Em Định Trốn Tránh Đến Bao Giờ

Chương 12: Làm mới bản thân là thay đổi cuộc sống




Tôi vẫn đi làm bình thường. Tôi đã thi lấy chứng chỉ tiếng Anh, còn tiếng Trung Quốc nữa thôi. Việc học tại chức vẫn diễn ra hàng tuần. Tôi, Xu và Diệu Vũ gần gũi nhau hơn. Thỉnh thoảng, chúng tôi còn trêu nhau giả vờ giằng co yêu Xu. Người ngoài nhìn vào cả ba chúng tôi như lũ điên.

Trong canteen trường, tôi trầm ngâm, thở dài một tiếng rồi quyết định nói với hai người bạn của mình.

- Các cậu, tớ định chuyển việc. Tớ được gọi phỏng vấn ở một công ty vốn 100% nước ngoài. Nếu phỏng vấn thành công, tớ sẽ chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh sống và làm việc trong đó.

- Tại sao lại phải vào đó? Ở Hà Nội thiếu gì công ty mà phải bươn chải vào đó làm gì? - Diệu Vũ giận dỗi

- Cậu đi xa bọn tớ quá - Xu nhàn nhạt nói

- Tớ muốn thay đổi bản thân, thay đổi cuộc sống hiện tại. Tớ cảm giác ngột ngạt quá. Công ty này đặt tại Hà Nội, mở chi nhánh ở Hồ Chí Minh. Bọn tớ vào đấy gây dựng nền móng trong đó, sau khoảng 1-2 năm sẽ trở lại Hà Nội làm việc thôi mà.

- Cái gì? 1-2 năm sao? - Xu hốt hoảng.

- Cậu chạy trốn thì đúng hơn, cậu đừng lấy lý do bao biện thay đổi bản thân cái nỗi gì. Rõ ràng là chạy trốn - Diệu Vũ lơ đãng nói

- Các cậu nghĩ thế nào cũng được. Nhưng tớ đã quyết định rồi

- Nếu đã quyết định rồi thì đừng có nói theo cái kiểu nhờ tư vấn thế này nữa. Cậu đi đi, đi luôn đi - Diệu Vũ nổi nóng.

Cô giật túi xách rồi hậm hực bước ra ngoài, đi lên lớp. Tôi hiểu cô ấy. Ngoài tôi ra, cô ấy không có ai thân thiết và tín nhiệm như với tôi. Xa hai người bạn thân này, tôi cũng buồn lắm chứ. Tôi thở dài. Khi tôi nói chuyện này với Phụng Lê - nó cũng phản ứng giống như Diệu Vũ. Tôi chuyển ra ngoài sống, Phụng Lê sẽ phải thay tôi chăm sóc mẹ.

Đúng như tôi mong muốn, công ty mới gọi điện thoại thông báo tôi trúng tuyển. 1 tuần sau chính thức đến nhận việc.

Tôi viết đơn xin nghỉ ở bể bơi. Bác Giám đốc ân cần hỏi han nhiều thứ, bác an ủi tôi, động viên tôi, dặn dò tôi như một người cha chuẩn bị gả con gái đi. Tôi khóc. Bác Giám đốc quát nhẹ: "Đang ở văn phòng Công ty, khóc cái gì".

Tôi vừa khóc vừa cười, không nói nên lời. Trong cuộc đời tôi, gặp được những người như bác Giám đốc, chị Thúy Chi và chị Lương Hiền - đối với tôi mà nói, không khác gì được nhận kim cương châu báu. Đi ra cửa, bác nói với tôi: "Có thời gian thì sang nhà bác chơi".

Tôi gọi điện thoại cho Thiên Phụng - con gái lớn của bác Giám đốc. Hai chúng tôi mặc dù không thường xuyên gặp nhau nhưng vẫn hay nhắn tin hỏi han nhau. Mọi chuyện của Thiên Phụng, tôi đều biết. Hai chúng tôi cùng hẹn nhau đi uống cà phê, nói chuyện trên trời dưới bể, rồi bịn rịn chia tay nhau.

Tôi liên hệ với cô chủ nhiệm và Ban giám hiệu nhà trường chuyển điểm của tôi vào chi nhánh của trường ở thành phố Hồ Chí Minh.

