Hậu Anh Hùng Xạ Điêu

Chương 28: Thâm cung viện kinh hoàng vì quái khách




Quách Tỉnh kinh hoàng la lên :

- Khưu đạo trưởng lưu ý!

Tiếng chưa dứt, Âu Dương Phong đã sủa lên một tiếng, toàn thân vọt bung ngay lên như một con chó điên đớp người, vồ thẳng ngay mặt Khưu Xứ Cơ, kiếm của Khưu Xứ Cơ đã bị Âu Dương Phong nắm trúng luôn.Theo lý ra, Âu Dương Phong bản lãnh có cao cường đến đâu cũng tuyệt nhiên không thể nào không kiêng kỵ mà dùng bàn tay thịt đi bắt lưỡi kiếm của người ta như vậy, nhưng lúc này Âu Dương Phong đã biến thành kẻ điên, chẳng kể ất giáp gì, mở ngay “Cáp Ma công” ra, đưa tay túm binh khí của Khưu Xứ Cơ, khiến cho Trường Xuân Tử cả kinh đang tính vận sức đoạt về. Thình lình Âu Dương Phong há miệng nhổ phì ngay một bãi đờm qua mặt đối phương. Khưu Xứ Cơ thấy lối đánh dơ dáy né đầu tránh, cây kiếm trên tay bị Tây Độc đoạt luôn.Tuy bị mất kiếm, nhưng Trường Xuân Tử vẫn không ngán, vung chưởng bửa ngay phía ngực của Âu Dương Phong. Ngay khi đó, Lưu Xứ Huyền và Tôn Bất Nhị vung kiếm đánh sang. Họ biết Tây Độc không sợ điểm huyệt, bèn xỉa thẳng kiếm vào “Thái Dương huyệt” của Tây Độc. Âu Dương Phong không hề hấp tấp, chưởng trái đưa ra đỡ ngay chưởng bên mặt của Khưu Xứ Cơ, ngọn kiếm tay phải quét ngang ra về phía sau choang, choang hai tiếng, đánh bật ngay hai thanh kiếm Lưu Xứ Huyền và Tôn Bất Nhị. Toàn Chân lục tử thấy vậy cả kinh, ai nấy vội lùi ngay về sau. Quách Tỉnh thấy vậy cũng không khỏi khen thầm: “Lão Độc Vật quả là kỳ tài trong thiên hạ, nhưng phải cái lão không chịu phục thiện. Đáng tiếc! Đáng tiêc!”.

Lúc này Quách Tỉnh đang đứng vào cửa “Thiên hoàn” của trận địa.

Chàng đẩy luôn cả song chưởng ra với lối “Hàng Long thập bát chưởng”, bên trái ngọn “Thần Long Bái Vĩ” (rồng thần ngoắc đuôi), bên mặt ngọn “Thời Thặng Lục Long”. Bề ngoài thì hai đòn, nhưng tám phần mười công lực đều dồn tụ hết sang bên trái, bởi ngọn “Thần Long Bái Vĩ” phải đánh bằng lối lưng bàn tay, oai lực cực mạnh. Xưa kia đệ tử tám túi của Cái bang là Lê Sinh chỉ được Hồng Thất Công truyền cho có một chưởng đã ngang nhiên đánh ngang hàng với Âu Dương công tử tại Lưu thị Tôn Từ ở Bảo Ứng huyện, nay sức lực của Quách Tỉnh đem so với Lê Sinh xưa kia, mạnh gấp cả trên chục lần là khác. Còn ngọn “Thời Thặng Lục Long” bất quá chỉ có tính cách phụ trợ mà thôi.

Đằng kia, chưởng lực Âu Dương Phong bung ra, bật luôn Khưu Xứ Cơ về sau ba bước, xong quay ngược kiếm, đâm thẳng ngay vào ngực Quách Tỉnh, nào ngờ ngọn “Thời Thặng Lục Long” của Quách Tỉnh vừa đánh ra lưng chừng đã biến từ chưởng thành trảo, và bấu trúng ngay chuôi kiếm của Tây Độc, ngọn “Thần Long Bái Vĩ” bửa mạnh ngay ngực Âu Dương Phong.

