Hoàn Khố

Chương 13: [Review] Hoàn Khố – Cái gọi là chân tâm




Hoàn Khố – Cái gọi là chân tâm

Tôi yêu văn của Hoan Hỉ, yêu cái nhẹ nhàng bình dị mà ko kém phần thấm thía trong văn của chị. Ẩn chứa trong từng con chữ có thể là rất nhiều tình cảm, rất nhiều ý tứ, kéo người đọc chìm sâu vào câu truyện trong vô thức. Tôi cảm cái “ngược” trong văn của Hoan Hỉ, cái ngược luẩn khuất trong từng con chữ, trong từng đoạn văn mà khi thoáng nhìn qua ngỡ tưởng chỉ như miêu tả cảnh vật thông thường. Chị luôn biết cách diễn tả những điều mình muốn gửi gắm trong từng thiên truyện một cách giản dị nhất mà cũng hiệu quả nhất. Cái “ngược” trong từng câu truyện của chị thấm sâu vào lòng tôi, để rồi từ nơi sâu nhất ấy, tôi thật đau mà đồng cảm cùng nhân vật, đau nỗi đau của nhân vật, giằng xé tận tâm can.

Cũng như rất nhiều người khác, tôi đến với văn của Hoan Hỉ lần đầu tiên qua những bộ đam mỹ thể loại huyền huyễn. Đó cũng là lần đầu tiên tôi được trải nghiệm thể loại truyện này. Ở thế giới ấy có thần tiên, có ma quỷ, có pháp thuật, có người tốt kẻ xấu, có ân oán tình thù, có hiểu lầm khúc mắc… Nhưng điều mà tôi cảm nhận được nổi bật lên trên hết, đó là ở nơi ấy có tình yêu. Thế giới của thần tiên hiện ra trong văn của Hoan Hỉ không đẹp như thơ, trái lại, nó mang rất nhiều éo le và nghịch cảnh. Thần tiên trong những câu truyện của chị cũng như bao con người bình thường khác, họ cũng biết vui biết buồn, biết đau biết hận, biết yêu thương bằng tất cả tấm chân tình. Tôi cảm cái tình trong từng câu truyện của chị, bước qua từng thiên truyện, tôi thấy bản thân dường như cũng đang ở trong thế giới đó, chứng kiến tất cả, lần lượt nhận ra từng ý nghĩa lẩn khuất, nhận ra từng bài học quý giá.

Diễm Quỷ, Tư Phàm, Hoàn Khố hay Báo Ân Ký, tất cả mỗi câu truyện đều mang trong mình nhiều tầng ý nghĩa riêng, đòi hỏi người đọc phải thật chú tâm, phải thả mình vào trong đó, phải thật tinh tế cảm nhận và tự nghiệm ra cho mình những bài học. Đôi khi thả mình theo mạch cảm xúc của truyện, người đọc thấy thật đau, thật thương tâm, tự hỏi: “Tại sao lại có thể ngược đến thế?”, “Tại sao họ lại làm khổ nhau nhiều như thế?”… Nhưng những cái “ngược” trong truyện của Hoan Hỉ không hề vô lý, trái lại, nó vô cùng có ý nghĩa. Cảm được cái “ngược” trong truyện của Hoan Hỉ, là phần nào cảm được cái thần của truyện, cảm được một tâm hồn văn chương đẹp đẽ.

Tôi yêu tất cả những câu truyện huyền huyễn của Công Tử Hoan Hỉ, nhưng bộ truyện khiến tôi nặng lòng nhất, khiến tôi phải trăn trở nhất, đó chính là Hoàn Khố. Mỗi lần đọc Hoàn Khố là lại thêm một lần tôi nhận ra điều gì đó mà mình còn bỏ sót trong lần đọc trước, cứ như vậy, càng  lúc tôi càng yêu bộ truyện này hơn. Từng nhân vật trong truyện đều có cái đáng giận, nhưng cũng có cái đáng thương. Họ mang trong mình nhiều cung bậc tình cảm mà chính họ cũng còn chưa hiểu hết, bởi vậy mới dẫn đến những bi kịch đáng buồn… Nhưng trải qua những nỗi đau, họ mới dần trưởng thành hơn, nhận ra cái mà mình thực sự cần và trân trọng.

