Hắc Thánh Thần Tiêu

Chương 3: Năm chiếc gậy đòi hồn




Trong chớp mắt, song phương đã trao đổi nhau mười chiêu.

Nữ nhân bật cười khanh khách :

- Hắc Thánh Thần Tiêu! Tài nghệ của ngươi chỉ có bao nhiêu thôi à?

Hắc Thánh gầm lên như sấm :

- Liễu đầu nạp mạng cho ta!

Chưởng pháp của lão đột nhiên ảo diệu hơn, chiêu thức đưa ra vừa mãnh liệt vừa hiểm độc vô tưởng.

Nữ nhân điềm nhiên cười nhẹ :

- Đề phòng buồng ngực đấy!

Đôi tay nàng chớp lên, Hắc Thánh Thần Tiêu hoa mắt, biết nguy cơ đã đến lùi tránh cũng không kịp, bắt buộc phải thu chưởng về định phong tỏa trước, song chậm mất rồi.

Một áp lực nặng như núi chạm vào ngực lão, làm lão không còn hô hấp được dễ dàng, chân khí đề tụ không được đầy đủ, đôi chân lảo đảo, lão chập choạng lùi lại một bước, rồi hai bước đến bước thứ ba, lão không còn gượng nổi đành ngã ngồi xuống đất.

Nữ nhân không cần nhìn lão, rảo bước đến gốc cây nơi đứa bé đang say ngủ.

Hắc Thánh Thần Tiêu hoảng hốt la lên :

- Ngươi không được động đến nó...

Lão cố gượng toàn lực vụt đứng lên, song lão kiệt sức lắm rồi, vừa đứng lên đã ngã xuống như cũ. Vì lão vận dụng chân khí còn lại một cách vội vàng, chân khí không tụ nổi lão ngã ngồi xuống đất, chân khí phân tán liền, cơ thể lão mất thăng bằng thành ra lão hôn mê bất tỉnh.

Nữ lang khẽ quay đầu nhìn lão, điểm một nụ cười :

- Mình còn gặp lại nhau, tội gì mà phải sôi giận đến thế!

Phất cánh tay áo đẩy ra một luồng tụ phong ngay đứa bé, nàng rít lên một tràng cười ghê rợn đoạn phi thân lẩn vào màn đêm.

Xa xa có tiếng ca vọng lại :

Bên suối Hoán Hoa có cốc Hoán Hoa,

Trong cốc Hoán Hoa có Cung Hoán Hoa,

Thiếu nữ trong Cung nhìn hoa nở rụng,

Luống hận gió xuân phũ phàng kiếp hoa!...

* * * * *

Thành Lạc Dương là nơi thắng địa cho du khách từ bốn phương đổ đến mà cũng là một yếu địa cho những tương tàn của những người dành quyền thống trị.

Giòng Lạc Thủy chảy ngang Lạc Dương, chia thành trấn làm hai phần, có cầu Thiên Tân nối liền hai bờ.

Cầu Thiên Tân đã có từ thời nhà Tùy, khởi sơ nó là một chiếc cầu nổi do nhiều chiếc thuyền kết lại giăng ngang dòng sông. Mãi đến đời nhà Tống, người ta mới thực sự kiến tạo thành cầu.

Bên bờ phía Bắc phố xá đông đúc, hành nhân tấp nập nhất là về đêm đường đi chen chân không lọt. Hàng quán mọc lên như nấm, náo nhiệt phi thường.

Song Bắc ngạn là nơi tụ tập của bọn giang hồ tứ chiến, hạ đẳng cùng lưu.

Những bậc phú thương hào hộ, quan viên thế gia quyết chẳng bao giờ bén mảng đến.

Không rõ do một duyên có nào, mấy lúc gần đây bờ sông Bắc bỗng nhiên lại có một lão già, trang phục theo hàng nhân sĩ. Cứ mỗi buổi chiều khi phố xá lên đèn, chợ đêm náo nhiệt là lão có mặt tại cầu Thiên Tân kiều.

