Emma

Chương 20




Jane Fairfax là cô gái mồ côi, đứa con độc nhất của con gái út bà Bates.

Cuộc hôn nhân giữa trung uý Fairfax ở một trung đoàn bộ binh và Jane Bates đã trải qua thời kỳ nổi đình nổi đám, vui thú, hy vọng; nhưng bây giờ không còn nữa ngoại trừ hoài niệm u uẩn về cái chết của ông trên mặt trận nước ngoài, về người quả phụ chẳng bao lâu sau đấy chìm ngập trong bệnh tật và nỗi đau, và cô con gái này.

Theo lai lịch, cô là người của Highbury. Lúc cô lên ba, mẹ cô qua đời, cô được bà ngoại và dì nuôi nấng trong tình thương yêu và an ủi. Đã có ý định cho cô sống mãi nơi này, giáo dục cô theo cách có thể được trong hoàn cảnh vật chất thiếu thốn, rồi cô lớn lên mà không có lợi điểm nào về lai lịch hoặc gia tài của người lớn, để theo bẩm sinh mà trở thành một người hiền hoà, có đầu óc hiểu biết và những mối quan hệ thân tình, thiện ý.

Nhưng một người bạn của cha cô vì thương cảm cô mà mang đến một thay đổi trong vận mệnh của cô. Đấy là Đại tá Campbell, người kính trọng Fairfax như là một sĩ quan ưu tú của một thanh niên xứng đáng, hơn nữa còn mang ơn Fairfax sau khi đã chăm sóc cứu ông thoát chết trong một cơn thương hàn nguy kịch. Đấy là ơn nghĩa mà ông không quên, dù phải đợi nhiều năm trôi qua sau cái chết của Fairfax trước khi ông trở về Anh Quốc. Khi ông trở về, ông đi tìm Jane và quan tâm đến cô. Ông đã kết hôn và có một con gái trạc tuổi Jane. Thế là Jane trở thành người trong gia đình ông, thường được mời đến nhà ông và lưu lại trong những khoảng thời gian dài, được cả gia đình quý mến. Khi cô lên chín, vì tình thương của con gái ông và ý muốn của mình, Đại tá Campbell ngỏ ý muốn lo cho cô ăn học. Từ ngày ấy, Jane trở thành một thành viên trong gia đình Đại tá Campbell vvsn hẳn với họ, chỉ thỉnh thoảng về thăm bà ngoại.

Dự tính là giúp cô trở thành cô giáo, vì vài trăm bảng thừa kế của người cha không thể giúp cho cô tự lập. Đại tá Campbell không thể chu cấp cho cô nhiều vì dù ông có thu nhập khá, gia sản của ông là khiêm tốn và chỉ vừa đủ cho con gái ông, nhưng nếu cho cô một nền giáo dục ông hy vọng sẽ giúp cô có một nghề khả kính cho cô mưu sinh về sau.

Đấy là lai lịch của Jane Fairfax. Cô nhận sự bảo bọc tử tế của nhà Campbell, và một nền giáo dục hoàn hảo. Sống cùng những người có đầu óc chính chắn và hiểu biết, tâm hồn và tri thức của cô được bồi đắp bởi kỷ luật và văn hoá. Vì Đại tá Campbell sống ở London, mọi tiềm năng của cô được phát huy nhờ có thầy cô giáo xuất chúng dạy dỗ. Tư cách và khả năng của cô trở nên xứng đáng với tình quý mến của gia đình kèm cặp. Lúc mười tám hoặc mười chín tuổi, cô đã có thể là một cô giáo giỏi để dạy trẻ nhỏ, nhưng nhà Campbell vì vẫn quý mến cô mà không muốn xa cô. Cả hai vợ chồng đều không khuyến khích, còn con gái họ lại càng không chịu cho cô đi. Thế là cô chưa phải khó nhọc tự kiếm sống vì họ dễ dàng viện cớ là cô còn quá trẻ. Cô lưu lại với họ, sống như con gái của họ, chia sẻ với họ mọi thú vui có chừng mực của một xã hội phong nhã và sự pha trộn đúng đắn của tình thân gia đình và tiêu khiển. Điểm yếu duy nhất của là về tương lai, mà với đầu óc có hiểu biết cô vẫn nhớ rằng cuộc sống hiện tại chẳng bao lâu sẽ chấm dứt.

