Hoàng Hậu Margot

Chương 64




Quyền Nhiếp Chính

Nhà vua bắt đầu sốt ruột, ông cho gọi de Nancey vào phòng và vừa ra lệnh cho đi gọi Henri thì Henri bước vào.

Nhìn thấy người em rể xuất hiện trên ngưỡng cửa, Charles thốt lên một tiếng kêu vui mừng còn Henri đửng sững sờ kinh hãi như thể đang nhìn thấy một thây ma.

Hai viên thầy thuốc túc trực bên nhà vua lui ra, viên cố đạo vừa khuyến khích ông hoàng bất hạnh dọn cho mình một cái chết theo tinh thần Thiên chúa giáo cũng lui ra nốt.

Charles không được nhiều sự thưong mến, vậy mà rất nhiều người khóc trong tiền phòng. Mỗi khi một nhà vua băng hà thì dù cho họ có là người như thế nào chăng nữa, bao giờ cũng vẫn có những kẻ bị mất mát một thứ gì đó và e sợ rằng chẳng còn tìm thấy lại điều đó dưới triều vua mới.

Cảnh tang tóc, tiếng khóc nức nở, những lời Catherine đã nói, không khí thê lương tôn nghiêm của những giây phút cuối cùng của một ông vua, hình hài của chính vị vua đó trong một căn bệnh tái phát nhiều lần mà khoa học chưa hề biết tới, tất cả những cái đó đã gây cho đầu óc còn trẻ trung và do đó vẫn còn dễ bị xúc động của Henri một tác động khủng khiếp đến nỗi mặc dầu ông đã quyết không để Charles thêm lo lắng về bệnh trạng của mình, ông vẫn không thể kiềm chế được mối kinh hoàng hiện trên nét mặt khi nhìn thấy người hấp hối mình mẩy đầm đìa máu.

Charles buồn bã mỉm cười. Mọi ấn tượng của những kẻ vây quanh không bao giờ lọt khỏi mắt người hấp hối.

- Đến đây nào Henriot - Charles chìa tay cho em rể và nói với giọng dịu dàng mà Henri chưa bao giờ nhận thấy ở ông - Ta đau lòng vì không thấy chú tới. Ông bạn đáng thương, ta đã nhiều lần làm khổ chú trong đời ta, và bây giờ xin chú hãy tin ta, ta cũng tự trách mình về điều đôi khi đã tiếp tay cho những kẻ giày vò chú. Nhưng một ông vua cũng không làm chủ được hết mọi tình thể và ngoài Catherine mẹ ta, ngoài d Anjou và d Alençon em ta ra, trong đời ta còn có một thứ phiền toái cao cấp hơn ta: đó là vận mệnh quốc gia, điều này sẽ không còn nữa khi ta tới ngày gần bên cái chết.

- Thưa bệ hạ - Henri ấp úng - Tôi chỉ còn nhớ mãi tình yêu thương của tôi đối với một người anh và lòng tôn kính của tôi đối với vua.

- Ừ chú nói thế là đúng, Henriot, và ta lấy làm biết ơn chú đã nói như vậy. Vì thật ra chú đã chịu đau khổ nhiều dưới triều đại của ta, ấy là chưa kể việc mẹ chú qua đời cũng dưới thời ta trị vì. Nhưng chắc chú cũng phải thấy là ta nhiều khi bị người xúi giục. Đôi khi, ta cưỡng lại nhưng đôi khi vì quá mệt mỏi ta đã nhân nhượng. Nhưng chú vừa nói, chúng ta đừng bàn tới chuyện cũ nữa. Giờ đây hiện tại thúc đẩy ta và tương lai làm ta lo sợ.

Nói tới những lời này, ông vua khốn khổ đưa bàn tay xương xẩu lên che lấy gương mặt nhợt nhạt.

Sau một lát im lặng, ông lắc đẩu như để xua đuối những ý nghĩ đen tối làm bắn ra quanh mình một lớp máu lấm tấm, Charles nghiêng mình về phía Henri hạ giọng nói:

- Cần phải cứu lấy quốc gia, phải ngăn cản không để quyền binh rơi vào tay những kẻ cuồng tín hoặc vào tay đàn bà.

