Gió Ở Melbourne Đã Ngừng Thổi Chưa?

Chương 38: Yêu là khi hai linh hồn cho nhau can đảm để sánh bước bên nhau tiến về phía trước




–Nhật ký của Rossela–

[Melbourne, năm 1941.]

Rossela chú ý đến người phụ nữ đó là vào buổi học thứ ba trong lớp học tiếng Trung ở phố người Hoa.

Tháng bảy, khi đó ở Nam bán cầu trời đang rét đậm, phân mùa khác hẳn với hai quê hương của cô. Đêm trước khi lên đường đến Úc cùng ba, bạn bè ở miền Nam nước Ý đã hào hứng kể với cô rằng, đó là một đất nước có mùa hạ trải dài suốt bốn mùa quanh năm.

Một hiểu lầm rất lớn.

Mùa đông ở Melbourne lạnh lẽo đến mức khiến người ta phát điên, trầm cảm và suy sụp cảm xúc. Cô đặt bút viết thư cho bạn bè, nói mình đã một tháng chưa nhìn thấy mặt trời, nói mình nhớ ánh nắng ở Nam Âu, nhớ những bông cúc nở rộ trong bồn hoa trong sân nhà cũ, nhớ mùa hè kéo dài không kết thúc ở trấn nhỏ trong núi kia.

Những năm tháng cô sống ở Trung Quốc dường như còn tốt hơn bây giờ, khi đó cô sống với mẹ – một họa sĩ kiệm lời trong con phố phồn hoa nhất ở Thượng Hải, bước ra ngoài là trường học cho nữ sinh mà giáo đường đã xây dựng. Cô sống trong thành phố đó cho đến khi 8 tuổi, sau đó mẹ bệnh nặng qua đời, thế là người ba người Ý chỉ tồn tại trong lời kể kia đã đưa cô đi đến một lãnh thổ khác.

Nói một cách khách quan, trong cơ thể Rossela chảy dòng máu của cả hai nước Trung – Ý, nhưng cô cứ luôn cảm giác như mình cũng có quan hệ họ hàng với người Digan, nếu không những năm niên thiếu của cô sao cứ mãi phiêu bạc?

Sau khi sống hết thời thơ ấu ở Trung Quốc lại trải qua thời thiếu nữ ở Ý, giờ đây ba của cô lại lần nữa đưa cô đến tận Melbourne nơi nước Úc xa xôi chỉ vì những biến động trong kinh doanh.

Trong bốn năm sau đó, cô đã học hệ văn bằng đầu tiên của mình ở thành phố này, một bằng tốt nghiệp ngành luật mà ba cô không mong đợi.

Ban đầu ông vốn rất kỳ vọng vào cô – một cô con gái lai của một doanh nhân giàu có sẽ chọn học một ngành hay ho, có thẩm mỹ và cử chỉ cao quý tao nhã, sau đó sẽ có thể gả cho con trai của một đối tác kinh doanh thân thiết với mình, tốt nhất cũng là một người Ý có cùng tín ngưỡng, sinh con đẻ cái, hoàn thành sứ mệnh của cả cuộc đời cô.

Ông đã lên kế hoạch cho mọi việc rất hoàn hảo, nhưng ông lại không ngờ đến, Rossela đã có suy nghĩ riêng của mình.

Năm cô 18 tuổi, cô đã nói với ba mình, cô muốn học luật.

Đó thực sự là một suy nghĩ hoang đường nhất khi ấy.

Nước Úc những năm 40, Chính sách nước Úc trắng như mây đen bao phủ dày đặc trên đầu. Cô là phụ nữ lại còn có huyết thống người Châu Á, muốn làm luật sư trong môi trường như vậy thực sự là điều viển vông. Hai cha con đã tranh cãi nhau rất lâu, cuối cùng cô đã nói ra những điều cất giữ trong lòng:

Cô không muốn giống mẹ mình, trở thành một người phụ nữ ẩn mình trên gác mái. Cô muốn học một ngành thực tế hơn, nếu không phải là luật sư thì là bác sĩ, hoặc là kỹ sư, cô muốn làm một công việc phải lộ diện ra ngoài, phải nở mày nở mặt!

Ầm ĩ đến sau cùng, ba cô cũng nói rất rõ ràng: Nếu như con nhất định phải học những thứ này, vậy thì ba sẽ không chi trả cho con một xu học phí.

Thế là năm đó, Rossela 18 tuổi đã gật đầu chắc nịch trước người đàn ông trung niên đang châm xì gà trước mắt, sau đó rời khỏi căn hộ sang trọng trong trung tâm thành phố.

Cô cũng không thiếu tiền, trước khi mẹ mất đã để lại cho cô một tài khoản ngân hàng, những năm qua cô cũng không ngừng gửi tiền tiêu vặt mà ba cô đã cho vào đó. Cô dùng số tiền này để học, để sinh hoạt, bổ sung bằng vô số các công việc bán thời gian sau giờ học và các khoản vay sinh viên. Cuối cùng cô cũng đã lấy được bằng Cử nhân Luật, thi đỗ giấy phép hành nghề mà ba cô từng coi là “không thể”.

Nhưng sau đó cô đã bị hiện thực tát một bạt tai vào mặt.

Ba cô từng nói một điều rất đúng: Nước Úc những năm 40, không có một người da trắng nào sẽ giao việc kiện tụng cho một nữ luật sư người lai cả, cho dù thành tích của cô xuất sắc nhất trường, cho dù tiếng Anh của cô không hề phạm lỗi phát âm, cho dù năng lực chuyên ngành của cô vượt xa những người đàn ông da trắng khác.

Ba cô không cho cô một xu nào nữa, thậm chí ông còn cưới một người vợ mới, sinh một đứa con gái trong khoảng thời gian bốn năm cô học đại học mà ông gọi là em gái cùng cha khác mẹ với cô. Mùa đông năm 1941, ngoài tiền thuê nhà đè nặng trên vai Rossela, còn có khoản tiền vay sinh viên cao ngất ngưởng.

Cô biết ba đang chờ xem trò cười của cô, chờ đến khi cô xám mặt ảo não trở về nhà. Một khi cô làm như thế, áp lực về khoản vay sẽ biến mất, nhưng cũng đồng nghĩa với việc, cô sẽ không còn đủ tự tin và vốn liếng để từ chối việc trở thành vợ người khác.

Vào lúc cùng đường bí lối, lá thư của bạn cô từ nước Ý xa xôi đã gửi đến.

“Vì sao cậu không thay đổi suy nghĩ, thay vì chọn người da trắng, sao cậu không lên tòa đi kiện thay cho người Hoa?”

“Tớ nghe nói từ sau khi chiến tranh diễn ra, có rất nhiều doanh nhân người Hoa ở Nam Dương đã bắt tay vào kinh doanh ở hai thị trường Trung – Úc, sao cậu không phục vụ cho họ?”

Bạn của cô đã hỏi cô như thế.

Nhìn hai dòng chữ ngắn gọn trong thư, Rossela như thức tỉnh từ trong cơn mộng.

Nhưng ngay lập tức lại sầu não.

Cô sống ở Trung Quốc đến năm 8 tuổi, tiếng Trung có thể nói được nhưng viết chữ thì không nhạy bén cho lắm. Chữ Hán từng nét từng nét vuông vức ngay ngắn, cảm giác đọc và viết khác hoàn toàn so với các chữ cái Latinh. Vì thế, cho dù cô đã chuẩn bị sẵn sàng về trình độ pháp lý nhưng nếu muốn làm việc với doanh nhân người Hoa, cô buộc phải vượt qua ải cuối cùng chính là đọc viết tiếng Trung.

