã và dịu dàng: “Cậu Ninh?”

Ninh Chước không nói gì, chỉ nhìn chằm chằm đối phương.

Người nọ cũng đoán được vì sao anh đến nên cúi đầu chủ động nhận sai: “Xin lỗi cậu, có người nhìn thấy tôi.”

Ninh Chước: “Cậu ta vào đây bằng cách nào?”

Lời nói của người nọ có chút ngắt quãng nhưng không phải vì vụng về mà vì suy nghĩ nhanh hơn người thường: “Cậu ấy đang đi vòng quanh các cửa… Tôi tưởng là cậu nên… Tôi mở cửa từ bên trong.”

Ninh Chước: “Tôi hiểu rồi.”

Người nọ xấu hổ cúi đầu.

Ninh Chước bước vào, đóng cửa lại, vừa đi vừa cởi hai cúc áo trước ngực. Anh ngồi xuống ghế, bổ khuyết tư duy logic của đối phương: “Ông nghĩ rằng sau khi chuyện của chúng ta hoàn thành, tôi sẽ đến giết ông diệt khẩu. Ông sợ tôi khóa hết cửa từ bên ngoài, cho ông tự sinh tự diệt ở bên trong nên anh mở cửa để muốn chết một cách thống khoái, cuối cùng lại đụng phải cậu ta, đúng không?”

Người đàn ông văn nhã lại cười xin lỗi, xem như cam chịu cách nói của anh.

Ninh Chước: “Khi nhận ra đó không phải tôi, ông cảm thấy thế nào?”

Người đàn ông đáp: “Sợ lắm.”

Ninh Chước: “Không bình tĩnh nổi suốt mấy tiếng qua đúng không?”

Người đàn ông thẳng thắn thừa nhận sự hoảng loạn của mình: “Đúng vậy, tôi rất hoảng. Tôi đang suy nghĩ xem người đó là ai, chuyện của chúng ta liệu có bị lộ hay không, cậu Ninh có an toàn hay không, và liệu có ai đó lợi dụng người kia…”

Ninh Chước dùng chân móc một chiếc ghế, sau đó đá nó qua: “Phó giáo sư Tiết, ngồi đi.”

Người đàn ông được gọi là “phó giáo sư Tiết” chậm rãi đi đến và ngồi xuống.

… Đúng như lời Thiện Phi Bạch nói, gương mặt của người đàn ông này giống hệt Kim Charlemagne, cánh mũi thẳng, đôi mắt to, từng tấc da thịt đều toát lên hương vị trẻ trung.

Nhưng đôi mắt lại ánh lên sự điềm tĩnh, dịu dàng và một nỗi ưu sầu khác lạ.

Ninh Chước: “Phó giáo sư Tiết, nếu vừa rồi cậu ta là một kẻ đột nhập vào căn cứ, ông tùy tiện mở cửa, cả tôi, ông và toàn bộ Henna đều sẽ gặp rắc rối, ông có hiểu không?”

Phó giáo sư Tiết gật đầu tự kiểm điểm: “Vâng, tôi đã bất cẩn.”

“Cho nên dù ông có đang lo lắng hay hoảng sợ đi nữa, hãy nhớ lại cảm giác của ông suốt vài tiếng qua. Vì khi ra ngoài, chắc chắn sẽ có người đến tra hỏi ông. Đừng “bất cẩn” như vừa rồi.”

“Có người tìm tôi?… Cậu muốn thả tôi ra ngoài?”

Phó giáo sư Tiết có chút do dự: “… Tôi ở đây có phải tốt hơn không?”

Ninh Chước hỏi: “Ông có muốn ở đây mãi không?”

Phó giáo sư Tiết mím môi, trầm ngâm suy nghĩ, cuối cùng đồng ý với sự sắp xếp của Ninh Chước: “Đúng, tôi không thể ở đây. Không có nhiều người có khả năng chế tạo chất độc ở Ngân Chùy, và tôi là một trong số họ. Bạch Thuẫn chắc chắn sẽ tìm ra tôi ở đây…”

Ninh Chước tiếp tục: “Nếu Bạch Thuẫn phát hiện ông vô cớ biến mất, và nếu họ lại không tìm ra nghi phạm nào khác, ông chắc chắn sẽ bị phán định là tội phạm giết người. Con gái của ông sẽ là con gái của một tên sát nhân.”

