Hội Hè Miên Man

Chương 11




Hôm ấy chúng tôi dừng lại nấp mưa có lẽ phải mười lần. Có những cơn mưa rào qua nhanh nhưng cũng có những cơn mưa kéo dài. Nếu có áo mưa, hẳn chúng tôi có thể lấy làm vui vẻ mà lái xe trong những đợt mưa xuân ấy. Nhưng thay vì thế, chúng tôi phải tìm chỗ trú dưới các tán cây hay dừng lại trong những quán café dọc đường đi. Chúng tôi ăn bữa trưa tuyệt diệu mà khách sạn ở Lyon đã chuẩn bị cho, một con gà rán tuyệt vời với nấm tuyệt hảo, bánh mì cực ngon với rượu Mâcon, và Scott rất vui vẻ vì mỗi khi dừng, chúng tôi lại uống rượu trắng Mâconnais. Ở Mâcon, tôi mua thêm bốn chai loại hảo hạng để khui dần.

Tôi không rõ Scott đã từng uống rượu bằng cách tu thẳng chai chưa, nhưng kiểu uống này khiến anh rất phấn khích, như thể anh đang đi thực tế vùng sâu vùng xa hoặc như thiếu nữ phấn chấn trong lần đầu tiên đi bơi không mặc đồ tắm. Nhưng vào đầu buổi chiều, anh bắt đầu lo lắng về sức khỏe. Anh bảo gần đây có hai người vừa chết vì sung huyết phổi. Cả hai đều chết ở Ý và chuyện này đã tác động đến anh cực kì sâu sắc.

Tôi nói với anh sung huyết phổi là cách gọi cũ của viêm phổi, nhưng anh bảo tôi chẳng biết cái quái gì về cái bệnh này và hiểu sai bét. Sung huyết phổi là căn bệnh đặc thù Châu Âu, và tôi chẳng thể nào biết gì về nó cho dù có đọc sách y khoa của cha tôi đi chăng nữa, vì loại sách ấy chỉ đề cập đến những bệnh duy có ở Mĩ. Tôi bảo cha tôi cũng học ở châu Âu. Nhưng Scott giải thích chứng sung huyết phổi chỉ mới xuất hiện ở châu Âu sau này, thế nên ông cụ chắc là không biết gì về nó. Anh còn giải thích bệnh này cứ mỗi miền ở Mĩ lại mỗi khác, và nếu cha tôi được hành nghề y ở New York chứ không phải ở miền Trung Tây thì may ra ông mới biết sự khác nhau của những gam bệnh một cách trọn vẹn. Anh dùng từ “gam”.

Tôi công nhận rằng anh đã nêu được ý rất hay về sự phổ biến của một số căn bệnh nhất định ở một vùng cụ thể nào đó của nước Mĩ cũng như sự vắng mặt của chúng ở những nơi khác, và tôi đưa ra ví dụ về số người nhiễm bệnh phong ở New Orleans, trong khi vào thời điểm ấy ở Chicago tỉ lệ người mắc bệnh này rất thấp. Nhưng tôi cũng nói rằng các bác sĩ có trao đổi thông tin và kiến thức giữa họ với nhau và giờ đây, khi anh đề cập đến chuyện này, tôi nhớ có đọc một bài báo có tính thẩm quyền cao về chứng sung huyết phổi ở châu Âu trên tờ Journal of the American Medical Association, bài báo đã lần dò truy nguyên căn bệnh đến tận cụ tổ Hippocrates. Dẫn chứng ấy khiến anh ngồi lặng một lúc và tôi giục anh uống thêm một li Mâcon, vì đây là thứ rượu trắng ngon, nồng độ vừa phải không quá nhiều cồn, được xem là thứ phòng bệnh đặc biệt.

Sau đó Scott vui lên được một chút nhưng lại nhanh chóng xìu xuống và anh hỏi liệu chúng tôi có kịp đến một thị trấn lớn trước khi anh phát sốt và mê sảng không, mà như tôi đã nói, đấy là triệu chứng của căn bệnh sung huyết phổi thực thụ ở châu Âu. Tôi nói với anh là lúc này tôi đang dịch một bài báo trên một tạp chí y học Pháp nói về căn bệnh tương tự đọc được khi tôi đang ngồi chờ đốt cổ họng ở bệnh viện Mĩ tại Neuilly. Cái từ đốt đã có hiệu quả xoa dịu Scott. Nhưng anh muốn biết bao giờ chúng tôi đến được thị trấn. Tôi nói nếu lái nhanh hơn thì mất chừng hai mươi lăm phút đến một tiếng đồng hồ.

