Đừng Nói Một Ai

Chương 5




Tôi nhìn không chớp mắt vào màn hình máy tính.

Tôi không cử động nổi. Những giác quan bị quá tải quá mức. Mọi bộ phận cơ thể tê liệt.

Không thể như thế được. Tôi biết mà. Elizabeth không bị rơi khỏi thuyền buồm rồi được giả định là đã chết đuối, thi thể nàng không bao giờ được tìm thấy. Nàng đã không bị thiêu đến nỗi không nhận dạng được hay đại loại thế. Thi thể nàng được tìm thấy trong một cái rãnh dưới Đường 80. Bị biến dạng, có thể là thế, nhưng nàng đã được nhận dạng một cách chắc chắn.

Không phải mày nhận dạng...

Có thể không phải, nhưng thi thể nàng đã được hai thành viên thân thiết trong gia đình nhận dạng: cha và chú nàng. Thật ra thì, Hoyt Parker, bố vợ tôi, chính là người nói với tôi Elizabeth đã chết. Ông cùng em trai, Ken, đến phòng bệnh không lâu sau khi tôi hồi phục ý thức. Hoyt và Ken đều to lớn, mặt lạnh như đá, tóc hoa râm, một người là cảnh sát thành phố New York, người kia là đặc vụ liên bang, cả hai là cựu chiến binh với cơ bắp to lớn, rắn chắc cuồn cuộn.

Họ cởi mũ ra và gắng nói với tôi bằng giọng thấu cảm của các chuyên gia, nhưng tôi đã không tin và họ cũng không cố gắng thuyết phục.

Vậy, tôi vừa mới nhìn thấy cái gì thế?

Trên màn hình, dòng người đi bộ vẫn trào ra. Tôi cố nhìn thêm, mong ngóng nàng sẽ quay lại. Không được. Dù sao đi nữa, nơi này ở đâu nhỉ? Một thành phố hối hả, đó là tất cả những gì tôi có thể nói. Với tất cả những gì tôi biết, nó có thể là New York.

Vậy hãy tìm đầu mối đi, đồ ngốc.

Tôi cố gắng tập trung. Quần áo. Tốt thôi, hãy xem xét quần áo. Hầu hết mọi người mặc áo khoác hoặc jacket. Kết luận: có lẽ ở nơi nào đó tận phía Bắc, hay ít nhất, nơi nào đó không đặc biệt ấm áp vào ngày hôm nay. Tuyệt. Tôi có thể loại ngay Miami.

Gì nữa? Tôi lom lom nhìn mọi người. Kiểu tóc ư? Không ích gì mấy. Tôi nhìn thấy một góc của tòa nhà bằng gạch. Tôi tìm những đặc điểm giúp nhận dạng, thứ gì đó phân biệt tòa nhà này với những tòa nhà thông thường. Không có gì. Tôi tìm trên màn hình thứ gì đó, bất cứ thứ gì, khác thường.

Những cái túi mua hàng.

Một vài người mang túi mua hàng. Tôi cố gắng đọc dòng chữ trên chúng, nhưng mọi người di chuyển nhanh quá. Tôi cầu cho họ đi chậm lại. Họ không làm thế. Tôi tiếp tục nhìn chằm chằm chỗ ngang gối họ. Góc quay của chiếc camera ở chỗ này không rõ được mấy. Tôi đưa mặt lại gần màn hình, tôi cảm nhận được hơi nóng.

Chữ cái R viết hoa.

Đó là chữ cái đầu tiên trên một cái túi. Phần còn lại nguệch ngoạc quá không nhìn ra được. Nó trông như thể được viết bằng chữ lạ lùng nào đó. Được, gì nữa nào? Thêm một đầu mối nữa là tôi có thể...?

Màn hình chiếc camera trở thành màu trắng.

Mẹ kiếp. Tôi nhấn phím load lại. Màn hình báo lỗi lại xuất hiện. Tôi mở lại lá thư đầu tiên và nhắp chuột vào hyperlink. Một lỗi khác.

