Hôn Trộm Ánh Trăng

Chương 4




Edit: YuanKit

Beta: Camellia

Việc ngoài ý muốn xảy ra quá bất ngờ.

Thế nên khi Quý Dạng rơi vào giếng, cô chỉ cảm thấy choáng váng, thân thể như xoay mòng mòng cùng trời đất, rồi lại “bịch” một tiếng quăng xuống mặt đất, té đờ cả người, lúc kịp định hình lại đã nằm về hai thế giới so với nền đất.

Chỗ đầu bị đập đau đến nóng rát.

Quý Dạng ngồi một mình dưới đáy giếng, ngơ ngác trong chốc lát, ngẩng đầu lên, thấy bầu trời treo trên miệng giếng là một khoảng nho nhỏ tròn trịa, âm u. Trời sẽ mưa nhanh thôi.

Cô cúi đầu, thấy cánh tay, bàn tay mình, và một số chỗ khác không hiểu sao đều bị trầy xước.

Mùi cống thoát nước cũng chẳng thơm tho gì.

Trên người thì đau đớn khó tả.

Nhưng giây phút này, cảm giác đờ đẫn vẫn nhiều hơn là sợ hãi. Quý Dạng vươn tay, thử mò một điểm gồ nổi lên bên trong giếng để víu lấy đu mình ra ngoài.

Trong giếng không có một chỗ nào nhô lên.

Mà nếu có, người nhỏ sức yếu như cô cũng không vớt được chút sức lực nào.

Cuối cùng, Quý Dạng siết lấy một cục đá nhọn, định dựa vào bản thân leo lên. Nhưng cô vừa mới leo được mấy xen, giày da nhỏ đã sượt ra, toàn thân lại ngã tùm vào trong đường cống.

Cô bé cắn chặt môi, nước mắt lưng tròng, cố gắng kiềm chế không để nước mắt rơi. Nhưng vào những giờ phút này, sự sợ hãi, tủi thân, cơn đau nhức bao trùm như hợp lực lại đánh bay ý chí của cô.

Tiếng khóc thét của Quý Dạng vọng lên phía từ đáy giếng, thút thít hét to: “Ông ngoại! Bà ngoại!”

Bên ngoài dường như không có ai nên không nghe được tiếng cô.

Quý Dạng càng thêm sợ hãi, khóc đến run cả người, nghẹt thở, cảm thấy như cái chết cận kề, từng giọt nước mắt nặng nề nhỏ xuống, gào khóc trong sự đau đớn tột cùng: “Ba……Ba ơi…… Cứu con với……”

Giọt mưa nhỏ lay động nơi chân trời lành lạnh dừng trên mặt Quý Dạng.

Quý Dạng khóc đến kiệt sức, rên rỉ nghèn nghẹn, tiếng thở hơi chậm lại, choáng váng.

Đến tận khi mơ màng, cô nghe thấy tiếng nói chuyện của một ông chú trung niên ngoài giếng vang lên: “Sao nắp giếng này bị bật lên vậy?”

Một người phụ nữ nói: “Ông mau đậy lại đi. Trời mưa thế này, nhỡ có người sơ ý rơi vào thì làm sao?”

Hình như ông chú thở dài: “Có mỗi cái nắp giếng mà đến giờ vẫn chẳng có ai đến sửa……”

Quý Dạng ngẩng đầu.

Cạnh giếng ló ra một bóng người lờ mờ, có vẻ đang rang đẩy nắp giếng về.

Quý Dạng muốn kêu lên nhưng phát hiện ra giọng nói không phát ra tiếng. Trong giây đó, nỗi sợ bị nhốt trong giếng mãi mãi bao trùm tất cả, cô cũng không rõ mình đã lấy phần sức lực đó ở đâu nữa.

Tiếng hức hức của cô bé nhỏ vừa khóc vừa la: “Chú ơi…… Chú dì ơi….Cứu cứu con!”

Bóng người trên giếng ngừng tay.

Trong chớp mắt, ông cứ tưởng mình gặp ma.

Quý Dạng lại la một tiếng.

Ông chú bên ngoài nắp giếng ngây người, ngó vào trong thăm dò, tạm thời thấy rõ Quý Dạng: “Cháu bé? Cháu……”

Ông rút đầu về, lớ ngớ hỏi người phụ nữ đứng bên: “Làm sao đây bà? Có một đứa bé ngã vào giếng.”

Bão bắt đầu to lên, tạt vào cái ô của hai người.

