Họa Tiên

Chương 31: 31: Từ Biệt Tại Nghiệp Thành Hai





Sử Tư Minh làm chuyện vô sỉ với thê tử và con gái của An Lộc Sơn lặng lẽ lan truyền trong quân.

Thời gian phản loạn kéo dài vốn đã khiến quân An dao động, lúc này đang có xu hướng đại loạn.

Cùng năm đó, quân nhà Đường giành lại được Trường An, An Khánh Tự bị thua, dẫn theo một ngàn ba binh mã còn sót lại lui quân từ Lạc Dương đến Nghiệp Thành.

Sau đó không lâu, Sử Tư Minh nhìn thấy mối quan hệ với quân An sắp tan vỡ thì nhốt sứ giả của An Khánh Tự lại, lấy hơn tám vạn binh, mười ba quận đầu hàng nhà Đường.

Thiên Tử mừng rỡ, trao cho ông ta chức Tiết độ sứ Phạm Dương.

Nhưng Dật Sơ cho rằng ông ta có thể tiếp tục phản bội, yêu cầu triều đình không thể thiếu cảnh giác với ông ta.

Phát hiện ông ta vẫn đang chiêu binh mãi mã, Thiên Tử đề cao cảnh giác, định tìm người xử lý ông ta.

Dù sao thì Thiên Tử vẫn còn trẻ, làm việc vẫn còn hấp tấp, không giấu được người khác, Sử Tư Minh phát hiện kế hoạch của triều đình, lại làm phản lần thứ hai, dẫn mười ba vạn người xuôi xuống phía Nam tiến quân về Nghiệp Thành.

Vừa đứng bên cạnh nhìn vừa lên tiếng ủng hộ An Khánh Tự và chặn quân lương thảo của Đường.
Quân Đường đã vây quét An Khánh Tự suốt bốn tháng trời, thấy Sử Tư Minh chạy lên cứu viện, triều đình dứt khoát dùng mọi giá điều mười sáu vạn đại quân đều ra lệnh đi đến Nghiệp Thành, muốn quyết một trận tử chiến với phản quân An - Sử.

Thiên Tử bổ nhiệm Dật Sơ làm Trung Thư môn hạ Bình Chương sự, Hi Lam làm phụ tá trong quân, dẫn theo mười vạn quân đến giúp đỡ Quách Tử Nghi.
Buổi tối ngày thứ ba sau khi xuất phát, nơi rừng sâu núi thẳm, có một tiếng sáo Khương vang lên, khiến trong đêm vang vọng nỗi buồn biệt ly.

Hi Lam nằm trong quân doanh trằn trọc khó ngủ, nghe thấy tiếng sáo thì lập tức xuống giường ra khỏi cửa, nàng phát hiện trăng đêm nay rất đẹp không biết do ai vẽ ra.

Trăng sao rợp trời trên núi non trùng điệp, trong nước có một chấm nhỏ đang tỏa sáng, một chiếc thuyền lá nhỏ đong đưa như ngọc lưu ly đang tỏa sáng, có một người nằm một mình trên đầu thuyền.

Thấy y bào kia, trong lòng Hi Lam trào dâng nỗi chờ mong vô hạn, nâng váy áo, nhẹ tay nhẹ chân bước đến gần.

Tay vừa chạm vào mũi thuyền thì người kia nói: "Vừa rồi ta còn nghĩ, đêm nay đẹp quá, trời nước cùng một màu, có lẽ là trăng non, không biết người trong tim ta đang mơ điều gì, không biết đang hẹn gặp ai trong mộng.

Kết quả chỉ trong thời gian một cái chớp mắt nàng đã xuất hiện."
Hi Lam không hề phát hiện trên mặt mình đã nở nụ cười ngọt ngào mãn nguyện.

Nàng đang nghĩ, vốn bọn họ mới lưu luyến không rời nói lời tạm biệt trước khi trời chuẩn bị tối, bây giờ nhìn thấy hắn lại có cảm giác hạnh phúc giống như tiểu biệt thắng tân hôn, nhưng mà chẳng phải nàng đã từng bị hắn nói "xa cây nào có còn dây trưởng thành" sao? Không ngờ hắn cũng giống như vậy.

Y bào màu tím của hắn buông ở đầu thuyền, nàng không hề kiêng nể gì bước qua, vén áo choàng của hắn rồi ngồi xuống bên cạnh: "Bên ngoài lạnh như vậy, Hình Thiếu sư lại vì trăng đẹp mà nằm một mình ở đầu sông.

Phong nhã."
"Đây là phụ xướng phu tùy, bị nhiễm tật xấu của người nào đó.

Vốn dĩ ta nào phải như vậy."
Dật Sơ quay đầu lại, khẽ mỉm cười.

Chiếc mũi hắn bị ánh trăng và bóng tối chia thành hai nửa, đồng tử xanh biếc vừa khéo quay về phía trăng trong trên trời, tỏa đầy ánh sáng rực rỡ.

Đây là khuôn mặt Hi Lam quen thuộc, là nụ cười nàng luôn hoài niệm.

Ánh sáng sóng nước dao động trên người họ khiến trong lòng nàng không khỏi rung động, vốn nàng đang định đùa hắn mấy câu thì hắn lại cười nói trước: "Lam Lam của chúng ta thật sự là đẹp như tranh, đáng tiếc người hơi ngốc một chút."
"Câu phía trước ta đã nghe thấy rồi, không dám, không dám.

