Hà Thần

Chương 7: Quan tài dưới ao sen




Câu chuyện diễn ra ở hai nơi.

Một ngày tên béo Lý Đại Lăng đi tới dự một buổi tang lễ, nhà người ta có tiền nên phát tang khá to. Hắn giả mạo tăng nhân đi tới niệm kinh siêu độ, kiếm chút cơm ăn với tiền thưởng, trước lúc về, mượn lúc nhà tang gia bối rối, trộm cái bình dế, định đem về nuôi dế bên trong, nhưng khi vừa nhìn thấy đáy bình thì đôi mắt lập tức sáng quắc lên.

Dưới đáy bình có chữ Tam Hà Lưu, nhưng thứ làm Lý Đại Lăng thấy sướng nhất chính là niên đại cực kỳ đáng để ý. Chiếc bình này được sản xuất vào những năm cuối triều Thanh, mà nhắc tới thời đó là nhắc tới trò thi đấu dế mèn. Trò này trở thành phong trào trong đám con cháu vương công quý tộc. Nhớ năm xưa, quân bát kỳ Mãn Thanh tiến vào quan trung, tung hoành thiên hạ. Lúc mới khai quốc, người Nữ Chân vẫn còn sinh hoạt trong rừng sâu núi thẳm. Trong rừng lại nhiều dã thú ít người ở nên người Nữ Chân chủ yếu sống bằng nghề đánh cá và săn bắt. Theo sử sách ghi lại, người như rồng, ngựa như hổ, leo trèo như vượn, xuống nước như rái cá, giỏi bắn tên, dũng mãnh tuyệt luân. Tộc người dũng mãnh đó đánh thẳng vào quan nội, đứng đầu thiên hạ, sau đó đánh Đông dẹp Bắc mở mang bờ cõi. Nhưng tới thời kỳ Thanh mạt, đám con cháu bát kỳ lại vứt đi hết bản lĩnh của ông cha, tới con thỏ cũng không bắn nổi, cả ngày chỉ lo sống phóng túng, cứ thế làm cho triều Thanh suy sụp. Trong những thú tiêu khiển xa xỉ thì đấu dế là hạng nhất, từ một con dế có thể kiếm được vạn lượng. Mà côn trùng thì phải có bình nuôi, không có bình tốt sẽ bị người khác chê cười. Bình lại được có thể truyền đời về sau nên càng ngày càng đáng giá. Ba chữ Tam Hà Lưu là tên hiệu của một vị sư phụ họ Lưu có tay nghề cao siêu. Bình dế của ông ta rất được người hai vùng Kinh Tân săn tìm. Tới thời sau dân quốc, toàn bộ đều trở thành những vật báu quý giá.

Thật ra, bình thật không hề có chữ Tam Hà Lưu, có chữ này thì nhất định chỉ là loại phỏng chế, sợ người khác không biết nên mới ghi vào. Lý Đại Lăng không biết việc này, lại ngỡ là vớ được bảo vật, đem đi tìm người mua, gặp một đám người, trước không ít con mắt, hắn bị người ta cười chế giễu một trận, hoá ra cái bình có chữ lại không đáng giá. Do quá tức giận, Lý Đại Lăng ném thẳng cái bình qua đường, mảnh vụn bắn thẳng vào trán người đi đường, máu chảy be bét. Vị kia lại là người không dễ động vào, phải bồi thường thì mới bỏ qua. Tiền mấy ngày đi niệm kinh, tiền túi đều phải móc hết ra. Hắn tìm Quách sư phụ để mượn tiền thì lại đúng lúc Quách sư phụ và Đinh Mão đang đi truy xét tung tích Liên Hoá Thanh. Không còn tiền, lại không vay được đâu, cuối cùng ba người chẳng còn cách nào phải đi làm giúp việc vài ngày để giải quyết nhu cầu ăn ở trước mắt.

Giúp việc vài ngày nói trắng ra chính là làm công ngắn hạn. Ở kênh đào phía Bắc có một đám người tụ tập, phần lớn là thợ nề, nhà ai cần ngươi giúp đều tới nơi này để mướn về, cuối ngày trả tiền công. Cùng ngày, ao sen ở vườn hoa Lý Thiện Nhân đã bị ứ đọng, cần mướn bảy tám người nạo vét, không quan trọng tay nghề gì không, chỉ cần tay khoẻ chịu khổ, không sợ bẩn thỉu là được, tiền công tính theo ngày, một ngày là một quan tiền, nuôi ăn hai bữa. Những lão thợ nề ỷ vào có tay nghề, lại ngại thời tiết oi bức nên không thèm làm việc khuân vác thế này. Ba người kia đang thiếu tiền, thấy việc là nhảy vào, huống hồ tiền công cũng không ít. Nếu so sánh với việc vác bao hàng ở nhà ga Lão Long Đầu thì tiền công như nhau, nhưng việc khiêng bao hàng kia phải mệt muốn chết, tính ra việc nạo vét bùn đất ở ao sen vườn hoa Lý Thiện Nhân vẫn còn nhẹ nhõm hơn nhiều. Ba ngươi vui sướng, tưởng vớ được miếng ăn nên lập tức đi làm luôn trong ngày. Không ngờ, nạo vét ao sen lại tìm thấy một quan tài.

Vườn hoa Lý Thiện Nhân được xây dựng vào những năm cuối triều Thanh, lúc chiến tranh nha phiến xảy ra, do một người buôn muối họ Lý bỏ tiền, mệnh danh là 'Vĩnh viên'. Buôn muối ở triều Thanh luôn có tiền nên vườn hoa xây dựng ra cũng cực kỳ xa hoa, bố cục mô phỏng theo vườn hoa ở Tô Châu

Khoảng cuối thời Dân quốc đã gần như trở thành một công viên mở cửa tự do rồi, sau giải phóng chính thức đổi tên thành Công viên Nhân Dân. Tên công viên ở cổng chính do chính tay Mao Chủ Tịch viết. Bên trong công viên có một cái hồ rất lớn, hoa sen phủ kín mặt nước, xung quanh xây hòn non bộ bảo tháp để trang trí, đình đài lầu các cây cối sum suê. Vào giữa hè, hàng đêm hoa sen nở rộ khắp mặt nước, gió mát mẻ. Dưới đêm trăng, ếch đua nhau kêu vang, phong cảnh say lòng người. Nơi đây đã biến thành một nơi hóng mát tránh nóng tuyệt vời. Nghe nói, kể từ sau khi vườn hoa Lý Thiện Nhân xây dựng xong, con đường tài lộc trong nhà không thuận lợi, người ta đã từng mời thầy phong thủy đến xem. Thầy phong thủy nói vườn hoa này có thế hại chủ, bởi vì hồ nước có hình dạng giống như tuấn mã, tuấn mã phá tài. Muốn thay đổi phong thuỷ thì phải sửa lại hai chỗ. Một là bên cạnh hồ nước phải trồng nhiều loại cây, cây cối rậm rạp sẽ ngăn kín đường chạy của ngựa. Hai là mở rộng diện tích vùng hồ nước ở chỗ đùi ngựa. Lý gia y theo lời của thầy phong thủy, trồng thêm vô số cây cối trong vườn hoa, mở rộng mặt nước ao sen. Hơn nữa, họ còn dựng lên một tòa Tàng kinh các đóng vai trò trấn vật trong vườn hoa. Sau này, qua mấy đời chủ nhân, vườn hoa đã biến thành một công viên tự do ra vào, diện tích không lớn lắm, từ nam đến bắc dài ba dặm, từ đông sang tây rộng hai dặm. Cảnh vật trong công viên khá đẹp, đặc biệt là cảnh hoa sen nở rộ vào mùa hạ. Tuy nhiên, ngay sát bờ của cái ao hoa sen này lại có những chỗ liên tục sinh ra bùn trầm tích, bởi vậy mà hoa sen vô duyên vô cớ héo rũ.

