Họa Mục

Chương 31




Chiến mã cùng Tạ Lương Bích xông pha bao lần chiến trường đã cứu sống y. Con vật trung thành ấy theo đường quen, đêm ngày đưa chủ chạy từ Tây Quan đến tận bến sông Tương Liễu ở Đông Tư rồi gục chết.

Một thị nữ của Vi Lễ đường ra bờ sông giặt giũ đã phát hiện bộ khôi giáp đầm đìa máu của Lương Bích và hô hoán người tới giúp.

Chủ nhân Vi Lễ đường đương thời là cháu của Tạ tướng quân, Tạ Vinh Lễ - xét vai vế thì Tạ Lương Bích phải gọi ông hai tiếng 'đường ca'.

Năm đó Tạ Khánh Dư mười bốn tuổi, vẫn là đứa con út mà cha mẹ anh chị đua nhau cưng chiều.

Chú nhỏ bị thương cực kỳ nặng, khi được tìm thấy thì chỉ còn cái mạng tàn với hơi thở như không. Trên lưng đến trước bụng phủ kín thương tích to nhỏ. Cởϊ áσ giáp mà cơ hồ là lột da của y. Tạ Khánh Dư chưa từng thấy ai chảy nhiều máu đến mức đó, đứng gần mà bị mùi tanh xông cho xanh cả mặt, tay chân run rẩy tới không đứng vững.

Thế mà ba ca ca còn hùa vào với nhau xúi giục phụ thân giao công việc chăm nom chú nhỏ cho tứ đệ. Tạ Khánh Dư vừa tức vừa sợ mà không nói lại được, đành phải ngoan ngoãn vâng ý phụ thân, ngày ngày chiếu cố chú nhỏ từng li từng tí.

Khi Tạ Lương Bích tỉnh lại, câu đầu tiên y hỏi là: "Quân ta mất bao nhiêu người?"

Y nằm trên giường, toàn thân băng kín mít không nơi nào lành lặn, mùi máu và thuốc bôi loang lổ trên lớp băng xộc lên gay mũi. Trông y, quả thật, giống như một tấm giẻ rách nát.

Nghe tin Tây Thổ mất, y khó nhọc thở hắt ra một hơi rồi nhắm mắt chìm vào trầm mặc thật lâu. Bất động đến độ không thấy lồng ngực phập phồng, yên ắng như đã chết.

Sở dĩ y không hỏi quân ta có giữ được thành không mà lại hỏi rằng quân ta mất bao nhiêu người là vì y rất tin tưởng vào Tạ gia, tin tưởng rằng Tạ gia của y đã trấn thủ ủng thành Tây Thổ hàng chục năm qua, trải qua hàng trăm cuộc chiến chưa từng thất bại thì lần này cũng, chắc chắn, sẽ như vậy.

Tuy nhiên, Tạ gia đổ rồi, Tây Thổ đã mất.

Khi y mở mắt ra thì đôi con ngươi hừng hực nhiệt huyết mà Tạ Khánh Dư từng bao lần nhìn thấy nay chỉ còn là đống tro tàn.

Biết tin đường đệ đã tỉnh, Tạ Vinh Lễ vội vàng kết thúc lớp học sớm để chạy đến thăm y. Ba ca ca của Tạ Khánh Dư cũng đến, quây quần bên giường cùng an ủi, động viên chú nhỏ.

Tạ Khánh Dư đứng bên mép giường bê bát thuốc, hoàn toàn không thể chen miệng với cha anh, lúng túng lo lắng nhìn đôi mắt cứ dại ra của chú nhỏ.

Đôi mắt ấy tự nhiên ánh lên sự thản nhiên vu vi, y chậm rãi nở nụ cười nhẹ, nói: "Đa tạ mọi người khuyên giải, Lương Bích đã hiểu rồi."

Hiểu cái chi cơ?

Tạ Khánh Dư luôn quan sát y từ đầu đến cuối hoang mang tự hỏi.

Tạ Vinh Lễ thở phào nhẹ nhõm: "Lương đệ thông suốt là tốt rồi. Cái mạng của ta nhờ thân phụ cứu về, không có thân phụ thì ta cũng không được như hôm nay. Lương đệ là nhi tử đắc chí của ông ấy, ta không mong thấy Lương đệ u buồn cả đời. Người còn sống thì phải cố gắng sống thật tốt."

