Hàn Tinh Viễn Cố - Ale Lưu Bạch

Chương 48: Hỗ trợ lẫn nhau, bù đắp lẫn nhau




Nửa tháng trôi qua, sau vài lần kiểm tra, tình trạng của thầy Kỷ đã ổn định. Cả ba người cùng nhau trở về Ninh Xuyên.

Lý Cố dùng số tiền kiếm được từ công việc bán thời gian mua cho Trưởng thôn một đôi giày thể thao. Trưởng thôn cầm trên tay ngắm nghía hồi lâu, lúc thì chê màu trắng dễ bẩn, lúc lại bảo sao nhẹ thế này, liệu có phải ăn bớt nguyên liệu không. Lý Cố nghe mà phát bực, hậm hực bỏ đi làm việc khác. Ấy vậy mà, người miệng nói chê bai kia lại đặt đôi giày ngay ngắn trên bàn làm việc ở trụ sở thôn. Ai đến cũng phải hỏi một câu: “Trưởng thôn, sao trên bàn lại để một đôi giày thế?”.

Ông ta chỉ đợi có thế, bèn “buồn rầu” đáp: “Đừng nhắc nữa, thằng nhóc trong nhà mua đấy, trắng thế này, ai thèm đi chứ!”. Nói rồi lại được thể vênh váo trước ánh mắt ghen tị của người khác.

Về đến nhà, Lý Cố kể cho ông nghe về thành tích của mình. Trưởng thôn mở chai rượu quý ra uống cạn một hơi. Lý Cố nói: “Không phải ông nói phải đợi cháu lấy vợ mới uống rượu ngon sao?”.

“Ông vui, không được à?”.

“Được chứ ạ!”.

Trưởng thôn xoa đầu cậu, ánh mắt chẳng biết là do hơi men hay vì điều gì mà trông có chút ướt át: “Tốt lắm, giỏi giang. Tôi nhặt được bảo bối về nhà rồi. Lý Cố à, cháu có biết vì sao ông lại đặt tên đó cho cháu không? Lúc ông nhặt được cháu, cháu chỉ bé bằng này, bé xíu xiu, nằm co ro trong cái khe núi, thoi thóp sắp chết rồi. Hỏi mấy thôn xung quanh mà chẳng ai nhận ra cháu. Ông sợ nhất là sau này cháu lớn lên không ai chăm sóc, nên mới đặt tên là Lý Cố, mong sau này có người quan tâm cháu”.

Thật ra, tên ban đầu của cậu còn thêm một chữ nữa, là Lý Thiên Cố. Lúc Trưởng thôn nhặt được cậu, thấy cậu bé nhỏ gầy yếu, chẳng biết có nuôi sống nổi không, chỉ biết gửi gắm hy vọng vào ông trời phù hộ. Ai ngờ đâu, mùa đông năm ấy, Ninh Xuyên gặp thiên tai, tuyết lớn đè sập không ít nhà cửa. Trưởng thôn tức giận bèn bỏ luôn chữ “Thiên” đi. Trong lòng ông tồn tại một thế giới quan đầy mâu thuẫn, ông tin vào quỷ thần, tin vào những đức tin giản đơn, cho rằng phải làm việc tốt, làm người tốt. Nhưng ông lại không tin trên đời này thực sự có ông trời nào có thể cứu rỗi mình, nên lúc nào cũng phải tự mình gồng gánh, chống chọi với cuộc sống.

Trưởng thôn – một lão già neo đơn, chẳng biết cách chăm chút cho bản thân, nhà cửa bề bộn. Nhìn cảnh ấy, Lý Cố không khỏi đau lòng, cảm thấy có cả núi việc đang chờ mình. Quần áo mùa đông, mùa hè lộn xộn, ông cụ cũng chẳng buồn cất dọn. Lý Cố tranh thủ mấy hôm nay đem hết quần áo mùa đông đi giặt giũ, phơi khô, gấp gọn gàng rồi cất lên tủ.

Tinh thần thầy Kỷ vẫn chưa hồi phục hẳn, về Ninh Xuyên chủ yếu là nghỉ ngơi, chưa vội gọi đám nhỏ đến lớp học. Lý Cố và Kỷ Hàn Tinh rảnh rỗi bèn sang giúp bà cụ Thỏ xử lý thảo dược. Đồ Ngọc Minh kể với cậu, mấy hôm thầy Kỷ không có nhà, có người ở thôn bên cạnh ghé qua mấy bận, lén lút rủ rê bọn họ bỏ học đi làm thuê. Nghe vậy, Lý Cố đoán ngay ra là đám người họ Thiệu, nhíu mày nói: “Bọn họ đang thiếu người trầm trọng nên mới đi khắp nơi lôi kéo người khác như vậy. Ở đây chẳng phải đã có quy định rồi sao? Lần sau mà còn xảy ra tình trạng này, cậu cứ việc báo cáo với Trưởng thôn”.

Kể từ khi biết tin Lý Cố thi đỗ thủ khoa, trong lòng Đồ Ngọc Minh đã xem cậu như người dẫn đường tinh thần cho mình, nghe vậy bèn gật đầu cái rụp: “Được, việc này cứ để tớ lo!”.