Phu quân của ta mới là tiên nhân trong tranh." Nói đến đây, nàng nở nụ cười xấu xa, "Chúng ta vẫn nên tâm sự về chuyện người thiếp yêu dấu và con gái yêu của chàng trước đi."
Dật Sơ thoáng trầm mặc trong một khoảnh khắc, nói: "Lúc ta biết đại nạn của mình sắp đến, ta thu xếp cho Tấn Điệp tái giá với Thiên Hạc tiên quân.

Nhưng nàng ấy không đồng ý, nuôi con gái đến sáu trăm tuổi thành thân, lúc đó nàng ấy mới gả cho một vị linh tiên, là chuyện của khoảng hai trăm năm trước."
Thật ra Hi Lam chỉ muốn đùa hắn chơi, nhưng nàng đã quên việc đời trôi qua như nước chảy, cách thời gian nàng tiến vào luân hồi đã qua gần một ngàn năm.

Nàng cảm thán một tiếng: "Tấn Điệp đối với chàng thật sự là say đắm.

Hi vọng sau này nàng ấy có thể có được có được trái tim một người, đến già không chia li."
Dật Sơ chầm chậm nói: "Hi Lam, có khi ta thật sự rất hận sự thoải mái của nàng."
Dật Sơ luôn là người phản ứng nhanh nhẹn, cho dù là chuyện khó giải quyết đến thế nào, hắn cũng có thể nhanh chóng đưa ra một đáp án tốt nhất.

Lần này hắn trả lời chậm như vậy, không biết trong một câu bao hàm biết bao nhiêu ý.

Hi Lam biết hắn đang đau lòng chuyện gì, cũng không nhẫn tâm trêu chọc hắn nữa, chỉ nhẹ nhàng giơ tay đặt lên trên lưng hắn: "Chàng biết là ta cũng chẳng hề thoải mái.

Nhưng mà, ta cũng không mâu thuẫn."
Tay Dật Sơ khẽ cứng lại, trong mắt có sự xúc động rõ ràng, rồi sau đó hắn ôm nàng qua, nhốt nàng trong khuỷu tay mình.

Cho dù nàng oán trách bị ghìm không thở nổi đến thế nào hắn cũng không có ý gì là định buông tay.

Đêm nay, trí nhớ mấy ngàn năm mạnh mẽ xông vào trong đầu hắn lần thứ hai.

Hắn còn nhớ rõ, lần đầu tiên dùng cơ thể thần tiên gặp mặt nàng, ánh mắt nàng nhìn hắn mặc dù ngập tràn sự bướng bỉnh nhưng lại trong sáng như vậy, làm hắn không hiểu sao lại có xúc động muốn bảo vệ nàng.

Suốt quá trình hai người quen biết, ở bên cạnh nàng nhiều thêm một khắc, loại xúc động này sẽ gia tăng thêm một chút, từ khoảnh khắc trở nên lâu hơn, cuối cùng biến thành một đời, một kiếp, vĩnh viễn.


Đến cuối cùng, thậm chí hắn cảm thấy Hi Lam không yêu hắn cũng không sao cả, chỉ cần nàng có thể hạnh phúc, người khiến nàng hạnh phúc có phải là hắn hay không cũng không sao.
Hi Lam rúc vào trong ngực hắn, hơi trẻ con hỏi: "Dật Sơ, chàng nói thử xem, thích một người quá nhiều có phải sẽ cảm thấy rất mệt mỏi hay không?"
Nghe thấy câu này, hắn giật mình, thản nhiên cười: "Phải."
"Có phải là thường xuyên cảm thấy bất lực, cảm thấy bản thân rất vô dụng, chuyện gì cũng làm không tốt đúng không?"
"Đúng."
"Có phải là dù có hi sinh bản thân mình cũng muốn người kia vui vẻ đúng không?"
"Đúng."
"Thì ra ta vẫn biết yêu một người nha."
"Ta sai rồi." Hắn cúi đầu hôn nàng, ngăn miệng nàng lại.

Chỉ là, những lời nàng nói đều giống như những thanh đao nhọn, từng chút từng chút một cứa vào trái tim hắn.

Cho dù hôn lâu thế nào cũng không thể giảm bớt.
Hắn nghĩ là, có lẽ vĩnh viễn cũng không thể hết đau được.
Ngày mồng sáu tháng Ba năm Càn Nguyên thứ hai*, sáu mươi vạn quân Đường bày trận ở An Dương, Hà Bắc, mới giao chiến với năm vạn tinh binh của Sử Tư Minh chưa được nửa ngày thì quân của Hình Dật Sơ, quân của Quách Tử Nghi đã từ hai phía Nam - Bắc chạy đến, tạo thành thế gọng kìm.

Bọn họ chưa bày trận, bỗng nhiên mây đen dày đặc, bão lớn cuốn đầy, trên bầu trời tháng Ba rơi xuống toàn sương tuyết, mưa đá, một nửa binh sĩ trên chiến trường kinh hoàng chạy tán loạn.

Sau đó, một nam tử toàn thân mặc y bào đen thêu vân đỏ từ trên trời giáng xuống.

Mái tóc đỏ tung bay, trên tay nâng ánh sáng đỏ, quyển trục bằng xương răng di chuyển lên xuống trong vầng sáng.

Cảm nhận được sát khí đến từ Ma giới của người này, ngựa của hai quân đều hoảng hốt hí lên, thoát cương chạy đi, hất ngã chết mấy ngàn người.
*Càn Nguyên: Niên hiệu thời vua Đường Túc Tông Lý Hanh từ 758-760
Dật Sơ thúc ngựa bước lên, ngăn cản đường đi của Ma tộc kia.

Ma tộc kia cười nói: "Thái Vi tiên tôn, ta thật sự coi thường ngươi rồi.