Tạ Lương Bích rũ mắt cười phiền: "Ta xin lĩnh giáo chỉ dạy của vi huynh."

Đó là khoảnh khắc mà Khánh Dư cảm thấy mười bốn năm dùi mài đèn sách của mình thành ra phí phạm. Rốt cuộc điều chú nhỏ thông suốt với lời thân phụ khuyên bảo có liên quan đến nhau không?

Khánh Dư tiếp tục được giao nhiệm vụ chiếu cố chú nhỏ.

Trong thời gian dưỡng thương, Tạ Lương Bích vẫn theo dõi tin tức của chiến sự Tây Thổ.

"Khánh Dư, hôm nay có tin mới không?"

"Dạ có. Ta đọc cho chú nhỏ nghe liền đây."

Phòng tuyến Tây Thổ mất rồi, thành Tây Thủy và Tây Hỏa đều bị ảnh hưởng. Trấn Tây tướng quân mới được nghỉ phép nhân dịp năm mới chưa ngồi ấm ghế đã phải lập tức sửa soạn quân trang lên đường ngay trong đêm. Hoàng đế ban lệnh điều tra sự thất trách của Tạ gia trong khoảng thời gian nhanh nhất...

Nghe đến đây, Tạ Lương Bích bỗng nheo mắt cười, đột nhiên bảo: "Giọng Khánh Dư nghe hay quá nhỉ? Bật khóc chắc cũng dễ nghe lắm."

"Chú nhỏ đang khen hay chê ta vậy?"

"Khánh Dư nghĩ thế nào thì là thế đó."

"Vậy là chê rồi." Tạ Khánh Dư chun mũi nói: "Chẳng ai lại khen một nam nhi khóc dễ nghe. Khổng Tử dạy rằng - ..."

"Dễ nghe thì ta nói là dễ nghe thôi." Tạ Lương Bích phẩy phẩy tay, vuốt kiếm: "Đọc tiếp đi."

Trên đùi y đặt một thanh kiếm gãy, ánh kim của chất sắt hóa ra ảm đạm như chính chủ nhân nó. Mắt như tro tàn, thần sắc tối tăm, khóe môi trái có một vết sẹo lồi kéo cong lên dái tai.

Vọng Lai, tên kiếm tràn đầy niềm hi vọng, tên thật đẹp.

Nhưng so với Tạ thiếu tướng cháy bỏng nhiệt huyết trước kia thì nay y u ám y hệt một quỷ hồn chưa được dẫn về cõi âm.

"Lương đệ." Chiều nay, Tạ Vinh Lễ tiếp tục mời đại phu tới cho Tạ Lương Bích, ân cần hỏi thăm: "Đệ cảm thấy thế nào? Hôm nay thức ăn có hợp khẩu vị không? Dư Nhi chiếu cố cho đệ tốt chứ?"

Thấy phụ thân quan tâm đến chú nhỏ như vậy, Khánh Dư phải âm thầm cảm khái về sự ngưỡng mộ của người với Tạ tướng quân. Hồi xưa người cứ kể miết về Tạ tướng quân cho huynh đệ bọn họ nghe thôi.

Thái độ của Tạ Lương Bích vẫn nửa vui vẻ nửa hời hợt trước sự quan tâm của cha anh Khánh Dư nhưng đôi mắt vô hồn đã len vào chút thần thái ấm áp.

Đại phu mặt nhăn mày nhíu nói: "Gân trên vai công tử đã đứt, dù có nối lại thì... cũng khó được như xưa trong khi khả năng thành công rất thấp, nếu chẳng may bị nhiễm trùng, tình hình của công tử sẽ tệ hơn. Công tử, lão phu e rằng người phải bỏ kiếm đi thôi..."

Chú nhỏ nhẹ nhàng khoát tay chặn lại lời Tạ Vinh Lễ, hờ hững cười: "Thôi thì cứ bỏ đi. Tạ gia chúng ta, cũng... chẳng còn tư cách gì để làm tướng nữa rồi..."

Tạ Khánh Dư kịp bắt được khoảng khắc giọng y nghẹn ứ lại.

.

Mùa đông mau chóng trôi qua, khi tiết trời đã bắt đầu ấm lên, Trấn Tây tướng quân thực hiện tiến công dồn dập, quyết tâm quét sạch dị tộc khỏi đất Tư trước mùa lũ xuân.

