Hồng Bào Quái Nhân

Chương 27: Trong tửu lâu nghe tin ngoại tổ




Thiếu niên nắm chặt hai tay Du Hữu Lượng nói:

- Mong rằng Du huynh hết sức trân trọng.

Du Hữu Lượng thấy khóe mắt gã đầy vẻ thành khẩn, chẳng khác gì các tướng ở Viên quân lúc từ biệt chàng. Chàng càng sợ run nghĩ thầm:

- Lòng người thật nham hiểm không biết đến đâu mà lường!

Đối với gã thiếu niên chàng càng thêm phần thận trọng.

Sau khi ân cần từ biệt thiếu niên, Du Hữu Lượng cùng Bạch Y Nữ xuống núi ra đi.

Bạch Y Nữ đã thuộc hết đường ngang ngõ tắt trên núi Trường Bạch, liền dẫn Du Hữu Lượng đi theo ngả đường ngắn nhất.

Trong lòng mỗi người đi theo ý nghĩ riêng, không ai nói câu gì.

Hai người lặng lẽ cất bước dưới ánh trăng soi. Ngọn gió đêm quạt vào mặt mát rượi.

Du Hữu Lượng bụng bảo dạ:

- Ta từng nghe Đa Nhĩ Cổn là một thiếu niên hào kiệt ở Mãn Châu, tài năng xuất chúng. Gã được coi như một cây cột chống trời của Hoàng Thái Cực. Gã này chí khí to lớn, tâm tư thận mật. Sau này tất gã thành mối đại hoạn cho triều đình ta ở Trung Nguyên.

Thiếu nữ lẳng lặng đi hồi lâu. Sau nàng không nhẫn nại được nữa liền lên tiếng trước:

- Này! Du... Du công tử! Công tử đã kiếm được con sâm vương ngàn năm chưa?

Du Hữu Lượng lắc đầu đáp:

- Tại hạ đã nắm được vào tay nhưng rồi nó lại trốn mất.

Thiếu nữ hỏi:

- Phải chăng công tử đã dùng bàn tay chụp lấy nó?

Du Hữu Lượng nghĩ tới lần trước đã thừa cơ sang đoạt sâm vương, tình hình bữa trước cũng chẳng khác bữa nay mấy, nhưng không được may mắn như bữa nay, chàng không khỏi nhăn nhó cười nói:

- Cô nương thật là người thông tuệ. Chắc Thượng Đế muốn phạt tại hạ ngồi dưng ăn phần, nên không để sâm vương lọt vào tay một cách dễ dàng.

Rồi chàng đem màn kịch đêm trước thuật lại cho Bạch Y Nữ nghe.

Bạch Y Nữ ủa một tiếng rồi nói:

- Tiểu muội tưởng công tử kiếm được sâm vương rồi mới lên núi Trường Bạch bắt linh man. Công tử chẳng hiểu gì thì lại mấy phen tự nhiên mà gặp. Ha ha!

Tệ Cửu ca nói đúng lắm. Thật là... thật là...

Du Hữu Lượng thấy cô vừa nói vừa cười, thái độ rất ngây thơ. Chàng động tâm, giả vờ hỏi:

- Cô nương bảo thật là... làm sao?

Bạch Y Nữ khịt mũi đáp:

- Chà! Công tử tự biết rồi.

Du Hữu Lượng nói:

- Kẻ khù khờ lại được nhiều hạnh phúc đưa tới. Bây giờ xuống núi Trường Bạch vào tới thị trấn nhiệt náo, không hiểu còn bao nhiêu người tức chết đi được.

Bạch Y Nữ hỏi:

- Tại sao vậy?

Du Hữu Lượng cười đáp:

- Có cô nương là người đẹp như hoa đi theo, chắc người ta bảo mèo mù vớ được cá rán, hay cóc ghẻ ăn thịt ngỗng trời... rồi họ la trời không mắt khiến cho người đời tức chết đi được.

