Em Chỉ Tiếc Không Ở Bên Anh Đến Già

Chương 1: Chẳng qua cũng chỉ một lần từ bỏ




Tính cách của anh trai tôi rất khó chịu, còn tôi thì tốt tính lắm.

Trong sâu thẳm, tôi luôn mong đợi một ngày có được cơ hội đá anh ấy ngã lăn quay trên mặt đất, điên cuồng đạp anh ấy mười tám cái, rồi lại dùng lời cay nghiệt sỉ nhục anh ấy suốt hai mươi tư giờ.


Năm tôi bảy tuổi, bố mẹ tôi ly hôn. Ban đầu, tôi ở cùng với mẹ, sau này mẹ tái hôn, tôi lại bị đuổi về chỗ bố.

Chú tôi Lương Kiến Huy là người cực kỳ thông minh. Nghe nói thời còn trẻ, chú ấy giỏi nhất là kết giao với bạn bè xấu, sống rất phóng túng. Lúc đó, chú ấy và người công tác ở cục xây dựng thành phố như bố tôi chia thành hai phe rõ ràng, chú là phản diện, còn bố tôi là chính diện. Bệnh cao huyết áp của ông nội cũng là từ chú ấy mà ra. Về sau không biết chú vay tiền ở đâu mua được mấy chiếc xe, bắt đầu kinh doanh vận tải. Nhờ những mối quan hệ có được từ thời còn ăn chơi, việc kinh doanh càng ngày càng phát triển, càng ngày càng tham gia vào nhiều lĩnh vực. Vài năm sau đã trở thành người giàu nhất huyện.

Năm bố tôi kết hôn, chú ấy lên tỉnh. Lúc sắp tốt nghiệp, chú thành lập một công ty khoa học kỹ thuật trên tỉnh, có những cấp dưới khá đặc biệt, đều là những sinh viên hoặc nghiên cứu sinh.

Ngày tôi đầy tháng, chú ấy lái một chiếc xe hơi màu đen về, đặt vào lòng tôi một miếng ngọc bội rất lớn, đưa cho mẹ mười nghìn đồng*1 làm tiền mừng đầy tháng tôi, làm xôn xao cả thị trấn nhỏ. Từ đó về sau, chú ấy trở thành thần tượng của tất cả thanh niên trong huyện.

Sau này chú kết hôn, nghe nói nhà gái là một gia đình rất quyền thế trên tỉnh, nhưng lại đã có một đứa con riêng lớn hơn tôi năm tuổi. Lúc chú với thím về cũng không đưa theo người con riêng đó, nhưng ông nội vẫn đóng cửa không gặp. Bà nội gạt nước mắt thở dài, cuối cùng vẫn cho thím một cái nhẫn vàng. Thím vô cùng xinh đẹp, nhưng có chút khách khí và xa cách. Hôm đó họ ở lại khách sạn tốt nhất trong huyện, sáng sớm hôm sau thì lái xe đi.

Tôi không hiểu, cũng chẳng quan tâm người lớn có cách nhìn thế nào. Tôi chỉ đơn giản là thích người thím này. Thím ấy tặng tôi một chiếc váy rất đẹp. Trước giờ tôi chưa từng gặp một người phụ nữ xinh đẹp hơn người như vậy, cũng chưa bao giờ nhìn thấy một chiếc váy đẹp đến thế.

Vài năm sau đó, họ rất ít khi trở về. Tết đến cũng chỉ về ăn cơm một chút rồi lại đi ngay.

Năm tôi mười tuổi, mẹ kế mang thai...

Bà ấy nói với ông nội tôi, “Trẻ con thì phải được lo liệu từ nhỏ. Giáo dục ở trên tỉnh tốt, chú của con bé lại giỏi giang, Viên Viên*2 nhà chúng ta tương lai dù không vào được đại học Thanh Hoa hay đại học Bắc Kinh*3 thì cũng có thể vào đại học lớn trên tỉnh.”

Bà ấy nói với bố tôi: “Chú ấy kết hôn với người phụ nữ kia đã nhiều năm như vậy cũng chưa có con. Có thể nuôi con của người khác, tại sao không thể nuôi con của anh trai mình?”

