Hạ Tuế Thiên 2013

Chương 12: Bàn Bạc




Chuyện về sau tôi không hiểu rõ lắm, bởi vì khi chú Ba và gã Tào Nhị Đao Tử kia vừa dẫn người xông thẳng vào, cả hiện trường đã rối um lên rồi. Ông trẻ tức đến nỗi suýt hộc cả máu, chú Hai thấy vậy liền bảo tôi đỡ bố tôi về trước, đừng dính vào đám hỗn loạn này.

Tôi thấy mọi chuyện đã hoàn toàn vượt ra ngoài tầm kiểm soát, lập tức chuồn biến luôn, ra đến bên ngoài mới thấy ngoài từ đường đã là một bãi chiến trường, hiển nhiên là bọn họ đã đánh lộn một choác ngay từ trước đó rồi.

Chuyện này ầm ĩ xôn xao mãi cho đến tận buổi sáng ngày thứ ba tôi mới gặp lại chú Ba. Đầu chú đã toác một miếng, đang được băng bó bằng vải xô. Chú đang ngồi xổm ở bậc cửa ăn cơm, thấy thế tôi cũng vội vàng đi lấy phần cơm của mình rồi cũng ra đó ngồi xổm, hỏi chú chuyện sau đó thế nào rồi.

Chú Ba ăn bánh gạo với cháo trắng, nghe thế liền chửi thề, rằng mẹ kiếp xui quá là xui, không ngờ trong cái quan tài kia chẳng có cái đếch gì cả, hại chú với Tào Nhị Đao Tử đánh lộn đến bể cả đầu. Lại còn toàn là người mình, không tiện hạ sát thủ, chứ không làm sao mà chú chịu lỗ được.

Tôi nói, chú cũng tham quá, dù gì đây cũng là phần mộ tổ tiên nhà mình mà, ngay cả mộ của nhà mình chú cũng không tha à.

Chú Ba mắng: "Mày thì biết cái gì, chú Ba mày là vì tranh sĩ diện cho bố mày chứ còn gì, mẹ kiếp, nếu không phải vì ông đây thường xuyên qua lại cái thôn này, thì bố mày làm sao vẫn còn giữ được cái chức tộc trưởng được. Huống hồ, cái thằng nhà ngoại bát nước đổ đi kia, chú Ba mày ngứa mắt đã lâu rồi, ông đây nể mặt gia tộc không thèm so đo với nó thì thôi, cứt thật, nhà ta mà không đá nó ra ngoài, thì con mẹ nó cứ vác mặt tới đây tranh giành với chúng ta. Đừng nói là mộ tổ, mà chỗ chôn của nhà ta cũng không đến lượt nó đâu, nó muốn chôn thì chỉ được chôn chỗ bên cạnh nhà xí thôi."

Chú Ba vừa chửi hai tiếng, thì giọng chú Hai từ trong nhà vọng ra. Chú Hai mắng:
"Mày bớt lừa bịp cháu nó đi, cái gì mà vì anh cả cơ chứ, mày mà có lòng như thế à? Không phải mày thừa biết anh cả sợ nhất là tình cảnh này à?" Nói rồi, chú Hai xách một cái ghế trúc con ra ngoài. Cuộc sống của chú Hai cứ như là thần tiên vậy, dậy sớm, ăn cũng ít, sáng sớm đã ra sân múa Thái cực quyền, bây giờ thì ngồi trên ghế trúc, vãi thóc trấu cho gà ăn.

Chú Ba không dám cự nự lại chú Hai, chỉ lẩm bẩm nói: "Ông đây làm cái nghề này, thì sao lại chịu thiệt cho người khác được. Cũng phải nói lại, ngộ nhỡ trong quan tài kia có đồ tốt thật thì sao? Ông đây còn tưởng, thời đó chiến tranh loạn lạc, thì phải có giấu giếm đồ tốt gì ở dưới chứ, không ngờ lại chỉ toàn là ốc bùn thối hoắc."

Tôi biết chú Hai kiến văn rộng rãi, liền hỏi: "Chú Hai, chú đã từng nghe nói hay đọc sách gì về chuyện này chưa?"