Công viên đành phải mướn người đến hót sạch chỗ bùn đó, Quách sư phụ và hai người anh em của ông ta cũng có mặt trong đội quân này. Tổng cộng mướn về bảy kẻ làm mướn công nhật, mỗi người được phát một cái xẻng. Đầu tiên họ nhổ sạch sẽ những cây hoa sen đã chết héo, sau đó đào chỗ bùn tù đọng lên, xúc lên xe cút kít mang đi đổ. Phần tiền công này quả thực không dễ kiếm, trời thì nắng dữ dội, lớp bùn thì tanh tưởi. Khi đào bùn trong ánh nắng chói chang vào giữa những ngày nóng nhất trong năm, toàn thân hôi rình mồ hôi quện lẫn với mùi bùn thối. Cũng còn may là tiền công không quá thấp, một ngày được cấp hai bữa cơm, thừa mứa bánh bao và cháo đậu xanh. Đào đến trưa ngày hôm sau, ao sen đã biến thành một cái hủng, dưới đáy hủng lộ ra một ít gạch cổ vỡ vụn. Sau khi hốt hết đám bùn thối lẫn lộn gạch vụn đi, bên dưới hiện ra một cái nắp quan tài đen thui. Đám người làm công nhật đã đào được một ngôi mộ cổ dưới đáy ao, tin tức lan truyền ra, kéo không ít người hiếu kỳ đến xem. Cái ao đầy bùn thối, những người này chỉ có thể đứng nhìn từ xa. Quách sư phụ phát hiện ra, không riêng gì con người bu quanh ao sen xem náo nhiệt, mà còn có một số con vật rất kỳ quái kéo đến.

Cả một đám người bu quanh xem rướn cổ trợn mắt, toàn bộ nhìn chằm chằm vào cái quan tài đã hé nắp trong bùn thối dưới ao sen, không một ai để ý tới còn có những động vật khác theo chân bọn họ cùng đến xem. Nhưng Quách sư phụ lại có thể nhìn một cái là phát hiện ra ngay, trong lòng hết sức bất an.

Giữa ban ngày ban mặt, không ai cảm thấy sợ hãi cả. Có người nói nếu đào ra mộ cổ như thế này thì phải báo quan. Quản lý vườn hoa không biết làm thế nào, cảm thấy nếu dưới ao sen có mộ cổ, có lẽ nên di dời nó đi, nếu không sau này còn ai dám đến vườn hoa Lý Thiện Nhân chơi nữa. Nhưng dù có nói thế nào thì trước tiên cũng phải móc quan tài lên xem thế nào đã. Đám làm mướn công nhật vô cùng hưng phấn, ầm ĩ bàn tán bảo rằng, bên trong chiếc quan tài được đào ra từ trong lớp bùn tù đọng này chắc công ta có đồ vật giá trị, ai lấy được sẽ là của người đó. Lúc này, Lý Đại Lăng và Đinh Mão rất muốn tranh thủ chiếm lấy công việc đào móc này, nếu moi ra đồ tốt thì có khả năng sẽ được chia phần.

Quách sư phụ nói: "Tôi thấy thế này có vẻ không hay lắm, tiếp theo có khả năng sẽ xảy ra chuyện gì đó, chúng ta đừng tham gia đào. Không tin các ngươi cứ nhìn vào ao sen một cái, xem kia là con vật gì?"

Hóa ra không biết từ lúc nào, quanh ao sen đã có hơn mười con ếch toàn thân xanh biếc kéo đến. Hơn nữa, từ trong ao sen vẫn còn có những con ếch xanh khác liên tục nhảy ra rồi tập trung lại một chỗ. Bầy ếch xanh đó càng lúc tụ tập lại càng nhiều. Toàn bộ đám ếch đó đều hướng về một nơi, đồng loạt nhắm thẳng vào chiếc quan tài trong vũng bùn. Bầy ếch im hơi lặng tiếng tỏ ra cực kỳ giận dữ. Diện tích mặt nước trong công viên Lý Thiện Nhân không nhỏ, có đủ loại hoa sen, có ếch xanh là điều rất bình thường. Khi đào ra một chiếc quan tài dưới đáy vũng bùn, mọi người hiếu kỳ kéo đến xem thì không có gì đáng nói, nhưng một bầy ếch xanh đông đảo tập trung ở gần đó thì có lẽ đã là việc khác thường rồi. Bầy ếch canh chừng giống như gặp thù địch. Không biết đào ra được cái quan tài này là cát hay là hung.

Ba

Quách sư phụ cảm thấy có chuyện khác thường, bảo Lý Đại Lăng và Đinh Mão đừng có tham gia đào cùng với mấy kẻ làm mướn công nhật. Còn bốn gã làm công nhật kia thì lại cho rằng, có những loài động vật bé nhỏ như ếch tồn tại là điều quá đỗi bình thường, không có gì đáng bận tâm. Ao sen của vườn hoa Lý Thiện Nhân lớn như vậy, không có ếch xanh mới là lạ. Giữa ban ngày đào được quan tài thì cần gì phải sợ xác chết, bây giờ không tranh thủ ra tay, đợi lát nữa trong quan tài có thứ gì tốt thì cũng chỉ còn cách đứng nhìn mà thèm. Bốn người cùng nảy sinh lòng tham, không một ai khuyên nổi. Những kẻ bu lại xem náo nhiệt ở xung quanh cũng nhấp nhổm than thở, hận không thể mau chóng moi quan tài lên xem bên trong đến cùng là có cái gì.

Từ xưa tới nay, lợi lộc luôn làm người ta nảy sinh lòng tham. Bốn gã làm mướn công nhật cả đời mình chưa từng vắt kiệt sức như lần này. Cả bốn người bọn họ dùng cánh tay trần đào móc bùn tù đọng. Tiết trời nóng bức, mặt trời mùa hè chói chang chiếu thẳng vào đỉnh đầu, mồ hôi rơi như mưa cũng chẳng làm ai khó chịu, chỉ tập trung men theo hình dáng quan tài mà đào bới. Bốn người này đầu óc ngu si tứ chi phát triển, chỉ biết cậy mạnh. Đào cả một buổi, cái quan tài mới lộ ra được một nửa. Huyệt của cái mộ cổ dưới đáy ao sen hôi thối rất chật hẹp. Bên trên đắp thành mộ, phía dưới dùng gạch đá xây thành huyệt. Qua kết cấu có thể phán đoán là cái huyệt này được xây vào đầu thời nhà Thanh. Tới nay đã được gần hai trăm năm, có thể coi như là mồ mả tổ tiên rồi. Có lẽ là vào lúc xây dựng hoa viên Lý Thiện Nhân ở chỗ này, mộ phần bị lấp bằng. Phần rìa của ngôi mộ bị lớp bùn tù đọng của ao sen bao quanh. Quanh năm bị lớp bùn này ăn mòn, gạch của ngôi mộ đã đổ sụp xuống, quan tài ngâm trong nước cũng đã trở nên mục nát. Chiếc quan tài này được chôn theo kiểu đông cao tây thấp, theo phương vị đầu gối về đông chân xuôi về tây. Tuy nhiên, hoa văn màu vàng kim của thành quan tài vẫn chưa mờ hết, sau khi lau bùn đi vẫn có thể nhìn thấy đó là một hình vẽ bướm vờn trong gió theo lối thủy vân. Bên ngoài quan tài được trang trí theo lối thủy vân đã chứng tỏ mộ phần này là của phụ nữ.

Lý Đại Lăng nói: "Nhiều ếch xanh như vậy, liệu có phải là đám thiêu thân muốn ăn lớp sơn hoa văn màu vàng kim bên ngoài chiếc quan tài hay không?" Quách sư phụ trả lời: "Đừng có nói vớ vẩn! Lớp sơn màu bên ngoài quan tài làm sao có thể ăn được?" Đinh Mão nói: "Hình vẽ bên ngoài quan tài hoàn toàn không phải là bươm bướm, mà là hồ điệp." Ba người xúm đầu lại, ngươi một lời ta một câu khẽ thảo luận. Lúc này, từ trong đám người xem náo nhiệt có một vị Tiểu Trương Bán Tiên bước ra, đã đọc qua mấy bản kinh Âm Dương, thông thạo xem thời tiết mưa nắng. Nhà y cha truyền con nối xem phong thuỷ. Xưa kia, ông nội của y được tôn xưng là Trương Bán Tiên, đến y đã là thầy phong thủy đời thứ sáu. Tuổi tác người này không lớn lắm, ngoài hai mươi nhưng chưa đến ba mươi. Hôm nay, nghe người ta kháo đào được mộ cổ trong công viên Lý Thiện Nhân, nên y cố tình tới xem náo nhiệt. Sau khi nhận ra những người trong đội tuần sông, y mới bảo với Quách sư phụ và Đinh Mão: "Hình vẽ bên ngoài chiếc quan tài này không phải là bươm bướm cũng không phải là hồ điệp, mà nửa giống điệp nửa giống bướm, nói chung là pha trộn giữa hai loài vật này. Con vật này được gọi là Thanh phù. Nghe nói, ở phương nam có loại trùng biết bay này. Thời cổ, người ta coi Thanh phù là biểu tượng cho tiền tài, cứ vẽ hình nó lên là sẽ phát tài. Có khả năng khi còn sống, người phụ nữ trong quan tài này là người phương nam. Còn hình vẽ thanh phù theo lối thủy vân bên ngoài quan tài mang hàm nghĩa lưu lại tiền tài cho đời sau."