Tôi trốn ở sau cánh cửa, nhìn khuôn mặt bà ấy, lần đầu tiên trong thâm tâm cảm thấy hận một người đến vậy. Lúc ấy tôi thực sự không hiểu, tôi cười ngọt ngào với bà ấy, tôi cố gắng ngoan ngoãn nghe lời, cố gắng lấy lòng bà, vì sao còn muốn đuổi tôi đi?

Không chỉ riêng bà ấy, bố mẹ, thậm chí đến ông bà nội, ai cũng làm như tôi là đứa trẻ mà họ thương yêu nhất, thế nhưng chẳng ai trong số họ muốn giữ tôi lại.

Tôi đi tìm mẹ. Lúc mở cửa, mẹ còn đang bế một đứa trẻ đang ngủ say. Nhìn thấy tôi đầm đìa nước mắt, bà vội vã đứng lên, nhẹ nhàng đặt đứa trẻ trong tay vào nôi, đưa tôi vào buồng trong, lau nước mắt cho tôi, nhẹ giọng hỏi, “Mẹ kế ức hiếp con hay sao?”

Tôi vừa khóc vừa kể. Mẹ vừa nghe vừa tỏ vẻ không yên tâm, liên tục nhắc tôi nhỏ giọng thôi.

Bà nói, “Đừng làm em gái con thức giấc.”

Tôi ngừng khóc, chỉ cảm thấy người đàn bà trước mặt mình thật xa lạ. Trong tim bỗng dấy lên một cảm giác kỳ lạ, nhưng đứa trẻ con như tôi lúc đó không lý giải nổi. Rất nhiều năm sau khi tôi lớn lên, trải qua đủ loại cảm xúc, nhớ lại cảm giác trong tim ngày hôm ấy, mới nhận ra đó là đau lòng.

Cuối cùng mẹ nói, “Đi lên tỉnh cũng tốt. Giờ mẹ không thể chăm sóc con. So với việc phải ở nhà cùng mẹ kế, thà cho con về ở nhà chú. Đó là chú ruột của con, sẽ không đối xử tệ với con đâu.”

Tôi đi tìm người bạn tốt nhất của mình là Lưu Manh Manh, ôm cô ấy mà khóc khàn cả giọng. Cô ấy không hiểu chuyện gì, chỉ biết luống cuống an ủi tôi.

Cô ấy nói, không sao mà Viên Viên. Cậu vẫn có thể trở về vào các kỳ nghỉ, chúng ta sẽ chơi với nhau, chúng ta sẽ mãi mãi là bạn tốt.

Lúc chú tới đón, tôi không hề khóc. Người khóc nhiều nhất là bà nội, bà cầm tay tôi, không ngừng lau nước mắt. Bố tôi, sau nhiều năm như vậy, rốt cuộc cũng nói chuyện với chú, ông nói, Viên Viên là niềm hy vọng của nhà ta, chú hãy đối xử tốt với con bé. Chú cười, nói đó là chuyện đương nhiên.

Bà nội nói với tôi, "Viên Viên, cháu phải ngoan nhé, phải nghe lời chú, bao giờ được nghỉ thì về đây, bà nội làm đồ ăn ngon cho cháu ăn."

Khoảnh khắc ấy, tôi thực sự muốn lao vào lòng bà nội, xin bà đừng để cháu đi, xin bà cho cháu ở lại, cháu sẽ ngoan ngoãn nghe lời, sẽ chăm chỉ học hành, cháu còn có thể giúp việc cho bà... Chỉ xin bà cho cháu ở lại.

Sau đó chú cầm tay tôi. Tay của chú vừa to lớn lại vừa ấm áp. Chú nói, Viên Viên chào ông bà nội đi, rồi chúng ta lên đường.

Thực ra, bẩm sinh tôi là một con bé nhát gan, thế nên tôi đã nói, tạm biệt ông, tạm biệt bà...

Chú không thèm liếc bố và mẹ kế một cái, tôi cũng không thèm...

Xe đi được một đoạn rất xa rồi, tôi mới quay đầu. Con đường phía sau chỉ toàn là bụi đất, nhưng tôi vẫn cố chấp nhìn, nhìn rất lâu, rất lâu... Chú thở dài, xoa đầu tôi nói, "Đứa trẻ ngoan..."

Tôi do dự mãi mới dè dặt mở miệng, “Chú ơi, chú có thể đừng bỏ rơi cháu nữa được không ạ?”