Rồi Scott hỏi tôi có sợ chết không và tôi đáp sợ thì cũng tùy, có lúc này lúc khác.

Giờ thì mưa lớn thật sự và chúng tôi phải tị nạn trong một quán ở làng gần đó. Tôi không nhớ mọi chi tiết của chiều hôm ấy, nhưng sau cùng khi đến được khách sạn, hình như ở Châlon-sur-Saone, thì đã muộn và các hiệu thuốc đã đóng cửa. Vừa đến nơi, Scott liền cởi quần áo đi nằm ngay lập tức. Anh không màng đến chuyện chết vì sung huyết phổi nữa, anh nói. Mà vấn đề là ai sẽ đứng ra chăm nom Zelda và Scotty bé bỏng đây. Tôi thì thấy mình chẳng có khả năng phù hợp để đứng ra nhận lãnh nhiệm vụ chăm sóc họ vì tôi còn đang khốn khổ để xoay sở chăm sóc vợ, nàng Hadley và cậu con Bumby bé nhỏ, nhưng tôi bảo sẽ cố gắng hết sức và Scott cảm ơn tôi. Tôi được giao nhiệm vụ trông chừng không cho Zelda uống rượu và tìm cho Scotty bé bỏng một cô bảo mẫu người Anh.

Chúng tôi gửi quần áo đi sấy khô và mặc quần áo ngủ vào. Bên ngoài trời vẫn còn mưa nhưng trong phòng đèn sáng tươi. Scott nằm trên giường giữ sức cho cuộc chiến chống lại bệnh tật. Tôi bắt mạch cho anh, nhịp bảy mươi hai, rồi ấp tay lên trán anh, trán anh mát. Tôi nghe ngực anh và bảo hít thở sâu vào, ngực anh ổn.

“Này Scott,” tôi nói. “Anh hoàn toàn khỏe. Nếu anh muốn đề phòng cảm lạnh thì tốt hơn hết cứ nằm trên giường, tôi sẽ gọi cho mỗi chúng ta một li nước chanh, một whisky rồi anh uống thêm một viên aspirin là sẽ khỏe và thậm chí còn không bị cảm lạnh ở bên trong đầu nữa cơ.”

“Phương thuốc của mấy bà già.” Scott nói.

“Anh không sốt. Làm sao anh sung huyết phổi được nếu anh không sốt?”

“Đừng có rủa,” Scott nói. “Sao anh biết tôi không sốt hả?”

“Mạch của anh bình thường, người của anh mát.”

“Bằng cách sờ trán ư?” Scott nói giọng cay đắng. “Nếu anh thực sự là bạn tôi thì đi kiếm cái cặp nhiệt độ đi.”

“Tôi đang mặc đồ ngủ.”

“Thì nhờ người kiếm.”

Tôi gọi phục vụ. Không thấy anh ta lên, tôi gọi lần nữa rồi đi xuống sảnh để tìm. Scott nằm thiêm thiếp trên giường, thở một cách thận trọng và chậm rãi, với nước da nhợt nhạt màu sáp và những đường nét hoàn hảo, trông anh giống như một người lính thập tự chinh nhỏ bé nằm chết. Tôi thấy quá chán đời sống văn chương rồi, nếu đây là cái đời sống văn chương mà tôi đang theo đuổi, tôi bắt đầu thấy tiếc nhớ những lúc không phải làm việc, và có cảm giác cô độc chết người khi một ngày trong đời trôi qua hoang phí. Tôi quá chán Scott cùng trò hề kệch cỡm của anh, nhưng tôi đã tìm được người phục vụ và đưa tiền cho anh ta đi mua nhiệt kế và một ống aspirin, rồi tôi gọi hai li citron-pressé (nước chanh ép) hai whisky đúp. Tôi muốn gọi cả chai nhưng ở đây họ chỉ bán từng li.

