Hoa Vàng Mấy Độ

Chương 17: Chương 17




Bà Mười nhìn Lam Uyên nhơi nhơi cơm rồi nói :
- Ăn uống như con chắc đến đổ bịnh thôi. Cả tháng nay cứ mỗi bữa, ăn đúng một chén. Ốm lắm rồi! Con không cần giữ eo đâu Uyên, bệnh thì khổ.
- Mệt quá con ăn không nổi, mà nói thật con cũng muốn bệnh, nằm một chỗ cho xong đời.
Giẫy nẩy lên, bà mắng :
- Điên vừa vừa! Toàn nói điều xúi quẩy. Nhà nầy xảy ra ngần ấy chuyện chưa đủ khổ hay sao ?
Thấy Lam Uyên ngồi chống cằm không để ý tới lời mình vừa nói, bà Mười cau mầy thở dài. Bà biết con nhỏ đang buồn, đang chán mọi thứ.
Hơn tháng nay Lam Uyên làm trong một xưởng in lụa, cô làm việc một ngày trên tám tiếng. Trưa ở lại nơi làm, gần tối cô mới về tới nhà, ăn lếu láo vài ba miếng là vào giường nằm soải tay, soải chân như ốm nặng. Ngôi nhà lúc nào cũng lặng lẽ không tiếng người. Hưng đã trở về nhưng hai anh em cô không… lời qua tiếng lại chọc nhau để cười giòn như xưa. Cũng như Lam Uyên, đi làm về, ăn cơm xong là anh rút vào phòng mình. Ông Trí như người câm, suốt ngày không nói một tiếng, mà chỉ miệt mài đọc sách rồi tập khí công. Ông chờ đợi cơ quan điều tra làm sáng tỏ nỗi oan không thể bày tỏ của mình.
Bà Mười lại thở dài. Dạo nầy đêm nào bà cũng cầu nguyện hương hồn mẹ của Lam Uyên về phù hộ chồng con tai qua nạn khỏi. Bà không hiểu cõi hư vô kia, Bích Quỳnh có nghĩ đến gia đình, để đáp lời cầu nguyện của bà không nữa. Phần mình, bà đã bán chỉ vàng có được để đóng một xe bánh mì, mỗi sáng Hưng đẩy phụ xe cho bà ra tới ngã tư để bán. Có lẽ Bích Quỳnh phù hộ nên bà bán rất đắt. Đến chín giờ sáng bà có thể dọn dẹp mọi thứ đế đi chợ lo cơm nước và lo chuẩn bị đồ chua, thịt nguội, pa tê cho ngày mai. Bà bằng lòng với công việc của mình hiện tại.
Lam Uyên uể oải đứng dậy dẹp chén bát vào thau. Bà Mười xót xa :
- Bốn người lớn mà ăn không hết hai lon gạo. Cứ kiểu nầy chắc chết. Mẹ con Uyên có linh thiêng về phù hộ gia đình…
Lam Uyên rùng mình vì lời than của bà Mười. Cô khuấy khuấy tay vào thau nước lạnh ngắt rồi hỏi :
- Dì có chắc một trăm phần trăm là mẹ con đã chết không?
Mặt bà Mười thoáng sững sốt :
- Bữa nay con làm sao vậy Uyên ? Con vừa hỏi cái gì hả ?
Giọng Lam Uyên bình tĩnh :
- Ba nói có thể mẹ vẫn còn sống. Mà nếu đúng vậy, dì Mười có vái cũng hoài công.
- Chính miệng ba con nói mẹ con chết rồi mà!
- Ba nói vậy tại ông hận mẹ …. Nhưng tại sao ba lại hận mẹ hả dì Mười ?
- Chuyện hận thù đó tao phỏng đoán thôi. Vì đêm vượt biên Bích Quỳnh, mẹ con không đi với chồng mà đi chiếc tàu có thằng đàn ông trước kia đã hỏi cưới nó. Ba con nghĩ rằng mẹ con nghe lời ông bà ngoại dứt tình chồng vợ bỏ cả con thơ để theo người tình cũ đến chân trời mới vì ba con quá nghèo. Nhưng sau nầy mới biết chuyến tàu đó đã bị bão đắm ngoài biển.
Im lặng hồi lâu, bà Mười nói tiếp :
- Còn chuyến tàu chở ba con hư máy không đi được khiến nó càng tin điều mình nghĩ là đúng. Lúc ấy ba con như điên với một nách hai con nhỏ, đã vậy nó còn bị những người vượt biên không được, hăm he thanh toán. Ở lại Đà Nẵng cũng khó yên thân, nó mới đem tụi con vào Long Khánh làm rẫy suốt mấy năm ròng. Sau đó mới vào Sài Gòn.