Ngoài tình cảm của toàn gia đình và đặc biệt tình quyến luyến của cô Campbell, họ còn cảm thấy hãnh diện vì nhan sắc và kiến thức của Jane Fairfax – cho đến ngày cô Campbell kết hôn. Qua cơ may không hề được dự trù cho hôn nhân, cô Campbell gặp gỡ anh Dixon, một thanh niên giàu có và dễ mến, và chỉ ít lâu sau họ cưới nhau. Trong khi họ ổn định cuộc sống, Jane Fairfax vẫn chưa có sinh kế.

Việc này chỉ xảy ra lúc gần đây, quá gần nên Jane không kịp có kế hoạch nào cho riêng mình. Từ lâu, cô đã có chủ định là đến năm hai mươi mốt tuổi sẽ dứt bỏ tất cả vui thú của cuộc sống này, của những mối giao du theo lý trí, của xã hội bình đẳng, an lành và hy vọng, để từ đây cô phải lo bươn chải.

Ông bà Đại tá Campbell có đủ ý thức nên không muốn chống lại chủ định của cô dù vẫn muốn cô tiếp tục ở lại. Ngày nào họ còn sống, thì cô không cần phải kiếm sống, nhà của họ vẫn là nhà của cô. Đáng lẽ họ còn muốn giữ cô lại mãi để cô chăm sóc cho họ được thoải mái nhưng như thế là ích kỷ. Nếu chuyện gì phải đến thì tốt nhất là nên đến sớm. Có vẻ như họ đã bắt đầu nghĩ rằng đáng lẽ nên tỏ ra tử tế hơn và khôn ngoan hơn mà cho cô bước ra đời sớm, tránh cho cô hưởng thêm thú vui và nhàn rỗi rồi cuối cùng đến ngày phải từ bỏ tất cả. Tuy thế, vì tình thương họ đã viện đủ lý do để trì hoãn cái ngày buồn đau ấy. Từ khi con gái họ lấy chồng, Jane không bao giờ được vui. Hai ông bà chưa muốn cô bước ra đời, để chờ cho đến khi cô tìm lại đủ nghị lực. Với sức khoẻ suy sụp và tâm trí giao động, xem dường như cô còn cần thứ gì khác nữa ngoài thể chất và tinh thần để có cuộc sống thoải mái và tương đối.

Về việc cô không theo họ đi Ireland, cô đã kể cho bà dì nghe sự thật tuy rằng đấy không phải là tất cả sự thật. Lý do bề ngoài vì muốn dành thời giờ trong khi họ đi vắng để hưởng những tháng cuối cùng – có lẽ thế - được tự do hoàn toàn với người thân. Gia đình Campbell – dù có động lực gì đi nữa, dù là từ một, hai hoặc ba người – đồng ý với cô, và nói cô cần vài tháng hưởng không khí nơi quê nhà để phục hồi sức khoẻ. Thế là thay vì đón tiếp người hoàn toàn mới đã hứa hẹn từ lâu – anh Frank Churchill – Highbury sẽ phải chịu đựng cô Jane Faifax sau hai năm cô xa vắng.

