Hoa Hồng Đồng Hoang

Chương 82




Dạ tiệc của Ngô Trung Chiếu quả thực chẳng ra làm sao, dường như gã mời tất cả những người có máu mặt ở Thượng Cảng, mọi người nịnh hót lẫn nhau. Đa số đều xoay quanh Bạch nhị, dẫn theo đó Bách Dịch cũng có giá hơn, lời này nói sao nhỉ? Thái giám bên cạnh hoàng đế, địa vị có thể sánh ngang với đại thần xã tắc.

Mà hiển nhiên Ngô Trung Chiếu rất hưởng thụ cảm giác được hùa theo, suốt một buổi gã vẫn luôn treo nụ cười trên môi, lúc ra về còn say khướt bày tỏ tối mai sẽ tiếp tục thết tiệc mọi người.

Kết quả ngày hôm sau, tình thế đã thay đổi.

Trời còn mờ tối, khi trời còn mịt mờ hơi sương chẳng nhìn rõ phương hướng đã có người đến gõ cửa dinh thự nhà họ Bạch, đó là người nhanh nhạy tin tức nhất dưới trướng Bạch nhị. Bạch nhị có nguồn tình báo của riêng mình, hơn nữa hàng năm đều phải chi một khoản tiền không ít.

Người này đội một chiếc mũ rộng vành, mặc một tấm áo khoác đen dài, bên hông gồ lên một bọc, chỉ cần liếc mắt cũng biết chắc chắn đó không phải thứ đồ gì dễ trêu chọc. Rõ ràng gã ta thường hay ra vào nhà họ Bạch, người hầu vẫn làm việc như bình thường, chẳng mấy ai để ý đến gã.

“Nhị gia, xem tình hình không tốt lắm.” Người đó nói ra tin xấu trước, “Đánh vào rồi, chính thức khai chiến rồi.”

Gã ta vô cùng đau đớn nói: “Nghe nói chẳng mấy chốc sẽ đánh đến Thượng Cảng, ngài phải đưa ra quyết định sớm thôi!”

Bạch nhị vừa uống một hớp cà phê, đang ngồi trên ghế sô pha với Bách Dịch hưởng thụ khoảng thời gian nghỉ ngơi hiếm có, nào có ngờ bỗng nhiên có người mang tin dữ tới, mà tiếng nói còn sang sảng thể như hận mọi người khắp thiên hạ không thể nghe được tin của gã.

Đến khi Bạch nhị với Bách Dịch cầm lấy thư đọc xong, lúc này mới biết hóa ra chiến tranh đã cách họ không xa, khoảng cách ngồi xe lửa cũng chỉ mất một ngày, hiện tại tốc độ xe lửa đi cũng chậm, một ngày quả thật đã coi là gần.

Người đó còn nói: “Chúng nó có vũ khí tối tân hơn chúng ta, lữ đoàn trưởng Chu liều mình kháng cự, toàn quân chết sạch nhưng bên kia lại chỉ chết một người, năm người bị thương nhẹ.”

Đạn dược chưa đủ, chúng nó dùng súng pháo, họ lại chỉ có thể dùng loại súng cổ xưa nổ súng trong phạm vi một thước mới có thể giết được người, đạn thì không đủ, cuối cùng chắc chắn sẽ phải cầm đao lên đánh giáp lá cà.

Bạch nhị nheo mắt lại: “Lữ đoàn trưởng Chu… Chu Phúc Hải ư?”

Người kia: “Chính là ông ấy! Năm đó ngài còn nói ông ấy có cái mũi heo đó!”

Bạch nhị: “…Chuyện đã qua rồi không cần phải nhắc lại, lữ đoàn trưởng Chu không tệ, thật đáng tiếc.”

Người đó còn nói: “Tôi phải nói thật, ông ấy đã hy sinh vô ích!”

Bách Dịch hỏi: “Nói vậy nghĩa là sao?”

Người kia chép miệng: “Ông ta vừa dẫn theo lính của mình hy sinh thì hàng xóm của ông ta đã trói vợ con ông giao cho người Nhật Bản, kêu rằng họ Chu mới có thù oán với người Nhật, không có liên quan gì với bọn họ cả.”

Bách Dịch không thốt thành lời, cả đời anh lần đầu biết cái gì gọi là nghẹn họng.

