Học Sinh Nghèo Vượt Khó

Chương 2-1: 100 yên/1000 chữ




1

Dịch giả không cần biết tác giả.

Cũng chẳng cần giao lưu, trao đổi qua lại, đa phần là vậy.

Người dịch nghiền ngẫm tác phẩm qua những con chữ, sau đó dựa trên cách hiểu và sở thích của bản thân để diễn đạt lại bằng một ngôn ngữ hoàn toàn mới. Thường thì tác giả sẽ chẳng nhìn thấy kết quả cuối cùng. Nói cách khác, dù có trong tay bản sách mẫu đã qua dịch thuật và ngay cả khi biết ngoại ngữ đó, tác giả vẫn khó có thể hiểu được cảm xúc của người bản xứ khi đọc những dòng chữ mới tinh này.

Khi diễn đạt, sợ nhất là bị hiểu sai ý, có thêm dịch giả làm trung gian, xác suất hiểu sai ắt sẽ tăng vọt. Tác phẩm dịch, vì vậy, trở thành thứ nhân đôi rủi ro.

Có ba cái khó trong dịch thuật, là tín, đạt, nhã*.

*Tín, đạt, nhã là 3 nguyên tắc trong dịch thuật: (i) Tín là bản dịch phải trung thành với nguyên tác, chính xác, không lệch lạc, không bỏ sót, không tự ý thêm bớt nghĩa;(ii) Đạt là bản dịch trôi chảy, rõ ràng, mạch lạc; (iii) Nhã là từ ngữ được sử dụng trong bản dịch phải phù hợp, trang nhã, có tính thẩm mỹ.

Vương Tử Chu hiểu rất rõ năng lực của bản thân, dịch cho chính xác thôi đã hao tâm tốn sức lắm rồi.

Không phải cô không muốn đặt mục tiêu cao hơn nhưng ép buộc bản thân chạy theo những yêu cầu nằm ngoài khả năng hiện tại thì đích thị là tham lam, dẫu nhìn vào thì có vẻ cầu tiến đấy, nỗ lực đấy.

Sự tham lam sẽ kéo kẻ sáng tác xuống địa ngục.

Chẳng nặn nổi nửa chữ.

Vì không thấy hài lòng.

“Thứ tôi muốn viết” và “thứ tôi có thể viết” có bao giờ là một?

Với người dịch cũng vậy.

Lòng tham trong Vương Tử Chu đang trỗi dậy.

Sắp hết một tuần mà cô vẫn chưa hoàn thành bản dịch thử 2000 chữ.

Bản dịch thử được trích từ “Công viên 1”. So sánh với “Công viên 3” của ba năm sau, văn phong tác giả ít nhiều đã có sự thay đổi. Nếu “Công viên 3” có thể coi là một tác phẩm đã đạt tới độ chín thì “Công viên 1” lại in đậm những dấu chân tìm tòi, dò dẫm. Như thề chính tác giả cũng chưa rõ mình sẽ phải viết ra sao, chỉ dựa vào trực giác và sở thích độc lạ của bản thân để chấp bút, chính sự “không chắc chắn” ấy khiến người dịch phải đau đầu.

Vương Tử Chu bắt đầu học tiếng Nhật từ hồi cấp ba, dù tự thấy mình có chút năng khiếu ngôn ngữ nhưng suy cho cùng, tiếng Nhật nào phải tiếng mẹ đẻ, thời gian và kinh nghiệm sinh sống tại Nhật còn hạn chế. Nếu dịch Nhật – Trung, vì ngôn ngữ đích là tiếng mẹ đẻ nên chỉ cần hiểu nội dung tiếng Nhật rồi dựa vào kinh nghiệm nhiều năm sử dụng tiếng Trung để chuyển ngữ là xong. Ngược lại, dịch từ Trung sang Nhật, đôi khi vấp phải một số vấn đề nằm ngoài phạm vi tiếng mẹ đẻ, độ khó sẽ lên một tầm cao mới.

Hiểu và ứng dụng là hai đẳng cấp hoàn toàn khác biệt.

Rất nhiều người có thể đọc hiểu tác phẩm ngoại văn nhưng lại gặp khó khăn khi sáng tác bằng ngoại ngữ và thế là họ “chết ngay” ở việc ứng dụng nó.

Trước Vương Tử Chu đã từng dịch Trung Nhật nhưng chưa bao giờ tiếp xúc với thể loại tiểu thuyết.

Dịch triển lãm ở bảo tàng, phỏng vấn trên tạp chí, cô đều đã kinh qua, thậm chí còn dịch cả tiểu sử cho người ta. Nhưng chúng có một điểm chung là phong cách ngôn ngữ không quá độc đáo, cá biệt, trong quá trình dịch thuật, cô chẳng cần phải đắn đo tới phong cách hay giọng điệu.