Quách sư phụ nói: "Thì ra là thế, thanh phù thì đúng là tôi đã được nghe nói tới. Loại trùng biết bay này được chia làm tử mẫu, mẫu không rời tử, tử không rời mẫu. Dùng máu của mẫu trùng và tử trùng bôi vào hai đồng tiền khác nhau, khi mua thứ gì trả cho người ta bằng tử tiền. Đến lúc nửa đêm, tử tiền chắc công ta sẽ bay trở về bên cạnh mẫu tiền. Cho nên tử mẫu tiền dùng mãi không bao giờ hết." Lý Đại Lăng hưng phấn nói: "Còn có chuyện tốt như thế này cơ à? Tôi sẽ đi bắt vài con thanh phù, sau đó lấy máu chúng bôi vào tiền, sau này không bao giờ còn phải phát rầu vì thiếu tiền nữa." Quách sư phụ nói: "Chẳng biết đây là cách làm của cái thằng ham tiền đến phát điên nào nghĩ ra, làm sao mà có thể dùng được?" Ông ta quay sang hỏi Trương Bán Tiên: "Tiểu Trương tiên sinh, thầy thử nói coi, tại sao khi đào chiếc quan tài này trong vũng bùn ra, lại có nhiều ếch xanh kéo đến như vậy? Chẳng lẽ chúng đã coi hình vẽ màu con bướm bên ngoài quan tài trở thành miếng mồi hay sao?" Trương Bán Tiên lắc đầu nói: "Tôi nghĩ không phải như vậy, ếch xanh làm sao mà nhận biết nổi hình vẽ bên ngoài quan tài là thanh phù hay là bươm bướm chứ."

Trong lúc bọn họ nói chuyện, bốn gã làm công nhật đã đào đến mức năm mặt ván quan tài lộ thiên. Thế nào được gọi năm mặt ván lộ thiên? Nắp quan tài là một mặt, hai tấm gỗ dài hai tấm gỗ ngắn xung quanh là bốn mặt còn lại. Như vậy năm mặt ván đều đã lộ ra rồi, chỉ còn đáy quan tài là vẫn còn ngập dưới bùn. Đám ếch xanh nhảy ra từ trong nước ao sen đã tập trung lại thành một bầy mấy chục con. Toàn bộ tất cả những người đứng xem đã bắt đầu sởn cả da đầu. Đã bắt đầu có người cầm đá ném chúng. Bầy ếch bị đuổi tản ra, không lâu sau lại tập trung lại như trước, bày trận giống như được chỉ huy, chỉnh tề ngồi chồm hỗm trên mặt đất. Cả một đám trợn mắt phồng mang, mang đầy vẻ giận dữ, không nhúc nhích nhìn thẳng vào chiếc quan tài dưới đáy hủng, thái độ giống như lâm trận. Đến lúc này, tất cả những người vây quanh xem đều có cảm thấy có điềm gở, hảo tâm khuyên bảo mấy gã làm công nhật đừng tiếp tục đào nữa, chẳng biết chừng trong cái quan tài đó có vật gì không may.

Bốn

Bốn gã làm công nhật chính là người thấy hơi tiền nổi máu tham, đã đến nước này có nói cái gì cũng nghe không lọt tai. Đến khi thấy bùn đã được đào tương đối, họ cầm xẻng nạy nắp quan tài ra. Cái nắp quan tài rất dày, những người này lại chẳng biết đường nhổ những cái đinh dài trên nắp quan ra trước, liên tục cạy vài cái mà vẫn không ra. Nhưng đáy quan tài bị lớp bùn trầm tích làm cho mục nát, đã tạo thành một lổ thủng lớn, chỉ có điều lớp bùn đã che khuất nên không nhìn thấy. Bốn gã đàn ông đầu óc ngu si tứ chi phát triển này dùng sức nạy nắp quan tài, làm cho chân hoa sen gãy rời ra. Bốn tấm ván hai dài hai ngắn, người chết được đặt ở bên trong mô phỏng theo hình tượng đỉnh đầu mây lành chân đạp hoa sen*. Tấm ván dưới chân người chết có hình vẽ hoa sen bằng sơn vàng, phía trên đỉnh đầu là hình vẽ mây lành. Bốn gã làm công nhật dùng sức quá mạnh, tấm ván vẽ hoa sen của quan tài đã bị thủng sẵn, lúc ấy lại rơi ra một miếng to, làm lộ ra hai bàn chân tam thốn kim liên** đeo giày thêu. Thời xưa, phụ nữ nhân phải có bàn chân nhỏ, thon gọn. Nhưng, mặc dù đã đeo giầy thêu bằng gấm, đôi chân người chết vẫn khiến cho người xem có cảm giác không cân đối, chối mắt không sao tả xiết. Đám đông đứng xem xung quanh kiễng chân nhìn chằm chặp vào đôi chân của xác người phụ nữ trong quan tài, trong một khoảnh khắc lặng ngắt như tờ.

*Hình ảnh thường thấy trong các tranh vẽ các vị phật.

** Thời nhà Thanh có tục bó chân, nếu dài ba tấc thì được gọi là 'tam thốn kim liên', là tiêu chuẩn đẹp nhất của bàn chân phụ nữ.

Giày thêu bên trong quan tài lộ ra ngoài, khi gặp phải bùn lập tức biến chất biến thành màu đen. Nhưng những sợi tơ vàng và trân châu khảm trên đôi giày vẫn lấp lánh chói mắt dưới ánh nắng, phản chiếu thẳng vào mắt một gã làm công nhật. Gã đâu còn bận tâm đến những ánh mắt đang nhìn trừng trừng của mọi người, thò tay ra túm lấy hai chiếc giày thêu khảm châu báu. Nhưng ngay khi chạm vào đó, gã cảm thấy hai bàn chân nhỏ bé của xác ngườii phụ nữ trong quan cử động.

Công viên Lý Thiện Nhân thuê người làm công nhật dọn dẹp bùn tù đọng trong ao sen, không ngờ lại đào được một chiếc quan tài đã chôn từ hai trăm năm trước. Một gã trong số những kẻ làm công nhật ỷ vào ban ngày, bạo gan vươn tay ra, nhưng khi vừa mới chạm tới chiếc giày thêu như búp măng, hai cái chân của xác chết phụ nữ trong quan tài bỗng nhiên cử động. Gã sợ tới mức rụt phắt tay về, ngã ngồi xuống vũng bùn quắp người lại không đứng lên nổi. Ba kẻ làm công nhật khác là đồng hương của gã, cùng nhau đi kiếm việc làm, hấp tấp chạy tới nâng gã dậy. Nhưng họ đã dùng đủ mọi cách mà gã vẫn không thể đứng dậy được. Gã này đã bị sợ đến mức tê liệt ngay tại chỗ.

Trước đây có người đùa dại, đêm tối đóng giả quỷ dọa người khác, khiến kẻ đó sợ tới mức ngồi phệt xuống đất cả buổi không đứng dậy nổi. Nếu nói theo cách mê tín, đó là trường hợp bị thất hồn lạc phách vì đột ngột kinh sợ. Sau khi hồn phách quay trở lại nhưng vẫn không về đúng vị trí ban đầu. Có đôi khi chỉ kéo dài vài ngày là người đó có thể khôi phục, nhưng cũng có đôi khi tê liệt cả đời không thể nào chữa khỏi. Gã làm công nhật này quả thật là sợ tới mức chân tay mềm nhũn ngồi ngây ra đó, hai chân đã mất hết cảm giác, cạy miệng không nói được một câu. Ba kẻ đồng hương nhấc gã ra khỏi vũng bùn, giao cho mấy người Quách sư phụ trông nom. Bọn họ muốn tiếp tục xuống dưới lấy chiếc giày thêu của xác người phụ nữ trong quan tài.

