Hương Bạc Hà

Chương 48: Ngoại truyện




1. Giới tính của Tiểu Mặc Mặc

Con tên Tiểu Mặc Mặc. Con sinh vào năm con Heo, lúc chào đời nặng khoảng sáu cân. Con là con heo nhỏ trắng trẻo mũm mĩm. Các cô dì chú bác bảo rằng, người cầm tinh con Heo rất sung sướng, cả đời có thể hết ăn lại nằm. Sung sướng đến vậy nên con không thích khóc, nghe nói hồi nhỏ ba mẹ con cũng chẳng thích khóc đâu.

“Cậu xem này, mắt tròn xoe đảo qua đảo lại, cứ nhìn chằm chằm người ta riết. Chao ôi đúng là gian tặc mà, nhóc con mới vài ngày tuổi thôi đấy.” Người bất giác nói lời thoại y như diễn viên hài kịch này chính là bạn thân nhiều năm của mẹ con, dì Lương Tuyết. Dì Lương Tuyết ăn mặc rất hiện đại, vừa hay tin mẹ sinh con, dì không tiếc bỏ mấy mối làm ăn lớn, từ một nơi xa xôi ngồi một cái máy có cánh thật to mà người lớn gọi là máy bay đến đây nhìn con heo nhỏ là con nè.

“Gian tặc?” Người phụ nữ trẻ nằm trên giường bệnh sắc mặt hơi tái đi sau lần vượt cạn có đôi mắt linh động đen lay láy giống hệt con, đây chính là mẹ Hứa Tri Mẫn của con.

Con cảm giác thấy dì Lương Tuyết hơi ‘sợ’ mẹ con. Nhận ra cái liếc mắt đầy ngụ ý sâu xa của mẹ, dì Lương Tuyết cười ha ha gãi gãi ót rồi nhảy ngay đến trước giường mẹ con, lấy ra đôi vòng chân làm bằng bạc tuyệt đẹp dành để đeo vào chân em bé.

“Hì hì, tớ hỏi rồi, đây là kiểu dáng mới nhất, đặc biệt hợp với tiểu công chúa nhà cậu.”

“Tiểu công chúa?”

“Không phải tiểu công chúa, thế chẳng lẽ lại là tiểu hoàng tử?”

Trên đầu mẹ con rơi xuống ba vạch đen.

Dì Lương Tuyết hết hồn kêu ‘a’ một tiếng, trợn to hai mắt chỉ vào con: “Trông giống bé gái hết sức, da dẻ trắng hồng, mắt cũng to tròn y chang cậu. Còn cái mỏ chu chu ra nữa chứ, làm người ta muốn thơm một cái quá trời. (Đính chính, dì Lương Tuyết ơi, con không phải chu mỏ đâu, là con ngáp đó.) Với lại, ai đó gọi điện nói tớ là tiểu công chúa cơ mà.”

Mẹ con hơi hơi nâng mi, dạo gần đây chuyện thế này xảy ra như cơm bữa nên mẹ mệt mỏi chẳng muốn giải thích nữa. Ngay sau đó dì Lương Tuyết nhìn theo hướng tay mẹ con, thấy một mớ đồ đạc chất đầy góc phòng bệnh. Phần lớn những thứ đó là quà người thân, bạn bè của ba mẹ mang tới tặng con, gần như toàn đồ dùng thuần một màu con gái. Dì Lương Tuyết sợ giật bắn cả người: “Ơ ơ ơ…”

Con ngoác miệng ngáp một cái thật dài, tiện đà khua khua tay, xoay xoay người. Mẹ hiểu ý xuống giường thay tã cho con, con chứng minh con là con trai thứ thiệt làm dì Lương Tuyết lại một phen thất kinh.

Con được thay quần áo sạch sẽ thư thái sảng khoái, toét miệng nở nụ cười tươi rói vô địch huy chương vàng với dì Lương Tuyết. Dì Lương Tuyết cũng cười với con, vừa nắm tay con vừa lặng lẽ hỏi mẹ con: “Sao tự nhiên tiểu công chúa lại biến thành tiểu công tử vậy?”

Con cũng muốn biết tại sao lắm. Mẹ con chớp mắt: “Họ muốn con gái.”

“Nhà họ Mặc muốn con gái?” Người hỏi câu này chính là dì Lâm Giai xinh đẹp giỏi giang.

