Gặp Nhau Phút Đầu Cuối Cùng Lìa Xa

Chương 17: 17: Chương 5-4





Ngoài việc qua lại với Nghiêm Cẩn, việc cứ cách hai tuần đến thăm người phụ nữ bị hoại tử xương đùi một lần cũng trở thành thói quen mới của Quý Hiểu Âu.

Mỗi lần đến thăm cô không chỉ mang theo thức ăn và trái cây đủ dùng trong hai tuần tiếp theo mà thỉnh thoảng còn tới cùng một người giúp việc theo giờ.

Bụi bặm được lau dọn sạch sẽ khiến căn nhà nhỏ cũng dần trở nên sáng sủa hơn nhiều.
Một nghi vấn vẫn nằm sâu trong tâm trí cô, mà cứ mỗi lần nhìn khung ảnh của cậu thiếu niên kia, nghi vấn đó lại càng trở nên sâu sắc.

Song, cô chưa một lần mở miệng đích thân hỏi người phụ nữ ấy bởi nghĩ đi nghĩ lại, cô vẫn cảm thấy điều này thật khó có thể xảy ra, hai người khác nhau một trời một vực, như đến từ hai thế giới vậy.

Mọi thứ trên đời đều có điểm giống nhau, cô tự nguyện tin rằng đó chỉ là cảm giác nhầm lẫn của mình mà thôi.
Mãi cho đến một buổi trưa, người phụ nữ nằm ngả lưng lên thành giường còn Quý Hiểu Âu gọt táo cho bà ăn.

Đang ngậm miếng táo trong miệng, bỗng bà ngồi thẳng dậy, động tác mạnh bạo khiến Quý Hiểu Âu không khỏi giật mình.

“Con cô về rồi.”
Quý Hiểu Âu chưa kịp lên tiếng đã thấy bà run lẩy bẩy quơ lấy đôi nạng dựng ngay đầu giường, “Không xong rồi, thằng nhóc chẳng báo trước một tiếng gì cả.

Ở nhà không có gì ăn, cô phải vào bếp xem sao.”
Quý Hiểu Âu vội ngăn bà lại, “Cô cứ nằm xuống đã, để cháu gọi mua đồ ăn bên ngoài, sẽ không ảnh hưởng đến giờ ăn trưa của cậu ấy đâu.”
Vừa nói đến đây đã nghe tiếng mở cửa lạch cạch bên ngoài.

Người phụ nữ không kịp lấy nạng, bèn bám tường định đi ra, Quý Hiểu Âu đành dìu bà ra phòng ngủ.
Cửa mở, một chàng thanh niên liêu xiêu đi vào mang theo khí lạnh ngoài trời.

Khi cậu uể oải cởi giày xong và đứng thẳng dậy chào mẹ, hai người bất ngờ đối mặt, Quý Hiểu Âu bất giác kêu một tiếng, giật mình đứng như trời trồng tại chỗ.
Chàng trai với khuôn mặt nhuốm vẻ mệt mỏi này lại chính là tiểu sư đệ cô gặp trên tàu điện ngầm – Trạm Vũ.
Nhìn thấy Quý Hiểu Âu, nét mặt Trạm Vũ trở nên rất đỗi kỳ quặc, cậu chỉ thảng thốt vài giây rồi cứ thế quay lưng mở cửa bỏ đi, còn chẳng nhận ra bản thân vẫn đang xỏ đôi dép đi trong nhà.
Bà mẹ lớn tiếng gọi, toan đuổi theo: “Tiểu Vũ…” Nhưng vì cử động đột ngột liền ngồi sụp xuống, thở dốc hổn hển.
Có nằm mơ Quý Hiểu Âu cũng không ngờ lại gặp Trạm Vũ ở đây, càng không ngờ cậu lại phản ứng như thế.