Hai tiếng “con gái” khiến cho phó giáo sư Tiết đau lòng khôn xiết.

Cả người phó giáo sư Tiết run lên như bị điện giật, đầu cũng không thể ngẩng lên vì nỗi nhớ mong.

Người con gái trong trí nhớ của ông là một người hoạt bát, nhiệt tình, thẳng thắn, tính cách giống như người mẹ đã mất sớm.

Và tình yêu dành cho hóa học của cô bé cũng giống hệt như ông.

Phó giáo sư Tiết vừa làm cha lại vừa làm mẹ, nuôi nấng cô bé từ khi còn trong tã lót cho đến khi cô trở thành một thiếu nữ duyên dáng, yêu kiều.

Ông yêu con gái như mạng sống của mình, nhưng vì tính cách trầm lắng nên ông chỉ thể hiện tình yêu ấy mọt cách kiêu ngạo âm thầm.

Khi con gái trưởng thành và được nhận vào trường đại học do ông giảng dạy, cô cũng trở thành một trong những học trò của ông.

Có thể nói là tương lai xán lạn, tiền đồ rộng mở.

Trước khi tham dự lễ tốt nghiệp cấp 3, cô bé lấy ra một chiếc váy trắng và một chiếc váy đỏ, đứng trước mặt ông và tinh nghịch hỏi: “Thầy Tiết, cha thấy cái nào ổn hơn, cha chọn một cái đi.”

Phó giáo sư Tiết thành thật đáp: “Cái nào cũng đẹp.”

Con gái hiển nhiên không hài lòng với đáp án này.

Cô bé thúc giục nói: “Cha mau chọn một cái đi. Con đang thích một chàng trai, trước đây bận học quá nên con không muốn phân tâm. Hôm nay con muốn nói chuyện với cậu ấy!”

Phó giáo sư Tiết chớp chớp mắt: “Con muốn hẹn hò với cậu ta?”

Cô bé nở nụ cười ngọt ngào, trên nền váy đỏ lại càng xinh đẹp và rạng rỡ hơn: “Tùy cậu ấy. Con không quan tâm, con chỉ muốn cảm ơn cậu ấy thôi. Dù sao thì cậu ấy cũng đẹp trai lắm —— gương mặt của cậu ấy là động lực tinh thần để con học tập tốt đó.”

Ngày hôm đó, cô bé mặc chiếc váy đỏ do phó giáo sư Tiết chọn và không bao giờ quay về nhà nữa.

Bạn bè của cô bé tham dự bữa tiệc đều bị chuốc say.

Không một ai nói cho ông biết cô bé đã đi đâu.

Phó giáo sư Tiết báo cảnh sát nhưng Bạch Thuẫn trước sau chỉ đưa ra một đáp án:

“Tửu lượng của cô bé có tốt không? Có phải do cô bé uống nhiều quá nên chạy ra đường rồi gặp tai nạn không?”

“Cô bé có người yêu rồi bỏ trốn hả?”

“Không thể nào? Tại sao ông lại chắc chắn như vậy? Ông biết rõ con gái mình đến vậy sao?”

“Camera? Nơi tổ chức bữa tiệc là Trung Thành. Khi đó có sự cố xảy ra trên đường dây camera giám sát ở khu vực đó cho nên tất cả các hệ thống giám sát trong bán kính 500 mét đều đang được bảo trì. Chúng tôi cũng rất đau đầu về vấn đề này. Tốt hơn hết là ông nên nhớ lại các mối quan hệ xã hội của con gái mình. Đó là con gái của ông. Nếu ông không quan tâm đến cô bé thì chúng tôi cũng không thể làm gì được.”