Lần trước ta nên tự tay xử lý ngươi, nếu không thì làm gì có cục diện hôm nay chứ.

Chẳng qua bây giờ cũng không muộn, hôm nay tất cả các ngươi đều phải chết!"
Dật Sơ nói: "Hàm Hư, ngươi đừng quên quy củ chiến trường sau khi Nữ Oa vá trời, Thần, Tiên, Ma tộc không được sử dụng lực lượng thần giới trong chiến tranh Cửu Châu.

Ngươi thân là Tả Doãn của Ma giới, nếu tự tiện vi phạm khế ước thì tự gánh lấy hậu quả."
"Người muốn phá bỏ khế ước không phải là ta, là tôn thượng của bọn ta."
"...!Tử Tu?"
"Tôn thượng nói, hắn vẫn thích đại chiến diệt thế, không có tâm trạng đánh to đánh bé với các ngươi." Hàm Hư cười, nâng tay thi pháp, mây đen như đá trên trời cao, sấm sét chói lòa, tiếng sấm, tiếng gầm rú vang vọng Cửu Châu, "Hãy dùng máu tươi của sáu mươi vạn người Đường ngu dốt và năm vạn kẻ phản bội để hiến tế cuộc mở đầu đại chiến Thần - Ma một lần nữa."
Sử Tư Minh từ trong quân chạy tới, chạy té cứt té đái xoay người xuống ngựa, quỳ xuống đất nói: "Tả Doãn, Tả Doãn, ngài không nhớ rõ ta sao? Ta là Sử Tư Minh, ta vẫn luôn giúp đỡ Ma giới! Ngài giết quân Đường cũng được, nhưng trăm triệu lần không được giết ta!"
Hàm Hư cười nói: "Ma giới còn cần tên tạp chủng như ngươi hỗ trợ sao? Dùng ngươi để tiêu khiển mà ngươi còn cho là thật.

Kẻ bán chủ cầu vinh giống như ngươi, cẩu tạp chủng hai mặt, giết ngươi ta còn ngại bẩn tay.

Cút."
Sử Tư Minh không dám nói nhiều, lần thứ hai chạy té cứt té đái về trong quân.

Giờ khắc này, cho dù quân đội hai bên đã chạy đến hơn mấy chục dặm nhưng cũng không thể so được với tốc độ khuếch tán của đám mây đen trên đỉnh đầu.

Hàm Hư liếc mắt nhìn lên trời một cái: "Vĩnh biệt, Trường An.

Vĩnh biệt, sao Đế Vương.

Thời điểm Ma giới chiếm lĩnh Trung Nguyên đã đến rồi."
Thấy hắn sắp thi pháp, bỗng nhiên có một ánh sáng xanh biếc từ mặt đất lao ra, bay thẳng về phía Hàm Hư.

Hi Lam bàng hoàng hô lên: "Đừng! Dật Sơ!!"
Nhưng đã không còn kịp nữa rồi.

Hàm Hư né sang bên cạnh nhưng vẫn bị tia sáng đó đánh trúng ngực phải.

Chỉ một thoáng, trời sập đất nứt, những ngôi sao bay đầy trời.

Hàm Hư ôm ngực, khụ hai tiếng: "Thái Vi tiên tôn, ngươi..."
Giọng Dật Sơ lạnh lùng quanh quẩn trong không trung: "Cút về Ma giới, nói cho Tử Tu bảo hắn thu tay lại, nếu không sông An Dương sẽ là nơi chôn thây của ngươi."
Ánh sáng màu xanh biếc đó lần thứ hai lao vào ngực trái Hàm Hư, lại thấy biển tuyết cuồn cuộn, Âm Sơn chấn động, Hàm Hư khụ ra một búng máu ngay tại chỗ: "Ngươi...!Ngươi thật sự là điên rồi...!khụ khụ, thật sự là...! không muốn sống nữa..." Chỉ là Dật Sơ không trả lời nữa, chỉ tiếp tục một lần nữa đánh về phía Hàm Hư, khiến cho hắn có trốn cũng không tránh khỏi.
Ban đầu trái tim Hi Lam điên cuồng đập trong ngực, đến sau đó lại giống như không còn đập nữa, chỉ tuyệt vọng nhìn họ.

Nàng rất muốn hỏi, Dật Sơ, chẳng lẽ không còn cách nào khác sao, chàng như vậy là muốn vĩnh biệt với ta sao...!Nhưng cuối cùng nàng không nói gì cả, nàng không thể làm hắn nhiễu loạn, nàng biết, nếu không phải vạn bất đắc dĩ, Dật Sơ sẽ không làm như vậy.
Mấy lần liên tục công kích, chỉ thấy trời đất biến sắc, Dật Sơ hao hết tất cả tiên lực, dường như đang có ý định đồng quy vu tận với Hàm Hư.

Hàm Hư bị công kích đến mức lùi về sau một bước, không ngừng khạc ra máu: "Thái Vi tiên tôn, ngươi chính là kẻ điên..." Hình như hắn ta không cam lòng nhưng bởi vì người bị thương nặng, cuối cùng hắn phải vung tay áo, biến mất trong một tia chớp.
Một lúc sau, sấm chớp ngừng, quầng ánh sáng màu xanh biếc cũng theo đó mà khuếch đại đến bầu trời, chói mắt đến mức khiến người ta không mở mắt ra được, rồi sau đó tan biến trong đám mây đen.

Đám mây đen cuồn cuộn đã lâu nhưng vẫn không biến mất, rơi vãi mưa lành xuống Cửu Châu đại địa, dội rửa những bụi bẩn nhem nhuốc trên kỵ binh, xối qua mảnh đất đầy máu rồi thấm vào trong đất đai núi rừng và lòng sông An Dương.

