Gió Nửa Ngoại

Chương 1-2: Tới đi, cho nhau đau thương này




K H Ó nuôi.

Đó là tất cả những gì Nguyên An nhận xét sau 24 giờ chung nhà với Anh An.

Khó ăn ở.

Đó chỉ là một phần tiêu biểu trong n cái tiêu biểu Anh An đánh giá về Nguyên An sau 24 giờ ở ké.

Hai đứa chúng nó chẳng hề nhìn mặt bắt hình dong, mọi thứ đều dựa vào hành động thực tế mà có cái nhìn về đối phương hẳn hoi.

Chẳng hạn như mới sáng sớm Nguyên An đã chứng kiến cảnh anh em nhà Anh An cãi nhau. Vì cô em nhất quyết không muốn ăn sáng với mì thịt bò.

Chẳng hạn như trong bữa ăn Anh An thấy Nguyên An nhíu mày thật chặt khi sử dụng đôi đũa không bằng nhau do chính nó xếp.

Hay chẳng hạn như lúc chuẩn bị đi học, Anh An nhất quyết không muốn đi bằng xe đạp vì nắng, còn Nguyên An một mực không muốn đi xe buýt vì đông người.

Cả Nguyên An lẫn Anh An đều không muốn chỉ vì chuyện phương tiện đi lại mà dài dòng, nên chỉ sau hai ba câu trái chiều nhau hai đứa đã tự động đường ai đấy đi.

Nhưng một người mới như Anh An tính không bằng kẻ lão luyện như Nguyên An tính. Trước đó Nguyên An đã nhấn mạnh xe buýt rất kinh khủng, chỉ là Anh An không tưởng tượng sự kinh khủng đó, quyết tâm đi xe buýt. Để bây giờ bản thân nó phải xiên xẹo đi đến cái thùng rác xanh nơi vỉa hè, nôn lấy nôn để sau khi may mắn thoát khỏi chiếc xe.

Cãi thấy núi đè cấm có sai.

Nguyên An dừng xe đạp cách Anh An không xa, cậu nhìn cái đứa tính ngang như cua trước mặt không khỏi thở dài một hơi. Cảm giác cuộc sống chuẩn bị dính một của nợ xâm chiếm cả tâm hồn khiến cậu khẽ rùng mình một cái.

Nắng cuối tháng Chín không ấm, mặt trời lên đến đỉnh đầu cháy rực, kẻ bực bội nguyền rủa xe buýt, người khó chịu đạp xe dù có cảm thán trời, cảm thán người cũng phải đi học.

Quan trọng hơn hết, hôm nay là ngày đầu tiên Anh An đi học sau khi trở về Việt Nam ngày hôm qua.

Nguyên An nhớ rõ điều này. Từ hôm qua đến sáng trước khi ra khỏi nhà hôm nay, cậu đã nghe anh trai của Anh An nhai đi nhai lại n câu nhắc nhở cô em gái phải thế này thế nọ. Còn khéo léo nhờ vả cậu để mắt đến giùm.

Nguyên An nhìn đồng hồ, đã bảy giờ kém mà cả hai vẫn còn đứng ở nửa quãng đường. Đúng là dính nợ thật rồi.

Nguyên An đạp xe đến trước mặt Anh An vẫn còn đang nhăn nhó, ngắn gọn một câu:

"Lên xe đi."

Anh An xịu mặt, một bước không bằng lòng, hai bước cũng không bằng lòng vén tà áo dài ngồi lên yên sau. Nguyên An cũng chẳng để tâm cái mặt như bánh đa nhúng nước của người ngồi sau, cảm giác được Anh An đã yên vị, cậu dùng sức đạp xe rời đi.

Cả đoạn đường chẳng ai nói với ai câu nào, cơ bản thì Anh An không có thiện cảm với Nguyên An bao nhiêu lắm, và Nguyên An cũng không có cảm tình gì nhiều với Anh An.

