Hồng Ngọc

Chương 9




Tôi ngã phịch xuống nền đá lạnh, tay vẫn cầm miếng bánh quy, hay ít ra cũng có cảm giác đó là miếng bánh quy. Xung quanh tối như mực, đen hơn cả mực. thay vì đờ ra vì kinh hoàng, thật kỳ lạ, tôi không thấy sợ hãi chút nào. Có thể nhờ những lời trấn an của ông George, cũng có thể đơn giản vì giờ đây tôi đã quen chuyện này. Tôi đút miếng bánh vào miệng (đúng là ngon thật!), rồi quờ quạng sờ chiếc đèn pin quàng trên cổ và kéo tròng dây qua đầu.

Tôi mất mấy giây để tìm được nút bật. Trong quầng sáng đèn, tôi trông thấy những giá sách, nhận ra chiếc lò sưởi (tiếc là nguội ngắt vì không nhóm lửa). Bức sơn dầu bên trên bệ lò vẫn là bức tranh tôi vừa thấy ban nãy, chân dung người vượt thời gian với mái tóc trắng uốn lọn, bá tước Gì-gì-đó. Thực ra chỉ thiếu vài cái ghê bành và bàn con, và đúng cái sofa êm ấm tôi ngồi ban nãy.

Ông George đã dặn tôi chỉ việc ngồi yên tại chỗ cho tới khi quay lại hiện tại. Lẽ ra tôi cũng đã làm thế, nếu chiếc sofa vẫn còn ở đây. Nhưng nhìn ngó ra ngoài cửa một chút có lẽ cũng chẳng hại gì.

Tôi cẩn thận dò từng bước. Cửa khóa. Cũng chẳng sao. Ít ra thì lúc này tôi không cần phải vào nhà vệ sinh gấp.

Tôi lia đèn pin quan sát khắp phòng. Biết đâu lại tìm được chỉ dẫn nào đó về năm mà tôi vừa tới. Một tấm lịch treo tường hoặc đặt trên bàn chẳng hạn.

Trên bàn ngổn ngang những cuộn giấy, sách vở, phong thư đã mở và vài hộp gỗ nhỏ. Ánh sáng đèn soi tới lọ mực và mấy chiếc bút lông ngỗng. Tôi cầm một tờ lên, chất giấy nhám và dày, nét chữ bay bướm ngoằn ngoèo khó đọc.

"Ngài tiến sĩ kính mến" trên đó ghi. "Hôm nay tôi đã nhận được thư của ngài, vậy là nó chỉ cần có chín tuần. Người ta chỉ có thể kinh ngạc về tốc độ này khi nghĩ tới chặng đường mà bản tường thuật thú vị của ngài về tình hình thuộc địa đã trải qua."

Tôi phì cười. Thư đi mất những chín tuần! Vậy mà mọi người cứ hay cằn nhằn về bưu điện Anh không đáng tin cậy. Hiểu rồi, vậy là tôi đang ở cái thời mà thư từ do bồ câu đưa. Hoặc do sên.

Tôi ngồi xuống ghế sau bàn và đọc thêm vài lá thư. Toàn chuyện nhạt nhẽo. Những cái tên cũng không gợi ra điều gì. Cuối cùng, tôi lục những chiếc hộp gỗ. Chiềc đầu tiên chứa đầy triện chạm khắc họa tiết tinh xảo. Tôi tìm dấu có hình ngôi sao mười hai cánh, nhưng ở đây chỉ toàn hình vương miện, chữ cái in lồng và hoa văn. Đẹp thật. Tôi cũng tìm thấy cả xi gắn thư đủ màu, thậm chí cả màu vàng và bạc.

Chiếc hộp tiếp theo bị khóa. Có lẽ chìa khóa nằm đâu đó trong ngăn bàn. Cuộc tìm kiếm báu vật càng lúc càng trở nên thú vị. Nếu thích thứ đang giấu trong chiếc hộp kia thì tôi sẽ cuỗm theo luôn. Chỉ để kiểm tra thôi. Tôi chả cầm theo được mẩu bánh quy đó sao? Tôi muốn mang về thứ gì đó làm quà lưu niệm cho Leslie, chắc không ai cấm.

Trong những ngăn bàn bên dưới, tôi còn tìm thấy nhiều lọ mực và bút lông ngỗng, thư từ được cất giữ cẩn thận trong phong bì, sổ ghi chép bìa cứng, một dạng dao găm, một con dao lưỡi quắm, và - chìa khóa.

Nhiều, rất nhiều chìa khóa, đủ mọi hình dáng và kích cỡ. Leslie chắc sẽ khoái lắm. Có lẽ trong căn phòng này, mỗi chìa sẽ vừa một ổ khóa, và sau mỗi ổ khóa là một bí mật nhỏ. Hoặc một báu vật.