Người kia lại nói: “Đánh không thắng nổi rồi, chúng ta nào có súng! Không có máy bay chiến đấu, không có gì cả, chỉ dựa vào đao thì chẳng có tác dụng gì.”

Người đó thao thao bất tuyệt: “Theo như tôi thấy, hiện giờ Thượng Cảng còn có người Pháp với người Anh, có lẽ sẽ được yên bình trong một khoảng thời gian nữa, nhưng Pháp, Anh quá xa, không làm được gì. Còn Mỹ cũng chẳng tiện nhúng tay, cùng lắm chỉ bán chút vũ khí tới đây.”

Bách Dịch cũng hiểu hiện giờ quốc lực suy yếu, cũng là vì nghề sản xuất lạc hậu, vũ khí trong nước thì không tạo ra nổi mà nước ngoài lại vô cùng dễ dàng, còn có rất nhiều binh đoàn nghe nói súng của nước ngoài có lưỡi lê thế là họ dùng vải buộc dao găm vào đầu súng mà bắt chước theo súng của nước ngoài.

Vũ khí tân tiến chỉ có quân đội trực tiếp của Ủy viên trưởng, đều là hàng Mỹ cả.

Người nọ nói: “Vậy nên tôi nghĩ Nhị gia hãy tạm thời xuất ngoại thì hơn, trong nước cũng không an toàn, sản nghiệp ở Thượng Cảng có thể bán thì bán, nhà cũng chẳng cần giữ lại, chờ tình thế bình hòa lại trở về, đến lúc đó Nhị gia có tiền trong tay, với bản lĩnh của Nhị gia chẳng lẽ không thể Đông Sơn tái khởi ư?”

Lúc này Bách Dịch bị cái nhìn của người đó làm cho phát hoảng – bởi vì người đó nói đúng.

Hiện giờ sự giàu có của Bạch nhị cũng chính là bùa đòi mạng của hắn.

Nhưng Bạch nhị lại nhìn Bách Dịch: “Em nghĩ sao?”

Bách Dịch đang ngồi thẳng lưng, vô cùng nghiêm túc cất lời: “Ý của tôi giống với anh ấy, nếu tình hình không ổn lắm thì phải quyết định nhanh, cậu ra nước ngoài sớm là tốt nhất. Để tôi xem, đi Mỹ hay Anh cũng được, sang Singapore cũng không tồi.”

Bạch nhị cau mày hỏi: “Vậy em thì sao?”

Bách Dịch cũng không biết nên trả lời thế nào, anh cúi gục đầu, không nhìn đến Bạch nhị.

Anh cũng rất muốn đi, bởi anh biết đây không phải thế giới thật của anh, nhưng không hiểu vì sao anh lại có một cảm giác sứ mệnh – cảm giác sứ mệnh này anh không biết giải thích ra sao, không biết hình dung thế nào. Nhưng anh cảm thấy chỉ có ở lại mới có thể làm nhiều chuyện hơn nữa.

Anh còn nhớ trước kia trong lớp có một người bạn ở Tứ Xuyên, lúc nói chuyện về lịch sử thời cận đại có nói: “Người Tứ Xuyên chúng tớ chẳng có ai hèn nhát, lúc đó người dân cả nước đều chạy nạn về Tứ Xuyên, quân Tứ Xuyên lại muốn xông pha ra ngoài!”

Một bạn khác hỏi: “Sau đó thì sao? Họ giành chiến thắng chứ?”

Người bạn kia lại không nói thêm gì nữa.

Binh lính Tứ Xuyên rời khỏi đất Xuyên muốn cứu đồng bào, kết quả người trở về lại chẳng còn mấy ai.

Ba Thục hiểm trở, đường xá không thông, là địa phương tị nạn rất tốt.

Người khác đều chạy trốn đến, còn binh lính lại xông pha đi.

Mà Tứ Xuyên thời đó, trừ người già và trẻ nhỏ ra thì thanh niên, trung niên đều làm binh cả.

Có cậu ta khởi xướng, không ít bạn học cũng hưởng ứng theo, quê hương của mình từng có tướng quân nào, người tỉnh họ cũng không phải dân đớn hèn, họ coi đây là vinh quang, cảm thấy vinh dự vì bản thân cũng là một người của miền đất đấy. 