Tây Độc không ngờ “Song Thủ Hỗ Bác” của Quách Tỉnh lại thần diệu đến vậy. Kiếm trên bị đối thủ túm, chỉ ngại bị thương về chưởng lực của đối thủ, lão đành buông kiếm, hai tay cùng vung ra, hét lên một tiếng dữ dội, mở ngay lối đánh “Cáp Ma công” đẩy mạnh ra nghênh hứng với “Hàng Long thập bát chưởng” của Quách Tỉnh. “Bùng! Bùng!” hai tiếng, cả hai đều bị bật về sau lối bảy tám bước, ngực của đôi bên đều như bị búa tạ bật phải, cảm thấy rét và nóng ran.

Sau khi hai luồng chưởng lực giao tiếp nhau, ai nấy đều có cảm giác nội lực của đối thủ như đang “bài sơn đào hải” đẩy dội sang mình. Quách Tỉnh biết không xong, vội vàng dùng ngay thế “Thần Long Thăng Thiên” vọt tréo sang một mé để tránh khỏi làn chưởng của Tây Độc. Tuy thế chàng cũng bị kình lực của Tây Độc hất thêm ra mấy bước.

Sau khi hai luồng chưởng đụng độ, sức mạnh của nó bỗng dội ngược ngay về, đánh ngược nhóm Toàn Chân lục tử. Trong lục tử, ba người cao cường như Mã Ngọc, Khưu Xứ Cơ, Vương Xứ Nhất còn không cảm thấy gì, nhưng với ba người võ công hơi kém như Lưu Xứ Huyền, Hách Đại Thông, Tôn Bất Nhị, họ cảm thấy như có một bức vách vô hình đang áp mạnh vào người họ. Lưu, Hách, Tôn cả kinh, cả ba tung người nhảy ra phía sau.

Vì ba người nhảy lui, “Bắc Đẩu trận” lập tức hiện ra cửa trống, Âu Dương Phong nhân ngay cơ hội vọt tung mình, hai chân vừa điểm xuống mặt đất dùng luôn thế “Minh Đà Thiên Lý” (Lạc đà ngàn dặm) thân pháp vọt ngay giữa Vương Xứ Nhất và Lưu Xứ Huyền, lọt ngay ra vòng chiến, nhún mình mạnh một cái, toàn thân đã vụt lên đỉnh nóc Tam Thanh điện, buông tiếng cười ha hả rằng :

- Ra “Thiên Quải Bắc Đẩu trận” của Toàn Chân giáo chủ chẳng qua cũng chỉ đến vậy thôi, kể như ta đã lãnh giáo rồi. Ha! Ha! Ha!...

Nói xong lão quăng mình ra phía ngoài, vút đi như một cơn cuồng phong biến dạng luôn.

Toàn Chân lục tử tức điên người, ai nấy ngơ ngẩn không biết tính sao, vì từ khi họ luyện “Thiên Quải Bắc Đẩu trận”, tuy chưa thể nói là chưa gặp địch thủ nhưng để cho kẻ địch chạy thoát như kỳ này, đây mới là lần phá lệ đầu tiên. Quách Tỉnh càng tức, vì chàng không ngờ tại mình cố dồn sức đánh mà đã gây nên cơ hội tháo thân cho Âu Dương Phong. Chàng quát lớn tiếng :

- Lão Độc Vật tính chạy đâu!

Dứt tiếng chàng tung mình vọt ra khỏi Trùng Dương cung, đuổi theo sau Âu Dương Phong.

Hồng Thất Công thấy Âu Dương Phong đào tẩu, giơ ngay Lục Trúc trượng lên nói :

- Đệ tử Cái bang hãy mau đuổi theo, Lão Độc Vật này còn sống ngày nào, thiên hạ còn nhiều điên đảo ngày ấy. Hãy mau bắt cho được y lại.

Cái bang đệ tử tung hô một tiếng “tuân lệnh!” như trời long đất lở. Lỗ, Giản, Lương tam trưởng lão tung mình dẫn đầu đuổi trước, còn các đệ tử thi nhau chạy theo sau như đàn ong đuổi người.

Nhưng địa thế Chung Nam sơn rộng rãi, cách rừng lại nhiều, hơn nữa cước trình của Âu Dương Phong lại thuộc số một, dù phe Quách Tỉnh có đông người, nhưng nào có đuổi kịp được lão. Chớp nháy đã mất dạng, Toàn Chân lục tử động viên hết thẩy người trong cung hợp cùng với nhóm Cái bang và tam trưởng lão, lùng soát gần hết cả khu vực Chung Nam sơn cũng không sao thấy bóng dáng Âu Dương Phong đâu hết. Thì ra lão đã rời khỏi Chung Nam sơn và lang thang trên giang hồ.

