Emma

Chương 34




Tất cả những người sống ở Highbury và các vùng phụ cận có quen biết anh Elton đều quan tâm đến cuộc hôn nhân của anh. Những bữa ăn và những buổi tụ họp ban tối được tổ chức cho anh và cô dâu. Những lời mời được gửi đến dồn dập khiến cho cô lấy làm vui mà cho rằng hai người không còn ngày nào rảnh rỗi. Cô nói:

Em thấy ra sao rồi. Em thấy cuộc sống của mình ở đây như thế nào. Vợ chồng mình sẽ vô cùng hao mòn. Từ thứ hai cho đến thứ bảy sẽ không có ngày rảnh rỗi. Một phụ nữ với điều kiện vật chất kém hơn em thì không cần phải hoang mang.

Cô hài lòng với tất cả lời mời nhận được. Nhờ những giao tiếp ở Bath, cô không lạ gì với những buổi tụ họp ban tối, và cuộc sống ở Maple Grove đã giúp cô quen thuộc với những bữa ăn tối. Cô cảm thấy sốc một chút khi thấy ngôi nhà thiếu hai phòng khách, món bánh ngọt không ngon, và không có nước đá ở Highburry. Bà Baton, bà Perry, bà Goddard và những người khác không hiểu biết về lối sống thượng lưu, thế nên cô sẽ chỉ dẫn họ cách thu xếp. Đến mùa xuân, cô phải trả lễ bằng cách mời họ đến dự một buổi tụ họp sang cả, trong đó cô sẽ trang trí gian phòng lộng lẫy, có thêm người phục vụ để dọn từng món giải khát theo đúng từng thời điểm và đúng thứ tự.

Trong lúc này, Emma không thể thoả nguyện nếu không mời vợ chồng Elton đến dùng bữa tối tại Hartfield. Gia đình cô không thể làm kém hơn những người khác, nếu không người ta sẽ ức đoán những chuyện đáng ghét hoặc sẽ bị oán giận. Phải có một bữa ăn tối. Sau khi Emma trình bày việc này, ông Woodhouse chấp nhận, chỉ đặt điều kiện thường lệ là ông sẽ không ngồi ở đầu bàn, với với khó khăn thường lệ là quyết định ai sẽ ngồi ở vị trí này thay ông.

Không cần phải băn khoăn sẽ mời những ai. Ngoài vợ chồng Elton còn phải có vợ chồng Weston và anh Knightley, và không tránh khỏi mời thêm Harriet tội nghiệp để có đủ tám người. Không phải ai cũng hài lòng mà nhận được lời mời: Emma lấy làm vui vì Harriet xin được phép từ chối, vì cô bé sẽ khó chịu khi trông thấy anh và cô vợ quyến rũ hạnh phúc bên nhau, thế nên nếu cô Woodhouse không phiền hà, cô bé xin kiếu. Đấy đúng là điều mà Emma mong, giá như cô có thể mong. Cô lấy làm vui với tính chịu đựng của cô bạn nhỏ, nên bây giờ cô có thể mời một người mà cô thật lòng muốn là người khách thứ tám: cô Jane Fairfax. Từ lúc trò chuyện với chị Weston và anh Knightley, cô để ý đến Jane Fairfax nhiều hơn lúc trước. Lời lẽ của anh Knightley vẫn còn vương vấn tâm trí cô, anh đã nói rằng Jane được cô Elton chăm chút trong khi không có ai khác ngó ngàng gì đến cô.

Cô nghĩ thầm "Đúng là thế, ít nhất là đối với mình, thật là xấu hổ. Trạc tuổi nhau và quen biết nhau từ lâu. Đáng lẽ mình nên thân thiết với cô ta hơn. Bây giờ cô ấy sẽ không hề mến mình. Đã từ lâu mình bỏ bê cô ấy. Nhưng mình sẽ cho cô ấy thấy mình quan tâm đến cô nhiều hơn lúc trước".