Nhưng tiểu thuyết thì khác.

Nếu dịch một cuốn truyện truyền kỳ với ngôn từ mực thước theo lối tiểu thuyết ngắn (light novel) thì đúng là nguy hiểm chết người.

Chưa bàn tới kho danh từ riêng đồ sộ, vấn đề lớn nhất của “Công viên 1” chính là lối văn viết nửa cổ nửa kim. Kể về một câu chuyện xảy ra nơi đô thị nhưng ngôn ngữ trần thuật lại hoàn toàn không ăn nhập với bối cảnh thời đại. Không những thế, 90% nhân vật trong truyện đều thể hiện sự thiếu ổn định khó hiểu, thậm chí khi đối thoại với các đối tượng khác nhau, phong cách ngôn ngữ của nhân vật cũng mang hơi hướng của một thời đại khác.

Trong quá trình thay đổi ngôn ngữ diễn đạt, làm thế nào mới giữ được chính xác sự sai lệch có chủ đích ở văn bản gốc? Nghĩ thôi đã điên đầu, trong lúc ba máu sáu cơn, cô chỉ muốn bóp ch3t tác giả qua màn hình máy tính.

Tất nhiên là không thể.

Thứ Sáu, cô đến tháng, đau bụng nằm mê man từ trưa, tỉnh dậy thì trời đã sâm sẩm tối. Vầng thái dương đỏ rực đã cận kề đường chân trời, bốn bề hơi nóng bốc lên như hun, vậy mà trong phòng vẫn lạnh ngắt.

Vương Tử Chu còn ngồi run cầm cập trên giường rồi mới tắt điều hoà, đứng dậy mở cửa ban công.

Lỗ chân lông toàn thân nở căng khi bắt gặp bầu không khí oi bức, cơ thể như vừa được rã đông.  

Tỉnh hẳn.

Cô tựa vào lan can, dõi về phía dòng sông Kamo, lờ mờ thấy bóng người đang câu cá.

Ung dung, nhàn nhã, nhìn mà ngưỡng mộ.

Vương Tử Chu quyết định buông tha cho bản thân.

Chỉ là trích đoạn 2000 chữ thôi, sao phải ép bản thân định hình phong cách cho cả một cuốn sách? Cứ dịch cho thật hay phần này để được chọn đã, rồi sau gọt giũa tỉ mỉ lại cũng được cơ mà?

Đừng chạy theo những h@m muốn xa vời.

Vương Tử Chu hoàn thành bản dịch thử vừa kịp thời hạn.

Cô kiểm tra một lượt từ đầu đền cuối tất thảy chú âm, chú thích, dấu câu, cẩn thận hơn cả nộp bài thi đại học.

Sau khi gửi mail, Vương Tử Chu cảm thấy khả năng được nhận chỉ có 50%.

Dẫu cho bên kia báo giá vô cùng bèo bọt, so với những phiên dịch viên không phải người bản ngữ trong tầm giá, năng lực của cô ít cũng phải lọt top 20%, thế nhưng cô vẫn không dám chắc mình sẽ giành phần thắng.

“Biết mình biết ta” cũng được coi là một kiểu tự tin. Từ tiểu học đến cấp ba, bất kể là kiểm tra, thi thố, bình bầu cán bộ, đánh giá xếp loại, v.v. dù chưa công bố kết quả nhưng chẳng bao giờ cô thấy lo, vì cô cảm thấy trăm phần trăm mình sẽ được xướng tên. Có lẽ là một dạng tâm lý “ưu việt”, sở dĩ chắc chắn như vậy bởi từ trong tiềm thức, cô đã nhận định rằng người khác đều kém hơn mình, cũng không có quá nhiều yếu tố ngoài tầm kiểm soát.

Nhưng từ khi “vượt khó” thành công, rời khỏi trường làng, bước vào ĐH J, ưu thế ấy không còn rõ rệt như trước. Sau khi thấm thía sự chênh lệch giữa mình và người, thứ khoảng cách mà cô có ngước mỏi cổ cũng chẳng thể chạm tới, Vương Tử Chu trở nên dè dặt và thận trọng hơn.

Thứ đã từng là thế mạnh giờ lại trở thành một trải nghiệm đáng quên.

Đắm chìm trong quá khứ là minh chứng cho sự bất lực của hiện tại, Vương Tử Chu nhắc nhở bản thân.

Sự trưởng thành của con người luôn đi kèm với việc chạm tới những ranh giới, không thể chạm tới ranh giới thì chỉ có trẻ con mà thôi.

Đó là thứ suy nghĩ của con nít.

Trước năm 18 tuổi, Vương Tử Chu Từng cũng từng là đứa trẻ đó.

Cô giờ đây không còn dám nói trước điều gì.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.