Lam Uyên gật đầu :
- Con còn nhớ lúc mình ở Long Khánh.
Bà Mười chợt hỏi :
- Nhưng con có nhớ hồi nhỏ con tên là gì không?
Uyên nhíu mầy :
- Con còn tên nào khác nữa sao ?
- Cũng là Uyên, nhưng là Bích Uyên chớ không phải Lam Uyên.
- Ủa sao kỳ vậy dì Mười ?
Bà Mười trầm tư :
- Tại ba con kỹ quá. Nó không muốn ai biết đến dĩ vãng của mình, nên khi vào Sài Gòn làm lại giấy tờ, nó đã xin đổi tên con cái và của chính nó nữa. Thằng Hưng hồi nhỏ xíu tên thằng Hùng, còn ba con tên Lê Thạnh Trị chớ không phải Lê Thành Trí. Nhưng đâu phải thay tên đổi họ rồi người ta sẽ khác đi đâu. Ba con vẫn còn khổ còn oán, còn hận khi nhớ tới mẹ con. Khi nghĩ Bích Quỳnh chết, nó thấy an ổn, nhưng lúc gặp những chuyện rủi ro trong đời, ba con lại cho rằng vong hồn mẹ con theo ám và tất cả những chuyện không may xảy đến cho nó, đều bắt nguồn từ mẹ con, người đàn bà phản bội.
Lam Uyên ôm đầu ngao ngán. Cô nghe dì Mười kể mà cứ nghĩ dì ấy kể chuyện của ai không liên can gì tới cô hết. Cô mới vừa chập chững bước lên ngưỡng cửa cuộc đời thôi, làm sao cô biết được bên kia cánh cửa đã mở có bao nhiêu niềm vui và nỗi buồn chớ. Lam Uyên vẫn còn quá xa lạ với từng hoàn cảnh của từng người. Đâu phải gia đình nào cũng yên vui hạnh phúc, trên hòa dưới thuận như gia đình Vi Lan, hay đều uẩn khúc như gia đình cô và đầy quyền hành buộc con cái theo ý mình như gia đình Duy.
Nhớ tới Duy, Lam Uyên lại đau nhoi nhói. Cô cố tình tránh mặt anh từ khi nghe Vi Lan kể lại những lời Hồng Linh đã tâm sự. Điều nầy làm Duy buồn, nhưng Uyên biết sao đây ?
Bản chất Lam Uyên là người cao ngạo, cô đâu muốn gia đình Duy xem thường mình và cô càng không muốn Duy vì mình như thế.
Đến hôm nay anh đã có được những gì anh muốn rồi, dù thế nào mẹ anh cũng đâu thể ….treo tấm Fax chuyển tiền ấy lâu hơn nữa. Bà mợ của Duy trở qua Việt Nam giải nguy cho anh. Thế là anh trở thành giám đốc trung tâm Tin Học Đông Phương. Chỉ có khác một chút xíu là Hưng không được là trưởng phòng nghiệp vụ và cô cũng không được làm thư ký riêng cho anh như trước đây Duy từng hào hứng bàn tính.
Hưng không nói ra nhưng Uyên biết anh giận và trách thầm bạn khi mẹ Duy lấy lại ngôi nhà Hưng ở đậu với thái độ thiếu tôn trọng anh. Những chuyện dồn dập xảy đến khiến anh em Lam Uyên lún vào mặc cảm. Chính mặc cảm làm cô cứ trốn tránh mỗi khi Duy tìm.
- Có lẽ mẹ con đã chết rồi Uyên à.
- Hả ? Dì Mười nói gì ?
Tỏ vẻ không hài lòng vì Uyên không nghe câu mình vừa nói, bà Mươi hơi gắt :
- Dì nói chắc mẹ con chết thật rồi.

Tự dưng Uyên nhắc lại lời ba cô hôm trước:
- Chết thì đã sao mà sống thì đã sao ? Với con, mẹ luôn luôn đã chết.
Rồi cô lại nói nhỏ :
- Nhưng con không muốn bất cứ ai động vào vong hồn của mẹ, dù đó là ba. Người chết là đã hết mọi chuyện. Dì Mười nói sao thì nói để ba đừng kêu đến mẹ mỗi khi bực dọc nữa. Con chịu không nổi.
Bà Mười lầm bầm :
- Ừ, để từ từ dì sẽ khuyên ba con. Mà nói thật, tao cũng không biết phải khuyên như thế nào đây nữa.
Lam Uyên chợt hỏi :
- Anh Hưng về chưa dì Mười ?
