Họ Đã Tu Tiên Như Thế Đó

Chương 36: A nhất đã vào luyện tâm cảnh như thế đó!




Mộc Dương thành vẫn tấp nập và đông vui như trước, dường như tất cả những phong vân biến chuyển của tu chân giới đều không ảnh hưởng đến nó dù chỉ là nhỏ nhoi. Người nghèo trong thành vẫn bận rộn với cuộc sống mưu sinh, người giàu có vẫn điên cuồng vì máu và bạo lực trong đấu trường.

Hôm nay, Mộc Dương thành đón hai vị khách nhân rất đặc biệt.

Tuy cổng thành cách nơi đó khá xa nhưng A Nhất vẫn có thể loáng thoáng nghe được những tiếng hò hét hưng phấn của các khán giả, tiếng kêu rên thảm thiết của các con mồi hòa cùng tiếng rống điên dại của đám yêu thú bên trong đấu trường nô lệ.

Trên con đường lớn vẫn tấp nập người người qua lại có một đứa trẻ tàn tật đang ú ớ xin ăn.

A Nhất dường như có thể xuyên thấu qua nó nhìn đến bản thân mình hơn mười ba năm trước, thương cảm rất nhiều thế nhưng hắn lại không nhớ đã đánh mất túi tiền của mình ở đâu. Ngoảnh đầu nhìn Tịch Diệt đạo tổ, A Nhất rất muốn mở miệng xin lão vài xu bố thí cho đứa nhỏ đáng thương kia nhưng rồi lại thôi.

Tuy rằng đối với vị đại tiên này, vài xu tiền có khi không khác gì bụi bặm cả nhưng hắn lại sợ làm phiền đến người khác.

Không! Đó chỉ là cái cớ! Hắn chỉ là không muốn mang ơn lão mà thôi.

A Nhất tự cười nhạo bản thân mình:

- Từ lúc nào mà mình đã trở nên cao ngạo và ích kỷ như thế này?

Khi đã nghĩ thông suốt, thiếu niên liền dừng lại truyền âm cho Tịch Diệt đạo tổ:

- Đại tiên! Người có thể nào bố thí cho những đứa nhỏ này vài xu tiền hay không?

Du ngoạn cùng hắn mấy hôm nay, Tịch Diệt đạo tổ cũng đã biết xuất thân của A Nhất, cũng hiểu được vì sao hắn lại động lòng trắc ẩn.

Lão thờ ơ nói:

- Là một vị đại tiên thì ta thực sự không có thời gian để chạy tới chạy lui giúp đám phàm nhân kia. Thế nhưng...

Đôi tròng mắt sâu thẳm của vị đạo tổ nhìn chằm chằm vào A Nhất như muốn soi rõ linh hồn hắn, lão nhấn mạnh:

- ...nếu đệ tử của ta van nài, ta nhất định sẽ giúp đỡ hết mình.

Tuy đã sớm đoán được câu trả lời của Tịch Diệt đạo tổ nhưng A Nhất vẫn muốn thử một lần... để rồi lại thất vọng.

Hắn lắc đầu từ chối gợi ý của Tịch Diệt.

Cái nghèo cũng không thể nào cản được thiện tâm của A Nhất.

Hắn bước đến trước mặt đứa trẻ xin ăn vừa mù vừa câm ở bên đường, choàng tay ôm lấy đứa bé rồi nói:

- Hãy cố sống cho thật tốt!

Ngọn lửa ấm áp của tình người mà bằng hữu Diệp Mai đã đốt cho hắn, A Nhất dùng nó để mồi lửa cho một sinh mệnh khác.

Hắn vẫn chưa quen lắm với hộp âm và chiếc lưỡi mới của mình nên giọng nói phát ra có chút khó nghe, tuy vậy nó vẫn làm đứa bé ăn mày khóc thút thít, ú ớ!

A Nhất không cần nghe cũng biết đứa nhỏ muốn nói gì.

Hắn vỗ nhẹ vai đứa nhỏ như cổ vũ rồi lại tiếp tục lên đường.

Đứa bé xin ăn đứng đó, giơ giơ cái tô chờ đợi, thế nhưng mãi đến lúc tiếng bước chân của kẻ đã ôm hắn đi xa cũng không có tiếng kêu nào của tiền rơi xuống cả.

Hơi ấm của tình người cũng không thể làm vơi đi cơn đói của chiếc bụng bẹp.

...

A Nhất và Tịch Diệt lão tổ vào ngồi trong một quán mì ven đường. Gọi là quán cho sang chứ thực ra đây cũng chỉ là một xe mì cũ kĩ cùng dăm ba chiếc bàn ghế gỗ lụp xụp được sắp xếp sát vách tường của một tiệm vải. Chủ quán là một lão nhân, mái tóc bạc và chiếc lưng hơi gù đều nói cho họ biết đây là một người đã trải qua hơn nửa đời trong sự khó khăn vất vả.