Chính sách nước Úc trắng khắc nghiệt, ngày xưa phố người Hoa nhộn nhịp tấp nập người qua lại, giờ lại vắng vẻ đi nhiều. Sau nhiều lần nghe ngóng cuối cùng cô cũng hỏi thăm được có một tòa soạn báo người Hoa đã mở một lớp dạy kèm tiếng Trung cho trẻ em học bổ túc ở phố người Hoa, người lớn không biết chữ cũng có thể theo học.

Thế là sau mười bốn năm xa cách Trung Quốc, Rossela đem theo bằng tốt nghiệp đại học, bắt đọc học tiếng Trung giống như một đứa trẻ.

Nói là người trưởng thành cũng có thể học, nhưng số lượng người có thể hạ mình tham gia lớp học cùng đám trẻ con vẫn là số ít. Rossela cũng không phải không biết ngượng, cô luôn đợi đến giờ lên lớp mới bắt đầu vào, ngồi ở dãy thứ hai từ dưới đếm lên. Khi bọn trẻ đồng thanh đọc “Bạch nhật y sơn tận”, cô cũng dùng ngón tay chỉ vào hàng chữ trong sách giáo khoa được in riêng của lớp học, thấp giọng đọc theo từng chữ một để nhận dạng.

Ngôi nhà này cũng có vị trí rất kỳ lạ, nó nằm tận cùng hành lang ở tầng trên của một sòng bạc. Tòa nhà ấy trông cũ kỹ lạ thường, lại vì nằm ngay cạnh sòng bạc nên lúc bước lên cầu thang, cô sẽ nghe thấy tiếng hôn nhau mờ ám trong bóng tối, và rất nhiều những cuộc giao dịch tránh né đám đông.

Đám trẻ trong phố người Hoa quả thực trải đời, mỗi lần Rossela nghĩ đến đều sợ hãi. Chúng muốn đi học thì phải vượt qua hành lang tăm tối như thế, mới bao lớn mà đã phải chứng kiến khung cảnh trần tục kia

Lớp học tổ chức một tuần hai buổi diễn ra vào buổi tối. Lúc đi học đến buổi thứ ba, cuối cùng cô cũng nhận thấy được trong lớp còn có một nữ sinh đến muộn hơn cả mình, ngồi xuống chiếc bàn cuối ở sau lưng cô.

Tháng bảy, giữa mùa đông ở Melbourne nhiệt độ không thấp nhưng gió lạnh buốt đến thấu xương, vào đêm lại càng khắc nghiệt hơn. Cô gái đó luôn mặc một chiếc áo khoác đen dài, quấn khăn quàng cổ màu đen đậm, giày dưới chân cũng đen nốt. Trong tiếng bọn trẻ đồng thanh ngâm nga câu thơ, cô ấy bước vào từ cửa sau, lẳng lặng ngồi xuống ở một vị trí cuối cùng sát cửa.

Cô ấy sẽ không tạo ra tiếng động quá lớn, cũng sẽ không cởi áo khoác ngoài, vì thế Rossela luôn dùng thế chống tay trên mặt để lén liếc mắt quan sát cô ấy, nhìn thấy dưới chiếc áo khoác đen kia là một chiếc váy dài, một góc màu vàng lộ ra ở cổ áo.

Trong đêm tối mùa đông đó, góc áo sặc sỡ sáng lòa.

Trực giác mách bảo với Rossela rằng cô gái đó rất đẹp, điều này đã được chứng thực ngay vào buổi học thứ năm, mà hành động chứng thực này thuộc về mưu kế của cô. Rossela cố ý đẩy cây bút máy vừa viết xong rơi xuống đất, thân bút lăn về sau, lăn đến chân cô gái đó thì dừng lại, sau đó cô gái đó đã cúi người nhặt lên.

Cô ấy ngẩng đầu lên, bên dưới vành mũ đen là một gương mặt xinh đẹp động lòng người, tóc đen môi đỏ, hàng mi cong dài, đôi mắt to tròn sáng rõ, đuôi mắt vẽ nhếch lên cao hệt như đuôi cáo.

Thật xinh đẹp, Rossela thầm nghĩ.

Một mỹ nhân đẹp kinh thiên động địa như thế mà lại học viết chữ ở nơi này.

Khi đó ở Melbourne không có nhiều phụ nữ người Hoa, phụ nữ độc thân lại càng ít hơn, một mình cô ấy ra vào phố người Hoa mà gương mặt vẫn điềm tĩnh lạ thường. Rossela đã hỏi thăm giáo viên trong lớp thì mới biết cô ấy chính là con gái nuôi của ông Chúc – ông chủ khách sạn Trường An.

Sự chú ý của con người là như vậy. Khi bạn không theo dõi một người, bạn sẽ không nghe được tin tức gì về họ. Nhưng khi bạn bắt đầu theo dõi một người, bốn phương tám hướng đều là tin tức của họ.

Rossela nghe được nhóm phụ nữ trong phố người Hoa bảo con mình tránh xa cô ấy một chút, nói cô ấy có quan hệ với rất nhiều đàn ông, nhưng Rossela tới lui mãi mà cũng không nhìn thấy cô ấy coi trọng người đàn ông nào. Cô nghe một người phụ nữ Tây Ban Nha có quen biết nhắc đến cửa hàng quần áo “Hồng Mai Diệp” mới mở ở góc đường nên lúc đi ngang qua có liếc mắt nhìn vào mấy lần, bà chủ cửa hàng thế mà lại là cô ấy.

Lúc này Rossela mới biết, thì ra cô ấy tên là Kim Hồng Mai.

Có một lần cô uống cà phê ở gần đó, nhìn thấy một gã đàn ông người Hoa mặc tây trang đi giày da đến trước cửa “Hồng Mai Diệp” đợi cô ấy. Còn có, lúc cô đi mua bánh mì, phát hiện ra một cô gái dáng người thấp nhưng có đôi mắt rất to đang khóc náo ở trước cửa hàng, Kim Hồng Mai đã đi ra ngoài dẫn cô gái ấy vào.

Rossela cứ như thế quan sát Kim Hồng Mai gần nửa năm, chắp vá lại thế giới của cô ấy, cũng ngồi ở phía trước cô ấy trong lớp học hai buổi mỗi tuần.

Cô là con lai, cô ấy là người Trung Quốc, nhưng chữ Hán mà cô ấy viết còn không bằng cô. Giáo viên trong lớp bảo mọi người viết chính tả câu thơ, Rossela viết đâu ra đấy, đang viết thì lại nghe thấy tiếng Kim Hồng Mai gọi mình ở sau lưng.

Cô ấy thế mà lại biết mình tên Rossela, cũng giống như cô đã biết cô ấy là Kim Hồng Mai.

“Cô có biết…”

Cô ấy vừa mở miệng, Rossela đã nhận ra được cô ấy có giọng Thượng Hải đặc trưng hệt như mẹ mình, như thế càng khiến cô thấy gần gũi hơn.

“Chữ ‘Vượt’ trong câu ‘Núi cao khó vượt’ viết thế nào?” Kim Hồng Mai hỏi

Đại mỹ nhân khi gặp vấn đề khó mà vẫn xinh đẹp động lòng người như thế, cô ấy chầm chậm chớp đôi mắt, không còn là vẻ diễm lệ như thường ngày, mà là vẻ hồn nhiên hiếm thấy. Rossela viết lên vở đưa cho cô ấy xem, ánh mắt lại liếc nhìn cuốn vở của cô ấy, từng hàng chữ nghiêng ngả lộn xộn, tựa như dốc sức để chứng minh cụm từ “nét chữ nết người” là ước vọng của người tạo ra con chữ.