Chú Quách Diệp Nam gật gù: “Nhà họ Mặc đã mấy đời hương khói đàn ông quá vượng. Nhà bác cả Mặc Thâm cũng vậy, các anh em nhà đấy lấy vợ sinh con, tất cả đều là con trai.”

“Ý anh là, lúc Tiểu Mặc Mặc còn chưa ra đời thì mọi người đã đồn đại Tiểu Mặc Mặc tuyệt đối là bé gái, đơn thuần là nguyện vọng tốt đẹp của người nhà họ Mặc? Ôi, xem ra em cũng hồ đồ mất rồi. Rõ ràng làm việc trong bệnh viện, biết nhà nước có chính sách nghiêm cấm dùng thủ đoạn khoa học để biết giới tính em bé trước khi sinh, vậy mà vẫn tin lời đồn.” Dì Lâm Giai nhấp ngụm trà, “Tớ tặng Tiểu Mặc Mặc mấy bộ quần áo con gái, các cậu không ngốc như tớ chứ?”

Những người ngồi cùng bàn chưng hửng nhìn nhau.

“Tớ tặng búp bê Barbie đấy. Ha ha, con trai cũng thích búp bê mà.” Chú Triệu cười khan hai tiếng.

“Xì. Tặng Barbie à, sao không tặng một con búp bê lớn luôn đi. Barbie nhỏ quá không an toàn cho trẻ sơ sinh.” Quách Diệp Nam vừa giáo huấn chú Triệu, vừa ‘vô tình’ để lộ ra quà chú tặng con là một con búp bê thật lớn.

“Tớ tặng đồ chơi Disney, màu hồng nhạt.” Chú Dương Sâm thành thật thừa nhận sai lầm.

Còn dì Phương Tú Mai lại vênh vang tự đắc: “Em thông minh nhất. Trước đó em tặng một bộ âm nhạc dưỡng thai, dành riêng cho bé gái. Tiểu Mặc Mặc vừa sinh ra là bộ âm nhạc dưỡng thai này coi như vứt. Ha ha ha.”

Mọi người hầm hè: “Chắc tại tài liệu âm nhạc dưỡng thai của em dạy toàn điều xấu, nên tiểu công chúa non nớt sợ quá mới biến thành tiểu hoàng tử chứ gì.”

Dì Phương lập tức kêu lên oan uổng: “Thật ra quà chúng ta tặng có là gì đâu. Người chịu phiền phức nhất là vợ chồng Mặc Thâm kìa. Phòng em bé tường sơn trắng xanh hồng nhạt, giường hồng phấn, nôi em bé hồng phấn, cái gì cũng hồng phấn hết.”

Vì thế nên con là con heo nhỏ màu hồng phấn không hơn không kém – mặc quần áo hồng phấn, ôm bình sữa hồng phấn. Đương nhiên tình trạng này chưa kéo dài được mấy ngày thì mẹ con rất nhanh đã thay tất tần tật quần áo và vật dụng của con thành màu xanh da trời cho bé trai tuấn tú. Toàn thân con chớp mắt biến thành con heo BB màu xanh da trời. Qua vài ngày, sự ra đời của con đã khiến lời đồn ‘Con là tiểu công chúa’ tự động sụp đổ, các dì các chú lập tức mang đến một đống vật dụng cho bé trai.

Đáng nhẽ chuyện đã kết thúc ở đây. Vấn đề nằm ở chỗ, chú Mặc Hàm của con vẫn cất giữ bộ quần áo công chúa định tặng con, bộ đồ em bé ấy đẹp quá nên chú tiếc không nỡ bỏ. Một ngày, ba mẹ con đi ra ngoài, gửi con cho chú Mặc Hàm trông hai giờ. Sau đó thì nhóm chú Quách Diệp Nam tới chơi. Thừa dịp ba mẹ con không có nhà, các chú ấy vừa chọc ghẹo con, vừa đồng thanh than thở, nói dáng vẻ con xinh đẹp nhường này mà không phải con gái thật sự rất đáng tiếc. Chú Mặc Hàm bắt đầu nhắc đến bộ quần áo kia, nhóm chú Quách Diệp Nam vừa nghe vậy tức thì hô hào: Còn không mau lấy ra cho Tiểu Mặc Mặc mặc! Thế rồi con mặc vào trang phục công chúa, chú Quách Diệp Nam giơ điện thoại di động lên chụp hình cho con.