Chú nhìn tôi, cau mày rồi nở nụ cười. Nụ cười ấy, hình như có gì kỳ lạ, khiến người ta nhìn vào chỉ muốn rơi nước mắt. Chú nói, “Cháu đừng có nghĩ lung tung, về sau cháu chính là con gái của chú rồi.” Chú nói xong lại xoa đầu tôi.

Nước mắt tôi bỗng dưng chảy ra...

Khoảnh khắc đó, tôi cảm thấy người tốt nhất trên thế giới này chính là chú của mình.

Hôm đó, tôi khóc mãi rồi ngủ thiếp đi. Lúc chú gọi tôi dậy, chúng tôi đã đến nhà rồi. Nhà của chú là một tòa nhà rất lớn rất đẹp. Xung quanh tòa nhà này còn có rất nhiều tòa nhà khác. Tôi cố gắng không để lộ vẻ kém cỏi của mình, nhưng vẫn không thể nhịn mà đảo mắt nhìn khắp xung quanh. Con gái luôn có chút hư vinh như vậy. Nghĩ đến việc sau này mình có thể ở trong ngôi nhà đẹp như thế này, cuối cùng tôi cũng cảm thấy có chút vui vẻ.

Thím ra mở cửa, khẽ cười khi trông thấy tôi. Không quá nhiệt tình nhưng cũng không quá lạnh nhạt. Thím nói, "Có mệt không, giờ chúng ta sẽ ăn cơm ngay."

Trẻ con cũng có linh cảm. Tôi cảm thấy thím không ghét tôi, lúc bấy giờ mới thở phào nhẹ nhõm.

Trước cửa có một đôi dép nhỏ màu hồng phấn, tôi cũng bắt chước chú đi vào. Thím nắm tay tôi dẫn tôi vào phòng khách, sau đó nhìn lên trên tầng nói lớn:

“Thành Hề, em gái tới rồi mà con còn không dậy à?”

“Dậy ngay đây, dậy ngay đây!” Trên tầng vọng xuống một của một thiếu niên, nghe có vẻ rất miễn cưỡng. Sau đó cửa mở, một người con trai mặc quần đùi bọc chăn quanh mình đi từ bên trong ra, dáng vẻ còn ngái ngủ.

Tôi vội vàng nở nụ cười ngọt ngào, nịnh nọt mà gọi một tiếng: “Anh trai”.

Người con trai có dung mạo rất giống thím ấy từ trên cao nhìn xuống khắp người tôi một lượt, chẳng nể nang gì mà lẩm bẩm một câu: “Đồ nhà quê.”

Nụ cười trên mặt tôi đột nhiên cứng lại.

Đây chính là anh trai tôi Lưu Thành Hề, ở sau lưng tôi gọi anh ấy là kẻ khó chịu siêu cấp vũ trụ.

-

*Chú thích:

*1: Mười nghìn nhân dân tệ, tương đương gần ba mươi lăm triệu tiền Việt.

*2: Tên nữ chính là Lương Mãn Nguyệt, "Mãn Nguyệt" nghĩa là "trăng tròn", trong nhà gọi tên thân mật là Viên Viên, "Viên Viên" có nghĩa là "tròn".

*3: Đại học Thanh Hoa và đại học Bắc Kinh là hai trường đại học danh giá nhất Trung Quốc, nằm trong top 50 các trường đại học hàng đầu thế giới.

Trẻ con thực sự rất dễ thích ứng với cuộc sống mới, nhất là những đứa trẻ yếu đuối nhút nhát như tôi.

Tôi cố gắng học cách thích nghi với hoàn cảnh mới, cố gắng lấy lòng chú thím. Tôi chỉ sợ bọn họ lại không cần tôi, nửa đêm nằm mơ cũng gặp ác mộng. Trong mơ, chú và thím đuổi tôi về quê, nhưng chẳng ai cần tôi hết, cuối cùng tôi bị đưa vào trại trẻ mồ côi. Lúc bừng tỉnh khỏi giấc mơ, tôi lại trùm chăn mà khóc.

Tôi thề, tôi sẽ không bao giờ để cho ai bỏ rơi mình nữa.

Về sau, cuộc sống của tôi phải thật cẩn thận, thật dè dặt...