Cô ấy ngẩng đầu rồi lại cúi xuống, cố gắng sao chép chữ ‘Vượt’ từ trên giấy xuống sau đó lại viết cho xong cả vế phía sau 

— “Núi cao khó vượt, nào ai xót thương người lạc lối? Bèo nước gặp nhau, hết thảy đều là khách tha hương.”

Bèo nước gặp nhau, hai người các cô đều là khách tha hương.

Đừng bao giờ tìm hiểu về một người thông qua những lời trong miệng người khác nói. Đây là điều Rossela học được từ Kim Hồng Mai. Cô ấy trong lời đồn của người khác là người phụ nữ ham thích tán tỉnh đàn ông, họ nói cô ngấp nghé giám đốc Diệp của công ty tàu thủy, họ nói cô ấy có thủ đoạn, có mưu kế khiến đàn ông bỏ tiền cho cô ấy mở tiệm.

Nhưng ở trong mắt Rossela, cô ấy chính là một người phụ nữ xinh đẹp xấp xỉ tuổi mình, kinh doanh một cửa hàng quần áo để kiếm sống. Cô ấy thông minh khôn khéo, nhưng khi học viết chữ lại ngốc vô cùng, lúc viết chính tả còn phải chép từ trên giấy nháp của cô.

Lúc làm học sinh là thời điểm dễ dàng để kết bạn nhất, có lẽ là ở trước mặt tri thức mỗi con người đều bình đẳng như nhau.

Rossela và Kim Hồng Mai đã trở thành bạn bè từ thuở đó.

Kim Hồng Mai mời cô đến “Hồng Mai Diệp” uống trà, trời đã muộn trong cửa hàng không có khách, hai người ngồi trên sofa trong phòng thử đồ trò chuyện thỏa thích. Đêm muộn, người đàn ông tên Diệp Nhữ Thu đến tìm cô ấy, anh ta mặc âu phục thẳng thớm chân mang giày da đứng ngoài cửa, giọng điệu và sắc mặt trông rất tôn kính cô ấy.

“Cô Kim, tối nay có muốn thảo luận chuyện sổ sách không?” Anh ta hỏi Kim Hồng Mai.

Cô ấy đang kể chuyện phiếm ở phố người Hoa vui vẻ thì bị đàn ông làm phiền, Kim Hồng Mai trợn mắt ném sổ sách ra ngoài bảo Diệp Nhữ Thu tự đi mà kiểm tra. Rossela ở bên cạnh lắng nghe, lúc này mới biết Diệp Nhữ Thu không phải con rùa vàng cô ấy câu, mà chỉ là bạn hợp tác mở cửa hàng. Cô cũng nhìn ra được, Diệp Nhữ Thu đứng yên không rời mắt, thái độ của Kim Hồng Mai đối với anh ta chẳng qua chỉ là lựa chọn một công cụ tiện tay mà thôi.

Cô ấy rất kiêu kỳ, không phải ai cũng có thể trở thành công cụ của cô ấy. Rossela đoán chừng, sở dĩ Diệp Nhữ Thu được chọn trúng là vì anh ta tuấn tú trẻ tuổi, nhạy bén nghe lời, hơn nữa anh ta giàu có mà còn sẵn lòng cho cô ấy tiêu…

Vừa đẹp trai lại hữu dụng, đây là điều kiện cạnh tranh nhất của đàn ông.

Còn về những tin đồn không đúng ngoài kia…

“Vì sao lại không nói rõ ra?” Rossela hỏi cô ấy: “Cô chắc hẳn cũng biết bọn họ nói cô như vậy…”

“Bọn họ ba hoa đủ điều, tôi giải thích lại họ sao?” Kim Hồng Mai cúi đầu nhấp ngụm trà: “Hôm nay giải thích một chuyện, ngày mai lại biên ra mười chuyện. Tôi quản được họ chắc?”

Uống trà ăn bánh xong, Diệp Nhữ Thu đã biết điều rời đi, Kim Hồng Mai tiễn Rossela ra trước cửa “Hồng Mai Diệp”, cả người dựa vào cửa chào tạm biệt với cô.

Đó là lần đầu tiên hai người hẹn nhau uống trà, Kim Hồng Mai đã tặng cô một chiếc khăn lụa màu đỏ đô trong cửa hàng. Rossela thắt khăn lụa trên cổ ra về, đi đến góc đường mới quay đầu nhìn lại, phát hiện Kim Hồng Mai vẫn tựa người trước cửa, châm một điếu thuốc.

Cô ấy không mặc áo khoác mà khoác một chiếc khăn choàng được thêu hoa văn màu vàng sáng trên vai. Trước cửa hàng Hồng Mai Diệp vẫn đốt một ngọn đèn sáng, cô ấy đứng dưới ánh đèn, bóng dáng yểu điệu tịch mịch vô cùng.

Rossela bỗng nhận ra một điều, cô ấy rất cô đơn.

Kim Hồng Mai rất cô đơn.

Cô ấy không làm bạn được với đàn ông mà chỉ có giao dịch. Cô ấy rất khó để yêu một người, cuộc sống hạnh phúc quá mức xa xỉ với cô ấy. Cô ấy là chủ đề bàn tán sau mỗi bữa cơm của người dân trong phố người Hoa, nhưng thật sự không hề suy bại như trong lời người ta nói.

Thảo nào cô ấy lại mời cô đến uống trà, bởi vì cô và Diệp Nhữ Thu giống nhau, là người được Kim Hồng Mai chọn trúng.

Các cô cùng một loại người, không cam chịu sắp đặt của số mệnh, đấu tranh khi không được thấu hiểu trong gông cùm xiềng xích của thế tục. Các cô từ khi sinh ra đã mang theo ý chí chiến đấu bất diệt, bám víu vào sự tự do mà người khác cho là vô nghĩa.

Hai gốc cỏ dại tha hương đã vượt qua biển lớn, gặp được nhau ở Nam bán cầu xa xôi. Kim Hồng Mai khịt mũi khinh thường và từ chối những lời thân cận với người khác nhưng lại chủ động tặng khăn lụa cho cô, mời cô đến uống trà, cô ấy hy vọng có thể làm bạn với cô.

“Vào mùa đông năm 1941, tôi và quý cô Kim Hồng Mai đã trở thành bạn của nhau. Tuổi 22 thất bại đó, sự nghiệp không chút khởi sắc, cũng không gặp được một tình yêu lay động tâm hồn. May mà cô độc gặp cô đơn đã sinh ra một tình bạn đẹp. — Nhật ký của Rossela.”

***

Khi phát hiện ra công ty của Diệp Nhữ Thu tồn tại vấn đề, anh ta đang cưỡi ngựa cùng họ bên bờ biển.

Diệp Nhữ Thu thích cưỡi ngựa, anh ta đã thuần hóa một nhóm ngựa thuần chủng lai Úc tại một nông trại ở ngoại ô. Anh ta mời Kim Hồng Mai và cô đi đến nông trại để nghỉ dưỡng cuối tuần, cả hai người họ đều dẫn bạn của mình theo.

Kim Hồng Mai đã dẫn Rossela theo, Diệp Nhữ Thu thì dẫn theo Andrew.

Người đàn ông đó là bạn học trong thời kỳ Diệp Nhữ Thu du học, là người Đan Mạch. Andrew sở hữu vẻ ngoài tuấn tú, tóc vàng mắt xanh và cũng là người duy nhất không biết tiếng Trung trong số bốn người họ. Lúc Diệp Nhữ Thu bận xum xoe săn đón Kim Hồng Mai, anh ấy nhún vai với Rossela, dùng thứ tiếng Ý đầy rẫy những lỗ hổng để nói chuyện với cô: “Như thế không công bằng, chúng ta cũng phải nói ngôn ngữ mà họ không hiểu mới được.”

