Họa Quốc

Quyển 1 - Chương 4




Sau cơn kinh hoàng, Tiết hoàng hậu hình như suýt ngất đi, đám nữ quan bên cạnh lũ lượt khuyên can. Theo lý mà nói, ầm ĩ như thế, hoàng đế sao có thể khoanh tay đứng nhìn, nhưng trong điện vẫn lặng như tờ, không có động tĩnh.

Tại sao như thế? Khương Trầm Ngư không khỏi có vài phần ghi hoặc. Lúc này một cung nhân cuống quýt chạy tới bậc thềm đá, cao giọng gọi: “Khởi bẩm thánh thượng, Kỳ Úc Hầu đã đến, giờ đang ở ngoài cửa chính chờ yết kiến”.

Từ trong điện vọng ra một giọng nói: “Tuyên”.  Âm thanh hoa lệ vô hạn, uyển chuyển như cát bạc chảy trên tơ lụa, đê mê hút hồn.

Tất cả lúc này mới hiểu ra, hóa ra hoàng thượng chần chừ không tỏ thái độ là vì đợt công tử. Mà chỉ cần công tử đến, trong thiên hạ này, không có chuyện gì là chàng không giải quyết nổi. Mọi người không kìm được lộ vẻ vui mừng, đặc biệt là Khương Trầm Ngư, nhất thời tim đập thình thịch, luống cuống chẳng biết làm gì.

Kỳ Úc hầu Cơ Anh.

Là em ruột của Cơ quý tần, thế tập nhất đẳng hầu (*), nghệ tinh lục học, tài đủ chin nghề (**), thiếu niên vang danh, tiên đế ngợi khen, ban cho phong hiệu “Kỳ Úc”

Hai chữ “Kỳ Úc” vốn được rút ra từ phần “ Vệ Phong” của “Thi kinh”: “Chiêm bỉ Kỳ Úc, lục trúc y y. Hữu phỉ quân tử, như thiết như tha, như trác như ma” (***). Mà người đời đều cho rằng, hai chữ này vô cùng phù hợp với công tử.

Khương Trầm Ngư đã từng nhìn chàng từ xa trong buổi tiệc mừng thọ của phụ thân, từ đó về sau, khó mà quên được. Lúc này vừa nghe thấy chàng đến, nàng vừa xấu hổ vừa mong ngóng, chăm chú nhìn ra, chỉ thấy một nam tử toàn thân áo trắng cùng với cung nhân đã tới phía ngoài Ngọc Hoa môn.

Tất cả mọi thứ xung quanh đột nhiên mờ nhạt đi, không còn tồn tại.

Chỉ còn lại người đó, dần dần, từng bước từng bước, cực kỳ ung dung, giống như từ đầu bên kia của số mệnh, như ánh sáng trên mặt nước, nhẹ nhàng lướt tới.

Không có ngôn ngữ nào có thể miêu tả được phong thái say đắm lòng người của chàng dù chỉ một phần vạn, không có từ ngữ nào có thể hình dung được khí độ siêu phàm của chàng dù chỉ một mảy may… Nếu như người từng nhìn thấy cảnh tượng ánh trăng chảy tràn vạn dặm trên thảo nguyên mênh mông, ngươi hẳn sẽ nhớ tới mái tóc đen dài thả xuống đến thắt lưng, sang bóng như gương soi của chàng; nếu ngươi nhìn thấy cảnh tuyết trắng phau phau liên miên vô bờ trên đỉnh núi tỉnh mịch im ắng, ngươi hẳn sẽ nhớ đến chiếc áo bào trắng muốt, nhẹ như đôi cánh, không nhuốm bụi trần của chàng.

Đen như mực, trắng như ngọc, ngoài ra, không có bất cứ màu sắc nào khác.

Đơn giản như thế, thanh nhã như thế, nhưng lại kinh động tâm hồn như thế.

Công tử Cơ Anh.

Là chàng, đúng là chàng, lại được gặp chàng rồi…

Tay của Khương Trầm Ngư dần dần nắm chặt trong ống tay áo. Mới ngày hôm qua, mẫu thân còn cười nói: “Trầm Ngư nhà ta nhân phẩm tướng mạo thế này, thiên hạ ngày này, nghĩ đi nghĩ lại cũng chỉ có công tử Anh của Cơ gia mới xứng với con. Khương gia chúng ta và hai tộc Tiết, Cơ là ba đại thế gia của Bích quốc, đúng là môn đăng hộ đối. Trầm Ngư, ý con thế nào?”.