Chị Hằng cũng sang nhà chào tạm biệt mẹ tôi, gia đình chị cũng sắp chuyển đi. Tôi tuyệt nhiên không nói với chị về việc chuyển việc của mình. Tôi sợ chị sẽ nói với Khánh Phong. Chị động viên tôi rất nhiều. Chị nói:

- Làm người yêu, làm vợ bộ đội, dù là ngành nghề gì cũng đều phải chịu thiệt thòi hơn những người khác. Hiện tại Khánh Phong cũng rất bận rộn. Cậu ta sắp nhận nhiệm kỳ đầu tiên.

Tôi nhìn chị, gật đầu cười.

Trong khoảng thời gian này, Khánh Phong vẫn nhắn tin và gọi điện thoại đều cho tôi. Tôi vẫn nhận điện và trả lời tin nhắn như không có chuyện gì xảy ra cả. Sau mỗi tin nhắn hoặc sau mỗi cuộc gọi, anh đều nói: Anh yêu em.

Giọng nói ấy vẫn luôn êm tai, hơi thở ấy vẫn như quanh quẩn trên môi tôi. Tôi chợt nhận ra một điều: hóa ra tôi cũng yêu anh không kém gì anh yêu tôi. Có điều, tôi chưa từng nói với anh điều này.

Tôi đến công ty mới nhận việc. Sau 1 tháng đào tạo chuyên môn, tôi nhận vé máy bay vào thành phố Hồ Chí Minh cũng đúng vào dịp Tết Nguyên Đán. Trước khi đi, tôi thay đổi lại kiểu tóc, mua thêm vài bộ quần áo, tôi thay đổi hoàn toàn từ đầu đến chân. Tôi tự cho phép mình phung phí một lần. Tôi thay số điện thoại, đổi luôn điện thoại hiện tại. Bây giờ hầu như chẳng ai còn dùng điện thoại màn hình đen trắng chỉ có chức năng nghe - gọi - nhắn tin, họ đều chuyển sang dùng điện thoại thông minh, chạm và trượt. Cầm điện thoại mới trong tay, tôi tự nhủ: phải cố gắng!.

Mẹ tôi gào thét, chửi rủa khi tôi thông báo sẽ chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh sống và làm việc. Phụng Lê khóc như mưa. Tôi không hiểu vì sao Quốc Cường biết tôi chuyển đi. Ngày tôi xách vali ra khỏi nhà, anh nghỉ việc, đứng ở cửa, khi tôi bước ra, anh không cần hình tượng gì cả ôm chầm lấy tôi. Anh ôm chặt tôi, kêu tôi nghĩ lại. Tôi lắc đầu.

Anh nói: anh ghét tôi. Anh bảo tôi xấu xa. Anh còn nói nhiều lắm. Tôi biết, anh yêu tôi - một tình yêu thầm lặng. Thực ra, đã có lúc tôi đã chông chênh giữa Khánh Phong và Quốc Cường. Một lần, tôi đeo tai nghe nghe nhạc ngồi trước nhà, chẳng may máy nghe cầm tay của tôi hết pin. Tôi nghe thấy cuộc nói chuyện của mẹ anh, em gái và anh trai anh. Họ mắng anh dở hơi khi thích tôi. Tôi vô tình nghe được toàn bộ câu chuyện bởi lúc đó cửa nhà anh mở rộng. Vì tôi ngồi ở trước cửa nhà tôi nên từ bên trong nhà anh mà nhìn ra ngoài thì không hề phát hiện ra còn có người khác ở đó. Cũng nhờ cuộc nói chuyện đó, tôi nhận ra một vấn đề: gia đình tôi như vậy, bố mẹ tôi như vậy, trình độ văn hóa của tôi như vậy làm sao bước vào nhà Chủ tịch tỉnh như nhà anh đây. Tôi cười chua chát.

Tôi để mặc anh xả giận xong, nhẹ nhàng kéo tay anh ra, không nói lời nào, ngẩng đầu, dứt khoát bước đi. Tôi nghe "rầm" một tiếng. Tôi vờ như không nghe thấy gì, vẫn kéo vali đi xuống cầu thang. Tôi ra ngoài đường, vẫy taxi đi sân bay.

Không khí Tết rộn ràng khắp nơi. Tết là nơi người xa quê về đoàn tụ với gia đình. Còn tôi, một thân một mình chuyển sang thành phố khác.