Họ dùng ngôn ngữ để ngăn cách rào cản nói chuyện yêu đương, thế nên khi đó Kim Hồng Mai dù có nhìn sang vài lần cũng không hề nhận ra được rằng, dù thành lũy của mình có phòng thủ kiên cố đến đâu, gương mặt tuấn tú ấy cũng đã len lén công phá trái tim cô bạn thân của mình.

Tất nhiên, sức quyến rũ của Andrew cũng không hoàn toàn đến từ dung mạo. Anh ấy nói với Rossela, thời niên thiếu anh ấy từng đi theo mẹ mình là nhà thám hiểm đến Úc du lịch, từ đó đã bị thu hút bởi thổ dân ở vùng sa mạc Trung bộ. Anh ấy cũng đồng cảm với cảnh ngộ của thực dân khi đến mảnh lục địa này, vì thế vẫn luôn dốc sức làm công tác pháp luật đòi quyền lợi cho thổ dân.

Anh ấy cũng là luật sư, mà công việc của anh ấy lại hoàn toàn khác với những gì Rossela biết trước đây.

Bản thân cô cũng biết xuất thân của những nhóm dân tộc khác nhau sẽ mang đến những ảnh hưởng phức tạp như thế nào đối với số phận con người. Andrew vốn có thể trở thành công cụ của những nhà giàu có như những luật sư khác, nhưng anh ấy lại lựa chọn con đường đấu tranh cho nhóm dân tộc thiểu số.

Lòng cô trào dâng từng đợt sóng vỗ, nhưng vẫn lý trí hỏi anh ấy: “Vậy để đòi quyền lợi cho họ, anh lấy tiền vốn từ…”

“Anh Diệp sẽ giới thiệu tôi đi làm luật sư cố vấn cho những công ty khác.” Andrew nói: “Giúp họ tránh được những mạo hiểm, nhận được thù lao đi viện trợ cho thổ dân.”

Rossela bất giác nghĩ đến câu “Cướp của người giàu chi cho người nghèo” mà cô học được trong lớp học tiếng Trung.

“Vậy anh cũng làm việc cho công ty của anh Diệp à?” Cô hỏi.

Andrew rơi vào trầm tư, một lát sau anh ấy dời đôi mắt màu da trời ấy đi, thấp giọng nói: “Không có, chú ruột của anh ta chưa từng cân nhắc đến tính hợp pháp, công ty tàu thủy này cực kỳ mạo hiểm, tôi cũng lo lắng thay anh ta.”

Cô cũng thấu hiểu được sự chán nản trong lời nói của Andrew, Rossela biết rõ mình không phải là một cô gái dịu dàng, nhưng khi người con gái gặp được một người đàn ông mình thích, tự nhiên sẽ trở nên khéo léo trong việc cởi bỏ lớp áo bên ngoài… ý cô là trở nên đồng cảm và thấu hiểu.

Tiếng Trung thật sự rất thâm sâu.

Khiến phụ nữ động lòng chỉ cần một tích tắc. Ngày đó bốn người cưỡi ngựa xong về nhà, cô đã luyên thuyên không ngừng về lời lẽ chí lý của Andrew ở trong phòng của Kim Hồng Mai.

Rossela đưa mắt nhìn lên trên trần nhà hồi tưởng lại: “Tôi hỏi anh ấy thổ dân có văn minh hay không, anh ấy hỏi lại tôi, em định nghĩa về văn minh như thế nào? Quyền giải thích về văn minh không nằm trong tay người có quyền uy; giữa thổ dân, đất đai và tự nhiên tồn tại sự liên kết thần kỳ, đây chẳng phải là một loại văn minh hay sao…”

Trong phòng ngủ chỉ có một cây bút chì đã chuốt sẵn, cô lại cầm bút lên tháo hộp thuốc lá của Kim Hồng Mai ra, phác họa chân dung Andrew lên đó. Người đàn ông có khuôn mặt góc cạnh, sóng mũi cao thẳng tắp, hàng mi màu vàng và cong dài hơn tất cả những cô gái mà cô biết. Cô vẽ ra từng chút động lòng của thiếu nữ, trong nét bút tràn đầy tình yêu, cho đến khi hộp thuốc bị Kim Hồng Mai lấy đi.

Kim Hồng Mai giơ hộp thuốc lên cao để quan sát: “Cô học luật làm gì, rõ ràng trời sinh đã có máu họa sĩ.”

“Lúc họa sĩ chưa nổi tiếng sẽ phải cần người khác nuôi, tôi chả thèm người nào nuôi tôi cả.”

Rossela lấy lại hộp thuốc lá về tay, thản nhiên nói: “Mẹ từng nói với tôi, nghệ thuật chỉ là phương tiện thổ lộ cảm xúc trong nội tâm con người, người lấy nó làm nguồn sống đều sẽ rơi vào bể khổ.”

May mà cô vẫn chưa dấn thân vào con đường này, những gì cô trải qua trong cuộc đời ngắn ngủi này chỉ là nỗi đau khi phấn đấu cho mộng tưởng của mình. Trong lòng cô cũng không có quá nhiều cảm xúc cần phải thổ lộ, mong muốn lớn nhất có thể thôi thúc cô cầm bút lên chỉ là để vẽ nên dáng vẻ của người mình yêu bằng tất cả lòng thành mình có.

Ồ, và cả tình bạn nữa.

Vào ngày quyết định sẽ vẽ chân dung cho Kim Hồng Mai, cô vừa dùng khoản tiền cuối cùng để nộp tiền nhà. Một người phụ nữ có chí khí như cô đã quyết tâm không mở miệng cầu xin giúp đỡ từ Andrew, nhưng lấy đi hai túi bánh mì và một túi táo từ nhà Kim Hồng Mai thì lại hoàn toàn bình thường. Cô còn thề cuối tuần này gia đình mà mình dạy thêm sẽ phát tiền lương, cầu xin cô Kim đừng có nổi giận đùng đùng đi đến nhà người ta đòi nợ giúp cô. Kim Hồng Mai lại không giỏi tiếng Anh, nói tới nói lui cũng chỉ có mấy từ đơn giản: Money Money Give Her!

Buồn cười thật, người bị khất tiền lương là cô, người đói bụng là cô, người đụng độ với vợ mới của ba trên đường rồi bị châm chọc chế giễu cũng là cô, nhưng người tức giận đến mức đứng ngồi không yên lại là một người khác. Phụ nữ cũng rất giỏi dỗ dành phụ nữ, cô thấy Kim Hồng Mai cứ tức giận mãi không nguôi, bèn kéo cô ấy đến trước mặt mình quan sát một lúc, sau đó mới hỏi cô ấy: “Tôi về nhà đem phẩm màu đến đây, tối nay vẽ chân dung cho cô nhé, có được không?”

Cô không có tiền, không có công việc, lấy đồ của cô ấy nhưng không có gì để trả, thứ duy nhất cô có thể dùng chính là tài hoa mà mẹ đã để lại. Cô vẽ Andrew bằng bút chì và hộp thuốc lá đã xé mở, nhưng vẽ Kim Hồng Mai lại tốn nhiều công sức hơn, trong bóng đêm tịch mịch bày ra phẩm màu cùng khung vải tranh sơn dầu.

Cô muốn Kim Hồng Mai đứng dưới cửa hiệu “Hồng Mai Diệp”, bày ra tư thế như một người có tâm sự.

“Nói tiếng người giùm đi nghệ thuật gia!” Kim Hồng Mai nói thẳng: “Tư thế của người có tâm sự là thế nào? Đến đông này tôi mới học được chữ nghĩa, tôi không hiểu đâu.”