Khi đó tẩu tẩu cũng đứng bên cạnh, nói xem vào: “Kỳ Úc hầu đó là nhân vật phong lưu thế nào, đám con gái đương thì ở đế đô, có ai là không nhìn chàng ta hau háu, Trầm Ngư à, đây đúng là hôn sự tốt, chỉ cần muội gật đầu, chúng ta sẽ lập tức cầu thân. Phải nhân lúc còn sớm, nếu không đợi mấy năm nữa, Chiêu Loan công chúa lớn rồi, sợ rằng sẽ chẳng đến lượt muội đâu”.

Mà nay, nàng nhìn nam tử rất có khả năng trở thanh phu quân của mình, chỉ cảm thấy trái tim mình giống như phẩm màu trong nước, cứ tan dần tan dần…

Cơ Anh bước lên bậc thang, lướt qua Hy Hòa, theo cung nhân vào trong Cảnh Dương điện. Hy Hoa vẫn một mực cúi đầu, cho đến khi cửa điện khép lại mới ngẩng đầu lên, đồng tử đen láy như đá quý, từ nhạt chuyển sang đậm, vẻ mặt không rõ là vui hay buồn, vì quá phức tạp nên không nhận ra nổi.

Cơ Anh vào trong khoảng chừng một tuần trà, La công công ra ngoài truyền gọi: “Hoàng thượng tuyên hoàng hậu tấn kiến”.

Tiết hoàng hậu nhìn Hy Hòa một cái, vô cùng thấp thỏm đứng dậy bước vào trong. Vào đến trong điện chỉ thấy thái y đang đắp thuốc cho Tiết Thái, hoàng đế và Cơ Anh đều đứng bên cạnh im lặng quan sát. Tiết hoàng hậu vội vàng quỳ sụp, nói: “Thần thiếp không biết dạy cháu, xin hoàng thượng thứ tội”.

Hoàng đế quay người lại, mỉm cười nói: “Đứng dậy đi”.

Ánh đèn sáng rạng hắt lên mặt hoàng đế, Chiêu Doãn – quốc chủ hiện tại của Bích quốc là một thiếu niên cực kỳ anh tuấn, mày mặt cong cong, thần sắc luôn nửa cười nửa không. Nhưng Tiết hoàng hậu trong lòng rất rõ, tươi cươi chẳng qua chỉ là giả vờ, vị quân vương thiếu niên này nổi tiếng là thủ đoạn độc ác.

Nàng lo lắng thấp thỏm tiến đến trước giường, hỏi gấp: “Thái y, vết thương của cháu ta có nghiêm trọng không?”.

Thái y đã xem mạch cho Tiết Thái xong, quay người lại hành lễ nói: “Bẩm hoàng thượng hoàng hậu, vết thương của Tiết công tử không có gì đáng ngại, chỉ cần nghỉ ngơi một thời gian là có thể hồi phục, có điều…”.

“Có điều làm sao?”.

“Có điều vết thương trên trán công tử, e rằng sẽ để lại sẹo”.

Tiết hoàng hậu run rẩy, lại nhìn Tiết Thái đang hôn mê, trong lòng vừa chua xót vừa áy náy. Đứa cháy này của nàng từ nhỏ đã là viên minh châu được cả nhà nâng niu, không chỉ thông tuệ, tướng mạo còn rất xuất chúng, nay lại bị phá tướng, tuy chỉ là sẹo trên trán, nhưng vẫn là có tì vết.

Đương lúc sầu não đau lòng, cảm nhận được một ánh nhìn, nàng ngẩng đầu lên, chỉ thấy Cơ Anh mỉm cười với nàng: “Nam nhi đại trượng phu, một vết sẹo nhỏ có đang gì, hoàng hậu chớ có nên lo lắng”.

Tiết hoàng hậu nhìn chàng cảm kích, lại chuyển ánh mắt sang Chiêu Doãn, thần sắc của Chiêu Doãn lạnh nhạt, vẫn không thể hiện rõ thái độ. Nàng quỳ xuống, giọng nói đầy vẻ bi thương: “Hoàng thượng, Tiểu Thái tuổi nhỏ chưa biết gì, mạo phạm Hy Hoa phu nhân…”, nàng nói đến đây, Chiêu Doãn lập tức giơ tay lên, ngăn nàng nói tiếp.