Nói đúng ra tôi không hề một mình bởi vì nhóm chúng tôi gồm 10 người, sẽ chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh làm việc. Công ty chúng tôi đã sắp xếp nơi ở cho 10 người bọn tôi. Vì lý do này nên tôi mới nộp đơn phỏng vấn.

Bước vào sảnh chờ, điện thoại của tôi rung lên. Phụng Lê nhắn tin Khánh Phong tìm tôi. Tôi làm thủ tục, bước lên máy bay, tin nhắn điện thoại lại rung lên: chị Thúy Chi nói Khánh Phong tìm tôi. Rồi Diệu Vũ, Xu cũng nhắn tin thông báo rằng Khánh Phong tìm tôi. Tôi dặn mọi người đừng cho anh ấy số điện thoại của tôi, và cùng đừng nói tôi chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh. Tôi cắt đứt mọi thứ liên quan đến anh cũng như chặn mọi ngả đường để anh không tìm được tôi. Đằng nào anh cũng sẽ nhận nhiệm kỳ mới, nhiệm kỳ kéo dài trong 3 năm. 3 năm đó, mọi việc sẽ thay đổi, biết đâu anh sẽ tìm được người mà anh mong muốn. Chắc chắn người đó sẽ hơn tôi mọi thứ và quan trọng - người đó sẽ không có quá khứ đáng tởm như tôi.

Máy bay bắt đầu cất cánh. Tôi tắt điện thoại, lẩm bẩm: Tạm biệt !

Thành phố phương Nam chào đón chúng tôi bằng ánh nắng và sự ấm áp, trái ngược với Hà Nội đang trong mùa lạnh giá.

1 tháng trôi qua nhanh chóng, chúng tôi ổn định chỗ ở và công việc. Chỗ ở của chúng tôi là 2 căn hộ chung cư liền nhau. Một căn dành cho nữ, một căn dành cho nam. Chúng tôi nấu ăn chung. Văn phòng là một căn hộ chung cư gần đó. Cuộc sống của tôi bắt đầu đi theo một quĩ đạo mới.

Trào lưu tham gia mạng xã hội rầm rộ, tôi cũng hào hứng tham gia. Đã lâu rồi, tôi không có cảm giác thoải mái như lúc này. Ban đầu tôi còn lo ngại sẽ đụng chạm Khánh Phong trên mạng, nhưng với tính cách của anh, chắc chắn anh không rỗi hơi mà chơi trò trẻ con này đâu. Tôi nhắn tin cho Phụng Lê nick và mạng xã hội mà tôi tham gia, tôi muốn Phụng Lê cập nhật mọi tin tức ở nhà cho tôi. Tôi gửi một phần tiền lương cho Phụng Lê chi tiêu ở nhà, một phần tôi chi dùng cá nhân, một phần tôi gửi tiết kiệm. Tiền lương của tôi tính theo đô- la nên khi qui đổi ra tiền Việt cũng dôi dư một ít.

Phụng Lê rất nhanh lập nick và gửi mọi thông tin cho tôi. Tôi nhìn ảnh mẹ tôi đang chơi đùa với hai đứa nhỏ mà mẹ tôi đang trông, nhìn ảnh bố tôi say sưa siêu vẹo nhưng vẫn bế cháu.

Phụng Lê nói Quốc Cường đã chuyển nhà đi nơi khác, Long Trịnh thường xuyên lên nhà tôi chơi. Mẹ tôi đang trong thời kỳ tiền mãn kinh nên tính khí cũng thất thường, thể trạng cũng không ổn định. Long Trịnh chăm sóc mẹ tôi cứ như thể là con đẻ. Mẹ tôi thích lắm, to nhỏ với Long Trịnh suốt. Cậu ta lại còn công khai nói chờ tôi quay lại Hà Nội là xin cưới luôn. Mẹ tôi cảm động vô cùng. Tôi đang chat trực tuyến với Phụng Lê, đọc những dòng chữ này xong, tôi không biết nên khóc hay cười. Chẳng lẽ tôi lại xin ở luôn thành phố này mà không quay về Hà Nội nữa.