Cô cứ ngỡ cả đời sẽ chẳng bao giờ gặp lại cậu trai này nữa… một cậu nhóc xinh trai từng được cô coi như đàn em, cũng từng bị cô coi như một gã lừa đảo.
Nhờ ơn của Trạm Vũ, đã có lúc Quý Hiểu Âu nghiêm túc kiểm điểm bản thân, phải chăng cô đã quá dễ tin, quá tử tế với người ngoài.

Cô biết trường học của Trạm Vũ, đáng lẽ chỉ cần một cuộc điện thoại là sẽ tìm được cậu nhưng cô không làm thế, cô vẫn chờ, chờ Trạm Vũ đến tìm mình giải thích tại sao lại ra đi không lời từ biệt như vậy.

Nhưng thời gian càng trôi đi, Quý Hiểu Âu lại chỉ cảm thấy thất vọng.

Cô không thể không thừa nhận, có lẽ bản thân nên học lại cách nhìn người, đành coi tổn thất hơn hai nghìn đồng kia là học phí vậy.

Song, việc gặp lại nhau trong hoàn cảnh này, và cả phản ứng bỗng trở nên kỳ quặc của Trạm Vũ lại là điều Quý Hiểu Âu hoàn toàn không ngờ tới.

Cô dìu mẹ Trạm Vũ ngồi ngay ngắn trên sofa ngoài phòng khách rồi mới cầm áo khoác đuổi theo.
Trạm Vũ chạy rất nhanh đằng trước nên mặc dù là người có sở trường chạy dài 1500m từ hồi còn đi học nhưng đến khi đuổi kịp cậu Quý Hiểu Âu cũng mệt đến mức thở không ra hơi.
Cũng may Trạm Vũ chẳng biết nghĩ thế nào lại tự nhiên dừng bước bên lề đường, quay lưng về Quý Hiểu Âu, thong thả bỏ hai tay trong túi áo khoác.
Theo quán tính Quý Hiểu Âu chạy vụt qua cậu mới dừng lại, chống tay xuống đầu gối thở phì phò thật lâu mới điều chỉnh được nhịp thở, cô vừa thở vừa lườm Trạm Vũ, đỏ mặt tía tai nói: “Cậu chạy làm gì? Chạy đi là coi như không quen tôi hả?”
Chiều cao của Trạm Vũ không thua kém Quý Hiểu Âu bao nhiêu, trước cái nhìn đầy giận dữ của cô, cậu thản nhiên đáp: “Em sợ chị coi em như đứa lừa đảo.”

Quý Hiểu Âu vừa tức vừa buồn cười, “Thế cậu nghĩ bỏ chạy thì tôi sẽ không coi cậu là đứa lừa đảo nữa hả? Logic kiểu gì vậy?”
“Lúc đó em không có tiền.” Cậu nhìn Quý Hiểu Âu, câu trả lời rất đỗi thản nhiên, cặp mắt sáng ngời.

“Em không trả được tiền cho chị.”
“A ha, không có tiền nên cậu trốn khỏi bệnh viện? Sao cậu không nói thật cho tôi biết?”
“Em không muốn bị người ta thương hại.”
Quý Hiểu Âu lắc đầu, tỏ vẻ không thể hiểu được cách suy nghĩ của cậu.

“Nên cậu thà để người ta coi cậu là kẻ lừa đảo?”
Trạm Vũ cụp mắt nhìn chằm chằm xuống bàn chân mình.

Gấu quần jean và đôi dép vải vá chằng chịt sau đường chạy dài đã lấm lem đầy bùn đất nâu vàng.
“Em không định lừa dối chị.” Cậu khẽ nói, “Bàn y tá có ghi số điện thoại của chị.

Ngoài giờ học em có đi làm thêm cho một công ty ở Trung Quan Thôn, có lương sẽ trả tiền chị ngay.”
Quý Hiểu Âu không lên tiếng.