- Về ăn cơm rồi đi với Vi Lan. Có con Lan, nó cũng đỡ buồn. Tính tình con nhỏ dễ thương , tao chịu …
- Còn tính con thì dễ ghét, nên dì chê phải không?
Bà Mười chặc lưỡi :
- Trời ỗi người một tính. Dì ghét thì đã sao ? Quan trọng là ra đời kìa chớ nói chi người trong nhà.
Chợt bà thắc mắc :
- Sao lâu quá không thấy thằng Quang, rồi cả thằng Duy ghé hả Uyên ?
Đang nói về chuyện…. ghét với ưa, tự nhiên bà Mười lại hỏi sang Quang và Duy, Lam Uyên bỗng tự ái, cô dỗi :
- Tại con khó ưa quá nên họ chán, đâu ghé đây chi nữa.
Cô chẳng ngờ bà Mười không an ủi, mà còn nói thêm bằng giọng rất … chân tình :
- Dì lại nghĩ họ chán gia đình mình, nên không ghé thì đúng hơn. Đâu ai muốn quen với người có cảnh ngộ như con. Lúc nãy dì khen Vi Lan vì nó trước sau như một, nó thương thằng Hưng thật lòng, nên đâu có câu nệ ...
- Thì Lan là người yêu của anh Hưng, còn con với hai người kia có gì đâu cơ chứ.
Mặt bà Mười nheo lại tinh quái :
- Tao biết cả rồi, đừng giả vờ con ạ! Với thằng Quang thì miễn bàn, vì thằng đó môi mỏng, rặt phường láu cá, lần đầu nhìn thấy tao đã ghét, nhưng với thằng Duy thì…. ái chà! Gia đình nó tệ quá! Con tránh mặt cũng đúng, mình phải có chút tự ái chứ! Nếu thật thương con, nó đâu dựa vào việc con trốn tránh để … dứt liên hệ luôn như vậy. Từ hôm con đi làm tới nay, nó cũng bặt tăm, không hiểu nó ngại gặp thằng Hưng hay ngại gặp ba mầy nữa.
Lam Uyên tỏ vẻ thờ ơ :
- Con nghĩ tại ảnh bận thôi. Giám đốc chắc chắn phải nhiều việc hơn người thường.
Vừa nói dứt lời cô đã nghe tiếng chuông gọi cửa. Cách nhấn chuông ấy làm tim Uyên đập loạn xạ Bà Mười tủm tỉm cười :
- Chắc tìm con đó! Vừa nhắc đã xuất hiện. Linh thật! Có định trốn nữa không?
Uyên ngập ngừng :
- Dì ra nói với ảnh bữa nay con làm suốt đêm, tối ngủ lại chỗ làm luôn.
Bà Mười càu nhàu :
- Nếu thằng Duy tin lời nói dóc ngu ngốc nầy thì đúng là nó chẳng yêu con, nó tới tìm chiếu lệ vậy thôi. Và nếu dì nói như thế với nó thì dì là con mụ già dở hơi. Chi bằng dì đuổi quách nó về với lý do con không muốn thấy mặt, nghe coi bộ được hơn.
Lẳng lặng không đáp lời… khiêu khích của dì Mười, Lam Uyên từ tốn, chậm chạp đánh răng rửa mặt như chuẩn bị đi ngủ, cô làm ngơ, mặc tiếng chuông ngoài cổng cứ vang lên từng hồi.
Bà Mười sốt ruột :
- Ba mầy la bây giờ.
- Nếu sợ ba la, thì di ra nói sao cho ảnh về dùm con đi.
Bà Mười vừa bước lên nhà trên, vừa ca cẩm :
- Ôi trời ơi là mệt! Ngày xưa tao từng làm giao liên cho ba mẹ mầy, từng thấy tụi nó sướng, khổ ra sao. Giờ tới mầy. Số tao đúng là cực vì mấy cái vụ lăng nhăng nầy.
Lam Uyên ngồi khoanh tay trên bàn ăn lòng hồi hộp chờ dì Mười trở vào. Nói là nói cứng thế thôi, trái tim khó bảo của cô vẫn mong dì Mười mở cửa mời Duy vô nhà. Cô khao khát được gặp anh, được anh ôm vào lòng biết bao. Nhưng nhớ lại những lời Hồng Linh nói với Vi Lan về gia đình mình, Lam Uyên tự ái đến muốn khóc.
Dưới mắt ba mẹ Duy, anh em, thậm chí ba cô đều không ra gì. Anh Hưng là người lợi dụng bạn bè, Lam Uyên quyến rũ Duy từ tay Tố Nga, cũng chỉ để bòn rút tiền bạc của anh. Cô là người hám lợi, vô đạo đức nên mới giúp ba và dì ghẻ làm việc mua bán phụ nữ. Hồng Linh nhờ Vi Lan … khuyên cô: “buông tha Duy ra, để anh lo sự nghiệp”.