Tôi không thể làm được, bởi Hà Nội có gia đình tôi, hơn nữa, tôi còn là con cả trong gia đình. Trách nhiệm này, không thể chuyển sang Phụng Lê được. Tôi đã vất vả rồi, không thể để cho Phụng Lê cũng vất vả giống tôi. Long Trịnh nói đúng về tôi: dù có đi đâu chăng nữa thì cuối cùng em cũng không bỏ được gia đình. Đây là điểm yếu của tôi. Nhiều khi tôi nghĩ: hay là cứ ổn định ở đâu đó, kiếm thật nhiều tiền rồi gửi về cho gia đình. Còn Phụng Lê thì sao, em ấy cũng phải lập gia đình. Phụng Lê không cá tính bằng tôi. Có thể bởi vì tôi là con cả nên tính cách của tôi cũng có phần cứng rắn hơn. Tôi luôn muốn tạo cho Phụng Lê một hoàn cảnh sống nhẹ nhàng để em ấy được hưởng những điều tốt đẹp. Thân tôi - dù sao cũng bẩn rồi, không thể để cho em ấy cũng vướng vào bùn lầy như tôi.

Đêm đó, tôi thức trắng. Tôi nhớ Khánh Phong. Nhớ anh vô cùng. Đã nhiều lần tôi tự lấy lý do này lý do khác để bao biện cho hành động của mình, nhưng chung qui lại, tôi không trách anh. Bởi anh có quyền có được một người vợ hoàn chỉnh và trong sạch. Tôi nghĩ đến bản thân tôi. Tôi khóc cho số phận của tôi.

Trời tang tảng sáng.

Khi còn ở nhà, tôi chưa bao giờ dậy sớm tập thể dục. Mỗi ngày của tôi là một chuỗi các hoạt động học và làm nên thường cuối ngày về đến nhà là tôi lăn ra ngủ. Quần áo của tôi thường là Phụng Lê hoặc mẹ tôi giặt. Vì điều này mẹ tôi đã ruả xả tôi không tiếc lời.

5 giờ sáng. Tôi mặc quần short, áo phông đi giày vải xuống sân chung của chung cư. Hồ Chí Minh là thành phố quanh năm nắng nóng, chỉ có một mùa duy nhất là mùa hè. Chắc bởi thời tiết ổn định như vậy nên tôi không hay bị cảm cúm như khi ở Hà Nội. Tôi lững thững đi ra sân. Cách mỗi tòa nhà là một khoảng sân rộng, có hoa có ghế đá, có cây to tán rộng. Xe thì để dưới hầm nên không gian ở đây quả thật là lý tưởng.

Sáng sớm, chim hót líu lo, gió mơn man nhè nhẹ, tôi ngồi trên ghế đá, bỗng thấy nhớ Hà Nội quay quắt. Hà Nội mùa này có mưa nhỏ, ẩm thấp. Tháng 3, mùa xuân rồi còn gì.

Tôi nhớ Khánh Phong luôn đưa đón tôi mỗi chiều. Khoảng thời gian anh bận rộn, tôi không được anh đưa đón, bỗng cảm thấy thiếu thốn. Tôi nhớ cái ôm chặt của anh, nhớ mùi hương của anh - mùi cỏ cây và vỏ cây. Tôi nhớ giọng nói của anh, tôi nhớ vẻ mặt của anh mỗi khi nói: Anh yêu em. Tôi nhớ những cái hôn của anh. Tôi nhớ những lần anh giả vờ như vô tình đụng chạm: anh luồn vào áo tôi, xoa xoa cái eo, dịch dần lên trên, xoa xoa cái lưng, vòng ra đằng trước, mơn man cái bụng, đến khi anh chạm vào áo lót thì tôi luôn giật mình, giữ tay anh lại.

Tôi sợ. Tôi vẫn luôn sợ những đụng chạm như thế.

Những lúc như thế tôi lại nhớ lại cái cảnh bẩn thỉu kia. Tôi bị ám ảnh bởi một quá khứ tởm lợm đó. Sau này tôi mới biết, tại sao tôi lại bị uống nhiều rượu như vậy. Đó là bởi bọn họ đã pha rượu trắng vào nước lọc tôi uống. Mỗi lần tôi lấy lý do khát nước, muốn về bể bơi lấy nước uống thì y rằng có người bê một cốc nước lọc cho tôi.