Khi tôi trở lại phòng, Scott vẫn nằm ở tư thế trong mồ, như một bức tượng tạc, mắt nhắm hờ và hơi thở nhẹ thanh cao diệu vợi.

Nghe thấy tiếng tôi bước vào, anh cất tiếng “Có tìm được nhiệt kế không?”

Tôi đến bên và đặt tay lên trán anh. Nó không lạnh ngắt như bia mộ, mà mát và không ra mồ hôi.

“Không,” tôi nói.

“Tôi cứ nghĩ anh đem nhiệt kế về.”

“Tôi nhờ người đi mua rồi.”

“Thế thì nói làm gì.”

“Không ư? Thế không thế thì là gì?”

Ta không thể giận dữ với Scott, cũng như với một ai đó bị điên, nhưng lúc này tôi tức giận với chính mình vì để lâm vào mớ lố bịch này. Tuy nhiên, anh có lí do để làm như vậy, và tôi rất hiểu. Hầu hết các bợm rượu thời đó đều chết vì bệnh viêm phổi, căn bệnh ngày nay gần như đã bị tiêu diệt. Nhưng anh còn khuya mới đạt chuẩn công nhận là một tay rượu, vì chỉ vài ngụm bé tí cũng đủ khiến anh lắc lư rồi.

Thời ấy ở châu Âu, chúng tôi nghĩ về rượu như một loại thực phẩm bình thường có lợi cho sức khỏe, giúp ta phấn chấn sảng khoái vui vẻ. Uống rượu không phải để tỏ ra là đẳng cấp hay dấu hiệu của sự tinh tế hay vì nghiện ngập; mà đơn giản chỉ như chuyện ăn uống, là một nhu cầu, và tôi không tưởng tượng nổi một bữa ăn lại không uống gì đó, không rượu vang thì cũng là rượu táo hoặc bia. Tôi yêu tất cả các loại rượu trừ rượu ngọt, hơi ngọt và những loại quá nặng, tôi chưa từng thấy chuyện có đến hai người chia nhau mỗi vài chai rượu trắng Mâcon loại nhẹ nguyên chất mà lại có thể khiến mặt Scott biến sắc và biến anh thành một thằng hề như thế. Tất nhiên, buổi sáng chúng tôi cũng đã uống chút đỉnh whisky với Perrier, nhưng với vốn hiểu biết nông cạn của tôi về rượu hồi ấy, không thể tưởng tượng một li whisky có thể tác động đến một người ngồi lái chiếc xe không mui chạy dưới trời mưa. Vì lúc ấy anh sẽ giã rượu ngay.

Trong khi chờ người phục vụ đem các thứ lên, tôi ngồi đọc tờ báo và uống nốt một trong đám chai Mâcon, chai khui ở chặng dừng sau cùng. Ở Pháp có những vụ án tuyệt diệu đăng báo mà ta có thể theo dõi hết ngày này qua ngày khác. Các vụ án này được đăng như những câu chuyện nối tiếp nhau nên ta cần phải đọc ngay từ những phần đầu tiên vì thường không có tóm lược như các báo Mĩ vẫn làm với những truyện nhiều kì, mà thật ra, trên báo Mĩ cũng chẳng có truyện đăng nhiều kì nào hay ngoài mỗi chương đầu tiên chứa tất tần tật những sự kiện quan trọng. Khi du lịch quanh nước Pháp, điều khiến ta buồn phiền nhất là việc đọc báo bị ngắt quãng khiến không theo dõi được các diễn biến của những vụ án, vụ việc hay xì căng đan, và lỡ mất cảm giác khoan khoái khi ngồi đọc chúng tại một quán café. Tối nay tôi chỉ mơ được ngồi quán đọc mấy tờ báo Paris buổi sáng và ngắm mọi người và uống gì đó bốc hơn thứ Mâcon này trước bữa ăn chiều. Nhưng tôi còn phải chăm lo cho Scott, thế nên yên phận hưởng thụ ở nơi đang ngồi.