Cô đã lẩn tránh Duy vì lời đề nghị thẳng thừng của Hồng Linh, hay vì bản thân cô mặc cảm với người mình yêu, khi giữa hai gia đình hai bên chênh nhau một khoảng quá xa về mọi thứ? Đã vậy gia đình Duy lại không thông cảm, không hiểu hoàn cành khốn khổ, khổ sở của cha con Lam Uyên hiện tại, làm sao cô dám ôm mộng tưởng sẽ có ngày hạnh phúc bên anh?
Phải thực tế thôi! Cuộc sống vợ chồng ngắn ngủi xưa kia của ba mẹ cô là một bằng chứng cho thấy vấn đề môn đăng hộ đối muôn đời muôn kiếp vẫn là bài toán nan giải.

Lam Uyên nén tiềng thở dài khi tưởng tượng lúc Duy bỏ rơi cô, sau một thời gian hai người bất chấp mọi trở ngại, sống với nhau trong nghèo khổ, thiếu thốn. Lam Uyên không muốn đi theo con đường ba mẹ cô đã đi, Lam Uyên không muốn con cô sẽ khổ sở như cô hiện giờ.
Trước đây Uyên những tưởng mẹ cô chết vì vượt biên bị đắm tàu thông thường. Hôm nay nghe dì Mười nói rõ uẩn khúc của chuyến đi ấy, Uyên mới bàng hoàng nhận ra rằng mẹ đã phản bội ba chỉ vì bà không chịu nổi cực khổ, vì từ nhỏ tới lớn bà quen sống giàu sang, có kẻ hầu người hạ.
Duy của cô cũng quen sung sướng, đã vậy lại mau thay đổi tình cảm. Ai dám tin chắc rằng Duy chịu đựng hết mọi nhọc nhằn của cuộc đời, để sống với cô tới răng long đầu bạc ?
Xòe bàn tay ra, Uyên nhìn vào những đường chỉ dọc ngang và thấy lòng mình cũng rối bời như mối chỉ tay ấy.
Bà Mười trở vào với mấy cuốn sách trên tay. Thấy Uyên nhìn mình, bà nói :
- Duy tìm thằng Hưng. Không gặp, nó gởi trả mấy cuốn sách. Dì nói có con ở nhà, thì Duy bảo tiếc là nó bận nên không vào chơi được.
Lam Uyên nuốt nghẹn xuống :
- Dì nói thế làm gì?
- À! Tao muốn thử nó thôi mà! Té ra thằng Duy là đồ dỏm.
Uyên sững người vì lời chê bai của dì Mười. Cô chưa kịp nói lời nào, bà lại tiếp :
- Dì đi ngủ đây! Sáng còn dậy sớm nữa, con chờ thằng Hưng về mở cửa cho nó.
Lam Uyên lặng lẽ bước ra sân ngồi xuống thềm, cô tựa lưng vào cột và xót xa nhìn ngôi sao nhỏ xíu nhấp nháy một mình trên cao. Nó có hiểu Uyên đang muốn gì không nhỉ ?
Người ta bảo lòng kiên nhẫn của đàn ông có giới hạn, quả không sai. Cô đã làm anh nản. Cô đạt được điều mình muốn, sao bây giờ lại buồn, lại trách người ta vội quên?
Chuông ngoài cổng lại vang lên một tiếng ngắn ngủn, cộc lốc. Uyên lười biếng không muốn đứng dậy, cô muốn được chìm đắm trong cõi riêng đầy phiền muộn của mình. Uyên không hiểu sao anh Hưng lại về sớm thế. Có người yêu bên cạnh là hạnh phúc nhất, thế mà ảnh không biết giữ phút giây quý giá ấy ?
Đợi chuông vang lần nữa, Lam Uyên mới chậm chạp bước ra sân. Cô lơ đãng mở rộng cổng má không cần nhìn xem ai bước vào. Đến khi bị một cánh tay khỏe mạnh kéo sát cô sau cánh cửa đã đóng lại, Uyên mới nhận ra mình bị Duy ôm gọn vào người. Anh ép Lam Uyên chặt đến mức cô không động đậy được.
Lam Uyên nghe giọng mình yếu đuối :
- Buông em ra.
- Cho em trốn anh nữa không con bé ngốc? Anh chưa thấy ai ngốc và ngông như em. Và anh cũng chưa biết nhớ biết khổ vì ai như em.