Lão nhân xuất hiện tại một nơi qui tụ những người áo ôm quần bố là một điều lạ lùng, khiến cho toàn thể dân cư Bắc ngạn đều chú ý.

Chiếc áo dài màu lam của lão là cái đích của muôn ngàn cặp mắt hiếu kỳ, họ tìm hiểu lão là ai? Từ đâu đến? Đến để làm gì? Mà cứ mỗi buổi chiều khi màn đêm rũ xuống, là có mặt lão trên khắp nẻo đường, rồi từ các nẻo đường lão lại la cà đến Thiên Tân kiều, ở tại đó cho tàn canh này sang canh khác. Khi đường xá vắng tanh, đèn phố tắt ngấm lão mới quay gót.

Không có sự bí mật nào được giữ mãi với thời gian, sau đó không lâu, người ta mới khám phá ra lão nhân chính Tiết thần y.

Tiết thần y xuất ngoại là một điều lạ lùng hơn việc lão có mặt tại khu phố hỗn độn này.

Khắp thành Lạc Dương, còn ai không nghe nói Tiết thần y có cái cố tật gần như cao ngạo là không bao giờ lão rời nhà đi đâu cả. Dù cho thế gia vọng tộc cho mang kiệu xa đến rước lão chữa bịnh cho thân nhân, lão cũng không vị nể gì mà dấn thân đi đây đi đó.

Nhưng, bỗng dưng lão có mặt tại Thiên Tân kiều. Sự có mặt đó rất đều, mỗi buổi chiều, ngày này qua ngày khác.

Tuy mấy lúc gần đây, Tiết thần y xuất hiện đều đều tại Thiên Tân kiều, song thời gian đó kéo dài mười hai năm rồi. Từ một năm sau cuộc hội kiến với Hắc Thánh Thần Tiêu Du Long Tang Cửu.

Lão y hẹn đến đây chờ Hắc Thánh trở lại trả con cho lão, đổi lại đứa bé do Hắc Thánh lưu lại nhờ lão chữa trị nội thương.

Bây giờ, đứa bé cũng đã trưởng thành rồi. Hiện nó đã được mười tám tuổi, mà con gái của lão cũng ở vào tuổi đó.

Khi Hắc Thánh để nó lại cho lão, trong các đồ vật dụng, có một chiếc khăn choàng thêu bốn chữ “Thiếu Hoa tròn năm”.

Do đó, lão biết tên đứa bé là Thiếu Hoa, lão cứ theo đó mà gọi. Còn họ, tự nhiên nó mang họ Tiết, vì vợ chồng Tiết thần y dù không sanh vẫn có công nuôi dưỡng. Gia dĩ cả hai mất đứa con yêu, dồn tình thương vào Thiếu Hoa xem như con ruột dần dần lớn lên. Thiếu Hoa cũng đinh ninh vợ chồng Tiết thần y là cha mẹ thân sinh của mình, tuyệt nhiên không nghi ngờ gì cả.

Trong mấy năm đầu, vợ chồng Tiết thần y còn trông mong Hắc Thánh trở lại để trả con gái cho họ.

Nhưng dần dần, họ mến tay mến chân Thiếu Hoa, họ cũng khuây khỏa đến niềm thương mến Tiết Châu Châu, bởi Thiếu Hoa đã lấp được khoảng trống trong tâm hồn họ.

Rồi những năm sau cùng, trong ngày Tiết thần y vẫn ngóng trông Hắc Thánh trở lại, song mục tiêu trông mong đó không phải là để đổi con mà là để điều đình thương lượng với Hắc Thánh trao hẳn Thiếu Hoa cho họ nuôi dưỡng.

Họ sẽ hoàn toàn thương yêu nó như con ruột, họ không thể nào thiếu vắng nó được nữa.

Vì quá yêu thương nó, Tiết thần y đã khổ công cho nó từ khi tuổi nó cho phép nó tập luyện.

Tiết thần y không phải là một môn đồ chánh tông của môn phái nào, song trong mấy mươi năm dài chữa trị cho nhân vật võ lâm, người này truyền cho một chiêu, người kia chỉ điểm cho một thế, góp lại lão cũng khá am tường võ thuật để trở thành một tay đáng kể trên giang hồ.