Các vị khách đều nhận lời mời, tất cả đều cởi mở và vui vẻ. Tuy nhiên, một tình huống không may xảy ra. Hai đứa con đầu của nhà Knightley đến thăm ông ngoại và dì trong vài tuần vào mùa xuân, bây giờ bố của chúng đề nghị cho chúng đến ở tại Hartfield trọn một nngày – đúng vào ngảy tổ chức tiệc đãi khách. Bố bận công việc chuyên môn không thể hoãn lại, nhưng cả ông ngoại và dì đều lấy làm bực mình. Ông Woodhouse cho rằng tám người ở bàn tiệc là mức tối đa mà thần kinh ông có thể chịu đựng, và bây giờ có người thứ chín. Emma e rằng thực khách thứ chín này sẽ phá hỏng bữa tiệc.

Cô an ủi ông bố hay hơn là tự an ủi mình, bằng cách nói rằng tuy cậu bé là người thứ chín, vì cậu có tính ít nói nên sẽ không gây ồn ào thêm nhiều.

Bữa tiệc thuận lợi cho ông Woodhouse hơn là cho Emma. John Knightley đến dự, nhưng ông Weston có chuyện đột xuất đi thành phố nên phải vắng mặt. Anh có thể nhập bọn vào buổi tối, nhưng chắc chắn không thể dự bữa tiệc. Ông Woodhouse khá thoải mái. Khi nhìn thấy ông và hai đứa trẻ, Emma không còn cảm thấy khó chịu nữa.

Ngày đãi tiệc đã đến, khách đến đúng giờ ngoại trừ anh John Knightley đến sớm. Trong khi chờ đợi giờ ăn, anh trò chuyện với cô Fairfax. Anh im lặng nhìn cô Elton – vẫn trang nhã nhờ nữ trang – chỉ muốn quan sát vừa đủ để thuật lại với Isabella, còn cô Fairfax vì đã quen thân và trầm lặng nên anh có thể trò chuyện thoải mái hơn. Anh đã gặp cô trước bữa ăn sáng, khi cùng hai đứa con đi dạo trở về lúc trời vừa bắt đầu đổ mưa. Lẽ tự nhiên là theo phép xã giao, anh nên đề cập đến chuyện này, nên anh nói:

Cô Fairfax, tôi mong sáng naycô không đi xa lắm, nếu không cô hẳn bị ướt. Bố con chúng tôi vừa kịp về đến nhà đúng lúc. Tôi mong cô đã trở về ngay lúc ấy.

Cô nói:

Tôi chỉ đi đến nhà bưu điện và về đến nhà trước khi mưa nặng hạt. Mỗi ngày tôi đều đi lấy thư như thế, vừa lấy thư nhanh vừa có lý do để đi dạo. Tôi thấy khỏe người khi đi dạo trước bữa ăn sáng.

Nếu không phải đi dạo dưới trời mưa.

Không, khi tôi ra khỏi nhà thì trời chưa mưa.

Anh John Knightley mỉm cười:

Đấy là cô quyết chí muốn đi, vì cô vừa ra khỏi cửa vài bước thì tôi có hân hạnh được gặp cô, lúc ấy Harry và John đã thấy nhiều giọt mưa đến nỗi chúng đếm không xuể. Có một dạo trong đời chúng tôi, nhà bưu điện có sức hấp dẫn. Khi đã đến tuổi của chúng tôi, cô sẽ bắt đầu nghĩ không đáng công mà đi lấy thư dưới cơn mưa.

Mặt hơi ửng đỏ, cô trả lời:

Tôi không mong được ở trong hoàn cảnh của anh, sống giữa những người thân thương nhất, vì thế tôi không nghĩ khi già đi thì sao nhãng chuyện thư từ.

Sao nhãng! Ôi chao! Không, tôi không bao giờ tưởng tượng cô trở thành sao nhãng. Thư từ không phải là chuyện cho ta sao nhãng, mà là tai ương có tính tích cực.

Anh nói đến thư từ về công việc làm ăn, thư từ của tôi là về tình bạn.

Anh trả lời một cách trầm tĩnh:

Tôi thường nghĩ đấy là loại thư tệ hại hơn. Cô biết đấy, thư từ về công việc làm ăn có thể mang đến tiền bạc, như tình bạn thì ít khi như thế.