Bạch Y Nữ thẹn đỏ mặt lên nhưng trong lòng rất cao hứng hỏi:

- Thế thì nguy hiểm cho chàng ngốc lắm phải không?

Du Hữu Lượng cười đáp:

- Đúng thế! Nếu họ xúm vào tấn công thì thật là bất diệu. Chàng ngốc được hưởng nhiều diễm phúc thì có mất dạng cũng cam tâm mà chết ở dưới gốc mẫu đơn. Ha ha...

Chàng nói câu sau cùng nhận thấy có điều sơ ý liền quay lại ngó Bạch Y Nữ thì thấy cô lông mày rủ xuống, ngây người ra mà nghe. Chàng kinh hãi nghĩ thầm:

- Ta nói đùa thế là quá đáng. Thật là quá đáng!

Lòng chàng run lên vì tự biết mình mỗi lúc một xích gần vào thiếu nữ và đã giở giọng lém lảu với cô.

Bạch Y Nữ nói:

- Công tử nói hay quá. Không trách Cửu ca khoái công tử lắm.

Du Hữu Lượng cảm thấy lời nói của thiếu nữ càng thêm thân cận, bất giác tự trách:

- Du Hữu Lượng hỡi Du Hữu Lượng! Người lừa gạt người ta nhiều rồi, nhưng lừa gạt thiếu nữ khả ái này thì không nên.

Chàng liền lẳng lặng im tiếng. Hai người lại tăng gia cước lực đi nhanh một hồi.

Bạch Y Nữ nhìn địa thế rồi nói:

- Đến lúc trời sáng thì chúng ta xuống tới chân núi.

Du Hữu Lượng hỏi:

- Ban đêm đi đường vừa tĩnh mịch vừa mát mẻ hơn ban ngày. Đến ngày cô nương lại vào trong quan ải, lần trước ngắm cảnh chưa đã ư?

Bạch Y Nữ đưa mắt ngó Du Hữu Lượng. Chàng vội nhìn về phía trước. Sau một lúc mới nghe nàng cất tiếng hỏi:

- Du công tử! Lệnh muội hiện giờ ở đâu!

Du Hữu Lượng thở dài đáp:

- Lần trước tại hạ đi đoạt sâm vương, để y ở trong sơn động. Sâm vương chẳng lấy được, muội tử lại mất tích. Hiện giờ y sống chết chưa hay. Hỡi ơi! Một lời không nói hết được.

Bạch Y Nữ cất giọng ôn nhu an ủi:

- Không sao đâu. Khí vận của lệnh muội rất tốt, nhất định phùng hung hóa cát.

Du Hữu Lượng sửng sốt nói:

- Té ra cô nương chẳng những tinh thông y đạo, mà tướng thuật cũng cao minh, thật khiến cho người ta cũng phải khâm phục.

Bạch Y Nữ nói:

- Y bốc hay tướng thuật đối với người bàng quang mới rõ. Còn coi những việc đã liên can đến mình, không khỏi thiên lệch, nên không linh nghiệm được.

Du Hữu Lượng gật đầu khen là cao kiến.

Bạch Y Nữ lại nói:

- Xưa Tôn Võ theo Quỷ Cốc tiên sư. Quỷ Cốc là ông tổ về bói toán trong thiên hạ, vậy đệ tử của tiên sinh đâu phải hạng kém cỏi mà cũng không thể tìm được hạnh phúc cho mình. Kết quả Tôn Võ bị chặt chân. Thế mới biết người tính không bằng trời định.

Du Hữu Lượng bình sinh rất thích học hỏi. Người khác giỏi hơn chàng điều gì chẳng những chàng không ghen ghét mà còn nhất tâm cầu giáo. Đó là một ưu điểm lớn của trời ban cho, trong muôn ngàn người khó tìm được một.