Thứ nuôi tôi sống bị cướp đi rồi.

Tôi nhìn vào màn hình trống không, và sự thật đập vào tôi một lần nữa: Tôi vừa trông thấy Elizabeth.

Tôi cố dùng lý trí xua nó đi. Nhưng đây không phải là một giấc mơ. Tôi đã chiêm bao những giấc mơ Elizabeth còn sống. Quá nhiều thể loại đó. Hầu hết trong những giấc mơ này, tôi đón nhận nàng từ cái chết trở về, biết ơn đến nỗi không buồn hỏi han hay nghi ngờ. Tôi đặc biệt nhớ một giấc mơ, chúng tôi ở bên nhau - tôi không nhớ chúng tôi đang làm gì hay thậm chí là ở đâu - và ngay lúc dó, giữa những tiếng cười đùa, tôi đã nhận ra với sự chắc chắn đến nghẹn thở tôi đang mơ, rằng chẳng chóng thì chầy, tôi sẽ tỉnh dậy, một mình. Tôi nhớ giấc mơ - tôi giơ tay ra trong khoảnh khắc ấy, vồ lấy nàng, kéo nàng lại thật gần, cố gắng đến tuyệt vọng để lôi Elizabeth trở lại với mình.

Tôi biết những giấc mơ chứ. Cái mà tôi vừa nhìn thấy trên màn hình không phải một giấc mơ.

Nó cũng không phải là một hồn ma. Không phải tôi tin có hồn ma, nhưng khi nghi ngờ, người ta cũng nên có đầu óc thoáng một chút. Nhưng hồn ma không già đi. Elizabeth trên máy tính già đi. Không nhiều lắm, nhưng đã tám năm rồi. Hồn ma cũng không cắt tóc. Tôi nghĩ đến bím tóc buông dài xuống lưng nàng trong đêm trăng ấy. Tôi nghĩ đến kiểu tóc ngắn thời trang mà tôi vừa nhìn thấy. Và tôi nghĩ đến đôi mắt, đôi mắt tôi đã nhìn sâu tận đáy khi tôi mới bảy tuổi.

Đó là Elizabeth. Nàng vẫn còn sống.

Tôi thấy nước mắt mình lại trào ra, nhưng lần này tôi nén lại. Buồn cười. Tôi luôn dễ khóc, nhưng sau khi than khóc Elizabeth, dường như tôi không thể nào khóc được nữa. Không phải là tôi đã khóc quá nhiều và bao nhiêu nước mắt đã bị dùng hết rồi, hay thứ gì vớ vẩn đại loại thế. Hay là tôi đã trở nên tê dại vì đau buồn, mặc dù hẳn là có một phần nhỏ như thế. Điều tôi nghĩ đã xảy ra, đó là tôi, một cách đầy bản năng, đóng sập mình vào tư thế bảo vệ. Khi Elizabeth mất, tôi mở toang tất cả các cửa và để nỗi đau tràn vào. Tôi để chính mình cảm nhận tất cả. Và nó đau lắm. Đau khủng khiếp đến nỗi bây giờ có thứ gì đó, quan trọng đến mức sống còn, đảm bảo để chuyện đó không xảy ra thêm một lần nào nữa.

Tôi không biết mình đã ngồi ở đó bao lâu. Có lẽ nửa tiếng. Tôi cố thở chậm lại và làm dịu đầu óc. Tôi muốn lý trí. Tôi cần phải lý trí. Tôi đáng lẽ phải ở nhà bố mẹ Elizabeth rồi, nhưng tôi không thể tượng tượng vào ngay lúc này phải đối mặt với họ.

Rồi tôi nhớ ra một thứ khác.

Sarah Goodhart.

Cảnh sát trưởng Lowell đã hỏi tôi liệu tôi có biết tí gì về cái tên này không. Tôi biết.

Elizabeth và tôi thường chơi một trò hồi còn bé. Có thể bạn cũng từng chơi trò đó. Lấy tên đệm của mình, coi là tên và lấy tên con đường thuở ấu thơ, coi là họ. Chẳng hạn, tên đầy đủ của tôi là David Craig Beck và tôi lớn lên ở Darby Road. Vì vậy tôi sẽ là Craig Darby và Elizabeth sẽ là...