Tôi thử vài chiếc, đủ nhỏ để đút vừa vào ổ khóa chiếc hộp kia. Nhưng không chiếc nào vừa. Tiếc thật. Trong đó có lẽ là trang sức quý giá. Hay là nẫng cả cái hộp đi luôn? Nhưng nó không tiện cầm tay và lại quá to để cho vào túi trong áo khoác.

Tôi tìm thấy một cái tẩu trong hộp tiếp theo. Một cái tẩu chạm rất đẹp, chạm khắc cầu kỳ, có lẽ bằng ngà voi, nhưng món này không hợp với Leslie. Hay là cầm cho Leslie một dấu triện? Hay con dao găm xinh đẹp? Hay một cuốn sách?

Đương nhiên tôi biết tôi không được phép ăn trộm, nhưng đây là trường hợp ngoại lệ. Tôi thấy mình có quyền được đền bù thiệt hại. Ngoài ra thì cũng cần kiểm tra hay không. Tôi không hề áy náy chút nào và tự thấy ngạc nhiên vì thường thì tôi đã cực phẫn nộ khi Leslie nếm thử quá một miếng miễn phí ở quầy đặc sản tại hiệu Harrods, hoặc - như mới đây - lúc nó hái một bông hoa ở công viện.

Tôi chỉ chưa biết nên quyết định ra sao. Con dao găm trông có vẻ giá trị nhất. Nếu mấy biên đá nạm trên cán là thật thì chắc chắn nó đang cả gia tài. Nhưng Leslie biết làm gì với một con dao găm? Có lẽ nó thích dấu triện hơn. Nhưng cái nào được nhỉ?

Tôi không phải lưỡng lự quá lâu, vì cảm giác choáng váng đã quay trở lại. Khi cái bàn trước mắt nhòe đi, tôi với vội món đồ đầu tiên trong tầm tay.

Tôi hạ cánh nhẹ nhàng bằng chân. Chói mắt vì ánh sáng ùa tới đột ngột, tôi vội thả tọt chiếc chìa khóa vừa kịp vớ lấy ở tích tắc cuối cùng vào túi áo đang đựng điện thoại rồi đưa mắt nhìn quanh. Tất cả hệt như lúc tôi còn uống trà với ông George, căn phòng ấm áp dễ chịu nhờ ngọn lửa cháy lách tách trong lò sưởi.

Nhưng ông George thì không còn một mình. Ông đang đứng thì thào với ông Falk de Villiers và ông bác sĩ White bẳn tính (và thằng nhóc tóc vàng vô hình) ở giữa phòng. Gideon de Villiers tựa hờ bên giá sách. Hắn là người đầu tiên trông thấy tôi.

"Chào em, Wendy," hắn bảo.

"Gwendolyn," tôi đáp. Trời ạ, có gì khó nhớ đâu. Tôi cũng đâu gọi hắn là Gisbert.

Ba người kia quay lại nhìn tôi chằm chằm, bác sĩ White nheo mắt ngờ vực, ông George thì vui ra mặt.

"Gần mười lăm phút đấy," ông nói. "Mọi chuyện ổn chứ, Gwendolyn? Cháu khỏe chứ?"

Tôi gật đầu.

"Có ai nhìn thấy cháu không?"

"Không có ai ở đấy. Cháu cũng không đi đâu nửa bước, đúng như ông dặn." Tôi đưa trả ông George đèn pin và nhẫn triện. "Mẹ cháu đâu ạ?"

"Ở chỗ mọi người trên kia," ông Villiers nói cộc lốc.

"Cháu muốn nói chuyện với mẹ."

"Đừng lo, cháu sẽ được nói thôi. Chốc nữa." Ông George bảo. "Nhưng trước hết… ôi, ta cũng không biết phải bắt đầu thế nào." Mặt ông rạng rỡ hết cỡ. Có gì đáng vui mừng đến thế nhỉ?

"Cháu ta, Gideon, cháu đã gặp nó rồi đấy," ông Villiers bảo. "Những gì cháu vừa trải qua thì nó đã trải qua từ hai năm trước. Tuy nhiên, nó được chuẩn bị kỹ lưỡng hơn cháu. Để học hết những gì cháu đã lỡ mất trong thời gian qua thì khó đấy."

"Khó? Tôi cho là không thế nào thì đúng hơn," bác sĩ White nói.