Các bậc cha chú ở trên cùng mảnh đất mình sinh ra ấy cũng là người nhà. 

Tất cả mọi người đều tỏ ý nếu mình có trở về những năm tháng đó vậy chắc chắn sẽ đi làm lính, các bạn nữ thì bày tỏ nếu tình trạng thân thể không thể nào ra chiến trường, vậy cũng phải làm lính quân y.

Chỉ có Bách Dịch nghĩ – nếu là anh, anh sẽ xây dựng một nhà máy thật lớn, rồi sản xuất vũ khí chiến lược mà thời đó trong nước không có kỹ thuật.

Hiện giờ Nhật Bản đã có xe tăng, mà trong nước người thì đông nhưng ngay cả xe tăng là cái gì cũng không biết.

Chớ nói chi là thuốc men – tuyệt đối chẳng thể nào đủ được, ngay cả băng vải sạch sẽ cũng chẳng có nổi.

Bạch nhị: “Em không muốn đi sao?”

Bách Dịch có hàng trăm hàng nghìn lời muốn nói nhưng chỉ đành thay bằng một cái gật đầu.

Bạch nhị cả cười: “Tôi cũng không muốn đi.”

“Tôi sinh ra và lớn lên ở Thượng Cảng, hà cớ gì kẻ ngoại bang tới mà tôi lại phải đi?” Bạch nhị trầm mặt, biểu cảm lẫn ánh mắt trở nên nguy hiểm vô cùng, “Dù có đi cũng phải là tôi chán rồi mà muốn đi, đám ngoại quốc kia là cái thá gì?”

Người kia: “Trời! Nhị gia! Lúc này so bì làm gì chứ? Đến lúc đó tài sản của ngài chẳng giữ nổi nữa đâu!”

Bạch nhị cười nói: “Chẳng lẽ bọn chúng chẳng kiêng dè cường quốc sao?”

Người nọ sững ra: “Ngài còn…”

Bạch nhị lấy khăn nhỏ lau sạch tay: “Thỏ khôn còn đào ba hang, huống chi là tôi? Tôi chưa bao giờ nghĩ nuôi mình thành lợn béo chờ người khác đến thịt cả!”

“Bọn chúng không động đến ta, vậy tất nhiên song phương vô sự. Nếu bọn chúng động đến tôi.” Bạch nhị xòe tay tỏ vẻ đành chịu, “Vậy cũng là tôi bị ép phản kháng.”

Bạch nhị là một người không có tình nghĩa nước nhà – hắn còn chẳng có tình cảm gì với cái nhà của hắn chứ đừng nói đến là “toàn dân cùng chung một nhà”.

Có điều hắn rất giữ của, cho rằng Thượng Cảng này là Thượng Cảng của mình, bất kỳ ai muốn giành thức ăn trước miệng cọp vậy tức là đối chọi với hắn.

Đối chọi với hắn tất nhiên sẽ không có kết quả tốt.

Bạch nhị hừ lạnh: “Đừng có nói là quan Nhật, Thiên hoàng của bọn chúng có tới tôi cũng không đi!”

Người nọ không biết nói gì nữa, chỉ có thể bày tỏ: “Nhị gia bảo trọng! Tôi chuẩn bị lên thuyền đi châu Âu, ôi, tôi còn có người cả một nhà, luôn phải nghĩ cho gia đình nữa.”

Những năm qua gã ta đã kiếm được không ít tiền từ Bạch nhị, vì vậy nói thêm: “Tôi có một vài anh em ở lại Thượng Cảng, tôi đi tìm người, đến buổi chiều mang đến gặp ngài, sau này ngài còn muốn nghe tin gì chỉ cần tìm cậu ta, không cần nói đến đầu đường cuối ngõ, dù là chuyện trong cục cậu ta cũng biết cả.”

Bạch nhị cũng không từ chối, mặc dù hắn không chỉ có một người tình báo, nhưng có nhiều hơn cũng được.

Bây giờ có thêm một đôi mắt cũng là thêm một sự đảm bảo.

Quả nhiên về sau ở đây bắt đầu lập lại giờ giới nghiêm vốn trước kia đã hủy bỏ, mười một giờ đêm đến sáu giờ sáng sẽ không cho dân chúng đi lại ngoài đường nữa, nếu như xảy ra chuyện gì trong thời gian giới nghiêm thì cũng đều mặc kệ hết.