Chú Hai thu bát cám lại, ngẫm nghĩ một lúc rồi mới nói: "Cháu đừng nói, chuyện này đúng là không phải lần đầu đâu. Chú nhớ từng đâò được một cổ mộ trên núi Phượng Hoàng ở Hàng Châu, là mộ của một tên thái giám thời Nam Tống, bên trong có cả một ao cá còn sống, màu sắc sặc sỡ, nghe nói, cái ao kia cũng là khép kín như thế, về sau có người ăn thử một con, cuối cùng chết bất đắc kỳ tử." Chú nhíu mày, mấy con gà sốt ruột, kêu cục ta cục tác: "Nhưng mà đấy là ở trong mộ, có lẽ vẫn còn có nguyên nhân nào đó, chứ ở trong quan tài thì quả thực không có."

Tôi nhìn chú Ba, hỏi chú lúc đổ đấu có từng đụng phải trường hợp nào như thế này hay không. Chú cũng lắc đầu: "Làm gì có cái lý thường xuyên đụng phải mấy chuyện quái đản như thế chứ, cái chuyện kiểu này ấy à, là lão trời già đang chơi mình đấy, đừng nghĩ nữa, cứ coi như là không biết gì. Chú mày gặp phải nhiều chuyện trong đấu lắm, nếu mà nghĩ nhiều như thế, thì chú Ba mày đã thành nhà triết học rồi." Nói đoạn chú len lén chỉ vào chú Hai, ý là nói "chú Hai mày suy nghĩ quá nhiều".

Tôi lại nói: "Thế về sau xử lý cái quan tài ấy thế nào?"

Chú Ba thở dài nói, chú cũng bỏ đi sớm vì bị Tào Nhị Đao Tử bổ một cú vào đầu, chỉ biết cái xác kia là một xác nữ vô danh, trước khi làm rõ được thân phận thì phải để nguyên đấy, không được động vào. "Tư thế của xác chết kia rất không ổn, chú ngờ là bị nhốt vào trong quan tài, chưa biết chừng là bị người ta hại chết đấy."

"Hại chết?"

"Tức là bị người ta cưỡng ép nhét vào trong quan tài, bị chôn sống, chuyện như thế này ngày xưa có nhiều lắm, có khi ông trẻ nói đúng, có thể người đó là một nha hoàn hoặc một cô vợ bé nào đó." Chú Ba thở dài, "Kệ nó, đã nhiều năm như vậy rồi, ai mà biết được là chuyện gì xảy ra."

"Thế bây giờ bọn họ xử lý thế nào?"

"Làm sạch quan tài, lót vôi bên dưới, rồi bỏ thi thể vào lần nữa, nhặt hết đống ốc bùn kia ra, mời đạo sĩ về làm lễ cúng." Chú Ba cắn một miếng bánh gạo, "Ông trẻ nói, nếu quả thực không tra ra được, thì cứ để nguyên đấy táng về chỗ cũ, cứ coi như là không biết."

Chú Hai mặc kệ chú Ba, đang cho gà ăn, hậm hực nói: "Thế còn số ốc kia thì sao? Không phải ông trẻ đã bảo mày mang về xào tương rồi à?"

"Mẹ kiếp, lão ấy muốn ăn cứ cho lão ăn, ăn cho chết luôn cái lão già khú chẳng chịu chết đi." Chú Ba nói, "Hôm qua đem đổ hết xuống suối rồi, nhìn mà phát tởm."

"Ấy, sao lại làm thế!" Tôi thấy gớm quá, kêu lên: "Thế thì còn ai dám xuống nước mò ốc ăn nữa?"

"Tên đạo sĩ kia nói, phải đem phóng sanh, thì chú mày còn cách mẹ nào nữa." Chú Ba lại mắng một tiếng.

Lúc này, có một người chạy vào trong sân, đến trước mặt tôi liền vội vã hỏi: "Bố cậu đâu rồi?"

Bố tôi bị chấn động, vẫn chưa tỉnh lại được. Tôi còn chưa đáp, chú Ba liền đạp người vừa chạy đến một cú, kêu: "Hắc Bì, có chuyện gì?"

"Ông trẻ bảo bố Ngô Tà đến bên bờ suối ngay, úi mẹ kiếp, hình như trong suối có cái gì đó đấy."


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.