Những người hiếu kỳ đứng xem đều đứng ngoài rìa cái hủng. Bên bờ ao sen, bùn được móc lên để thanh tẩy ứ đọng chất thành một đống lớn, bên dưới toàn bộ đều là lớp trầm tích tanh tưởi, không một ai có ý định sán lại gần. Có người tinh mắt, nhìn thấy hai bàn chân nhỏ bé dưới đáy quan tài hình như đột ngột cử động, lên tiếng khuyên bảo ba gã làm công nhật đừng có lại gần, không may bị xác chết vồ. Ba người kia đâu có chịu nghe, người quản lý công viên Lý Thiện Nhân có mặt ở đó cũng không ngăn nổi bọn họ. Nếu đổi lại là lúc nửa đêm, đúng là bọn họ không dám lại gần, nhưng giờ là ban ngày trời quang mây tạnh thì có gì phải sợ?

Từ xưa tới nay, nghèo luôn đi đôi với khó. Nghèo có thể làm con người khốn khó, nghèo thì sẽ mất ý chí, không có tiền sẽ bị trói chân trói tay. Ngoài đường của ngon vật lạ gì cũng có, nhưng không có tiền thì chỉ có thể đứng ngắm, đến nửa đêm mới nằm mơ được hưởng thụ một phen, mở mắt ra lại trở về với thực tại làm phu khuân vác gặm bánh ngô. Sống ở đâu cũng cần phải có tiền, không có tiền là lâm vào túng quẫn khốn khó. Những gã làm công nhật nghèo mạt rệp này đâu có nhìn ngó gì đến xác chết phụ nữ trong quan tài, trong mắt chỉ có đôi chân đeo giày thêu kim tuyến bên rìa nạm vàng đang lộ ra ngoài. Bên trên đôi giày được khảm mấy hạt trân châu nhỏ như hạt gạo, phần gấm của nó và cái quần đã biến chất thành màu đen, chỉ còn những sợi kim tuyến và trân châu trên giày là còn đáng giá mấy đồng tiền. Ánh mắt ba gã làm công nhật rực cháy ngọn lửa tham lam. Nhưng khi đến gần chiếc quan tài, bọn họ rõ ràng không kìm nén được nỗi sợ hãi, nhưng vẫn không tông tag được sự tham lam, từng bước một tiến lại gần, run rẩy đi tới tóm lấy cặp giày thêu trên đôi bàn chân của xác người phụ nữ.

Lúc này, Quách sư phụ đang đứng cạnh vũng bùn đỡ cái gã đã sợ mất vía, nghe thấy người này không ngừng lẩm bẩm trong miệng cái gì đó. Hai người Quách sư phụ và Đinh Mão lờ mờ nghe thấy hình như gã nói cái xác chết phụ nữ kia sẽ cử động. Hai người tương đối kinh ngạc. Dù đã ở trong đội tuần sông vớt xác người chết đuối nhiều năm như vậy, nhưng họ lại chưa bao giờ tận mắt nhìn thấy người chết cử động giữa ban ngày. Vài ngày trước, mặc dù ở kho hàng nhà ga Lão Long Đầu xảy ra tình trạng cương thi vồ người, nhưng nghe người ta nói, đó là chuyện không bằng không cớ, thật sự khó có thể phân biệt là giả hay thật. Mặc dù đích xác là chuyện lạ, nhưng lại chỉ xảy ra vào thời điểm nửa đêm. Người chết giống như đèn tắt, người phụ nữ trong quan tài dưới ao sen đã chết hơn hai trăm năm, huống hồ ban ngày là lúc dương khí mạnh nhất, nếu bảo xác chết này cử động giữa ban ngày ban mặt thì kiểu gì họ cũng không thể nào tin được. Nhưng sự việc ngày hôm nay lại rất khác thường. Cứ nhìn những con ếch xanh biếc giống như được nhuộm bằng thuốc vây quanh quan tài giống như gặp phải thù địch như vậy, là đủ biết tất yếu có điều kỳ quái.

Năm

Trong lúc Quách sư phụ thất thần chốc lát, ba gã làm công nhật đã vươn tay chạm vào giày. Đột nhiên, trong quan tài vang lên một loạt tiếng động lục cục kỳ dị, khiến cho ba gã thanh niên đó sợ tới mức mặt mũi trắng bệch. Tại sao quan tài chôn dưới lớp bùn tù đọng của ao sen lại có thể phát ra tiếng động? Chẳng lẽ xác chết phụ nữ này thật sự cử động? Đừng có nghĩ nông dân không đọc sách, nửa chữ cũng không biết mà lầm, những câu truyện truyền miệng về yêu ma quỷ quái gì mà họ chẳng được nghe. Vừa rồi ánh mắt chỉ tập trung nhìn chằm chằm vào đôi giày thêu khảm châu báu, lúc này họ mới liên tưởng tới những quỷ quái yêu ma trong nghĩa địa của thôn làng, nghĩ ra đủ mọi việc đáng kinh ngạc khiến người ta giật mình có khả năng xảy ra.

Ba người cho rằng xác chết phụ nữ trong quan tài sắp chui ra ngoài, lập tức bắp chân co rút, hối hận vì đã nảy sinh lòng tham, muốn quay đầu chạy trốn. Nhưng hai cái chân lại nặng như chì không thể nhấc lên nổi. Lúc này, mọi người đều nhìn thấy từ trong quan tài hoa sen phụt ra một luồng khói vàng, cùng với đó là âm thanh lục cục quái dị. Toàn bộ những người đứng bên rìa vũng bùn xem náo nhiệt cứng đờ người ra. Đứng cách rất xa vẫn có thể ngửi thấy mùi xác chết khăm khẳm, hai mắt cay đến chảy cả nước mắt. Ba gã làm công nhật đứng ngay gần bên dưới hủng, vừa mới tiếp xúc với luồng khói màu vàng này đã lập tức ngã lăn đùng ra giống như ba cây cột gỗ.

Trước đó Quách sư phụ đã thực sự cảm giác có điều không hay. Khi nhìn thấy ba gã làm công nhật hít phải khói vàng trong quan tài rồi ngã gục, một lát sau luồng khói vàng lại rút vào trong quan tài, ông ta vội vàng bịt kín miệng mũi, lôi kéo Đinh Mão và Lý Đại Lăng tranh thủ cứu người. Mỗi người kéo một gã. Đến khi kéo ba gã như kéo chó chết đến bên rìa cái hủng, nhìn lại thì đã thấy ba kẻ này đều đã nhắm chặt hai mắt, sắc mặt tái nhợt, giống như đã bị ngạt thở bởi mùi xác chết, kéo dài thêm một lúc nữa là không thể cứu được. Đến lúc này, toàn bộ những người vây quanh xem đều kinh ngạc, vội vàng nhéo sau lưng vê trước ngực để cứu ba gã làm công nhật.

Cùng lúc đó, những con ếch xanh đã nhảy từ ao sen vào trong vũng bùn đột nhiên hướng thẳng về cái quan tài đồng loạt phùng lớp da dưới cằm mà kêu ồm ộp. Lỗ thủng dưới đáy quan tài lại tiếp tục phát ra tiếng lục cục quái dị. Ngay sau đó, bên dưới chân quan tài hoa sen có hai con động vật quái dị giống nhau như lột cùng thò đầu ra. Lớp da bên ngoài nổi lên những cục xù xì như mụn cơm, đích xác là hai con cóc quỷ to đến mức kì quái. Hai con này là một cặp một trống một mái, trên lưng có hoa văn ngũ sắc đẹp rực rỡ. Chúng há cái miệng rộng hoác phát ra vài tiếng ồm ộp, trong bụng lục cục rung động, cùng nhau nhả ra một luồng khói vàng mù mịt.

Đến giờ mọi người mới ngớ ra, phần gạch của cái mộ dưới ao sen đã sụp xuống, quan tài ngâm trong bùn nhão đã mục nát từ lâu. Con cóc quỷ chui vào trong quan tài thông qua lỗ thủng, biến ngôi mộ cổ thành sào huyệt của mình. Cóc quỷ rất thích sống chui rúc dưới lớp bùn âm u ẩm ướt của huyệt mộ. Màu sắc của hoa văn trên người càng sặc sỡ thì càng độc. Hai con cóc này có vẻ không chịu nổi bầy ếch đánh trống reo hò, bị ép chui ra khỏi quan tài phun sương màu vàng. Bầy ếch xanh cũng không dám tới quá gần. Song phương giống như đã rơi vào thế phải đối đầu, đứng nguyên một chỗ giằng co một lúc lâu. Luồng sương màu vàng do hai con cóc quỷ phun ra dần nhạt đi, hoa văn rực rỡ lộng lẫy trên lưng chúng cũng nhạt hẳn đi.