"Cũng không cần lắm," Gideon bảo, "Tự cháu làm còn tốt hơn”

"Để xem," ông Villiers bảo,

"Tôi cho là mọi người đánh giá thấp con bé đấy," ông George nói. Ông ấy cất giọng trinh trọng, du dương: "Gwendolyn Shepherd! Giờ cháu đã là một phần của một điều bí mật ngàn đời. Đã đến lúc cháu học cách hiểu điều bí ẩn này. Trước tiên cháu nên biết..."

"Chúng ta không nên vội vã quá mức," bác sĩ White ngắt lời. "Có lẽ nó mang gien này thật, nhưng điều đó không có nghĩa là có thể tin được nó."

"Hoặc không có nghĩa là cô ấy hiểu chuyện," Gideon phụ họa.

A ha! Rõ ràng hắn cho rằng tôi hơi thiểu năng trí tuệ đây.

Một thằng cha cao ngạo ngu xuẩn.

"Ai mà biết được con bé được mẹ nó bày cho những gì," bác sĩ White nói. "Và ai mà biết mẹ nó lại nhận lệnh này từ ai. Chúng ta chỉ còn một máy đồng hồ duy nhất, do đó không được phép phạm thêm một sai lầm nào nữa. Tôi chỉ muốn nhắc các ông vậy."

Ông George trông cứ như vừa bị bạt tai." Người ta đúng là có thể phức tạp hóa mọi chuyện một cách không cần thiết," ông làu bàu.

"Giờ tôi sẽ đem con bé vào phòng trị liệu," bác sĩ White nói. "Đừng để bụng nhé, Thomas. Sau này vẫn còn đủ thời gian để giải thích mà."

Tôi lạnh cả sống lưng khi nghe những lời này. Cái mà tôi ớn nhất chính là phải một thân một mình cùng lão bác sĩ phù thủy này vào phòng trị liệu. "Cháu muốn gặp mẹ cơ," tôi nói, thừa biết nguy cơ bị coi là một đứa con nít.

Gideon tặc lưỡi khinh khỉnh.

"Không có gì phải sợ đâu, Gwendolyn," ông George đảm bảo. "Chúng ta chỉ cần một chút máu, vả lại bác sĩ White là người lo liệu về vấn đề sức đề kháng và sức khỏe của cháu. Trong quá khứ, tiếc là lúc nào cũng đầy rẫy những mầm bệnh nguy hiểm mà cơ thể con người thời chúng ta không hề biết đến. Mất vài phút thôi mà."

Liệu ông ấy có biết những gì ông ấy vừa nói nghe kinh khủng thế nào không? Chúng ta chỉ cần một chút máu… và lại còn…vài phút thôi - ôi trời đất ơi!

"Nhưng mà cháu không… cháu không muốn ở một mình với bác sĩ phù… White," giờ thì tôi bất chấp lão già kia có cho là tôi bất lịch sự hay không. Nói đúng ra thì bản thân ông ta cũng đâu có ứng xử có văn hóa. Còn Gideon thì - hắn muốn nghĩ tôi thế nào cũng được!

"Bác sĩ White không đến nỗi… vô cảm như cháu tưởng đâu," ông George bảo. "Cháu thật sự không cần phải…"

"Có, nó cần đấy." bác sĩ White gầm gừ.

Bây giờ thì tôi dần cảm thấy lộn ruột. Cái lão xương xẩu kia nghĩ lão là ai kia chứ? Trước hết lão cần biết cách mua một bộ com lê chuẩn màu đã!

"Hừ, thế hả? Thế ông định làm gì nếu tôi không chịu nào?" tôi vặc lại, đồng thời phát hiện ra sau cặp kính gọng đen kia là đôi mắt đỏ tấy đang hằm hè nhìn tôi.

Bác sĩ gì mà lạ thế, tôi nghĩ. Tự chữa cho mình còn chẳng xong.

Trước khi bác sĩ White kịp nghĩ sẽ làm gì tôi nếu tôi không chịu (trí tưởng tượng của tôi đã thần tốc vẽ ra vài chỉ tiết kinh dị) thì ông Villiers bất ngờ xen ngang khiến tôi nhẹ người. "Tôi sẽ báo cho bà Jenkins," giọng ông như không chấp nhận bất cứ phản đối nào. "Ông George sẽ đi cùng."

Tôi đắc thắng nhìn lão bác sĩ, chỉ thiếu điều lè lưỡi chọc tức, nhưng lão tảng lờ.

"Nửa tiếng nữa chúng ta sẽ gặp lại nhau trên Long điện," ông Villiers nói tiếp.

Tuy không muốn, nhưng ra đến cửa tôi vẫn quay người lại thật nhanh về hướng Gideon để xem sự đắc thắng của tôi trước bác sĩ White có gây ấn tượng gì với hắn hay không. Hình như không, vì hắn đang ngắm chân tôi. Có lẽ hắn đang so sánh chúng với chân Charlotte.