Ly Thanh và Lan Uyên, hai người họ đều có chút ngốc nghếch, e sợ tổn thương nên thận trọng dè chừng, thử thăm dò lẫn nhau. Hai người đều không hiểu tâm tư của nhau, trải qua ngầm mưu tính kế, trải qua thương tâm, rồi qua hối hận, để cuối cùng dẫn đến vướng mắc mấy trăm năm mới có thể minh bạch toàn bộ. Tới khi đó mới giật mình tỉnh ngộ, “tình yêu” hai chữ bất quá là hỏi một câu thích hay không thích…

***

Ly Thanh – Hồ vương lãnh mạc.

Cũng như bao nhân vật khác của Hoan Hỉ, Ly Thanh được xây dựng bởi những nét tính cách rất đặc trưng. Nhắc tới Ly Thanh, chắc hẳn tất cả các bạn đọc của Hoàn Khố đều sẽ nghĩ đến sự lãnh mạc, lạnh lùng, nhạt nhòa và khó nắm bắt.

Con người ta một khi đã sống quá lâu trong cô đơn, quá quen với tịch mịch, làm bạn với nỗi cô quạnh luôn thường trực, sẽ không còn cảm thấy quá khó khăn nữa, cuộc sống của họ là tồn tại chứ không hoàn toàn là sống. Cô đơn thì đã sao? Một mình thì đã sao? Ly Thanh đã quá quen thuộc rồi. Chính vì đã cô đơn tịch mịch quá lâu, nên chỉ cần một chút ấm áp mà Lan Uyên mang lại đã dễ dàng thấm vào trái tim băng giá ngàn năm của Ly Thanh. Lần đầu tiên Ly Thanh có cảm giác ấm áp, có cảm giác tồn tại một nơi để mình hướng về, tồn tại một con người để mình yêu thương. Bất tri bất giác, băng tuyết ngàn năm đã dần tan chảy. Sự xuất hiện của Lan Uyên đã phá vỡ thói quen tịch mịch và băng hàn ngàn năm trong lòng Ly Thanh.

“Đối với một người tịch mịch mà nói, một chút ôn nhu, dù cho biết rõ không phải thật tâm, cũng sẽ nổi lên tâm tư tham luyến.” Ban đầu, Ly Thanh bài xích tình cảm của Lan Uyên trong vô thức, là bởi vì hắn lãnh đạm, biết rõ Lan Uyên là một công tử đa tình, hắn ko muốn sa vào tình cảm hư giả của Lan Uyên. Thế nhưng cuối cùng, Ly Thanh vẫn bị sự ôn nhu ấm áp của Lan Uyên tác động trong vô thức. Bản thân Ly Thanh cũng không thể ngờ rằng, chỉ mới vài ngày không thấy Lan Uyên, hắn cư nhiên lại nổi lên tâm tư tưởng nhớ. Lần đầu tiên nghiêm túc nhìn lại bản thân, giật mình xót xa khi thấy bên mình không có ai cả.

“Bị một câu “thân nhân duy nhất” làm chấn động, mới phát hiện ra bên cạnh mình quả thực một người cũng không có, muốn tìm người nào đó để nói vài câu cũng không có.”

Ly Thanh thực sự rất đáng thương. Hắn lạnh lùng lãnh mạc cũng chỉ bởi hoàn cảnh khiến hắn phải như vậy. Thân nhân bên cạnh chỉ còn lại một mình Ly Lạc, hắn lại là một kẻ vụng về trong việc thể hiện tình cảm, bởi vậy càng khiến đứa em trai duy nhất dần rời xa mình. Bản thân là vương của một tộc, Ly Thanh cũng cần sự lạnh lùng và uy nghiêm, ngẫu nhiên hắn đã tự xây quanh mình một bức tường băng kiên cố vô hình, ở bên trong đó, chỉ có mình hắn, với sự lạnh lẽo, tịch mịch và cô đơn.

Không phải ngẫu nhiên mà Hoan Hỉ để Minh Cơ xuất hiện trong truyện, lại vào đúng thời điểm Ly Thanh đang phải lưỡng lự giữa nhiều sự lựa chọn. Sự xuất hiện của Minh Cơ có vai trò vô cùng quan trọng trong việc phá bỏ rào cản cuối cùng trong lòng Ly Thanh. Chính Minh Cơ là người đã thức tỉnh Ly Thanh, phá vỡ bước tường phòng vệ vô hình mà Ly Thanh vẫn luôn xây bọc quanh mình. Ly Thanh ko muốn xuất ra chân tâm, cũng là sợ phải xuất ra chân tâm. Một người lạnh lùng như hắn, nhàm chán như hắn, liệu có thể có ai yêu, có thể có ai muốn, có thể có ai dùng chân tâm để đối đãi? Là sợ, cũng là vì đề phòng và bảo vệ chính mình, Ly Thanh đã luôn bọc mình trong bức tường cảnh giới ấy, từ chối mọi sự thân cận, mọi tình cảm xung quanh. Vẻ ngoài lạnh lùng, lãnh mạc, nhưng bên trong là một trái tim e sợ tổn thương và sợ mất đi lớp vỏ bảo vệ.