Tiết hoàng hậu nghĩ thầm: Xong rồi, kiếp nạn này khó mà tránh khỏi.

Lúc đó, một thái giám dung mạo thanh tú lặng lẽ từ điện phụ khom lưng bước tới, Tiết hoàng hậu nhận ra, đó là tâm phúc của Chiêu Doãn -  Điền Cửu, chỉ thấy sau khi vào, hắn quỳ xuống, hô một tiếng: “Hoàng thượng”.

Chiêu Doãn lập tức quay người lại nói: “Thế nào? Đem đến chưa?”.

“Đem đến rồi”. Điền Cửu vừa nói, vừa lấy một chiếc hộp dài từ trong lòng ra, cung kính trình lên hoàng đế.

Chiêu Doãn mở hộp ra,lông mày cong cong, quay sang Cơ Anh đứng bên cạnh cười nói: “Kỳ Úc quả nhiên có kế hay, như vậy thì có thể giải quyết được việc này rồi”. Nói rồi quay lại đưa chiếc hộp cho Tiết hoàng hậu.

Tiết hoàng hậu lòng đầy ngờ vực đón lấy, chỉ thấy bên trong có một cuộn lụa vàng, mở ra xem, thứ đầu tiên đập vào mắt là bốn chữ “Tăng Nhất A Hàm”, nét chữ uốn lượn, tự tại phong lưu, đúng là ngự bút mà tiên đế đích thân viết.

Chiêu Doãn thong thả hỏi: “Hoàng hậu có biết vật này không?”.

Tiết hoàng hậu ngần ngừ một lát, đáp: “Chắc là… ‘Tăng Nhất A Hàm Kinh’ (****) mà tiên đế đích thân chép lại?”.

“Không sai. Hoàng hậu có biết nguồn gốc  của nó không?”.

“Nghe nói… Vân thái hậu của tiền triều bệnh nặng, tiên đế để tỏ lòng hiếu thuận, đã đích thân chép lại ‘Tăng Nhất A Hàm Kinh’, để cầu thọ cho thái hậu. Sau đó vật này luôn được thờ trong Định Quốc tự, được coi là tấm gương đức hiếu cho thiên hạ”.

Chiêu Doãn gật đầu, trong ánh mắt lóe lên một tình cảm khó nói thành lời, khiến y trong càng khó nắm bắt hơn: “ Hoàng hậu và Tiết Thái hôm nay chẳng phải từ ĐỊnh Quốc tự về sao?”.

Tiết hoàng hậu choáng váng, chợt bừng tĩnh, kinh ngạc nói: “Ý của hoàng thượng là?”.

Chiêu Doãn nhìn sang chỗ khác, chăm chú vao linh thú Tư Thần(*****) bằng đồng bên cạnh thư án, mỉm cười không nói. Thấy dáng vẻ đó của y, Tiết hoàng hậu biết rằng mình đã đoán đúng – không ngờ hoàng đế lại chịu giúp nàng!

Nghe nói mấy ngày nay Thái hậu phượng thể bất an, nếu nàng tự xưng là vì Thái hậu mà mang ngự quyển đó Định Quốc tự về, thì sự tình ngày hôm nay sẽ khác hẳn.

Nàng là chính thất, lại có ngự quyển của tiên đế trong tay, Hy Hoa dù có thánh chỉ trên người, cũng phải cung kính tránh đường. Như vậy, Tiết Thái khiến Hy Hòa phu nhân cùng thánh chỉ rơi xuống hồ sẽ là chuyện to hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không có…Tiết hoàng hậu trong lòng chấn động, một mặt tất nhiên là vui mừng vì đại họa tiêu tan, một mặt lại kinh ngạc vì sự bảo vệ ngoài tưởng tượng lần này của hoàng đế.

Chiêu Doãn, phu quân của nàng, mười bốn tuổi nàng đã được gã cho y, đến nay đã sáu năm. Y đối với nàng xưa nay luôn nghi lễ có thừa, tình cảm thiếu thổn, đúng là “Kính nhau như khách”. Năm năm trước, y bị tuyệt thế tài hoa của Cơ Hốt làm cho điên đảo, ba năm trước y ân sủng Khương Họa Nguyệt dịu dàng lay động lòng người, đến nay, y lại coi Hy Hòa dung mạo tuyệt thế như viên minh châu, thiên hạ ai ai cũng biết.