Đèn flash chớp lên một cái thì mẹ con về nhà sớm. Vừa nhìn thấy con mặc quần áo con gái, lại nhìn thấy camera trên di động của chú Quách Diệp Nam mới lóe lên đã tắt phụt, mẹ con bật cười lớn một cách kỳ dị. Người lớn nói, một khi mẹ con để lộ tiếng cười lớn kỳ dị thì đó còn đáng sợ hơn cả tiếng cười lớn kỳ dị của ba con.

Da đầu các chú run lên bần bật, ai nấy đều chạy trối chết. Di động trên mười ngàn tệ của chú Quách Diệp Nam bị mẹ con tịch thu.

Kết cuộc của phiên ngoại chính là, buổi tối sau khi mẹ con đã đi vào giấc ngủ, ba con len lén xuống giường đi đến một xó hẻo lánh trong phòng lấy ra bộ quần áo công chúa cho bé gái trông đẹp hơn cả bộ chú Mặc Hàm mua. Ba ôm ngực thở phào: May mà không bị phát hiện, rồi mau chóng đem giấu nó ở chỗ an toàn khác. Lúc ra khỏi phòng, ba không quên giơ ngón tay, thần bí nháy nháy mắt với con: Muốn có em gái nhỏ không? Giữ bí mật nha.

Con cũng thần bí chớp chớp mắt lại: Một lời đã định.

2. Quách Diệp Nam tự nhận mình xúi quẩy

Quách Diệp Nam tự nhận chuyện xúi quẩy nhất cả đời này chính là quen một cô nàng tên Hứa Tri Mẫn.

Tại sao lại nói như vậy?

Quách Diệp Nam gặp Hứa Tri Mẫn trên xe lửa, và cũng chính trên chuyến xe đó anh ta đã nói xằng nói bậy: “Anh tuyệt đối sẽ không làm CPR.” Câu này của anh ta bị Hứa Tri Mẫn nghe thấy.

Suốt mấy năm trời theo nghề y, Quách Diệp Nam luôn tự hào rằng bệnh nhân anh ta chữa trị chưa bao giờ cần anh ta làm CPR. Kết quả đúng vào thời điểm tiền đồ hết sức rộng mở, anh ta lại gặp phải ca giải phẫu can thiệp của Hứa Tri Mẫn. Vì tên bạn ngoan cố Viên Hòa Đông, anh ta chủ động gánh vác trọng trách mổ chính trong lần giải phẫu ấy, giữa ca mổ có một lần trái tim Hứa Tri Mẫn đột ngột ngừng đập. Làm sao còn giữ nổi lời tuyên ngôn hùng hồn của thời trẻ ngông cuồng? Anh lập tức xông lên làm CPR.

Trong lúc vô tình, Viên Hòa Đông tiết lộ chuyện Quách Diệp Nam làm CPR với Hứa Tri Mẫn.

Hứa Tri Mẫn bèn kể lại lời nói khí thế của Quách Diệp Nam trên chuyến xe năm nào cho Viên Hòa Đông nghe.

Năm ấy vì hóa giải mối quan hệ giữa hai cậu bạn Viên Hòa Đông và Mặc Thâm, Quách Diệp Nam đã hy sinh và đổ ra biết bao nhiêu công sức. Thế mà kết cuộc lại là Viên Hòa Đông mách lẻo lời nói khi xưa của anh ta với Mặc Thâm.

Một hôm, Mặc Thâm vỗ vỗ vai Quách Diệp Nam nói: “Người anh em, hóa ra cậu nói với cô em cậu là tuyệt đối không làm CPR, thế nhưng lại làm CPR cho vợ tớ. Cậu nói xem, nếu em cậu hay bạn gái cậu hỏi thì tớ biết trả lời sao đây?”

Quách Diệp Nam nghe vậy cả giận: “Tớ cứu vợ cậu một mạng, cậu đã không cảm ơn tớ thì chớ, giờ lại còn uy hiếp tớ là thế nào?”

Vẻ mặt Mặc Thâm hiện lên câu ‘Cậu tự nhận xui đi.’ rõ mồn một. “Cậu cứu vợ tớ là một chuyện, cậu nói với em gái không làm CPR lại là chuyện khác. Còn phí bưng bít ấy mà, chuyện nhỏ thôi, hôm nào vợ chồng tớ đãi tiệc cưới, cậu giúp tớ mời rượu hết cả đám kia nhé.”