Người phục vụ đem lên hai li nước chanh ép, với đá, whisky, cùng một chai khoáng Perrier, và bảo tôi rằng hiệu thuốc đã đóng cửa, anh không thể tìm đâu ra nhiệt kế. Anh có xin được một ít aspirin. Tôi nhờ anh ta hỏi quanh xem xó thể mượn ai một cái nhiệt kế không. Scott mở mắt và nhìn người phục vụ bằng cái nhìn Ailen ác nghiệt.

“Anh có bảo với nó là việc này rất mệnh hệ không?” anh hỏi.

“Tôi nghĩ anh ấy hiểu.”

“Làm ơn nói cho rõ hơn đi.”

Tôi cố nói cho rõ hơn và người phục vụ đáp, “Tôi sẽ đem đến những gì tìm được.”

“Anh có boa tử tế để được việc không đấy? Bọn này sống nhờ tiền boa thôi.”

“Tôi không biết chuyện đó,” tôi nói. “Tôi nghĩ khách sạn đã trả lương để họ làm thêm những việc này.”

“Chúng chỉ làm nếu anh boa nhiều. Hầu hết bọn chúng đều một giuộc thế cả.”

Tôi nhớ đến Evan Shipman và người phục vụ ở Closerie de Lilas bị buộc phải cạo râu khi Closerie mở quầy bar Mĩ, Evan đã cùng làm vườn với anh ở Montrouge rất lâu trước khi tôi gặp Scott, và chúng tôi là những người bạn tốt như thế nào trong suốt thời gian dài ở Lilas, tôi nhớ tất cả những đổi thay và chúng có ý nghĩa thế nào đối với tất cả chúng tôi. Tôi nghĩ sẽ kể cho Scott nghe tất cả những chuyện của Lilas, mặc dù trước đó tôi cũng đã từng nhắc đến nó với anh, nhưng tôi biết là anh không quan tâm đến những người phục vụ cũng như những khó khăn hay lòng tốt và tình cảm tuyệt vời của họ. Vào thời điểm ấy Scott ghét người Pháp, và những người Pháp anh gặp thường xuyên là những người phục vụ mà anh không hiểu, những lái xe taxi, những thợ chữa ô tô, những người cho thuê nhà, nên lúc nào anh cũng ở vị thế sai bảo hoặc sỉ nhục họ.

Anh ghét người Ý còn hơn cả ghét người Pháp, và ngay cả khi không có rượu, anh cũng không giữ được bình tĩnh khi nói về họ. Anh cũng thường ghét người Anh nhưng thỉnh thoảng châm chước cho họ và đôi khi còn tỏ ra tôn trọng nữa. Tôi không biết anh nghĩ thế nào về người Đức và Áo. Tôi không biết anh đã từng tiếp xúc với họ hay từng gặp người Thụy Sĩ nào chưa.

Tối nay ở khách sạn tôi sung sướng vì thấy anh bình tĩnh. Tôi pha nước chanh với whisky, đưa cho anh cùng hai viên aspirin và anh ngoan ngoãn nuốt với sự bình tĩnh đáng khâm phục rồi anh nhấp phần rượu của mình. Mắt của anh mở to nhìn xa xăm. Tôi đang đọc mục Crime trong báo và cảm thấy sung sướng, quá sung sướng là đằng khác.

“Anh là người vô cảm, đúng không?” Scott hỏi. Nhìn anh tôi biết, nếu không phải do tôi chẩn đoán sai thì cũng là kê thuốc sai và li whisky ấy đang hại chúng tôi rồi.

“Anh nói gì thế, Scott?”

“Anh có thể ngồi đó đọc thứ báo Pháp lá cải bẩn thỉu, trong khi tôi sắp chết đây thì anh chẳng mảy may động lòng.”

“Anh cần tôi gọi bác sĩ không?”

“Không. Tôi không cần một lão lang băm tỉnh lẻ người Pháp.”

“Thế anh muốn gì?”

“Tôi muốn cặp nhiệt độ. Tôi muốn có quần áo khô để lên tàu tốc hành về Paris và đi thẳng đến bệnh viện Mĩ ở Neuilly.”

“Đến sáng mai quần áo chúng ta mới khô được, và không có chuyến tàu tốc hành nào cả,” tôi nói. “Sao anh không nghỉ ngơi và nằm ăn tối trên giường đi?”

