Emma

Chương 43




Họ có một ngày đẹp trời cho chuyến đi Box Hill. Mọi sắp xếp đều chu đáo, mọi người đều đúng giờ giấc. Ông Weston điều hành toàn thể, thi hành nhiệm vụ một cách an toàn từ Hartfield đến tư dinh cha Xứ. Emma ngồi chung cỗ xe với Harriet, chị Bates cùng cô cháu ngồi chung với vợ chồng Elton, các quý ông cưỡi ngựa. Chị Weston ở lại với ông Woodhouse.

Họ đi mười cây số trong tinh thần phấn chấn, nhưng thiếu một cái gì đấy. Họ cảm thấy nặng nề, thiếu sinh động, thiếu liên kết. Họ phân cách nhau quá rõ rệt. Hai vợ chồng Elton đi bên nhau, anh Knightley chăm sóc chị Bates và Jane, Emma và Harriet đi cùng Frank Churchill. Ông Weston muốn mọi người hoà hợp với nhau tốt hơn, nhưng vô ích. Dường như lúc đầu sự phân cách chỉ là vô tình, nhưng dần dà không có gì thay đổi. Vợ chồng Elton không muốn đi kề bên ai. Dù vẫn tỏ ra lịch sự trong suốt hai tiếng đồng hồ mà không gì hoá giải được. Ngay cả ông Weston vui vẻ cũng bất lực.

Khởi đầu, Emma cảm thấy vô cùng chán nản. Cô chưa từng thấy Frank Churchill im lìm và ngốc nghếch như thế này. Anh không nói câu gì cho ra hồn, chỉ nhìn mà không thấy, chiêm ngưỡng mà không có đầu óc, lắng nghe mà không biết cô nói gì. Trong khi anh trông đáng chán, không lạ gì mà Harriet cũng trông đáng chán theo, và không ai chịu đựng được hai người.

Khi họ cùng ngồi xuống, không khí dễ chịu hơn. Emma càng cảm thấy dễ chịu hơn vì Frank Churchill hoạt bát hơn và trở nên sinh động hơn, luôn chú ý đến cô. Mọi cử chỉ săn đón đặc biệt là dành cho cô. Dường như anh chỉ muốn làm cho cô vui và muốn tỏ ra trìu mến với cô. Còn Emma cảm thấy hào hứng và thoải mái vì được anh chú ý đến, lại còn tỏ vẻ thân mật khích lệ anh. Khi hai người mới quen nhau, cô cho thái độ của anh là sự nịnh đầm, nhưng bây giờ cô nghĩ đấy không có nghĩa gì cả. Nhưng trong phán xét của người khác thì ngược lại "Anh Frank Churchill và cô Woodhouse trông tình tứ với nhau quá".

Nhận xét này được truyền miệng cho nhau, rồi một phụ nữ thuật lại trong một lá thư gửi đi Maple Grove, và một phụ nữ khác cũng kẻ lại trong một lá thư gửi Ireland.

Emma hào hứng và vô tâm không phải vì vui thực sự mà chỉ vì cảm thấy không được vui như ý muốn. Cô cười cợt vì cảm thấy thất vọng. Dù cô thích anh vì anh chú ý đến mình, dù thái độ là do tình bạn, do lòng ngưỡng mộ hoặc chỉ là lời bông đùa, anh vẫn không thể chiếm được tim cô. Trong tâm tưởng cô, anh vẫn chỉ là người bạn.

Anh nói:

Tôi rất biết ơn cô đã bảo tôi đến hôm nay. Nếu không nhờ cô, tôi hẳn đã bỏ phí ngày vui này. Tôi muốn sẽ đến đây lần nữa.

Anh đã rất bực bội mà tôi không hiểu tại sao, ngoại trừ là do anh đến quá muộn nên không thể hái dâu được. Tôi cố tỏ ra là người bạn tốt của anh. Nhưng anh đã khiêm tốn. Anh nài nỉ để được ra lệnh phải đến đây.

