Em Yêu Anh, Nhưng Em Đã Già Rồi.

Chương 8: Củ cải xào thịt bò




Mấy ngày nay hình như anh bận rộn vô cùng, ngày nào về nhà xong cũng mò vào phòng sách lục lọi sách y học, tôi thấy đôi mắt anh càng ngày càng thâm quầng, muốn giúp anh lắm, nhưng thân mèo ba chân này không thể giúp anh làm nhanh việc gì, đành đảm nhận công việc đi chợ.

Anh đưa tôi ra cửa, dặn đi dặn lại là phải đi thật chậm, không phải vội vàng, tôi đưa gậy lên chỉ vào người anh, giận dỗi nói: “Em chưa tới tám mươi đâu.”

Anh nhìn tôi bước đi run rẩy, vừa buồn cười lại vừa đau lòng. Sau đó lấy ở đâu ra tiền lẻ đưa cho tôi, kiểm ra tôi có mang theo chìa khóa và điện thoại không, xong đâu đó rồi mới để tôi đi.

Tôi chầm chậm đi trên đường, nghĩ đến bộ mặt vừa rồi của anh, trong lòng không biết phải làm sao. Tôi cúi đầu nhìn chân mình, cảm thấy có chút bất an. Có một đôi chân như vậy, có thật sẽ chống đỡ được đến năm tám mươi tuổi không?

Đi được nửa đường, anh gọi điện cho tôi. Tôi bực mình nói: “Đường ra chợ với em không thành vấn đề”, anh lại liên tục đáp: “Không phải, không phải, chị hai vừa gọi đến, nói con dâu chị đã có thai, được hai tháng rồi”.

Tôi sửng sốt hỏi lại: “Có thai?”

Anh kích động nói: “Đúng vậy, thằng nhóc kia không thành thật, e là biết trước rồi, chị hai cầm tờ giấy xét nghiệm của bệnh viện phấn khởi rất lâu.”

Sau khi gác máy, bất giác tôi nở nụ cười. Chị hai vốn có hai thằng con trai, đứa con gái thứ trời sinh gầy yếu, được hai tuổi thì mất, vì thế suýt nữa chị ấy đã khóc mù mắt. Từ đó chị ấy không nhắc đến chuyện muốn có con nữa, nhưng “con trai cả” vẫn để ở trong lòng. Lần trước con trai cả kết hôn, chị ấy vui vẻ vô cùng, bây giờ con dâu mang thai, sợ là sẽ nâng con dâu như nâng trứng đây.

Con cháu đầy nhà, anh em vui vẻ. Đây vốn là kỳ vọng trong sâu thẳm của mỗi người. Chúng tôi lựa chọn nhau, ngay từ đầu cũng đã lựa chọn sự thất vọng rồi. Lúc tôi sinh nhật bốn mươi tuổi, anh nói: “Hay là chúng ta nhận con nuôi đi”, tôi cười nhạo anh rằng: “Anh nghĩ con sẽ gọi hai ông bố này thế nào đây?”

Chúng tôi không có cách nào cho con cái một gia đình trọn vẹn, nên mặc dù rất muốn vẫn không thật sự nhận nuôi. Nuôi con không giống nuôi thứ cưng, không phải chỉ cần cho ăn là được. Ngay cả tôn nghiêm bản thân chúng tôi còn không thể đảm bảo, sao có thể làm liên lụy tới một đứa bé?

Có lần anh nói với tôi là lúc anh nhờ chị hai nói với cha anh về chuyện chúng tôi, chị hai biết anh lựa chọn ở cạnh bên tôi liền lập tức khuyên răng.

Chị hai nói: “Chú có từng nghĩ hai thằng con trai ở bên nhau có nghĩa là gì không? Cho dù hai người có mặc kệ thành kiến và kỳ thị của xã hội thì chuyện sinh con nối dõi phải giải quyết thế nào? Không có con cái, gia đình không trọn vẹn thì thôi, về già nhờ ai chăm nom? Đến khi cả hai đều đã không đi nổi, không có phụ nữ ở bên cạnh phụ giúp, nói thì khó nghe nhưng đến lúc chết thì chả có ma nào biết đâu.”

Anh cười khổ: “Khi đó anh nói với chị hai là vậy thì đi mướn người giúp việc. Chị ấy giận anh mấy ngày không thèm nói chuyện.”

Thật lòng chúng tôi đều hiểu sự lo lắng của chị ấy, chỉ là, giống như anh nói, nếu đã lựa chọn rồi, vậy thì chỉ có thể như thế mà thôi.

Nghĩ đến những chyện này, sự phấn khởi vừa rồi lập tức hóa thành hư không, trong lòng thật nặng nề. Rẽ vào góc kia là đến chợ, tôi bất ngờ va phải một người.

Tôi dừng bước, đứng thẳng người, nhìn ông lão vững vàng đi về phía tôi, cúi đầu gọi nhỏ: “Cha.”