Cuộc đại náo của Âu Dương Phong tính ra suốt cả nửa tháng trời, lão phá phách tan tành cả một ngôi Tam Thanh điện không còn ra trò trống gì, may là lão không giết người mấy. Lỗ vốn nhất là Chí Bình, chàng bị một ngọn “Cáp Ma công” của Âu Dương Phong bị nội thương khá nặng, sau khi khám kỹ, hai xương sườn bị gãy, đành nằm thiền phòng để tĩnh dưỡng điều trị.

Hồng Thất Công sau khi được lại cây Lục Trúc trượng bèn giao ngay lại cho Hoàng Dung và nghiêm nghị dặn rằng :

- Lão ăn mày ta đều cậy vào cây gậy đánh cho này quất hết những kẻ ác trong thiên hạ, và chuyên can thiệp các chuyện bất bình trên đời, nay cô thọ lãnh cây “Đả Cẩu bổng” này, cần phải phát huy danh tiếng cho Cái bang, vậy cô đã biết rõ ý của lão ăn mày này rồi chứ?

Hoàng Dung cúi đầu cung kính :

- Xin tuân lệnh giáo huấn của lão tiền bối!

Hồng Thất Công truyền xong trúc trượng, vỗ tay cười ha hả rằng :

- Nay ta đã giao xong gánh trọng trách cho cô, từ nay ta sẽ rời khỏi trần thế bụi tục này cho khỏe người.

Quách Tỉnh nghe Hồng Thất Công nói vậy bất giác giật mình kinh ngạc, ngỡ đâu ông ta định tự tử, chàng cuống lên rằng :

- Hồng ân sư sao lại có lời tiêu cực như vậy, ngài đang tuổi xuân thu mạnh mẽ, sẵn một tuyệt nghệ trong người, sao lại muốn quyên sinh như vậy?

Hồng Thất Công cười ha hả rằng :

- Tỉnh nhi, bộ con tưởng ta tự sát sao? Con hiểu lầm ý ta rồi! Lão ăn mày tuy không ra gì, nhưng cũng không đi tìm cái chết ngốc như vậy. Ý ta là không muốn giữ chức Bang chủ của Cái bang nữa, ta sẽ ngao du thiên hạ, tứ hải vi gia, và ước được ăn hết những của ngon vật lạ dưới trời. Đó là ý ta vậy. Thôi, ta đi đây.

Dứt lời lão tung mình vụt đi luôn như một làn khói, chớp mắt đã mất dạng.

Vợ chồng Quách Tỉnh thấy Bắc Cái đi thình lình vậy, trong lòng không khỏi luyến tiếc nao nao. Toàn Chân lục tử cũng có cảm giác buồn buồn. Chợt Hoàng Dung lên tiếng :

- Dương Qua nay đã cứu về, trúc bảng cũng đã đoạt lại. Lão Độc Vật tuy tội đáng giết, nhưng dù sao lão cũng đã trở thành kẻ điên, mình cũng chẳng cần phải tranh chấp với lão làm gì cho nhọc lòng. Cứ về ngay Đào Hoa đảo cho yên việc.

Quách Tỉnh lắc đầu rằng :

- Thiên hạ đang lúc hoạn nạn, chúng mình là kẻ học võ, giờ đây đang là lúc để chúng mình ra tay giúp đồng bào giải trừ những khổ nạn, nỡ nào mình tự hưởng thú thái bình ích kỷ như vậy cho đành, cứ ngược lên miền Bắc cho được việc.

Kha Trấn Ác giơ ngón tay cái khen rằng :

- Tỉnh nhi! Thế mới đáng mặt chí trai anh hùng, nay quốc gia đang gặp cơn hoạn nạn, chúng ta đều là tay hiệp nghĩa, đâu có làm ngơ trước cảnh tao loạn như vậy được, chúng ta nên khởi hành lên miền Bắc là vừa.

Hoàng Dung tuy tự phụ thông minh, nhưng cũng không dám đi ngược đà đại nghĩa, đành ở luôn lại Trùng Dương cung để chờ ngày Bắc tiến.