À há! Bây giờ anh thiếu nghiêm túc đấy. Tôi biết anh John Knightley rất rõ, nên tôi biết chắc anh thấu hiểu giá trị của tình bạn. Tôi có thể tin rằng thư từ không có giá trị mấy đối với anh, càng ít giá trị đối với tôi, nhưng không phải vì lời hơn mười tuổi mà có khác biệt, đấy không phải là do tuổi tác mà là do hoàn cảnh. Chung quanh anh luôn có những người thân thương nhất, còn tôi sẽ không bao giờ còn được như thế, vì thế cho đến khi tôi sống thọ hơn những người thân, nhà bưu điện luôn có mãnh lực khiến cho tôi đi ra ngoài, cho dù trời mưa nặng hạt hơn hôm nay.

John Knightley nói:

Khi nói đến việc cô sẽ thay đổi theo năm tháng, tôi chỉ muốn ngụ ý sự thay đổi về hoàn cảnh mà thời gian thường mang đến. Thời gian thường làm giảm lòng quan tâm đến những mối quan hê. Không gần gũi hàng ngày, nhưng đấy không phải là sự thay đổi mà tôi nói với cô. Cô Fairfax ạ, vì là bạn thân quen, xin cô cho phép tôi hy vọng rằng mười năm sau này cô sẽ có nhiều đối tượng tập trugn như tôi đang có hiện giờ.

Đấy là ngôn từ mang nhiều thiện ý, không hề gây khó chịu. Đáng lẽ một tiếng "cám ơn" vui vẻ sẽ giúp hai bên cười thoải mái, nhưng một khuôn mặt ửng đỏ, một vành môi mím lại và một giọt nước mắt cho thấy đấy không phải là chuyện để cười cợt

Ông Woodhouse đi đến, theo thói quen hay đi vòng quanh những người khách của ông, và đặc biệt hay tỏ lời khen tặng phụ nữ. Với phong cách tao nhã nhất, ông nói dịu dàng:

Cô Fairfax, tôi không vui được nghe sáng nay cô bị mắc mưa. Các cô gái trẻ nên tự chăm sóc lấy mình. Các cô gái trẻ là những cây non yếu, cần để ý chăm sóc đến sức khoẻ và làn da. Này, cô đã thay đổi bít tất mới chưa?

Thưa ông, tôi thay rồi, và tôi xin cảm ơn ông đã có lời khuyên tốt bụng.

Cô Fairfax thân yêu, đúng là các cô gái trẻ cần được quan tâm. Tôi mong bà ngoại và dì cô đều mạnh khoẻ. Hai người là những người bạn già thân thiết nhất của tôi. Tôi mong có sức khoẻ khá hơn để làm người láng giềng tốt hơn. Nhà cô đã cho chúng tôi có vinh dự được đón tiếp hôm nay. Con gái tôi và tôi đều trân trọng lòng tốt của nhà cô, và rất vui được đón tiếp cô tại Hartfield.

Ông cụ tốt bụng, lịch ws có thể ngồi xuống và nghĩ mình đã thể hiện đủ phép xã giao để giúp tất cả phụ nữ được thoải mái.

Lúc này câu chuyện đi trong mưa đã đến tai cô Elton, và bây giờ cô bắt đầu mở giọng quở trách với Jane:

Jane thân yêu, chị vừa nghe chuyện gì thế? Đi đến nhà bưu điện trong mưa! Không nên làm thế. Tại sao em lại làm thế? Như thế thì chị không thể lo cho em được đâu.

Jane kiên nhẫn trấn an rằng rằng cô không bị cảm lạnh.

Ôi chao, đừng nói với chị. Em thật là đáng trách, không biết tự lo cho mình. Đi đến nhà bưu điện! Chị Weston, chị đã từng nghe chuyện như thế bao giờ chưa ? Chị và tôi nên có ý kiến cả quyết.