Cô quay sang, nhìn hàng lông mày dưới mái tóc đen nhánh, cặp mắt và đôi môi cậu, cái gì cũng đẹp, và cả làn da trắng trẻo dưới ánh nắng ban trưa, thấy rõ cả những sợi lông măng mềm mịn phủ trên đó.
Cậu ấy còn trẻ quá! Trái tim cô bỗng chốc dịu lại, cơn giận và sự đề phòng vốn ít ỏi tự nhiên cũng bay đi đâu hết.
Có người khi đứng trong giáo đường xám hối đã nói, dù có nhìn sang trái hay phải, tất cả mọi nơi trên thế giới xung quanh đều khiến anh ta tuyệt vọng, anh ta chỉ dám nhìn phía trước, vì ở nơi đó anh ta thấy được Chúa.

Song, giây phút này Quý Hiểu Âu lại nghĩ: Thật ra thế giới vẫn còn nhiều điều tốt đẹp, nhân loại phần nhiều vẫn là người tốt, dù đi đến bước túng quá làm liều cũng chỉ là tình huống nhất thời, có ai không muốn hướng thiện chứ?
Cô lại liếc nhìn Trạm Vũ lần nữa, vẫn cảm thấy có gì đó thật khó tin: Cậu với người mẹ bệnh tật, và căn nhà đơn sơ kia thực sự như đến từ hai không gian khác nhau.

Cơ duyên phải khéo léo đến đâu mới sinh ra một bông sen trắng đến thế từ một đầm lầy?
“Sư tỷ,” giọng Trạm Vũ cất lên làm gián đoạn dòng suy nghĩ miên man của cô, “Chị kể chuyện của em với chị cho mẹ em như thế nào vậy?”
“Hả?” Quý Hiểu Âu chưa phản ứng kịp.
“Sao chị tìm được nhà em? Trường em cho chị địa chỉ à?” Nghĩ đến đây, vẻ căng thẳng và sợ hãi mới thoáng hiện trên nét mặt cậu.
Cuối cùng Quý Hiểu Âu đã hiểu điều cậu muốn nói, cậu sợ cô tố cáo với nhà trường chuyện cậu lừa tiền mình đây mà.

Nghĩ đến đây, Quý Hiểu Âu hận không thể dí ngón tay vào trán cậu, “Ơ kìa, cậu nghĩ đi đâu vậy? Hôm nay chỉ đơn giản là trùng hợp thôi, sao tôi biết sẽ gặp cậu chứ?”
“Em cứ tưởng…”
Quý Hiểu Âu lườm cậu, “Thằng nhóc này nghĩ ngợi nhiều ghê, vì chút tiền nhỏ, sao tôi phải làm vậy?”
Trạm Vũ mỉm cười quay đi như trút được gánh nặng trong lòng.

Nhưng nụ cười của cậu lại khiến người đối diện thấy uể oải vô cùng, hai bên khóe miệng bị cặp má đông cứng kéo lên cao một chút, tạo thành đường cong biên độ nhỏ.
Một đứa trẻ mới hơn hai mươi tuổi đầu thực sự không nên cười khổ một cách mệt mỏi như thế.

Quý Hiểu Âu cố thở một hơi thật dài, chợt nhận ra bản thân cũng bị vây quanh bởi một nỗi niềm khó hiểu.
Mùa xuân Bắc Kinh khác hẳn mùa xuân trăm hoa đua nở ở Giang Nam.

Gió xuân tháng ba tuy không còn rét căm căm như hồi mới vào đông, nhưng vẫn mang hơi lạnh buốt da buốt thịt, cuốn cả bụi đất trên mặt đường lên cao.
Quý Hiểu Âu kéo khóa áo khoác cao lên tận cằm, tăng thêm công dụng làm ấm cổ của chiếc khăn quàng lông cừu cô đeo.

Trạm Vũ thì đứng co ro trong gió lạnh.

Quý Hiểu Âu thử sờ tay áo khoác của cậu, chỉ là chiếc áo khoác cotton có cổ bình thường, đứng giữa đường phố Bắc Kinh giá rét đầu xuân càng trở nên mỏng manh hơn bao giờ hết.