Minh Cơ có một tình yêu mù quáng, một tình yêu bất chấp đánh đổi tất cả, nhưng tất cả những cái mà nàng nhận về được lại chỉ là nỗi đau không thể nói hết bằng lời. Những trái tim người… Nàng đoạt đi mạng sống của người khác, hành động tàn ác ấy, có mấy ai nghĩ rằng thật ra cũng chỉ xuất phát từ một ước mơ nhỏ nhoi, từ một hi vọng bình thường mà ai cũng có thể có, đó là hi vọng được bình bình đạm đạm sống qua cả một đời với người mình yêu.

Con người có thể yêu, vì sao yêu quái không thể yêu? Vì sao tình yêu của yêu quái lại luôn phải đánh đổi bằng quá nhiều máu và nước mắt như vậy? Âu cũng vì ông trời khi sinh ra yêu quái đã nhẫn tâm cho thêm vào bản tính của nó một thứ khả năng gọi là yêu… Đã gọi là bản năng, là hạnh phúc nhỏ bé, có ai lại không xứng đáng có? Nhưng có mấy yêu quái đạt được niềm hạnh phúc nhỏ bé gọi là tình yêu ấy mà không phải là thần hình câu diệt hay hồn phi phách tán?

Nếu con người biết đau, thì yêu quái cũng biết đau vậy. Và biết đâu đấy, có lẽ còn đau hơn gấp ngàn vạn lần con người nữa, vì có những yêu quái chỉ luôn ước mong mình được là một con người bình thường mà thôi…

Minh Cơ đáng hận, nhưng cũng thực sự đáng thương. Nàng yêu hết lòng, yêu chân thật, chỉ tiếc thay, nơi nàng gửi gắm trái tim lại không thể hòa hợp với nàng. Người và yêu quái, những mối tình như vậy đã bao giờ có được kết thúc tốt đẹp? Nhưng nàng vẫn cược, vì nàng yêu và khát cầu hạnh phúc tới cháy bỏng. Tuy thua, nhưng chắc chắn sâu trong thâm tâm, Minh Cơ cũng không hề cảm thấy hối hận, bởi nàng đã cố gắng hết mình, thử cố gắng hết mình một lần để giữ lấy và bảo vệ tình yêu của mình. Đó là một việc làm sai trái, nhưng cũng là một việc làm đáng thương. Trước khi bị hành hình, Minh Cơ đã nói: “Ta cả đời có thể được một người đối đãi bằng chân tâm chân ý, còn cầu cái gì hơn? Oán hận duy nhất đó là ta không thể làm một người vợ chân chính của hắn, cầm tay hắn, bầu bạn cùng hắn suốt đời.” Hạnh phúc của nàng tuy nhỏ nhoi và ngắn ngủi, nhưng lại là niềm hạnh phúc mà biết bao người phải mơ ước, đó chính là niềm hạnh phúc khi có được một người đối đãi mình bằng chân tâm chân ý, mình cũng dùng toàn bộ tình cảm, toàn bộ chân tâm chân ý của mình để đối đãi với người đó.

Tuy chỉ là một nhân vật phụ, nhưng sự xuất hiện của Minh Cơ trong Hoàn Khố đã để lại cho tôi không ít ấn tượng sâu sắc. Minh Cơ cũng chính là nhân tố quyết định trong việc đánh thức sự khao khát tình cảm, khát khao hạnh phúc trong lòng Ly Thanh. Một câu nói của Minh Cơ thôi đã tác động mạnh mẽ tới Ly Thanh: “Không đánh cược một phen, người sao có thể biết được là thắng hay thua? Biết sao không? Thế gian dẫu có muôn vàn thứ cầu không được, bình bình đạm đạm mà trải qua một đời, cũng không hẳn không phải là một thứ hạnh phúc.”

Có lẽ chính nhờ tác động của Minh Cơ mà Ly Thanh quyết định thử cược một lần, thử một lần mở trái tim băng giá của mình, một lần trao đi chân tâm, một lần thật tâm hi vọng nhận lại tình cảm ấm áp.