Chàng không ngớt nhìn Bạch Y Nữ cầu giáo. Bạch Y Nữ cho rằng chàng thích thú về bói toán, liền kể ra những thiên cố sự và đề cập đến những sự ảo diệu bên trong. Nhưng bói dịch là một môn học rất tinh thâm, Du Hữu Lượng lắng tai nghe như hiểu như không, miệng vâng vâng, dạ dạ. Chàng thấy thiếu nữ thành thật với mình, trong lòng rất cảm kích, những ý nghĩ đề phòng dần dần tiêu tan.

Hai người vừa đi vừa nói chuyện thành ra chậm lại.

Du Hữu Lượng nghĩ thầm trong bụng:

- Đêm dài dằng dặc, nếu không có cô này trò chuyện thì ta buồn đến chết.

Đêm đã hầu tàn. Các chòm sao dần dần lặn về phía tây.

Bạch Y Nữ học vấn rộng rãi, giọng nói lại ngọt ngào khiến người nghe quên cả mệt nhọc. Người nàng tiết ra mùi hương thoang thoảng làm cho kẻ sóng vai tinh thần rất thư thái.

Du Hữu Lượng tự nhủ:

- Cô này ở Vương tộc nhà Mãn Thanh, nhưng Hán học rất sâu rộng. Ta là kẻ thư sinh đi khảo thí thật không đáng giá một đồng. Đời sinh ra con người thông minh tài trí, bất cứ để ở địa phương nào cũng siêu quần xuất chúng.

Hai người đi đến lúc trời sáng thì xuống tới đường lớn. Những nhà nông cần cù đã bắt đầu xuống ruộng canh tác.

Hai người lại đi hơn một giờ nữa, mặt trời đã mọc cao, chợt gặp một tòa thị trấn, liền vào ăn cơm. Thiếu nữ kiếm một khách sạn sạch sẽ, mướn hai phòng để vào nghỉ ngơi.

Hai người nói chuyện suốt đêm nên nằm xuống đã ngủ ngay. Khi tỉnh dậy, Du Hữu Lượng nghe có tiếng gõ cửa. Chàng rửa mặt thật lẹ rồi ra mở thì thấy Bạch Y Nữ bữa nay đổi mặc bộ áo chẽn màu lục, coi rất lanh lẹn.

Du Hữu Lượng hỏi:

- Cô nương vội lên đường phải không?

Thiếu nữ cười hì hì đáp:

- Công tử thử xem bây giờ là bao giờ? Công tử ngủ chưa đủ chăng?

Du Hữu Lượng mở cửa sổ trông chiều trời thì đã quá ngọ, liền nói:

- Tệ muội bảo đi kiếm một người ở dưới chân núi Trường Bạch. Tại hạ muốn ở đây chờ mấy bữa. Nếu cô nương có việc thì cứ đi trước.

Thiếu nữ hậm hực hỏi:

- Phải chăng công tử đã biết còn giả vờ hỏi?

Cô quay mặt đi không muốn lý gì đến chàng nữa.

Du Hữu Lượng liền năn nỉ:

- Hảo cô nương! Cô đừng nóng giận nữa. Chúng ta cũng nên đi tế miếu Ngũ Tạng.

Thiếu nữ phì cười nói:

- Công tử thật là lắm trò! Nếu còn trêu tức thì tiểu muội không hỏi gì đến nữa.

Du Hữu Lượng nói:

- Không dám! Không dám!

Trong lòng ngấm ngầm cảnh giác:

- Tính người Thanh rất thẳng thắn. Yêu hay ghét nói huỵch toẹt ra. Mấy bữa nay mình ở với cô phải giữ gìn cẩn thận, không nên để lỡ người và lỡ cả mình.

Chàng là một cao đồ của Đại Thiền Tông ở Tây Tạng, chỉ hít một hơi chân khí là trong lòng bình tĩnh lại, tinh thần thanh sảng, bao nhiêu nỗi yêu ghét đều lắng xuống hết.