Bực quá! Chân Charlotte dài và thanh hơn. Và chắc bắp chân cũng không bị trầy xước do phải bò toài giữa đống đồ đạc và cá sấu nhồi trấu đêm qua.

Phòng trị liệu của bác sĩ White trông giống như bất cứ phòng khám nào. Sau khi khoác chiếc áo choàng trắng lên bộ com lê đen và rửa tay kỹ càng thì trông lão cũng không khác bất cứ một bác sĩ nào. Chỉ có thằng nhóc tóc vàng hồn ma bên cạnh lão là trông có chút khang khác.

"Bỏ áo khoác ra, xắn tay lên," bác sĩ White bảo.

Ông George dịch lại: "Cháu chịu khó cởi áo khoác của cháu ra và xắn tay áo lên nào."

Hồn ma bé nhỏ thích thú quan sát. Lúc tôi nhoẻn miệng cười, nó lập tức trổn sau bác sĩ White, chỉ để một giây sau lại ló ra. "Chị nhìn thấy em?"

Tôi gật đầu.

8.1

"Ngoảnh mặt đi," bác sĩ White gầm gừ thắt băng quanh cánh tay tôi.

"Tôi không sợ nhìn thấy máu đâu," tôi bảo. "Ngay cả khi đó là máu của tôi."

"Những người khác không nhìn thấy em," hồn ma bé nhỏ báo.

"Biết rồi," tôi bảo. "Gwendolyn đây. Thế còn tên…?"

"Với cô thì vẫn cứ là bác sĩ White thôi," bác sĩ White bảo.

"Em là Robert," hồn ma nói.

"Tên hay đấy," tôi bảo.

"Cảm ơn," bác sĩ White nói. "Còn cô thì có nhiều ven hay đấy." Tôi gần như không hề cảm thấy vết kim đâm. Bác sĩ White thận trọng rút đầy một xi lanh máu. Rồi lão đổi xi lanh đầy lấy một chiếc mới và lần này cũng lại rút đầy.

"Con bé không nói chuyện với anh đâu, Jake," ông George nói.

"Không? Thế thì với ai?"

"Với Robert," tôi bảo.

Bác sĩ White ngẩng phắt lên. Lần đầu tiên lão nhìn tôi trực diện. "Cái gì?"

"À, không có gì," tôi đáp.

Bác sĩ White lẩm bẩm điều gì đó khó nghe. Ông George nhìn tôi và mỉm cười đầy ẩn ý.

Có tiếng gõ cửa. Bà thư ký Jenkins với cặp kính dày như đít chai bước vào.

"À, cuối cùng thì bà cũng tới," bác sĩ White bảo. "Anh biến đi được rồi đấy, Thomas. Bây giờ bà Jenkins sẽ đóng vai quan sát viên. Bà có thể ngồi ở ghế đằng kia. Nhưng làm ơn ngậm miệng lại cho tôi."

"Quả là con người lịch thiệp, vẫn như mọi khi," bà Jenkins nói, nhưng vẫn ngoan ngoãn ra ngồi chiếc ghế được chỉ định.

"Chúng ta sẽ gặp lại ngay thôi," ông George bảo. Ông giơ một xi lanh đầy máu lên xem và mỉm cười: "Ta đi bơm đây".

"Cái máy đồng hồ ấy ở đâu? Và trông nó như thế nào?" tôi hỏi, khi cánh cửa khép lại sau lưng ông George. "Người ta có thể ngồi vào trong đó không?"

"Người cuối cùng hỏi ta kỹ càng về cỗ máy đồng hồ cũng là người hai năm sau đã nẫng mất nó." Bác sĩ White rút mũi tiêm ra khỏi tay tôi và ấn miếng gạc vào vết kim đâm. "Chắc cô hiểu được vì sao ta không có hứng thú trả lời những câu hỏi như thế chứ."

"Cỗ máy đồng hồ đã bị đánh cắp?"

Hồn ma nhí Robert gật đầu lia lịa.

"Do chính người chị họ đáng yêu vô cùng của cô đấy." Bác sĩ White bảo. "Ta vẫn còn nhớ rất rõ lần đầu tiên khi con bé ngồi đây. Trông nó cũng ngơ ngơ vô hại như cô bây giờ."

"Chị Lucy rất dễ thương," Robert bảo. "Em thích chị ấy." Và bởi cậu nhóc là ma nên đối với nó, có lẽ trông thấy chị Lucy lần cuối chỉ như vừa mới hôm qua.

"Chị Lucy đã lấy cắp cỗ máy đồng hồ? Vì sao lại thế?"