Như chúng tôi vừa nói, Charles đã hạ giọng khi nói những lời này, tuy nhiên Henri tưởng chừng nghe được sau khe giường tiếng gì đó như một tiếng kêu tức giận trầm trầm, có lẽ có một lỗ trổ nào đấy mà chính Charles cũng không biết đã được đục trong tường để Catherine cũng có thể nghe được cuộc trò chuyện cuối cùng này.

- Tay đàn bà ư? - Vua Navarre hỏi gặng thêm cho rõ.

- Đúng thế, Henri ạ. Mẹ ta muốn nắm quyền nhiếp chính mong chờ vua Ba Lan trở về. Nhưng hãy nghe cho rõ lời ta, hắn sẽ không về đâu.

- Sao? Ông ta sẽ không trở về ư? - Henri thốt lên, tim đập thình thịch vì vui mừng.

- Không, hắn sẽ không trở về - Charles tiếp - Thần dân của hắn sẽ không để cho hắn ra đi.

- Nhưng, thưa anh, anh không nghĩ rằng Thái hậu có thể đã viết trước cho ông ta rồi sao?

- Có chứ, nhưng Nancey đã bắt được tên đưa thư ở Château-Thierry và đã đem lại cho ta lá thư, trong thư ấy bà ta bảo rằng ta sắp chết. Nhưng ta cũng đã viết thư về Varsovie, ta tin chắc thư ta sẽ tới nơi và em ta sẽ bị canh chừng. Vậy thì Henri, ngai vàng rõ ràng sẽ bị bỏ trống.

Một tiếng rên còn rõ hơn tiếng kêu trước vọng ra từ chiếc giường.

"Dứt khoát mụ ta ở đó - Henri tự nhủ - Mụ nghe thấy hết và đang chờ!"

Charles không nghe thấy gì. Ông nói tiếp:

- Tuy vậy, Henri ạ, ta chết đi mà không có con trai nối dõi. - Ông ngừng lại, một ý nghĩ êm dịu dường như làm rạng rỡ gương mặt ông, Charles đặt tay lên vai Henri - Than ôi, Henri, chú có nhớ thằng bé tội nghiệp ngủ trong nôi lụa mà đêm nào ta đã chỉ cho chú xem không, lúc ấy nó đang được một vị thiên thần canh giữ. Than ôi! Henriot, họ giết thằng bé của ta mất!

- Ôi tâu bệ hạ - Henri ứa nước mắt thốt lên - Tôi xin thề trước Chúa ngày đêm tôi sẽ coi sóc đến nó. Chỉ xin bệ hạ cứ ra lệnh.

- Cảm ơn Henriot - Nhà vua nói với giọng chan chứa tình cảm khác xa tính cách thường ngày mà giờ đây hoàn cảnh đã tạo cho ông có được - Ta chấp nhận lời hứa của chú. Đừng có biến nó thành một ông vua. May mắn thay. Nó sinh ra không phải để làm vua mà để làm một con người sung sướng. Ta để lại cho nó một tài sản riêng, miễn là nó có được sự cao quý của tấm lòng mẹ nó. Có lẽ tốt hơn hết nên đưa nó theo con đường Giáo hội, nó sẽ khiến người ta bớt e ngại hơn chăng. Ô, dường như ta thấy ta sẽ được chết nếu không phải là đầy hạnh phúc thì ít ra cũng thanh thản hơn nếu có được bàn tay ve vuốt của con trẻ và gương mặt dịu dàng của mẹ nó ở đây để an ủi ta.

- Thưa bệ hạ, sao Người không đưa họ tới đây?

- Này, dại dột thật, họ sẽ không được bước ra khỏi đây nữa. Đó là tình cảnh của vua chúa đấy Henriot ạ: họ không thể sống cũng như chết theo ý mình được. Nhưng từ khi chú hứa ta thấy yên lòng hơn.

Henri nghĩ ngợi.

- Thưa bệ hạ, đúng là tôi có hứa nhưng liệu tôi có thể giữ được lời hứa hay không?

- Chú định nói gì?