Cô không nghĩ ngợi, lập tức tháo khăn quàng xuống, quấn lên cổ Trạm Vũ: “Đeo vào, chị tặng cậu.”
Trạm Vũ giơ tay toan tháo chiếc khăn liền bị Quý Hiểu Âu ngăn lại: “Bảo cậu đeo thì đeo đi, tôi ghét nhất người khác cứ đưa đẩy đồ vật với mình.”
Cặp mắt đen láy của Trạm Vũ lưu luyến một lát trên gương mặt cô.

Cuối cùng cậu nhoẻn miệng cười, nhẹ nhàng thu tay về, thắt nút khăn quàng cổ lại.
Quý Hiểu Âu mừng rỡ vỗ vai cậu, “Ngoan lắm! Ăn gì chưa?”
Trạm Vũ lắc đầu.
Bên đường có hàng bánh bao, nhìn cũng có vẻ tương đối sạch sẽ, Quý Hiểu Âu nhất mực kéo cậu vào, chủ động gọi hai lồng bánh loại nhỏ rồi gọi thêm một lồng ba chiếc, dặn chủ quán gói lại.
Bánh bao nóng hổi trên mặt bàn, hơi nước bốc lên và mùi vị thơm ngon tỏa ra xua tan cảm giác xa lạ và chút ngượng ngùng cuối cùng giữa hai người.
“Trạm Vũ,” cô múc vài lát ớt vào đĩa dấm nhỏ trước mặt cậu, cẩn thận hỏi thăm: “Bệnh mẹ cậu kéo dài bao lâu rồi?”
Bánh bao Trạm Vũ đã đưa đến miệng bỗng dừng lại giữa không trung.

Cậu ngẫm nghĩ rồi đáp: “Bắt đầu từ năm 2003, giờ cũng gần mười năm rồi.”
“Nguyên nhân gây bệnh là gì?”
“Dư thừa hormone.”
Liên tục sử dụng hormone quá liều lượng đúng là nguyên nhân quan trọng dẫn đến hoại tử xương.

Quý Hiểu Âu khẽ chau mày: “Nhưng trước khi bác sĩ dùng thuốc không nêu rõ tác dụng phụ cho bệnh nhân và người nhà biết sao? Không còn cách nào khác à?”
Trạm Vũ lắc đầu: “Chẳng ai nói cho mẹ con em biết sự nguy hiểm của việc dùng hormone quá nhiều, cũng chẳng có biện pháp phòng ngừa nào, chị có thấy đôi mắt của mẹ em không? Khô tuyến lệ, thị lực ngày một kém đi, tất cả đều do dư thừa hormone gây ra.

Nhưng tất cả những điều này không ai cho nhà em biết.”
“Bệnh viện nào vô trách nhiệm thế? Tại sao không chuyển viện, hoặc kiện họ?” Quý Hiểu Âu mất kiềm chế đập bàn.
“Sư tỷ, sư tỷ bình tĩnh.” Trạm Vũ đặt đôi đũa xuống, cười với Quý Hiểu Âu nhưng trong nụ cười ấy lại đầy vẻ châm chọc, “Chị nói câu này có khác gì câu Sao người dân không ăn thịt? của Tấn Huệ Đế.”
“Sao cậu nói thế?”
“Kiện được đã kiện lâu rồi.

Đến bao giờ chị mới hiểu thế nào là lấy trứng chọi đá chứ?”
Quý Hiểu Âu bắt đầu hoài nghi, “Rốt cuộc bệnh gì?”
Trạm Vũ chẳng đáp, cậu hỏi ngược lại: “Năm 2003, mẹ em làm hộ lý cho một bệnh viện.”
Quý Hiểu Âu nhìn khói bốc lên từ bát canh trước mặt, cặp lông mi của cô dần được bao phủ bởi một lớp sương mờ, như cánh bướm dính nước, ngày một nặng nề hơn.