Người phụ nữ chợt lấy lại tinh thần, ý thức được sự nghiêm trọng của việc này, lập tức móc điện thoại ra: “Tôi gọi cảnh sát ngay đây, ông……” Hơi dừng: “Ông chạy nhanh về gọi mọi người đến! Mang thêm mấy đoạn dây thừng nữa! Nhanh lên!”

Vùng đất này tương đối trũng.

Nước mưa từ nơi khác luồn vào theo khe hở ở nắp giếng.

Thỉnh thoảng có một hai người đi đường cầm ô bước qua, ngạc nhiên hỏi: “Thím Lý đứng đây làm gì đấy?”

Lý Quyên giữ ô: “Có một bé gái rớt vào giếng, tôi đang chờ lão chồng tôi đi lấy đồ tới.”

Những người đi đường nghe xong đều bối rối, ngó xuống giếng cũng thấy một cô bé, nháy mắt cũng ở lại chờ.

Bàng Thời Gia không hiểu mô tê gì cũng bị lôi đến.

Lúc nó đến cạnh giếng, nhìn vào cũng thấy Quý Dạng đang chật vật mà sửng sốt.

Bàng Thời Gia buột miệng chửi: “Mợ nó.”

Bên cạnh là ba nó – Bàng Nhất Luân đang chuẩn bị hợp sức với mọi người, buộc dây thừng vào một chỗ chắc chắn.

Bàng Thời Gia quay đầu liền chạy vào trong mưa.

Bàng Nhất Luân tức giận hỏi: “Mày đi đâu?!”

Bàng Thời Gia không ngoái đầu lại, chạy thẳng đến tiệm tạp hóa, đẩy cửa ra, ướt như chuột lột, người đầy những đất mà chạy vào phòng, lay tỉnh Tống Dương đang say giấc trên sô pha: “Anh Dương ới! Không ổn rồi!”

Bị phá hỏng giấc mơ đẹp, thiếu niên nhấc mắt, đáy mắt đen nhánh vô cảm.

Bàng Thời Gia hét: “Bé công chúa vừa……vừa chuyển đến, hôm nay từng đến tiệm chúng ta, công chúa nhỏ đó đã rơi vào giếng. Anh mau đi xem thế nào!”

……

Khi Tống Dương đi theo Bàng Thời Gia đến cạnh giếng, bão đã trở lớn khủng khiếp. Ông ngoại Quý Dạng là Trâu Bình và bà ngoại Viên Lan đều được người dẫn tới. Hai người già nua đứng ngoài giếng. Viên Lan khóc đến suy sụp, nói vọng vào giếng: “Dạng Dạng đừng sợ, bà ngoại ở đây, đừng sợ nhé……”

Nước bên đường đều hóa thành từng hàng tràn về phía giếng.

Có người hỏi: “Lão Bàng, cần báo cảnh sát không?”

Bàng Nhất Luân đáp: “Báo chứ!”

Người nọ nói: “Báo thì chờ họ đến đi……”

Lý Quyên vội la lên: “Cậu cũng biết thừa tốc độ của cảnh sát vùng ta rồi còn gì! Cộng với trời mưa, bão thì lớn như vậy, lại qua một lát nữa đứa nhỏ này bị cuốn đi thì sao!”

Lời này không sai chút nào.

Cảnh sát của thị trấn Cửu Long làm việc với hiệu suất cực thấp, xuất trận mất ít nhất nửa giờ.

Quý Dạng ở đáy giếng, nước đã ngập đến qua chiếc giày da.

Hơn nữa, dòng nước này dâng lên rất nhanh, không bao lâu nữa sẽ ngập đến cẳng chân cô.

Cô cắn chặt môi. Sắp khóc không nổi rồi.

Người đàn ông bên ngoài giếng hô: “Bàng Thời Gia! Mau tới đây!”

Ngay sau đó là một giọng nói quen thuộc, bình tĩnh nói: “Chú Bàng, để cháu.”

“Anh Dương……Anh……”

“Tiểu Dương tốt bụng thiệt.”

Nghe thấy tiếng nói vừa rồi, thần kinh trì trệ của Quý Dạng như bị xúc động trong một giây.

Bé con ngẩng đầu ngu ngơ. Nước mưa không ngừng ào xuống. Cô thấy bên cạnh giếng xuất hiện một bóng người, rất mờ ảo, không thấy rõ lắm. Người ấy lấy dây thừng chằng quanh eo, dẫm lên hòn đá nổi lên cạnh giếng, dần hướng xuống giếng.

Chớp mắt đã xuất hiện trước mặt cô.

Như là vị thần mà ông trời giáng xuống.