“Tôi muốn đo nhiệt độ.”

Sau đấy một lúc lâu người phục vụ quay lại mang chiếc nhiệt kế đến.

“Anh có mỗi cái này thôi sao?” tôi hỏi. Khi người phục vụ bước vào, Scott khép mắt lại và trông anh như đã thăng đến thiên thai. Tôi chưa từng thấy máu trên mặt ai tan biến nhanh như thế và tự hỏi không biết chúng thoát đi đâu cả rồi.

“Đây là cái duy nhất có trong khách sạn,” người phục vụ nói và đưa cho tôi chiếc nhiệt kế. Đó là loại nhiệt kế đo nước tắm, mặt lưng bằng gỗ và có chút kim loại vừa đủ để chìm vào bồn tắm. Tôi nuốt nhanh ngụm whisky nhạt nhẽo và mở cửa sổ một lúc để nhìn mưa bên ngoài. Khi tôi quay lại, Scott đang nhìn chằm chằm.

Tôi lắc lắc nhiệt kế đầy vẻ chuyên nghiệp và nói, “Anh gặp may vì đây không phải là loại nhiệt kế đo hậu môn.”

“Thế nó thuộc loại gì?”

“Đặt dưới nách,” tôi nói và nhét nó vào dưới cánh tay tôi.

“Đừng có làm nó chạy loạn lên,” Scott nói. Tôi lắc cái nhiệt kế lần nữa với một cú giật phắt theo hướng thẳng đứng rồi mở cúc áo ngủ của anh, cho nhiệt kế vào nách trong khi tay sờ cái trán mát mẻ của anh và đo mạch lần nữa. Anh nhìn thẳng về phía trước. Mạch bảy mươi hai. Tôi để nhiệt kế ở đấy trong bốn phút.

“Tôi nghĩ người ta cặp nhiệt kế chỉ chừng một phút,” Scott nói.

“Cái này lớn,” tôi giải thích. “Anh phải nhân với diện tích bề mặt của nó. Đây là loại nhiệt kế bách phân.”

Cuối cùng tôi rút nhiệt kế ra và đem đến dưới đèn đọc sách.

“Thế nào?

“Ba mươi bảy độ sáu.”

“Bao nhiêu thì bình thường?”

“Thế là bình thường.”

“Anh chắc không?”

“Chắc.”

“Thử cặp vào anh ấy. Tôi muốn biết cho chắc.”

Tôi lắc dọc cái nhiệt kế, mở áo ngủ, cặp nó vào nách và giữ yên ở đó trong khi nhìn đồng hồ. Rồi tôi kiểm tra.

“Thế nào?

Tôi xem kĩ.

“Chính xác như thế.”

“Anh cảm thấy thế nào?”

“Tuyệt hảo,” tôi nói. Tôi đang cố nhớ xem ba mươi bảy độ sáu có thật sự bình thường hay không. Điều này chẳng quan trọng vì cái nhiệt kế cứ nhất định chỉ ba mươi độ.

Scott có vẻ hơi nghi ngờ nên tôi hỏi anh có muốn thử lại lần nữa không.

“Không,” anh nói. “Chúng ta có thể vui vẻ vì mọi chuyện đã nhanh chóng rõ ràng. Tôi có khả năng hồi sức nhanh cực.”

“Anh khỏe,” tôi nói. “Nhưng tốt hơn hết anh cứ nằm trên giường ăn bữa khuya nhẹ và sáng sớm mai chúng ta sẽ khởi hành.” Tôi định mua mấy chiếc áo mưa nhưng nếu thế thì phải hỏi mượn anh tiền, mà lúc này tôi lại không muốn khơi thêm đề tài tranh luận.

Scott không muốn nằm trên giường, anh muốn dậy mặc quần áo xuống sảnh gọi điện cho Zelda để báo cho cô biết là anh vẫn ổn.

“Nhưng cô ấy có biết là anh không ổn đâu?”

“Từ khi cưới nhau đến giờ, đây là đêm đầu tiên tôi ngủ không có cô ấy bên cạnh nên tôi cần phải nói chuyện với cô ấy. Anh hiểu điều này có ý nghĩa với hai chúng tôi như thế nào không?”