Cùng lúc đó người Nhật cũng tới, xe của bọn chúng lái thẳng vào thành, quan chỉ huy cao nhất còn vào ở thẳng Lãnh sự quán.

Dân chúng Thượng Cảng hoảng loạn, người có máu mặt cũng hoảng loạn, có không ít người muốn trốn đi – tiếc rằng ngoài cửa thành có trọng binh canh gác, ngoại trừ công việc ra, tất cả đều không được phép ra khỏi thành. 

Việc làm ăn của Bạch nhị cũng gặp phải khó khăn.

Nhà máy dược của hắn bị phong tỏa, ngoài nhà máy dược ra đến cả xưởng sản xuất giày cũng phải đóng cửa.

Vốn các nhà xưởng của hắn đa phần xây ở ngoài thành, chỉ có hai nhà xưởng quan trọng nhất xây ở Thượng Cảng, hiện giờ bị đóng cửa một cái, Bạch nhị lửa giận ngút trời.

Thiếu tá Yamamoto đích thân đến nhà, dùng tiếng Trung bập bẹ nói với Bạch nhị: “Bạch tiên sinh, xưởng chế giày có thể mở lại được, nhưng xưởng thuốc chúng tôi phải trưng thu.”

Bạch nhị cợt nhạo: “Xưởng thuốc là chỗ thu được tiền nhiều nhất.”

Yamamoto cười nói: “Bạch tiên sinh, anh cần xưởng thuốc, chúng tôi cũng rất cần, cá nhân tôi bằng lòng chi một khoản tiền mua lại xưởng thuốc của anh.”

“Ba ngàn đô la Mỹ, thế nào?” Yamamoto vẫn tươi cười, thái độ phách lối.

Bạch nhị: “Nhưng trong xưởng vẫn còn trữ hàng, ba ngàn đô không đủ.”

Yamamoto ra vẻ không hiểu: “Tôi lại không hiểu ý của Bạch tiên sinh lắm, chỗ nào còn hàng tích trữ? Số máy móc kia của anh cũng cũ rồi, chi ba ngàn đô đã là hời lắm rồi.”

Trán Bạch nhị hằn gân xanh, đã từ lâu đến giờ đều là hắn làm khó người khác, nay lại bị người trèo lên đầu khiến hắn thấy bản thân quả thực không nhịn nổi nữa rồi, cái đồ con rùa này ai thích làm thì đi mà làm.

“Nếu đã vậy xưởng thuốc tôi để cho Thiếu tá.”

Bạch nhị trở về với dáng vẻ lạnh lùng như trước: “Tôi không lấy một đồng.”

Yamamoto: “Ồ, Bạch tiên sinh quả là một người đáng kết giao, anh nhiệt tình như vậy chúng tôi cũng sẽ nhiệt tình với anh hơn.”

Sau khi tiễn Yamamoto đi, Bạch nhị giận dữ hất văng chụp đèn trên bàn xuống đất, vẻ mặt hắn dữ tợn, ánh mắt cay độc: “Mẹ kiếp, thứ gì không biết! Dám trèo lên đầu tao! Chẳng phải muốn trưng dụng xưởng thuốc của tao ư? Tao xem chúng mày lấy cái gì chế thuốc!”

Sáng sớm ngày hôm sau, thằng bé bán báo chạy khắp lối phố, tay quơ quơ báo, vừa chạy vừa rao: “Số đặc biệt, số đặc biệt! Xưởng thuốc nhà họ Bạch bốc cháy!”

“Xưởng thuốc nhà họ Bạch bốc cháy! Thiêu chết mấy chục người Nhật Bản!”

Mọi người tranh nhau mua báo.

Tất cả mọi người đều đoán già đoán non, ngọn lửa bất ngờ, hay là do người làm ra?

Lúc Bách Dịch tỉnh dậy thì thấy Bạch nhị đã hậm hực nhiều ngày đang ngồi trên sô pha, mi mày còn mang ý cười, vô cùng ung dung.

… Nhìn thế này không cần phải đoán, chắc chắn là lửa do Bạch nhị sai người làm.

Con người này có thù tất báo, không chịu nổi một chút bực bội nào.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.