Cô đừng nói tôi bực bội. Tôi chỉ mệt. Thời tiết nóng làm cho tôi kiệt sức.

Hôm nay nóng hơn ngày thường.

Không nóng trong cảm nghĩ của tôi. Hôm nay tôi được thoải mái hoàn toàn.

Anh thoải mái vì anh chịu sự chỉ huy.

Sự chỉ huy của cô hả? Đúng.

Có lẽ tôi muốn anh nói thế, nhưng ý tôi muốn nói là tự chỉ huy. Bằng cách nào đấy, anh đã xoá tan những giới hạn và thoát ra khỏi sự quản lý của chính anh. Nhưng hôm nay anh trở lại như xưa, và vì tôi không thể gần anh luôn, tốt nhất là nên tin nơi tính khí của anh dưới sự kiểm soát của anh hơn là của tôi.

Dù gì vẫn thế. Tôi không thể tự kiểm soát mà không có một động lực. Cô ra lệnhcho tôi, dù cô có nói ra hay không, cô có thể gần tôi luôn. Cô vẫn gần tôi luôn.

Tính từ ba giờ ngày hôm qua. Tầm ảnh hưởng vĩnh viễn của tôi không thể bắt đầu sớm hơn, nếu không khi nãy anh hẳn đã không bực bội.

Ba giờ ngày hôm qua! Đấy là ngày của cô. Tôi nghĩ lần đầu tiên mình gặp cô là tháng hai.

Thật không thể bài bác tính nịnh đầm của anh được. Nhưng – cô hạ thấp giọng – không có ai nói năng gì ngoài hai chúng ta. Không nên ăn nói lung tung cho bảy người giữ im lặng chê cười.

Anh trả lời ra vẻ cẩn trọng:

Tôi thấy không có gì phải xấu hổ. Tôi gặp cô lần đầu tiên vào tháng hai. Cứ để mọi người nghe tôi nói. Tôi gặp cô lần đầu tiên vào tháng hai.

Rồi anh thầm thì:

Những người đi theo ta thật là ngốc nghếch. phải làm gì để khởi động họ đây? Chuyện càn bậy gì cũng được . Họ phải nói.

Rồi anh nói to lên:

Thưa quý cô và quý ông, tôi được lệnh cô Woodhouse (người ở đâu cũng làm đầu têu) để nói rằng cô ấy muốn biết quý vị đang suy nghĩ gì?

Vài người cười to và trả lời một cách vui vẻ. Chị Bates nói liến thoắng. Cô Elton tức tối với ý nghĩ cô Woodhouse làm đầu têu. Câu trả lời của anh Knightley là rõ ràng nhất.

Có chắc là cô Woodhouse muốn nghe chúng tôi đang nghĩ gì không?

Emma thốt lên, cười một cách buông thả:

Trời ơi! Không, không, không thể được – chính lúc này tôi không chịu được. Cho tôi nghe bất cứ chuyện gì ngoại trừ chuyện mọi người đang nghĩ gì, ý tôi là không hẳn mọi người. Có lẽ có một hoặc hai người – cô liếc qua ông Weston và Harriet – mà tôi không sợ nghe ý nghĩ.

Cô Elton nói có ý nhấn mạnh:

Riêng tôi thì không muốn tìm hiểu như thế. Dù với tư cách là người bảo hộ cho ngày hôm nay ...tôi chưa bao giờ tham gia..nhóm khám phá nào..thiếu nữ trẻ...phụ nữ có chồng...

Tiếng thì thầm của cô là dành cho chồng cô , thế nên anh cũng thì thầm đáp lại:

Đúng lắm .. Em yêu, đúng lắm ...Thật thế...chưa từng nghe qua...nhưng có vài quý cô nói điều gì đấy. Tốt hơn là nên xem như chuyện đùa để cho qua. Mọi người đều biết cái gì là do em.

Frank nói nhỏ với Emma:

Không ích gì. Phần lớn là họ bị xúc phạm. Tôi sẽ lựa lời mà nói với họ.