Năm 2003, dùng hormone quá liều, bệnh viện, xơ hóa phổi, những từ ngữ này dần trở thành một sợi dây liên kết trong đầu cô.
Miệng không tiếp tục nhai thức ăn nữa, cô thốt ra hai chữ đến chính mình cũng chẳng dám tin: “Dịch… Sars?”
Trạm Vũ gật đầu: “Sư tỷ thông minh quá.

Thật sự thông minh.”
“Di chứng của Sars thật sao?” Quý Hiểu Âu không dám tin.
Cô còn nhớ tình trạng hỗn loạn ở Bắc Kinh khi đó, hình ảnh những bệnh nhân thoát chết trong đường tơ kẽ tóc nhờ được điều trị miễn phí đã tỏ ra may mắn và cảm kích thế nào trước ống kính truyền thông.

Thời điểm đó, các y bác sĩ là những người giàu tinh thần hy sinh nhất.
Nhưng sao sự thật lại thành ra thế này? Phải chăng mẹ của Trạm Vũ chỉ là một trường hợp đặc biệt? Quý Hiểu Âu quyết định buổi tối sẽ về hỏi ba mẹ xem sao.
Lúc chia tay, Quý Hiểu Âu đưa lại túi bánh bao cho Trạm Vũ, dặn cậu mang về hâm nóng làm bữa trưa cho mẹ, còn nói mẹ cậu rất khổ, bệnh nhân cần có người thân ở bên quan tâm chăm sóc, đừng quá coi trọng việc học mà lơ là người mẹ duy nhất trên đời, kẻo sau này lại hối hận.
Trạm Vũ lặng im cầm túi bánh bao, kiên nhẫn nghe cô dặn dò.


Đến khi Quý Hiểu Âu đã đi xa vài mét, cậu mới bất ngờ gọi cô từ phía sau: “Chị ơi…”
Quý Hiểu Âu ngạc nhiên quay lại.
Trạm Vũ nói: “Khoản tiền đó… em nhất định sẽ trả lại chị.”
Quý Hiểu Âu quay trở lại, cười nói: “Thay vì băn khoăn về số tiền ấy, cậu về trường chăm chỉ học hành thì hơn.”
“Em sẽ trả tiền chị.” Trạm Vũ khẳng định chắc nịch.
Quý Hiểu Âu ngẫm nghĩ rồi nói: “Hay là thế này, khi nào có thời gian cậu đến cửa hàng của chị làm nhé.

Chị trả cậu 80 đồng một tiếng, cậu làm đến bao giờ đủ số tiền kia thì thôi, chúng ta xóa nợ.”
Mức lương trung bình ở Bắc Kinh vào khoảng 20 đồng một tiếng.

Mức lương Quý Hiểu Âu trả cậu còn cao hơn lương của tầng lớp tri thức đi làm 8 tiếng mỗi ngày trong văn phòng.

Nhưng rõ ràng Trạm Vũ không biết nhiều về mặt bằng tiền lương hiện tại nên vui vẻ nhận lời Quý Hiểu Âu, khẽ gật đầu kèm nụ cười tươi tắn trên môi, khoe hàm răng trắng sáng.
Về bệnh tình của mẹ Trạm Vũ, Quý Hiểu Âu có hỏi ba mẹ, nhưng câu trả lời của họ không thể làm cô hài lòng.
Ông Quý Triệu Lâm nói: “Vấn đề này tương đối phức tạp.

Đó là thảm họa công cộng mang tính bột phát, không ai biết rõ về nguồn gốc của căn bệnh nên rất khó truy cứu trách nhiệm.

Hơn nữa, tình trạng mỗi bệnh nhân khác nhau, không phải ai cũng hiểu được vấn đề, trong tình thế đó tất nhiên tính mạng là quan trọng nhất, càng nói lắm càng thêm phiền hà.