Ngay lúc quần hùng mãi lo đại hội ở Chung Nam sơn, miền Bắc đâu đâu cũng đã nhen lửa chiến tranh, đại cục rối ren biến hóa không ngừng.

Từ ngày Thái tổ Thành Cát Tư Hãn của Mông Cổ chết, con thứ ba là Oa Khoát Đài lên kế tồn di mạng của Thành Cát Tư Hãn, tức Thái Tôn Mông Cổ. Hồi đó oai danh Mông Cổ vang khắp tứ hải, võ công của Oa Khoát Đài giỏi hơn cha, sau khi lên vị Đại Hãn hai năm bèn phái ngay người cháu Bạt Đô, đại tướng Tốc Bất Đài thống lãnh mấy trăm ngàn hùng binh với thế gió quét lá rụng, đánh tiến sang châu Âu, và vùng đồng bằng của Nga La Tư, chiếm luôn Mạc Tư Khoa. Sau khi đại quân diệt xong Nga La Tư binh chia hai ngả, đoàn quân Bắc lộ do Bạt Đô chỉ huy, đánh thẳng sang Ban Hãn Đức (Nhật Nhĩ Nam) của đoàn quân liên bang, còn đoàn quân Nam lộ do Tốc Bất Đài chỉ huy đánh thẳng sang Hùng Gia Lợi, chấn động hết Âu Châu thời bấy giờ, những người ở Đông Âu, Trung Âu đều lo tỵ nạn hết về Tây Âu hoặc Anh Luân tam đảo, sách sử ghi chép nó là đại họa “Da vàng”.

Nhưng ngay lúc quân Mông Cổ chiến thắng liên miên trong thời gian không đầy nửa năm ấy, Thái Tôn Oa Khoát Đài và tứ hoàng tử Đà Lôi trước sau tạ thế. Thì ra mùa xuân năm ấy, Oa Khoát Đài mắc bệnh nặng thấy vô số oan hồn lại đòi mạng nơi bệnh sàng bất giác cả kinh, vội cho gọi vu sư (thầy phù thủy) vào cung hỏi duyên cớ, vu sư nói là cuộc Tây chinh của Mông Cổ giết người quá nhiều, nhất là đoàn quân tới đâu đều mở cuộc tàn sát đến đấy (Quân Mông Cổ chinh Tây vào thế kỷ thứ ba, diệt bốn mươi nước. Theo các sử học khảo cứu, quân Mông Cổ giết người Âu Châu có đến trên mười lăm triệu người, chiếm một nửa dân số Âu Châu hồi đó.) nên các oan hồn ấy vất vưởng đến Vương cung để đòi mạng, trừ phi thân vương chịu chết mới giải thoát được. Oa Khoát Đài lập tức triệu ngay các thân vương đến bệnh sàng, hỏi xem ai chịu chết thế mình. Tứ vương tử Đà Lôi không cần đắn đo gì bước ngay lại rằng :

- Khi cha qua đời đã mang di mạng cho anh lên làm Đại Hãn còn em phải chinh chiến sát bên anh, nay nếu anh mất đi, thiên hạ chẳng loạn mất sao? Hay để em chết thay cho anh vậy.

Oa Khoát Đài thấy vương đệ chịu chết thay cho mình lòng vô cùng cảm động bèn hỏi Đà Lôi có cần dặn gì không. Đà Lôi vắn tắt nói :

- Nếu em chết đi, xin Đại Hãn hãy chiếu cố đến vợ con em là được rồi.

Oa Khoát Đài y lời, vu sư bắt đầu làm phép, đưa ngay một bát nước lạnh, đọc thần chú xong giao ngay cho Đà Lôi. Đà Lôi không ngần ngại uống luôn, chỉ trong chớp mắt mặt mày tối tăm bất tỉnh nhân sự, được gần nửa ngày tắt hơi qua đời luôn.

Đà Lôi sau khi chết, Oa Khoát Đài quả nhiên y theo lời di chúc của em, đón ngay vương phi cua Đà Lôi vào cung ở, và sửa soạn sắc phong cho con của Đà Lôi là Hốt Tất Liệt làm Hoàng tử (để dành làm vua sau này). Nào hay vợ của Oa Khoát Đài là Nãi Mã Châu hoàng hậu là người hẹp dạ, nàng nhất định muốn con mình lên ngôi Đại Hãn. Một cuộc đàn áp ngấm ngầm được thi hành trên bàn thân vương phi của Đà Lôi. Oa Khoát Đài cố ngăn trở nhưng cũng không xong việc, buồn quá nên cứ vùi vào các cuộc tửu sắc liên miên, nào hay chính vì những cuộc trác táng liên miên ấy, không đầy nửa năm Oa Khoát Đài băng hà luôn. Tuy Đà Lôi chết thay cho anh, nhưng cuộc sống cũng chỉ có nửa năm trời. Có thể nói là định mạng cả.