Quân Sử Tư Minh lùi lại giữ lấy Nghiệp Thành, còn quân Đường còn lại cũng lùi hết về phía Nam, giữ những thành trấn vốn có.

Hi Lam dẫn đoàn quân Dật Sơ để lại, cùng Quách Tử Nghi hành quân về phía Hà Dương.


Ngay đúng mùa hoa mai xanh rì, hoa rơi mưa gió, xuân sắp chẳng còn*.

Mặt trời xoay sắp hết một vòng, tiếng nhạn đơn côi phiêu đãng nơi chân trời, mái chèo đơn bạc lững lờ trôi trên sông An Dương.

Hi Lam và Quách Tử Tiêu đi song song trong ráng trời chiều, hai người rất lâu không lên tiếng, cuối cùng vẫn là Hi Lam cất lời trước: "Thật xin lỗi."
*Trích trong bài Hoán Khê Sa của Yến Thù, dùng để chỉ trong cuộc đời ngắn ngủi, đau thương triền miên không dứt, hôm nay có rượu uống thì hôm nay say, hôm nay có ca thì nên nghe hết, người tưởng niệm nơi xa liệu có thể từ xa quay về hay không, hoa rơi trong mưa gió, cảnh xuân chẳng còn lại bao lâu, sao không cố gắng tận hưởng cảnh trước mắt.
Quách Tử Nghi nhìn về phía trước, thản nhiên cười nói: "Không sao.

Ta biết trong lòng nàng có người khác."
"Thật sự không nhìn ra Quách Thượng Thư là người có tâm tư nhạy bén như vậy."
Quách Tử Nghi nói: "Ta là người tập võ, tâm tư không nhạy bén nổi.

Ta "nhìn" ra.

Lần đầu tiên nàng dùng kế hãm hại ta ở cung Đại Minh cứ liên tục bước tới phía trước, cho đến khi ép ta rơi vào trong hồ.

Nhưng sau khi gặp lại ở Linh Vũ, ta gọi nàng là "Lam nhi", nàng lại lùi hai bước."
Hắn là người hành quân suốt năm, một thân một mình, việc lãnh binh, sách lược mọi thứ đều tinh thông, chỉ cần một sự thay đổi rất nhỏ trong lời nói, hành động một người đều có thể gợi lên sự cảnh giác của hắn.

Hi Lam cũng cười, không đáp lời nữa.

Bọn họ vẫn lặng lẽ bước đến cầu Hà Dương.

Sau khi sắp xếp lại quân doanh, Quách Tử Nghi bắt đầu chấn chỉnh binh sĩ.

Hi Lam xuống ngựa, dẫn ngựa đến bờ sông uống nước, nhưng lại nghe thấy một giọng nói truyền đến từ phía sau: "Lam Lam."
Lưng Hi Lam bỗng thẳng tắp, từ từ xoay người lại.

Mắt nàng nhìn thấy mặt trời phía Tây vàng rực, rặng mây đỏ kéo về, dòng sông lẻ loi kéo dài ngàn dặm, chim bay không đến thành Trường An.

Bóng dáng gần trong suốt của Dật Sơ xuất hiện bên bờ sông, giống như một bức tranh thủy mặc chưa khô mực, lại giống như những đóa hoa dưới ngòi bút của Bắc Lạc tiên tử.
Hi Lam siết chặt dây cương, không dám có chút động tác dư thừa nào cả: "Chàng đến nói lời từ biệt với ta sao?"
Dật Sơ bất đắc dĩ cười: "Nếu như không đi, sợ sẽ hoàn toàn tan biết mất.

Ta phải quay về Tiên giới trước, cố gắng tìm cách để sống đã."
Hi Lam không biết phải đáp lại thế nào.

Dật Sơ này vốn dĩ chỉ là ảo giác, nhưng bởi vì sức mạnh của Thái Vi tiên tôn vô cùng cường đại, cho dù chỉ có một phần mười cũng mạnh hơn những Tiên tộc thông thường.

Cộng thêm ý chí bản thân hắn rất mạnh mới có thể đánh lui Hàm Hư.

Chỉ là, hiện tại hắn đã mất toàn bộ sức lực, sắp tan thành mây khói, làm sao có thể biến về Dật Sơ lúc trước chứ?
"Ta biết nàng cảm thấy suy nghĩ của ta rất hoang đường, nhưng không phải nàng muốn ta không được bỏ cuộc sao?" Dật Sơ bước lên hai bước, duỗi tay "vuốt ve" trên mặt Hi Lam một chút, "Không đến thời khắc cuối cùng, ta sẽ không bỏ cuộc.

Chỉ cần có thể sống sót, ta nhất định sẽ quay lại tìm nàng, tiếp tục tiếp nối tiền duyên."
Hi Lam cố nén nước mắt, dùng sức gật gật đầu: "Được."
"Nàng chờ ta hai năm.

Nếu hai năm ta không quay về, nàng gả cho những người khác đi."
"Dựa trên tình cảm phu thê chúng ta, ta chờ chàng ba năm." Hi Lam rưng rưng nước mắt cười nói: "Đồng ý với ta, phải cố gắng hết sức."
Dật Sơ khẽ cười, nói: "Lời thề kết tóc, không phụ không quên."
Tà dương rải đầy đất, sông dài ngựa no nước.

Mặc dù vẫn là núi sông như cũ nhưng thế sự lại đang đổi thay.

Ánh trời chiều xuyên qua cơ thể Dật Sơ, hắn khẽ mỉm cười với nàng nhưng bóng dáng càng lúc càng mờ nhạt, ngay cả lúm đồng tiền nàng đã quen thuộc hàng ngàn năm kia cũng càng lúc càng trong suốt.