Bác sĩ có nỗi khổ của bác sĩ, chính phủ cũng có sự bất đắc dĩ của họ, các con không hiểu được đâu.”
Quý Hiểu Âu vẫn thắc mắc: “Dù là chữa bệnh cứu người, bệnh nhân cũng có quyền biết rõ tình hình chứ? Giữa được sống và sống không bằng chết, họ có quyền lựa chọn mà.

Đây rõ ràng là trách nhiệm của bác sĩ vì không giải thích rõ ràng.

Thôi được, có thể ba nói đúng nhưng dẫu sao chính phủ và xã hội cũng phải có trách nhiệm giúp họ vượt qua tình hình khó khăn trước mắt chứ?”
Bà Triệu Á Mẫn quắc mắt: “Ngoài việc suốt ngày la ó, con còn biết làm gì khác không? Rốt cuộc dạo này con đang làm những gì? Sao tự nhiên lại hỏi chuyện này? Mẹ nhắc con biết bao nhiêu lần rồi, ít qua lại với những người trong giáo hội kia thôi!”
Lại nữa! Quý Hiểu Âu tự biết bản thân không phải đối thủ của mẹ, bèn thở dài buông xuôi, đành tự nghĩ cách vậy.
Song, những tài liệu và hình ảnh kiếm được trên mạng cũng khiến Quý Hiểu Âu rùng mình.
Bốn ký tự trở thành từ cửa miệng của cả xã hội năm xưa, S-A-R-S, dường như đã rơi vào quên lãng, quên lãng hoàn toàn.

Song, hiện tại vẫn còn những người đang phải sống dưới bóng đen của Sars.
Sau cuộc điều trị bằng lượng lớn hormone, khớp xương chân hoại tử, xơ hóa phổi, mắc chứng trầm cảm, hoàn toàn mất đi khả năng lao động.

Việc điều trị kéo dài vô tận và áp lực tinh thần khiến họ trở thành một số ít người “hậu Sars” tách biệt với xã hội, truyền thông không thể tiếp cận, lực lượng hỗ trợ xã hội không thể giúp đỡ.
Điều thực sự khiến Quý Hiểu Âu giật mình là bức ảnh so sánh sự đối lập của một bệnh nhân trước và sau khi mắc bệnh.

Tấm ảnh đó đã khá cũ, bối cảnh là tòa tháp màu trắng trong công viên Bắc Hải, người phụ nữ trong ảnh mặc váy sát nách màu xanh nước biển, da dẻ trắng trẻo, khuôn mặt đầy đặn, lông mày rậm, đôi mắt sâu thẳm có hồn, khá giống nữ diễn viên Trương Lực Duy của những năm 80.

Còn người trong tấm ảnh sau khi mắc bệnh, tuy những điểm quan trọng đã được che mờ nhưng chỉ cần liếc qua cũng đủ để Quý Hiểu Âu nhận ra bối cảnh không thể sơ sài hơn trong đó chính là gia đình Trạm Vũ; người phụ nữ tiều tụy gầy yếu trong ảnh cũng chính là mẹ của Trạm Vũ.

Bà tên là Lý Mỹ Cầm.
Quý Hiểu Âu thực sự không ngờ trước khi mắc bệnh mẹ Trạm Vũ lại xinh đẹp như vậy, cô càng không ngờ bệnh tật có sức tàn phá dung mạo và tự tôn của con người lớn đến vậy.

Nhưng điều này cũng giải thích nguồn gen tốt của Trạm Vũ đến từ đâu.
“Hồi đó cô cứ tưởng Sars là ác mộng, nhưng cô đã nhầm, vì thực chất hậu Sars mới là đáng sợ nhất.” Nghe câu hỏi của Quý Hiểu Âu, cuối cùng gương mặt mất hết sức sống của bà Lý Mỹ Cầm cũng ánh lên vẻ bi thương: “Cô còn nhớ ngày nhận được kết quả chẩn đoán bệnh hoại tử xương đùi, bác sĩ đã nói bệnh này vô phương cứu chữa, là căn bệnh nan y đến nay y học chưa tìm ra thuốc điều trị, còn bảo dù cô có sang Mỹ chữa cũng vậy thôi.