Sau khi nhà vua chết, hoàng hậu Nãi Mã Châu lên nhiếp chánh bãi bỏ ngay đoàn quân chinh Tây. Bạt Đô, Tốc Bất Đài lo ban sư về nước, về đến Hòa Lâm (quốc đô của Mông Cổ hồi đó), lúc này trong cung đình của Mông Cổ phát xẩy ra một sự tranh chấp mãnh liệt. Hoàng hậu Nãi Mã Châu bất chấp di chiếu của Oa Khoát Đài lập ngay con mình là Quý Do lên làm Đại Hãn (tức vua Định Tôn trong lịch sử). Nào ngờ Quý Do không có phúc hưởng ngai vàng, lên ngôi được một trăm ngày thì lăn cổ ra chết. Nãi Mã Châu đau khổ vô ngần, lại sách lập ngay thứ tử là Mông Ca lên làm Đại Hãn (vua Hiến Tôn trong sử Mông Cổ), nhưng tất cả đại quyền quân chánh đều thao túng vào tay mình hết. Mẹ con Hốt Tất Liệt - vợ con của Đà Lôi - bị u uẩn trong cung, sự cơ cực cảnh khổ của hai mẹ con lẽ đương nhiên không ai tưởng tượng được.

Hốt Tất Liệt vốn là con người hùng tài thao lược, tuy bị hoàng hậu Nãi Mã Châu ép nén, nhưng vị anh hùng này vẫn không quên mộng lớn của mình, ngày đêm lo nghiên cứu về binh pháp, học về chính sách trị quốc an bang. Vào một đêm Hốt Tất Liệt đang chăm chú đọc binh thư trong phủ, đột nhiên có hai bóng đen từ trên nóc phủ nhảy vèo xuống, chẳng nói năng gì vung ngay đao chém thẳng sang phía Hốt Tất Liệt. Thình lình có hai thích khách xuất hiện hung hăng như vậy, Hốt Tất Liệt cả kinh, trong cơn cuống hoảng, tay không tấc sắt, vội đưa chân đá bay ngay chiếc bàn để ngăn cản thế tiến của hai bóng đen, tiếp đó chụp ngay chiếc ghế đỡ đòn, một mặt lên tiếng kêu cứu. Nào hay hai bóng đen hung dữ vô cùng, chỉ trong ba bốn đường đao chúng đã chém hết bốn cẳng ghế. Đang lúc tình thế cấp bách nguy kịch, ngoài cửa sổ bỗng vang lên những tiếng cười, tiếp theo một bóng người vọt vào. Hốt Tất Liệt tưởng đâu lại thêm thích khách tới, buột miệng :

- Mạng ta đã hết!

Nào hay quái khách thứ ba nhảy vào lại là vị cứu tinh, chỉ thấy quái khách giơ nhanh hai tay ra, đoạt luôn hai cây đao của hai bóng đen quăng ngay xuống đất, tiếp theo đó quơ ngược tay ra, tay trái điểm ngay “Chí Đường huyệt” của một tên thích khách, tay phải bóp ngay gáy hai tên kia. Hai tên thích khách chỉ kêu lên một tiếng “ối” toàn thân mềm nhũn. Quái khách xách ngay hai người va mạnh đầu vào nhau, cả hai bể sọ chết tươi luôn.

Hốt Tất Liệt lúc nầy mới hoàn hồn, nhìn kỹ quái khách, chỉ thấy quái khách thân hình cao, râu ria cùng mặt rõ là người miền Tây Vực, nhưng quần áo lôi thôi. Hốt Tất Liệt vội ôm quyền thi lễ với quái khách :

- Tôn giá cao danh đại tánh? Sao lại khéo đến cứu nguy cho Tiểu vương như vậy? Tiểu vương vô cùng cảm kích.