Chị Weston nói một cách hiền hoà với ý thuyết phục:

Tôi cũng muốn cho lời khuyên. Cô Fairfax, cô không nên khinh suất như thế. Cô có thể bị cảm lạnh nặng, nên thật tình cô cần cẩn thận, đặc biệt là trong mùa này. Tôi vẫn nghĩ trong mùa xuân ta càng cẩn trọng. Thà đợi thư trong một hoặc hai giờ, thậm chí nửa ngày, còn hơn là mang thư về rồi bị ho. Có vẻ như cô sẽ không làm như thế nữa.

Cô Elton nhanh nhẩu góp lời:

Ôi chao! Cô ấy sẽ không làm như thế nữa. Chúng ta sẽ không phép cho cô ấy làm như thế nữa.

Gật đầu làm ra vẻ hệ trọng, cô Elton nói tiếp:

Phải có biện pháp. Chi sẽ nói chuyện với anh E. Có một gia nhân của chị (mà chị quên mất tên), đi lấy thư mỗi buổi sáng, anh này sẽ giúp nhận thư của em. Như thế là tránh đi mọi khó khăn. Jane thân yêu ạ, chị nghĩ em không nên đắn đo chấp nhận việc nhờ vả này.

Jane nói:

Chị rất tử tế, nhưng em không muốn bỏ việc đi dạo buổi sáng. Em được khuyên nên rra khỏi nhà càng nhiều càng tốt, em phải đi tản bộ đâu đó, và nhà bưu điện là đích nhắm, em chưa bao giờ ngã bệnh vì đi bộ buổi sáng.

Em Jane thân yêu, đừng nói gì về việc chuyện này nữa. Đã quyết như thế rồi – cô cười một cách thân mật – ý là nếu chị có quyền quyết định chuyện gì mà không cần có ý phu quân của chị đồng thuận. Nhưng Jane thân yêu ạ, chị lấy làm vui khi thấy mình vẫn còn có chút ảnh hưởng. Thế thì nếu không có ý gì khác, ta xem như đã thu xếp xong.

Jane nói nghiêm chỉnh:

Xin chị thứ lỗi, em không thể nào chấp thuận cách thu xếp như thế, làm phiền gia nhân một cách không cần thiết. Nếu em không thích làm việc này, như khi em không có ở đây, thì gia nhân của bà ngoại em sẽ lo.

Ôi chao! Em yêu, nhưng Patty phải làm nhiều việc trong nhà. Nên giao việc ấy cho đàn ông thì tốt hơn.

Jane lộ vẻ như co không muốn bị khuất phục, nhưng thay vì trả lời, cô quay sang tiếp tục câu chuyện với anh John Knightley:

Nhà bưu điện là một cơ sở tuyệt diệu! luôn luôn đúng giờ! nếu ta nghĩ đến những việc họ phải làm và làm tốt như thế, ta mới thấy ngạc nhiên.

Đúng là việc điều hành rất tốt.

Rất hiếm khi có sơ suất! rất ít khi có một lá thư bị giao nhầm lẫn trong số hàng nghìn lá thư luôn luân chuyển khắp nước – tôi đoán có không đến một trong số một triệu lá thư bị thất lạc hẳn ! và nếu ta xét qua có biết bao nhiêu bàn tay – lại có bàn tay xấu – can dự vào công việc, thì là điều càng đáng ngạc nhiên.

Các thư ký trở thành chuyên viên nhờ thói quen. Ho .phải bắt đầu bằng mắt và tay lanh lợi, rồi thành thạo thêm qua công việc.

Anh mỉm cười nói tiếp:

Nếu cô muốn nghe thêm lời giải thích, thì là do họ được trả lương để làm việc đó. Đấy là chìa khoá cho sự hữu hiệu. Dân chúng trả thuế nên phải được phục vụ tốt.

Họ quay sang bàn về nét chữ viết. John Knightley nói:

Tôi nghe người ta nói rằng trong gia đình thường có một loại nét chữ, khi họ cùng gia sư thì đấy là lẽ tự nhiên .nhưng tôi nghĩ các phụ nữ trong cùng gia đình thì mới có nét chữ giống nhau, đàn ông con trai thì được dạy bảo khác nhau. Tôi nghĩ Isabella và Emma có nét chữ viết khá giống nhau. Tôi không thể nhận ra sự khác biệt.