"Làm sao mà ta biết được? Có lẽ là do chứng tâm thần phân liệt," bác sĩ White gầm gừ. "Hẳn là gien di truyền của gia đình cô. Nhà Montrose, toàn một lũ đàn bà con gái điên rồ. Lucy thì ngoài điểm này còn sở hữu một tố chất lưu manh kha khá nữa."

"Bác sĩ White!" bà Jenkins bảo. "Điều này không đúng chút nào!"

"Tôi dặn bà ngậm miệng rồi hay chưa nhỉ?" bác sĩ White bảo.

"Nhưng nếu chị Lucy đã lấy cắp cỗ máy đồng hồ thì làm sao nó lại đang ở đây được?" tôi hỏi.

"Ừ, làm sao mà nó ở đây được cơ chứ?" Bác sĩ White tháo dây chằng ra khỏi tay tôi. "Tinh nhỉ! Bởi vẫn còn một cỗ máy thứ hai. Lần cuối cùng tiêm phòng uốn ván là khi nào?"

"Tôi không biết. Vậy là có nhiều máy đồng hồ?"

"Không, chỉ có hai chiếc thôi," bác sĩ White bảo. "Xem ra thì cô không hề chủng đậu." Lão gõ gõ kiểm tra bắp tay tôi. "Có bệnh kinh niên nào không? Dị ứng gì không?"

"Không. Mà tôi cũng chưa được tiêm phòng dịch hạch. Phòng dịch tả. Hoặc đậu mùa." Tôi buộc phải nhớ đến James. "Liệu người ta có thể tiêm phòng đậu mùa được không? Tôi đoán là một người bạn của tôi đã mất vì bệnh này."

"Ta thì không hề nghĩ thế," bác sĩ White bảo. "Tiêm phòng đậu mùa và chủng đậu là một. Từ lâu lắm rồi, không ai phải chết vì bệnh này."

"Bạn tôi cũng đã qua đời từ lâu lắm rồi."

"Lâu nay tôi vẫn tưởng đậu mùa là tên khác của bệnh sởi," bà Jenkins bảo.

"Còn tôi thì tưởng chúng ta đã nhất trí rằng bà sẽ giữ im lặng chứ, bà Jenkins."

Bà Jenkins im bặt.

"Vì sao ông lại kém thân thiện đối với tất cả mọi người đến thế chứ?" tôi hỏi. "Ối, đau quá!"

"Chỉ nhói như kiến cắn thôi." Bác sĩ White bảo.

"Đó là cái gì đấy?"

"Cô không muốn biết đâu, tin ta đi."

Tôi thở dài. Hồn ma bé nhỏ Robert cũng thở dài. "Ông ta lúc ào cũng vậy à?" tôi hỏi nó.

"Phần lớn là như thế," Robert đáp.

"Ông ấy không có ý vậy đâu," bà Jenkins bảo.

"Bà Jenkins!"

"Tôi biết rồi."

"Trước mắt thì xong rồi. Lần sau ta sẽ có kết quả giám định máu và biết đâu bà mẹ tuyệt vời của cô lại chịu nộp ra sổ tiêm chủng và y bạ cũng nên."

"Tôi chẳng bao giờ ốm. Tôi vừa được tiêm phòng dịch hạch?"

"Không, mà có tiêm cũng chẳng lợi lộc gì cho lắm. Thuốc chỉ có tác dụng sau nửa năm, lại kéo theo khá nhiều phản ứng phụ. Theo như ta thấy thì dù sao cô cũng chẳng bao giờ phải trở về năm dịch bệnh nào đâu. Mặc áo vào được rồi đấy. Bà Jenkins sẽ đưa cô lên chỗ mọi người. Ta sẽ tới chậm một phút."

Bà Jenkins nhỏm dậy. "Đi nào, Gwendolyn. Chắc cháu cũng đói, sắp có đồ ăn rồi. Bà Mallory hôm nay làm món bê rán và măng tây. Ngon lắm đấy."

Đúng là tôi đói thật. Thậm chí đối với cả món bê rán và măng tây mà bình thường tôi chẳng ham hố gì.

"Cháu biết không, thực ra bác sĩ là một người rất nhân hậu," bà Jenkins bảo khi cùng tôi lên trên. "Chỉ có điều ông ấy khó biểu lộ sự thân thiện."

"Vâng, đúng thế."

"Ngày trước ông ấy khác lắm, lúc nào cũng vui tươi. Tuy hồi đó ông ấy cũng toàn mặc com lê đen kinh hãi, nhưng ít ra còn dùng cà vạt nhiều màu. Đó là trước khi đứa con trai nhỏ của ông ấy mất... thật bi thảm. Từ đó, ông ấy cứ như biến thành một người khác"

"Robert."