Tuy chính Ly Thanh đã quyết định hành hình Minh Cơ, nhưng hắn không phải là kẻ tuyệt tình, nói đúng hơn, Ly Thanh chỉ là một người công tư phân minh. Sau khi Minh Cơ bị hành hình, Ly Thanh đã chủ động đến nhà Trương Thắng để xóa đi mối nhân duyên oan nghiệt. Đằng sau tấm vỏ bọc lạnh lùng và tuyệt tình, chính là một trái tim nhạy cảm và yếu đuối.

Cũng chính từ cái đêm trở về từ nhà Trương Thắng, Ly Thanh đã chấp nhận tình cảm của Lan Uyên. Suốt dọc đường về, chỉ có một vầng nguyệt bầu bạn, sự lạnh lẽo của trời đêm thấm sâu vào tận trong da thịt. Chắc hẳn Ly Thanh đã suy nghĩ rất nhiều, suy nghĩ về những lạnh lùng mà mình đã có, những cô quạnh tịch mịch mà mình luôn có, những khát khao hạnh phúc của Minh Cơ đã tác động mạnh tới suy nghĩ và nhận thức của Ly Thanh.

Lần đầu tiên Ly Thanh đặt cược, đặt cược bằng toàn bộ chân tâm quý giá và hiếm hoi của một con người lãnh mạc. Đáng buồn thay, hắn đã thua trong lần đặt cược ấy.

Ly Thanh chỉ lẳng lặng nghe Hồng Nghê kể lại những chuyện trăng hoa của Lan Uyên, nghe Hồng Nghê nhận xét: “Lan Uyên hắn nếu có thể có chân tâm, trời trên đầu cũng sẽ sụp xuống mất”. Khóe miệng Hồ vương ẩn ẩn mơ hồ mang một chút ý cười, có lẽ là nụ cười cay đắng, nhàn nhạt, cười vì mình đã để chân tâm của mình xuất đi hoang phí, cười vì mình đã quá khờ dại để bản thân lún sâu vào ôn nhu của một vị thái tử đa tình.

Nhưng Ly Thanh vẫn chưa lật bài ngửa với Lan Uyên, mãi cho tới khi phải chịu thiên kiếp, có lẽ bởi Ly Thanh thực sự là một con người rất tịch mịch, rất cô đơn, luôn khao khát tình cảm, sự ấm áp, dù biết đó chỉ là giả dối.

***

Lan Uyên – thái tử bạc tình

Lớn lên trong xa hoa phú quý, thói quen ăn chơi trụy lạc đã thấm sâu vào con người Lan Uyên. Bản thân Lan Uyên không hề xấu, chỉ là hắn đã quá coi thường tình cảm, hoặc giả, hắn chưa từng thật tâm yêu một người.

Khi mới gặp và qua lại với Ly Thanh, có lẽ Lan Uyên thực sự cũng chỉ có ý định chơi đùa như bao lần. Hắn thấy hiếu kỳ về Ly Thanh, một vị vương tài sắc lạnh lùng, một con hồ ly thoáng nhìn qua không giống với bản chất của hồ ly, không dùng vẻ đẹp trời sinh để mị hoặc lòng người. Thế nhưng, chính Lan Uyên cũng không thể ngờ, bản thân mình lại bị cuốn hút, bị lún sâu vào vòng tình cảm luẩn quẩn trong vô thức từ lúc nào không hay.

Mặc Khiếu đã nhiều lần cảnh báo Lan Uyên: “Chơi với lửa ắt có ngày tự thiêu, ngươi tự lo thân cho tốt. Ta chỉ nói một câu, hắn chính là Hồ vương.”

Tình cảm đối với Lan Uyên chỉ như một trò chơi, thích thì giữ, ko thích nữa thì bỏ. Những tình nhân của hắn đã thay đổi biết bao người, đã bao lần chỉ nghe thấy tiếng tân nhân cười, ko nghe được tiếng cựu nhân khóc. Cái ngày Lan Uyên tới thăm Mặc Khiếu, hắn lại vứt bỏ một món đồ chơi của mình, không chút xót xa. Đáng buồn thay, tất cả những việc ấy đều đã bị Ly Thanh chứng kiến. Có lẽ bắt đầu từ giây phút ấy, mọi chân tâm và tình cảm của Ly Thanh đều tan biến, lại một lần nữa bức tường phòng vệ bằng băng vô hình được dựng lên xung quanh Ly Thanh. Cánh cửa luôn đóng băng khó khăn lắm mới có thể hé mở lại bất ngờ bị đóng sầm, giam giữ một trái tim tổn thương, rất khó để mở ra thêm lần nữa.