Đúng lúc này, từ trong ao sen có một con ếch xanh to gấp hai những con còn lại nhảy ra. Nó ngồi chồm hổm trên mặt đất, to xấp xỉ bằng bàn tay của một người lớn xòe rộng ra, nghiễm nhiên có khí thế vương giả. Nó xòe hai chân trước ra để đọ khí thế cùng với hai con cóc quỷ. Khí thế của song phương ngang nhau khó phân cao thấp. Đám người vây quanh xem đua nhau nhặt đá lên, nhè vào hai con cóc quỷ mà ném. Hai con cóc quỷ dường như đã phun sạch khói độc, bất đắc dĩ chạy trối chết. Vừa mới chạy đến rìa vũng bùn, chúng đã bị người ta quơ lấy xẻng đập nát bét thành hai đống thịt bầy nhầy. Có người lập tức than thở đáng tiếc. Trên lưng cóc có lớp sụn, khi chúng còn sống gỡ lớp sụn, rồi moi hết ngũ tạng lục phủ ra. Sau khi phơi khô dưới nắng mặt trời, sụn cóc và da cóc đều là những thứ rất giá trị, có thể dùng làm thuốc. Khi quay sang nhìn những con ếch xanh, đã thấy chúng nối đuôi nhau nhảy trở về ao sen. Chỉ trong khoảnh khắc, mặt nước đã lặng xuống, không còn thấy bóng dáng của chúng. Sau này, có người lập một cái miếu bên cạnh Tàng kinh các của công viên Lý Thiện Nhân thờ phụng thần ếch xanh. Tuy nhiên, quy mô không lớn, cũng chẳng có mấy ai hương khói, sau giải phóng đã bị dỡ bỏ. Sau khi đổi tên thành Công viên nhân dân, cái ao đã trải qua một lần dọn dẹp kỹ lưỡng, nhưng dù có sửa sang thế nào thì cuối cùng vẫn không thể làm cho hoa sen mọc nhiều như trước.

Sáu

Lại nói tiếp, không biết là ai đã báo quan, sau khi người cơ quan nhà nước đến, mấy người Quách sư phụ nhận tiền xong lập tức chấm dứt công việc. Kế tiếp, đám người xem náo nhiệt cũng lũ lượt rời khỏi công viên. Sau đó, nghe nói chiếc quan tài đó đã bị di dời đi chỗ khác. Dân tình đồn ầm lên, Thần sông Quách Đắc Hữu lại cứu được mấy mạng người ở ao sen. Đó chỉ là chuyện nghe hơi nồi chõ. Giờ nói đến chuyện chính, lúc ấy nhận được tiền công, sau khi đi ra khỏi cổng, ba anh em bàn nhau trước tiên tới nhà tắm tắm một cái, kỳ cọ sạch sẽ bùn thối bám trên mình. Khi ra khỏi cổng chính công viên Lý Thiện Nhân, ba người vừa vặn gặp Trương Bán Tiên đi cùng đường. Bốn người đi đến ngã tư thì gặp một cái xe đẩy con bán nước Hà Lan.

Nước Hà Lan thật ra là loại nước có ga đầu tiên, dùng bột bạc hà và đường mía pha với nước đun sôi để nguội, có người còn thêm bột sô-đa, là loại đồ uống mát lạnh cực kỳ dễ làm. Tôi cũng không biết có phải là do người Hà Lan phát minh ra đầu tiên hay không, dù sao khi nó đến tay tôi thì đồ uống này đã trở thành phổ biến rồi, đã được gọi là nước Hà Lan. Cuối đời nhà Thanh, Thiên Tân vệ đã bắt đầu có bán. Đến cuối thời Dân quốc, người ta đã bán đủ loại nước có ga đủ tiêu chuẩn, trong nước nước ngoài đều sản xuất, nhưng dân chúng lại không thích uống. Họ vẫn quen uống loại nước Hà Lan do mình tự chế. Nhưng uống loại nước này dễ bị tiêu chảy. Trước kia, có dạo còn có người chết vì uống loại nước này. Ưu điểm của nó là giá rất rẻ, còn rẻ hơn một cốc trà đá. Nước có ga đựng trong chậu sứ in hình hoa sen, dùng đá ướp lạnh, nhìn là thấy hấp dẫn. Vào những ngày nóng nực nhất mùa hè uống một chén, mát lạnh đã khát, thanh họng giải nóng, đó cũng là một loại hưởng thụ. Mọi người đầu trần hứng nắng ở ao hoa sen của công viên Lý Thiện Nhân quá nửa ngày trời, phơi nắng đã đến mức chảy mỡ, nóng bức không chịu nổi. Quách sư phụ mời Trương Bán Tiên và hai người anh em của mình đứng ngay bên lề đường uống hai chén nước Hà Lan, vừa uống vừa cùng thảo luận với Trương Bán Tiên về trận chiến giữa bầy ếch và cóc tại ao sen. Quách sư phụ nói: "Công viên Lý Thiện Nhân này tôi đã vào chơi không biết bao nhiêu lần, nhưng quả thật không ngờ dưới đáy ao sen lại có quan tài."

Trương Bán Tiên tiếp lời: "Nơi này có quan tài cũng không phải là chuyện kỳ quái gì cả. Theo tri thức mà người của thế hệ ông nội tôi để lại, ông cụ nhà tôi đã sớm nhận thấy địa thế của công viên Lý Thiện Nhân không tầm thường."

Đinh Mão cười nói: "Bán Tiên xuất thân từ thế gia phong thủy, chúng tôi bàn luận những chuyện như thế này trước mặt Bán Tiên có khác nào là múa rìu qua mắt thánh, có phần coi thường người khác."

Lý Đại Lăng không tin Tiểu Trương Bán Tiên, lên tiếng: "Cái gì mà coi thường người khác. Theo tôi thấy, Trương Bán Tiên là bán vải quên mang theo kéo. Quan tài dưới ao sen của công viên Lý Thiện Nhân đã biến thành ổ cóc trú ngụ rồi, thế mà còn được coi là bảo địa phong thuỷ hay sao?"

Tiểu Trương Bán Tiên nói: "Thực sự không phải là nói khoác, những gì tôi nói đều có căn cứ."

Lý Đại Lăng nói: "Ồ, còn có căn cứ...? Vậy thầy nên giảng giải tường tận cho chúng tôi, đến cùng có căn cứ gì vậy?"

Như thế nào gọi "Có căn cứ" ? Nói trắng ra, đây chỉ là cách nói khi người ta muốn thuyết phục người khác. Nói là có căn có cứ, thực ra chỉ là dẫn ra những gì đã được viết trong sách, luận một vài đoạn điển cố. Nếu như ngươi có thể tìm ra dẫn chứng, vậy thì được gọi là "có căn cứ", nói chuyện mà không có căn cứ chỉ là lời nói tầm phào.

Tiểu Trương Bán Tiên nói: "Không tin có phải không? Ông tổ đời thứ ba của Trương gia tôi có thể xem phong thuỷ cắt âm dương. Danh không phải mua, tiếng không phải chuộc, nếu như không có vài phần bản lĩnh thực sự, tôi sao dám nói ra những lời đao to búa lớn trước mặt mấy người anh em các vị đây? Nói cho mọi người biết, con sông hai bên công viên Lý Thiện Nhân có nhiều nhánh, tự nhiên hình thành thế giống như con trùng trăm chân. Đầu tròn thân dài đuôi nhỏ, dựa theo sách vở, đó là hình một con Kim Vĩ Ngô Công. Hai cái huyệt một ở đầu một ở đuôi, người được chôn ở trong hai cái huyệt đó không phú cũng quý. Nhưng âm khí của hai cái huyệt này rất nặng, dễ thu hút yêu ma đến trú ngụ trong phần mộ. Lúc trước, khi đào bùn mở hòm quan tài ở đó đã xảy ra chuyện gì, chẳng phải mấy người đã tận mắt nhìn thấy hay sao?"

Bất thình lình nghe thấy câu này, Quách sư phụ quả thật giống như nghe thấy sét đánh giữa trời quang, phụt sạch ngụm nước Hà Lan vừa mới uống vào trong miệng vào mặt Trương Bán Tiên, vội vàng hỏi: "Thầy vừa mới nói cái huyệt dưới ao sen công viên Lý Thiện Nhân . . . là huyệt gì?"