“… Xin lỗi, sĩ quan cuối cùng của chúng tôi đã thức suốt đêm để giải quyết một vụ án. Bây giờ tâm trạng của anh ấy không tốt. Tôi thay mặt anh ấy xin lỗi. Xin ông hãy nhớ lại các mối quan hệ xã hội của con gái mình, nó sẽ giúp ích rất nhiều cho quá trình giải quyết vụ án.”

Phó giáo sư Tiết mơ hồ nhận ra điều gì đó về thái độ của các sĩ quan Bạch Thuẫn.

Ông biết Kim Charlemagnem, con trai của thanh tra Bạch Thuẫn là Charlemagne, cũng biến mất sau bữa tiệcm nghe nói là theo đuổi “ước mơ ca hát”.

Ông cũng biết thiếu gia Kim Charlemagne là một chàng trai nổi tiếng anh tuấn.

Nhưng ông cũng biết rằng ông không thể làm được gì.

Ngoại trừ việc Kim Charlemagne mất tích, phó giáo sư Tiết cũng không có thêm chứng cứ nào khác để chỉ điểm.

Nếu cứ bám víu vào chứng cứ này, ông sẽ từng bước rơi vào cái bẫy giăng sẵn của Bạch Thuẫn, trở thành một kẻ mất trí và gây rắc rối vì con gái mất tích.

Trong những năm qua, phó giáo sư Tiết dành một nửa số tiền lương hằng tháng của mình để đăng thông báo tìm người mất tích ở một góc trên tờ báo Ngân Chùy.

Không một ai trả lời, không một ai để ý.

Không một ai nhìn thấy là còn sống, cũng không có cái xác nào được nhìn thấy là đã chết.

Chỉ còn lại một tia hi vọng khiến ông ngày đêm mong ngóng đến ngạt thở.

Ông đã kiên trì suốt 4 năm.

Cho đến một ngày, Bạch Thuẫn bất ngờ liên lạc với ông.

Khi bắt máy, phó giáo sư Tiết hi vọng đó là cuộc gọi thông báo cho ông đến nhận dạng thi thể.

Ông đã bị niềm hi vọng mong manh này tra tấn quá lâu.

… Đừng tàn nhẫn như vậy nữa, ít nhất hãy cho ông một thi thể.

Kết quả là phó giáo sư Tiết nghe thấy thư ký của Bạch Thuẫn thông báo bằng một giọng điệu chuyên nghiệp rằng con gái của ông đã mất tích 4 năm, với tư cách là người liên quan, ông có cần làm đơn xin tử hình không?

Ông cúp máy và bắt đầu tìm hiểu về một số thế lực ngầm của Ngân Chùy, nhờ người tìm kiếm Kim Charlemagne.

Chỉ khi tìm được Kim Charlemagne, ông mới có thể đích thân hỏi con gái của ông đã đi đâu.

Suốt nhiều tháng, ông đã tìm được Ninh Chước của Henna.

Trong thời gian qua, phó giáo sư Tiết đã nhiều lần vạch vết sẹo của mình ra để cho người khác xem, ông không còn biết đau đớn là gì.

Ông nói với Ninh Chức một cách lạnh lùng và nhợt nhạt, ông không có bất kì hi vọng thừa thãi nào.

Trước Henna, phó giáo sư Tiết cũng đã tìm được một số lính đánh thuê khác.

Họ đều là người, sau một hồi điều tra, họ cũng mơ hồ đoán được thứ mình đụng phải là một bức tường sắt.

Cho nên họ nói với phó giáo sư Tiết rằng chuyện này rất khó khăn và đưa ra một mức giá trên trời mà ông không thể trả.

Đó là một lời từ chối trá hình.

Ninh Chước nghe ông nói xong thì bảo ông đợi vài ngày.

Vài ngày sau, anh liên lạc lại và lịch sự nói với ông rằng đó là một việc khác và họ không thể làm được.

Phó giáo sư Tiết đã quen với những câu trả lời như vậy nên ông vẫn bình tĩnh và tiếp tục đi làm, giảng dạy, thí nghiệm một cách bình thường, sống một cuộc đời như một vũng nước đọng.