Bàn tay chú nhỏ thi thoảng sẽ âu yếm vuốt ve thanh kiếm gãy. Khánh Dư đôi lúc quay đầu lại nhìn sẽ thấy y lộ ra biểu cảm u ám cực kỳ, cơ hồ toàn thân tỏa ra quỷ khí.

Chớp mắt liền không thấy nữa.

"Ta nghe Vinh ca nói Khánh Dư viết chữ rất đẹp?"

"Dạ..." Thiếu niên hơi ửng hồng gò má, vuốt tai đáp: "Nhưng không đẹp bằng phụ thân." Ánh mắt cậu lộ ra sự hứng khởi và ngưỡng mộ với phụ thân, bắt đầu huyên thuyên không dứt kể về tranh thư pháp người viết trong dịp năm mới vừa qua đẹp như thế nào, đắt giá bao nhiêu.

Chú nhỏ chăm chú lắng nghe, vết sẹo nơi khóe môi khiến nửa khuôn mặt như đang mỉm cười.

Tạ Khánh Dư thao thao bất tuyệt xong thì nhận ra sắc chiều đã gần tàn, giật bắn mình đứng dậy: "A! Thuốc của chú nhỏ!"

"Đừng." Tạ Lương Bích vươn tay đè lại tay cậu, hỏi: "Khánh Dư luyện chữ dựa trên bảng mẫu của Vinh ca lâu như vậy rồi, nếu không phiền thì viết vài câu cho ta mua vui được không?"

"Sao chú nhỏ không nhờ phụ thân?"

"Chữ còn non thì mới bắt lỗi được chứ." Y ghẹo cháu trai phát ngượng.

Tạ Khánh Dư bị trêu qua trêu lại mấy lần thì đành phải đồng ý viết cho y xem.

Cầm lấy chữ, Tạ Lương Bích đưa cao tờ giấy ra trước ánh nắng chói chang, mỉm cười lẩm bẩm: "Viết đẹp lắm, gần giống rồi... Khánh Dư giỏi lắm."

Được khen ngợi, thiếu niên vừa ngượng vừa phấn khích, chấp thuận đề nghị chiều chiều luyện chữ cho chú nhỏ xem.

Một ngày, Tạ Lương Bích tự nhiên nói: "Ta nhờ Khánh Dư làm một chuyện được không?"

"Vâng. Chú nhỏ muốn ta làm gì?" Thiếu niên ngẩng đầu khỏi trang giấy, từ lâu đã nhờ giờ luyện chữ mà sinh niềm quý mến với chú nhỏ, nét mặt tươi tắn hây hây.

"Viết một bức thư." Y đưa ra bàn tay bị thương vì làm bể chén cơm mấy ngày trước của mình: "Ta đọc, Khánh Dư viết."

Thiếu niên mười lăm ngây thơ đồng ý.

Mai này nhớ lại, Tạ Khánh Dư mới hốt hoảng nhận ra đó là nụ cười thỏa mãn nhất của Tạ Lương Bích từ ngày được cứu.

...

..

.

Tạ Khánh Dư tỉnh lại vì quá lạnh.

Mơ mơ màng màng nhìn vách gỗ tối đen, cảm nhận gió lạnh phất qua mặt vài hồi, thiếu niên bỗng bừng tỉnh giãy nảy lên, phát hiện ra tay chân mình đều bị trói, miệng cũng bị nhét vải, hoảng sợ 'ưm, ưm' kêu cứu. Tuy nhiên, càng cố giãy, dây càng siết vào, sức thư sinh không bì được lâu, cậu nhanh chóng kiệt sức gục trên ván gỗ, mồ hôi nhễ nhại, mắt hoa cả lên.

Thở hổn hển nhìn qua làn nước mắt nhòe nhoẹt, Tạ Khánh Dư thấy mình đang ở ngoài trời tối đen như mực, trên một chiếc xe thồ. Bên ngoài vang lên tiếng động như ai đó đào bới.

Qua hồi lâu, chú nhỏ âm u như quỷ hồn vác gì đó trên vai xuất hiện trong tầm mắt cậu. Y lại gần hơn nữa, cậu kinh hãi nhận ra kia là một thi thể không đầu đang phân hủy, vội vàng nhích người chạy trốn.