Và bao nhiêu sở đắc của lão, lão truyền hết cho Thiếu Hoa.

Tiết Thiếu Hoa càng lớn càng khôi ngô tuấn tú, vợ chồng Tiết thần y xem như châu báu. Gia dĩ chàng cứ tưởng hai vợ chồng là cha mẹ ruột nên hết lòng hiếu thuận, cả hai vô cùng mãn nguyện. Nếu Hắc Thánh chịu để chàng ở lại với họ thì niềm hạnh phúc của họ lớn lao vô cùng.

Nhà của Tiết thần y ở cuối một con đường lớn về phía Nam trong một khu đất tịch mịch.

Ngôi nhà này không phải được dựng lên từ lâu. Tiết thần y mua nó từ ngày chờ Hắc Thánh trở lại.

Trước nhà không có tre có liễu như ngôi nhà cũ, song đôi liễn muôn đời vẫn phô nét đỏ hai bên cửa sơn đen :

“Đầu cành chim hót gây tình bạn, Mặt nước hoa trôi gợi ý văn”.

Hôm nay, một ngày của tiết trong xuân, năm thứ mười hai kể từ ngày Hắc Thánh giao hẹn gặp nhau tại Thiên Tân kiều.

Cũng như mọi hôm, khi hoàng hôn rũ bóng, Tiết thần y rời nhà đến Thiên Tân kiều chờ người năm cũ.

Trăng thượng huyền không đủ ánh sáng soi khắp trần gian, gió xuân còn lạnh, càng thêm lạnh trong cảnh vật mờ nhạt.

Tiết thần y vẫn chiếc áo dài màu lam ra cổng, theo con đường lớn từ từ tiến bước.

Trong mỗi lần xuất ngoại thế này, lão thích đi bộ hơn dùng xe ngựa, hoặc kiệu. Có lẽ lão thích độc hành nên không cần có kẽ tùy tùng, nên suốt mười hai năm qua, ngày nào cũng như ngày nấy, một mình bách bộ đến Thiên Tân kiều, rồi từ Thiên Tân kiều trở về nhà dù cho đêm khuya vắng vẻ.

Đêm nay sau khi lão khuất mình sau khúc quanh đường thì có tiếng cười lạnh vẳng lên nơi cổng nhà lão.

Tiếng cười không lớn, song vang lên giữa chốn tịch mịch nghe rất rõ ràng, mặc dù vậy, quanh đó không người nên không làm kinh động ai cả.

Tiếng cười vừa dứt, một bóng người xuất hiện trước cổng.

Bóng đó là một quái nhân cao, ốm, vận áo đen, gương mặt dài như mặt ngựa, hai xương gò má nhô ra, đôi mắt hung tợn vô cùng. Khóe miệng tàn khốc, khi nhếch lên lộ vẻ cao ngạo đắc y như thế gian chỉ có mình y.

Bóng đó đứng nhìn cổng đóng im im một hồi, đoạn giơ tay cao lên.

Từ trong tay áo bay ra một mảnh giấy vút đến cánh cửa. Khi mảnh giấy vừa chạm vào cửa, năm điểm đen kế tiếp bay tới như liên châu tiễn, xé gió nghe vun vút.

Năm tiếng “Cốp, cốp” vang lên năm điểm đen đó đóng chặt mảnh giấy vào cửa như đóng đinh. Năm điểm đen chạm vào một chỗ nên mảnh giấy chỉ dính một khoảng vào cánh cửa, phần còn thừa bay ra phần phật trong gió đêm.

Năm điểm đen đó chính là năm chiếc gậy con dài độ năm tấc bằng thép cứng, phần dính vào gỗ khoảng một tấc.

Dưới ánh trăng mờ nhìn vào mảnh giấy có mấy hàng chữ, nhưng chẳng biết là những chữ gì.