Cuối cùng, ở nơi này không còn người trong mộng trong khuê phòng của nàng nữa, chỉ có những tia nắng dừng lại trên tường thành cô độc và hai bờ sông hoa nở ngút ngàn.
Sau trận chiến Nghiệp Thành, quân đội Sử Tư Minh quay lại Phạm Dương, khí thế quân An Khánh Tự suy giảm, đối với Sử Tư Minh thì lúc nhún nhường khi lại kiêu ngạo, lại hấp tấp đồng ý những lời chào mời của Sử Tư Minh, đưa thêm bốn vị huynh đệ và thuộc hạ đuổi đến Phạm Dương gặp Sử Tư Minh, kết quả bị giết không còn một cái đầu nào.

Tiêu diệt được mối họa trong lòng, Sử Tư Minh cảm thấy con đường làm quan của mình rộng mở xiết bao, nên ông ta tự lập làm Hoàng đế Đại Yên, phong thêm một đống Hậu phi theo, cũng cho người cho mật thám thả tin tức nói phản quân mong muốn được quay về quê nhưng lại quyết chiến với quân Đường.

Thiên Tử nhà Đường rất ngốc cũng rất khờ, để cho Lý Quang Bật tâm không cam tình không nguyện ra nghênh chiến, quân Đường lại đại bại lần thứ hai.

Thấy mảnh đất quân sự trọng yếu của giang sơn sắp rơi vào tay phản quân, Sử Tư Minh lại tự tạo chướng ngại cho mình.
Năm Thượng Nguyên thứ hai, Sử Tư Minh ra lệnh cho đám người của con trai mình là Sử Triều Nghĩa xây trúc thành để dự trữ binh lương, để tiến đánh chống lại quân Đường tại Khương Tử Bản.

Sở Triều Nghĩa luôn làm việc hấp tấp, quên trét bùn cho tường thành.

Sử Tư Minh nhìn thấy thì nổi giận, muốn lập lại uy nghiêm quân đội, muốn lôi Sử Triều Nghĩa đi chém đầu thị chúng.

Sử Triều Nghĩa sợ đến mức mặt như màu đất, quỳ xuống lạy đến mức vỡ cả đầu.

Sử Tư Minh nói lời tàn nhẫn là đánh hạ Thiểm châu xong sẽ chém cái răng nanh nhà ngươi.


Mật thám đưa tin này quay về quân Đường.

Hi Lam thấy vậy cảm thấy vô cùng quen tai, nghĩ hai cha con Sử gia này diễn trò như vậy khá tương tự như chuyện yêu hận tình thù giữa Viên Thiệu (1) và Hứa Du (2).

Vì vậy, vào đêm không trăng không sao, nàng cùng Hà Thái phái mật thám cải trang lẻn vào trong trận doanh quân địch, nói chuyện với Sở Triều Nghĩa suốt hai canh giờ, khen ngợi tâng bốc trên trán hắn có Nhật Giác (3), là tướng Đế Vương, cũng có một kế sách giúp hắn có thể xưng đế.

Sở Triều Nghĩa quát: "Bọn chuột nhắt! Sở Triều Nghĩa ta làm con thì chết vì hiếu, làm thần chết vì trung, sao có thể nghe những lời thêu dệt của các ngươi, noi theo An Khánh Tự có mưu đồ làm loạn, có suy nghĩ chiếm quyền chứ!" Sau đó hắn chém Sử Tư Minh, dùng thảm nỉ bọc thi thể, lén chuyển về Lạc Dương.

:)
(1) Viên Thiệu (154 - 202), tự Bản Sơ, là tướng lĩnh Đông Hán và quân phiệt thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc.
(2) Hứa Du (153 - 208) là một mưu sĩ thân tín của Viên Thiệu cuối thời Đông Hán.

Hứa Du và các mưu sĩ khác của Viên Thiệu là Điền Phong, Quách Đồ và Thẩm Phối tuy là bên ngoài là bằng mặt nhưng không hề bằng lòng, ngược lại họ luôn tìm cách hạ bệ đối phương để giành lấy sự tín nhiệm của Viên Thiệu.

Bản chất của Hứa Du là một con người rất tham lam.
(3) Nhật Giác: Theo nhân tướng học đó là phần nhô lên của xương trán, trong lịch sử dùng để miêu tả một người có tướng Đế Vương.
Chuyện này chứng minh lịch sử luôn lặp lại, là người xấu thì phải đọc sách nhiều vào.
Thật sự là Sử Triều Nghĩa hung ác hơn Hứa Du nhiều, nhưng lại bị người ta mượn đao giết người, thật sự đầu óc cũng chẳng phải đồ gì tốt.

Năm Bảo Ứng (1) đầu tiên, tân Hoàng của Đại Đường kế vị, phái dũng sĩ Sóc Phương* người Hồi Hột có tài năng rất tốt xuất chinh về phía Bắc, chiếm lại Lạc Dương, khiến cho Sử Triều Nghĩa trốn chui trốn nhủi như chó như chuột chạy trong bản đồ Hoa Hạ.

Mùa xuân năm thứ hai, Sử Triều Nghĩa chạy trốn quay về Phạm Dương, thuộc hạ của hắn tất cả đều giơ cờ đầu hàng, hắn cùng đường, tìm một gốc cây hòe cổ thụ trong rừng ngoài thành Phạm Dương, thắt cổ, hai chân buông thõng, kết thúc bảy năm hai tháng loạn An - Sử.
(1) Bảo Ứng: Niên hiệu thời vua Đường Túc Tông Lý Hanh và Đường Đại Tông Lý Dự (4/762—6/763)
(2) Chỗ này đang nói đến Bộc Cố Hoài Ân, ông từng là Tiết độ sứ Sóc Phương.
Giành lại được Kế Bắc, triều đình khao ba quân, trọng thưởng cho các binh các tướng.