Chòm râu bạc trắng của ông lão rung rung, đôi mắt nhìn tôi phức tạp.

Năm nay ông đã chín mươi tuổi nhưng thân thể vẫn khỏe mạnh, tuy đầu bạc thưa thớt nhưng rất có tinh thần. Tôi vẫn luôn chống đối với cha mình, không biết tại làm sao mà ở trước mặt cha anh lại giống chuột gặp mèo, trong lòng lo sợ bất an, không dám có suy nghĩ bất kính.

Đầu tiên ông lướt nhìn vào trong túi bảo vệ môi trường trên tay tôi, sau đó tập trung nhìn vào cây gậy. Tôi sợ ông sẽ hỏi, nhưng ông lại không hỏi gì, chỉ nói: “Tết năm nay sao các con không về?”

Tôi trả lời: “Đáng lẽ là bọn con về, nhưng anh ấy hay phải đi trực nên không về được.”

Tôi nói dối.

Hôm ba mươi tết đó, anh nói năm nay anh không về, ở nhà phụ giúp tôi. Mấy năm trước khi anh về nhà mừng năm mới, hay đưa tôi đi cùng, gặp ai cũng ngại ngùng. Không phải tôi và anh ngại ngùng, mà là người nhà anh. Có lần một người họ hàng trong nhà anh hỏi tôi là ai, chị hai anh ấp úng không biết nói thế nào, cuối cùng cha anh nói với người đó rằng: “Đây là con nuôi tôi.” Từ đó về sau, tôi xem ông như cha mình mà gọi cha.

Hết năm tết đến, ngày mừng năm mới là thời điểm quan trọng đối với chúng tôi. Hôm đó chúng tôi sẽ cùng nhau đến nhà anh, những lúc chiến hữu của cha anh tới chơi, tôi chỉ biết trốn vào trong phòng như một kẻ trộm. Lúc đó, tôi nghe thấy ở bên ngoài chiến hữu của cha anh hỏi anh đã lấy vợ chưa, cha anh nói là chưa, ông ấy liền nhiệt tình giới thiệu con gái của mình, chuẩn bị giới thiệu cho hai người thành đôi. Tôi ở trong nghe ông ấy thao thao bất tuyệt, còn cha anh chỉ im lặng một lúc lâu, trong lòng cảm thấy khó chịu.

Có hôm chị hai hỏi thế nào mà không thấy cả hai về nhà của tôi, tôi chỉ im lặng không biết nói gì.

Thời gian trôi qua nhiều như vậy, không phải tôi không nghĩ đến chuyện làm dịu lại mối quan hệ. Tôi không hối hận lúc ấy đã nói mọi chuyện với gia đình, chỉ là cảm thấy tuổi tác cha mẹ đã cao, chị tôi dù sao cũng chỉ là phụ nữ, bao năm qua tôi chưa từng hầu hạ cha mẹ cũng không quan tâm đến chị mình, đứa con này thằng em trai này thật là vô trách nhiệm.

Cảm giác này sau bốn mươi tuổi lại càng mãnh liệt. Tôi bèn núp ở bên hẻm nhỏ trước cửa nhà, nhìn cha khom lưng đi ra ngoài, mỗi bước đi đều ho khan vài tiếng. Tuy cha đi không vững nhưng lòng tự trọng rất cao, không chịu để ai dìu nên chỉ có thể đi từng bước thật chậm đến phía trước. Mẹ thì đi theo ở đằng sau, đi được vài bước hai người đã thở hồng hộc.

Lúc ấy mắt tôi đã ươn ướt.

Cha của tôi, đã từng là người đàn ông cường tráng gánh vác cả một gia đình, vậy mà bây giờ ngay cả việc đi lại cũng thành ra như vậy. Trước kia cha làm việc trong nhà máy cả ngày, về nhà lại khiêng bình nước khiêng bình ga đem trả, cánh tay rắn chắc nhẹ nhàng nhấc lên bình ga hơn trăm kí vác lên vai… Cha của lúc đó đã đi đâu rồi?

Chị tôi đi ở phía sau nhìn thấy tôi, kinh ngạc không thôi, đứng ở một chỗ trân trân nhìn tôi. Tôi cũng nhìn chị, thấy trên mặt hai hàng nước mắt rơi xuống thẳng tắp, nghe chị vừa khóc vừa quát: “Đi, đi đi!”

Tôi vội trốn chạy, sau lưng là tiếng cha vừa không ngừng ho đến rung trời vừa giận dữ mắng nhiếc tôi. Tôi còn nghe thấy tiếng mẹ khóc và tiếng khuyên can của chị, ngón tay siết chặt vào lòng bàn tay, một chút đau đớn cũng không cảm nhận được.

Đôi khi tôi cảm thấy thật may mắn vì quan hệ giữa anh với người nhà không đến nỗi như tôi. Sự thống khổ này, anh không phải chịu đựng.