Anh George Knightley nói một cách ngập ngừng:

Vâng, hai người có nét chữ giống nhau. Tôi biết ý anh muốn nói gì, nhưng nét chữ của Emma trông cứng cỏi hơn.

Ông Woodhouse nói:

Cả Isabella và Emma đều viết chữ đẹp, lúc nào cũng thế. Chị Weston tội nghiệp cũng thế.

Ông nửa thở dài nửa cười mỉm hướng về phía cô Weston.

Emma cũng nhìn về phía chị, nói:

Em chưa từng thấy nét chữ viết của quý ông nào cả.

Cô ngưng lại khi thấy chị Weston đang nói chuyện với người khác, và cô có cơ hội suy nghĩ thêm "Bây giờ làm thế nào mình giới thiệu anh ấy? Mình có nên nói đến tên anh ấy trước mặt những người này? Có cần phải nói quanh co không ? Người thân ở Yorkshire…người liên lạc thư từ ở Yorkshire…Mình nghĩ nên nói như thế. Không, mình có thể nói ra tên anh ấy mà không ngượng ngập. Mình sẽ cảm thấy thoải mái hơn. Bây giờ nên làm thế".

Chị Weston không còn tiếp chuyện với ai, nên Emma nói tiếp:

Anh Frank Churchill có nét chữ của một quý ông đẹp nhất mà em từng thấy qua.

Anh Knightley nói:

Anh không nghĩ thế. Nét chữ quá nhỏ, thiếu cứng cỏi. Trông giống như nét chữ của phụ nữ.

Cả hai phụ nừ đều không đồng ý. Emma nói:

Không đâu, không phải thiếu cứng cỏi. Nét chữ không được to, nhưng rõ ràng. Chị Weston, chị có lá thư nào của anh ấy để cho xem không?

Chị Weston trả lời:

Không, gần đây chị không nhận được thư anh ấy. Chị đem cất thư anh ấy sau khi đã hồi âm.

Emma nói:

Nếu có bàn viết, em có thể viết cho xem. Em có một tấm thiếp của anh ấy. Chị Weston, chị có nhớ ngày nọ chị đã nhờ anh ấy viết cho chị không ?

Anh ấy thích nói anh được nhờ …

Được, được, em có tấm thiếp đó, và sau bữa ăn em sẽ mang ra để thuyết phục anh Knightley.

Anh Knightley nói một cách khô khan:

Ôi chao! Chỉ một anh trai trẻ có tính ga lăng như Frank Churchill viết cho một tiểu thư như cô Woodhouse, dĩ nhiên là anh ấy cố viết theo cách hay nhất.

Bàn ăn đã được dọn ra. Cô Elton sẵn sàng khi chưa được mời, và trước khi ông Woodhouse tiến đến cô để mời cô đi vào phòng ăn ,cô đã nói:

Tôi phải đi trước sao? Tôi cảm thấy ngượng khi luôn dẫn đầu.

Việc Jane sốt ruột muốn đi nhận thư từ không thoát khỏi sự để ý của Emma. Cô đã nghe tất cả và tò mò muốn biết liêu chuyến đi dạo buổi sáng nay của Jane có mang đến lá thư nào không. Cô đoán rằng có, rằng đấy là vì cô này đang trông ngóng tin tức của người nào đấy rất thân thiết, và rằng cô đã được thoả nguyện. Emma nhận ra dáng vẻ vui tươi hơn ngày thường – một nét rạng rỡ trên gương mặt và trong tinh thần.

Đáng lẽ cô đã dọ hỏi đôi điều về những lá thư từ Ireland – ngôn từ đã ở trên đầu môi cô – nó cô kiềm chế. Cô có chủ ý không thốt lên lời nào khiến làm tổn thương cảm nghĩ của Jane Fairfax. Hai người khoác tay nhau theo những phụ nữ khác đi ra khỏi phòng ăn, với thiện ý phù hợp với vẻ xinh xắn và yêu kiều của cả hai.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.