Nếu gia đình khá giả, không tiếc bỏ tiền chục triệu, trăm triệu thì phẫu thuật thay khớp xương, mua thuốc ngoại về uống sẽ kéo dài được thêm vài năm.

Còn nếu chỉ là gia đình bình thường thì khuyên cô đừng nên tiêu xài uổng phí, tiền mất tật mang, cuối cùng cũng chỉ là giã tràng xe cát.

Tiểu Vũ khi đó mới lên lớp 10, nó òa khóc ngay trên vạch sang đường trước cổng bệnh viện, bảo nhà mình không có tiền mua thuốc, càng không đủ tiền phẫu thuật, nếu mẹ không còn sống con phải làm sao? Cô thì không khóc được, nghĩ thằng bé nói đúng, sau này phải làm sao đây? Nếu cô chết đi, bỏ lại nó một mình trên đời thì sẽ thế nào? Chẳng còn ai thật lòng yêu thương nó cả, cô biết gửi gắm nó cho ai chứ? Trên đời không ai tốt bằng mẹ, nghĩ đến đây cô có chết cũng không nhắm được mắt!”
Giọng bà bỗng trở nên cao vút, sắc như lưỡi dao, sau đó ra sức tự đánh lên đôi chân mình: “Nhưng cô bây giờ đang nằm chờ chết ở đây! Cô chẳng có cách nào cả, chỉ biết chờ chết thôi! Chờ chết…” Rồi bỗng dưng bà im bặt, ngón tay gầy gò trơ xương ôm chặt lồng ngực, há miệng to hết cỡ mà thở, tròng mắt đã long lên.

Quý Hiểu Âu hoảng hốt vội đỡ bà dựa vào người mình, vừa xoa ngực bà vừa run rẩy cất giọng nói: “Cô đừng vậy mà! Cháu xin cô đừng làm thế!”
Hồi lâu sau Lý Mỹ Cầm mới hô hấp bình thường trở lại, bà mệt nhọc dựa vào thành giường, một giọt nước mắt chảy ra từ khóe mắt nhắm nghiền.
Quý Hiểu Âu vào nhà vệ sinh tìm khăn mặt.

Có hai chiếc khăn treo trên dây, Quý Hiểu Âu thử chạm vào thấy cả hai chiếc đều chẳng còn sợi bông, lại hơi dính dính.

Cô sững người một lúc, cuối cùng tháo chiếc khăn quàng cổ bằng tơ tằm đang đeo, thấm nước rồi đưa cho Lý Mỹ Cầm: “Cô lau mặt đi.”
Lý Mỹ Cầm lắc đầu, đẩy mạnh tay Quý Hiểu Âu ra, bà tự giơ tay lau nước mắt trên mặt.
Quý Hiểu Âu không dám hỏi dồn nữa, cô ngồi xuống giường, dè dặt hỏi: “Chẳng phải chính phủ có chính sách chi trả toàn bộ chi phí điều trị hay sao?”
“Chỉ dành cho nhân viên y tế bị lây nhiễm thôi, ví dụ là bác sĩ hay y tá trong bệnh viện, còn cô chỉ là hộ lý, không ký hợp đồng lao động nên không được hưởng.”
“Vậy cô có được trợ cấp của hội Chữ Thập Đỏ không?”
Quý Hiểu Âu đang nói về khoản trợ cấp mà chính phủ Bắc Kinh ủy thác cho hội Chữ Thập Đỏ cấp phát cho bệnh nhân bị di chứng.

Người có việc làm mỗi năm được khoản hỗ trợ 4000 đồng; những người thất nghiệp mỗi năm được 8000.
“Có, 4000 một năm.”
Quý Hiểu Âu thắc mắc: “Cô không có việc làm đáng lẽ phải được 8000 chứ?”
Lý Mỹ Cầm cười khổ: “Mặc dù cô bị giáng chức nhưng vẫn được coi là người có việc làm.”
Phải, sự thật luôn sai trái như thế mới khiến con người tuyệt vọng.

