Hòa Lý Thanh

Chương 15: Rời đi




Lâu Tuấn Bình một mình trở về Thượng Hải.

Mấy ngày sau, đợi những người khác cũng trở về thành phố, phải đi làm thì đi làm, phải đi học thì đi học, Hòa Lý Thanh mang theo Quy Sinh và Phương Nha, đem hành lý đã sắp xếp xong để vào cốp xe, từ từ đi xuống núi. Ông lão Trương ở phía sau, đuổi theo mấy bước, nhìn theo bằng ánh mắt đã vẩn đục. Hòa Lý Thanh cảm thấy rất đau lòng.

  

Cô định để Quy Sinh và Phương Nha ở lại, vừa mở miệng nói, chưa kịp dụ dỗ, nước mắt của nó đã rơi xuống, cho rằng mẹ đi lần này sẽ không trở lại nữa. Mấy ngày này, Hòa Lý Thanh đi đâu nó cũng bám dính sau lưng, sợ bị bỏ lại. Từ khi sinh ra tới giờ, nó chưa từng sống xa mẹ, đi học là cái quái gì chứ, nó không cần, cũng không cần phải ở lại đây, nơi nào có mẹ thì nơi ấy chính là nhà.

  

Quy Sinh ngồi ở phía sau có vẻ không vui, cô nhìn vào gương chiếu hậu, hỏi:

- Quy Sinh?

Nó lí nhí:

- Con quên không mang Gấu Nhỏ theo, cũng chưa nói tạm biệt cha nữa.

Hòa Lý Thanh không nói nữa, nhìn thẳng về phía trước, vô thức xoa xoa tay lái.

Lâm Đồng Chương đang xem tài liệu, bỗng thấy bồn chồn không yên, từ sau lần tranh cãi hôm trước, không khí trong nhà thay đổi hẳn. Lâu Tuấn Bình đi rồi, Hòa Lý Thanh quay lại dáng vẻ vô tâm vô phế, mặt lúc nào cũng lạnh lùng, bọn trẻ cũng không dám đùa giỡn nữa.

Anh biết trong lúc nóng giận, anh đã nói sai khiến cô khó chịu, nói ra những lời đã nín nhịn từ lâu cũng không làm anh cảm thấy tốt hơn. Tại sao họ không thể giống như các cặp vợ chồng bình thường khác, chỉ to tiếng một lần rồi thôi, cuộc sống mà ngày ngày hoài nghi nhau như bây giờ, chẳng khác nào châm cứu, vừa đau nhưng lại không thể nào tách rời.

Anh gọi điện thoại về nhà, không ai nghe máy. Chuyển đến số điện thoại chỗ lão Trương hay ngồi, lập tức có người nhận. Một lúc lâu sau, Lâm Đồng Chương mệt mỏi đặt ống nghe xuống, vùi mặt vào lòng bàn tay.

Mỗi buổi sáng thức dậy, anh đều thấp thỏm lo lắng, liệu có phải hôm nay cô sẽ đi? Ở trên bàn ăn nhìn thấy cô, anh lại cảm thấy tất cả đều đáng giá, anh còn có thể nhìn thấy cô. Đến hôm nay… Lần này lại là mấy năm đây?

  

Cuối tuần, Lâm Hòa trở về nhà, mới biết ngôi nhà vắng đi nhiều người. Ngây ngô đứng ở phòng khách rất lâu, cô bé mới quay trở về phòng, cơm tối cũng không xuống ăn, dì giúp việc lên gọi còn bị cô nổi cáu. Lâm Khương mở cửa, thấy cô bé đang nằm ngửa trên giường, dang rộng tay chân, mắt nhìn chằm chằm bức tranh màu nhạt trên trần nhà. Lâm Khương đi đến tủ sách đối diện giường cô bé, ngồi xuống sàn nhà, với một quyển truyện tranh lật giở mấy trang, cảm thấy nhàm chán lại ném sang một bên, suy nghĩ rất lâu rồi nói:

- Bà ta là người không đáng tin. Khi chúng ta mới sáu tuổi, bà ta trở lại rồi bị đau chân, ở lại nhà dưỡng thương ba tháng, cha bảo chúng ta ở với bà ấy, bà ấy chỉ ngồi ở đó đọc sách. Em quấn lấy làm nũng, bà ấy cũng chỉ ngồi đó đọc sách, không thèm ngẩng đầu lên. Bốn năm trước trở lại cũng là để sinh Quy Sinh. Nếu như không phải vì thằng nhóc Quy Sinh kia, việc gì bà ấy phải quay về. Lần này trở về, lại là vì chuyện ly hôn.

Quay đầu nhìn về phía Lâm Hòa:

- Bà ấy không coi chúng ta là con đẻ. Nếu như không còn hi vọng thì sẽ không cảm thấy khó chịu nữa.

Lâm Hòa nằm nghiêng sang một bên, chiếc gối ướt đẫm nước mắt.

  

Hòa Lý Thanh cùng bọn trẻ đi trước đến một thôn ở Quế Bắc, chờ đoàn tình nguyện đi qua. Trưởng thôn sắp xếp cho ba người họ ở một căn phòng trống của một người bà con. Leo lên nửa ngọn núi, xuyên qua mấy rừng trúc, bức tường đất màu nâu vàng, lợp mái ngói màu tro đen, trước nhà có giếng nước, đường từ khu rừng vào đến cửa nhà được lát gạch vuông giống như lối vào của những gia đình khá giả. Tinh thần Quy Sinh vẫn còn uể oải, từ nhỏ đến lớn, nó đã đi theo mẹ như đi đánh du kích, nay đây mai đó, không ở lâu một chỗ bao giờ, thay đổi hoàn cảnh liên tục đã sớm thành thói quen. Nhưng, bây giờ nó lại muốn về nhà.

  

Hòa Lý Thanh nhìn vào mắt nó, không nói gì. Phương Nha đã sớm thích nghi, dọn dẹp vệ sinh, đi nhặt củi khô, cuộc sống ngắn ngủi ở thành phố không ảnh hưởng gì tới nó.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.