Im lặng dường như không có gì, nhưng thực ra thì rất có gì. Vì yên xe đạp của Nguyên An bằng inox, lại chạy xe đạp trên vỉa hè không mấy bằng phẳng, cậu lại chạy nhanh vì sắp trễ học nên bây giờ hai bàn toạ của Anh An dường như tê rần. Anh An mấy năm rồi không phải ngồi kiểu thế này, bây giờ phải chịu xóc, chịu đau, mặt con nhỏ nhăn tít lại như mặt khỉ.

Mà không phải chỉ mình Anh An có vấn đề, Nguyên An cũng có vấn đề nốt. Không biết người ngồi sau có mắc chứng sợ tốc độ chậm hay không mà suốt cả quãng đường cứ nắm chặt lấy hai bên hông áo của cậu. Cậu biết Anh Anh ở Mỹ đi học bằng xe buýt vô cùng văn minh hay là xe hơi của nhà, những phương tiện với tốc độ chớp mắt là tới. Bây giờ đi lại bằng xe đạp nên không quen chăng? Mà nắm áo cậu cũng được, không sao, nhưng có cần thiết phải siết chặt như thế không? Cậu phải cong lưng ra sức đạp, áo lại bị nắm chặt, cậu sợ đến trường thì áo cũng rách mất.

Nguyên An vừa chạy xe vào cổng trường là vừa lúc trống đánh vào học. Cậu dừng xe ở nhà giữ xe, thở hồng hộc. Anh An cũng thở ra một hơi mạnh, con nhỏ máy móc rời yên xe, cặp bàn toạ chính thức không có cảm giác.

Nguyên An không để ý đến sự khác biệt từ tư thế của Anh An, từ lúc Anh An xuống xe mọi sự tập trung của cậu chỉ dồn vào chỗ bên hông áo bị nắm đến nhăn nhúm. Không bị rách, may quá!

Anh An sau khi tìm lại được cảm giác từ bàn toạ cũng đưa mắt nhìn đến chỗ áo sơ mi trắng nhắn nheo khó nhìn mà mình vô tình tạo ra. Con nhỏ không chủ động nuốt xuống một ngụm nước bọt, động phải tên khó ăn khó ở rồi.

"Sorry, tôi... không có cố ý..." Anh An đưa tay vuốt vuốt mái tóc mình, mắt láo liên hết chỗ áo nhăn đến khuôn mặt không mấy dễ chịu của Nguyên An.

"Không có gì." Nguyên An đáp lại, ngắn cụt.

"Thanks!" Anh An cười gượng nói nhanh theo thói quen.

Nguyên An chẳng để ý, cậu xếp xe vào hàng, lấy cặp từ giỏ xe đeo vào vai rồi bước đi. Nhưng chỉ được hai bước liền dừng lại, khuôn mặt ngăm ngăm có đầy vẻ bất dĩ rồi cũng nhanh chóng trở lại bình thường. Cậu thở dài một hơi, quay người hỏi Anh An:

"Bạn có nhớ anh trai bạn nói học lớp nào không?"

"What? Oh, 12A2."

"Vậy nhanh lên, đi theo tôi. Sắp trống vào tiết rồi." Không đợi Anh An có phản ứng gì, vừa dứt lời Nguyên An đã bước đi.

Anh An ngẩn người giây lát, khi thấy người đi trước đã đi một đoạn xa con nhỏ mới lật đật chạy theo.

Trường học ở Việt Nam Anh An không lạ gì, mặc dù ở nước ngoài mấy năm nhưng con nhỏ chưa từng quên kiểu cách ở Việt Nam. Hôm nay đi học lại, Anh An nghĩ cũng không có gì khác thường, nhưng cảm giác trong nó lại vô cùng khác thường. Hệt như sáng nay khi nhìn chính mình trong gương với chiếc áo dài trắng vất vả lắm mới mặc được chỉnh chu, nó thấy nao nao, cảm giác thinh thích, mong chờ. Bây giờ cũng vậy, khi đôi bàn chân chạy trên nền xi măng xám trắng, đâu đó có vài chiếc lá bàng, xung quanh là tường vàng cửa xanh, lòng nó lại nổi lên cơn nôn nao, bỡ ngỡ như đứa trẻ ngày đầu đến trường.

Cảm giác của một học sinh lớp 12 như nó hôm nay là: mình là học sinh.

