Hắc Nho

Chương 114: Nợ máu trả máu




Cơm rượu xong xuôi, hai người nói chuyện đến khuya sau đó mới chia tay ai về phòng nấy. Trời vừa tờ mờ sáng thì họ lại chia tay, Trúc Lâm Khách đi về Thanh Thảo Bình, còn Đinh Hạo thì về núi gặp sư phụ.

Mặt trời lặn về Tây, Đinh Hạo đã lên đến đỉnh núi cao, đây là lần thứ hai hắn trở về núi thăm sư phụ.

Vừa đặt chân lên sơn đỉnh thì hắn đã trông thấy sư phụ Hắc Nho đang ngồi trên một tảng đá lớn, ngửa mặt nhìn trời cao. Đinh Hạo vội chạy tới dập đầu sát đát, miệng gọi to:

– Sư phụ, đồ nhi đã lại về đây.

Hắc Nho nhảy xuống khỏi tảng đá, cười hiền từ kéo Đinh Hạo đứng lên, mắt đăm đăm nhìn hắn một hồi rồi nói:

– Hài nhi, xem ra công lực của con lại cao thêm được một bậc rồi.

– Vâng thưa sư phụ, đồ nhi đã tu luyện Huyền Huyền Chân Kinh như lần trước con đã trình bày với thầy.

– Thầy nhớ rồi, hài nhi à, công việc tiến hành đến đâu rồi?

– May mà đã hoàn thành sứ mệnh, không phụ lòng tin của sư phụ.

Gương mặt già nua của Hắc Nho hiển lộ nét xúc động, ông lão nắm tay Đinh Hạo rồi nói:

– Về động rồi nói.

– Sau khi hài nhi rời khỏi núi thì sư phụ có gặp phiền phức gì nữa không?

– Thế thì không có.

Vào trong thạch động, vừa ngồi xuống thì Hắc Nho đã hỏi ngay:

– Hài nhi, sự việc thế nào?

Đinh Hạo từ tốn thuật lại mọi việc từ đầu đến cuối, Hắc Nho vừa nghe vừa gật gù ra vẻ rất hài lòng. Sau khi nghe xong hết thì ông lão cười ha hả nói:

– Hài nhi, con xử sự rất khéo, nào đưa mặt nạ cho thầy.

Đinh Hạo lấy mặt nạ ra, hai tay đưa qua. Hắc Nho cầm lấy mặt nạ nhìn nó trầm ngâm cảm khái một hồi rồi bỗng thẳng tay ném luôn vào đống lửa đang cháy.

Đinh Hạo giật mình vội nói:

– Lão nhân gia, sao người lại làm như vậy?

– Từ nay về sau thì Hắc Nho chỉ còn là danh hiệu lưu lại trong lòng người võ lâm mà thôi, Hắc Nho chân thật sẽ không còn xuất hiện nữa. Hài nhi à, danh hiệu này được giữ gìn trọn vẹn đã là may mắn lắm rồi, cũng đến lúc phải hạ màn con ạ.

– Vâng hài nhi xin nghe lời sư phụ.

– Con nói hung thủ cướp lệnh vẫn còn đang đào vong ư?

– Đúng thế thưa sư phụ.

– Cửu Long Lệnh đã qui hoàn cố chủ, vậy thì để cho các đại môn phái họ tự mà giải quyết lấy vậy.

– Không được thưa sư phụ, đồ nhi vẫn phải tìm Trịnh Tam Giang.

– Tại sao vậy?

– Y chính là người đã hại chết cha con, phá hủy gia môn của con, con không thể không báo thù được.

Hắc Nho nghe vậy thì lẳng lặng gật đầu, không nói gì nữa.

Đinh Hạo suy nghĩ giây lát, bỗng cất tiếng nói:

– Lương Thu Cửu Nguyệt Hạ Dương Châu.

Sắc mặt của Hắc Nho bỗng đại biến, ông lão trợn to mắt nói:

– Hài nhi, con vừa nói gì?

Đinh Hạo nghiêm mặt nói:

– Thưa sư phụ, con đã gặp sư mẫu rồi.

Toàn thân Hắc Nho run lẩy bẩy, ông lão nhìn đăm đăm ra ngoài khoảng không ngoài thạch động, sắc mặt biến đổi không ngừng, hình như là đang nhìn lại vào ký ức trong quá khứ.