Rồi anh nói to lên:

Thưa quí cô và quý ông, tôi được lệnh cô Woodhouse mà nói rằng cô ấy từ bỏ quyền được biết chính xác quý vị đang nghĩ gì, và chỉ yêu cầu mỗi vị đóng góp giúp vui như thế nào đấy. ở đây quý vị có bảy người ngoài tôi ra – người mà cô ấy nói đã giúp vui nhiều rồi. Cô ấy chỉ muốn mỗi vị đóng góp một cái gì đấy thật hay, là thơ hoặc văn xuôi, do tự sáng tác lấy hoặc của người khác. Nếu không thì là hai cái gì đấy hay vừa vừa, hoặc ba cái gì đấy nghe thật chán, rồi cô ấy sẽ cười thoả thuê.

Chị Bates lên tiếng:

Được lắm , thế thì tôi không phải khó nghĩ. Ba cái nghe thật chán, thế là hợp với tôi. Quý vị biết mà. Tôi có thể nói ra ngay ba chuyện nghe thật chán, được không ? – chị nhìn quanh quất – Quý vị có đồng ý không ?

Emma không thể dằn lòng, nói:

Nhưng có một điều khó. Xin lỗi chị, nhưng chị bị giới hạn, mỗi lần chỉ có ba chuyện thôi.

Vì thấy Emma nghiêm nghị, chị Bates không bắt kịp ý nghĩ của cô, nhưng sau đấy chị hiểu ra. Chị không tức giận, nhưng mặt thoáng đỏ hồng.

À, được rồi. Vâng, tôi biết ý cô muốn gì – rồi quay sang anh Knightley – và tôi sẽ giữ mồm giữ miệng. Tôi hẳn là người rất khó thương, nếu không cô ấy không thể nói như thế với người bạn thâm giao.

Ông Weston cất tiếng:

Tôi thích đề nghị của chị. Đồng ý, đồng ý. Tôi sẽ gắng hết sức. Tôi sẽ ra một câu hỏi hắc búa. Mọi người nghĩ sao?

Anh con trai của ông đáp:

Nghĩ thấp, con e là rất thấp, nhưng mọi người sẽ rộng lượng, đặc biệt đối với người xung phong đầu tiên.

Emma nói:

Không, không, không thể nói là thấp. Một câu hỏi hắc búa là đủ để cho qua ông ấy và người kế tiếp . Mời ông làm ơn ra câu đố.

Ông Weston nói:

- Tôi không rõ câu này có hay không. Đây này, hai chữ cái gì diễn tả sự vẹn toàn?

Hai chữ cái gì diễn tả sự vẹn toàn? Tôi không biết.

ÔI quý vị không bao giờ đoán ra được – ông quay sang Emma – tôi đoan chắc cô không bao giờ đoán được . Tôi nói cho cô biết : M và A – Emma. Cô có biết không ?

Thông hiểu và hài lòng đi đôi với nhau. Đấy có thể là chuyện bông lơn, nhưng Emma tỏ ra rất thích thú. Frank và Harriet cũng thế. Những người khác thì không thích, vài người có vẻ chậm hiểu.

Riêng anh Knightley nói một cách nghiêm nghị:

- Ông Weston có ý đánh đố rất khôn khéo, nhưng nhiều người hẳn không đồng ý với ông . Sự vẹn toàn không đến sớm như thế .

Cô Elton nói:

Chao ôi! Về phần tôi , tôi cáo lỗi phải xin rút lui, thật sự tôi không thể đóng góp gì cả. Tôi không thích chơi trò này. Có lần tôi nhận được bài thơ đọc chữ đầnhư từ tên tôi, mà tôi không thích chút nào. Tôi biết bài thơ ấy từ ai mà ra. Cái anh xấc xuợc đáng ghét! Quý vị biết tôi ám chỉ ai – cô gật đầu về phía anh chồng – Trò này thịnh hành trong mùa Giáng sinh khi người ta ngồi quanh lò sưởi, nhưng tôi cho là nó lạc điệu khi chúng ta đang khám phá đồng quê trong mùa hè. Cô Woodhouse phải tha lỗi. Tôi không phải là người có chuyện dí dỏm để đem ra giúp vui. Tôi không muốn giả vờ là dí dỏm. Tôi có nhiều nét sinh động theo cách của riêng tôi , nhưng tôi phải được phép phán đoán khi nào nên nói và khi nào nên giữ mồm. Xin cho tôi qua, anh Churchill . Xin cho anh E., Knightley, Jane và tôi qua. Chúng tôi không có chuyện gì hay – cả ba chúng tôi .