Quái nhân làm xong công việc đó, hai mắt chớp chớp hung tợn nhìn trời rồi nhìn quanh, sau cùng nhìn thẳng cửa điểm một nụ cười lạnh, tự lẩm bẩm :

- Tiết Đạo Lăng! Khi ngươi trở về, ngươi sẽ đọc mảnh giấy này, ta không cần phải gặp ngươi làm gì!

Vừa lúc đó cánh cửa vụt mở, một lão nô xách chiếc đồng ra mời gọi :

- Lại có quý khách đến à? Bệnh trầm kha? Bệnh hiểm nghèo nguy cấp? Tìm chủ nhân phải không? Xin quý khách cứ tự tiện vào nhà đợi một chút, chủ nhân của lão nô không bao lâu sẽ đến!

Quái nhân quay lưng sắp trở bước đi, nghe lão nô gọi liền dừng chân quay lại nhìn.

Khoảng cách chỗ quái nhân đứng đến cánh cửa độ chừng hai trượng, thế mà khi lão nô xuất hiện y không hay biết gì cả, điều đó làm y kinh ngạc vô cùng, bởi y tự tin là thính giác của mình tinh vi lắm. Có lẽ tại y lơ đãng không phát giác ra sự xuất hiện của lão nô hay lão nô có võ công khá cao nên xê dịch rất gần mà không gây ra tiếng động?

Y quắc mắt nhìn lão nô trừng trừng.

Lão nô già nua, già đến lọm khọm như không còn xách nổi chiếc đèn lồng trong tay. Lão rọi đèn hướng về y, nheo nheo mắt nhìn.

Bị gọi bất ngờ, quái nhân giận lắm, song khi nhận ra kẻ gọi mình là một tên nô bộc già của họ Tiết, y không thể phát tác được, bởi y tự cho mình là một nhân vật hữu danh trên giang hồ, có lý nào lại đi gây sự với hạng tôi đòi của nhà người.

Y cười lạnh, nhẹ giọng :

- Không cần!

Lão nô lấy làm lạ hỏi :

- Quý khách vừa rồi đã gõ cửa kia mà? Đã gõ cửa sao lại không cần vào? Lão nô này nghe rõ năm tiếng đúng! Trong mười năm nay, tuy không là qui củ, nhưng cách gõ cửa năm lần như thế là mang bịnh hiểm nghèo, đến đây nhờ chữa trị. Quý khách gõ năm tiếng, chắc có đồng bạn bịnh nặng chứ gì? Quý khách đừng ngại, cứ vào nhà đợi. Chủ nhân lão nô trở về, nhất định có cách giúp quý khách!

Năm chiếc gậy con cắm phập vào cánh cửa, dán mảnh giấy chặt vào gỗ gây nên tiếng động, lão nô tưởng đâu có người gõ cửa nên mới bước ra mời khách vào nhà.

Quái nhân áo đen không đáp, chỉ hừ một tiếng, quay gót bước đi.

Lão nô lại gọi :

- Sao quý khách lại bỏ đi? Quý khách phải biết dù chứng bệnh nguy hiểm thế nào, qua tay chủ nhân lão nô rồi thì chắc chắn phải lành. Chủ nhân lão nô nhân đức lắm, bất cứ ai người cũng chữa trị cả không hề từ chối, không hề để ý đến sự đền đáp khinh trọng. Lão nô nói thật, người bịnh bỏ nơi đây đi tìm thầy khác thì tốt hơn nên lo sắm hòm rương, mua đồ tẩm liệm sẵn đi là vừa.

Quái nhân nghe lão léo nhéo mãi sanh bực, quay người lại giơ cao một tay, trầm giọng lạnh :

- Ngươi nói gì? Ngươi trù ai chết?

Lão nô cười toe toét :

- Lão nô nói vừa rồi quý khách gõ cửa, chắc có đồng bạn đau ốm gì nặng lắm cần phải nhờ chủ nhân lão nô chữa trị cho mới được. Hiện tại chứng ôn dịch đang lan tràn, nếu không lo mà chữa trị thì rất dễ bị nhiểm độc nhanh mà bỏ mạng.

Lão biết đối phương đang bừng bừng sát khí, y lại giở tay cao lên sắp sửa giáng cho lão một chưởng, liệu lão có sống nổi với chưởng đó không?