Nửa năm sau, Ninh Chước liên lạc lại với ông qua đường dây liên lạc bí mật, phó giáo sư Tiết lại gần như quên mất anh là ai.

Sau khi được Ninh Chước nhắc lại, ông mới nhớ ra.

Dù đã quên mất giọng nói nhưng phó giáo sư Tiết vẫn còn ấn tượng với người lính đánh thuê có vẻ ngoài xinh đẹp đến mức trông chẳng giống lính đánh thuê chút nào.

Phó giáo sư Tiết lịch sự hỏi: “Xin hỏi cậu có vấn đề gì liên quan đến tôi không?”

Ninh Chước: “Có.”

Giọng điệu của Ninh Chước bình tĩnh và lạnh lùng như thể đang nói một chuyện bình thường: “Tôi đã tìm thấy cô gái mà ông muốn tìm.”



Cô gái ngủ yên bình trong một khối xi măng khổng lồ, chiếc váy đỏ của cô dính chặt vào kết cấu của xi măng.

Vì bị ngăn cách dưỡng khí nên gương mặt của cô vẫn còn mới mẻ, trong sáng.

Ninh Chước khái lược lại quá trình điều tra của mình cho phó giáo sư Tiết.

Ngỗng bay qua trời sẽ luôn để lại dấu vết, huống hồ một con người đang sống thì không thể nào tan thành bọt nước và biến mất hoàn toàn.

Để vận chuyển thi thể thì cần phương tiện giao thông.

Hệ thống máy theo dõi bán kính 500 mét xung quanh địa điểm tổ chức bữa tiệc bị bảo trì, cho nên Ninh Chước kiểm tra phạm vi bán kính 500 mét còn lại.

Sử dụng phương pháp đơn giản và ngu ngốc như vậy, Ninh Chước lần lượt kiểm tra mục đích sử dụng của những phương tiện trong phạm vi, xác định danh tính chủ nhân các phương tiện và mối quan hệ của người đó với quán bar tổ chức tiệc.

Anh phát hiện ra vào rạng sáng đêm xảy ra vụ án, một chiếc ô tô không đáng chú ý đã lao vào phạm vi “mù hoàn toàn” của camera và nhanh chóng bỏ đi.

Dựa theo hệ thống giám sát, Ninh Chước xác định chiếc xe khá sạch sẽ, thi thể không bị vứt bỏ, trong xe không giấu thứ gì.

Nhưng điểm dừng chân cuối cùng trước khi đến khu vực này của chiếc xe là một nhà máy xi măng.

Nửa năm sau khi hệ thống giám sát được sửa chữa, khách sạn tổ chức bữa tiệc được xây dựng lại toàn diện.

Một khối xi măng phủ đầy rêu được vận chuyển ra ngoài một cách công khai cùng với những viên đá vụn khác.

Lô xi măng này không bị nghiền nát mà được đổ ở bãi rác ở ngoài rìa thành phố Ngân Chùy, chờ đến ngày bị phân hủy hoàn toàn.

Phó giáo sư Tiết đứng trước thi thể của con gái mình, gương mặt phát run.

Nỗi tuyệt vọng của ông đã phai nhòa, mờ nhạt theo năm tháng, cho đến bây giờ, ông cũng đã có linh cảm về điều này và không thể phản ứng quá mạnh mẽ.

Đối với gương mặt mà ông đã mong nhớ suốt nhiều năm, phó giáo sư Tiết chỉ biết liên tục đấm vào ngực và thở dốc.

Không thể khóc.

Dù thế nào đi nữa ông cũng không thể khóc.

Ông chỉ cúi xuống, nhìn vào gương mặt cứng đờ mãi mãi của con gái, khàn giọng rên rỉ:

“—— Con gái của tôi…”

“Làm sao để cha thế chỗ của con đây?!”

Ninh Chước buông hai tay, lặng lẽ đứng nhìn phó giáo sư Tiết im lặng đến đau lòng.

Anh hơi nhớ cha mình một chút.