Thực ra chú và thím đối xử với tôi vô cùng tốt. Thời điểm chú còn bận làm việc, rất ít khi có thể nhìn thấy chú ở nhà. Nhưng mỗi khi chú trở về, lần nào cũng gọi tôi cùng xem TV, nói với tôi rất nhiều điều. Chú cũng không tỏ vẻ khách khí với tôi, cứ như thể chúng tôi là người thân ruột thịt đã sống cùng nhau lâu ngày vậy. Chú sẽ bảo tôi rót cho chú ly nước, lấy dép lê cho chú, cơm nước xong sẽ bảo tôi giúp thu dọn bát đũa, khiến tôi cảm thấy rất thoải mái.

Ngày thứ hai sau khi đến nhà chú, thím đã đưa tôi đi mua sắm rất nhiều quần áo. Trung tâm thương mại lớn như vậy, quần áo đẹp nhiều đến thế, khiến tôi hoa cả mắt. Thím cười nói, vẫn luôn mong có một đứa con gái, như vậy sẽ có thể cho con ăn diện thật xinh đẹp, rồi đưa con đi dạo phố, hưởng thụ ánh mắt hâm mộ của người qua đường. Từ trước đến nay anh trai không chịu đi dạo phố cùng thím, cũng không chịu để thím chọn quần áo, giờ tôi đến đây, cuối cùng thím cũng được thỏa ước nguyện. Thím nói xong, tuy tôi không tin lắm, nhưng cũng không khỏi cảm thấy vui vẻ vì được người khác coi trọng. Không có đứa trẻ con nào không thích quần áo mới, cũng chẳng có đứa trẻ nào không thích được một người phụ nữ xinh đẹp hào phóng đối xử tốt với mình.

Đương nhiên là trừ Lưu Thành Hề, người mà tôi gọi là anh trai kia.

Thím đối tốt với tôi như thế, tôi sẽ không khỏi muốn làm thân với con của thím, nhất là một thiếu niên đẹp đến vậy. Anh ấy còn đẹp hơn cả một đứa con gái như tôi. Anh ấy và thím rất giống nhau, khuôn mặt cực kỳ ưa nhìn, cũng rất ít khi cười, đa phần anh ấy thường tỏ vẻ khó chịu. Khi chú và thím nói chuyện cùng, anh ấy toàn đáp lại bằng mấy chữ cộc lốc như “à”, “ừm”, “biết rồi”. Chú và thím đều không tức giận, thậm chí có đôi lúc tôi còn cảm thấy như họ đang muốn lấy lòng anh ấy.

Trong nhà này, địa vị của anh trai là cao nhất, còn địa vị của tôi là thấp nhất. Bởi vì tôi luôn muốn lấy lòng chú thím, mà chú thím lại luôn muốn lấy lòng anh. Thế nên mỗi khi trông thấy anh, tôi sẽ nở nụ cười ngọt ngào; lúc ăn cơm, tôi sẽ xung phong nhận nhiệm vụ đi lên tầng gọi anh ấy. Có đôi khi, tôi ngập ngừng muốn nói chuyện với anh, nhưng lại bị ánh mắt của anh dọa cho sợ chết khiếp, lại đành thôi.

Rất may là tuy anh có hơi coi thường và xa cách, nhưng cũng không gây khó dễ cho tôi. Thím nói, bây giờ đang là tuổi nổi loạn của anh ấy, tôi đừng để ý làm gì.

“Nó bị ông ngoại chiều đến sinh hư, nên bây giờ rất ương bướng ngang ngược, chẳng ai bảo được nó nữa.”

Thím đưa tôi về nhà ngoại thím. Bên đó là người miền Bắc, nên tôi cũng gọi bố của thím là ông ngoại. Khi còn nhỏ suy nghĩ rất đơn giản, tôi cho rằng ông ngoại là quan lớn thì nhà của ông chắc còn phải xa hơn cả nhà chú, vậy nên đã chuẩn bị trước tâm lý, cuối cùng lại thành ra ngạc nhiên. Nhà của ông là một ngôi nhà lớn thoạt nhìn khá bình thường, cảnh vật xung quanh rất đẹp. Cổng nhà còn có người đứng gác, trông thật uy phong.