Từ trên xuống dưới cả nước hô vang dậy trời.

Đỗ Phủ đại biểu cho những người Đường trôi dạt khắp nơi phát biểu cảm nghĩ sau chiến tranh "Vừa nghe nước mắt tràn vạt áo" (1), "Thi thư phấp phới mừng muốn điên" (1) đưa vợ mình đi xuyên qua Vu Hiệp (2), trở về Lạc Dương.

Hi Lam cũng đi theo người nhà quay lại Trường An, dọc đường đi trên mặt luôn mỉm cười, bước đi như đạp lên mây, lâng lâng giống như dáng vẻ của Thích Ca Mâu Ni.
(1) Trích trong bài “Nghe quan quân thu Hà Nam Hà Bắc” của Đỗ Phủ.
(2) Vu Hiệp: Hẻm núi nơi có sông nằm giữa hai ngọn núi.

Là một trong Trường Giang tam hiệp.
Chiến tranh chấm dứt thật sự rất thoải mái, nhưng giải quyết những chuyện sau chiến tranh thì không sung sướng như vậy.

Ví dụ như chuyện của Hà Thái, tội dám hóa thành nguyên hình trước khi thời hạn thi hành án kết thúc đã bị Tiên giới nhớ kĩ, cho nên hắn cam chịu đến cực Tây Tiên giới nhận phạt, chỉ mong sau này xuống Hoàng Tuyền, bước lên cầu Nại Hà, có thể gặp lại A Ni Man.
Sau khi trở về Trường An, Hi Lam phát hiện, trước kia các vương tôn công tử cưỡi ngựa trên đường, những người cố tình chạm vào ngựa chính là những nương tử thẹn thùng, không gọi là Hạ Tử Vi thì cũng tên là Thu Hải Đường; nhưng bây giờ người chạm vào ngựa chính là những cụ già, nếu không phải bại liệt mà chết thì cũng bệnh tật tàn phế, không để lại mấy trăm quan tiền, mấy người đó nhất quyết không chịu đứng lên.

Vì không muốn nảy sinh yêu hận với các cụ, nhóm vương tôn công tử đều đổi hết các loại ngựa nổi tiếng như Tử Lưu, Đại Uyên*, tháo hết yên vàng cương ngọc, ước gì có thể cưỡi lừa đi trên đường, những cửa tiệm liên quan như tiệm y phục, tiệm giày, tiệm lụa là, quán trà, quán rượu cũng bị ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh.

Dần dần, những thứ "Hồ khí" ở Trường An cũng ít hơn rất nhiều.
*Tử Lưu: Tên một loại ngựa đẹp thời Đường.

Đại Uyên: Ngựa nhập từ Tây Vực
Một trong những nguyên nhân chủ yếu tạo thành hiện tượng này đó là giá cả hàng hóa ở Trường An bị điều chỉnh rất lớn, ngay cả giá muối năm Thiên Bảo mười tiền một đấu cũng tăng tới hơn hai trăm tiền một đấu, thuế má cũng cao đến mức dọa người.

Ngoại trừ ăn muối phải nộp thuế muối, uống trà phải nộp thuế trà, ngay cả uống rượu cũng bị giới hạn, lại còn phải nộp thuế rượu.

Những loại thuế kỳ lạ xuất hiện như măng mọc sau mưa mùa xuân, khiến cho dân chúng cảm thấy áp lực nặng như núi.

Sợ rằng sau này kính rượu sẽ phải nộp thuế rót, ăn cơm phải nộp thuế cơm, ngồi nhà xí cũng phải nộp thuế vệ sinh, người chết phải đóng thuế tang, đồ tang cũng phải chia thuế, kết giao bạn bè cũng phải nộp thuế giao hữu, thuế bạn bè còn phải chia ra thuế bạn thân và thuế giao lưu, ngáp một cái cũng phải nộp thuế ngáp, vươn người cũng phải nộp thuế duỗi, trời sáng phải nộp thuế ban ngày, trời tối thì phải đóng thuế sớm mai...!tất cả đều rất hài hước.

Chế độ thuế đến thuế đi này dây dưa vài thập niên, chỉ càng thêm khắc nghiệt chứ không nới lỏng.

Nói một cách khác, sau khi Tông Nguyên* bị biếm đến Vĩnh Châu làm Tư Mã gặp được một chuyện rất thần kỳ.

Bởi vì triều đình cần một con rắn độc nào đó làm thuốc, nếu có người có thể giao được thuốc này có thể miễn không phải nộp thuế, nhưng có thể bị rắn độc cắn chết.

Liễu Tông Nguyên nghe xong vô cùng tức giận, người bắt rắn lại nói ta như vậy cũng tốt, còn hơn là phải nộp thuế và đói chết.

Những thôn dân bọn ta nộp thuế đã chết hết.

Vì vậy, Liễu Tông Nguyên sinh ra nghi ngờ với năng lực của người của mình, ông ta làm một nhà thơ lớn nhưng không tìm được từ ngữ nào có thể bác bỏ lời người bắt rắn, vì vậy chỉ đành để lại một chuỗi im lặng tuyệt đối.
*Tông Nguyên: Liễu Tông Nguyên người Hà Đông, nay thuộc huyện Vĩnh Tế, tỉnh Sơn Tây (Trung Quốc).