Lúc ấy, Quý Dạng quên cả khóc, chỉ mải ngẩn ngơ ngắm Tống Dương.

Tống Dương một tay ẵm cô lên, rồi giật dây thừng phía trên, thét: “Kéo lên!”

Sức lực của thiếu niên lớn, xương cốt rắn chắc, tuy đang ôm cô nhưng lại cộm lên khiến cô khó chịu.

Nhưng Quý Dạng không dám nói lời nào.

Cô quấn chặt lấy cổ Tống Dương dù chưa vừa ý lắm. Vì khóc quá khủng khiếp, thi thoảng còn nấc cụt, còn lại cô không phát ra bất cứ một tiếng động nào.

Cả người Tống Dương đều dính nước mưa.

Quý Dạng ôm chặt anh, ngửi được mùi thuốc lá nhàn nhạt trên người anh.

Chưa đến một phút, Quý Dạng đã được cứu ra.

Chuyện xảy ra sau đó, Quý Dạng cũng có chút ký ức lờ mờ.

Khi Tống Dương giao trả cô cho bà ngoại Viên Lan và ông ngoại Trâu Bình, ngỡ như sợi dây thần kinh trong óc cô chợt đứt phựt, toàn thân mệt nhoài vô lực. Dù vậy, thời điểm ý thức còn mơ màng, cô vẫn nhớ rõ một việc.

Mặt cô bé ngấm đầy nước, không rõ là nước mắt hay nước mưa, hốc mắt đỏ ghê gớm, níu áo Tống Dương, yếu ớt nói: “Anh, một đồng tiền nè.”

Cô dúi đồng xu vẫn đang được giữ chặt trong tay vào tay Tống Dương.

Sau đó cô hoàn toàn không còn sức để nói chuyện.

……

Đến tận khi mọi việc xong xuôi cảnh sát mới vào cuộc.

Quý Dạng không biết về sau vụ việc nắp giếng được giải quyết thế nào.

Do gặp phải sự việc kinh hoàng như vậy, cộng thêm mắc mưa, đêm đó cô sốt cao nằm li bì trên giường.

Trong nhà không dự sẵn thuốc hạ sốt, chưa kể còn cơn mưa nặng hạt bên ngoài.

Viên Lan nếm thử các loại phương pháp dân gian cũng không tài nào hạ nhiệt cho Quý Dạng.

Mặt cô bé ửng hồng, sốt đến đáng sợ, miệng liên tục gọi “bố, mẹ”, Viên Lan nhìn mà tim gan quặn đau.

Bên ngoài trời vẫn còn mưa xối xả, Trâu Bình không nhiều lời, bung ô bước khỏi cửa: “Tôi đi mua thuốc đây.”

Tiệm thuốc cách khá xa chỗ này. Viên Lan chạy nhanh đến khuyên dặn: “Ông nó nhớ cẩn thận nhé, đường khó đi, đừng có vấp ngã ở đâu đấy.”

Trâu Bình để gậy lại, cầm ô, từ từ khuất vào trong màn mưa.

Về phần Viên Lan, bà chỉ đành tiếp tục đổi nước và chườm khăn bông giúp Quý Dạng.

Lúc Trâu Bình tới hiệu thuốc, bão đã vơi hẳn. Ông lão thu ô, kết quả vừa ngẩng đầu đã thấy hiệu thuốc đầu thị trấn đóng cửa.

Trâu Bình men theo lối cũ trở về, chân bước càng gấp gáp hơn lúc nãy.

Trong tình huống này, hai ông bà già buộc phải dẫn con bé từ thị trấn đến bệnh viện.

Chính là bệnh viện ở Cửu Long trấn cách rất nơi này khá xa. Hai ông bà lão căn bản cũng không thể đi đến đó nhanh được.

Nhưng hết cách rồi, giờ mà không đưa đi bệnh viện, Quý Dạng có thể sẽ xảy ra chuyện.

Trâu Bình về đến nhà, bảo Viên Lan là hiệu thuốc đã đóng cửa, không mua được thuốc, rồi lập tức cởi áo gió trên người, với sự trợ giúp của Viên Lan, cõng Quý Dạng lên.

Hai ông bà già cứ vậy mà ra ngoài.

Sức khỏe Trâu Bình không tốt, cõng Quý Dạng đi được đoạn đã bắt đầu thở hồng hộc.

Viên Lan muốn cõng hộ nhưng Trâu Bình không cho.

Hai con người già nua phì phò mãi mới đến con hẻm số năm, lướt qua một quán net.