Ông ngoại có hơi nghiêm túc, nhưng lúc nói chuyện với tôi cũng rất mềm mỏng. Bà ngoại rất nhiệt tình, vui vẻ cho tôi hoa quả và kẹo, nhìn tôi cười dịu hiền, cầm tay rồi lại vuốt tóc tôi. Tâm lý lo sợ họ sẽ không thích mình của tôi cuối cùng cũng được buông lỏng.

Đến giữa trưa anh trai mới đến đây. Ở trước mặt ông bà, anh khá ngoan ngoãn, nói chuyện với ông ngoại còn chịu trả lời tử tế. Bình thường hiếm khi thấy anh như vậy, tôi không khỏi nhìn lén vài lần, anh bắt được liền trừng mắt với tôi. Tôi không dám nhìn nữa, tập trung ngồi cạnh bà ngoại, nghe bà và ông nói chuyện. Bà hỏi tôi một chút tình hình trong nhà, câu nào tôi cũng ngoan ngoãn trả lời.

Bà ngoại và ông ngoại khiến tôi nhớ đến ông bà nội ở quê, thế nên ở trước mặt họ, tôi có thể mặc sức làm nũng, pha trò cho họ vui vẻ. Tôi cố tình không để ý đến ánh mắt khinh thường của anh trai. Lúc ăn cơm, anh đi qua tôi, nói nhỏ một câu chỉ đủ để hai người nghe được. Anh bảo:

“Chó ngoan.”

Mặt tôi đỏ lên, lại làm bộ không nghe thấy rồi bỏ đi.

Tôi đi học tiểu học, được xếp vào khối lớp Sáu*1.

Ngày đầu tiên tôi đi học cũng không ổn lắm. Lúc đó, trong khối tiểu học, tiếng phổ thông không thông dụng như bây giờ. Mỗi khi đi học, ở trong lớp toàn nói tiếng địa phương, tôi nghe không hiểu, cũng không thể tham gia vào các cuộc nói chuyện. Ở trong nhà, thím và anh trai đều là người miền Bắc nên ngày ngày đều nói chuyện bằng tiếng phổ thông, tôi lại càng không học được gì cả. Tôi không dám nói chuyện với các bạn học. Trong mắt tôi, họ đều có vẻ kiêu căng của đám trẻ con trên tỉnh lớn. Tuy họ cũng không biết tôi từ đâu đến, nhưng bất giác tôi cũng cảm thấy tự ti.

Đau đầu hơn nữa là chuyện học tập của tôi. Lúc còn nhỏ, bố mẹ không rảnh mà trông nom tôi, năm tôi năm tuổi đã cho tôi vào tiểu học. Tôi mù mờ mất một năm, cuối cùng cũng hiểu, đó là vì bố mẹ tôi ở nhà cứ đụng một chút lại cãi nhau, đánh nhau, hoặc chiến tranh lạnh.

Sau đó họ ly hôn, tôi bị đẩy qua đẩy lại, thực sự chẳng ai thèm lo chuyện học hành của tôi. Không ai quản lý, tôi lại càng vui, làm bài tập chủ yếu là ứng phó, lúc thi cử, đến bảy, tám mươi phần trăm là không biết; sau khi tan học phần lớn thời gian là đi chơi với Lưu Manh Manh. Việc mà tôi giỏi nhất chính là chơi nhảy dây. Giờ đến đây học, tôi mới nhận ra khác biệt lớn biết bao.

Tôi không dám nói cho chú thím, chỉ biết tự mình cố gắng. May mà tôi cũng không quá ngốc, dần dần vẫn có thể theo kịp chương trình học. Nhưng vẫn có khi gặp phải đề khó, khó đến mức dù tôi có nghĩ nát đầu cũng không tìm ra cách giải.

Tôi chỉ còn cách đi gõ cửa phòng anh trai.

Anh nói, “Vào đi”.

Tôi mở cửa vào. Anh đang chăm chú vào máy chơi game, không thèm liếc tôi lấy một cái, cũng chẳng hỏi tôi tìm anh có chuyện gì.

Tôi chỉ còn cách tự mình mở miệng.

“Anh ơi… Em… Em có bài tập không biết làm, anh chỉ cho em được không?”