Quái khách cười ha hả xong đưa chân trái đá một lượt hai xác chết máu me dưới đất, hai tử thi lăn mấy vòng, chợt rớt ra hai thẻ kim bài, Hốt Tất Liệt thấy vậy cả kinh.

Thì ra hai thẻ vàng ấy là vệ sĩ trong cung đình nhà vua tức là người của đại nội phủ phái đến. Như vậy là hoàng hậu Nãi Mã Châu đã cho vệ sĩ cung đình đến hành thích mình, Hốt Tất Liệt không lạnh mà ớn mình. Lúc này quái khách từ trong mình lấy ra một lọ thuốc màu xanh, rắc ngay ít phấn xanh lục lên hai cỗ tử thi. Chớp nhoáng hai cỗ xác chết biến thành hai đống nước vàng. Quái khách dùng loại thuốc “Hóa Cốt đơn” (thuốc tan xương), Hốt Tất Liệt nào thấy qua trò giang hồ này bao giờ, biến sắc hoang mang. Quái nhân cười khanh khách nói :

- Điện hạ đã bình an. Vậy tôi phải đi đây.

Hốt Tất Liệt vội đưa tay kéo ngay quái khách hỏi :

- Ân công xin hãy dừng bước, Tiểu vương may nhờ đại đức cứu mạng của ân công, làm sao để ân công ra đi vội vàng vậy cho đành.

Quái khách không ai xa lạ, chính là Tây Độc Âu Dương Phong. Từ khi chạy thoát khỏi Chung Nam sơn lão bỗng trở nên một tính tình thù hận Cửu Chỉ Thần Cái Hồng Thất Công, càng ghét giận nhóm Toàn Chân lục tử, Quách Tỉnh, Hoàng Dung. Bụng nghĩ: đám người này cứ đeo đuổi để hại mình cho được mới thôi, nhưng ác là mình lại không có bản lãnh thông thiên gì để giết hết cả đám này. Chợt lão nghĩ ra một kế: Xứ Mông Cổ phía Bắc ngày nay đang thịnh mạnh, tội gì mình không qua đó nương dựa oai thế Mông Cổ, du thuyết sao cho Đại Hãn đem binh xuống phía Nam công đánh nhà Tống, như vậy mình chẳng mượn chuyện công để trả thù tư đó ư? Chủ ý đã định, Tây Độc bèn tiến ngay đi Hòa Lâm (kinh thành Mông Cổ). Âu Dương Phong vốn lại là kẻ thâm mưu lo xa. Trên đường đến xứ Mông Cổ, lão đã nghe ngóng về nội tình của Mông Cổ, biết kẻ Đại Hãn mới lập là Mông Ca đã nhu nhược lại vô tài, quyền binh trong triều đều nhằm vào tay hoàng hậu Nãi Mã Châu, chỉ có con của Đà Lôi là Hốt Tất Liệt trí dũng kiêm toàn, có thể làm nên cơ đồ. Âu Dương Phong tuy là kẻ hung bạo, nhưng có con mắt nhìn xa hiểu rộng, biết ngay sự lộng quyền của hoàng hậu Nãi Mã Châu sẽ không thể nào kéo dài, Hốt Tất Liệt hùng tài đại lược, trứng rồng phải nở rồng, nếu mình nhất quyết đi phò người này tương lai thế nào cũng có đường. Sau khi Tây Độc đến kinh thành Mông Cổ, chẳng cần do dự gì ngay tối hôm đó lén đến vương phủ, và khéo đụng độ với hai thích khách của hoàng hậu phái tới.

Âu Dương Phong nghe xong Hốt Tất Liệt nói, lập tức đứng ngừng lại cười rằng :

- Nghe đồn điện hạ là người lễ hiền hạ sĩ, nay thấy mặt quả nhiên danh bất hư truyền, nếu điện hạ đã có lòng, lão phu đành mặt dày ở lại quấy phiền vậy.

Hốt Tất Liệt bèn khiêu đèn cho sáng thêm, gọi người dọn ngay một tiệc rượu, hai bên đối ẩm đàm luận đại thể trong thiên hạ, Âu Dương Phong cũng rành mạch thời cuộc trong thiên hạ, Hốt Tất Liệt cả mừng bèn hòi Âu Dương Phong :

- Chẳng nói giấu gì ân công, mấy năm gần đây Tiểu vương đã kết nạp được các đại thần trong triều, chuyện đăng ngôi lên vị Đại Hãn chỉ còn là chuyện một sớm một chiều mà thôi. Nay quả Tiểu vương muốn khởi đánh nhà Tống trước, không hiểu tiên sinh có diệu kế gì chăng?