Đinh Hạo ngồi yên không dám kinh động nữa, một hồi lâu sau Hắc Nho mới trấn tĩnh lại, ông lão từ từ nói:

– Lương Thu Cửu Nguyệt Hạ Dương Châu, hài nhi, bà ấy đã già rồi phải không?

– Đồ nhi chưa được trông thấy chân diện mục của người, vì người dùng khăn tơ che mặt.

– Bà ấy ... bà ấy còn hận thầy không?

– Dạ không, sư mẫu đã rõ nội tình của Cửu Long Lệnh, người đã hoàn toàn thông cảm thầy.

– Con gặp bà ấy ở đâu?

– Ở trong Uy Linh Cung tại Đồng Phách Sơn.

– Uy Linh Cung ư?

Thế rồi Đinh Hạo thuật lại mọi việc về Uy Linh Phu Nhân cho Hắc Nho nghe.

Ánh mắt của Hắc Nho phóng ra những tia sáng lạ lùng, hỏi:

– Bà ấy muốn ta đến Uy Linh Cung sao?

– Vâng, sư mẫu thành khẩn trông mong sư phụ tới từng ngày từng giờ.

– À ... mà thôi đi, mọi chuyện đều đã thuộc về quá khứ, thôi thì cứ để nó như vậy.

– Sư phụ ...

– Ta đã quyết tâm ở lại đây làm bạn với cỏ cây, bây giờ trước khi chết lại được biết chuyện này thì đã quá cảm thấy an ủi rồi.

Đinh Hạo vội quỳ xuống, xúc động nói:

– Sư phụ, đồ nhi thấy thế không được ...

– Ý con là sao?

– Năm xưa sư phụ rất thương sư mẫu đúng không?

– Đó đã là chuyện quá khứ.

– Đó là kỉ niệm đẹp mà thưa sư phụ, sư mẫu đang chờ người về sum họp đó.

Sư phụ à, hài nhi biết trong thâm tâm của thầy rất đau khổ ...

Trong khóe mắt của Hắc Nho long lanh lệ tràn, ông lão nói:

– Hài nhi, thầy đã quen thuộc với cuộc đời làm bạn với cỏ cây ...

Đinh Hạo thành khẩn nói:

– Lão nhân gia, người muốn sư mẫu đau khổ cả đời ư? Năm xưa khi sư mẫu rời khỏi thầy, con tin chắc rằng thâm tâm của sư mẫu đau khổ vô cùng tận. Sự đau khổ chia ly cả hai người đã chịu đựng mấy mươi năm nay, cũng nên phải chấm dứt rồi.

– Hài nhi, con hãy đứng lên ...

– Nếu sư phụ không bằng lòng thì hài nhi chẳng đứng lên đâu.

– Con quì suốt đời ư?

Đinh Hạo rùng mình, quật cường nói:

– Nếu sư phụ muốn đồ nhi quì suốt đời hầu thầy thì đồ nhi không dám chối từ.

– Con nói thật chứ?

– Đồ nhi không dám nói dối sư phụ.

– Được, vậy con cứ quì đi.

Nói xong, Hắc Nho đứng dậy đi vào trong.

Đinh Hạo quì thẳng lưng dậy, hắn biết sư phụ không phải là người lạnh lùng vô cảm, chỉ là có tính ngang ngạnh bẩm sinh và rất cố chấp, có lẽ người muốn thử tính kiên nhẫn của truyền nhân cũng chưa biết chừng. Hắn nghĩ vậy nên rất bình tĩnh, kiên nhẫn quì tiếp.

Thời gian trôi qua nhanh chóng, chớp mắt đã hết đêm. Đinh Hạo quì suốt một đêm, gió buốt căm căm, sương đêm lạnh giá, tuy khí lực rất kiệt quệ nhưng thần trí lại vô cùng tỉnh táo. Hắn thầm nghĩ nếu có thể hòa hợp được sư phụ và sư mẫu thì dù chịu đựng thêm nữa cũng chẳng là vấn đề gì.

Mặt trời đã ló dạng, tia nắng ấm áp chiếu lên da thịt của Đinh Hạo làm cho hắn cảm thấy thanh thản vô cùng. Hắc Nho lại xuất hiện lần nữa, gương mặt ông lão lạnh như tiền, thong thả nhóm lửa lên sau đó ngồi xuống trước mặt Đinh Hạo, lạnh lùng nói:

– Tiểu tử ngốc kia, nếu ngươi hối hận thì có thể đứng lên tự nhiên.