Lúc ở Ý cô cũng từng vẽ người, nhưng lúc đó bỏ tiền ra thuê được toàn là người mẫu chuyên nghiệp, Kim Hồng Mai thật sự rất khó để phối hợp. Cô dùng cọ vẽ đo tỷ lệ rất lâu, cuối cùng đành nói với cô ấy: “Cô cứ nghĩ đến người mình thích là được.”

Kim Hồng Mai tức giận: “Tôi làm gì có người mình thích, Diệp Nhữ Thu sao, tôi không thích anh ta.”

“Tôi biết cô không thích giám đốc Diệp.” Rossela phì cười: “Trước khi đến Úc thì sao? Lúc cô còn ở Thượng Hải chẳng hạn?”

Cô chỉ lơ đãng hỏi thế thôi, nhưng vẻ mặt Kim Hồng Mai chợt khựng lại như thể đang nghĩ đến một người quen đã cũ. Cô ấy chỉnh lại cổ áo, bộ sườn xám màu vàng dưới ánh đèn càng thêm mềm mại, bên tay phải nhấc điếu thuốc lên hút một hơi dài, sau đó ôm cánh tay lại, bàn tay đeo chuỗi vòng ngọc đặt bên trên, ánh mắt phiêu đãng nhìn về phía xa xăm.

Cô ấy tựa về sau, cơ thể dựa vào cánh cửa của cửa hàng, ánh mắt chậm rãi rũ xuống như vừa rơi xuống một vùng đất xa xôi.

Cảnh tượng đó cứ như thế được khắc họa trên tấm vải bố.

Sườn xám của cô ấy có màu vàng, màu trên bảng pha màu của cô cũng ra màu vàng sáng y hệt như thế. Vẽ đến cuối cùng mà vẫn dư màu, cô dùng đầu cọ chấm vào màu vàng óng ánh đó, ký tên mình sống động trên góc phải bức vẽ — Rossela Matrone.

Sau này nghĩ lại, Rossela cảm thấy may mắn vì mình đã dùng cọ vẽ ghi lại dáng vẻ của Kim Hồng Mai. Phim ảnh thời đó đều chỉ có hai màu đen trắng, nhưng đen trắng làm sao có thể ghi lại thanh xuân của cô ấy được? Kim Hồng Mai là một phụ nữ xinh đẹp, mà người đẹp thì phải dùng những sắc thái rực rỡ và lộng lẫy nhất để lưu lại phong thái tao nhã này.

Vẽ tranh chân dung xong, Kim Hồng Mai bèn tháo bỏ bức họa trong cửa hàng mà Diệp Nhữ Thu đã mua về, bỏ tác phẩm của cô ấy vào trong. Kim Hồng Mai còn nói bức tranh này không chỉ đáng giá hai túi bánh mì được, nhưng Rossela sao có thể lấy tiền của cô ấy đây? Hai người đều không thích đưa qua đẩy lại, cuối cùng, Kim Hồng Mai đã tháo một hạt ngọc trên cổ tay xuống đưa cho cô.

“Bức tranh này khó mà dùng tiền để cân đo được.” Thoáng chốc cô ấy trở nên rất biết nhìn hàng: “Hạt ngọc của tôi cũng khó mà nhận định giá cả, tôi dùng hạt ngọc này để đổi với cô, không cho phép từ chối.”

Cứ như thế hạt ngọc đó đã rơi vào trong tay cô, nó bóng bẩy nhưng lạnh lẽo. Cô cầm lấy phần thù lao không thể định giá ấy cùng bánh mì và táo về nhà trọ. Vào khoảnh khắc nằm xuống, cô chợt nhớ đến dáng vẻ ưu thương lúc tựa người vào cửa của Kim Hồng Mai.

“Người phụ nữ như Kim Hồng Mai sẽ đau lòng vì ai đây? Cô ấy chưa từng nhắc đến với tôi, tôi cũng sẽ không hỏi tới. Đó là mùa hạ đầu tiên tôi ở cùng cô ấy ở Melbourne, cũng là mùa hạ cuối cùng. Anh Diệp đã vào tù, Kim Hồng Mai vì anh ta mà bán đi bất động sản ở “Hồng Mai Diệp”, tôi nghĩ cô ấy cũng không hề lạnh nhạt với người đàn ông này như trong tưởng tượng của tôi. Cô ấy quyết định đi cùng cô gái kia (Chúc Song Song) đến Sydney. Khi đó Andrew cũng có lời mời tôi đi cùng anh ấy với tư cách là trợ lý để đến sa mạc đất đỏ khảo sát tình hình quần cư của thổ dân. Chúng tôi đã rời khỏi Melbourne như thế — Nhật ký của Rossela.”

***

Có rất nhiều khả năng để con người gặp lại nhau, nhưng khả năng tệ nhất là trùng phùng trong tang lễ, người rời đi là Andrew.

Sa mạc đất đỏ những năm 40 nhiệt độ cao, nắng nóng gay gắt như muốn thiêu đốt, giao thông lại bất tiện, phương thức liên lạc duy nhất là thư từ qua lại. Một đứa trẻ trong cộng đồng trong lúc xung đột đã bị thương nặng, Andrew – một anh chàng ngoại lai đến khảo sát đã truyền máu cho cậu bé đó, sau đó trên đường lái xe trở về Alice Springs đã gặp phải trục trặc xe cộ.

Sa mạc không có tín hiệu, anh ấy không thể nào liên lạc với cứu viện. Sáng sớm ngày hôm sau, một tài xế xe tải đi ngang qua đã phát hiện ra anh ấy hôn mê bên đường.

Có lẽ là vì hiến máu quá nhiều trong một thời gian ngắn, cũng có lẽ vì nhiệt độ về đêm ở sa mạc quá thấp, cũng có thể vì mệt mỏi quá độ và thiếu dinh dưỡng. Bác sĩ kết luận nguyên nhân cái chết của anh ấy là do sốc tim, nhưng Rossela ý thức được, anh ấy chết vì sự tầm thường nhỏ bé của con người trước tự nhiên.

Ở trước mặt sa mạc đất đỏ, tính mạng của con người nhỏ nhặt và yếu ớt như thế. Cảm giác vô lý của câu chuyện càng được tăng lên gấp bội và đạt đến cao trào khi cô tìm thấy chiếc nhẫn cầu hôn trong túi áo anh.

Cô vốn phải cùng anh ấy tổ chức hôn lễ, nhưng giờ lại phải bắt tay vào tổ chức tang lễ. Ở Bắc bán cầu đang chiến tranh căng thẳng, mẹ của anh ấy không đến được, chỉ có một phong thư viết bằng tiếng Anh đại diện cho sự có mặt của bà:

“Con trai tôi là nhà thám hiểm vĩ đại hơn cả mẹ mình, cháu mất trên con đường làm cho thế giới này càng tốt đẹp hơn.”

Thổ dân giúp cô tổ chức nghi lễ, họ dùng cách của sa mạc đất đỏ đưa tiễn Andrew, họ nhảy múa trong tang lễ của anh ấy, ánh lửa chiếu sáng khuôn mặt Rossela, nhưng chói mắt hơn cả lửa cháy bập bùng là cảnh chiều hôm xẩm tối, là cát đỏ mù mịt cùng với tin tức Kim Hồng Mai nghe tin chạy đến.

Cô ấy trông rất nhếch nhác, từ trên xe lửa chuyển sang xe tải chở quặng, rồi lại phải cưỡi ngựa thêm một đoạn đường. Cô ấy không còn mặc sườn xám nữa mà thay vào đó là quần dài và ủng, áo sơ mi cột ở hông, da dẻ phơi nắng đỏ bừng giống như một nữ cao bồi chính hiệu. Cô ấy sải bước đi đến trước mặt Rossela dang rộng đôi tay về phía cô.