Uyên có cảm giác mình sắp tan biến vì ánh mắt da diết, nồng nàn của Duy. Tất cả những lời lẽ tính toán rất lý trí, rất thực tế lâu nay bỗng bay đâu mất. Cô trở lại nguyên vẹn cô với nhớ những vây kín, với yêu thương ngập đầy. Cô run rẩy đón nhận môi anh y như lần đầu, rồi cô lại mê đắm hôn trả anh như sợ anh sẽ rời khỏi đây ngay.
Dìu Lam Uyên ngồi xuống thềm nhà, Duy xoay mặt cô lại nói một hơi :
- Em tưởng trốn tránh mãi như vậy anh sẽ chán nản và quên em hay sao ? Bộ em nghĩ đây là biện pháp tốt nhất để giải quyết chuyện tụi mình à! Anh đã tính toán đâu đó cả rồi, em chỉ giỏi làm anh rối trí thêm thôi. Hừ! Tại sao mới vào làm ở công ty Đại Nam mấy hôm đã nghỉ ngang mà không nói với anh một tiếng ? Em thích là công nhân in lụa, suốt ngày ngồi hơn tám tiếng, để mỏi tay khòm lưng kéo những bản in nhãn hiệu lên thùng carton, lên bao gói hàng phải không ?
Thấy Lam Uyên im lặng, Duy dịu giọng :
- Em chẳng hề nghĩ gì tới anh hết, em ích kỷ đến thế là cùng. Suốt tháng nay anh căng thẳng với công việc mới, anh cần có em kế bên để an ui, để chia sẻ biết là bao. Anh mong đợi, chỉ hoài công, anh đến tìm, em lẩn tránh. Nếu là bè bạn, cũng không ai đối xử như thế, huống hồ chi mình yêu nhau hả Lam Uyên ?
- Anh tới để trách em đấy à?
Châm ình điếu thuốc, hít một hơi, rồi tựa lưng vào cột. Duy nhẹ nhàng :
-Anh chỉ nói thật lòng mình thôi. Em nghĩ đó là lời trách móc cũng được.
Lam Uyên buồn bã :
-Chúng ta đã sai lầm khi yêu nhau. Nhất là anh, nếu vẫn yêu Tố Nga như xưa, em nghĩ anh đã hạnh phúc, đã vui sướng hơn yêu em rất nhiều.
-Tự chọn tình yêu và người yêu ình, anh không ân hận cũng không so sánh. Anh chỉ nghĩ làm sao để chúng ta hiểu nhau hơn và yêu nhau hơn nữa.
Khẽ lắc đầu, Uyên thẳng thắn :
-Em thấy chúng ta khó có kết thúc tốt đẹp như ý muốn. Em sợ mọi thứ đổ vỡ, anh sẽ bỏ em như từng bỏ Tố Nga. Thà mình chia tay lúc chưa ràng buộc gì với nhau vẫn hay hơn.
Duy bật cười, giọng anh giễu cợt :
-Chia tay! Trừ phi không còn yêu anh, em mới nghĩ tới cái từ chỉ có trong tiểu thuyết ấy. Còn anh hả ? Anh luôn tìm cách đạt cho bằng được điều anh muốn. Anh không lưng chừng, thiếu tự tin khi anh đã yêu thật sự.
-Anh là đàn ông, anh nói gì lại chả được, chỉ có đàn bà con gái là thiệt thòi.
-Vậy đàn ông không có trái tim, không biết đâu khổ hay sao ? Em yêu anh nhưng chưa thật sự tin vào anh. Nói thật, mặc ba mẹ anh nghĩ thế nào về gia đình, về bản thân em, anh dứt khoát chỉ cưới em làm vợ thôi.
Kéo Uyên vào lòng, anh nói tiếp :
-Anh biết Hồng Linh đã nhờ Vi Lan nói điều gì đó không phải với em, nhưng em phải có lập trường của mình chớ ! Ngang bươnng cao ngạo, khó khuất phục như em mà lại dễ dàng chối bỏ hạnh phúc, tình yêu vì những lời nói gián tiếp của Hồng Linh à? Nó là em anh, là bạn ngang hàng với em, nó đâu có quyền nói những chuyện không phải của mình.

-Em biết Hồng Linh vâng lời bác gái, nhưng còn nghĩ đến bạn bè, nên thay vì phải trực tiếp nói với em, nó đã nhờ Vi Lan. Duy à! Chúng ta sẽ không có hạnh phúc khi gặp trở ngại từ phía gia đình.