Anh nhìn tôi một cái, không thèm mở miệng, lại cắm đầu xuống chơi game. Một lúc sau thấy chán mới tạm dừng trò chơi, nhận lấy vở bài tập và bút của tôi.

“Dễ thế mà cũng không biết làm. Đúng là đồ ngốc.” Anh nhăn mặt, vung bút một cái đã viết được ra đáp án.

Tôi nhìn vào, chỉ thấy có mỗi đáp án ở trên giấy, đang định mở miệng, anh đã lại tiếp tục chơi. Hết cách, tôi chỉ có thể đóng cửa, lặng lẽ rời đi.

Tôi đứng ngoài cửa cắn chặt răng, trong lòng cảm thấy hối hận vô cùng. Về sau dù có gặp phải bài khó cũng sẽ không đi tìm anh ta nữa.

Hôm sau tôi đi học sớm, trong lớp đã có mấy bạn học. Họ tụ tập quanh chỗ ngồi của một bạn nữ, bàn luận về bộ phim hoạt hình tối qua. Bạn nữ kia là người duy nhất mà tôi nhớ tên, vì cô ấy là lớp trưởng, ngày thường tính tình hoạt bát đáng yêu, thầy cô và bạn bè đều thích cô ấy.

Tôi hơi do dự, nhưng cuối cùng cũng đi qua bên đó.

“Ngô Gia Hinh, tớ có một bài tập khó chưa làm được, cậu có thể giảng giúp tớ được không?”

Cô bạn quay đầu, ánh nắng mặt trời xuyên qua ô cửa sổ chiếu lên khuôn mặt trắng nõn. Cô ấy cười nói, “Được chứ.”

Vậy là từ lúc lên thị xã đến giờ, tôi đã có được người bạn đầu tiên.

Ngô Gia Hinh thực sự rất đáng yêu, lại nhiệt tình giúp người khác. Cô ấy bảo, cô ấy đã muốn nói chuyện với tôi từ trước, nhưng thấy tôi không mặc đồng phục, lại mặc quần áo đẹp như vậy, lúc nào cũng chỉ cô độc một mình, khiến người khác cảm thấy rất khó tiếp cận.

Tôi rất ngạc nhiên. Tôi còn nghĩ, ở trong mắt họ tôi là một con bé nhà quê mới phải.

Thực ra trẻ con làm quen với nhau rất nhanh. Hết giờ học, cô ấy qua giúp tôi ôn lại, có câu nào không hiểu thì cứ hỏi, cô ấy sẽ kiên nhẫn nghe rồi giải thích rất tỉ mỉ. Cô ấy còn dạy tôi nói tiếng địa phương, giới thiệu tôi với các bạn học khác, đưa tôi cùng đi chơi, lúc tan học, cả nhóm cùng về nhà. Mọi người đều rất vui vẻ, khiến tôi như được trở lại những ngày tháng trước kia.

Dần dần, tôi cũng tiến vào thế giới mà tôi vẫn cho rằng rất khó với tới đó, cuối cùng cũng đã biết mong đợi từng ngày được đến trường.

Rất nhiều năm sau, tôi vẫn cảm thấy thật may mắn vì khi đó bản thân mình đã dám tiến thêm một bước. Nếu không, thật chẳng biết tôi sẽ bỏ lỡ bao nhiêu quãng thời gian tươi đẹp, bỏ lỡ bao nhiêu những cô bạn đáng yêu đến thế.

Thành tích tốt nghiệp tiểu học của tôi không quá tốt, kết quả thi vào trung học cơ sở cũng bình thường, nhưng cuối cùng cũng vào được khối trung học cơ sở của trường ngoại ngữ tốt nhất thị xã. Ban đầu tôi không hiểu cái gì là trọng điểm khu, trọng điểm thị xã, trọng điểm tỉnh, vẫn là nhờ Gia Hinh giải thích tôi mới hiểu được. Thành tích bình thường như tôi mà cũng có thể vào được trường tốt như thế, chắc chắn là do chú tác động. Nhưng chú cũng không nói nhiều, chỉ bảo cho tôi và anh trai học cùng trường, anh ấy cũng dễ quan tâm tôi hơn.