Nhóm chúng tôi có 6 nữ, 4 nam, tuổi hơn kém nhau không bao nhiêu, đặc biệt là toàn chưa có người yêu hoặc có rồi thì cũng coi như tranh thủ kiếm tiền 1-2 năm sau về Hà Nội thì cưới. Phòng chúng tôi - 6 cô gái nghịch ngợm, thỉnh thoảng cũng xem phim "người lớn" gọi là học hỏi kinh nghiệm. Cái kiểu xem lén lút rồi thảng thốt giật mình khi nghe thấy tiếng động càng làm chúng tôi hưng phấn. Xem phim, đến những cảnh thân mật giường chiếu, tôi lại nhớ đến ông bố nuôi kia. Tôi lại phát sốt.

Tôi ốm nhiều đến nỗi bạn cùng phòng còn phát hiện ra rằng mỗi khi xem phim người lớn là tôi phát sốt. Cuối cùng, bọn họ cũng không xem nữa. Công việc của chúng tôi bận rộn dần lên. Tôi vừa học tại chức, vừa đăng ký học thêm tiếng Trung đang còn dở dang. Cuộc sống cứ như thế trôi.

Đảo mắt một cái, gần hết một năm rồi. Vài ngày nữa là đến sinh nhật tôi.

Sáng sớm, tôi lại ra sân tập thể dục. Tôi chạy bộ. Gần một năm qua, tự nhiên tôi rất chăm chỉ tập thể dục. Cái sự chăm chỉ của tôi được đền đáp với sức khỏe ổn định - và - một người đàn ông.

Từ cái hôm tôi dậy sớm, thất thần nghĩ về Khánh Phong và những chuyện đã qua, trước mặt tôi bỗng nhiên xuất hiện một chai nước khoáng. Tôi ngẩng mặt lên vừa đúng anh nói:" Em bị cảm hay sao vậy? Uống ngụm nước cho đỡ khát".

Anh ta tên là Đức Vĩnh - 30 tuổi.

Kể từ buổi sáng hôm đó, tính đến bây giờ, tôi đã quen anh ta gần được một năm rồi. Tôi phải công nhận đàn ông phương Nam khéo chiều phụ nữ thật. Anh rất chiều tôi, luôn dùng thái độ nhẹ nhàng, ôn nhu, nói năng dễ nghe, luôn ngọt ngào với tôi. Anh không nói những lời hoa mỹ hoặc những lời sáo rỗng. Những lúc gặp buồn bực trong công việc hoặc mệt mỏi giữa công việc và học hành, cho dù tôi không nói với anh nhưng anh cũng có cách khiến tôi phải nói ra. Anh bảo có việc thì nên chia sẻ, hai cái đầu dù sao cũng hơn một cái đầu. Dần dần, tôi cũng học cách mở rộng lòng mình hơn. Nhưng trong thâm tâm tôi, tôi vẫn đối xử với anh như là đối xử với Xu - bạn tôi. Tôi có tin tưởng vào bản thân quá mà không nhận ra rằng - anh là người đàn ông 30 tuổi chứ không phải là Xu - bạn tôi - 20 tuổi. Tôi lờ mờ đoán rằng : anh thích tôi. Rồi lờ mờ cảm nhận rằng anh yêu tôi. Đó là sự khác biệt giữa người đàn ông 30 tuổi và 20 tuổi. Anh xuất hiện rồi biến mất không theo qui luật nào cả. Anh không nói với tôi rằng anh thích tôi hay yêu tôi nhưng anh luôn làm những việc khiến tôi phải nghĩ rằng anh đang tỏ tình với tôi. Tỉ như tôi thích ăn gì, ăn ở đâu, ăn món gì, thói quen ăn uống của tôi, thói quen đi chơi, đi chợ thậm chí cả thói quen đi mua đồ của tôi - anh đều thuộc hết. Đến cả việc tôi đi mua đồ bằng tiền của tôi, không muốn anh thay tôi trả tiền anh cũng nhớ. Anh thà làm người đàn ông không ga-lăng chứ không để tôi phải phân vân về tiền nong. Nhiều lúc túng thiếu, anh như nhìn thấu cuộc sống của tôi mà đưa tiền cho tôi dùng tạm trước. Khi có tiền, tôi trả lại anh. Tôi dần nhận ra, các bạn cùng phòng tôi đều biết anh. Không những biết anh, tôi cảm giác họ còn quá quen với anh nữa.