Trong lòng bàn tay Kim Hồng Mai là hộp thuốc lá được phác họa dáng vẻ người cô yêu. Hộp thuốc bị vò nát rồi lại được mở ra, không biết cô ấy đã tìm từ đâu ra nữa. Lúc này Rossela mới bàng hoàng nhận ra, mình chưa từng chụp ảnh cho Andrew, đây là toàn bộ những hồi ức mà anh để lại cho cô.

Mãi cho đến giờ phút này cô mới nhận ra rằng Andrew đã rời đi, người tình luôn miêu tả thế giới lý tưởng với cô đã đi mất rồi. Anh không thể ôm hôn cô, đôi hàng mi màu vàng đặc biệt ấy cũng sẽ cùng thân xác anh cháy rụi trong ngọn lửa hừng hực rồi biến mất trong gió của sa mạc đất đỏ.

Cô ngẩng đầu lên, Kim Hồng Mai đang nhìn cô, đôi mắt kiên định và sáng hơn bao giờ hết.

“Tiếp theo đây cô định làm gì?” Kim Hồng Mai hỏi.

Rossela sững sờ nhìn cô ấy, ngẫm nghĩ một hồi lâu mới nhẹ nhàng lên tiếng: “Tôi cũng không biết, nhưng tôi không muốn rời khỏi nơi đây.”

Cô chỉ nói một câu như thế, Kim Hồng Mai không hỏi thêm câu nào dư thừa mà thẳng thừng trả lời: “Được, tôi ở lại với cô.”

Kim Hồng Mai đã mất đi “Hồng Mai Diệp”, Rossela mất đi người yêu, các cô không còn gì nữa, các cô giờ đây có thể bất chấp để làm một điều gì.

Andrew để lại một vài tài sản, không nhiều, may mà mọi thứ ở Alice Springs đều rất rẻ. Kim Hồng Mai dùng số tiền này mua lại một tòa nhà trong thị trấn, cải tạo lại thành một khách sạn, Rossela mới đầu không biết mình nên làm gì, thế là cô bắt đầu học ngôn ngữ của bộ lạc, sau đó tìm một cặp chị em người bản địa để làm tiếp tân của khách sạn. Hai chị em đó rất chịu khó, khuyết điểm duy nhất là tên họ quá dài, nhưng điều này không làm khó Kim Hồng Mai, cô ấy đã đặt tên cho hai chị em họ bằng hai cái tên Trung Quốc vừa đơn giản vừa dễ hiểu.

“Lệ Lệ và Quyên Quyên.” Cứ thế cô ấy đã gọi hai chị em thổ dân bằng cái tên này.

Trong khách sạn có nuôi vài con ngựa, Kim Hồng Mai trở thành cao thủ huấn luyện ngựa. Cô ấy còn vay tiền của một người bạn ở Sydney để mua một chiếc xe, cô ấy là người phụ nữ duy nhất biết lái xe ở sa mạc đất đỏ. Rossela phải thừa nhận rằng Kim Hồng Mai có say mê điên cuồng với bất kỳ phương tiện giao thông nào, nếu như có cơ hội, e rằng cô ấy cũng sẽ đi học lái máy bay.

Lần đầu tiên Rossela đi ngắm Ayers Rocks cũng là Kim Hồng Mai đã lái xe đưa cô đi.

Thực ra cô nên đi từ rất lâu rồi, nhưng Andrew đã mất trên con đường đó, bia mộ của anh ấy cũng được bố trí ở một bên trên đường quốc lộ. Anh ấy không có ảnh chụp nào khác, nên trên bia mộ chỉ là ảnh sao chép trên hộ chiếu, vẻ mặt rất nghiêm túc, khóe miệng không có ý cười. Nhưng anh rõ ràng là một người rất thích cười, lúc cười hai hàng mi run run, đôi mắt màu lam tựa như đại dương mênh mông dưới bầu trời quang đãng.

Cô đã tránh con đường đó rất lâu, cho đến một ngày Kim Hồng Mai trở về nói với cô, cứ đi xem thử xem, trên bia mộ bám đầy cát đỏ, ngoài cô ra chẳng có ai lau dọn đâu.

Đúng như vậy.

Họ đã quên anh ấy rồi.

Vào ngày đi quét tước bia mộ cho anh, thời tiết không tốt cho lắm, trên sa mạc phía đằng xa mơ hồ đang cuồn cuộn nổi lên gió lốc, Kim Hồng Mai cũng không giục cô. Cô lau chùi kỹ lưỡng những vết cát đỏ bám trên mộ, sau đó dùng ngón cái vuốt ve gương mặt anh ấy. Gió càng lúc càng lớn, cuốn lấy sỏi đá quật vào mặt người khiến làn da khô cằn như muốn nứt nẻ càng thêm đau nhói. Anh ấy đã qua đời lâu như vậy, hôm nay cuối cùng cô cũng rơi nước mắt, khuôn mặt giàn giụa nước mắt cô hôn lên bức ảnh, nước mắt chảy xuống đôi mắt anh, cô dường như cảm thấy hàng mi anh đang run rẩy.

Sau đó các cô quay lại xe, Kim Hồng Mai lái xe đi về hướng Ayers Rock, đó cũng là hướng của cơn gió lốc. Cát đá đập vào trên kính xe phát ra những tiếng leng keng ghê rợn. Màu đất đỏ dần trở nên tăm tối, những áng mây nơi chân trời đã kéo tới một mảng đen mù mịt. Kim Hồng Mai đạp chân ga đến mức thấp nhất, lái xe tiến ngược chiều gió đi về phía cơn gió dữ. Đầu xe xé toạc cơn gió, động vật trên sa mạc hoảng sợ chạy trốn, cô còn nhìn thấy chuột túi và thỏ hoang đang chạy thục mạng như bay.

Kim Hồng Mai không giảm tốc độ mà chỉ chạy thẳng dọc theo con đường quốc lộ, Rossela cũng không ngăn cản cô ấy.

Sau đó trong một khoảnh khắc nào đó, cơn gió lốc bỗng nhiên biến mất.

Mọi thứ đều biến mất.

Cô nhìn thấy tảng đá khổng lồ kia dần xuất hiện từ cuối đoạn đường lớn, khi các tầng mây mở ra, ánh nắng chiều như lửa cháy rụng rơi trên vùng sa mạc. Thế giới khi được gió lớn thổi quét qua chợt trở nên sạch sẽ lạ thường, bầu không khí không còn khô nóng nữa.

Trước khi mặt trời lặn xuống hoàn toàn, cuối cùng các cô đã đến dưới chân tảng đá Ayers Rock đó. Hai người phụ nữ bò lên nóc xe, sóng vai nhau nhìn ngắm tảng đá như lửa và ánh hoàng hôn đã từ từ tàn lụi.

Bỗng nhiên cô thấy miệng mình rất đau, thì ra lớp da môi đã nứt nẻ mà từ trước đến nay cô không cảm nhận được. Không khí khô hanh nhưng lại sạch sẽ, cô buông thõng hai chân xuống, tay chân đã hoàn toàn thả lỏng, hít thở thật sâu để cảm nhận giải thoát mà trước nay chưa từng có.

“Hồng Mai, cô có thể về rồi.” Rossela nói.

Cô ngẩng đầu lên, tầm mắt hướng về phía Ayer Rock to lớn, chầm chậm nhắm mắt lại.

“Tôi đã không còn muốn chết nữa.”