Chồng cô thêm, với vẻ nhạo báng:

Vâng, vâng, xin cho tôi qua. Tôi không có gì kể cho cô Woodhouse vui, hoặc cho bất kỳ quý cô nào vui. Một người đã có vợ hầu như là chẳng làm gì nên chuyện cả. Augusta, liệu chúng ta có nên đi dạo không?

Em rất sẵn lòng. Em đã qúa chán khi khám phá lâu như thế này ở một điểm. Jane, hãy đi cùng chị.

Nhưng Jane từ chối, và hai vợ chồng bước đi. Khi họ vừa đi khỏi tầm nghe lỏm, Frank Churchill nói:

Một cặp hạnh phúc! Họ xứng đôi làm sao! Thật là may mắn! Kết hôn như thế, bắt đầu từ sự quen biết ở một nơi chốn công cộng! Tôi nghĩ họ chỉ mới quen nhau vài tuần ở Bath. May mắn một cách kỳ lạ! Vì lẽ, nếu chỉ quen biết ở Bath hoặc ở bất kỳ nơi công cộng nào khác thì không thể nào tìm hiểu kỹ ai được . phải gặp gỡ phụ nữ trong nhà họ thì người ta mới dễ phán xét. Nếu không được như thế thì chỉ do ức đoán và may mắn – và thường là không may. Làm thế nào mà nhiều người đàn ông vội đi đến quyết định sau thời gian ngắn quen nhau để rồi hối tiếc cả đời!

Cô Fairfax từ đầu đến giờ tỏ ra ít nói, bây giờ lên tiếng:

Chắc chắn là việc như thế vẫn xảy ra...

Cô ngưng lại vì một cơn ho. Frank Churchill đang quaysang cô để nghe cho rõ. Anh nghiêm nghị nói:

Cô nói tiếp đi.

cô tiếp :

Tôi chỉ muốn nhận xét rằng, dù hoàn cảnh không may như thế đôi lúc xảy ra cho cả đàn ông và phụ nữ, tôi nghĩ chuyện này là hiếm hoi. Tình yêu vội vã và thiếu cẩn trọng có thể nảy nở, nhưng thường sau đó người ta có thời giờ để suy nghĩ lại. Chỉ có những người yếu mềm, thiếu trung kiên, đánh đố hạnh phúc của mình theo cơ may sẽ phải khổ sở suốt đời vì mối lương duyên bất hạnh.

Frank không trả lời, chỉ cúi người trong sự đồng thuận, rồi cất tiếng một cách sôi nổi:

Tôi không tin lắm vào khả năng phán xét của mình thế nên khi muốn lập gia đình tôi mong có ai đấy chọn vợ cho tôi .

Anh quay sang Emma:

Còn cô? Cô có thể chọn vợ cho tôi được không ? Chắc chắn là tôi sẽ yêu mến bất cứ người nào cô chọn . Cô biết chăm sóc nhà cửa, cô thấy đấy – anh mỉm cười về phía bố anh – Hãy tìm một người cho tôi . Tôi không vội. Hãy thu nhận cô ấy, dạy bảo cô ấy.

Và biến cô ấy giống như tôi.

Được thôi, nếu cô có thể .

Tốt lắm, tôi xin nhận nhiệm vụ. Anh sẽ có một cô vợ đáng mến.

Cô ấy phải là người năng động, có đôi mắt khô ráo. Tôi không ước gì hơn. Tôi sẽ đi xa trong vòngvài năm, và khi trở về tôi sẽ tìm đến cô để gặp vợ tôi . Nhớ đấy .