Khắp thị trấn Cửu Long đều có quán net, lại còn luôn buôn bán suốt đêm. Ở ngoài quán net này lúc này, có một hội thanh niên tóc xanh tóc đỏ hư hỏng ngồi xổm, tụ tập hút thuốc.

Viên Lan nhìn thoáng qua.

Chỉ liếc một cái, bà đã thấy trong đó một bóng dáng khác người.

Tống Dương nằm liệt trên cái ghế ngoài quán net, không đú đởn ngồi xổm như bọn kia.

Thiếu niên tóc đen, đeo hoa tai, hút thuốc, trong miệng nhai bã thuốc, ánh bật lửa đỏ tươi bập bùng hết lóe lại tắt. Dáng vẻ lười nhác mà lãnh đạm, qua một cái liếc mắt đã biết là khó ở chung, là thủ lĩnh cầm đầu đám thanh niên hư đốn. Ánh điện quán net dừng trên mặt anh, trong sắc trời nhá nhem chỉ thấy một khuôn mặt khá điển trai, khóe mắt bị bầm, sườn mặt có nhiều vết xước.

Nhưng đáy lòng Viên Lan lại xẹt qua một ý nghĩ.

Thằng bé Tống Dương không hề xấu tính.

Hơn nữa, bà dòm thấy vết thương mới trên mặt anh, liền biết vì sao anh đi dạo vào nửa đêm.

Người trấn Cửu Long đều biết, gia cảnh Tống Dương không tốt.

Xem ra, đứa nhỏ có nhà mà không thể trở về, có nhà như không có, như người tàng hình trong nhà.

Vừa vượt quá đầu hẻm, Viên Lan kéo Trâu Bình, dừng chân: “Ông nó, chờ tí đã. Tôi tìm người tới giúp một tay.”

Trâu Bình thở hồng hộc, thanh âm khàn khàn già nua, cộc cằn giận dữ hỏi: “Bà tìm ai? Quá nửa đêm rồi bà còn tìm ai được nữa?”

….

Trong cơn sốt đến mơ hồ, Quý Dạng cảm giác như mặt mình đang đè lên thứ gì đó rất lạ lẫm.

Hơi cứng nhắc, không thoải mái.

Quý Dạng mở mắt, qua rất lâu mới phát hiện mình đang ghé vào vai ai.

Đang được ai cõng.

Xương bả vai rắn chắc, cộm lên khiến cô khó chịu, không khác gì thứ cảm giác khi Tống Dương ôm cô.

Quý Dạng chậm rãi nghiêng đầu.

Trong bóng đêm mờ ảo, cô thấy gò má Tống Dương.

Buổi đêm mùa hè vô cùng oi bức, mưa đến mấy cũng không ăn thua. Trên mặt thiếu niên toàn là mồ hôi, nhưng không hề thở dốc, luôn chạy hết sức về phía trước. Dáng anh cứng rắn, khóe mắt có vết thương, máu tụ rõ ràng, có vẻ rất đau.

Không biết được bao lâu, hình như cảm nhận được điều gì, Tống Dương nghiêng đầu, thấy đôi mắt đen láy của Quý Dạng.

Giọng anh hơi khàn: “Nhóc tỉnh rồi?”

Bàn tay nhỏ của Quý Dạng nắm chặt vai áo anh.

Tiếng cô bé rất nhỏ, rất yếu, khẽ kêu: “Anh.”

Cô muốn duỗi tay nhưng thấy mình không đủ sức, yếu ớt hỏi: “Sao anh…… lại bị thương?”

Tống Dương không đáp, quay đầu đi, chạy vài bước mới khan giọng, lạnh nhạt bảo: “Đừng nói chuyện, anh đưa nhóc đi bệnh viện.”

Quý Dạng không nói nữa.

Cô cảm thấy như mình đang mơ.

Trong giấc mơ, cô thấy mình bị rơi vào vực sâu, không ai tới cứu, bất luận gọi bố mẹ, ông bà ngoại thế nào cũng không có sự giúp đỡ.

Đến tận khi trong mơ có một đôi tay bế thốc cô lên.

Quý Dạng liền tỉnh lại.

Sau đó cô thấy Tống Dương.

Lúc ấy, Quý Dạng cảm thấy, có lẽ Tống Dương chính là thần linh của cô.

Thị trấn Cửu Long có chút không ổn, nhưng Tống Dương lại rất tốt.

Đường gồ ghề lồi lõm, Tống Dương cứ thế cõng cô chạy hùng hục mấy cây số không ngừng nghỉ, mang cô đến bệnh viện trên thị trấn.

HẾT CHƯƠNG 4

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.