Thiếu nữ thấy Du Hữu Lượng trầm ngâm không nói. Cô lại bày chuyện:

- Công tử đi tới núi Trường Bạch, chắc chưa được ăn gì ngon nhưng nhờ được vận hên, Cửu ca là tay khoát đạt thì tội gì hà tiện cho y?

Du Hữu Lượng đang tĩnh trí để phế bỏ tạp niệm trong lòng nên không để ý nghe, chẳng hiểu cô nói gì.

Thiếu nữ lại nói tiếp:

- Bàn tay gấu là một món ăn của núi Trường Bạch nổi danh khắp thiên hạ.

Chúng ta đã qua đây mà không nếm xem, há chẳng đáng tiếc ư?

Du Hữu Lượng nuốt nước miếng đáp:

- Cô nương thật là cao kiến. Bàn tay gấu quả là món ăn ai cũng mơ ước. Tại hạ vừa nghe đến đã thèm thuồng, thành ra có thái độ vô lễ. Xin cô nương lượng thứ cho.

Thiếu nữ toét miệng cười nói:

- Ai mà biết được công tử nói thật hay nói dối. Thôi đừng nhiều lời nữa.

Chúng ta hãy đến Đông Lai Thuận tửu lâu gọi mấy món ăn chơi.

Du Hữu Lượng đáp:

- Cô nương tốt phước có vị ca ca rộng rãi. Người ta suốt năm nhọc mệt cũng chỉ vì kiếm tiền cho đủ một nhà no ấm. Năm vạn lạng bạc này không bao giờ tại hạ dám nghĩ đến, chẳng hiểu giá trị của nó là bao nhiêu.

Thiếu nữ nói:

- Công tử cứ việc tiêu xài. Tiền tài có chi đáng kể? Cho nên người ta có câu trọng nghĩa khinh tài.

Du Hữu Lượng đáp:

- Tuy vậy, nhưng kẻ nghèo cùng như tại hạ phải trọng tiền mới được. Không tiền thì đừng nói đến chuyện ăn tay gấu mà cơm cũng chẳng có nữa.

Thiếu nữ hậm hực nói:

- Ý nghĩ của công tử hãy còn tục lắm. Không ai ngờ công tử lại là người đầy mình tanh ngắt hơi đồng. Thế mới biết không thể coi tướng mạo mà đoán người được...

Du Hữu Lượng nhún vai mỉm cười không nói nửa lời.

Thiếu nữ thấy tiếng cười của chàng khinh thế ngạo vật thì vừa thẹn thùng vừa nóng nảy. Cô biến sắc mặt nghĩ thầm:

- Té ra y chọc mình cho vui. Ta... ta...

Cô nghĩ đến chỗ ủy khúc, hằn học trợn mắt nhìn Du Hữu Lượng nói:

- Công tử đi thì đi, không đi thì thôi, sao lắm giọng thế? Không sợ chết xuống Diêm Vương cắt lưỡi ư?

Du Hữu Lượng vội đáp:

- Đi chứ! Đi chứ! Cô nương thuộc hết thị trấn này, xin dẫn đường cho.

Thiếu nữ không nói gì nữa, rảo bước ra cửa.

Du Hữu Lượng theo sau.

Hai người xuyên qua nhà khách ra đường lớn. Ánh tà dương chiếu vào thiếu nữ khiến cho màu lục càng nổi bật lên. Người cô rất xinh đẹp, khách qua đường trông thấy đều lác mắt dừng chân. Ai cũng phải nhìn cô mấy lần.

Thiếu nữ tính tình khoáng đạt, chẳng để ý gì.

Du Hữu Lượng quần áo đã cũ mèm đi với cô chẳng khác kẻ tùy tùng.

Mặt chàng lại nhơn nhơn hý hửng, tựa hồ lấy làm vinh hạnh vô cùng!

Thiếu nữ đi trước thỉnh thoảng quay đầu lại ngó Du Hữu Lượng thì thấy chàng lẽo đẽo theo sau, đối với cô chàng không lộ vẻ gì. Nhưng trong lòng cô vừa giận vừa mừng chẳng hiểu là mùi vị gì.