Emma không lo mình sẽ quên. Đấy là việc gửi gắm ăn khớp với dự tính của cô. Liệu Harriet có đáp ứng sự mô tả của anh không ? Ngoại trừ đôi mắt khô ráo, hai năm là đủ để Harriet đạt những điều kiện khác mà anh mong ước. Thậm chí lúc này biết đâu anh đang nghĩ đến Harriet, ai biết được ? Có vẻ là đúng, vì anh nhờ cô dạy bảo cô ấy.

Jane nói với bà dì:

Dì ạ, bây giờ mình đi gặp cô Elton chứ?

Cháu yêu, nếu cháu muốn. Dì lúc nào cũng sẵn sàng. Dì đã sẵn sàng đi với cô ấy bất cứ lúc nào. Nhưng bây giờ đi cũng được . Ta sẽ bắt kịp. Cô ấy đây rồi, không , đấy là người khác. Đấy là một trong những phụ nữ trong nhóm ô tô Ireland, không giống cô ấy tí nào. À, dì dám chắc rằng ...

hai người bước đi, rồi nửa phút sau anh Knightley đi theo. Chỉ có ông Weston, con trai ông, Emma và Harriet ở lại. Tinh thần anh chàng bây giờ dâng cao đến mức hầu như khó chịu. Ngay cả Emma cũng cảm thấy chán ngán vì những lời khen ngợi và thái độ hớn hở. Cô thầm mong được đi dạo trong tĩnh lặng mà không có ai đi cùng, hoặc ngôi một mình mà không cần ai để ý đến, để ngắm nhìn quang cảnh xinh tươi phía dưới. Nhưng rồi cô lấy làm vui khi nghe các gia nhân đi tìm chủ để báo tin cỗ xe đã đến. Cô còn vui lòng chịu đựng tiếng ồn ào khi mọi người đang giã từ nhau và tiếng cô Elton muốn gọi cỗ xe của mình đến trước . Cô mong về nhà sớm để kết thúc một ngày đáng lẽ là vui nhưng thật ra không vui gì cả.

Trong khi chờ cỗ xe đến đón, Emma thấy anh Knightley đứng kế bên. Anh nhìn quanh quất như thể biết chắc không có ai ở chung quanh, rồi nói:

Emma, một lần nữa anh phải nói với em như trước giờ anh vẫn thế, dù anh không thích mấy, nhưng anh vẫn muốn nói. Anh không thể nhìn em làm sai mà không có ý kiến. Tại sao em vô cảm với chị Bates như thế? Làm thế nào có thể thất lễ với một phụ nữ có tư cách, tuổi tác và hoàn cảnh ấy ? Emma ạ, anh cho là không nên như thế .

Emma nghĩ ngợi, đỏ mặt , cảm thấy ân hận, nhưng vẫn cố cười cợt cho qua chuyện :

Chả có gì, làm thế nào em đừng nói được ? Ai cũng chẳng đặng đừng. Không có gì quá tệ. Em dám chắc chị ấy không hiểu em nói gì.

Anh cam đoan với em rằng chị ấy hiểu . Chị ấy hiểu rõ ý em. Từ lúc ấy , chị vẫn nói về chuyện này. Anh ước gì dm dcn ghe chị ấy nói ra sao – với tấm lòng chân tình và rộng lượng thế nào;. Anh ước gì em được nghe chị ấy ca ngợi lòng độ lượng của em vì bố em và em hằng quan tâm đến chị ấy , trong khi bạn hữu của chị ấy lại tỏ ra khó chịu.

Emma thốt lên:

Ôi dào! Em biết không có người nào tốt hơn chị ấy, nhưng anh nên biết rằng điều không may là chị a pha trộn cả cái hiền hoà lẫn cái nực cười.