Đối với việc học hành của tôi và anh trai, yêu cầu của chú không hề nghiêm khắc. Vì chú luôn có quan điểm, trẻ con thì phải chơi nhiều, phải lớn lên một cách nhẹ nhàng. Đứa trẻ biết chơi mới là đứa thông minh, lớn rồi sẽ tự biết nỗ lực để thăng tiến. Với anh tôi, chuyện khác thì không nói chứ riêng chuyện này là anh ấy nghe chú lắm, ngày nào cũng ở ngoài chơi thỏa thích. Tôi thật không nói nên lời.

Đương nhiên là anh ấy cũng giỏi sẵn rồi, thành tích toán học tốt kinh khủng. Đến cả khối trung học cơ sở xa xôi chúng tôi mà thỉnh thoảng vẫn có người nhắc tên anh ấy, lúc nhắc đến lại lộ vẻ hâm mộ vô cùng.

Lúc vừa mới nhập học, thím không yên tâm để tôi đi xe bus một mình, bảo anh hàng ngày phải đưa tôi về. Thế nên tôi tan học xong còn phải mỏi mắt đợi anh ấy nguyên một tiết học. Cuối cùng anh đi cùng một đám con trai ra khỏi lớp, ném cho tôi một tờ tiền giấy, bảo tôi tự bắt xe mà về. Đến ngày thứ hai là tôi tự biết điều đi về cùng Gia Hinh.

Gia Hinh là tự lực thi vào trường này. Khi nhận được phiếu điểm, cô ấy rất kích động mà gọi điện thoại cho tôi, “Lương Mãn Nguyệt, cậu đoán xem tớ có thi được vào trường ngoại ngữ không?”

Tôi bèn giả ngốc: “Không biết được...”

“Tớ đỗ rồi! Tớ đỗ rồi! Chúng ta lại có thể học cùng trường rồi. Tớ đã nói là chúng mình trời sinh có số làm chị em mà.”

Tôi cười. “Trời sinh đã có số làm chị em”, nghe thật dễ chịu.

Tôi đã từng vô cùng không muốn đến ở nhà của chú, đã từng nghĩ cuộc sống ăn nhờ ở đậu sẽ rất u ám, rất khổ sở. Thế nhưng, thời gian đã nói cho tôi biết, cuộc sống mà tôi sợ hãi đó, thì ra lại là cuộc sống tốt nhất.

Nghĩ là biết, nếu như tôi tiếp tục sống ở ngôi nhà đó, tuy bố tôi và mẹ kế không thể xử tệ với tôi quá mức, thì nhất định cũng không xem trọng tôi. Nghe nói mẹ kế đã sinh con trai, khiến ông bà nội vốn bất mãn về việc ra đi của tôi đều rất vui mừng, sự chú ý của cả nhà chỉ trong chớp mắt đã tập trung hết vào em trai mới sinh. Những cuộc điện thoại của bố bắt đầu ít dần, từ một tuần một lần thành nửa tháng một lần, rồi thậm chí kéo dài đến một tháng.

Tôi cũng chẳng phải là không đau lòng, không phải là không uất ức. Nhưng thời gian vẫn luôn là liều thuốc tốt nhất. Thời gian qua lâu, cuối cùng tôi cũng từ bỏ. Bởi vì tôi nhát gan, tôi yếu đuối, thế nên tôi chỉ biết cúi đầu nhẫn nhịn. Tôi cũng không phản kháng. Chuyện đã như vậy rồi, tuy không thể thay đổi, tuy không thể bày tỏ nỗi uất ức của mình với ai, nhưng tôi sẽ cố gắng sống thật tốt cho chính mình.

Cuộc sống được nâng niu, sự giáo dục tốt, một người chú yêu thương mình, một người thím quan tâm mình, ông bà ngoại hiền từ, bạn bè đáng yêu, và cả người anh trai tính cách tuy khó chịu nhưng cũng dần trở nên thân thuộc kia, tôi cần phải thật trân trọng. Những điều này là thật, không phải ảo giác. Tôi sẽ không bị bỏ rơi nữa, cũng sẽ không phải làm một kẻ đáng thương mà chẳng ai cần.

Hết chương 1

*Chú thích:

*1. Hệ thống giáo dục Trung Quốc khác với Việt Nam. Ở Trung Quốc, bậc Tiểu học học sáu năm, bậc Sơ trung (trung học cơ sở) học ba năm, bậc Cao trung (trung học phổ thông) học ba năm.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.