Ngày sinh nhật tôi, anh hẹn tôi đi uống cà phê. Tôi lấy lý do bận việc mà từ chối anh. Tôi vốn có thói quen đón sinh nhật một mình. Tôi thích yên tĩnh một mình trong ngày sinh nhật. Anh cũng không nói gì. Tôi chọn một khu trung tâm thương mại, đi tha thẩn. Tôi không có nhiều tiền mà mua sắm hàng hiệu. Tôi ngắm nghía mọi thứ, đập vào mắt tôi là đôi giày cao gót màu cam đang sale off 50%. Tôi nhìn đôi giày, bất giác nhớ đến lời anh đầu trọc đã từng nói. Cho đến tận bây giờ, chưa có người đàn ông nào mua giày cho tôi. Tôi mua một cốc cà phê ở máy bán hàng tự động, trầm ngâm, suy nghĩ. Tôi nhìn xuống mặt đất, nhìn đôi giày của tôi, nhìn cốc cà phê của tôi, thở dài. Bỗng dưới đất có một thêm một đôi giày da màu đen, tôi ngẩng đầu lên, là anh - Đức Vĩnh. Anh cười toe toét, rất ra vẻ ngẫu nhiên gặp tôi. Tôi ngẩn người một lúc. À, hóa ra là tôi bị bán đứng. Việc tôi đến trung tâm thương mại này chỉ có một người biết - là Hạnh Quỳnh. Tí nữa về tôi phải xử lý cô nàng này mới được, đúng là nuôi cáo trong nhà. Thảo nào tôi đi đâu, làm gì, tôi gặp khó khăn gì Đức Vĩnh đều biết. Tôi nhìn anh, phì cười. Từ lúc nào anh đã lên kế hoạch dụ dỗ cả bạn cùng phòng với tôi.

Hai chúng tôi nhìn nhau cười mà không biết có người đứng từ xa nhìn và chụp ảnh. Đó là Hòa Vy, thật tình cờ là Hòa Vy đi công tác ở Hồ Chí Minh, thật tình cờ là Hòa Vy lại đi trung tâm thương mại. Và

cũng thật tình cờ là Hòa Vy lại nhìn thấy tôi cười với Đức Vĩnh. Cái chữ " tình cờ " này cũng " tình cờ" làm đảo lộn cuộc sống của tôi.

--- ------ ------ ------ ------ ------ ------ ------ ---------

Hòa Vy nhận công tác 5 ngày ở thành phố Hồ Chí Minh. Đây không phải là lần đầu đến thành phố này nhận công tác nên cô cũng không đến nỗi lúng túng. Ngày hôm sau cô sẽ bay ra Hà Nội, kết thúc đợt công tác này, nên tối hôm trước cô và chị bạn người Sài Gòn đi shopping. Đi lang thang ngắm đồ là một thú vui trời sinh của phụ nữ. Hòa Vy vừa đi vừa nhìn ngó đồ thì bỗng nhận ra một dáng hình quen quen, nhìn nửa khuôn mặt thôi nhưng cô cũng nhận ra đó là Phụng Yến. Khi Khánh Phong nhận nhiệm kỳ mới, cô đã lờ mờ đoán ra mối quan hệ giữa Khánh Phong và Phụng Yến có vấn đề. Dù Khánh Phong luôn có một vẻ mặt lạnh băng vốn có nhưng sau khi kết thúc công việc, tháo bỏ những căng thẳng trong công việc, cô cảm nhận vẻ mặt của Khánh Phong phảng phất nỗi buồn. Trời sinh ra con gái vốn có tính nhạy cảm đặc biệt. Khi cả phòng đi tiễn Khánh Phong và 3 đồng chí khác đi nhận nhiệm vụ mới thì không hề thấy bóng dáng Phụng Yến đâu cả. Ngay lúc đó, cô đã nghĩ quan hệ của hai người có vẻ rạn nứt. Có thể là cãi nhau, có thể là giận dỗi nhất thời, cô cũng không để tâm lắm. Dù có tình cảm với Khánh Phong nhưng cô không thích tranh thủ lúc anh đang cô đơn mà nhảy vào tranh thủ tình cảm của anh.