Tôi hiểu mặc dù tôi không biết đêm trước anh và Zelda ngủ với nhau đến cỡ nào; nhưng chuyện đó có gì mà đáng bàn. Scott uống thật nhanh li whisky đã bay hết vị và bảo tôi gọi thêm li nữa. Tôi tìm người phục vụ trả chiếc nhiệt kế và hỏi thăm quần áo chúng tôi thế nào. Anh ta nghĩ khoảng chừng một tiếng nữa sẽ khô. “Nhờ phục vụ phòng ủi giúp ấy, như thế sẽ khô nhanh hơn. Không cần phải khô cong đâu.”

Người phục vụ đem lên hai li rượu chống lạnh, tôi nhấp li của mình và khuyên Scott nhấp li của anh chầm chậm. Giờ thì tôi lo anh có thể bị cảm lạnh và nếu lúc này mà anh dính thêm thứ gì tệ hại như cảm lạnh chẳng hạn thì chắc chắn phải cho anh nhập viện thôi. Nhưng rượu khiến anh cảm thấy tuyệt vời được một lúc và anh thích thú với cái ý nghĩ bi đát rằng đây là đêm đầu tiên anh và Zelda xa cách kể từ ngày cưới. Cuối cùng, không thể chờ hơn được nữa, anh khoác chiếc áo ngủ và đi xuống dưới gọi điện về nhà.

Anh nói chuyện mất một lúc và ngay sau khi anh quay lại, người phục vụ xuất hiện với hai li whisky đúp nữa. Đây là lần đầu tiên tôi thấy Scott uống nhiều nhất từ trước đến nay, nhưng không có biểu hiện xấu nào ngoài việc anh trở nên hoạt bát và nói nhiều hơn. Anh bắt đầu kể tôi nghe sơ lược chuyện đời anh và Zelda. Anh gặp Zelda lần đầu tiên như thế nào trong thời gian chiến tranh, mất cô rồi lại chiếm được cô về, anh kể về cuộc hôn nhân và chuyện đau buồn xảy ra ở St-Raphael khoảng một năm trước. Phiên bản đầu tiên về chuyện tình của Zelda và tay phi công hải quân người Pháp mà anh kể thực sự là một câu chuyện buồn và tôi tin đó là chuyện thật. Sau này, anh cung cấp cho tôi một vài phiên bản khác của câu chuyện ấy như thể anh đang áp thử vào tiểu thuyết, nhưng không có phiên bản nào buồn như bản tôi được nghe lần đầu, dù bản nào cũng có thể là thật cả. Mỗi lần kể, chuyện một hay hơn nhưng chúng không khiến ta đau như lần đầu tiên.

Scott là người nói năng khúc chiết và giỏi kể chuyện. Anh không cần đánh vần chính xác từ hay đặt đúng dấu ngắt câu nhưng ta vẫn không bị cảm giác như đọc thư của một người mù chữ gửi đến chưa được chữa lỗi chính tả. Mất hai năm trời quen biết nhau anh mới đánh vần đúng được tên của tôi, nhưng vì đó là một cái tên dài và trong suốt thời gian ấy có vẻ như nó mỗi lúc một khó đánh vần hơn, nên tôi đã rất biết ơn khi anh cuối cùng cũng đánh vần được cái tên đó. Anh học cách đánh vần những từ quan trọng hơn và cố gắng suy nghĩ đúng đắn về nhiều từ khác.

Tối hôm ấy cho dù anh cứ muốn tôi biết và hiểu và đánh giá đúng thực chất của những chuyện đã xảy ra ở St-Raphael, tôi vẫn thấy hiện rõ mồn một trước mắt mình chiếc thủy phi cơ một chỗ bay vo ve trên chiếc thuyền lặn nhỏ, thấy màu của biển và hình dáng các cầu tàu lẫn bóng của chúng, thấy làn da phơi nắng của Zelda và của Scott, thấy màu tóc vàng sẫm và vàng tươi của họ và khuôn mặt rám nắng nâu sẫm của gã tình nhân của Zelda. Tôi không thể hỏi cái điều vương vấn trong đầu là nếu câu chuyện này là thật và tất cả đã xảy ra rồi, làm thế nào Scott hàng đêm vẫn có thể ngủ cùng giường với Zelda? Nhưng điều ấy có thể còn buồn thê thảm hơn bất kì câu chuyện nào của bất kì ai mà tôi từng được nghe, và, có lẽ anh cũng không nhớ, như anh không nhớ đêm qua.