"Đúng thế, thằng bé tên là Robert," bà Jenkins bảo. "Ông George kể cho cháu nghe rồi à?"

"Không ạ"

"Một thằng bé tuyệt vời. Nó bị chết đuối trong bể bơi tại một buổi tiệc sinh nhật, người ta phải hình dung ra cảnh ấy mới biết." Bà Jenkins vừa đi vừa tính số năm trên đầu ngón tay. "Đã mười tám năm. Tội nghiệp ông bác sĩ quá."

Tội nghiệp Robert. Nhưng ít ra thì trông cậu bé không giống một cái xác chết trương. Có những hồn ma lại lấy làm thích thú khi chạy loăng quăng với bộ dạng lúc họ chết. May mà tôi chưa bao giờ gặp phải ai với lưỡi rìu mắc trong đầu. Hoặc cụt đầu.

Bà Jenkins gõ lên một cánh cửa. "Chúng ta ghé qua chỗ Madame Rossini đã. Bà ấy còn phải đo người cho cháu."

"Đo người? Để làm gì ạ?" Nhưng căn phòng bà Jenkins đẩy tôi vào đã cho tôi câu trả lời: Một phòng may, và ở ngay giữa đống vải vóc, quần áo, máy khâu, hình nộm, kéo và chỉ, là một người đàn bà tròn trịa có mái tóc hung to sụ đang tười cười chào tôi.

"Chào cháo." Bà nói giọng Pháp lơ lớ. "Cháo hẳn là Gwendolyn. Ta là Madame Rossini, người lo trang phục cho cháo." Bà ấy giơ thước đo lên. "Không thể để cháu chạy loăng quăng ở thời đó trong bộ đôồng phục hoọc sinh kủng kiếp này được, phải không?"

Tôi gật đầu. Bộ đôồng phục hoọc sinh, như Madame này phát âm, quả thực rất kủng kiếp, ở thời đại nào cũng vậy.

"Nếu ra phố thời đó trong bộ đồ này, có thể cả phố xé xúm đông xúm đỏ lại xem," bà ấy nói và vặn tay. Cùng với thước đo.

"Rất tiếc là chúng tôi rất vội, họ đợi chúng tôi ở trên," bà Jenkins bảo.

"Tôi làm nhanh thôi. Cháu có thể cởi áo khoác ra không?" Madame Rossini quấn thước quanh eo tôi. "Tuyệt vời. Giờ đến mông. Ôi, giống như một con ngựa non. Ta nghĩ là nếu chỉnh sửa đây đó một chút, chúng ta có thể dùng được nhiều thứ mà ta đã chuẩn bị cho cô bé kia."

Cô bé kia chắc hẳn là Charlotte. Tôi ngắm chiếc váy phớt vàng đính đăng ten trắng trong suốt treo trên cột mắc áo, trông cư như lấy từ kho phục trang của Kiêu hãnh và định kiến. Chắc chắn trông Charlotte tuyệt đẹp khi mặc bộ này.

"Chị Charlotte cao và gầy hơn cháu," tôi bảo.

"Ừ, một chút thôi," Madame Rossini nói, "con bé gầy giơ xương sườn." ( Bà ấy phát âm thành giơ xương sườn làm tôi bật cười. "Nhưng không vấn đề gì." Bà ấy đo cả vòng cổ và kích thước đầu tôi. "Để làm mũ và tóc giả," Madame Rossini mỉm cười. "Tốt quá, được may trang phục cho một cô bé tóc đen để đổi gió. Với các cô tóc đỏ, người ta phải rất cẩn thận trong việc lựa chọn màu sắc. Từ nhiều năm nay, ta đã để dành một cây vải mỏng cực đẹp, trông cứ như mặt trời đang lặn. Cháu có thể sẽ là người đầu tiên hợp với màu này…"

"Madame Rossini, làm ơn!" Bà Jenkins chỉ tay lên đồng hồ.

"Rồi, rồi, tôi xong ngay đây," Madame Rossini cầm thước đo xoay tít quanh người tôi, thậm chí bà còn đo cả gót chân. "Mấy ông kia lúc nào cũng vội vội vàng vàng! Nhưng với thời trang và cái đẹp thì không vội được đâu." Cuối cùng bà ấy cũng trìu mến phát yêu tôi một cái rồi bảo: "Tạm biệt thiên nga cao cổ."

Tôi chợt nhận ra bà ấy hình như không có chút xíu cổ nào. Đầu Madame Rossini có vẻ như được đặt trực tiếp lên vai. Nhưng bà ấy thật đáng yêu.

"Hẹn lát nữa gặp lại bà, Madame Rossini."