Lão cứ thao thao bất tuyệt, lại tỏ ra lão rành bệnh chứng theo thời tiết. Bất quá bình nhật nghe chủ nhân giảng giải y thuật với thân nhân người bịnh mà bép xép vậy thôi, chứ lão biết gì ngoài việc phục dịch cho chủ nhân.

Cho nên, quái nhân không nỡ trị tội lão làm quấy rầy y không ít, y buông thõng tay xuống hừ nhẹ :

- Ai nói với ngươi là ta đến đây cầu thầy chữa bịnh?

Lão nô trố mắt :

- Quý khách không đến đây cầu thầy chữa bịnh? Vậy có lẽ...

Lão bỗng ngẩng đầu nhìn cánh cửa, chừng như lão muốn tìm hiểu nguyên nhân gây ra năm tiếng động mà lão ngờ là tiếng gõ cửa.

Chợt lão nhìn thấy năm chiếc gậy con bằng thép cắm phập nơi gỗ, lão kêu lên kinh hãi :

- Úy! Vật gì thế? Năm chiếc “Tiểu quảy”!

Tiểu quảy chiếc gậy con, mà cũng đồng nghĩa với quái, thảo nào mà khách chẳng là quái nhân hung bạo ra mặt.

Lão nô một tay đưa cao lồng đèn khỏi đầu, tay kia với lên lấy năm chiếc tiểu quảy và miếng giấy. Lão đọc :

“Ngũ quảy đòi hồn, canh ba nạp mạng”

Lão “A” lên một tiếng, đoạn xoay qua quái nhân :

- Quý khách! Năm chiếc tiểu quảy này có phải do quý khách cắm vào đây? Vậy quý khách có phải từ Long Môn sơn đến đây?

Quái nhân, dĩ nhiên là một tay cao thủ trên giang hồ, thoạt đầu không lưu ý đến đối phương, bởi có ai lưu ý đến một lão gia nô khi đối tượng mình cần tiếp xúc là chủ nhân?

Nhưng bây giờ thì y phải kinh ngạc, vì lão nô thật sự là hạng người gì mà biết lai lịch của y?

Còn một việc nữa là lão nô đã già nua, lưng còng sức mỏi, năm chiếc tiểu quảy lại cắm cao hơn khỏi đầu lão sâu hơn một tấc, muốn nhổ ra, phải phóng mình quá tầm dùng sức thật mạnh.

Sự kiện đó, dù là một trang đại hán, cũng không chắc gì làm được, thế mà lão làm như thường, làm rất dễ dàng.

Thật sự lão nô là ai chứ?

Lão đề cập đến ngũ quảy một cách rất tự nhiên, chứng tỏ lão rất hiểu quái nhân, hiểu đến cả thói quen sử dụng ngũ quảy.

Bất giác, y giật mình trố mắt nhìn lão nô dè dặt hỏi :

- Bằng hữu có nhãn lực khá đó! Dám hỏi bằng hữu là ai?

Lão nô cười híp mắt :

- Quý khách lầm đấy! Kẻ nô bộc này có xứng đáng gì mà quý khách gọi là bằng hữu? Bất quá trông thấy vật đó, lão nô đoán mò ra mà thôi.

Quái nhân áo đen gằn giọng :

- Đoán mò? Long Môn ngũ quái từ hai mươi năm nay không hề xuất hiện trên giang hồ, nhân vật trong võ lâm đã quên mất rồi, chỉ có mỗi một bằng hữu là còn nhớ đến điều đó chứng tỏ bằng hữu không thể là hạng tầm thường được.

Lão nô vẫn giữ nụ cười thích thú :

- Lão nô này làm gì biết được Long Môn ngũ quái là ai? Bất quá đêm qua nghe lỏm chủ nhân bảo thế!

Đêm qua? Quái nhân giật mình lần nữa :

- Đêm qua? Tiết Đạo Lăng đã nói gì với bằng hữu?