-Anh không để em ở chung đâu mà sợ cảnh mẹ chồng nàng dâu. Tóm lại, anh không bất hiếu với cha mẹ, cũng không làm khổ người anh yêu, cưới em được anh sẽ chí thú làm ăn, vẫn tốt hơn có hiếu nghe lời cha me, làm khổ người mình yêu, cưới một cô vợ khác rồi bỏ bê mọi thứ vì thất vọng, vì chán chường. Lúc nãy anh đã nói suy nghĩ cùa anh với mẹ, bà đã hiểu anh, dứt khoát sẽ không ngăn anh nữa.
Lam Uyên ngập ngừng :
-Còn bác trai ? Bác không tha thứ tội em đã cãi lời đâu.
Duy thì thầm vào tai Uyên :
-Ý mẹ là ý ba, nhất vợ nhì trời mà.
Lam Uyên làm thinh, cô xúc động khi biết rằng suốt thời gian qua, Duy vừa cật lực làm việc, vừa kiên nhẫn thuyết phục mẹ mình. Anh yêu cô nhiều hơn cô nghĩ nhiều lắm, Uyên đúng là ích kỷ, thiếu tự tin, đã vậy còn bi quan, mặc cảm làm khổ Duy.
Cô lo lắng khi nghe anh nói :
-Ngay mai chủ nhật, mẹ mời em và Hưng tới dùng cơm trưa.
-Có … vội vàng không anh. Em ngại quá! Nhất là với Hồng Linh, nó đã từng nói….
-Chậc! Bỗng dưng em lại dè dặt khác với tình em thường ngày vậy Uyên ? Anh đã bảo mẹ rất muốn gặp em, sao cứ nhắc chuyện Hồng Linh chi vậy ?
Lam Uyên nhìn vào mặt Duy :
-Gia đình đang gặp nhiều chuyện không may, nên em ngại đến nhà anh lắm. Nếu thật lòng thương em, đừng để em mặc cảm, khi bước đầu tiên vào nhà người mình yêu quý. Có thể anh lại cho rằng em ích kỷ, chỉ nghĩ tới mình. Đúng ra em nghĩ nhiều tới gia đình rồi lo lắng… lỡ như ai đó xúc phạm đến ba, đến anh Hưng thì em sẽ ứng phó ra sai ? Chỉ cần một người quen vô tình hỏi thăm vụ Trung Tâm du lịch Hoa Lan thôi, em đã khổ sở. Em sẽ trả lời sao nếu hai bác quan tâm đến chuyện đó ?
Thấy Duy nhíu mầy, Uyên nhỏ nhẹ :
-Cuối tháng phòng điều tra kết thúc vụ nầy. Đợi họ có tiếng nói xong, em sẽ đến thăm bác với tâm hồn thanh thản, vì em tin chắc ba không dính dấp gì đến việc làm của dì Kiều Mai.
Duy thở ra :
-Cũng được! Nhưng ngày mai, hai đứa phải đi chơi đâu đó cho thoải mái một chút. Quần thảo với công việc mãi, anh muốn điên lên rồi!
Lam Uyên vòng tay ôm đầu gối, lòng cô mâu thuẫn ngập tràn. Khó khăn lắm Uyên mới mở miệng từ chối :
-Em phải làm cả ngày chủ nhật, nên không đi chơi với anh được.
Duy nắm hai vai Uyên lắc mạnh, giọng anh giận dữ :
-Em thật cố chấp khi viện hết lý do nầy đến lý do khác từ chối mỗi đề nghị của anh. Em không yêu anh như lời em nói đâu. Vì nếu thật tình yêu anh, em phải hiểu để thấy rằng anh phải khó khăn thuyết phục mẹ từng ngày để bà đồng ý chuyện hai đứa. Đằng nầy em chỉ nghĩ tới sĩ diện của mình, em không xứng đáng với lòng yêu thương của anh. Từ giờ trở đi anh không làm phiền em nữa.
Dứt lời, Duy hầm hầm bước đi. Cánh cổng đóng sầm lại lạnh lùng dễ sợ. Uyên không khóc mà nghe lòng đầy cay đắng. Tại sao cô lại làm thế ? Có phải tại cô chỉ nghĩ tới sĩ diện của mình như Duy vừa nói không? Chắc là như vậy, nhưng cô vẫn yêu anh mà. Hơn ai hết, anh phải biết điều đó chứ !
Hưng ngạc nhiên nhìn người đàn bà đang nở nụ cười thân thiện với mình. Anh chưa kịp hỏi, bà ta đã lên tiếng trước:
- Cháu là Hưng phải không?
Gật đầu, Hưng bối rối không biết nên xưng hô thế nào cho tiện :
- A! Cô là mợ của Tường Duy.
Ngần ngừ một chút, Hưng bảo:
- Mời cô vào nhà.