Kỳ nghỉ hè trôi qua trong chớp mắt, hai đứa trẻ phải đến thành phố làm thủ tục nhập học trước. Lý Cố xung phong đưa Kỷ Hàn Tinh đi: “Thầy cứ yên tâm, em nhất định sẽ bảo vệ Hàn Tinh thật tốt. Mấy hôm nữa trường ở Ninh Xuyên cũng khai giảng rồi, thầy còn phải soạn bài, đừng chạy đi chạy lại vất vả”. Thầy Kỷ nhìn Kỷ Hàn Tinh, cậu bé gật đầu đồng tình: “Đường núi đi lại khó khăn, thầy đừng đưa con đi nữa, có anh Lý Cố là được rồi”. Thầy Kỷ xoa đầu con trai, quay sang Lý Cố: “Vậy nhờ cậu chăm sóc cho Hàn Tinh nhé!”.

Nghe câu này, Lý Cố như được tiếp thêm động lực, thiếu điều muốn vỗ ngực bồm bộp: “Vâng ạ!”.

Nhớ lại ngày trước, hai đứa trẻ cùng nhau đi trên con đường mòn này để đến chợ phiên, vậy mà mới chưa đầy một năm, Lý Cố đã ra dáng người lớn từ lúc nào. “Anh Lý Cố!”. Kỷ Hàn Tinh bỗng nhiên cất tiếng gọi.

“Sao thế?”.

“Em không muốn đi học nữa”.

“Cái gì?”. Lý Cố giật nảy mình.

Kỷ Hàn Tinh nói: “Em muốn ở lại với chú Kỷ”.

Lý Cố có chút luống cuống, đám nhóc khác thì dễ dỗ dành, như Thỏ con, một mình cậu có thể quản cả lớp. Nhưng Kỷ Hàn Tinh thì khác… Thằng bé hiểu chuyện, lanh lợi, như một yêu tinh nhỏ, một khi đã nảy sinh vấn đề, Lý Cố hoàn toàn không biết phải làm sao. Sự luống cuống của cậu hiện rõ trên mặt.

“Em chỉ nói đùa thôi”. Một lát sau, Kỷ Hàn Tinh lên tiếng trước, sau đó hỏi: “Giữa học kỳ này anh có về không?”. Lý Cố ngẫm nghĩ: “Nếu thôn có việc cần anh về…”. Kỷ Hàn Tinh nắm lấy tay áo cậu, mỉm cười: “Vậy lúc về anh dẫn em theo nhé!”. Lý Cố vội vàng gật đầu: “Được”. Cả đoạn đường, cậu nắm chặt tay Kỷ Hàn Tinh, trong lòng thầm nghĩ, bản thân thật vụng về, chẳng thể thay thằng bé làm được việc gì, chỉ mong rằng bằng cách này có thể truyền cho em ấy một chút sức mạnh.



Thông thường, những ngày đầu năm học mới, lũ học trò thường trải qua một giai đoạn “tập phục hồi chức năng”, nếu không, đám nhóc ấy đến tên mình viết như thế nào cũng suýt quên mất. Thế nhưng, Lý Cố thì khác, cậu b thể hiện một sự tự giác phi thường, không hề giống như đã lười biếng suốt hai tháng hè, trái lại như thể vừa rơi xuống vực sâu gặp được cao nhân chỉ dạy võ công vậy. Hứa Ký Văn nhìn Lý Cố, nhận ra cậu đã có sự thay đổi rõ rệt, người ta vẫn nói, trưởng thành giống như lột xác, đó là một quá trình rất thú vị, bạn sẽ không bao giờ biết được, sau khi lột bỏ lớp vỏ cũ kỹ, bên trong sẽ là một con người như thế nào.

Cậu vững vàng giữ vị trí đầu lớp, mỗi môn học đều thể hiện rõ quyết tâm giành lấy thành tích cao nhất. Ban đầu, các giáo viên khác còn cho rằng Lý Cố đạt được vị trí số một chỉ là do phạm vi kiến ​​thức thi học kỳ trước ít, cộng thêm chút may mắn, nhưng sau vài lần kiểm tra lớn nhỏ đầu năm học này, họ mới thực sự nhận ra đây là một học sinh nghèo khó mà không thể xem thường.

Một hôm, trước kỳ thi giữa kỳ, giáo viên lớp khác gặp Hứa Ký Văn đang nói chuyện với Lý Cố. Vị giáo viên này tò mò, thầm nghĩ chẳng lẽ Hứa Ký Văn đang truyền đạt bí kíp gì cho học trò, bèn lén la lại gần nghe. Nào ngờ đâu, Hứa Ký Văn lại đang nói: “Cứ bình tĩnh mà làm bài, giữ vững vị trí số một là được rồi, không cần phải bỏ xa thằng thứ hai quá đâu”. Vị giáo viên kia nghe xong suýt chút nữa thì phun ngụm máu trong cổ họng ra, sau đó lại nghe thấy giọng nói đầy nghi hoặc của Lý Cố: “Vậy… hay là em bỏ trống vài câu ạ? Hoặc là cố tình viết sai?”. Vị giáo viên kia hoảng hốt bỏ đi như chạy trốn.