"Khánh Dư tỉnh rồi à?" Tạ Lương Bích nhếch môi cười, không chút ghê tởm với thi thể hôi thối trên vai, chống một tay nhảy lên xe, cẩn thận đặt thi thể xuống rồi trỏ ngón tay nói: "Khánh Dư mau chào tam thúc một tiếng đi."

Tam... tam thúc?

"Tam đệ có một nốt rồi trên xương mỏ quạ trái, hồi nhỏ từng bị ta lừa trèo cây té ngã gây nên sẹo ở bắp đùi, ta đã kiểm tra rất kỹ rồi. Đây chắc chắn là tam đệ của ta.

"Nào," Y vươn bàn tay nhớp nhúa gì đó đen đỏ tóm lấy bả vai thiếu niên, lật mạnh cậu lại, ép phải đối diện với phần cổ rỗng không rơi rớt giòi của thi thể, lấy vải ra khỏi miệng cậu, "chào tam thúc đi Khánh Dư."

Đôi mắt như tro tàn, vô hồn như ma quỷ.

Khánh Dư sợ hãi cùng cực, không thể nén nổi nước mắt rơi lã chã, cố gắng hết sức nuốt về thức ăn muốn nôn, run rẩy nói ra câu chào nhỏ xíu: "K - Khánh, hức, Khánh Dư chào... chào, tam thúc..."

"Giỏi lắm." Y vỗ vai thiếu niên rồi bóp cằm cậu nói, giọng lạnh lùng: "Tốt nhất là đừng nôn ọe gì hết. Lúc này tâm tình của ta không ổn định, nếu ngươi xúc phạm họ, ta thực sự chẳng biết mình sẽ làm gì..."

Tạ Khánh Dư run lẩy bẩy gục gặc đầu, cắn chặt môi.

"Thật ngoan. Bảo sao cha anh Khánh Dư thương như vậy. Bọn họ nhất định sẽ không đành lòng hi sinh ngươi."

Nở một nụ cười gian ác rồi y tiếp tục đi đào bới xác thân nhân, lần lượt, cẩn trọng ôm lên xe từng cái xác không đầu thối rữa, bắt cháu trai chào.

Khánh Dư cắn nát môi dưới, chảy máu đầm đìa, càng lúc sắc mặt càng trắng như người chết, mồ hôi đổ lạnh toát thân thể. Chưa bao giờ cậu khóc nhiều đến vậy. May ra tầm nhìn nhòe nhoẹt trước những thi thể tím ngắt lòi cả xương trắng bốc mùi hôi thối ngăn cậu khỏi mất kiểm soát nôn ói.

Đáng sợ, đáng sợ, đáng sợ quá...

Trước sự điên loạn của Tạ Lương Bích, Tạ Khánh Dư cảm thấy bản thân có thể sợ đến đứng tim chết bất cứ lúc nào. Chẳng biết phải làm gì ngoài nức nở chất vấn trong lòng. Tại sao? Tại sao chứ? Cha anh cậu đối xử rất tốt với chú nhỏ, tại sao y lại lấy oán báo ơn?

"Ta không tìm thấy kiếm của cha, kiếm Tế Khứ." Tạ Lương Bích vừa kéo xe đi trên đường lổn nhổn đất đá vừa trầm thấp kể: "Tạ phủ chúng ta giữ nghiệp làm tướng bằng nguyên tắc: phụ tử sóng vai. Tức là mỗi thế hệ, làm sao thì làm, lão gia phải tìm được một nhi tử để truyền lại Vọng Lai, bản thân đổi sang Tế Khứ. Cứ thế, cha dùng Tế Khứ, con cầm Vọng Lai; cha giữ gìn quá khứ huy hoàng, con nối tiếp tương lai rực rỡ. Chúng ta là như vậy đấy, ha ha ha..."

Chú nhỏ bật cười lớn. Giọng cười dần như khóc rồi bị đè nén về trong họng thành những tiếng rêи ɾỉ như u hồn than thở từ cõi âm vọng lên dương thế.

Tế Khứ mất, Vọng Lai gãy.

Đến một cánh rừng đen đúa, Tạ Lương Bích kéo xe tiến vào, đi mãi, đi mãi, bất định, tới khi tìm thấy một khu đất trống đắp lá, bằng phẳng.