Lão nô khẽ nghiêng cái đầu ra chiều suy nghĩ một chút :

- Phải! Đêm qua đã bảo lão nô có năm vị bằng hữu từ xa đến Lạc Dương, người còn xác nhận là các vị bằng hữu đó đến trong một vài ngày.

Quái nhân áo đen biến sắc, thầm nghĩ :

- “Bọn mình năm người, vừa đến Lạc Dương hôm qua, hành tung hết sức bí mật. Tiết Đạo Lăng làm sao biết được?”

Lão nô nói tiếp :

- Chủ nhân nói, năm vị bằng hữu đó hay có tánh bông đùa, mỗi người đều có bên mình một chiếc tiểu quảy, rất có thể cho ai đó đến đây báo hiệu cho chủ nhân giật mình. Do đó, chủ nhân đặc biệt dặn dò lão nô phải hết sức lưu ý, cho nên vừa rồi lão mới trông thấy năm chiếc tiểu quảy nơi cửa, mà quý khách lại bảo là không đến đây với mục đích cầu thầy, lão nô mới đoán mò như vậy.

Quái nhân hỏi dồn :

- Tiết Đạo Lăng còn nói gì khác không?

Lão nô gật đầu :

- Còn! Nếu quý khách không hỏi, chắc lão nô quên mất đi rồi. Đêm qua chủ nhân còn bảo, nếu năm vị bằng hữu Long Môn sơn có đến thì lão nô chuyển cáo cho các vị ấy, cứ hẹn chỗ và thời gian gặp nhau, chủ nhân sẽ có mặt.

Quái nhân hừ một tiếng :

- Lão ấy biết bọn ta ở đâu à?

Lão nô mỉm cười :

- Chủ nhân có cho lão nô biết, hôm qua các vị nghỉ ở An Lạc Oa, đêm nay dời sang Tả Gia Ba, rồi ngày mai lại chuyển đến Bắc Mang sơn. Các vị cứ cho biết thời gian hội diện, chủ nhân sẽ đến ngay.

Quái nhân kinh hãi ra mặt. Lão nô nói rất đúng. Đêm qua họ nghỉ tại An Lạc Oa, đêm nay họ vừa dời sang Tả Gia Ba. Họ vừa dời sang Tả Gia Ba xong là quái nhân này tìm đến đây liền, y đến lúc Tiết thần y vừa rời nhà ra đi như vậy, làm sao Tiết thần y biết được chỗ trú ngụ được?

Y quắc mắt ngời hung quang nhìn trừng trừng lão nô :

- Chính Tiết Đạo Lăng bảo thế?

Lão nô khom lưng mà cười cho tiếng cười vang lên một chút :

- Không! Chủ nhân chỉ nói là các vị dời từ An Lạc Oa sang Tả Gia Ba thôi. Còn việc chuyển đến Bắc Mang sơn là ý kiến của lão nô đó.

Quái nhân áo đen sôi giận :

- Lão già muốn chết?

Lão nô khoát tay :

- Đâu có! Đâu có! Quý khách nghĩ lầm đấy! Chẳng qua lão nô ức độ mà thôi, chứ có dám xúc phạm gì đến các vị mà phẫn nộ. Các vị nghĩ xem, ngày trước ở phía Đông là An Lạc Oa, ngày sau ở Tả Gia Ba là phía Tây, thì ngày kế chắc là ở phía Bắc, mà phía Bắc thì có nơi nào ở được, ngoại trừ Bắc Mang sơn? Do đó, lão nô mới ức đoán là quí vị sẽ chuyển đến Bắc Mang sơn.

Quái nhân bỗng cười lạnh :

- Ngươi nói phải đó! Bắc Mang sơn có thể là chỗ trú tạm được đó. Ngươi có muốn đến đấy trú ngụ trước bọn ta không?

Lão nô lắc đầu :

- Không! Không muốn đâu! Lão nô chỉ muốn ở đây phục dịch chủ nhân, canh nhà gác cửa, chứ đến Bắc Mang sơn làm gì? Nếu các vị cho rằng miếu Thổ Địa ở Tả Gia Ba chật hẹp không thể ở được thì canh ba đêm nay xin dời đến Bắc Mang sơn sẽ được thong thả bằng thích!