Tiểu Trương Bán Tiên cho rằng Quách sư phụ vừa rồi chưa kịp nghe rõ, cho nên không có phản ứng gì quá khích. Y lau mặt rồi lập lại những lời vừa nói, phần mộ ở công viên Lý Thiện Nhân là " huyệt Kim Vĩ Ngô Công" .

Bảy

Trước đó không lâu, Quách sư phụ và Đinh Mão đến Trần Đường Trang hỏi thăm tung tích của Liên Hóa Thanh. Giữa đêm mưa trời tối đen như mực, ông ta nằm ngủ trên mặt đất trong miếu, bỗng đâu gặp phải một giấc mộng kỳ lạ, văng vẳng nghe thấy tiếng nói Liên Hóa Thanh đang ở trong đầu Kim Ngô Công. Bấy giờ ông ta chỉ giật mình hoảng hốt, cho rằng mình nghe lầm. Làm gì có con rết nào lớn như vậy, lớn đến mức một người sống sờ sờ có thể dung thân trong đầu của nó cho được? Bây giờ nghe Tiểu Trương Bán Tiên nói ra ông ta mới biết được, địa thế của Kim vĩ ngô công trong phong thủy âm dương có hình thù như vậy. Nếu như lời nói này không sai, cái huyệt Kim Vĩ Ngô Công là có thật. Xem ra việc truy bắt yêu sông Liên Hoa Thanh, rất có thể sẽ tìm ra manh mối ở ngay vùng đất có hình thù Kim Vĩ Ngô Công này.

Giữa đường cái không phải là chỗ nói chuyện, Quách sư phụ nói: "Bình thường, chúng ta lúc nào cũng tất tả vội vàng, thật khó mà gặp được nhau. Đã gặp thì có không biết bao nhiêu chuyện muốn nói, không bằng để ba anh em chúng ta làm chủ, mời Tiểu Trương tiên sinh đi nhà tắm ngâm bồn uống trà, tận dụng cơ hội này để trao đổi kỹ càng với nhau." Trương Bán Tiên vui như mở hội, nhưng vẫn còn cố nói: "Đầu năm nay cuộc sống rất khó khăn, làm sao có thể vô duyên vô cớ không biết xấu hổ bắt anh em phải tốn kém vài lần. . ." Y gượng gạo khách khí vài câu rồi mới đồng ý mà như mở cờ trong bụng.

Phía nam thành phố thời đó có một nhà tắm tên là Thiên Hưng Trì, là loại nhà tắm công cộng phổ biến của thời đại đó, nằm ở ngoài mặt đường, cao hai tầng. Ở cửa ra vào có treo một tấm biển cổ có niên đại từ trước đời nhà Thanh. Tầng một là hồ tắm hơi nước mù mịt, tầng hai được bố trí thành từng phòng tắm riêng theo kiểu cổ. Nếu như khách tắm ở hồ tắm chung còn chưa đủ thoải mái thì có thể đưa ra yêu cầu riêng, nhà tắm sẽ phục vụ đủ các loại dịch vụ từ giác hơi, cắt móng chân cho đến đấm bóp lưng. Giá tiền lại rất rẻ, ngươi muốn bỏ tiền ra thuê một gian phòng tắm độc lập cũng được. Có không ít người tiêu có vài hào là có thể ngâm mình ở đây cả ngày, tắm rửa xong đánh cờ đánh bài nói chuyện phiếm. Bởi vậy, có thể nói nhà tắm công cộng không chỉ là nơi tắm rửa, mà còn là một nơi xã giao đặc thù. Tất cả những người khách đến đây ngâm mình trong hồ tắm chung với chỉ cùng một mục đích. Thân phận lẫn lộn, mục đích vào nhà tắm công cộng là tắm rửa, nhưng đến khi quần áo đặc trưng cho thân phận đã được cởi bỏ sạch sẽ, nếu như muốn bàn chuyện riêng tư, đến nhà tắm công cộng đại chúng là thích hợp hơn cả.

Quách sư phụ dẫn theo mấy người Đinh Mão đi vào Thiên Hưng Trì. Đầu tiên, họ đứng dưới vòi hoa sen xả hết bùn đất bám khắp người, sau đó đi ngâm mình trong hồ nước nóng tới mức mặt mày đỏ rực, toàn thân thư thái. Lên trên tầng hai, bắt lấy khăn nóng do phục vụ viên ném qua, lau khô thân thể, quấn khăn tắm tìm một cái giường gỗ ở trong góc khẽ dựa vào, thật sự là toàn thân thả lỏng. Hôm nay thực sự mệt mỏi, mông lung rơi vào mộng đẹp, tỉnh lại không biết mình đang ở chỗ nào. Ngủ dậy lại được nhân viên chạy bàn phục vụ một ấm cao mạt nóng. Nói một cách dễ hiểu, cao mạt chính là bột lá trà cao cấp. Nếu không đủ tiền uống trà quý thì chỉ có thể uống vụn của trà ngon được bán đầy trên phố. Sau khi đổ nước sôi vào, một mùi hương trà đặc biệt tỏa ra ngào ngạt. Bên trong nhà tắm còn có bán các loại đồ ăn vặt như lê tươi, củ cải tươi, quả ô liu tươi, hạt sen thanh nóng tiêu hoả ngon miệng. Quách sư phụ còn muốn gọi thêm vài đĩa củ cải trắng Sa Oa*** và một bao thuốc lá Tam Pháo Đài đắt tiền, nhiệt tình mời Trương Bán Tiên uống trà hút thuốc ăn củ cải trắng.

***Còn được gọi là củ cải xanh Thiên Tân Vệ, người ta thường gọi nó là 'tái áp lê'

Trương Bán Tiên nói: "Vô công bất thụ lộc, hôm nay tại sao quý vị lại vừa mời tôi ngâm bồn tắm lại vừa mời tôi uống trà, có phải là có việc cần nhờ vả hay không? Xin nói trước một câu, muốn vay tiền thì tôi thực sự không có. Hai năm qua kinh tế khó khăn, cái chén cơm kiếm được nhờ xem phong thuỷ âm dương càng ngày càng không khó kiếm rồi. Không sợ mấy vị anh em chê cười, hơn nửa năm này tôi chưa từng bước chân vào hàng quán. Bữa nào cũng ở nhà cố mà trệu trạo nuốt đồ ăn, ngay cả mì thập cẩm cũng không dám ăn."

Quách sư phụ nói: "Xin thầy đừng quá đa nghi, cứ an tâm ở lại đây nghỉ ngơi. Chúng tôi chỉ là lưu manh nghèo kiết xác, có ai mà chẳng biết. Nếu muốn mượn tiền chúng ta cũng không tìm tới thầy."

Vừa nghe thấy nói không phải mượn tiền, Trương Bán Tiên lập tức yên tâm, rung đùi đắc ý nói: "Người xưa nói rất hay, chim chết vì mồi người chết vì tiền. Thời bây giờ, người trên không có đạo đức, kẻ dưới làm loạn, khiến cho một nhân vật như Trương mỗ có tài nhưng không gặp thời. Nhưng hỡi ôi, người có tài nhưng không gặp thời đâu chỉ có riêng một mình Trương mỗ?"

Lý Đại Lăng nói: "Thầy đừng nói văn vẻ có được hay không. Tất cả mấy người chúng tôi đều là kẻ thô lỗ, nghe câu này mà không hiểu đầu đuôi ra sao. Ý thầy muốn nói là cái gì?"

Trương Bán Tiên đáp lại: "Tôi muốn nói thế này, ba anh em các vị và tôi cũng giống nhau cả thôi, cùng khốn khó đến cùng cực, nghèo vẫn hoàn nghèo, nhưng tất cả đều là người người có bản lĩnh. Quách gia và Đinh gia thì tôi không nói đến nữa, chúng ta đã quen biết nhau bao nhiêu năm rồi còn gì. Giờ mạn phép mượn Lý Đại Lăng Lý gia cậu để phát biểu cảm tưởng ban đầu khi gặp nhau ngày hôm nay của tôi. Tôi vừa nhìn đã cảm thấy Lý gia cậu là một tráng sĩ hiệp can nghĩa đảm, là bạn bè đáng giá ngàn vàng, không đua tranh với đời, gặp Văn vương khiêm cung hữu lễ, gặp Kiệt Trụ can qua không cúi đầu. Cậu chính là một hảo hán bụng dạ thẳng tông ta, trong mắt không vương một hạt bụi."