- Bản thân tôi đây chẳng phải là cũng đang bị lưu đày, bị đe doạ như hoàng nhi, còn hơn cả hoàng nhi nữa đó sao? Vì tôi đã là một người lớn, còn dẫu sao thì hoàng nhi vẫn là trẻ nhỏ.

- Chú nhầm - Charles đáp - Ta chết đi, chú sẽ trở nên mạnh và đầy thế lực, và đây là cái sẽ trao cho chú sức mạnh và uy quyền.

Nói tới đó, người hấp hối lôi ra một tờ chiếu chỉ từ đầu giường.

- Cầm lấy này - Ông nói với Henriot.

Henri đưa mắt đọc lướt qua tờ chiếu có đóng dấu ấn của nhà vua.

- Quyền nhiếp chính cho tôi ư, thưa bệ hạ? - Ông tái mặt đi vì vui mừng hỏi lại.

- Ừ quyền nhiếp chính thuộc về chú, trong khi chờ đợi quận công d Anjou trở về và vì rõ ràng là quận công d Anjou sẽ không trở về nên tờ giấy này không chỉ trao quyền nhiếp chính cho chú mà còn cả ngai vàng nữa.

- Ngai vua cho tôi - Henri lẩm bẩm.

- Ừ Charles đáp - Chú là kẻ xứng đáng nhất và là kẻ có khả năng nhất để cai trị tất cả cái bọn đàn ông ăn chơi hoang tàng, cái bọn đàn bà trác táng sống bằng máu và nước mắt này. Em d Alençon của ta là một thằng phản phúc, hắn sẽ phản lại tất cả. Cứ để hắn bị giam trong toà thành tháp nơi ta nhốt hắn vào. Mẹ ta muốn giết chú, hãy đày bà ta đi. Trong ba bốn tháng, có khi trong một năm nữa, d Anjou em ta sẽ từ Varsovie trở về đòi tranh quyền hành với chú. Hãy trả lời hắn bằng một đạo dụ của giáo hoàng. Ta đã sai viên sứ thần của ta, quận công de Nervers lo việc đó và chú sẽ sớm nhận được đạo dụ này.

- Ồi thánh thượng!

- Chỉ lo có một điều thôi Henri ạ, đó là nội chiến. Nhưng nếu chú là người cải theo Giatô giáo thì chú có thể tránh được điều đó vì phe Tân giáo chỉ có tầm cỡ nếu như chú chịu đứng đầu phe đảng này. Và ông de Condé không đủ lực để chọi nhau với chú. Nước Pháp là một nước đồng bằng và do đó phải là một nước theo Gia tô giáo. Vua nước Pháp phải là vua của những người Giatô giáo chứ không phải của những người Tân giáo, vì vua nước Pháp phải là vua của đa số. Người ta nói rằng ta hối hận vì đã cho tiến hành ngày lễ Saint-Barthélémy, ta ngờ vực không biết đã làm đúng hay sai nhưng hối hận thì không. Người ta nói rằng máu những người Tân giáo chảy tháo qua những lỗ chân lông ta, ta biết rõ từ người ta thoát ra cái gì: đó là arsenic chứ không phải máu.

- Ôi bệ hạ Người nói gì vậy?

- Không. Nếu cái chết của ta cần được báo thù: thì chỉ có Chúa mới báo thù thôi Henri ạ. Hãy dựa vào nghị viện và quân đội để chống lại những kẻ thù duy nhất của chú là mẹ ta và quận công d Alençon.

Lúc đó người ta nghe trong tiền phòng có tiếng binh khí chạm nhau trầm trầm và tiếng ra lệnh chỉ huy.

"Ta nguy mất." - Henri lẩm bẩm.

- Chú e ngại, chú sợ à? - Charles lo lắng hỏi.

- Tôi ư, thưa bệ hạ - Henri đáp - Tôi không e ngại cũng không ngập ngừng, tôi xin chấp nhận.

Charles siết tay ông. Vừa lúc đó nhũ mẫu tới gần tay cầm một chén thuốc bà vừa chuẩn bị trong phòng bên mà chẳng để ý gì đến vận mệnh của nước Pháp đang được định đoạt cách bà có vài bước chân.

- Cho mời mẹ ta, nhũ mẫu tốt bụng ơi, và truyền cho triệu cả ông d Alençon tới nữa.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.