Quý Hiểu Âu cắn môi, im lặng.
“Chia ra mỗi tháng là 300 đồng, cháu bảo 300 đồng làm được gì ở Bắc Kinh này chứ Tiểu Quý?”
Quý Hiểu Âu không biết trả lời bà thế nào.

Ba trăm đồng, có lẽ chỉ bằng tiền mua thức ăn một tuần ở nhà cô, hoặc là giá một bộ quần áo của cô thôi.
“Cộng thêm bảo hiểm cho người thu nhập thấp, mỗi tháng vào khoảng hơn 700, làm được gì hả cháu?” Lý Mỹ Cầm quay sang nhìn cô, bà vẫn tiếp tục giãi bày: “Tháng nào cũng phải mua thuốc, chẳng dám mua thuốc tốt cũng đã mất sáu, bảy trăm rồi.

Cô ngày càng kiệt quệ, gần như liệt hẳn rồi nhưng không có tiền thuê người chăm sóc, chỉ biết nằm trên giường chờ chết thôi.

Bác sĩ khuyến khích phẫu thuật nhưng tiền đâu ra mà làm.”
Quý Hiểu Âu vẫn không biết phải trả lời bà thế nào, đành chuyển đề tài: “Cô cho cháu xem đơn thuốc hàng tháng của cô được không?”
Xem ra Lý Mỹ Cầm không định cho cô đáp án, cứ lảm nhảm một mình: “Cuộc đời cô khổ quá rồi, không muốn con cái cũng như mình nữa.

Cô đã gửi gắm tất cả hy vọng vào nó.

May mà Tiểu Vũ có chí tiến thủ, thi đỗ đại học nhưng tiền học, tiền sinh hoạt của nó mỗi năm cũng hơn 20.000 đồng, cô chẳng biết đào đâu ra nữa.

Cô muốn bán nhà nhưng thằng bé không cho, bảo có chương trình cho sinh viên vay vốn, nó bảo nó tự kiếm được tiền.

Cô chưa một lần hỏi nó kiếm tiền như thế nào, cô sợ hỏi nó…”
Quý Hiểu Âu nắm lấy bàn tay Lý Mỹ Cầm.

Đây là lần đầu tiên Quý Hiểu Âu thực sự chạm vào da thịt bà.

Cô cũng chỉ là một người bình thường, trước đây bản thân cô cũng sợ Sars, mỗi lần ý thức được rằng mình đang đối diện với một người bị Sars, cô luôn bất giác muốn lùi lại, muốn lẩn tránh.

Đến hôm nay cô mới hiểu được rằng, điều họ phải chịu đựng không chỉ là nỗi khổ thể xác, mà còn cả sự kỳ thị của xã hội và nỗi sợ hãi với tương lai, tất cả đã tạo thành nỗi đau to lớn về tinh thần.

Nỗi đau tinh thần mới là áp lực lớn nhất, có thể hủy hoại con người.
“Trạm Vũ rất ngoan, cậu ấy sẽ không khiến cô thất vọng, chắc chắn là vậy.” Quý Hiểu Âu quả quyết khẳng định, không biết cô đang an ủi chính mình hay trấn an Lý Mỹ Cầm nữa.
Một năm sau, trong giây phút mọi thứ được định đoạt, nhớ lại ngày này, Quý Hiểu Âu mới nhận ra bản thân đã đem lòng thương xót cậu trai tên Trạm Vũ ấy chính từ ngày hôm nay.
Mà khi con gái động lòng trước một người khác giới, bất kể quan hệ giữa họ là người yêu, vợ chồng hay bạn bè thì phái nữ, trong mối quan hệ ấy, sẽ luôn rơi vào thế yếu, không thể giữ được sự khách quan trung lập nữa.
Bất luận trong mắt người đời, cậu là tốt hay xấu..


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.