Đinh Hạo chẳng do dự, cứng cỏi nói:

– Đồ nhi quyết không hề hối hận.

– Ngươi muốn quì cả đời thật ư?

– Đồ nhi không thay đổi ý định.

– Ngươi quyết chí dùng khổ nhục kế để làm cho ta phải động lòng chăng?

– Đệ tử không dám có ý đó.

– Xem ra ngươi cũng chỉ quì được ba ngày ba đêm mà thôi.

Đinh Hạo đánh liều nói:

– Đồ nhi sẽ quì đến khi nào ngã gục mới thôi.

– Ngươi muốn bắt chước tính khí cao ngạo của ta ư?

– Nếu được như sư phụ thì đó là phước khí của con.

Hắc Nho im lặng, ông lão nhìn Đinh Hạo chằm chằm rồi bỗng cười phá lên, nói:

– Ha ha ha, hài nhi hãy đứng lên đi, đừng tự hành hạ mình nữa.

– Sư phụ bằng lòng về với sư mẫu rồi chứ?

– Thầy phục con rồi, thôi đứng lên đi, thầy bằng lòng rồi.

Đinh Hạo nghe thế thì cả mừng, tinh thần phấn khởi lên, mệt nhọc gần như tan biến hết. Hắn quì dập đầu sát đất một cái rồi đứng lên, nhưng vì quá đói khát nên thân hình loạng choạng, đầu váng mắt hoa, suýt ngã lăn ra.

Gương mặt của Hắc Nho hiển lộ vẻ hiền hòa của một người cha thương con vô cùng, ông lão nói:

– Hài nhi à, thầy không muốn làm khổ con đâu, chẳng qua thầy muốn thử tính nhẫn nại của con mà thôi. Con thật là rất giỏi, không uổng công thầy đã rèn giũa bấy lâu.

– Con xin cám ơn sư phụ đã khen tặng.

– Thôi con ra động bày thức ăn ra đi.

– Thức ăn, sư phụ có sẵn rượu thịt ư?

– Đúng vậy, đã lâu thầy trò ta chưa cởi mở vui vẻ với nhau rồi.

Đinh Hạo hớn hở chạy ra sau động, hắn thấy có một xâu thịt rừng thơm phức, cùng một hũ rượu thơm lừng vẫn còn niêm phong. Trên bàn còn có hai cái chén gỗ điêu khắc chạm trổ khá tinh xảo, có lẽ là do chính tay sư phụ làm. Hắn mở nút niêm phong hũ rượu, rót đầy một ly dâng cho thầy, sau đó mới rót cho mình, nói:

– Đồ nhi kính mời sư phụ.

– Hà hà, tốt lắm, tốt lắm, hài nhi ngoan.

– Sư phụ, sao thầy có hũ rượu này?

– Tháng trước thầy ra sau núi săn bắn thú rừng, vô tình cứu được một người thợ săn. Mấy hôm sau ông ấy mang tặng cho thầy hũ rượu này, thầy để dành lại chờ con về để cùng vui vẻ với nhau đấy.

Đinh Hạo cảm động nước mắt ràn rụa, tình thầy trò như phụ tử vậy. Đêm đó hai thầy trò ăn uống với nhau túy lúy, rồi nằm bên cạnh nhau ngủ thật say.

Hôm sau trời vừa sáng tỏ thì hai thầy trò đã dậy, rồi cùng nhau xuống núi.

Đinh Hạo vui mừng nhảy nhót không ngừng, vừa đi bên thầy vừa trò chuyện vui vẻ.

Hắc Nho chưa từng dùng chân diện mục gặp mặt ai bao giờ nên chẳng ai nhận ra ông lão, nhưng đại danh Toan Tú Tài của Đinh Hạo lừng lẫy khét tiếng nên hai thầy trò đi đến đâu cũng có người nhìn ngắm.

Trên đường đi Đinh Hạo kể lại tỉ mỉ hơn về hoàn cảnh gặp gỡ, cùng với tình cảm đặc biệt mà hắn dành cho Uy Linh Phu Nhân, kèm theo việc hắn được giao phó làm chủ nhân Ly Trần Đảo.