Trong hôn lễ, anh chàng Quách Diệp Nam xúi quẩy vì chắn rượu thay chồng Hứa Tri Mẫn để trả phí bưng bít mà bị chuốc say như chết.

Anh chàng tưởng đâu chuyện này đến đây chấm hết, ai dè cả đám bạn lại vô cùng hiếu kỳ chuyện Mặc Thâm uy hiếp được anh ta. Bởi vì, có thể nói trong nhóm Quách Diệp Nam là cáo già xảo quyệt nhất, trước nay chỉ có anh ta giành phần uy hiếp người khác mà thôi.

Quách Diệp Nam cảm thấy cứ tiếp tục như vậy không phải cách, bèn vội vàng xách quà cáp xôm tụ đến nhà mới của Hứa Tri Mẫn, thừa nhận với cô năm ấy mình không nên thế này, không nên thế nọ, còn vế sau ‘không nên quen cô’ thì giấu nhẹm trong bụng.

Trong lòng Hứa Tri Mẫn vui như hoa nở, nhưng ngoài mặt lại tỏ ra bất đắc dĩ: “Sư huynh, con gái yếu đuối như em thì làm được gì chứ?”

Quách Diệp Nam chỉ còn thiếu nước phủi phủi hai đầu gối quỳ xuống: “Em dâu, nếu biết vậy anh đã không làm, em và chồng em là ông Trời tác thành mà, người quản thúc được chồng em không phải em thì còn ai vào đây!”

Hứa Tri Mẫn thật ra vẫn luôn rộng lượng, thôi thì tha cho người nên tha vậy. Cô biết cách đối nhân xử thế của chồng mình, vất vả lắm mới tìm được cơ hội chỉnh đốn người khác, làm sao có thể dễ dàng buông tha Quách Diệp Nam? Có điều Quách Diệp Nam nói đúng, trên đời này người duy nhất có thể quản thúc Mặc Thâm chỉ có Hứa Tri Mẫn. Hứa Tri Mẫn quản thúc Mặc Thâm bằng cách nào ư? À, đây lại là vấn đề thuộc về bí mật khuê phòng giữa vợ chồng họ!

Rốt cuộc cũng giải quyết xong việc này, Quách Diệp Nam nới cổ áo, bất mãn ngửa mặt lên trời thở dài: Chuyện xúi quẩy nhất chính là quen biết một cô nàng tên Hứa Tri Mẫn.

3. Mặc Thâm về thăm người thân.

Buổi tối trước khi về quê cùng vợ, vợ nói thẳng với tôi: “Thâm, em biết anh có thành kiến với ba mẹ em, nhưng dù sao ông bà cũng là người sinh ra em, nuôi nấng em.”

Tôi cởi nút áo khoác: “Ừ, anh biết.”

Vợ ngồi bên giường, cả người vẫn cực kỳ căng thẳng.

Tôi ôm chầm vai em, hôn lên gương mặt em: “Sao anh làm khó ba mẹ vợ của anh được?”

Vợ tựa vào lòng tôi, mãi lâu sau chẳng nói câu nào.

Tôi cảm nhận được sự xúc động trong em, thầm nghĩ: Bí mật này cuối cùng cũng phải tháo gỡ.

Dọc đường đi, núi non trùng điệp, trời cao mây nhạt, đồng ruộng xanh ngát một màu. Vợ tựa vào vai tôi ngủ thiếp đi. Tôi lấy áo bông choàng quanh người em, cúi đầu nhìn khuôn mặt em, chợt nhớ Lương Tuyết từng nói với tôi rằng, vợ đã viết một trang bút ký trên đường về nhà, mỗi một câu mỗi một chữ trên đó đều thấm đẫm nước mắt, nội dung là em muốn dứt khoát cắt đứt quan hệ giữa hai chúng tôi.

Cậu ấy khờ muốn chết – Lương Tuyết nói vậy.