Không nhiều, chỉ một chút thôi.

Anh nói với phó giáo sư Tiết: “Thầy Tiết, ông có biết ông cao bằng Kim Charlemagne không?”

Phó giáo sư Tiết quay đầu, chăm chú nhìn Ninh Chước bằng đôi mắt đỏ quạch như máu.

Ông gật đầu hiểu ý.

Vài ngày sau, phó giáo sư Tiết đã phạm sai lầm trong một thí nghiệm, bị bỏng nặng ở mặt.

Ông lấy cơ này để xin nghỉ dạy dài hạn.

Một tháng sau, ông cởi lớp băng gạc trên mặt và toàn bộ cơ thể ông đã trở thành một người khác.

Chẳng bao lâu sau, ngày xử tử Kim Charlemagne, ngày đòi nợ đã đến.

Sau khi Ninh Chước đón được Thiện Phi Bạch, anh quay lại tầng 9 và gửi một bản sao video quay cái chết đau đớn của Kim Charlemagne cho phó giáo sư Tiết xem, để ông tận hưởng niềm vui trả thù một mình.

Phó giáo sư Tiết đặt tay lên đầu gối và chân thành nói: “Cậu Ninh, cảm ơn cậu.”

Ninh Chước không giỏi đáp lại lời cảm ơn của người khác, anh quay đầu lại và nói: “Ông cứ trả tiền cho tôi đi.”

Phó giáo sư Tiết biết rõ ân tình của mình: “10 ngàn. Chưa kể thay đổi mặt thì nhiêu đây cũng không đủ đặt một lần quảng cáo.”

Ninh Chước đứng yên: “Tôi chỉ lợi dụng ông thôi.”

Phó giáo sư Tiết khẽ mỉm cười, cảm thấy Ninh Chước thật đáng yêu khi sẽ nói bất cứ điều gì để cản người khác cảm ơn mình.

Ông chủ động đổi chủ đề: “Sau khi tôi ra ngoài, tôi sẽ đối phó tốt với Bạch Thuẫn. Cậu Ninh không cần lo lắng.”

Ninh Chước nói cho ông biết kế hoạch hành động tiếp theo: “Ông cần phải tạo ra một vụ nổ hóa học khác. Trước đó, tôi sẽ tiêm thuốc mê cho ông, khiến ông tỉnh táo mà không có cảm giác gì. Đợi đến khi ông ngủ say, khi tỉnh lại tôi sẽ trả lại gương mặt ban đầu cho ông.”

Ninh Chước đã phát triển mối quan hệ bền chặt với thị trường chợ đen trong nhiều năm qua. Từ tin tình báo của Lawyer Tuner, anh tìm được một thiết bị cải tạo gương mặt một cách tinh vi mà không cần tốn thủ tục mua bán.

Phó giáo sư Tiết nhận lệnh: “Tôi hiểu rồi. Nhưng mà cậu Ninh, phiền cậu mang cho tôi một cái gương được không?”

“Tôi muốn nhìn gương mặt này… tan chảy bằng chính đôi mắt của mình.”

Ninh Chước: “Được.”

Nói xong, anh chuẩn bị dẫn phó giáo sư Tiết đến phòng thí nghiệm đã chuẩn bị trước.

Phó giáo sư Tiết đi theo và muốn xác nhận lại: “Cậu có thể nói cho tôi biết người đến tìm tôi là ai được không? Liệu cậu ta có làm ảnh hưởng đến kế hoạch của chúng ta không?”

“Cậu ta?”

Ninh Chước suy nghĩ nên mô tả Thiện Phi Bạch như thế nào.

Bạn cũ? Kẻ thù? Cộng tác viên?

Nhưng anh cần phải trấn an phó giáo sư Tiết.

Cho nên anh trả lời: “Cậu ta là con chó của tôi.”

- --- 

cho bạn nào quên thì ở chương 2 có mẩu tin quảng cáo tìm người là của phó giáo sư Tiết í nhưng mà ông ấy không công khai danh tính của mình

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.