Emma cảm thấy rầu rĩ, vì trong ba tháng dài cô sẽ phải tỏ ra lịch sự với người mà mình không thích, phải cố thể hiện tình cảm nhiều hơn là mình thật sự mong muốn! tại sao cô không thích Jane Fairfax có lẽ là câu hỏi khó trả lời. Anh Knightley có lần nói với cô đấy là do cô thấy Jane là một phụ nữ thật sự thành đạt – mẫu người mà cô mong thiên hạ nghĩ về mình. Dù cô đã cực lực bác bỏ lời kết án, có nhiều lúc nhìn lại mình, lương tri của cô không thể tha thứ cho cô, nhưng cô nghĩ "Mình không bao giờ có thể chơi thân với nó, mình không hiểu tại sao, nhưng tính lạnh nhạt, và e dè như thế, không màng biết mình vui hay buồn, rồi còn có người dì lắm lời! Cứ nhặng xị với mọi người! Người ta lúc nào cũng tưởng tượng ra là hai cô gái phải thân thiết với nhau, ai nấy cứ nghĩ vì hai đứa bằng tuổi nhau nên hẳn phải mến nhau lắm". Đấy là những lý do của cô – không có lý do nào đúng lý hơn.

Đấy là mối ác cảm thiếu nguyên do chính đáng – vì trí tưởng tượng thổi phồng thêm từng khuyết điểm bị quy kết – khiến cho trước đây Emma không bao giờ đến gặp Jane Fairfax sau thời gian dài cô này đi vắng, mà không nghĩ rằng mình đã gây xúc phạm. Bây giờ Jane đã về sau hai năm vắng mặt, khi Emma phải đến thăm, cô đặc biệt có ấn tượng với dáng vẻ bề ngoài và cử chỉ mà suốt hai năm cô đã coi khinh. Jane Fairfax tỏ ra là người phong nhã, cực kỳ phong nhã, trong khi chính Emma đã đạt mức phong nhã cao nhất. Khổ người Jane cao nhưng không ai nghĩ quá cao, vóc dáng cô yêu kiều, cô vừa tầm giữa hai mức gầy và béo, dù vẻ yếu đuối vì thiếu sức khoẻ dường như cho thấy cô gầy. Emma nhận ra tất cả điều này, và rồi gương mặt của Jane – những nét đặc trưng của cô – còn thêm nét gì đó ngoài vẻ đẹp, không phải là vẻ đẹp thông thường , mà là dung nhan ưa nhìn. Đôi mắt của Jane – một màu xám đậm với lông mi và lông mày đen – luôn khiến người ta ngưỡng mộ. Riêng làn da, mà có người cho là nhợt nhạt, thể hiện sự trong sáng và tinh tế mà không cần phải tươi tắn thêm. Đấy là một thứ nhan sắc bỉêu lộ nét phong nhã hàng hai, vì thế qua những nguyên tắc của mình Emma phải ngợi khen – nét phong nhã mà cô thấy rất ít ở Highbury dù qua thể chất hoặc tinh thần. Không có ý xúc phạm, nhưng đấy là điểm đặc trưng và chân giá trị.

Tóm lại, tron chuyến đến thăm đầu tiên, Emma ngồi nhìn Jane Fairfax với tâm tư mãn nguyện nhân đôi: ý thức hài lòng và ý thức công tâm, và nghĩ không nên có ác cảm với Jane nữa. Khi xét qua về thân thế, hoàn cảnh cũng như nhan sắc của Jane, khi ức đoán vẻ phong nhã ấy sẽ được dùng vào việc gì, khung cảnh nào cô sẽ từ bỏ mà bước ra đời, cô sẽ mưu sinh ra sao, Emma chỉ một lòng thương cảm và tôn trọng. Thêm vào đó, một tình huống rất có khả năng xảy ra là Jane thầm yêu anh Dixon. Nếu đúng như thế, không có gì đáng thương và cao cả hơn lòng hy sinh của cô. Bây giờ Emma mới tha bổng cho Jane cái tội quyến rũ anh Dixon hoặc bất kỳ hành động tinh ranh nào mà cô đã kết án trước đây. Nếu do tình yêu thì đấy là thứ tình yêu giản đơn, một chiều tuyệt vọng về phía Jane mà thôi. Có thể trong vô thức Jane đã nuốt phải thứ độc dược u buồn khi chia sẻ các cuộc chuyện trò giữa anh và cô bạn Campbell. Từ ý muốn minh bạch nhất, bây giờ Jane hẳn tự mình quyết định không đi Ireland, và muốn tự lánh xa anh Dixon cùng những mối quan hệ với anh bằng cách bắt đầu sự nghiệp gian khổ của riêng mình.