Cho đến hôm nay, cô ngạc nhiên khi nhìn thấy Phụng Yến ở Hồ Chí Minh, cô lại càng ngạc nhiên hơn khi nhìn thấy Phụng Yến đang cười với một người đàn ông. Không nghĩ ngợi gì nhiều, cô cầm điện thoại, chụp lén một bức ảnh và gửi cho Khánh Phong. Chắc bây giờ bên đó khoảng 7- 8 giờ sáng - cô lẩm bẩm.

Bên kia, 9 giờ sáng mới bắt đầu một ngày làm việc mới. Khánh Phong nghe trên điện thoại thông báo có tin nhắn đến. Cầm điện thoại lên xem, là tin nhắn và email mới. Anh mở tin nhắn ra đọc. Khuôn mặt anh cứng lại. Mở email của Hòa Vy ra đọc, anh nhìn thấy ảnh Phụng Yến và một người đàn ông khác. Nhóc con, dám trốn anh đi Hồ Chí Minh, lại còn đang cười với một người đàn ông khác. Lẽ nào, cô nhóc đã yêu người khác?.

Anh lập tức nhấn số điện thoại, gọi cho Hòa Vy:

- Vy, cậu xin thông tin liên lạc của Phụng Yến cho mình.

- Tại sao mình lại phải xin thông tin cho cậu?

- Mình nhờ cậu đấy, hai chúng mình có sự hiểu lầm. Cô ấy giận mình mà chuyển vào Sài Gòn sống. Mình nhờ cậu đấy.

- Có trả ơn không đấy?

- Có, muốn mình làm gì cũng được.

- Nhớ đấy nhé.

- Ừ.

Khánh Phong ngồi trên ghế, nhìn điện thoại chằm chằm. Anh nhìn điện thoại như kiểu muốn ăn tươi nuốt sống. Phụng Yến đáng chết, không những cắt đứt liên lạc với anh, lại còn dặn những người xung quanh không được tiết lộ thông tin của cô. Anh đã cố khai thác từ Phụng Lê, Diệu Vũ rồi cả cậu bạn Xu Hào kia nữa, anh đã đến bể bơi, tìm chị Thúy Chi, chị Lương Hiền để hỏi thông tin về cô. Câu trả lời anh luôn nhận được là : không biết.

Phụng Yến - em có biết là anh rất nhớ em không. Anh sai rồi, Phụng Yến. Anh sai rồi mà.

Khánh Phong cào tóc, ôm mặt, thở dài. 3 năm, không biết cô còn chờ anh không? Anh có quá nhiều điều muốn nói với cô. Để tìm gặp đúng ca của chị Thúy Chi và chị Lương Hiền, anh đều tranh thủ đến bể bơi.Từ chị Thúy Chi và chị Lương Hiền, anh cũng biết đại khái chuyện cô bị say rượu. Anh gặp hai anh em sinh đôi kia, lại ẩu đả với họ, lại đánh nhau với họ. Anh còn gặp cả người đàn ông đầu cạo trọc, xốc cổ anh đi uống cà phê, anh ta ngồi giáo huấn anh đủ thứ. Anh nhận ra một điều: tất cả bọn họ - đều thích Phụng Yến. Thậm chí, bọn họ còn nhìn thấy cả mặt trái mặt phải của cô, còn anh, anh chỉ nghe được phản hồi xấu từ vài người không thích cô.

Từ chuyện say rươu ở bể bơi cho đến việc cậu bạn cấp 2 của Phụng Yến có tên Long Trịnh kể với anh về quá khứ của cô, anh choáng váng. Anh không nghĩ Phụng Yến có một khoảng thời gian quá phức tạp như thế. Anh đã nghĩ đến việc buông tay. Cho đến khi bị mấy người ở bể bơi - bọn họ đều thích Phụng Yến, đều nói tốt về Phụng Yến, trong lòng anh lại nổi lên tham niệm muốn chiếm giữ. Anh buông tay Phụng Yến không có nghĩa là những người kia sẽ có cơ hội có được cô ấy. Không đời nào.