- Đại thúc, phiền ngài làm giúp hai tô mì thịt bò.

- Đến ngay đây.

Cảnh tượng một lão giả tiên phong đạo cốt, ngồi trên một chiếc ghế thấp xộc xệch ven đường chờ mì trông rất quái gở. Nhất là cái đôi giày đỏ chót mà lão đang mang còn rất thu hút sự chú ý, hoàn toàn không thể hòa hợp được với cảnh vật xung quanh.

Thế nhưng người khiến lão bán mì chú ý lại không phải Tịch Diệt đạo tổ mà là A Nhất.

Lão nhớ rất rõ gương mặt ấy, cả đôi mắt trắng đục kia nữa. Hơn chục năm trước, có một thời gian đêm nào lão cũng cho đứa trẻ ăn xin ốm yếu, mù lòa kia chút mì thiu, canh cặn.

Lâu mãi lại thành thói quen, ngày nào lão cũng làm dư ra chút ít. Sau khi đứa trẻ kia biến mất, thỉnh thoảng lão vẫn quen tay làm nhiều hơn chút mì khiến vợ lão không thiếu cằn nhằn lãng phí.

Lão bán mì thở dài:

- Già rồi trông gà hóa cuốc, lại hay nhớ chuyện cũ.

Lão đổ nước lèo nóng hổi vào hai tô mì thịt rồi bưng lên cho hai người:

- Mì nóng đến đây!

A Nhất cười nói:

- Cảm ơn đại thúc!

Hắn cảm ơn không chỉ cho tô mì mà hắn đang cầm trên tay mà còn cho cả 1342 tô mì khác. Nếu không có vị đại thúc này thì có lẽ hắn đã chết đói trong những đêm mưa gió năm xưa.

Giọng nói mới của A Nhất tuy khó nghe nhưng không hiểu sao lão bán mì lại cảm thấy bùi ngùi. Có lẽ bởi nụ cười thiên chân vô tà kia rất giống nụ cười của hơn 13 năm trước.

Lão cười nói:

- Ăn nhanh kẻo nguội!

A Nhất gật đầu, cầm bát mì lên húp lấy húp để.

Lão bán mì lấy cái khăn đang choàng trên cổ chùi đôi mắt ướt:

- Hi vọng đứa trẻ ngoan năm đó vẫn sống, dù có khó khăn vẫn cười.

Thầm cầu nguyện xong, lão vội tiếp đón những khách nhân khác, quay trở lại hiện thực của bản thân, bôn ba với cuộc sống.

Cuộc sống của người nghèo không có chỗ cho hoài niệm.

Mười ba năm trước, gia đình lão tuy nghèo nhưng cũng còn tính là hạnh phúc. Lão có một người vợ già đi cùng lão qua biết bao năm sóng gió, có người con trai và con dâu hiếu thuận cùng một đứa cháu ngoan ngoãn.

Sau đó, con trai của lão ham vui đi cá cược trong đấu trường nô lệ, kết quả chết thê thảm, để lại người vợ trẻ và đứa con nhỏ. Không lâu sau con dâu lão cũng bỏ đi, để lại đứa cháu vừa dứt sữa. Bạn già chịu không nổi đả kích liên tiếp cũng qua đời. Ở độ tuổi lẽ ra phải được hưởng phúc tuổi già thì lão lại phải bận rộn mưu sinh, nuôi nấng đứa cháu đang tuổi ăn tuổi học.

A Nhất không biết những điều này, mà cũng không cần phải biết.

Tịch Diệt lão tổ không hề nhấc đũa mà chỉ truyền âm cho hắn:

- Mọi người đều đang bước về phía trước, duy chỉ có tiểu tử ngươi mãi dậm chân tại chỗ.

Lời nói của Tịch Diệt đạo tổ làm thần hồn của A Nhất chấn động.

Thời gian của hắn đã khác hẳn với thời gian của phàm nhân. Hắn và họ từ lâu đã không còn nằm trên cùng một quỹ đạo của vận mệnh.

Lão bán mì, phụ thân của hắn, mẫu thân của hắn, thầy đồ đầu thôn, thợ săn cuối thôn, Lạc Nhạn thôn, Lam Sương thành, tất cả mọi người đều bước về phía trước, duy chỉ có hắn dừng lại, mãi mãi sống trong quá khứ, mãi mãi là thiếu niên mù.

Câu nói của Tịch Diệt lão tổ làm A Nhất đốn ngộ.

Tiên nhân A Nhất đã đặt bước chân đầu tiên vào đại đạo như thế đó!

Tán tu A Nhất, nhất phẩm Luyện Tâm cảnh.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.