Hoàng hôn buông xuống, từ đằng xa truyền đến bài trường ca chẳng biết ngôn ngữ nào.

“Cuộc đời thật đáng buồn, đoạn tuyệt với người thân duy nhất, lý tưởng bị thời đại lưu đày, sự ra đi của người thương trở thành cọng rơm cuối cùng đè nát tôi. Cô ấy đã nhận ra tôi mất đi ý chí sống từ lúc nào nhỉ? Cô ấy đã đưa tôi vượt qua cơn gió lốc dài nhất trong cuộc đời để đến trái tim của sa mạc. Ánh hoàng hôn thắp sáng Ayers Rock, cũng thắp sáng cuộc đời đã gần tàn lụi của tôi. Hồng Mai, tôi phải báo đáp cô thế nào đây? — Nhật ký của Rossela.”

***

Rossela quen biết Kim Hồng Mai vào mùa đông, cô ấy cũng rời khỏi Alice Springs vào mùa đông. Rossela tiễn cô ấy đến trạm xe, có một chuyến xe chở quặng mang theo một toa hành khách. Cô ấy lo lắng đường đi gặp nguy hiểm nên đã giả dạng thành đàn ông, cô ấy cũng nói đây cũng không phải lần đầu tiên làm như thế.

“Nhớ gửi thư cho tôi.” Cô ấy nói: “Tôi cũng sẽ gửi thư cho cô, dù chữ có hơi xấu.”

Rossela phì cười trả lời: “Được.”

Tình cảm giữa hai người các cô vẫn bình lặng như thế, giống như đang cùng nhau uống trà chiều ở Melbourne rồi chia nhau về nhà. Sau tiếng còi dài báo hiệu, đoàn xe lửa đã mang đi người bạn thân của cô, mang đi cả mối liên kết cuối cùng còn sót lại với cô trên thế giới này.

Sau khi Kim Hồng Mai đi, ngày tháng trôi qua trở nên dài đằng đẵng.

Cô không muốn chết nữa, nhưng không có nghĩa rằng cô sẽ không còn đau khổ. Cuộc sống nhàm chán trên sa mạc, những đêm dài tăm tối khiến cơn đau càng thêm sâu sắc. Những cảm xúc dày đặc đó đang tích tụ trong lòng cô, cô buộc phải giải phóng chúng, cô nhất định phải tìm ra lối thoát.

Thế là, tài năng đã chết đi có một ngày sống lại trong cô, cô bắt đầu cầm cọ vẽ một lần nữa.

Cô lớn lên trong đôi mắt ngắm nhìn những bức tranh của mẹ, cô chưa từng cho rằng mình có thiên phú ấy, nhưng ngày đó cô hốt hoảng nhận ra trong những tác phẩm của mình bắt đầu có hồn. Cô vẽ mỗi một suy tàn trong cuộc sống thường ngày, vẽ thổ dân đi mua rượu, vẽ ánh hoàng hôn buông trên sa mạc đất đỏ, vẽ lại hai quê hương trong trí nhớ. Bỗng một ngày chợt nảy ra ý tưởng, cô lái xe đi đến Ayers Rock vẽ lại tảng đá đỏ khổng lồ đã thắp sáng linh hồn cô.

Bức tranh đó về sau đã được ông chủ phòng trưng bày thường xuyên đi du lịch các nơi mua lại. Ông ta cũng là người Ý, từ giọng nói của ông ta khiến cô nhớ về quê nhà, vì thế Rossla đã tặng ông ta một chén “Trái tim sa mạc” mà tự cô pha chế.

Dường như cô đã dần bình tĩnh trở lại, việc sáng tác đã khiến cô đi ra khỏi những đau khổ của cuộc đời. Sau khi kết thúc trị liệu cho bản thân, cô bắt đầu bắt tay vào làm một việc khác.

Cô bắt đầu sắp xếp nhưng tài liệu về thổ dân là Andrew đã để lại, học ngôn ngữ của thổ dân và đi sâu vào tìm hiểu cuộc sống cũng như nhu cầu của họ. Cô gửi những tài liệu ấy cho Kim Hồng Mai, cô ấy sẽ không hiểu những thông tin phức tạp này nhưng có thể giúp đỡ cô chuyển giao những tài liệu đến cơ quan học thuật và các tuần báo.

Năm 1976, chính phủ liên bang Úc ban hành Đạo luật Quyền Đất đai của Thổ dân, hoàn trả lại một bộ phận đất đai của lãnh thổ Bắc Úc cho thổ dân. Rossela cũng không biết thành quả nghiên cứu của mình có giúp đỡ được gì trong việc ban hành luật pháp này hay không, năm đó cô cũng đã hơn 50 tuổi, cũng đồng nghĩa rằng đã ba mươi năm không rời khỏi sa mạc đất đỏ này.

Ban đầu là do giao thông bất tiện, nhưng sau này khi đã quen với khí hậu khô nóng của sa mạc, cô lại cho rằng Melbourne quá ẩm ướt. Ai có thể nghĩ rằng cô từng trải qua thời thiếu nữ tại một thị trấn ven biển ở Nam Âu kia chứ? Cô đã trở thành bà chủ thần bí nhất trong khách sạn Hoa Hồng Vàng, trên đầu quấn một chiếc khăn lụa màu vàng như đang đeo mạng che mặt, cùng với chiếc nhẫn cưới trên ngón áp út mà cô sẽ không bao giờ tháo ra.

Người sống trên sa mạc đất đỏ cứ lần lượt thay đổi từ tốp này đến tốp khác, nhưng không có ai có thể kiên nhẫn chịu đựng nỗi cô đơn ở nơi này như cô, thế là những người mới đến cũng không biết được, Hoa hồng vàng không phải bà chủ đeo mạng che mặt màu vàng. Đóa hoa hồng thật sự sẽ không bao giờ trở lại sa mạc nữa.

Nhật ký của cô kết thúc vào mùa đông hai mươi năm trước, ngày cuối cùng khi cô ngừng viết, dường như cô đã có dự cảm rằng sinh mệnh của mình đã đến hồi kết:

“Andrew thân yêu, em đã sống đến số tuổi xa vời hơn trong tưởng tượng của mình, thật khiến cho người ta thấy thương cảm. Nếu như lát nữa còn tỉnh táo, em sẽ viết cho Hồng Mai một bức thư, nhưng em thấy mệt quá, có lẽ ngày mai rồi viết vậy. Tệ thật, khi ở trạm cuối cuộc đời được gặp lại anh, anh vẫn trẻ trung và tràn đầy tinh lực, còn em thì đã trở thành bà lão với đôi mắt lim dim mờ nhòe. Anh hãy chuẩn bị câu hỏi nhé Andrew, chúng ta sẽ trò chuyện với nhau tựa như lần đầu gặp gỡ, Rossela tuổi già vẫn sẽ động lòng vì anh. Còn bây giờ, bà lão với trái tim nhung nhớ tình đầu phải đi ngủ đây, chúng ta hẹn gặp lại nhau trong mơ hoặc là ở sân ga nhé —Nhật ký của Rossela.”

***

Cảm xúc của con người thật kỳ lạ, chỉ nghe một câu chuyện không liên quan đến mình cũng sẽ bật khóc.

Trời đã về khuya, có lẽ Miêu San và Steve đều đã ngủ say. Mộc Tử Quân không dám nấc thành tiếng, cố nhịn những tiếng nức nở trong cổ họng, chầm chậm đưa tay lau nước mắt. Tống Duy Bồ đặt quyển nhật ký xuống, đưa tay gạt đi nước mắt trên má cô.

Ngón tay anh rất cứng, quét ngang trên da mặt cô khiến cô giật mình phải lùi về sau, tránh được vài lần, cả hai người đều bất giác nhoẻn miệng cười.