Khách sạn gửi trả quần áo trước khi có cú điện thoại, và chúng tôi mặc vào đi xuống ăn tối. Scott giờ hơi lảo đảo và anh nhìn mọi người bằng nửa con mắt với vẻ khiêu khích. Chúng tôi khai mạc bữa tối bằng một bình Fleurie và món ốc sên tuyệt hảo, và khi chúng tôi đang đi được nửa đường thì Scott có điện thoại. Anh ra ngoài khoảng một tiếng và tôi xử lí luôn phần ốc của anh, nhấp chúng vào nước sốt bơ, tỏi, ngò tây ăn cùng những mẩu bánh mì nhỏ và uống Fleurie. Khi anh quay lại, tôi bảo sẽ gọi lại ốc cho anh nhưng anh bảo không cần nữa. Anh muốn ăn thứ gì đó đơn giản hơn. Anh không thích thịt nướng, gan, thịt lợn muối hun khói hay trứng tráng. Anh chọn món gà. Hồi trưa chúng tôi ăn món gà lạnh cực ngon nhưng đây vẫn là vùng nổi danh về gà nên chúng tôi dùngpoularde de Bresse với một chai Montagny, thứ rượu trắng nhẹ và dễ chịu bên miền lân cận. Scott ăn rất ít và nhấp một li rượu. Anh xoài người trên bàn, hai tay ôm đầu. Hình ảnh đó rất tự nhiên không có gì là quá kịch và trông anh như đang cố gắng để không làm vỡ hay đổ thứ gì. Người phục vụ và tôi dìu anh về phòng, đặt anh nằm lên giường. Tôi cởi áo quần cho anh chỉ chừa lại đồ lót, treo chúng lên, rồi lột những tấm khăn trải giường phủ lên người anh. Tôi mở cửa sổ. Bên ngoài trời trong trẻo, và tôi cứ để cửa mở như thế.

Ở dưới nhà, tôi ăn nốt bữa tối và nghĩ về Scott. Rõ ràng anh không nên uống gì hết và tôi đã không biết lo cho anh chu đáo. Bất cứ gì anh uống dường như đều kích thích anh quá mức để rồi bị ngộ độc, và tôi quyết định hôm sau sẽ cắt giảm tối đa các loại thức uống. Tôi sẽ nói với anh cần về Paris ngay và rằng, tôi đang tự luyện mình vào kỉ luật viết lách. Đấy không phải sự thật. Luyện mình, với tôi đấy là không bao giờ uống rượu sau buổi tối hoặc trước khi viết hoặc trong khi viết. Tôi đi lên phòng, mở toang tất cả các cửa sổ và cơn buồn ngủ ập đến ngay lập tức khi vừa leo lên giường.

Hôm sau chúng tôi lái xe về Paris trong một ngày đẹp trời, xe đi lên Côte d’Or trong không khí nuột nà sạch bong, và những ngọn đồi, những cánh đồng, những vườn nho trông thật tươi mới, Scott tươi tắn, vui vẻ, khỏe khoắn và anh kể cho tôi nghe cốt truyện từng quyển sách của Michael Arlen. Anh bảo Michael Arlen là người cần phải đọc và cả anh cả tôi đều có thể học được nhiều từ ông ấy. Tôi nói tôi không thể đọc ông ấy nổi. Anh bảo không cần phải đọc. Anh sẽ kể cho tôi nghe các cốt truyện và mô tả nhân vật. Anh tặng cho tôi cả một dạng bài trình bày bảo vệ luận án về Michael Arlen.