Đi một lúc nữa tới Đông Lai Thuận Tửu Lầu. Thiếu nữ dừng bước chờ Du Hữu Lượng rồi hai người sóng vai đi lên lầu để tìm chỗ ngồi.

Lên lầu rồi, Du Hữu Lượng ngẫm nghĩ hồi lâu không biết gọi món gì.

Thiếu nữ thấy chàng ra chiều bối rối, trong bụng lại lấy làm thích. Nhưng cô không nỡ để chàng lúng túng mãi liền chấm mấy món trân hào.

Người ta thấy quần áo Du Hữu Lượng có vẻ bần hàn mà thiếu nữ ăn mặc sang trọng, không hiểu hai người này sao lại đi với nhau đều lấy làm kỳ.

Thiếu nữ thấy nhà quán không ngớt dòm ngó Du Hữu Lượng, bất giác sa sầm nét mặt. Tiểu nhị vội chạy xuống kêu nhà bếp.

Thiếu nữ hậm hực nhìn Du Hữu Lượng hỏi:

- Này! Sao Công tử không mua áo mới mà mặc? Bọn người phế lợi nhìn công tử hoài... Công tử có thấy không? Tiểu muội rất lấy làm khó chịu.

Du Hữu Lượng gật đầu đáp:

- Cô nương nói phải lắm! Người cũ thì hơn, nhưng áo cần phải thay đổi cho mới.

Thiếu nữ nói:

- Lát nữa ăn cơm xong tiểu muội đưa Công tử đi may áo.

Du Hữu Lượng đáp:

- Trong bọc tại hạ còn một bộ áo màu lam. Lúc trở về khách điếm tại hạ sẽ mặc vào để cô nương khỏi mất mặt. Bộ đó hãy còn khá lắm.

Thiếu nữ xịu mặt xuống hỏi:

- Làm sao mà tiểu muội lại mất mặt?

Du Hữu Lượng nghiêm nghị đáp:

- Chắc người ta bảo cô nương keo kiệt không thưởng tiền may quần áo cho kẻ đi với mình. Há chẳng mất mặt ư?

Thiếu nữ hắng đặng một tiếng rồi nói:

- Vậy cô nương thưởng bộ áo cẩm bào. Tiểu muội sai người đi kêu thợ may tới đây đo cho công tử.

Du Hữu Lượng vội gạt đi:

- Không được đâu! Không được đâu! Tuy người ta thích coi áo đẹp, nhưng tư chất tại hạ hèn kém thì dù có mặc áo gấm giát vàng cũng chỉ là kẻ theo hầu. Ăn mặc như thế chỉ làm trò cười cho thiên hạ mà thôi.

Thiếu nữ không nói gì. Du Hữu Lượng thấy vẻ mặt cô buồn rười rượi dường như trong lòng u uất. Chàng không khỏi hoài nghi chẳng hiểu vị cô nương này đã được cưng chiều hết sức, cô còn điều chi ấm ức?

Bỗng nghe Thiếu nữ giật mình hỏi:

- Du... Du công tử! Tiểu muội muốn yêu cầu công tử một điều được chăng?

Du Hữu Lượng đáp ngay:

- Dĩ nhiên là được! Dĩ nhiên là được!

Thiếu nữ khẩn khoản hỏi:

- Tiểu muội yêu cầu công tử đừng nói nhăng nói càn nữa. Công tử... muốn trêu chọc tiểu muội cho vui hay sao? Vì lẽ gì cổng tử biến tính mau như vậy.

Du Hữu Lượng hồi hộp. Chàng nghĩ một lúc rồi hỏi lại:

- Tại hạ biến đổi nhiều rồi ư? Tại hạ có thấy gì đâu?

Thiếu nữ đáp:

- Du công tử! Tiểu muội nói quá lời, công tử miễn trách cho.