Nghe xong, Hắc Nho gật đầu cảm khái nói:

– Đây quả là một bí sử, cũng co thể nói là giai thoại hiếm thấy trong võ lâm, thế thì thầy dùng Ly Trần Đảo làm nơi an thân vậy.

Đến Y Xuyên, Hắc Nho thấy Đinh Hạo còn đại thù chưa trả nên quyết định tự mình đến Uy Linh Cung, không muốn làm trễ nải ái đồ. Đinh Hạo chẳng biết làm sao, đành phải tuân lệnh sư phụ, hai thầy trò chia tay.

Đinh Hạo nhìn theo bóng sư phụ khuất dần mà ngơ ngẩn, đứng sững giữa lộ, trong lòng cảm thấy vô cùng trống vắng, biển trời mệnh mông, biết đi đâu tìm kiếm Trịnh Tam Giang?

Bỗng hắn trông thấy một bóng trắng chạy về hướng hắn nhanh như chớp, càng lúc càng gần, chỉ trong giây lát đã trông rõ đó là một nữ ni mặc áo bào rộng tay, chính là Lãnh Diện Thần Ni.

Lãnh Diện Thần Ni chạy tới, thấy Đinh Hạo thì ngạc nhiên kêu lên:

– A, Đinh thiếu hiệp, bần ni tìm người đã ba ngày nay rồi.

Đinh Hạo ngạc nhiên nói:

– Thần ni tìm tại hạ có việc gì?

– Bần ni còn thiếu nợ thiếu hiệp một món nợ ân tình chưa trả ...

– Thần ni quá lời, chuyện nhỏ nhặt như thế xin người chớ bận tâm làm gì.

– Phật môn xem trọng nhân quả lắm ...

– Ý của Thần ni là ...

– Mời thiếu hiệp theo bần ni.

Đinh Hạo lấy làm nghi hoặc nhưng cũng theo Lãnh Diện Thần Ni chạy dọc theo con đường ra hướng thành Y Xuyên khoảng năm dặm, sau đó lại quẹo sang hướng Đông, chạy thêm một quãng nữa thì tới một am viện.

Lãnh Diện Thần Ni dừng lại, nói:

– Đinh thiếu hiệp, xin người chờ giây lát.

Nói xong, Thần ni đi vào trong am viện, một lúc sau đã quay trở ra, bên cạnh có thêm một ông lão áo gấm. Đinh Hạo nhìn thoáng qua ông lão này thì tức thì hai mắt đỏ ngầu, máu trong người sôi lên sùng sục.

Ông lão đó chính là Vọng Nguyệt Bảo Chủ Trịnh Tam Giang.

Trịnh Tam Giang thấy Đinh Hạo thì mặt mày tái mét không còn chút máu, hai chân như mọc rễ dưới đất, không còn di động được nữa.

Lãnh Diện Thần Ni đọc một câu Phật hiệu rồi nói:

– Đinh thiếu hiệp, đây là người mà thiếu hiệp đang tìm kiếm, bần ni xin dâng lên cho người coi như là đền đáp ân tình của thiếu hiệp đã đoạt lại Thạch Vân Kiếm cho bần ni. Đêm mà Vọng Nguyệt Bảo bị hủy diệt, bần ni vô tình đi ngang và biết được mọi chuyện nên đã chú tâm tìm bắt ...

Đinh Hạo xúc động vô cùng, không đợi Lãnh Diện Thần Ni nói hết lời đã chắp tay xá dài, nói:

– Tại hạ xin thành tâm cảm ơn Thần ni.

Lãnh Diện Thần Ni nói:

– Đinh thiếu hiệp đừng nói vậy, đây chỉ là bần ni đền đáp ơn mà thôi. Chỉ có điều nơi này là chốn thanh tu, xin thiếu hiệp chuyển địa điểm xử quyết ra nơi khác.

Nói xong, bà hất chưởng một cái, Trịnh Tam Giang đã bị đẩy bạt ra khỏi cổng am, sau đó xoay người đóng cổng am lại.

Trịnh Tam Giang nhào người ra phía hướng bên trái, phi thân chạy như bay.

Đinh Hạo gầm lên:

– Chạy đi đâu?

Hắn tung mình lên cao, vọt người tới cản trước mặt lão, trường kiếm đã cầm chắc trong tay chỉ tới phía trước.

Trịnh Tam Giang hớt hải nói:

– Đinh Hạo, ngươi muốn đuổi cùng giết tận ư?