Tôi hỏi anh khi nói chuyện điện thoại với Zelda tín hiệu có rõ không, anh bảo không tệ lắm và họ có nhiều chuyện để nói với nhau. Vào bữa tối, tôi gọi một chai rượu loại nhẹ nhất có thể tìm thấy, và bảo Scott tôi sẽ rất biết ơn nếu anh đồng ý để tôi chỉ gọi từng ấy thôi bởi vì tôi đang phải tự khép mình vào kỉ luật trước mỗi khi viết bài và trong bất cứ trường hợp nào cũng không uống quá nửa chai, Anh hợp tác một cách tuyệt vời và khi thấy tôi nhìn chằm chằm vào chút rượu cuối cùng còn sót lại trong chai, anh đã chia cho tôi phần rượu của mình.

Đưa anh về đến nhà xong và lấy taxe quay lại cưởng cưa, tôi cảm thấy thật tuyệt khi được gặp lại vợ, và chúng tôi kéo nhau lên Closerie de Lilas để uống. Chúng tôi hạnh phúc như những đứa trẻ được hội ngộ sau cuộc chia lìa và tôi kể cho nàng nghe về chuyến đi.

“Nhưng chả lẽ không có gì vui hay học hỏi thêm được gì sao, Tatie?” nàng hỏi.

“Anh đã biết rất nhiều về Michael Arlen nếu chịu lắng nghe, và vỡ lẽ thêm rất nhiều điều trước đây còn mờ mịt.”

“Scott có vui chút nào không?”

“Hi vọng là có.”

“Tội nghiệp.”

“Anh biết được một điều.”

“Điều gì?”

“Đừng bao giờ đi xa với người ta không yêu quý.”

“Không nên à?”

“Ừ. Còn chúng ta thì sẽ đi Tây Ban Nha.”

“Vâng. Không đến sáu tháng nữa là chúng ta đi. Năm nay chúng ta sẽ không để ai quấy rầy nữa nhé?”

“Không. Sau Pamplona chúng ta sẽ đi Madrid và Valencia.”

“Mmmm,” nàng ư ử kêu, như một em mèo.

“Scott đáng thương.”

“Mọi người thật đáng thương,” Hadley nói. “Còn hai ta lại không một xu lại được thế này.”

“Chúng ta may mắn kinh khủng.”

“Chúng ta sẽ ổn thôi và ta sẽ cố giữ điều đó.”

Cả hai chúng tôi gõ vào mặt bàn gỗ của quán và người phục vụ đến xem chúng tôi cần gì. Nhưng thứ chúng tôi cần không phải anh ta, không phải ai khác, cũng không phải thứ cứ gõ lên mặt bàn gỗ hay đá của quán là có thể được. Đêm ấy chúng tôi không biết đấy là gì, nhưng chúng tôi vô cùng hạnh phúc.

Một hay hai ngày gì đó sau chuyến đi, Scott đem quyển sách đến. Cuốn sách được bọc bằng cái bìa lòe loẹt và tôi nhớ mình đã bối rối vì cuốn sách trông thật hời hợt, thiếu thẩm mĩ và thô thiển. Cái bìa khiến quyển sách trông như một cuốn tiểu thuyết khoa học giả tưởng hạng hai. Scott bảo tôi đừng bị ám ảnh bởi cái bìa, vì nó liên quan đến một bảng quảng cáo trên đường cao tốc ở Long Island, có vai trò quan trọng trong câu chuyện. Anh nói anh từng thích cái bìa này nhưng giờ thì không thích nữa. Tôi tháo cái bìa ra để đọc cuốn sách.

Đọc xong quyển sách tôi hiểu rằng bất kể Scott có làm gì hay cư xử như thế nào, tôi phải hiểu đấy như một căn bệnh và tôi phải giúp anh ấy bằng hết khả năng của mình và phải cố gắng làm một người bạn tốt. Anh có rất nhiều bạn tốt, rất tốt, nhiều hơn bất kì ai mà tôi biết. Nhưng tôi vẫn ghi thêm tên mình vào đấy như một người bạn của anh, cho dù tôi có ích gì cho anh hay không. Nếu anh đã viết được một quyển như The Great Gatsby, tôi tin anh có thể viết một quyển còn hay hơn nữa. Tôi chưa được biết Zelda, thế nên tôi không biết những điều kinh khủng lạ lùng mà anh phải chịu đựng. Nhưng rồi ta sẽ biết ngay thôi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.