Tôi vất vả lắm mới theo kịp, dù bà ấy đi giày cao gót còn tôi thì chỉ xỏ một đôi thể thao xanh sẫm, dễ đi và thô kệch.

"Sắp tới nơi rồi." Và một hành lang vô tận lại trải ra trước mắt. Khó tin là có người thuộc đường trong cái mê cung này.

"Bà sống ở đây ạ?"

"Không, ta ở Islington," bà Jenkins nói. "Đến năm giờ chiều là ta xong việc. Sau đó ta về nhà với chồng thôi."

"Chồng bà nói gì về chuyện bà làm việc cho một hội kín có giấu một cỗ máy đồng hồ dưới tầng hầm?"

Bà Jenkins bật cười. "Ồ, ông ấy chẳng hề biết gì hết. Trong hợp đồng làm việc, ta đã ký điều khoản giữ bí mật. Ta không được kể cho chồng hay bất cứ ai về những chuyện đang diễn ra ở đây."

"Nếu không thì sao?" Có lẽ trông bốn bức tường này đã chôn hàng tá các cô thư ký mau mồm mau miệng rồi cũng nên.

"Nếu không thì ta sẽ mất việc," bà Jenkins nói, nghe như thể chẳng hề thích hình ảnh này chút nào. "Có kể thì cũng sẽ chẳng ai tin ta đâu," bà vui vẻ nói thêm. "Nhất là chồng ta. Ông già tốt bụng ấy chẳng hề có chút trí tưởng tượng nào. Ông ấy chỉ nghĩ ta đang hành xác trong đống hồ sơ chán ngắt tại một văn phòng luật sư hoàn toàn bình thường... Ấy chết, hồ sơ!" Bà Jenkins ngừng bước. "Ta để quên chúng rồi! Bác sĩ White sẽ giết ta mất." Bà ấy lưỡng lự nhìn tôi. "Cháu tự đi mấy bước cuối được không? Cuối đường rẽ trái, vào cửa thứ hai bên phải."

"Cuối đường rẽ trái, vào cửa thứ hai bên phải, không vấn đề gì đâu ạ."

"Cháu đúng là một báu vật!" Bà Jenkins thoăn thoắt chạy mất. Thật không hiểu nối bà ấy làm thế nào chế ngự được đôi giày cao gót kia. Ngược lại, giờ tôi có thể thong thả đi mấy bước cuối cùng. Và cuối cùng thì tôi cũng được rảnh rỗi chiêm ngưỡng những bức họa trên tường (đã phai màu), gõ gõ một bộ áo giáp hiệp sĩ (hoen gỉ) và thận trọng di ngón tay lên một khung tranh (phủ bụi). Ở đoạn rẽ cuối đường tôi nghe thấy tiếng người.

"Charlotte, em đợi đã."

Tôi vội lui bước, áp lưng vào tường, còn kịp nhìn thấy Charlotte bước ra khỏi Long điện, Gideon theo sau, quàng tay cô nàng. Hy vọng là họ không phát hiện ra tôi.

"Thật xấu hổ và nhục nhã đến chết được," Charlotte nói.

"Không, không phải vậy. Em đâu có lỗi." Giọng hắn mà cũng có thể êm ái và thân thiện đến thế cơ đấy.

Hắn phải lòng cô nàng, tôi nghĩ và không biết vì lý do ngu xuẩn gì, điều này khiến tôi nhói lòng. Tôi càng áp sát hơn vào tường dù rất muốn nhìn xem hai người họ đang làm gì. Đang nắm tay nhau?

Có vẻ như không cách nào ai ủi nổi Charlotte. "Triệu chứng giả tưởng! Em đến chui xuống đất mất. Em thực đã tin là chuyện đó có thể xảy ra bất cứ lúc nào..."

"Nếu là em thì tôi cũng nghĩ hệt như thế," Gideon nói. "Dì của em có lẽ điên rồi khi giữ im lặng suốt chừng ấy năm. Còn cô em họ em thì thật đáng thương."

"Anh nghĩ vậy?"

"Thử nghĩ mà xem! Cô ấy biết làm thế nào bây giờ? Cô ấy không biết một chút gì... làm sao mà học kịp những gì chúng ta đã học được trong suốt mười năm qua?"

"Đúng vậy, tội nghiệp Gwendolyn," Charlotte nói, nhưng nghe không có vẻ gì thương xót lắm. "Nhưng em ấy cũng có những thế mạnh của mình."

Ồ! Chị ta cũng dễ thương đấy chứ!

"Ví dự như cười hú hí với bạn gái, gửi SMS hoặc kể vanh vách danh sách diễn viên các bộ phim. Những chuyện đấy thì em ấy là khá lắm.”