Tôi chyển sang nói chuyện của chị hai.

“Cha, chắc cha còn chưa biết con dâu của chị hai đã có thai được hai tháng rồi, vừa mới biết được hôm nay.”

Ông không có thói quen mang di động, vừa nghe tôi nói, trên mặt liền nở nụ cười, ngay cả nếp nhăn trên khóe mắt cũng giãn ra.

“Thật không? Về phải giáo huấn lại thằng nhóc này, như vậy là không thành thật.”

Cha anh không có thói quen tỏ ra vui sướng, mặc dù vui vẻ như vậy ông cũng chỉ nói đôi lời trách móc, nhưng trong giọng nói hạnh phúc kia chẳng giảm bớt phần nào.

Bỗng nhiên tôi nghĩ, nếu anh không ở bên tôi mà lấy vợ sinh con, cha anh có vui vẻ hơn không?

Tôi nhìn ông, chợt cảm thấy áy náy sâu sắc.

Mang thịt nướng về nhà, tôi đi thật chậm, được nửa đường tuyết bắt đầu lại rơi, tôi đi nhanh hơn một chút, cách nhà còn ba bốn trăm mét đã gặp được anh.

Anh khen tôi rồi xoa đầu, cầm lấy túi to, cúi người xuống phủi tuyết trên người tôi.

Thật ra tôi không lạnh, nhưng anh vẫn ôm lấy tôi, nghiêng thân mình che đi một phần cơn gió đang thổi tới.

Tôi nói với anh chuyện gặp cha anh trên đường.

“Cha vẫn còn khỏe lắm, tiết trời hôm nay mà không cần mặc áo khoác nữa.”

Bình thường anh ít khi về nhà, cơ bản là một năm chỉ về vào dịp tết âm lịch, thỉnh thoảng Trung thu cũng về một tí, nhưng chưa được nửa giờ đã đứng dậy đi về. Nghe tôi nói xong, anh quả nhiên lo lắng một năm rồi không gặp cha.

Anh lấy di động ra định gọi cho chị hai bảo chị ấy nói cha chú ý chăm lo sức khỏe, bấm được mấy số rồi lại thôi, nói về nhà rồi gọi.

Dọc đường về, anh cố ý ra vẻ nghiêm túc, bị tôi cười nhạo cũng mặc kệ.

Đến nhà, tôi cởi đôi giày nặng trịch ra để bên ngoài ban công, còn anh thu ô lại rồi mang đồ đạc này nọ vào bếp. Anh thực sự lục lại toàn bộ những ghi chép y học ở trên giá sách, bày ra khắp nơi, ở trên bàn trà cũng có một quyển, chắc là lúc anh ra đón tôi tiện tay bỏ lại. Tôi ngồi xuống sô pha rồi cầm lấy quyển sách, là sách phân tích về bệnh ung thư mới ra năm nay.

Tôi lật xem quyển sách, hứng thú hỏi anh: “Đề tài nghiên cứu mới nhất của anh có liên quan đến bệnh ung thư à?”

Không biết anh ở trong bếp làm rơi thứ gì, “rầm” một tiếng làm tôi giật cả mình. Tôi sợ anh bị đứt tay, vội vàng hỏi: “Có sao không? Anh có làm rơi cái thớt gỗ không mà tiếng to vậy?”

Anh từ trong bếp đi ra, trên tạp dề dính đầy nước. Tôi thấy bộ dạng nhếch nhác của anh thì cười khì, anh trừng mắt lườm tôi nói: “Chỉ biết vui vẻ khi thấy người khác gặp nạn.”

Tôi khép lại quyển sách trong tay, chuẩn bị trả lại cho anh. Tôi biết trước nay anh giữ sách rất kĩ, ít khi vứt lung tung trên bàn trà vì dễ bị bẩn.

Anh vỗ vỗ vai tôi nói: “Để đó đi, em vào giúp anh gọt củ cải.”

Lần này phá lệ. Tôi nhìn anh nghi hoặc, dò hỏi: “Em để ở đây, bẩn cũng đừng trách em.”

Anh lườm tôi giận dỗi: “Cứ để đó đi, em không muốn ăn củ cải trắng xào thịt bò đúng không, tối bảy giờ anh còn hội nghị nghiên cứu bệnh, em mà không nhanh thì đừng hòng ăn.”

Tôi ném sách trên sô pha, đi theo anh vào bếp. Chờ tôi gọt củ cải xong ra ngoài, ngang qua hành lang, phát hiện cửa phòng sách đã đóng rồi.

Dừng bước lại một chút, tôi nhớ là ban nãy cửa vẫn còn mở mà, tôi có nhớ nhầm không?

Theo bản năng tôi lướt nhìn qua sô pha, thấy sách còn đó, trong lòng thở phào nhẹ nhõm, nhưng không biết là vì cái gì.

Tôi lại có loại cảm giác, tôi tình nguyện mãi mãi không muốn biết vì sao.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.