Đinh Hạo mắt đỏ ngầu, căm hận nói:

– Ác tặc, ngươi phải đền mạng cho huyết án của Đinh gia trang dưới chân Long Trung Sơn năm xưa.

Trịnh Tam Giang run bắn người lên, liên tục lùi ra sau, lắp bắp nói:

– Ngươi ... ngươi nói vậy là sao?

– Ác tặc, Triệu Nguyên Sanh đã khai ra hết toàn bộ sự thật rồi, ngươi đừng hòng chối tội.

– Ngươi muốn sao đây?

– Ta phải băm vằm ngươi ra làm trăm mảnh.

Trịnh Tam Giang dù gì cũng từng là bá chủ Bắc Phương, lão nghiến răng nói:

– Ngươi làm được ư?

– Rút kiếm ra, ta sẽ cho ngươi cơ hội phòng vệ.

– Ta không còn một tấc sắt trong người.

Đinh Hạo tra kiếm vào bao nói:

– Tiên phụ một đời anh hùng, ta quyết không làm hỏng hình ảnh của tiên phụ.

Dứt lời hắn lượn mình tới vung chưởng tấn công. Trịnh Tam Giang vội vung chưởng ra nghênh đón. Cả hai đều đánh liều mạng, mỗi chiêu mỗi thức đều tưởng như có thể san phẳng núi đồi chứ không phải thường.

Đến chiêu thứ mười, Đinh Hạo dồn toàn bộ mười hai thành công lực đánh ra, Trịnh Tam Giang chịu không nổi, hự lên một tiếng rồi bị hất ra phía sau bốn bước, miệng phun máu tươi. Đinh Hạo không để cho lão có cơ hội nghỉ ngơi, tiếp tục đánh ra một chưởng nữa.

Bỗng nhiên thân hình Trịnh Tam Giang khẽ xoay nhẹ rồi mượn chưởng phong của Đinh Hạo mà lướt ra tít xa xa.

Đinh Hạo giật mình, hắn không ngờ lão tặc lại chơi một đòn đào tẩu như thế, nhưng hắn cũng phản ứng vô cùng thần tốc, lượn mình rượt theo.

Trịnh Tam Giang dù gì cũng đã bị nội thương không nhẹ, lão không thể tẩu thoát được. Đinh Hạo chỉ thoáng cái đã rượt kịp, hắn vận toàn lực đánh ra một chưởng kinh người.

Trịnh Tam Giang hự một tiếng thật lớn, té ngồi trên đất, máu miệng tuôn ra ồng ộc, lão gắng gượng nói:

– Năm xưa tính sai nước cờ, đáng lý ra lão phu phải đích thân trừ khử ngươi.

Nghe lão đề cập đến chuyện năm xưa, Đinh Hạo càng điên tiết, vụt một tiếng, thanh kiếm đã rời khỏi tay hắn, bay đến đâm xuyên qua ngực Trịnh Tam Giang, lão chỉ trợn mắt chằm chằm nhìn Đinh Hạo rồi tắt thở chết luôn.

Đinh Hạo thuận tay cắt thủ cấp của Trịnh Tam Giang, rồi bọc lại cẩn thận.

Hắn cũng đào một cái hố, chôn cái xác không đầu của lão xuống.

Huyết thù đã trả xong nhưng nội tâm của hắn lại tràn đầy cảm giác trống rỗng, xen lẫn sự chua chát chán nản.

Đinh Hạo đứng ngẩn ra giây lát, rồi quyết định đem thủ cấp kẻ thù về cố hương, khởi công xây mộ, sau đó xuống phương Nam đón di cốt phụ thân.

Về đến thành Y Xuyên, hắn đặt thợ làm một cái hộp gỗ, bỏ đầu người vào trong rồi phong kín lại để ngừa hôi thối, sau đó mua một con ngựa, phi nước đại về phía Nam.

Nửa tháng sau hắn đã đến chân núi Long Trung Sơn. Khi phóng mắt nhìn xa đến gò hoang cố hương thì hắn bỗng bất giác giật nảy mình, vì trên đó có bóng người qua lại, ẩn hiện lô nhô vài mái nhà tranh trong đám cỏ hoang.

Chuyện gì đã xảy ra? Chẳng lẽ có ai chiếm nơi ở gia viên của hắn sao?

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.