Y vỗ vỗ hai má cháu trai đang lạnh run cầm cập, mê man chết ngất đi vì sợ hãi, dọa nạt nói: "Khánh Dư còn không tỉnh, ta sẽ dùng ngươi làm vật bồi táng cùng bọn họ."

Tạ Khánh Dư phát hoảng tỉnh táo, nước mắt đã ngừng chảy để lại những vệt gió thổi vào lạnh buốt, cắn môi thút thít.

Bị bắt nằm cùng với đám thi thể thối rữa mấy canh giờ, mùi tử khí xộc lên khiến khuôn mặt trắng bệch của cậu chuyển thành tái xanh như tàu lá.

"Ta đã từng nói là Khánh Dư khóc rất dễ nghe mà nhỉ? Người đâu mà khiến người ta muốn bắt nạt vậy không biết?" Y cười bóp cổ dọa cậu rồi bắt đầu vác từng thi thể đi chôn, xong thì bùn đất đã rửa trôi bớt đủ thứ dịch thi thể dính trên tay chân y.

Y quỳ trước những ngôi mộ xếp sỏi thành bia, im lặng thật lâu rồi bất chợt gục sấp xuống trên mộ, dang tay ôm lấy những ụ đất, cười phá lên điên loạn: "Ta phải lột da, rút gân từng kẻ đã hại chúng ta ra nông nỗi này! Ta phải nghiền xương, hút máu của chúng nấu thành rượu tế người nhà!"

"Khánh Dư, do ngươi không biết gì và vì khoảng thời gian đã chăm sóc cho ta nên ta sẽ tha cho ngươi." Tạ Lương Bích ôm mặt nói: "Với lại, cảm ơn về bức thư. Chữ của Khánh Dư đẹp bằng cha mình rồi đấy..."

Tạ Khánh Dư bị bỏ lại trên chiếc xe đầy tử khí sâu trong rừng, không biết bằng cách nào đó mà lăn mình ra được ngoài bìa. Một tiều phu sáng ra đi làm việc phát hiện cậu và cứu chữa.

Bị tử khí và gió độc ngấm vào người, Khánh Dư sốt li bì không dậy nổi, tạm bình phục được vài ngày thì nghe tin học đường Vi Lễ mưu nghịch phạm thượng, xử chém không khoan hồng.

.

Không nhà, không tiền, Tạ Khánh Dư bao nhiêu năm làm học sinh mài mực, viết chữ lần đầu phải làm việc nặng nhọc để trả ơn cho những người đã cứu mình.

Họ không ép buộc chi cậu nhưng kẻ đọc sách thánh hiền nhìn thấy người dân biên tái vất vả, há lại có thể ăn bánh không trả tiền?

Chỉ là sức quá kém, thực sự rất mệt. Đau tay, đau chân, đau cả người. Nỗi đau về cái chết của gia đình cứ hiện hữu trong tâm trí, lúc nào cũng muốn khóc mà phải cố nén.

Ngày ấy Khánh Dư không nhịn được nữa, lê thân thể đau nhức trốn trong một góc bếp, vùi mặt vào đầu gối khóc nức nở.

Nước mắt, nước mũi giàn giụa, khóc muốn nghẹt thở mà chết.

Tự nhiên có hai viên xúc xắc lăn đến trước mặt.

Ba, bốn.

Một nhân ảnh thong dong bước lại sau làn nước mắt, đắc chí cười: "Đúng chóc lẻ! Hôm nay là ngày may mắn của ta!"

Một giọng nữ cười xen vào: "Ngày nào mà chẳng là ngày may mắn của Dao ca chứ?"

"Nhã à..." Nam tử quỳ xuống trước cậu, phục sức bằng bạc va vào nhau nghe như tiếng chuông gió, "nàng nói xem, Tư quốc nhiều mỹ nhân như thế, ta mời bọn họ vui đêm xuân làm sao xuể đây?"

Khánh Dư cúi đầu muốn lau nước mắt thì đột ngột bị người ta nắm cằm kéo lên.

Mắt tỷ hoàng kim, mặt như đao khắc, môi tựa chu sa.

Đẹp lạ lùng mà quỷ mị.

Y cười hỏi: "Ngươi đáng yêu quá, ta bao ngươi đêm nay được không?"


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.