Học kỳ này còn có một chuyện đáng nói, đó là Lý Cố gặp lại người quen ở cổng trường – anh trai của Trình Dũng, không còn bán tạp hóa nữa mà chuyển sang bán bánh kếp. Có bài học từ trước, sợ xảy ra chuyện, anh ta chỉ dám dùng nguyên liệu ngon, chất lượng, học sinh cũng khá chuộng. Lý Cố cười nói: “Để em về bảo các bạn cùng lớp ghé qua ủng hộ anh”. Trình Vũ rất vui, có lẽ khoác lên mình chiếc tạp dề trắng đã khiến anh ta tự giác với công việc phục vụ, nụ cười cũng rạng rỡ hơn trước kia. Anh ta đưa cho Lý Cố một chiếc bánh kếp còn nóng hổi: “Anh thấy em dậy sớm, sau này cứ ghé qua đây, anh làm cho em một cái, không lấy tiền. Thuận tiện em mang giúp anh cho thằng Trình Dũng một cái, nó toàn đi học muộn, chẳng kịp ăn sáng”.

Trình Vũ đợi học sinh vào lớp hết mới dọn dẹp nghỉ ngơi, tối đến lại bày một sạp hàng ở gần đó bán đồ ăn khuya, sáng tối đều bận rộn. Hôm đó, để thưởng cho thành tích thi giữa kỳ của Lý Cố, Hứa Ký Văn đã dẫn cậu đi ăn, tình cờ lại chọn trúng quán của Trình Vũ.

Trình Vũ cũng bất ngờ: “Thầy Hứa, thầy còn nhớ em không?”.

Hứa Ký Văn tất nhiên là còn nhớ anh ta, có lẽ do “nhờ” cái thành phố nhỏ bé này, suốt bao nhiêu năm dạy học, ông đã gặp không ít những “anh hùng” như vậy.

Trình Vũ nhiệt tình tiếp đón, gọi Hứa Ký Văn gọi món, nói: “Em cũng tiếc là hồi đó không chịu học hành tử tế, nhưng mà đầu óc em có được như người ta đâu, chắc mỗi người sinh ra đã có số rồi. Thầy Hứa, thầy là người thầy tốt, giá như ngày đó thầy dạy nấu ăn, biết đâu giờ này em đã mở được nhà hàng rồi”. Hứa Ký Văn khẽ cười, bảo Trình Vũ lấy rượu, rót đầy hai ly, một ly đưa cho anh ta, một ly tự mình nâng lên. Lý Cố chưa đủ tuổi, không nằm trong “cuộc vui” này. Ông nhìn những vị khách đang ngồi ăn xung quanh: “Cũng tốt mà, có cuộc sống riêng của mình là được rồi. Lớp của em hồi đó, lớp trưởng là ai nhỉ? Thầy toàn chọn mấy đứa học giỏi làm lớp trưởng thôi, mà hình như thằng nhóc đó cũng lâu rồi không quay lại đây nhỉ?”.

“Lớp trưởng thi đỗ đại học rồi, nghe nói sắp lấy vợ rồi”.

Hứa Ký Văn nhấp một ngụm rượu, ánh mắt thoáng đượm buồn: “Ừ, cũng tốt”.

Bữa đó, Hứa Ký Văn gần như không ăn gì, toàn bộ số đồ ăn gọi lên đều được “tống” hết vào bụng Lý Cố – một thanh thiếu niên đang tuổi ăn tuổi lớn. Lúc cao điểm, khách đông nườm nượp, bán hàng rong không như quán xá, đồ ăn ít, không cần tính toán nhiều. Bây giờ món ăn đa dạng, khách lại đông, Trình Vũ luống cuống không tính tiền nổi, Hứa Ký Văn bèn đứng bên cạnh giúp anh ta tính toán, thò tay nhận tiền, trả lại tiền thừa. Lúc vãn khách, Hứa Ký Văn bỏ đi một lát, lúc quay lại, trên tay cầm một chiếc máy tính mới tinh, đặt lên bàn cùng với số tiền bán hàng hôm nay: “Thôi, tính toán kém thì nhận lỗi về mình, thầy đền cho cái máy tính”.

Trình Vũ ngẩn người, sau đó phá lên cười: “Thầy Hứa, lần sau lại ghé qua chơi nhé!”.

Hứa Ký Văn vẫn cái tính đó, phẩy tay: “Cậu lo mà làm đồ ăn cho ngon vào đi”.

Ăn xong, Hứa Ký Văn về nhà, Lý Cố một mình đi bộ về trường, ánh trăng thanh khiết như dát bạc lên người cậu. Cậu vừa được chứng kiến ​​một cuộc gặp gỡ hết sức bình thường của kiếp người, trong đó có sự thất vọng, nhưng cũng có cả sự bù đắp. Cuộc sống này chưa bao giờ là không có tiếc nuối, điều quan trọng là khi đứng giữa những tiếc nuối ấy, ta tìm kiếm một sự trọn vẹn an yên trong lòng mình.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.