Có những thứ phải đến khi mất đi rồi, con người ta mới hiểu là trân quý, đáng tiếc khi ấy đã quá muộn. Bình sinh chưa từng tương tư, nên lần đầu gặp tương tư, đã làm hại tương tư rồi…

Đã quá quen với việc đùa giỡn tình cảm của người khác, Lan Uyên không hề nhận ra chân tâm của mình đối với Ly Thanh, mà có lẽ cũng vì trước đó chưa từng đối với ai bằng chân tâm, nên hắn không rõ và cũng sợ phải thừa nhận lần này mình đang dùng chân tâm để đối đãi với Ly Thanh. Mãi tới khi chứng kiến vẻ khốn đốn của Ly Thanh sau thiên kiếp, chứng kiến bóng lưng cô độc của hắn rời đi, Lan Uyên mới sâu sắc nhận ra tình cảm của mình dành cho hắn quá lớn, đó chính là chân tâm.

Quá đau đớn khi nghĩ rằng Ly Thanh chưa từng thực sự yêu mình, thái tử cuồng vọng nghịch thiên để đi tìm câu trả lời cho chính bản thân. Tới khi tìm được rồi, cầm trên tay đóa hoa đăng đề hai chữ Lan Uyên thanh thanh sở sở, nhị thái tử đắc ý và sung sướng như lần đầu tiên đạt được cái mà mình muốn, nhưng cũng chính vào thời khắc ấy, đau đớn càng mãnh liệt hơn bao giờ hết, bởi hắn nhận ra, hắn đã phụ một tấm chân tâm của người mà hắn yêu thương nhất rồi.

Phải trả giá bằng nỗi đau về cả thể xác lẫn tinh thần, Lan Uyên vẫn cam tâm tình nguyện. Hắn một lòng kiểm điểm lại bản thân, một lòng chờ đợi sự tha thứ của Ly Thanh, một lòng mong mỏi được nhận tấm chân tâm quý giá kia một lần nữa. Trong suốt một trăm năm bị giáng xuống hạ giới tự suy ngẫm, nhị thái tử ngông cuồng ngày nào đã thực sự trưởng thành hơn rất nhiều, nhận ra rất nhiều điều mà bấy lâu nay bản thân mình đã vô tình bỏ lỡ và đánh mất.

Tới bây giờ, một tấm chân tâm này của hắn, chỉ mong Ly Thanh có thể hiểu, có thể tiếp nhận và thứ tha.


***

Hoàn Khố – cái gọi là chân tâm.

Văn Thư từng nói: “Mọi việc đều có chừng mực, có một số việc nếu ko phải thật tâm thì ko thể lấy được chân tâm của người khác.”

Vào thời khắc mọi bức màn đều bị hạ xuống, màn kịch kết thúc, Hồ vương đã nhàn nhạt nói: “Nhị thái tử, ngươi dùng cái gì đòi lấy chân tâm của Ly Thanh ta?”

Câu trả lời thực ra vô cùng đơn giản, chỉ có một tấm chân tâm, mới có thể đổi được một tấm chân tâm. Đáng tiếc, câu trả lời đơn giản nhưng lại phải đánh đổi bằng quá nhiều nỗi đau, quá nhiều máu và nước mắt.

Tôi từng đau thắt lòng khi cảm những tâm sự của Ly Thanh: “Lan Uyên, giữa ta và ngươi chỉ là một cuộc giao dịch, ta cho ngươi hoan tình, ngươi cho ta ôn nhu, cả hai đều không thiếu nợ nhau.” Bị phụ bạc chân tâm, Ly Thanh đã nghiễm nhiên chuyển mối quan hệ giữa hai người thành một cuộc giao dịch. Đáng tiếc, chân tâm không phải là một cuộc giao dịch, và cái giá phải trả khi đem chân tâm ra giaodịch chính là nỗi đau mà cả hai người đều đã phải gánh chịu.

Lan Uyên từng có suy nghĩ: “Thật thật giả giả, nào có ai móc chân tâm ra để nhìn đâu?” Suy nghĩ ấy của hắn sai lầm rồi, bởi người ta không nhìn chân tâm bằng mắt, mà người ta cảm nhận chân tâm bằng trái tim. Thật tâm hay không thật tâm, sao người ta có thể không biết?