Du Hữu Lượng trong lòng rất cảm động. Thế là ở đời lại thêm một người nữa quan tâm đến chàng. Chàng nghĩ thầm:

- Ta mới hai chục tuổi đầu mà bao giờ cũng phải e dè, chỉ lo làm bận lòng người khác là nghĩa làm sao?

Chàng thấy thiếu nữ lộ vẻ không vui liền cười nói:

- Cô nương đừng buồn. Tại hạ phải cái tính gàn giở, thật khó mà thay đổi được.

Thiếu nữ toan nói thì tiểu nhị lục tục đưa thức ăn vào, mà toàn là những món trân hào, mùi thơm ngào ngạt.

Thiếu nữ cầm hồ rượu rót cho Du Hữu Lượng một chung đầy.

Du Hữu Lượng chăm chú nhìn ngón tay cô nhỏ mà dài, nước da trắng mịn như ngọc. Cô cầm hồ rượu trong tay càng tăng thêm vẻ mỹ quan.

Chàng lại nghĩ tới cô đường đường là vương tộc nhà Mãn Thanh mà rót rượu cho mình trong lòng không khỏi hồi hộp.

Thiếu nữ lại tự rót cho mình một chung. Cô ngó Du Hữu Lượng không nói gì.

Chàng vội nâng chung rượu lên nói:

- Chung rượu này tại hạ chúc cô nương vạn sự như ý, thanh xuân bền bỉ.

Thiếu nữ buông một tiếng cười khô khan. Cô uống cạn chung rượu rồi khẽ đáp:

- Đa tạ hảo ý của Du công tử.

Du Hữu Lượng nói:

- Tại hạ cũng đa tạ cô nương ban cho mỹ tửu trân hào.

Du Hữu Lượng gắp một miếng bàn tay gấu chiên bỏ vào miệng thấy thơm tho vô cùng. Chàng biết đây là món ăn do một tay cao thủ trong nhà bếp mới làm được, liền khen không ngớt miệng:

- Núi Trường Bạch này vừa cao vừa hiểm trở. Gấu sinh trưởng ở đây lên núi xuống khe khó khăn nên tay chân nó đầy hơn nơi khác, không trách trong thiên hạ ai cũng thèm món này để uống rượu. Gấu ơi là gấu! Gấu có biết tại sao mà gây nên tai vạ sát thân không?

Thiếu nữ thấy chàng nói thú vị, bật lên tiếng cười khúc khích, suýt nữa phun cả đồ ăn ra. Cô vội đưa tay lên bịt miệng, hồi lâu mới nói:

- Công tử là thánh lém thì còn ai nói cho kịp được nữa?

Du Hữu Lượng mải ăn không rảnh để trả lời. Thiếu nữ thấy thế càng vui dạ.

Cô lựa mấy miếng thanh đạm ngồi ăn.

Du Hữu Lượng ăn nghiến ngấu, trong bụng nghĩ thầm:

- Hay dở gì ta cũng phải tìm cách dời xa cô này, không thì đi kiếm muội tử thêm phần khó khăn, vì việc gì cũng bị trở ngại không được phóng tay mà làm.

Chàng còn đang ngẫm nghĩ, bỗng thấy ở đầu cầu thang lầu có hai đại hán đi lên. Cả hai người cùng thân thể hùng tráng, mặt vuông chữ "Quốc" chàng không khỏi khen thầm:

- Thật là một đôi đại hán khí thế bất phàm.

Hai đại hán ngồi xuống kêu tiểu nhị lấy rượu uống.

Một đại hán đảo mắt nhìn khắp tòa tửu lâu thì chỉ thấy Du Hữu Lượng và thiếu nữ là hai nhân vật nam nữ phong tư trang nhã, nói khẽ với đồng bạn:

- Lão tam! Chúng ta ăn no uống say rồi cũng hãy còn sớm. Vào khoảng giữa canh một hãy đi cũng vừa.