Thời Thành Cát Tư Hãn còn sống đánh chiếm Trung Đô nước Kim đã tính lấy luôn nước Hoa Hạ (Trung Hoa), nhưng hồi đó trở ngại vì Quách Tỉnh, hai nữa chưa đánh tan cường địch bên Tây phương, nên đã hoãn công việc đánh nước Tống. Khi Oa Khoát Đài lên nắm chính quyền, bèn xua binh tiến đánh Âu Châu, chểnh mảng luôn với miền đất Trung Nguyên, nên nước Kim bị mất hết phần đất miền Bắc của sông Hoàng Hà, bèn dời đô về Thái Châu Hà Nam lập quốc. Oa Khoát Đài chết, các vương tử đại tướng lo tranh giành trong nội bộ, càng không có sức đâu lo đến việc đánh dẹp hai nước Kim và Tống, chỉ riêng Hốt Tất Liệt nhìn xa thấy rộng, biết nếu không tiêu diệt hai nước Kim, Tống để lập quốc miền Trung Nguyên thì đại đế quốc của tổ phụ Thành Cát Tư Hãn sẽ đứng không vững, cho nên nay tiện chuyện mới hỏi kế sách Âu Dương Phong. Tây Độc chẳng nghĩ ngợi nói ngay :

- Điện hạ khác nào như đèn cháy sáng ngàn dặm, nay chỉ có cách dẹp hai nước Kim, Tống mới thống nhất giang sơn được. Theo ý ngu hạ, Kim bang tuy bị tàn phá, nhưng phía Đông có sông lớn, phía Tây lại dựa Đông Quan, nếu hưng sư thảo phạt, ắt thế nào cũng lâu và khó thu được toàn công. Chẳng thà mình dụ nước Tống đánh Kim, vì Kim Tống vốn là kẻ thù, thế nào nước Kim cũng bị dẹp tan mau chóng, đến chừng đó nước Tống đã nghiễm nhiên trở thành “môi sờn răng lạnh”, chừng đó điện hạ lo gì mà không thống nhất được thiên hạ.

Hốt Tất Liệt gật gù xong lại nói :

- Thưa Âu Dương tiên sinh, sau khi nước Kim mất, chúng mình dùng kế gì để đánh Tống?

Tây Độc trầm ngâm một hồi nói :

- Xưa kia nước Kim phạt Tống, từ Kinh Khẩu qua Trường Giang, rồi phá Kiến Khang (Nam Ninh), thẳng xuống Lâm An (Hàng Châu), rượt đuổi vua Cao Tôn nhà Tống chạy tuốt về Triết Hải. Theo tình hình lúc đó mà nói, nước Kim có thể thu hết đất đai miền Giang Nam vào bản đồ của mình, nhưng trong lúc cực thịnh, khó mà kế tiếp mãi. Cho nên trận Hoàng Thiên Đản bị thua to phải rút về Giang Bắc. Nước Kim bị bại thời đó lý do chính cố nhiên là nhà Tống có các tướng trứ danh như Nhạc Phi, Hàn Thế Trung quyết thắng cả ngàn dặm, hai nữa là chiến lược bị sai lầm, đơn quân vào sâu hẳn miền Giang Nam, phạm lỗi tối kỵ của binh gia. Nay nếu điện hạ muốn đánh nhà Tống trước nhất phải lấy thành Tương Dương, rồi từ Trung du hán Thủy vượt qua sông Trường Giang, tiến thẳng xuống Hồ Quảng, cắt ngay cánh tay mặt của nhà Tống, rồi sẽ bưng sư trực chỉ Giang Triết, được vậy nhà Tống sẽ nằm trong trạng thái: ngoài cô lập với Kim bang, trong không có các tướng Nhạc, Hàn. Chỉ nội trong ba năm, thế nào nhà Tống cũng bị tuyệt vọng, khi đó đó điện hạ chẳng gây được một cái thế kỳ công đó sao.

Hốt Tất Liệt vỗ tay cười lớn :

- Tuyệt diệu! Tuyệt diệu!

Về sau, Hốt Tất Liệt quả y theo ý này nuốt trôi nước Kim.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.