Sarah Goodhart.

Chuyện quái quỷ gì đang xảy ra ở đây thế?

Tôi nhấc điện thoại lên. Đầu tiên, tôi gọi cho bố mẹ Elizabeth. Họ vẫn sống ở căn nhà đó trên Goodhart Road. Mẹ nàng nhấc máy. Tôi bảo bà tôi đến muộn. Với bác sĩ, người ta chấp nhận chuyện đó. Một trong những phụ cấp của nghề này.

Khi tôi gọi cho cảnh sát trưởng Lowell, điện thoại trả lời tự động của ông ta đáp lại. Tôi bảo ông ta nhắn vào máy nhắn tin của tôi khi ông ta có thể. Tôi không có điện thoại di động. Tôi nhận ra điều này sẽ khiến tôi thuộc vào loại thiểu số, nhưng máy nhắn tin giúp tôi phong tỏa với thế giới bên ngoài.

Tôi ngồi lại, nhưng Homer Simpson lôi tôi ra khỏi cơn mê bằng một tiếng hét: “Thư ở đây!” Tôi chồm tới và tóm chặt con chuột. Địa chỉ người gửi không quen biết, nhưng tiêu đề lá thư là Camera đường phố. Một tiếng thịch khác trong lồng ngực tôi.

Tôi nhấp chuột vào biểu tượng nhỏ và lá thư xuất hiện.

Ngày mai cũng thời gian này cộng thêm hai tiếng nữa tại Bigfoot.com

Một thông điệp gửi cho bạn sẽ được để lại dưới:

Username: Bat Street

Password: Teenage

Dưới những dòng này, dính chặt vào phần dưới cùng của màn hình, chỉ có tám từ:

Chúng đang theo dõi. Đừng nói một ai.

Larry Gandle, gã đàn ông với đám tóc xấu xí nhìn Eric Wu im lặng tẩy rửa.

Wu, một tên Hàn Quốc hai mươi sáu tuổi với một tổ hợp đáng kinh ngạc gồm những lỗ xiên và vết xăm trên cơ thể, là một tay cực đoan nhất mà Gandle từng biết. Người Wu như thể một chiếc xe tăng quân sự nhỏ, nhưng chỉ riêng điều đó thôi không có ý nghĩa gì nhiều lắm. Gandle biết rất nhiều thằng có cơ thể như thế. Quá thường xuyên, cơ bắp được khoe ra là cơ bắp vô dụng.

Trường hợp Eric Wu không phải thế.

Bắp thịt như đá tảng của hắn đẹp, nhưng bí mật sức mạnh chết người thực sự của Wu nằm ở đôi tay chai cứng - hai khối xi măng với những ngón móng vuốt thép. Hắn dành hàng giờ luyện tay, đấm vào khối muội than còn nóng, để ngón tay trần trong nhiệt độ cực nóng và cực lạnh, tập các bài hít đất bằng một ngón tay. Khi Wu sử dụng những ngón tay này, khả năng phá hủy xương và mô của chúng là không thể tưởng tượng nổi.

Tin đồn bí ẩn xoay quanh những kẻ như Wu hầu hết đều tào lao, nhưng Larry Gandle đã chứng kiến hắn giết một thằng bằng cách ấn sâu những ngón tay vào mặt và bụng thằng kia. Gã cũng đã trông thấy Wu túm lấy tai một thằng và xé toạc chúng ra bằng một cú giật nhẹ nhàng. Gã đã chứng kiến Wu giết bốn người bằng bốn cách rất khác nhau, không bao giờ sử dụng một loại vũ khí nào.

Không một cái chết nào đến nhanh chóng.