Bà Thanh tự nhiên ngồi xuống salon, rồi hỏi:
- Chắc cháu đang thắc mắc không biết tôi đến đây làm gì?
- Cháu có đoán, nhưng biết đâu không chính xác. Anh em cháu đều là bạn bè của Duy, khoảng thời gian sau nầy vì công việc tụi cháu phải bươn chải kiếm sống nên ít gặp Duy. Dạo nầy chắc nó cũng bận rộn với chức vụ giám đốc.
Mỉm cười trước lời rào đón của Hưng, bà Thanh thêm vào:
- Dù ít gặp nhưng tụi cháu vẫn là bạn tốt phải không.
Hưng nhếch môi:
- Cháu chưa là bạn xấu của ai bao giờ.
- Tôi cũng nghĩ thế.
Hưng nghiêm giọng:
- Chỉ mới trao đổi vài ba câu xã giao, căn cứ vào đâu cô lại tin cháu?
- Căn cứ vào cái nhìn đầu tiên, với tôi, giây phút đầu tiên rất quan trọng. Chắc cháu và Duy cùng một tuổi.
- Vâng.
- Và cùng một mộng ước.
- Ồ không, cháu nhiều mộng ước lắm. Nói thế chắc cô nghĩ là cháu tham lam, nhưng nếu chỉ có một mộng ước như Duy, lỡ mộng ước ấy vỡ tan, cháu sẽ trắng… cả nhiệt tình, lấy đâu ra động lực để làm việc mà sống chứ.
Bà Thanh chớp mắt trước nụ cười có vẻ cao ngạo của Hưng. Cách nói và nụ cười ấy làm bà nhớ tới một người ngày xưa….
- Xin lỗi! Để cháu rót nước mời cô. Hôm nay nhà không có ai hết.
Nhìn dáng Hưng nhanh nhẹn bước vào nhà trong, bà Thanh bàng hoàng vì một linh cảm khác thường. Bà lẩm bẩm:

- Trời ơi! Sao trông nó giống anh ấy đến thế ! Lẽ nào….
Ôm đầu không dám suy nghĩ tiếp, bà Thanh lắng nghe tiếng tích tắc đều đặn của kim đồng hồ vang lên trong sự yên lặng của căn phòng….
Mười mấy năm rồi chớ ít gì, kể từ ngày bỏ xứ ra đi. Bây giờ trở lại, những người thân yêu ruột thịt không còn ai. Họ đã chết hết! Người ta đã nói lại với bà như thế bằng một giọng hết sức dửng dưng.
Bà Thanh đan hai tay vào nhau cố dằn thổn thức. Hồi đó, bỏ quê vượt biên ra đi là điều thôi thúc trong lòng nhiều người. Riêng bà không đời nào nghĩ tới chuyện ấy, nhưng vì là con duy nhất trong gia đình, bà phải đi theo để phụng dưỡng cha mẹ và cũng để lo tương lai cho chồng con. Ai ngờ tất cả chỉ là cơn mộng dữ. Bà không còn gì hết. Giờ đây một thân một mình với nỗi tiếc thương vô hạn, hối hận khôn cùng, bà nhìn những người trạc tuổi con mình và khao khát…. Ước chi tất cả chỉ là giấc mơ nhỉ?
Hưng bưng ra một cái khay nhỏ, trên có ấm trà và hai cái tách, anh nói:
- Nhà cháu lúc nào cũng có trà sen. Ba cháu ghiền trà lắm, và phải trà thật đậm kìa.
Bà Thanh nhìn Hưng không chớp mắt:
- Tôi cũng có thói quen uống trà đậm. Và cũng là trà sen.
- Vậy thì hay quá! Mời cô dùng thử…
Dứt lời anh chợt lúng túng vì không biết sẽ nói chuyện gì với người đàn bà xa lạ nầy.
Bà Thanh bưng tách trà lên và nhận thấy tay mình run run.
- Chắc cháu không phải người gốc Sài Gòn?
- Dạ đúng!
- Vậy trước khi đến đây, gia đình cháu ở đâu?
Hưng ngạc nhiên vì sự căng thẳng không giấu được của bà Thanh, khi bà chờ nghe anh trả lời. Ba anh từng dặn dò không nên nói thật về gia đình với ai. Đợi bà uống xong ngụm trà, Hưng từ tốn đáp.
- Trước đây gia đình cháu ở Long Khánh.
Giọng bà Thanh thất vọng:
- Thế à?
Rồi bà ngồi thừ ra, đến khi nghe Hưng nhỏ nhẹ hỏi:
- Có chuyện gì mà cô tìm cháu vậy?