Còn một ý nghĩa được ẩn giấu trong thiên truyện này nữa, đó là chân tâm cần phải được thể hiện ra rõ ràng, không nên giữ yên lặng và chỉ ngầm suy đoán đối phương.

Giữa hai người lúc nào cũng chỉ có ngầm mưu tính kế, dò đoán lẫn nhau, từ đó dẫn đến những hiểu lầm sâu sắc và hậu quả đáng buồn. Khi Lan Uyên mang Xuân Phong Tiếu tới tặng Ly Thanh, đó cũng là lần đầu tiên Ly Thanh nói ra chữ “thích”, lần đầu tiên Ly Thanh thừa nhận cảm giác của mình. Chỉ một chữ đơn giản như vậy thôi nhưng chứa đựng biết bao ý nghĩa. Chỉ một chữ như vậy thôi nhưng đã khiến Lan Uyên phấn khích và ghi nhớ mãi. Cũng kể từ đó, Xuân Phong Tiếu trở thành một nhân chứng tình cảm của hai người.

Cả hai người họ đều đã phạm sai lầm trong việc thể hiện tình cảm. Lan Uyên thể hiện tình cảm quá nhiều, còn Ly Thanh lại thể hiện tình cảm quá ít. Lan Uyên gieo tình ở khắp nơi, “chân tâm thực rẻ mạt, đến mức không thể gọi là chân tâm”. Bởi vậy, dù thể hiện tình cảm rất nhiều nhưng Lan Uyên lại khiến Ly Thanh không thể cảm thận được tình cảm của hắn, cũng không thể chấp nhận thứ tình cảm quảng đại ấy của Lan Uyên. Khi chữ “thích” có thể nói ra quá dễ dàng, có thể nói ra với bất kỳ ai, thì nó không còn mang được ý nghĩa linh thiêng của nó nữa.

Trái ngược với Lan Uyên, Ly Thanh quá ít nói và quá ít thể hiện tình cảm. Hắn chưa từng một lần nói “thích”, chưa từng một lần khẳng định tình cảm của mình với Lan Uyên. Hắn chỉ luôn đeo một gương mặt lạnh lùng vô cảm, khó nắm bắt, khiến người khác phải ngầm suy đoán, mệt mỏi tâm tư. Mặc Khiếu từng nói: “Một lời ngươi cũng không nỡ nói ra, cả ngày cứ căng khuôn mặt thì ai biết được tâm tư của ngươi? Ngươi đối với Ly Lạc là như vậy, ngươi đối với Lan Uyên chẳng lẽ cũng là như thế?”

Bi kịch đã không xảy ra nếu cả hai người họ biết thể hiện tình cảm của mình một cách đúng đắn, không thử thăm dò lẫn nhau, không ngầm mưu tính kế… Phí hoài ba trăm năm, chỉ bởi hai tấm chân tâm không biết cách thể hiện.

Cả hai người bọn họ đều đã khiến đối phương thay đổi trong vô thức. Lan Uyên từ một tên công tử trăng hoa, cuối cùng cũng đã hiểu được thế nào là chân tâm, thế nào là thực sự dành tình cảm cho một người, thế nào là trả giá và chờ đợi một người. Ly Thanh từ một con hồ ly mang trái tim lạnh giá, cuối cùng cũng đã biết thế nào là tình cảm ấm áp, là yêu và được yêu, là nguyện ước tình cảm.

Đọc Hoàn Khố đã bao lần, những bài học mà mình nghiệm ra được từ thiên truyện ấy luôn ghi khắc thật sâu. Ly Thanh hay Lan Uyên, cả hai người họ đều đáng trách, nhưng cũng rất đáng thương. Tôi yêu quý cả hai con người ấy, cũng như yêu quý Hoan Hỉ và câu truyện Hoàn Khố. Sẽ vô cùng có ý nghĩa nếu mỗi người dùng chân tâm của mình để đọc bộ truyện này, toàn tâm toàn ý thả hồn theo mạch truyện, mở lòng mình để tiến nhập vào một thế giới huyền ảo. Ở nơi đó có những vị thú vương uy nghiêm mà vui tính, có đám tiểu tư ngộ nghĩnh dễ thương, có yêu nữ mang tình cảm con người, có một vị thái tử trăng hoa đa tình, có một vị Hồ vương lạnh lùng lãnh mạc, và một tấm chân tâm đáng quý…

Nguyệt Cầm Vân


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.