“Em cũng không cần dùng năng lực đồng cảm mạnh mẽ thế đâu.” Anh nói.

“Đây cũng là bản năng mà.” Cô nói: “Anh khích lệ tôi giải phóng bản năng của mình còn gì.”

Còn biết suy một ra ba nhỉ.

Anh lắc đầu, lật ra phía sau quyển nhật ký rồi lấy ra rất nhiều giấy tờ kẹp trong tấm bìa da bò. Mộc Tử Quân dời đến bên cạnh anh, nhìn vào hộp thuốc lá màu xanh thẫm. Tống Duy Bồ lật hộp thuốc lá lại, mặt trước thật sự là chân dung của người đàn ông đã bị mài mòn, giờ đây chỉ còn lại những nét vẽ mờ nhạt.

Bút chì không có màu sắc, cô không nhìn ra được đôi mắt màu lam mà Rossela đã yêu tha thiết, nhưng đường nét khuôn mặt quả thực tuấn tú đẹp đẽ, tựa như thiếu niên trong vườn hồng mà Shakespeare đã miêu tả.

Nằm dưới hộp thuốc còn có vài phong thư, có bức tiếng Trung cũng có bức tiếng Ý, còn có một vài tấm ảnh đã chụp Rossela ở sa mạc đất đỏ. Khi xấp giấy được lật đến cuối, cô nhìn thấy một thẻ đánh dấu trang có nút thắt cát tường kiểu Trung Quốc. Trong phòng ánh sáng mờ tối, Mộc Tử Quân không tự chủ được đưa mắt sát lại gần hơn, cô phát hiện trong chỗ bên dưới nút thắt có treo hai hạt ngọc, một xanh một trắng.

Cô đưa tay xoay hạt châu màu xanh kia, bên trên mặt ngọc được khắc chữ “Lưỡng”, vội lật lại cho anh xem.

***

Cô vừa mới khóc xong đầu óc vẫn còn mơ hồ, Tống Duy Bồ phản ứng nhanh hơn, anh tháo nút thắt từ trên thẻ đánh dấu trang xuống. Trên bàn trà có một lọ đựng bút, anh lấy chiếc kéo từ trong đó ra, lưỡi kéo sắc bén lồng vào nhau, nút thắt rơi xuống, chỉ còn hạt ngọc rơi vào trong bàn tay anh.

Hai hạt ngọc đều được khắc chữ “Lưỡng”, một tiếng Trung một tiếng Anh, hai đóa hồng song sinh, hai cuộc đời biến động.

(*) 两: chữ Lưỡng ở đây là từ chỉ số lượng Hai (số 2)

“Đưa vòng tay của em cho tôi.” Tống Duy Bồ đưa tay ra, cô giật mình tháo vòng tay trên cổ tay xuống đưa cho anh – Leng keng, chữ “Lưỡng ” đã về vị trí cũ, chỉ còn lại “Bất nghi”.

“Nhưng mà…” Cô chống tay lên đầu gối, để mặc Tống Duy Bồ giúp cô đeo lại vòng tay, sự lạnh lẽo của ngọc trai dần ngấm vào trong da thịt cô: “Rossela đã dành cả cuộc đời còn lại của mình ở Alice Springs, trong nhật ký của bà ấy không có nhắc đến những chuyện về sau của bà ngoại anh, tiếp theo đây chúng ta…”

Vòng tay đã mang vào cổ tay, Tống Duy Bồ rụt tay về. Mộc Tử Quân nghiêng mặt qua, nhìn thấy anh dùng hai ngón tay nhéo mi tâm, vẻ mặt có hơi uể oải.

Lúc này Mộc Tử Quân lại nhớ tới hai ngày nay anh chỉ ngủ được một lúc trên xe, vội vàng sửa lời: “Đi ngủ trước đã, tôi vừa mới xem chiều mai có vé máy bay, chúng ta về Melbourne trước rồi…”

“… Tống Duy Bồ?”

Sau chừng mười giây im lặng, Mộc Tử Quân cuối cùng đã nhận ra rằng:

Anh… lại ngủ thiếp đi.

Lần này tư thế ngủ còn đặc biệt lạ hơn, anh thậm chí còn không dựa vào bất cứ thứ gì, chỉ ngồi trên sofa, khuỷu tay chống lên đầu gối, đầu dần gục xuống. Mộc Tử Quân quan sát chuyển động của anh mà không nói lời nào, trước khi tư thế ngồi vững của anh sụp đổ cô đã kịp dùng hai tay để giữ vai anh lại.

“Anh thật là…”

Cô bất lực nói: “Trở về phòng ngủ đi…”

Trong tư thế được Mộc Tử Quân giữ lấy, Tống Duy Bồ đã tìm được sự cân bằng mới, khuôn mặt anh khi ngủ rất bình yên, hàng mi dài không hề run rẩy, chẳng mấy chốc đã chìm vào giấc ngủ sâu. Mộc Tử Quân nhắm mắt lại, trong lòng thầm kêu than trời xanh ba lần, cô thở dài một hơi sau đó đỡ lấy vai anh chầm chậm đặt anh nằm xuống ghế sofa.

May mà đây là sofa dạng giường, tuy rằng không kéo ra được nhưng đệm có xúc giác giống giường nên ngủ một đêm cũng sẽ không quá khó chịu. Mộc Tử Quân không thể vào phòng Steve được, chỉ đành lấy áo khoác mà Tống Duy Bồ treo trong phòng khách đến đắp lên người anh.

Thế này chắc là được rồi.

Cô lại ngồi xuống bên ghế sofa quan sát Tống Duy Bồ một hồi lâu, sau đó lấy son dưỡng môi từ trong túi ra, dùng ngón tay lấy một lượng vừa đủ thoa vào môi anh, rồi lại chấm một ít vào môi mình.

Sa mạc đất đỏ hoang vắng, cằn cỗi và bi thương như thế, nhưng đối với họ, đây là cõi mộng ngập tràn mùi hương cam quýt thơm mát.

“Andrew thân yêu của em, tình yêu rốt cuộc là gì đây? Anh quả thật rất quyến rũ, rất tuấn tú lại tài hoa hơn người. Nhưng bấy nhiêu đó có thể giải đáp được nỗi say mê và sự tận tâm của em với anh sao? Những năm anh rời đi, em vẫn luôn nghĩ mãi về vấn đề này. Nhưng vào hừng đông của một ngày nào đó, em đã mở kiện hàng mà Hồng Mai gửi đến cho em. Cô ấy thật đáng yêu, biết rằng bất kỳ loại trái cây nào gửi đến sa mạc cũng sẽ khô quắt lại giữa đường, thế nên đã gửi vỏ cam quýt đã phơi khô cho em. Em dùng nước nóng để ngâm chúng, thế là cả ngôi nhà đã ngập tràn mùi cam quýt tươi mát. Andrew, anh có thể tưởng tượng được không? Vào khoảnh khắc ấy em như đã giác ngộ ra câu trả lời cho câu hỏi đó.

Yêu là khi hai linh hồn cho nhau can đảm để sánh bước bên nhau tiến về phía trước. Đây là lý do vì sao em bị cuốn hút bởi anh, mỗi một ngày ở bên anh, em đều dũng cảm hơn ngày hôm qua. Tiếc là chúng ta không có con cái, nếu không em có thể dạy con đạo lý này. Có lẽ Hồng Mai sẽ có con cháu anh nhỉ? Em muốn đem những lời này viết vào trong thư gửi cô ấy. Hy vọng đứa trẻ đó cũng có thể gặp được người thương như anh đã từng với em. —Nhật ký của Rossela”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.