Bà mới hoàn hồn cười gượng:
- À! Tôi có nghe Duy nói cháu là một chuyên viên xử lý phần mềm rất giỏi. Duy đã đề cử cháu phụ trách phần nghiệp vụ cho Trung Tâm Đông Phương.
- Nhưng sau đó cũng chính Duy đưa công việc nầy cho người khác. Cháu không trách nó.
(mất trang 184)
... nằm sẵn chờ mình đâu.
Hưng hơi ngượng vì bà Thanh cứ nhìn anh chăm chú. Cái nhìn của bà như chất chứa một tình cảm riêng tư nào đó, khiến Hưng liên tưởng đến những lời Lam Uyên nói với anh trước đây.
Con bé… độc miệng cho rằng hình như bà mợ của Duy rất thích đàn ông trẻ. Lần ấy anh cực lực lên án cái… mép Hoạn Thư của Uyên. Em gái anh là chúa ích kỷ, nó từng ganh với Vi Lan khi anh chăm sóc cho cô dĩ nhiên không đời nào có cảm tình với người đàn bà đẹp sắc sảo, ăn nói hoạt bát, rất giàu có nầy khi ngày ngày bà ta vẫn luôn gặp Duy. Con bé ghen! Mặc dù bà Thanh lớn tuổi, nhưng Lam Uyên đã nhún vai thảy cho Hưng tờ báo Lao Động kèm theo lời khinh bỉ :
- Báo đăng ở Ý, bà già chín mươi ba tuổi còn được… thằng nhỏ hai mươi bốn tuổi cầu hôn. Bà Thanh độ năm mươi, còn trẻ quá so với cụ bà sắp làm cô dâu trong ảnh.
Với tuổi năm mươi, bà Thanh vẫn còn quá trẻ, Hưng lấy làm lạ khi nhận ra, đáng lẽ anh phải thắc mắc tại sao bà ta tìm đến tận nhà, và… năn nỉ anh vào làm việc cho bà, đàng nầy anh lại đi thắc mắc những chuyện hết sức vớ vẩn. Có lẽ những lời Lam Uyên đã làm rối tâm trí anh. Hưng bối rối lảng sang chuyện khác:
- Trước đây cháu nghe Duy nói cô đề nghị giúp vốn cho nó…
- Tôi có đề nghị, nhưng ông ngoại Duy, tức là bố chồng tôi không đồng ý. Ông muốn chính ông bỏ vốn ra cho cháu cưng của mình. Điều đó đúng thôi! Tiền của nhiều, không cho con cháu, nhắm chết có đem theo được đâu.
Bà Thanh nhìn lên trần nhà, giọng mơ màng:
- Một thân một mình đúng là bất hạnh. Tôi làm việc để giết thời gian, để tìm vui, và có lẽ để giúp đỡ người khác.
- Cô không còn người thân nào hết sao ?
Bà Thanh cười buồn:
- Nếu còn, cuộc sống của tôi đâu tẻ nhạt như vậy. Tất cả là do sai lầm của tôi trong quá khứ. Lẽ ra tôi cũng có những đứa con xinh đẹp, thông minh như ... cháu và Lam Uyên. Mà thôi! Sao lại nhắc đến quá khứ đau buồn ấy nhỉ! Thật tiếc, khi tới đây mà không gặp Lam Uyên.
- Uyên cũng sắp về rồi, nó đưa ba cháu vào bệnh viện để tái khám theo định kỳ/
- Lam Uyên là cô bé có cá tính mạnh mẽ. Tôi có gặp Uyên, nhưng lần đó Duy không giới thiệu vì hai đứa đang giận nhau.
Rồi bà chợt nói bằng giọng hơi lạc vì xúc động:
- Lần đầu nghe Duy nhắc tên Lam Uyên tôi có cảm giác mình và con bé rất thân quen. Tôi vẫn mong Duy đưa Uyên đến chơi, không ngờ hai đứa cứ vì tự ái hục hặc mãi. Đến nay tôi vẫn chưa được nói chuyện với con bé.
- Cô sẽ nói gì khi gặp em cháu ?
- Làm sao tôi trả lời được. Cũng như khi đến đây, dầu có mục đích rõ ràng, tôi vẫn chưa chuẩn bị để biết mình sẽ nói gì và sẽ gặt hái được những gì. Trong đời, tôi đã chuẩn bị ình nhiều lần, rốt cuộc không lần nào được gì cả, đã vậy còn mất mát cho nên bây giờ tôi hay tin vào may rủi hơn.
- Vậy…. cô gặp may nhiều, hay rủi nhiều?
Bà Thanh mỉm cười trước câu hỏi cắc cớ của Hưng – Phải chi thằng bé là con trai mình nhỉ? Lòng bà xao động với ý nghĩ thoáng qua.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.