Đại hán kia đáp:

- Vụ đó tiểu đệ rất hoài nghi. Nhị ca! Đêm nay phải tìm cho ra chân tướng.

Lão chưởng môn nhân còn sống hay chết sẽ biết rõ. Tiểu đệ cảm thấy trong lòng rất xao xuyến, chăng lúc nào yên dạ.

Nhị ca nói:

- Cứ lấy bản lãnh của chưởng môn nhân mà bàn thì trong thiên hạ khó có người hại được lão nhân gia. Vụ này lão tam hơi quá lo xa. Chưởng môn nhân mất tích lâu ngày, nay đột nhiên truyền kiếm lệnh khẩn cấp triệu tập cả hai cánh nhân mã trong toàn phái đêm nay đến hội họp ở Du Sơn Thôn thì nhất định có việc lớn xảy ra! Anh em mình phải bồi dưỡng tinh thần cho đầy đủ để tới đó.

Lão tam thở dài nói:

- Nhị ca! Tiểu đệ rất khâm phục tính tình lạc quan của nhị ca. Bất cứ việc gì nhị ca cũng thản nhiên. Còn tiểu đệ lòng lo ngay ngáy chỉ sợ biến xảy bất thường, khó bề vãn hồi được.

Nhị ca cười khanh khách, lại tống một hớp rượu rồi hỏi:

- Lão Tam! Lúc chúng ta quy đầu Bạch lão tiên sinh đã nói thế nào?

Lão tam đáp:

- Bọn tiểu nhân xin hết lòng phò tá Bạch Lão tiên sinh, dù có phải lên núi đao xuống vạc dầu cũng không lùi bước.

Mặt gã trang nghiêm đầy chính khí khi nói câu này rất có phân lạng.

Nhị ca hỏi:

- Phải rồi! Chỉ mong có người dám âm mưu ám toán đến chưởng môn nhân cho anh em mình một phen liều mạng phải không?

Lão tam đáp:

- Nhị ca nói phải lắm. Phần tử trung nghĩa trong phái rất nhiều. Chắc một số đông cũng có quyết định như anh em mình.

Hai gã nói chuyện nhỏ như tiếng muỗi, nhưng thuật thiên thính địa thị của Du Hữu Lượng rất tinh thâm nghe rõ được hết.

Sau một lúc hai người nâng chung uống rượu. Trong đầu óc Du Hữu Lượng chợt lóe ra một tia sáng. Chàng tự hỏi:

- Bạch Lão Tiên Sinh là ai? Chẳng lẽ là... Ngoại tổ phụ Thương Ưng Bạch Quân Nhất?

Chàng đang ngẫm nghĩ, bỗng ngoài đường phố nổi lên tiếng vó ngựa dồn dập.

Ba người kỵ mã đến trước tửu lâu thì dừng lại.

Du Hữu Lượng định thần nhìn kỹ thấy người này rất quen mặt.

Ba người buộc ngựa xong ngửng đầu lên. Du Hữu Lượng giật mình kinh hãi lẩm bẩm:

- Té ra là ba người đó. Lần trước ta sang đoạt sâm vương đã cùng họ đọng thủ. Họ đều ở phái Trường Bạch. Ta tránh đi một chút là hơn.

Chàng ăn gần no rồi toan tìm lời bảo thiếu nữ cùng nhau xuống lầu thì đột nhiên "nhị ca" ngồi bàn gần đó bật lên tiếng hỏi:

- Lão Tam! Ta không muốn chạm trán ba người kia. Chúng ta xuống lầu đi thôi.

Lão Tam lắc đầu đáp:

- Nhị ca! Trong bản phái đang mưu đồ việc đoàn kết, vì sao mình lại để cho họ nói điều thị phi?

Nhị ca trầm ngâm một chút rồi nói:

- Hễ ta thấy mặt ba người này là không khỏi tức mình. Chỉ sợ ngồi lại đây lát nữa lại xảy chuyện gây lộn thì thật không tiện, nên xuống trước đi là hơn.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.