Còn tôi đau lòng đến mức không thể nói thành lời. Mọi người đều biết tôi yêu cô gái thông minh đến lạ lùng này, thi thoảng em hay cố tình tỏ ra lãnh đạm khiến người ngoài hiểu lầm em xa cách lạnh nhạt. Nhưng lần đầu gặp em tôi chỉ biết, đằng sau đôi mắt to đầy giảo hoạt đó chôn giấu một trái tim dịu dàng hơn bất cứ ai. Thế nên, điều khiến tôi thật sự rung động không phải sự thông tuệ hay kiên cường nơi em, mà chính là trái tim dịu dàng của em. Hiện tại, tôi vô cùng khao khát muốn biết hoàn cảnh nào đã gây ra cho em sự mệt mỏi quá sức chịu đựng ngay từ thời niên thiếu.

Đến cố hương, ba mẹ vợ ở nhà đã chuẩn bị bữa tiệc rượu chu đáo để đón gió tẩy trần cho vợ chồng chúng tôi. Kỳ thực, lúc đãi tiệc cưới ở thành phố R tôi đã ra mắt ba vợ mẹ vợ, hai ông bà đều là người phúc hậu thật thà, đối xử chân thành với mọi người. Cảm giác bất mãn ở tôi đã bay biến tự bao giờ. Đúng như lời Viên Hòa Đông nói, năm xưa em sinh thiếu tháng không được chăm sóc tử tế chẳng qua là do hoàn cảnh bắt buộc, không thể trách ba mẹ em.

Lần này, chúng tôi chủ yếu về thăm họ hàng của em.

Họ hàng đều ở nông thôn, chúng tôi thuê riêng một chiếc xe nhỏ chạy đến đó. Tới nơi tôi mới biết dòng họ Hứa lớn hơn nhiều so với dự đoán, nếu vợ không ở bên cạnh nhắc khẽ, tôi nghĩ nát óc cũng chẳng biết nên xưng hô ra sao với từng người bà con xa.

Chuyện khó tưởng tượng nhất là, một cô gái mới mười bảy mười tám xuân xanh đã làm vợ người khác, có hai con gái rồi lại còn nói muốn sinh thêm, sinh đến khi có con trai mới thôi.

Em nói với tôi: “Thôn em nhiều người phụ nữ sinh bốn, năm em bé lắm, cứ không phải con trai là sinh tiếp à.”

Tôi nghiêm mặt: “Làm vậy vô cùng tổn hại cho cơ thể người mẹ, còn trẻ không thấy gì, nhưng sau này già cả bị rất nhiều bệnh tật.”

Em vẫn hồn nhiên: “Anh làm em sợ quá, thôn em có mấy cụ bà hiền lành bảy tám chục tuổi, hồi xưa sinh bao nhiêu là em bé, thế mà cụ nào cụ nấy vẫn khỏe mạnh cường tráng như thường.”

Tôi đáp: “Em không đọc sách à?”

Em khinh khỉnh: “Sách gì mà sách, đọc sách phải trả tiền, đầy rẫy người học đại học mà chẳng tìm được việc kia kìa, chi bằng sinh đứa con trai, nuôi nó đến độ tuổi nhất định thì cho nó ra ngoài làm ăn buôn bán với ba nó, thế là giàu to.”

Tôi còn muốn nói nữa nhưng vợ đã kéo tôi đi. Bấy giờ tôi mới biết, lời tôi đã được ba cô sáu bà loan truyền với nhau như câu chuyện cười mới nhất, họ cười lăn cười bò, pha vào đó đủ loại câu cú chanh chua.

Cây to đón gió nghĩa là vậy đấy. Vợ đã lường trước được nên mới kiên quyết không cho tôi lái xe vào thôn.

Lúc ấy tôi còn lý lẽ: “Trong thôn cũng có người lái ô tô mà.”

Vợ thở dài: “Ô tô này không phải ô tô đó.”

Cũng phải, người lái ô tô vào thôn không phải ông chủ lớn đến bàn chuyện làm ăn thì cũng là lãnh đạo hoặc cảnh sát. Một bác sĩ lái xe hơi vào thôn không bị người ta bàn tán mới là lạ, tuy rằng xe của tôi là năm đó bác cả đưa đến nhà tôi, rồi sau ba giao lại cho tôi.

Tôi nhỏ giọng hỏi vợ: “Em nói họ anh làm nghề gì?”

Vợ hôn tôi trước khi trả lời: “Đừng giận nhé, em nói anh bây giờ là công nhân viên bị cách chức họ cũng tin.”