--- ------ ------ ------ ------ ------ ------ ------ ------ ------ ------ ----

Hòa Vy nhận sự nhờ vả của Khánh Phong, cô làm ra vẻ ngạc nhiên khi gặp được tôi. Mà tôi đúng là ngạc nhiên khi nhìn thấy Hòa Vy. Hai người chúng tôi tíu tít nói chuyện với nhau mà quên mất người bên cạnh. Hòa Vy ý nhìn sang bên cạnh tôi. Tôi giới thiệu Đức Vĩnh với Hòa Vy, tôi nói đây là bạn em. Đức Vĩnh nhăn mặt, tỏ ý không hài lòng. Tôi le lưỡi trêu anh:" Anh không phải là bạn em thì là người yêu em chắc. Mơ quá đi".

Hai người vừa đi vừa nói chuyện. Đúng là con gái, chuyện ở đâu ra mà nhiều vậy.

- Chị bao giờ thì cưới ?

- Ơ hay, chị cưới ai?

- Em tưởng chị và Khánh Phong là một đôi, không phải sao?

- Ôi trời, ai bảo em thế? Khánh Phong yêu em chứ không phải là chị. Mặc dù chị cưa cẩm anh ấy suốt nhưng anh ấy có đổ đâu. Chắc cưa cùn rồi cũng nên. Haaaaaaaaaaa

- Úi, cưa cùn thế nào được. Anh Khánh Phong mắt mờ rồi nên mới không nhìn ra chị tốt thế nào. Dở hơi thật.

- Ôi trời, em làm sao thế. Khánh Phong yêu em, chỉ yêu một mình em, chưa có cô nào lọt vào mắt anh ta ngoài em. Sao em lại cho rằng Khánh Phong yêu chị. Em không tin vào tình yêu của Khánh Phong hay sao?

Tôi đỏ mặt, ngập ngừng.

Hòa Vy làm như buột miệng hỏi tôi có tham gia mạng xã hội hay không? Tôi rất sảng khoái cho chị ấy nickname và mạng xã hội mà tôi tham gia. Xong xuôi, hai chúng tôi chào tạm biệt nhau.

Lúc này tôi mới nhận ra một điều: Hòa Vy vốn là đồng nghiệp với Khánh Phong, có khi nào cô ấy lại đưa thông tin của tôi cho Khánh Phong không?

Chắc là không. Cô ấy cũng không phải là người nhiều chuyện, mà Khánh Phong chắc cũng chẳng rảnh rỗi mà tham gia mạng xã hội này đâu. Thứ nhất anh ấy là người không thích mấy trò vô bổ này, thứ hai anh ấy bận rộn như thế làm gì có thời gian mà tham gia.

Trong khi tôi trầm ngâm thì Đức Vĩnh đi bên cạnh bị tôi coi là không khí. Anh định nói gì đó với tôi thì điện thoại của tôi đổ chuông. Tôi nhìn thấy dãy số dài dằng dặc. Tôi đoán đây là số từ nước ngoài gọi về. Tôi làm gì có người nhà ở nước ngoài nhỉ. Hay là sếp gọi nhỉ? Tôi nhấn nút trả lời. Đầu bên kia, tôi nghe thấy tiếng thở dồn dập, tôi nghe thấy giọng nói của một người đàn ông. Anh nói: "Yến, chúc mừng sinh nhật em. Anh nhớ em, rất nhớ em".

Tôi như bị thôi miên bởi giọng nói ấy. Giọng nói của người mà tôi yêu vô cùng. Giọng nói chỉ thuộc về một mình anh - Khánh Phong. Là Khánh Phong của tôi. Tôi giật mình, không được, nên cắt đứt, anh đáng được hưởng những điều tốt đẹp hơn, đáng được yêu bởi một cô gái thanh thuần hơn tôi. Tôi trấn tĩnh lại.

Tôi lạnh băng trả lời: "Cảm ơn" rồi dập máy. Tôi bặm môi, không muốn mình khóc trước mặt ai khác.

Đức Vĩnh trầm ngâm, kéo tôi vào ngực, anh nói nhẹ: "Muốn khóc thì khóc đi".

Tôi nhìn anh, ngân ngấn nước mắt. Tôi khóc òa trong ngực anh. Người đi lại nhìn hai chúng tôi xì xào, tôi mặc kệ. Lần đầu tiên tôi khóc trước một người đàn ông mà không phải là Xu. Tôi còn chưa bao giờ khóc trước mặt Khánh Phong.

Hai chúng tôi cứ thế đứng ôm nhau trong trung tâm thương mại. Ngày sinh nhật của tôi lại là ngày tôi khóc thảm thiết nhất

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.