Quái nhân cười rít, hai hàm răng nghiến vào nhau nghe kèn kẹt :

- Bằng hữu có can trường lắm đó! Dám buông lời ngông cuồng trước mặt họ Hầu này kể cũng là tay khá! Bằng hữu tên họ là chi?

Lão nô cười đến run run đôi vai :

- Quý khách bình tĩnh chứ, giận lão nô làm gì! Lão nô chỉ nói những lời thành thực thôi, đâu dám đùa cợt với quý khách. Quý khách hỏi tên họ lão nô? Tên họ gì một tên nô bộc gánh nước tưới hoa, canh nhà gác cửa cho người? Nếu muốn gọi lão nô riêng biệt một chút thì có thể gọi là Hoán Hoa Tẩu cũng đủ lắm rồi!

Lão dừng một chút, rồi tiếp :

- Mười năm nay lão nô bán hoa cho chủ nhân tại Thiên Tân kiều, khách hàng quen gọi là Diêm lão ngũ! Quý khách chắc rành văn tự chứ? Họ Diêm là cái họ ghê tởm nhất bởi nói đến họ Diêm là nhớ ngay đến Diêm Vương. Ha ha! Diêm Vương thì dễ gặp chứ tiểu quỷ thì đừng tìm!

Rồi lão lí nhí tiếp :

- Lão nô già quá rồi, ăn nói lẩm cẩm không đầu không đuôi không ý vị, xin quý khách lượng thứ cho nhé!

Phải biết Bắc Mang sơn là nơi không có gia cư, thôn xóm gì cả, nơi đó là một vùng đất hoang, mồ mả lan tràn, có thể nói đó là một nghĩa địa của Lạc Dương thành, thế mà lão bảo năm anh em quái nhân dời cư sang đó có khác nào bảo họ sắp chết đến nơi?

Rồi bây giờ, lão xưng là Diêm lão ngũ! Diêm Vương là đấng quyết định sinh tử của loài người, lão xưng là họ Diêm thì lão có ý tứ gì?

Quái nhân cười khanh khách :

- Hay lắm! Hay lắm! Hầu lão ngũ này bỗng dưng lại gặp Diêm lão ngũ! Đời sao lại có những tấn xảo ly kỳ.

Câu nói vừa dứt thì tay áo đưa lên, một chưởng kình bay vút lên bay thẳng qua đầu lão nô.

Lão nô nhích động thân mình, soạt mình qua một bên hụp ngồi xuống thềm đá đúng lúc chưởng kình của quái nhân bay vút qua trên đầu, kêu một tiếng vù.

Lão rú lên kinh hãi :

- Ấy! Ấy! Quí khách đừng đùa chứ! Chết lão nô còn gì! Đầu lão nô có phải là sắt đâu?

Quái nhân gằn giọng :

- Ai đùa với ngươi? Ta chỉ muốn giết ngươi thôi!

Tuy nói thế, quái nhân đã có ý gờm lão nô rồi. Một ngọn chưởng của y trên giang hồ không có mấy ai tránh khỏi, thế mà lão nô tránh được như thường, lại dễ dàng nhanh chóng, đó là điều y chưa bao giờ thấy từ lúc tung hoàng bạo ngược đến nay.

Y thầm hỏi đối tượng là nhân vật nào lại ẩn dưới cái lớp nô bộc già của nhà họ Tiết.

Tuy nhiên, y không phải là con người khiếp nhược, dù đối phương là ai cũng mặc, bình sinh y chưa hề bị khuất phục trước một ai thì có khi nào vì một cái tránh né tài tình của đối phương mà nao núng?

Y hừ lạnh một tiếng :

- Bằng hữu thay thế Tiết Đạo Lăng xuất đấu, đừng giả vờ qua mặt ta dưới cái lốt nô bộc già đó nữa! Phàm anh hùng thì phải quang minh chánh đại, nên lộ chân tướng ngay đi, cho ta biết bằng hữu là ai?

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.