Nguyên An dừng chân tại 12A1 ở tầng 4, cậu chỉ tay sang lớp kế bên, vẫn kiểu tiết kiệm câu chữ với Anh An, nói:

"Lớp bạn."

"Oh... thanks!"

Nguyên An đứng nhìn Anh An mặt ngơ mặt ngác chừng mấy giây rồi cũng dứt khoát vào lớp mình.

Cậu ta cũng không phải trẻ đi mẫu giáo. - Nguyên An thầm nghĩ.

Đặt cặp xuống nơi bàn cuối, Nguyên An chưa kịp ổn định gì người bàn trên đã quay xuống, kiệm lời không kém Nguyên An hỏi:

"Ai?"

"Người quen của anh trai."

Sau đó... chẳng có sau đó nữa.

Anh An nắm chặt tà áo dài, chậm chạp bước đến trước cửa lớp cạnh 12A1 là 12A2.

Từ xa đã nghe thấy tiếng ồn. Chuyện này Anh An vẫn còn nhớ rất rõ, trống đánh vào lớp mà chưa vào tiết thì lớp nào cũng như lớp nào - ồn như cái chợ. Tiết mục gọi là truy bài đầu giờ chỉ là cái tên gọi mĩ lệ cho thời gian quậy phá của lũ học sinh.

Đôi bàn chân của Anh An tiến lại gần cánh cửa xanh lá, thấp thoáng sau đó màu áo trắng tinh khôi, vài ba chiếc bàn gỗ, tiếng cười đùa giòn giã, tim Anh An cũng theo đó vội vã nhịp đập.

Mình đã nghĩ sẽ chẳng bao giờ có lại những cảm giác quái dị này trong cuộc đời một lần nào nữa...

Tim Anh An dường như muốn nổ tung ra khi bước một bước vào nền gạch vàng. Tâm trạng căng thẳng. Lưng áo ướt mảng mồ hôi. Lớp học ồn ào. Chẳng một ai thấy Anh An xuất hiện ở cửa!

Không phải phim thần tượng Hàn Quốc, xứ Trung. Không phải truyện tuổi teen thắm hường. Không phải tưởng tượng hư ảo. Thực tế - học sinh mới chẳng được dẫn đến tận lớp, đứng trên bục lạnh lùng ném vài câu chào ngắn ngủn rồi gây chú ý, rồi một vài người cảm thấy thật thú vị, hay một vài người cảm thấy ghét từ cái nhìn đầu tiên. Thực tế - Anh An ngây ngốc đứng ở cửa lớp, không ai trong mớ hỗn độn giữa bốn bức tường, hai cái bảng thấy sự hiện diện của học sinh mới.

Bối rối!

Anh An hít một hơi thật sâu, bước vào giữa lớp, đôi mắt con nhỏ lướt sơ một vòng, khi mọi thứ đã thu hết vào mắt, đôi môi Anh An không khỏi giật giật ở khoé.

Trái Đất tròn cũng cấm có sai!

Khi đặt chân lên máy bay, Anh An đã nghĩ đến cảnh phải gặp lại người cũ, nhưng chẳng ngờ lại duyên đến mức này.

Phòng học vuông vuông, Đông Tây Nam Bắc, ở ngay điểm tâm, đâu đâu cũng là người quen. Lại còn trùng hợp đến mức ngay bàn cuối, nơi mà hầu hết cái tập thể này đang xúm lại như kiến ngửi được mùi đường, hú hét như ở vũ trường, người yêu chưa nói lời chia tay và gái xấu ảo tưởng xinh đẹp đang hôn nhau quên cả trời đất.

Rốt cuộc thì ai đó đã đổ bao nhiêu xô máu chó vào cái lớp này vậy?

Trống đánh vào tiết, có đứa tách đám đông trở về chỗ, vừa quay mặt lại như gặp ma giữa ban ngày, lắp ba lắp bắp không thành một câu. Anh An mỉm cười, giơ tay vẫy vẫy, to miệng chào hỏi:

"Hi! Lâu ngày quá! Khoẻ không? Chồng của An!"

Người cũ? Tới đi, cho nhau đau thương này.

(Cont)

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.