Emma từ biệt Jane với tâm trạng đầy tình cảm, thiện ý như thế, khiến cô nhìn chung quanh mình trên đường về nhà mà than thở ở Highbury không có thanh niên nào xứng đáng để giúp Jane được tự chủ, không có ai cho cô mong trù tính về Jane.

Đây là ý tưởng đáng quý nhưng không kéo dài lâu. Trước khi cô công khai bày tỏ tình thân hữu lâu bền với Jane Fairfax hoặc có động thái từ bỏ định kiến và sai lầm trong quá khứ, cô nói với anh Knightley:

Cô ấy thật là đẹp, và còn hơn cả đẹp!

Jane đã qua trọn một buổi tối ở Hartfield với bà ngoại và dì, và mọi việc đều diễn ra như lệ thường. Thái độ trêu ngươi lại xuất hiện. Người dì vẫn gây phiền hà như xưa – còn phiền hà hơn – bởi vì thêm vào nỗi quan ngại về sức khoẻ của cháu gái là lòng ngưỡng mộ về nghị lực của cô. Họ phải nghe người dì kể lể chính xác cô cháu đã dùng bao nhiêu bánh mì và bơ trong bữa ăn sáng, phô bày các món mũ và giỏ xách mới mà cô cháu làm cho ngoại và dì, và rồi Jane phạm khuyết điểm. Họ muốn tiêu khiển bằng âm nhạc, và Emma phải trình diễn. Đối với Jane, những lời cảm ơn và ca tụng vì lịch sự có vẻ như màu mè, trọng đại chỉ để phô trương tài năng xuất chúng của mình. Còn cô ta lại có vẻ lạnh nhạt, thận trọng! không thể hiểu cảm nghĩ thật lòng của cô ra sao. Bao bọc trong lớp vỏ lịch sự, có vẻ như cô không muốn khinh suất tỏ lộ gì cả. Cô tỏ ra thật đáng ghét , dè dặt một cách đáng ngờ.

Sự việc trỏ nên tệ hại hơn khi Jane càng dè dặt lúc nói về Weymouth và vợ chồng Dixon. Xem dường như cô không muốn tiết lộ gì về tính cách của anh Dixon, cũng không nhận xét gì về vợ anh hoặc cuộc hôn phối của anh. Cô chỉ bày tỏ tình đồng thuận chung chung mà không lý giải và phân biệt từng sự kiện. Emma nhận thấy không ổn, nhìn ra vẻ dối trá, rồi quay lại với những ức đóan ban đầu của mình. Có lẽ còn có chuyện gì khác bị giấu diếm, có lẽ anh Dixon đã đi gần đến sự thay đổi từ Campbell sang Jane, hoặc gắn bó với cô Campbell chỉ vì khoản tiền mười hai nghìn bảng trong tương lai.

Thái độ giữ kẽ còn được thể hiện trong một đề tài hàn huyên khác. Jane và anh Frank Churchill đã ở tại Weymouth vào cùng thời gian. Họ đã quen nhau, nhưng cô không hé môi lấy một lời cho biết anh thật sự như thế nào. Emma nhớ lại " Anh ấy đẹp trai không ? – cô ấy nghĩ anh ấy trông rất khá – Anh ấy có dễ mến không ? – Nói chung, người ta đều nghĩ thế - Anh ấy có vẻ là người có óc xét đoán, nhiều hiểu biết không ? - Ở bãi biển hoặc nơi nhà bạn bè ở London thì khó biết được khía cạnh này. Chỉ có thể phán xét cử chỉ. Cô ấy nghĩ mọi người đều thấy anh có tư cách dễ mến ".

Emma không muốn bỏ qua cho Jane.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.