Lý Đại Lăng nhếch miệng cười nói: "Đúng là chỉ có Bán Tiên thầy tinh mắt. Thầy có biết những kẻ ở ngoài kia đánh giá tôi thế nào không? Bọn chúng không hề nói tôi hiệp nghĩa nhân hậu, mà cái đám tạp nham đó lại dám nói tôi không bằng một nắm rác trong xó nhà-- thật con mẹ nó không ra thể thống gì."

Quách sư phụ bảo Lý Đại Lăng: "Được rồi người anh em, cậu đừng than vãn nữa, mau chóng tiếp tục cắt củ cải trắng cho Bán Tiên, gọi phục vụ đổi cái ấm cao mạt thành trà thơm."

Lý Đại Lăng cắt củ cải trắng, châm trà đưa cho Trương Bán Tiên: "Bán Tiên thầy dùng đi, chờ tôi gọi phục vụ pha một ấm trà thơm lớn. Củ cải trắng ăn với trà nóng, thầy lang giận đến lăn quay."

Trương Bán Tiên nói: "Được rồi, cao mạt đổi thành trà thơm sao? Quách gia ngài tìm tôi nhất định là có chuyện gì đó. Nếu ngài không nói ra cho rõ ràng, tôi thực sự không dám tiếp tục ăn củ cải trắng uống trà của ngài nữa."

Quách sư phụ nói: "Thôi được, tôi không vòng vo với thầy nữa. Ba anh em chúng tôi mời thầy đi tắm rửa uống trà, đơn giản chỉ vì muốn nhờ thầy giảng giải cho biết huyệt Kim Vĩ Ngô Công là như thế nào?"

Trương Bán Tiên tỏ vẻ khó xử trả lời: "Thế này. . . thế này. . . , không phải vừa mới rồi tôi đã nói một lần cho các vị nghe rồi hay sao. Nếu bắt tôi phải nói thêm có lẽ không tiện cho lắm. Tổ tông đã lập ra quy định, thứ này chỉ truyền nam không truyền nữ, chỉ truyền nội không truyền ngoại. Toàn thể gia tộc chúng tôi đều nhờ vào thứ này để kiếm cơm đó."

Quách sư phụ nói những quy định đó chúng tôi đều hiểu cả, thầy cứ yên tâm chúng tôi không hề có ý định đoạt chén cơm của thầy, chỉ vì muốn đuổi bắt sông yêu Liên Hóa Thanh mà thôi. Ông ta lập tức kể hết ra toàn bộ đầu đuôi nguyên nhân, rồi năn nỉ Trương Bán Tiên nhất thiết phải chỉ điểm một vài đầu mối.

Trương Bán Tiên nói: "Quách gia, ngài hỏi tôi coi như là đã coi trọng tôi rồi. Nếu tôi còn tiếp tục dấu giếm ngài thì có vẻ bản thân đã quá không biết điều rồi. Bây giờ, tôi sẽ dứt khoát nói cho rõ ngọn ngành. Biết nói như thế nào đây, Kim Đầu Ngô Công và Kim Vĩ Ngô Công thực ra chỉ là hai cách gọi của cùng một địa thế, là đầu và đuôi của cùng một con rết. Sau đây tôi sẽ nói hết những gì huyền bí bên trong cho các vị biết."

Tám

Sau đó, Trương Bán Tiên khoa chân múa tay giảng giải. Y nói địa thế của Thiên Tân vệ bắc cao nam thấp, phía nam có một vùng đất trũng rộng lớn giống như một cái Tụ bảo bồn (chậu đựng châu báu). Bởi vậy mà nam giàu bắc nghèo. Rất nhiều năm trước, có một con sông lớn chảy vào cái hồ ở phía nam. Sau khi cạn nước, cái hồ đó biến thành vùng đất trũng này, còn dòng chảy ngày trước biến thành kênh rạch. Từ thời Thanh mạt đến nay, nội thành không ngừng được xây dựng mở rộng về phía nam ngoại ô, rất nhiều phòng ốc được xây lên, đường phố được trồng cột điện. Những tuyến kênh rạch trải rộng hơn mười dặm hầu như đã bị lấp bằng. Nhưng theo sách phong thuỷ, dù đã bị lấp bằng nhưng tuyến kênh rạch này vẫn giữ nguyên được hình thái ban đầu. Theo phong thuỷ, hình thái đó được gọi là thế Kim Vĩ Ngô Công, giống như một con rết khổng lồ đang lắc đầu vẫy đuôi muốn bò vào bên trong Tụ bảo bồn. Đầu nó chứa kim, có thể phù trợ tiền tài, đuôi nó treo kim, có thể câu tiền tài. Đuôi con rết này nằm tại ao sen của công viên Lý Thiện Nhân. Còn về phần đầu Kim Vĩ Ngô Công không nằm ở đây mà lại ở một nơi khác, nơi đó chính là nghĩa trang nhà họ Ngụy tại phía nam thành phố. Năm xưa, ông nội của Trương Bán Tiên là lão Bán Tiên đã giúp Nhị gia của Ngụy gia chọn một khu nghĩa địa. Khu nghĩa địa đó chính là "huyệt Kim Đầu Ngô Công" .

Trăm ngàn năm trước, vùng trũng phía nam là một cái hồ tự nhiên, đất đai màu mỡ, cho nên cây cối nơi đó tươi tốt, tương phản hoàn toàn với vùng lân cận hoang vu đất bị nhiễm mặn. Mặc dù thế Kim Đầu Ngô Công này rất hoàn hảo, nhưng vẫn có một điểm nhỏ khiến cho người ta sai lầm. Ai mà ngờ được, con rết này lại bị một tấm bia đá đồ sộ trấn áp. Toàn bộ phong thủy của Kim Vĩ Ngô Công đã bị tấm bia đá này đoạn tuyệt, huyệt cát tường biến huyệt hung, nhưng mãi về sau này người ta mới phát hiện ra điều đó.

Đầu thế kỷ mười chín, nhân khẩu nhanh chóng gia tăng, nghĩa địa nhà họ Ngụy dần dần biến thành một khu nhà ngói dành cho người sống của chính gia tộc mình. Khu đất đó không bao giờ yên ổn, đường đi lối lại đan xen như mắc cửi, địa thế phong thuỷ thì không thể nào còn tốt được nữa rồi. Thường xuyên có các loài động vật như sói vàng chồn dữ mèo rừng chó đất qua lại, người sống ở nơi đó không bao giờ an bình. Chính vì vậy, nhà nào cũng treo trên nóc một tấm gương trừ tà. Ở vùng đất đó, thỉnh thoảng lại có thể bắt gặp xác chết của mèo, chó và cáo. Chưa cần nói đến lúc con sông gặp lũ, chỉ cần trời mưa to thì những căn phòng lợp ngói của Ngụy gia đã chìm một nửa dưới nước. Đến nay, một nửa số phòng ốc đã bị hủy hoại, đại đa số đều là những căn nhà nguy hiểm bị bỏ hoang, chỉ chờ phá đi để xây lại. Nhưng thời buổi bây giờ đang là thời kỳ bấp bênh, ai còn lòng nào mà nghĩ đến việc phá hủy những căn phòng xiêu vẹo ở nghĩa địa của nhà họ Ngụy đây?

Xuôi theo hướng nam của nghĩa địa nhà họ Ngụy là vùng ngoại ô phía nam, càng cách xa thì càng hoang vu, đi theo hướng bắc đi là đường vào nội thành. Tấm bia đá khổng lồ nói trên nằm ở phía tây bắc của nghĩa trang nhà họ Ngụy, con vật dưới bệ đá của tấm bia là con bị hí (một loại động vật trong thần thoại, giống rùa. Xưa các bệ đá thường khắc hình con này). Dân chúng gọi tấm bia đá này là bia Đà Long Trấn Hà. Thực tế có phải như vậy hay không thì không thể nào biết được, dù sao cũng chỉ là lời đồn đại. Tấm bia đá đó rất đồ sộ, mấy người đứng chồng lên nhau cũng không thể với tới đỉnh, dù đứng cách rất xa vẫn có thể nhìn thấy nó, là loại vật cổ dùng để ngăn chặn sát khí bảo vệ thành trì khi xưa. Không biết bao nhiêu năm trôi qua, mỗi khi sửa đường lợp nhà người ta đều muốn di dời nó đi nhưng không bao giờ làm được. Đầu con Kim Vĩ Ngô Công này hướng về phía nam còn đuôi hướng bắc, trong tư thế đang bò vào trong Tụ bảo bồn, nhưng lại bị tấm bia đá này găm chặt lại. Chỉ cần tấm bia đá này còn, cổ con rết sẽ bị tấm bia đá chẹn lại không nhúc nhích được. Cho nên, huyệt Kim Đầu Ngô Công đích xác nằm ở ngay gần tấm bia đá.