Ông đỗ tiến sĩ năm Trinh Nguyên thứ chín (793) đời Đường Đức Tông, làm quan đến chức Giám sát ngự sử.

Ông là một nhà thơ lớn, tham gia cải cách triều chính, nhằm cải thiện đời sống dân chúng và hạn chế đặc quyền của hoạn quan và đại quý tộc, bị biếm làm Tư mã Vĩnh Châu.
Quách Tử Nghi lập công trong loạn An Sử, công lao được ghi bút son (1) trên phẩu phù (2), trong quân tuyệt đối không có ai không bằng lòng, có được sự ra sức liều chết của binh sĩ như vậy, cho dù là Lý Quảng (3), Vệ Tướng quân (4) tái thế cũng chỉ có thể ngang sức ngang tài với hắn mà thôi.

Sau đó không lâu, hắn cưới con gái cả Vương thị của Phủ quân Duyễn châu làm thê tử, Thiên Tử ban cho làm Hoắc Quốc phu nhân.

Hi Lam tham gia hôn yến của hắn, trong buổi hôn lễ nàng được gặp lại Trịnh Huệ, nàng ta đã gả cho người ta, phu quân chính là công tử mặc trang phục người Hồ lẳng lơ trong đêm Nguyên Tiêu của năm Thiên Bảo đầu tiên, công tử đó bây giờ là cấp dưới của Quách Tử Nghi, khiến cho nàng ta vô cùng xấu hổ vì năm đó nàng ta đùa cợt Quách Tử Nghi không chịu nổi.

Khi gặp mặt Hi Lam, đầu tiên nàng ta bất ngờ vì dung mạo của Hi Lam vẫn chưa già, rồi lại ám chỉ việc Hi Lam không biết quý trọng.

Hi Lam cười cười đưa quà tặng qua, trước khi động phòng, nàng chắp tay nói với Quách Tử Nghi một câu bảo trọng.

Đã xong tất cả mọi chuyện tồn đọng ở Trường An, nàng cải trang lên đường, bắt đầu cuộc sống du sơn ngoạn thủy, bốn biển là nhà.
(1) Bút son: viết bằng mực đỏ.
(2) Phẩu phù: Một cây tre được chẻ làm đôi.

Khi đế vương cổ đại lập nước sẽ ban thưởng cho các tướng lãnh, chẻ tre làm đôi, chia thành hai nửa, quân một nửa, thần một nửa, là chứng minh cho những lời hứa.
(3): Lý Quảng (? - 119 TCN), còn có biệt danh là Phi tướng quân (Tướng quân bay), là một võ tướng dưới thời nhà Hán trong lịch sử Trung Quốc, người Lũng Tây, nổi tiếng là biệt tài cưỡi ngựa bắn cung.
Sử ký Tư Mã Thiên có ghi chép về Lý Quảng: Sách dạy rằng: "Thân mình mà chính, không ra lệnh người ta cũng làm.

Thân mình mà không chính, dù ra lệnh cũng không ai theo!".


Đó phải chăng là chuyện Lý tướng quân!.

Tôi xem Lý tướng quân chất phác như người nhà quê, miệng nói chẳng nên lời.

Đến khi chết trong thiên hạ quen hay không quen, đều hết sức thương xót.

Đó là vì lòng trung thực của ông làm cho tướng sĩ tin yêu.

Tục ngữ có câu: "Đào mận không nói, dưới gốc tự nhiên thành đường!".

Câu ấy tuy nói việc nhỏ, có thể hiểu ra lẽ lớn vậy.
(4) Vệ Tướng quân, chỉ Vệ Thanh (?-106 TCN), tên gốc là Trịnh Thanh, biểu tự Trọng Khanh (仲卿), là tướng lĩnh nhà Hán trong lịch sử Trung Quốc.

Ông nổi tiếng với thân phận em trai của Vệ Tử Phu, Hoàng hậu thứ hai của Hán Vũ Đế; ngoài ra còn là phu quân của Bình Dương công chúa, chị ruột cùng mẹ với Vũ Đế.

Ông là người bảy lần chiến thắng quân Hung Nô.
Sáng sớm ngày khởi hành, Hi Lam cưỡi ngựa khẽ dừng lại ở cổng thành Trường An.

Bên trong thành vang lên tiếng trống cao cao thấp thấp.

Trường An vẫn là Trường An có ngõ phố đan xen nối liền ba chợ như trước, có Kim Ngô vệ cưỡi ngựa hàng ngàn (1), ngựa xe nườm nượp (1), xe ngọc tấp nập về nhà hầu gia (1).

Cảnh tượng trước mắt giống với quá khứ xiết bao, nhưng lại cũng vô cùng chẳng giống.

Nàng nhớ đến năm Thiên Bảo đầu tiên, nàng từng đi phía sau lưng thúc thúc, cưỡi ngựa ra cửa vào một buổi sáng sớm ở Trường An.

Khi đó, bên cạnh có những người thương nhân đang làm bánh Hồ mè, những nhà thơ phong lưu lưu luyến danh kỹ ở Bình Khang (2), những nhã sĩ tham gia khoa cử ngủ trọ tại Sùng Nhân phường, những cường hào chuẩn bị hàng hóa đến chợ Tây buôn bán...!Từ khi ba cửa thành mở ra, bốn phía Đông Tây Nam Bắc đều mở rộng, ánh sáng vàng rực rỡ của Đông thổ rót vào Đế Đô, thức tỉnh cự long đang ngủ say.

Tất cả các con đường ở mười phường đều vô cùng ngăn nắp, mỗi con đường dài khoảng một phần năm chiều rộng mỗi phường, hai bên đường được sắp xếp gọn gàng để con đường như dòng sông đang chảy.