Không ai biết chính xác Wu quê ở đâu, nhưng hầu hết tin vào một câu chuyện có liên quan gì đấy về một tuổi thơ dữ dội ở Bắc Triều Tiên. Gandle chưa bao giờ hỏi. Có những con đường mòn ban đêm mà trí óc tốt hơn là không nên ngang qua; phần tối của Eric Wu - đúng thế, cứ như là có một phần sáng ấy - là một trong những con đường mòn ban đêm đó.

Khi hoàn thành việc bọc lại cái đống chất nguyên sinh vốn trước đó là Vic Letty bằng tấm bạt, đôi mắt Wu ngước lên nhìn Gandle. Đôi mắt chết, Larry Gandle nghĩ. Đôi mắt của đứa trẻ trong một thước phim ngắn quay cảnh chiến tranh.

Wu không buồn tháo tai nghe ra. Chiếc stereo cá nhân của hắn không om sòm nhạc hip hop, rap hay ngay cả rock ‘n’ roll. Hắn liên tục nghe những CD loại nhạc êm dịu có thể tìm thấy ở Sharper Image như Ocean Breeze và Running Brook.

“Tao có nên mang nó đến chỗ Benny không?” Wu hỏi. Giọng hắn có một điệu chầm chậm, kỳ quặc khi nói câu này, như một nhân vật trong phim hoạt hình Peanuts.

Larry Gandle gật đầu. Benny quản lý một lò hỏa thiêu. Cát bụi lại trở về cát bụi. Hay, trong trường hợp này, từ cặn bã trở về cát bụi. “Và tống khứ cái này đi.”

Gandle chìa cho Eric Wu khẩu hai mươi hai. Khẩu súng nhìn nhỏ bé yếu đuối và vô dụng trong bàn tay vĩ đại của Wu. Wu cau mày nhìn nó, có lẽ thất vọng vì Gandle đã chọn nó chứ không chọn những tài năng độc nhất của riêng Wu, rồi nhét chặt khẩu súng vào túi. Với một khẩu hai mươi hai, có ít vết thương. Điều đó nghĩa là có ít bằng chứng. Máu được bọc bằng một tấm nhựa vinyl. Không lộn xộn, không ồn ào.

“Để sau,” Wu nói. Hắn nâng cái xác lên bằng một tay như thể cái cặp đựng tài liệu và mang ra ngoài.

Larry Gandle gật đầu chào tạm biệt. Gã cảm thấy hơi vui từ những đau đớn của Vic Letty - nhưng rồi cũng một chút khó chịu. Thực ra là một vấn đề đơn giản. Gandle phải tuyệt đối chắc chắn Letty hành động một mình và thằng này không để lại bằng chứng nào để ai đó có thể mò ra. Điều đó nghĩa là gã buộc phải đi quá điểm giới hạn. Không có cách nào khác.

Cuối cùng, còn lại một lựa chọn rõ ràng - hoặc gia đình Scope hoặc Vic Letty. Gia đình Scope là những người tốt. Họ chưa hề làm gì tồi tệ với Vic Letty. Vic Letty, mặt khác, lại ra khỏi đường của mình và tìm cách làm hại gia đình Scope. Chỉ một trong hai có thể vô sự thoát khỏi mọi thứ - nạn nhân ngây thơ, đầy thiện chí hay kẻ ăn bám sống bằng nỗi đau đớn của người khác. Khi nghĩ như thế, không còn lựa chọn nào khác.

Điện thoại di động của Gandle rung lên. Gã trả lời và nói, “Vâng.”

“Họ đã nhận dạng được hai cái xác chỗ khu hồ.”

“Và?”

“Đó là chúng. Chúa ơi, đó là Bob và Mel.”

Gandle nhắm mắt lại.

“Điều này có nghĩa gì, Larry?”

“Tao không biết.”

“Thế chúng ta sẽ làm gì bây giờ?”

Larry Gandle hiểu không có sự lựa chọn nào khác. Hắn sẽ phải nói chuyện với Griffin Scope. Những ký ức không mấy dễ chịu bị bới lên. Tám năm. Tám năm sau. Gandle lắc đầu. Điều này sẽ lại làm tan nát trái tim ông già.

“Tao sẽ lo chuyện này.”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.