Thảo nào có một ông anh đến nắm vai tôi dặn dò: “Thật sự không kiếm được việc thì tìm anh, nông thôn không thể so với thành thị, nhưng người đọc sách ở nông thôn kiếm miếng ăn vẫn dễ dàng hơn.”

Trước bữa cơm tối, vợ kéo tay tôi ra ngoài đồng dạo mát.

Phía xa xa khói bếp lượn lờ, trên con đường mòn thôn quê lao xao tiếng bước chân lũ trẻ. Chúng không ăn mặc tinh tươm như trẻ con thành thị, nhưng nụ cười mộc mạc đó thật khó tìm thấy ở những đứa trẻ thành phố phải vác trên vai nhiệm vụ học tập nặng nề. Khi những đứa bé ấy đến gần tôi, đôi mắt chúng ánh lên vẻ khát vọng không chút giấu diếm, hệt như ánh mắt của vợ lần đầu đặt chân đến nhà tôi vào ngày xa xưa. Tôi nghiêng đầu nhìn vợ, vợ lại đang nhìn chăm chú gốc cây đa ven đường.

Cây đa ấy thân cành to lớn chắc khỏe, đoán chừng tuổi thọ đã cao. Tôi nói: “Không chừng ba vợ đùa em đấy…”

Vợ cười yếu ớt: “Chắc vậy, ba nói ôm em về nuôi từ dưới gốc cây này.”

Tôi nói: “Nói giỡn đấy, sự thực là mẹ vợ sinh em ra dưới gốc cây.”

Giọng vợ càng thêm chua xót: “Thâm, chuyện xưa em mới kể một nửa thôi.”

Trái tim tôi rung lên, quá khứ của vợ dần mở ra trước mắt tôi.

“Thâm, anh có biết vì sao tình cảm của em dành cho anh họ rất sâu sắc không? Lúc đó em còn rất bé, theo như anh họ em nhớ thì khi ấy em chỉ mới ba tuổi, vẫn chưa biết đường đi. Ba mẹ em đã lên thành phố công tác, chưa ổn định cuộc sống nên chưa thể về đón em, em được gởi nuôi ở nhà ông nội. Một hôm trời nhá nhem, em bị ông dắt tới dưới gốc cây này, ông nội em bảo em phải ngồi đây chờ ba đến đón. Em ngồi mãi ở đó đến tận khi tối mịt cũng chẳng thấy một ai. Ngày ấy gió thổi rất mạnh, em sợ quá òa lên khóc lớn, nhưng vẫn không người nào đến. Cuối cùng, chính anh họ đã tìm được em đang thở thoi thóp. Anh họ ở thôn gần bên, ngày đó anh nghe lời dì cả mang chút bánh ngọt qua cho em, căn bản không nghĩ sẽ gặp phải cảnh em bị người nhà họ Hứa cố ý vứt bỏ ven đường. Qua sự việc này, người nhà bên ngoại và bên nội cãi nhau một trận ầm ĩ. Cuộc sống của mẹ ở nhà họ Hứa càng thêm khó khăn, ông ngoại em không nói hai lời dẫn em về nhà ông. Ông ngoại ngậm đắng nuốt cay dưỡng dục em, bà dì thường đến giúp ông ngoại chăm sóc em. Anh họ có thể nói là ân nhân cứu mạng của em, còn ơn dưỡng dục của ông ngoại và bà dì cả đời này em chẳng thể nào đền đáp cho đủ. Vậy mà, em trơ mắt nhìn ông ngoại qua đời, tang lễ bà dì em cũng không thể có mặt. Khi tính mạng anh họ em cận kề cái chết thì anh đã cứu anh ấy. Thâm, bây giờ đứng nơi đây nhìn gốc cây này, em chỉ muốn nói rằng ‘Em yêu anh’.”

Tôi và vợ hôn nhau nồng nàn dưới tàng cây đa. Tôi tin chắc rằng mọi khổ đau đều đã qua đi, chờ đợi chúng tôi phía trước sẽ là hạnh phúc vô biên. Vững vàng nắm tay vợ, chúng tôi rời khỏi miền đất chất đầy đau thương này, trở lại tổ ấm ở thành phố R của chúng tôi.

Bôn ba suốt chặng đường dài, vợ mệt nhoài tựa vào vai tôi ngủ say sưa. Tôi ôm em thật chặt, cười ngô nghê.

Có em là vợ, đời này đã đủ.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.