Anh nói:

Anh công nhận là có sự pha trộn như thế . Giá như chị ấy giàu có, anh sẽ chấp nhận những cái nực cười thỉnh thoảng khoả lấp cái hiền hoà. Giá như chị ấy có địa vị khá hơn, anh sẽ phó mặc những thái độ vô lý không làm hại đến ai, anh sẽ không tranh cãi với em về cử chỉ phóng túng nào. Giá như chị ấy ngang bằng với em, nhưng mà, Emma, hãy xét qua tình cảnh hoàn toàn khác hẳn. Chị ấy nghèo, đã sa sút so với cuộc sống thoải mái lúc mới lớn lên, và nếu chị ấy sống đến tuổi già có lẽ sẽ còn sa sút hơn nữa. Hoàn cảnh của chị ấy đáng cho ta thương cảm. Cách cư xử đó đúng là không hay. Chị ấy quen biết gia đình em từ khi em còn bé, đã nhìn thấy em lớn khôn, chăm sóc cho em và được gia đình em cảm kích. Bây giờ em lại vô tâm, trong giây phút tự mãn đã cười cợt chị ấy, xúc phạm chị ấy – trước mặt cháu gái chị ấy nữa – và trước mặt mọi người. Nhiều người – chắc chắn là có vài người – sẽ thấy cách em đối xử với chị ấy mà làm theo. Emma, như thế thì hẳn em không lấy làm vui tí nào, chắc chắn là anh không vui tí nào. Nhưng anh phải nói, anh sẽ nói với em tất cả sự thật khi có cơ hội. Anh lấy làm hãnh diện khi chứng tỏ mình là người bạn đích thực của em qua lời khuyên rất chân thật, và tin rằng , có lúc nào đấy em sẽ tỏ ra công tâm với anh hơn là lúc này.

Trong khi trao đổi, hai người đang đi đến cỗ xe. Trước khi cô có thể trả lời, anh đã đưa tay đỡ cô bước lên xe. Anh đã ngộ nhận về những cảm nghĩ đang khiến cho cô ngoảnh mặt đi, câm nín. Những cảm nghĩ kết hợp làm cho cô tức giận, xấu hổ và quan ngại sâu sắc đối với chính con người mình. Cô không thể nói ra được lời nào. Khi bước lên xe, cô cố trấn tĩnh, rồi tự trách bản thân cô đã từ giã mà không nói lời tự thú, đã ra về với thái độ như là mặt sưng mày sỉa. Cô nhìn ra ngoài, định cất tiếng hoặc vẫy tay cho anh thấy không phải thế, nhưng đã quá muộn. Anh đã quay đi, và cỗ xe đã chuyển bánh. Cô tiếp tục ngoái nhìn lại phía sau, nhưng hoài công. Rồi cỗ xe dường như chạy nhanh hơn ngày thường, chẳng bao lâu sau chạy xuống triền đồi, và tất cả đều bị bỏ lại phía sau khá xa.

Cô cảm thấy bứt rứt không lời nào tả xiết, hầu như vượt quá mọi mức độ mà cô có thể che giấu. Chưa bao giờ cô cảm thấy xao động, xấu hổ, tiếc nuối như thế này. Cô bị sốc nặng. Không thể nào chối cãi sự thật trong vụ việc . Cô cảm nhận điều này tận đáy lòng. Làm thế nào cô tỏ ra ác độc như thế đối với chị Bates! Làm thế nào cô tỏ ra thiếu kém về nhận thức đối với người mà cô đánh giá cao! Và làm thế nào cô để cho anh đang buồn vì không được nhận từ cô một lời cảm kích, lời đồng thuận, lời tử tế!

Thời gian không làm cô nguôi ngoai. Càng nghĩ, cô càng cảm thấy thấm thía. Cô chưa bao giờ thấy phiền muộn như lúc này. Điều may mắn là cô không cần phải trò chuyện với ai. Chỉ có Harriet, nhưng cô bé cũng có vẻ không vui, mệt mỏi, và cũng muốn giữ im lặng. Emma nhận ra những giọt lệ không ngớt chảy trên dài trên đôi má hầu như suốt chặng đường về, mà không buồn trấn áp.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.