Thì ra chẳng dễ thương gì!

Tôi rón rén ló đầu ra nhòm.

"Ừ," Gideon bảo. "Lúc nãy, lần đầu tiên trông thấy cô ấy, tôi cũng nghĩ hệt như vậy. Này, tôi sẽ nhớ em lắm - ví dụ như khi học đấu kiếm chẳng hạn."

Charlotte thở dài. "Chúng ta đã rất vui, phải không?"

"Ừ. Nhưng thử nghĩ về những cơ hội em sẽ có từ nay, Charlotee! Tôi thấy ganh tị với em đấy! Bây giờ em được tự do và có thể làm bất cứ điều gì em muốn."

"Nhưng em chưa bao giờ muốn gì khác ngoài chuyện này!"

"Đúng, nhưng bởi em không có lựa chọn nào khác," Gideon bảo. "Còn bây giờ, cả thế giới đang mở rộng đón em – em có thể đi du học hay du lịch bao lâu tùy thích, trong khi tôi thì không ngày nào được rời cái máy đồng hồ chết... và qua đêm ở năm 1953. Tin tôi đi – ước gì tôi được đổi chỗ cho em!"

Cửa Long điện lại bật mở, quý bà Arista và bác Glenda bước ra hành lang. Tôi lại rụt vội cổ vào.

"Rồi họ sẽ phải ân hận," bác Glenda nói.

"Glenda, xin con! Chúng ta là người một nhà," quý bà Arista nói, "cần phải đoàn kết với nhau."

"Mẹ đi mà nói với Grace," bác Glenda bảo. "Nó mới là chính là đứa đẩy chúng ta vào tình huống trớ trêu này. Bảo vệ! Hứ! Không đầu óc bình thường nào lại tin nổi một lời của nó! Nhất là sau tất cả những gì xảy ra. Nhưng giờ thì đây cũng không còn là vấn đề của chúng ta nữa. Đi thôi Charlotte."

"Con tiễn cô ra xe," Gideon nói.

Đồ nịnh bợ!

Tôi chờ cho tới khi tiếng chân họ khuất hẳn rồi mới rời ổ phục kích. Quý bà Arista vẫn đứng đó, tay mệt mỏi xoa trán. Đột nhiên trông bà già sọm hẳn đi và không giống như mọi khi, tất cả những vẻ nghiêm khắc như của một cô giáo dạy ba lê dường như đã rời bỏ bà, ngay cả nét mặt bà cũng thoáng chút bất ổn. Tôi thấy thương bà.

"Bà ơi," tôi gọi khẽ. "Bà không sao chứ?"

Ngay lập tức bà ngoại lại vươn thẳng người. Có vẻ như tất cả những chiếc gậy đã nuốt lại trở về đúng vị trí.

"Cháu đây rồi," bà ngoại bảo. Ánh mắt soi xét của bà dừng lại trên chiếc áo sơ mi tôi đang mặc. "Cái gì như vết bẩn thế kia? Cháu à, cháu thật sự phải học cách chú trọng vẻ ngoài hơn một chút."

*******************************

Khoảng cách giữa mỗi lần vượt thời gian trở về quá khứ - mà không được máy đồng hồ điều tiết – của mỗi người mang gien một khác. Dựa trên những quan sát của mình, bá tước Saint Germain đã đi tới kết luận rằng phụ nữ mang gien thường vượt thời gian ít và ngắn hơn so với đàn ông mang gien, nhưng theo ghi chép có được đến nay, chúng ta không còn khẳng định thế nữa được nữa. Từ lúc bắt đầu được ghi chép lại, những lần vượt thời gian không kiểm soát thường kéo dài khoảng từ tám phút mười hai giây (cú vượt tự thân của Timothy de Villiers, ngày 5 tháng Năm năm 1892) cho tới hai tiếng bốn phút (cú vượt lần thứ hai của Margaret Tilney, ngày 22 tháng Ba năm 1894).

Cửa sổ thời gian mà cỗ máy đồng hồ ấn định cho những lần trở về quá khứ kéo dài ít nhất ba mươi phút, nhiều nhất là bốn tiếng.

Người ta không biết liệu đã từng có những cú vượt thời gian không kiểm soát về chính thời minh đang sống hay không. Bá tước Saint Garmain, trong những ghi chép của mình, cho rằng điều này là không thể, do tính liên hoàn (xem Tập III, Định luật liên hoàn).

Chế độ cài đặt của máy đồng hồ cũng khiến cho việc quay trở về chính thời mình đang sống là không thể.

Trích Biên niên sử Đội cận vệ,

Tập II: Những định luật phổ quá

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.