Thế nhưng, trong chuyện ngày hôm nay, y lại chọn bảo vệ nàng… Lúc này, cảm xúc đan xen, có chút ngọt ngào, lại có chút chua xót.

Nàng lập tức cúi mình quỳ xuống, cảm kích nói: “Thần thiếp cảm tạ long ân của hoàng thương!”.

Ánh  mắt của Chiêu Doãn vẫn dừng lại trên con linh thú bằng đồng, chậm rãi nói: “Hoàng hậu, chuyệ ngày hôm nay dừng lại ở đây, hoàng hậu là quốc mẫu, nên lấy sự êm ấm của hậu cung làm trọng, trẫm hy vọng về sau sẽ không xuất hiện bất cứ chuyện gì liên quan đến việc này nữa”.

Tiết hoàng hậu hiểu là y cảnh cáo nàng không được vì chuyện này mà ghim hận Hy Hòa trong lòng, đợi thời cơ báo thù, xem ra, hoàng thượng tuy bề ngoài là giúp nàng, nhưng trong lòng lại nghiêng  về phía Hy Hòa. Mấy gợn song khó khăn lắm mới lăn tăn trong lòng, cũng theo câu nói này mà lặng xuống, nàng cụp hàng my, cố gắng giữ cho giọng nói thật bình thản: “Vâng, thần thiếp xin ghi nhớ”.

“Tốt lắm”. Cuối cùng Chiêu Doãn quay đầu lại, liếc sang thái giám bên cạnh nói: “La Hoành, tuyên chỉ đi”.

Thánh chỉ đó ắt hẳn đã viết xong trước khi nàng vào điện,  La công công nghe mệnh lệnh, vội mở cửa điện ra, đi tới trước mặt Hy Hòa trước ánh mắt hiếu kỳ của mọi người, mở cuộn thánh chỉ bẳng lụa vàng   ra, dõng dạc tuyên đọc: “Năm Đồ Bích thứ tư, ngày mười bảy Ất Hợi tháng Hai Kỷ Mùi năm Tân Mão, hoàng đế chiếu viết: Ô hô! Cái lễ Nội tắc(******), hòa thuận nhân luân, cái nghĩa thê thất, để chính gia đạo. Ôi người con thứ bảy của Trường  thu phủ, Trung lang tướng (*******) Tiết Túc, hiếu thuận thân thiện, thông đạt đa tài, giỏi về nhạc, từ, ngôn hành lễ độ. Phụng ý chỉ của thái hậu để tu pháp độ, tôn thịnh vượng của triều ta, rạng công lao của tiên đế. Nay tuy kinh động nhầm thánh ý, mạo phạm thiên uy, chữ hiếu làm đầu, không cần truy cứu. Còn Hy Hòa phu nhân, đối nội dịu dàng nhã nhặn, đối ngoại hiền thục tốt đẹp, ban hiệu Vĩnh Lạc, thưởng mười chuỗi minh châu, trăm súc tơ lụa, ngàn lượng hoàng kim, để ghi danh thơm. Khâm thử!”.

(*) Thế tập là chế độ truyền thừa tước vị, quan chức thời cổ đại, cũng có nghĩa là quan tước, quyền lực đời đời không thay đổi.

(**) Nghệ tinh lục học, tài đủ chin nghề (nghệ tinh lục học, tài bị cửu năng): Chỉ một người có tài năng lớn, đa tài đa nghệ.

(***) Tạ Quang Phát dịch: “Trông kìa trên khuỷu sông Kỳ, bờ tre mới mọc xanh rì thướt tha. Có người quân tử tài ba, như lo cắt dũa để mà lập thân. Dồi mài dốc chí siêng cần”. Thơ “Kỳ Úc” được coi là hình dung tiêu biểu về người quân tử trau dồi tài đức trong quan niệm của Nho giáo.

(****) “Tăng Nhất A Hàm Kinh” là kinh điển cơ sở của Phật giáo (ND)

(*****)Linh thú Tư Thần tức gà trống gáy báo sáng (ND)

(******) “Nội tắc” là một bộ phận của “Lễ ký”, nội dung chủ yếu là những lễ nghi, tôn thứ trong nhà (ND)

(*******) Trung lang tướng: Tên chức quan thời cổ, thống lĩnh thị vệ của hoàng đế

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.