Ba người mắt tròn mắt dẹt lắng nghe, không tin nổi những gì Trương Bán Tiên đã nói. Ba người nằm mơ cũng không thể tưởng được, Liên Hóa Thanh lại trốn ở trong nghĩa trang nhà họ Ngụy. Nếu đã biết địa điểm thì lúc nào cũng có thể tới đó bắt người. Đừng lầm tưởng là chưa từng nhìn thấy mặt của Liên Hoa Thanh thì không nhận ra y, nét đặc thù trên mặt kẻ này không lẫn vào đâu được, hai mắt bốn con ngươi, cứ tìm người có dấu hiệu đặc thù này thì không thể nào nhầm lẫn.

Chỉ cần hai vụ án dấu xác trong hộp sắt ở Trần Đường Trang và dìm xác ở ngã ba sông là đã đủ xử bắn Liên Hóa Thanh vài lần. Nhưng đội cảnh sát đường thủy Ngũ Hà không thể vô cớ bắt người, huống hồ bắt kẻ thông dâm phải có cả đôi, bắt trộm phải có tang vật. Nếu muốn kết tội Liên Hóa Thanh đến cùng gây ra bao nhiêu vụ án mạng, lấy đâu ra chứng cứ xác thực, thì phải bắt được y thẩm vấn lấy khẩu cung mới tính toán cụ thể được. Ngoài ra, Quách sư phụ còn nghĩ tới một việc, cái tên Liên Hóa Thanh đó không trốn đi đâu mà lại cứ nhè vào vùng lân cận tấm bia đá của nghĩa trang nhà họ Ngụy mà trốn, trong khi bản thân nơi đó vốn dĩ đã ma quái, từ đó có thể thấy được kẻ này nhất định có âm mưu đen tối. Cứ tới đó xem xét kỹ càng, dù có không bắt được người, nhưng chỉ cần có thể tìm được một vài manh mối liên quan cũng tốt chán.

Trương Bán Tiên nói tiếp: "Ba vị muốn đi nghĩa trang nhà họ Ngụy gia bắt yêu, vốn là hành động thay trời hành đạo vì dân trừ hại. Lẽ ra tôi không nên ngăn cản, nhưng tôi vẫn không thể không nói một câu khó nghe. Hiện giờ, địa thế huyệt Kim Đầu Ngô Công đã biến thành huyệt hung theo đúng nghĩa của nó. Những năm vừa qua, tấm bia đá khổng lồ này đã lây nhiễm không ít sát khí. Đến giờ này, địa thế đó quả thực đã biến thành một con rết tinh đang ngoác miệng ra, chỉ chực chờ ăn sống nuốt tươi con người, đến một người ăn tươi một người, đến hai người nuốt sống cả đôi. Hiện giờ, tôi thấy ấn đường Quách gia đã biến thành màu đen báo hiệu điềm xấu. Bởi thế, không đi thì không nói làm gì, nhưng nếu đi thì khẳng định là chết chắc. Tôi tuyệt đối không phải ăn nói bừa bãi, những lời này thực sự là có căn cứ."

Ba anh em không tin, cho rằng Trương Bán Tiên lại đang cố tình làm ra vẻ thần bí. Những ông thầy xem phong thuỷ, tướng số như y cứ mở mồm ra là nói chuyện giật gân, nếu không như vậy thì làm sao thu được tiền của thiên hạ. Họ bèn bảo y không cần tốn thêm nước bọt nữa. Sau khi mọi việc thành công, phần thưởng của ông chủ Thạch nhất định sẽ có phần của y, công đầu trong vụ đuổi bắt yêu sông Liên Hóa Thanh là của Trương Bán Tiên nhà thầy. Đến lúc đó, chúng tôi sẽ bày tiệc cảm ơn thầy, chí ít ra cũng sẽ phải có bốn món ăn mặn nguội, sáu món xào nóng, tám bát canh lớn, ngoài ra còn thêm một nồi lẩu.

Trương Bán Tiên nói: "Mấy người anh em coi tôi là loại người gì thế. Không phải tôi đang hù dọa ba người, nếu Quách gia tới bia trấn sông ở nghĩa trang nhà họ Ngụy thì tôi dám khẳng định là chắc công ta sẽ phải chết. Ba ngày sau, nếu ngài vẫn còn sống không chết, Trương Bán Tiên tôi cả nửa đời sau sẽ không bao giờ ăn đến chén cơm phong thủy âm dương này nữa. Các vị, tôi đã nói đến nước này rồi, mọi người vẫn còn không đi không được hay sao?"

Ba anh em bọn họ nghe ra Trương Bán Tiên thực sự là có ý tốt, nhưng vẫn cảm thấy cách nói của y chẳng qua chỉ là quan trọng hóa vấn đề. Chết sống có số, đâu phải do con người định đoạt? Trương Bán Tiên đành chịu. Đừng thấy bình thường Quách gia rất dễ nói chuyện mà lầm, tính tình ông ta thực ra rất cố chấp, những người tuổi trâu đều như vậy cả. Công việc mà mình muốn làm, không một ai có thể khuyên bảo ông ta dừng lại được. Huống chi còn có một Lý Đại Lăng không an phận suốt ngày lải nhải bên tai. Lý Đại Lăng thuộc loại người cứng đầu háo danh. Trong đầu lúc nào cũng chỉ muốn phá vụ án dìm xác ngã ba sông để tranh công nhận phần thưởng, căn bản không bao giờ chịu nghe ai khuyên can. Những gì cần nói Trương Bán Tiên đã nói cả rồi, thừa biết muốn ngăn cũng không ngăn được, dứt khoát không nói thêm gì nữa, thầm nghĩ: "Nói hay không là do ta, đi không là do Quách Đắc Hữu nhà ngươi, muốn chết hay là muốn sống, tự ngươi tính toán mà làm."

Mấy người Quách sư phụ hạ quyết tâm, phải đi nghĩa trang nhà họ Ngụy đuổi bắt yêu sông Liên Hóa Thanh. Nhưng họ thừa biết nghĩa trang nhà họ Ngụy ma quái đến phát sợ. Trong cùng một ngày, ban ngày thì đào được cổ mộ dưới ao sen công viên Lý Thiện Nhân, buổi chiều khi ra khỏi nhà tắm thì sắc trời đã tối, họ không dám đi thẳng tới nghĩa trang nhà họ Ngụy, bèn từ biệt Trương Bán Tiên. Đến sáng ngày hôm sau dậy thật sớm, trời mới vừa tờ mờ sáng, ba người đã tập hợp ở ngoài cửa Nam rồi khởi hành đi tới chỗ bia trấn sông ở nghĩa trang nhà họ Ngụy.

Có người hỏi, những gì Trương Bán Tiên đã nói thực ra có đúng hay không? Ngài hỏi rất hay, tôi xin trả lời ngài rằng, địa thế của huyệt Kim Đầu Ngô Công trong nghĩa trang nhà họ Ngụy đã thay đổi, con rết tiền tài bò vào Tụ bảo bồn trước kia đã chết, biến thành một con rết khác đang ngoác miệng ra chực ăn thịt người. Quách sư phụ đang gặp điềm xấu, lại đâm đầu vào hang ổ của nó, lần đi nghĩa trang nhà họ Ngụy này thật sự là đi chịu chết.

Ngài cứ tiếp tục theo dõi rồi sẽ biết, lời nói của Trương Bán Tiên thực sự là chuẩn xác. Nhưng câu chuyện về Thần sông vẫn luôn được lưu truyền tới tận thập niên năm mươi sáu mươi sau giải phóng. Nếu Quách sư phụ chết vào thời điểm này thì làm gì còn chuyện gì mà kể nữa? Bởi vậy đó là một cái nút thắt. Trong thuyết thư, nút thắt chính là yếu tố tạo ra kịch tính. Cái nút thắt của tôi chính xác là được đặt ở ngay chỗ này, hồi sau sẽ phân giải.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.