Cho dù có trôi qua bao nhiêu năm đi chăng nữa, chợ Đông, chợ Tây vẫn luôn có những mái lầu đỏ rực trạm trổ rồng ngậm ngọc (1), xe ngựa bảy hương (1) phú quý khôn cùng, có vương tôn công tử cùng đoàn nô bộc cưỡi tuấn mã đi dạo giữa những con đường phồn hoa.

Lúc đó, cung Đại Minh là một viên Minh Châu Đông Bắc tỏa ra ánh sáng lộng lẫy, chiếu rọi ánh sáng vàng rực rỡ bảo vệ Đế Đô thiên cổ.

Từ lúc mặt trời mọc lên cao, diện mạo của Đô thành ngày càng rõ ràng, những đôi mắt của người Tây Vực bước vào cổng thành cũng càng lúc càng mở lớn, tràn ngập sự khát khao với cường quốc mạnh nhất thế giới...!Đó là Đế Đô lớn nhất, phồn vinh nhất thiên hạ.

Đó là Đại Đường thịnh thế, từ nay về sau sẽ không tái hiện nữa.
(1) Tác giả diễn giải từ những cảnh được miêu tả trong bài Trường An cổ ý của Lư Chiếu Lân.

Xe ngựa bảy hương: xe ngựa được làm từ 7 loại gỗ để có mùi hương thơm độc đáo.
(2) Nơi ở của kỹ nữ, phường dành cho kỹ nữa trong thành Trường An.
Lý Bạch đã qua đời vào năm Bảo Ứng đầu tiên, được chôn cất ở Đương Đồ, huyện Long Sơn, Đông Lộc.

Lúc đó, chỉ còn thiếu một năm nữa có thể chờ đến khi loạn An Sử chấm dứt, giang sơn sẽ trở lại vòng ôm của Lý thị Đại Đường.

Nhưng nghĩ lại kỹ càng hơn, tình cảnh Đại Đường hôm nay dường như cũng chẳng có gì đáng để nuối tiếc.

Khi đến dâng hương trên mộ phần của Lý Bạch, Hi Lam lại cảm thấy núi Đăng Long cũng có chút thú vị, nếu như người chết cũng có thể chia ra tốt và xấu, vậy thì Lý Bạch là chết tốt.
Đêm hôm đó, Hi Lam lại vẽ một tiên nhân, là cố nhân trong giấc mộng của nàng ở Lạc Dương năm đó.

Hắn không từ trong tranh xuất hiện nhưng lại xuất hiện trong giấc mơ của nàng.

Hắn bước ra từ vầng trăng, ánh sáng rực rỡ ngập tràn vai hắn.

Trong khoảnh khắc nàng nhìn thấy hắn, cũng không hề nghĩ nhiều là hình bóng tiên tôn này rốt cuộc là bóng dáng trong mơ, bóng dáng trong tranh hay bóng dáng phu quân nàng.

Nàng chỉ biết là, cho dù là Huyền Tông Hoàng đế mở ra Đại Đường thịnh thế, cả đời bắt đầu huy hoàng, nhưng đến khi mất đi cũng chỉ trong một cái chớp mắt.

Giang sơn như sương khói, bá nghiệp như mộng, sau khi trải nghiệm qua tất cả mọi chuyện, nhìn hết hoa trăng và gió xuân, chẳng qua cũng chỉ là một lần gặp gỡ giữa ánh trăng này…
Vẽ hạnh vẽ đào vẽ núi xanh
Đầu xuân hạnh rụng vẽ tiên anh
Vẽ thơ vẽ rượu rồi xe ngựa
Vẽ lên liễn lọng đỏ tua mành
Chợ Đông khanh sĩ Cao Lộc đến
Chợ Tây nhẹ phẩy phú quý duyên
Ngõ nhỏ Ô Y (1) gió nhẹ thoảng
Da cương đầu ngựa bạn chẳng còn.
Loạn thế tiêu điều khói tuyết bay
Cơ nghiệp ngàn năm sao chịu giày?
Dương phi bế nguyệt (2) sai đồng tội
Thánh giá cô tinh nơi nào đày.
Xưa có Văn Quân khóc Mậu nữ,
Tùng la bị ép phải lìa tan.

(4)
Bình yên ôm nỗi tương tư nhớ
Mong thấy người yêu trong mộng tàn.
Trường An muôn tuổi căn cơ vững
Thiên thu thịnh thế Bắc lưu truyền
Dáng thắm tóc sương chờ mực hết
Cười với tiên nhân tranh rừng đào.
(1) Ngõ Ô Y: là tên của một con đường phồn hoa ở Kim Lăng.
(2) Dương phi bế nguyệt: Dương Ngọc Hoàn có vẻ đẹp bế nguyệt, khiến trăng cũng phải giấu mặt đi vì ngại không bằng.
(3) Ý chỉ bài thơ Bạch Đầu Ngâm do Trác Văn Quân gửi Tư Mã Tương Như vì ông phong lưu giúp cho một nữ tử Mậu Lăng, quên vợ ở nhà.
(4) Trong bài thơ Bạch Đầu Ngâm của Lý Bạch viết về câu chuyện của Trác Văn Quân và Tư Mã Tương Như có mô tả người rong chơi bên ngoài như tơ hồng, còn cành nữ la vươn ra quấn lấy níu kéo như Trác Văn Quân níu kéo chồng.

Nhưng trong trường hợp này Dật Sơ chưa biết nơi đâu, Hi Lam bị ép phải chia xa với chàng.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.