Đừng Nói Một Ai

Chương 12




Khi tôi quay lại phòng khám, phòng đợi chật cứng những người đang phàn nàn, sốt ruột. Một chiếc tivi bật lại cuộn băng phim The Litte Mermaid, khi hết băng thì tự động tua và chiếu lại từ đầu, màu trong phim đã bị mờ và rạn rạn do phim được chiếu quá nhiều. Sau những giờ ở cùng nhân viên FBI, tâm trí tôi rất đồng cảm với cuốn băng. Tôi cứ nhắc đi nhắc lại những lời của Carlson - anh ta rõ là tay cầm đầu - để cố nghĩ ra xem anh ta thực sự muốn gì, nhưng tất cả những thứ đó chỉ làm cho sự việc càng u ám và kỳ dị hơn. Nó cũng khiến đầu tôi đau như búa bổ.

“Này, bác sĩ.”

Tyrese Barton bất ngờ xuất hiện. Anh mặc một cái quần rộng lùng thùng cạp trễ và cái trông giống áo jacket quá cỡ hay có ở trường đại học, tất cả đều được tạo ra bởi một nhà thiết kế nào đó tôi chưa từng nghe tên nhưng chẳng mấy chốc sẽ được biết đến.

“Chào, Tyrese,” tôi nói.

Tyrese bắt tay tôi kiểu rất rắc rối, hơi giống một cuộc trình diễn nhảy múa anh dẫn đầu còn tôi theo sau. Anh và Latisha có một đứa con trai sáu tuổi đặt tên là TJ. TJ bị mắc chứng bệnh máu khó đông. Thằng bé cũng bị mù. Tôi gặp nó khi thằng bé còn ẵm ngửa này được đưa khẩn cấp vào bệnh viện còn Tyrese mấy giây sau thì bị bắt. Tyrese cả quyết tôi cứu mạng con trai anh vào ngày hôm đó. Nói thế hơi quá.

Nhưng có lẽ tôi thực sự đã cứu Tyrese.

Anh nghĩ chuyện đó khiến chúng tôi trở thành bạn bè - như kiểu anh là một con sư tử và tôi là một con chuột nào đó đã nhổ cái gai ra khỏi vuốt của anh. Anh sai.

Tyrese và Latisha không kết hôn, nhưng anh là một trong số những người cha hiếm hoi tôi gặp ở chỗ này. Bắt tay tôi xong, anh nhét cho tôi hai tờ một trăm dollar như thể tôi là một tay quản lý nhà hang ở Le Cirque.

Anh nhìn tôi bằng ánh mắt tin cậy. “Anh chăm sóc tốt cậu bé của tôi từ giờ nhé.”

“Ừ.”

“Anh là đỉnh của đỉnh, bác sĩ.” Anh đưa cho tôi tấm danh thiếp không tên, không địa chỉ, không chức vụ nghề nghiệp. Chỉ một số điện thoại di động. “Cần bất cứ thứ gì, gọi.”

“Tôi sẽ luôn nhớ,” tôi nói.

Vẫn ánh mắt ấy. “Bất cứ thứ gì, bác sĩ.”

“Ừ.”

Tôi nhét tiền vào túi. Chúng tôi đã làm như thế này trong suốt sáu năm qua. Tôi biết rất nhiều những người buôn ma túy từ khi làm việc ở đây; tôi không biết ai còn sống sót được qua sáu năm.

Dĩ nhiên tôi không giữ số tiền. Tôi đưa Linda quyên cho quỹ từ thiện của chị. Có thể không hợp pháp, tôi biết, nhưng tôi nghĩ, tiền vào quỹ từ thiện hơn là một kẻ buôn ma túy. Tôi không biết Tyrese có bao nhiêu tiền. Tuy nhiên, anh luôn có xe hơi mới - anh chuộng những chiếc BMW có cửa trên gắn kính màu - và quần áo của thằng nhóc nhà anh thì đắt tiền hơn bất cứ thứ gì trú ngụ trong tủ quần áo của tôi. Nhưng, hỡi ôi, mẹ thằng bé được Trợ cấp Y tế bao trọn, vì vậy những lần đến khám là được miễn phí.

Phát điên lên được, tôi biết.

Điện thoại di động của Tyrese đổ nhạc chuông hiphop gì đó.

“Nghe cuộc gọi này đã, bác sĩ ạ. Chuyện làm ăn.”

“Ừ,” tôi lại nói.

Thỉnh thoảng tôi cũng thực sự phát điên. Ai lại không chứ? Nhưng khi tâm trạng rối rắm qua rồi, còn lại những đứa trẻ. Chúng đau. Tôi khẳng định tất cả bọn trẻ đều tuyệt vời. Chúng không thể. Tôi thỉnh thoảng điều trị cho những đứa tôi biết - biết - rốt cuộc sẽ thành người không tốt. Nhưng trẻ em - nếu không phải là gì khác nữa - cần được giúp đỡ. Chúng yếu đuối và không có khả năng tự vệ. Tin tôi đi, tôi đã chứng kiến bao nhiêu sự kiện có thể làm đổi thay quan niệm về con người của bạn.

Vì vậy tôi tập trung tâm huyết cho trẻ em.

Tôi định chỉ làm việc đến trưa, nhưng để bù lại khoảng thời gian FBI chiếm mất, tôi tiếp bệnh nhân đến tận ba giờ. Không có gì là lạ, tôi nghĩ về cuộc thẩm vấn suốt cả ngày. Những bức hình Elizabeth, hình ảnh cơ thể bị biến dạng, bị đánh đập, cứ bất thình lình lóe trong đầu tôi như một thứ ánh sáng nhấp nháy kỳ quặc.

Ai có thể biết về những bức ảnh đó?

Câu trả lời, khi tôi dành thời gian suy nghĩ, trở nên rõ ràng đôi chút. Tôi nhoài người về phía trước và nhấc điện thoại lên. Tôi đã không nhấn số này bao năm rồi, nhưng tôi vẫn nhớ.

“Studio Schayes,” một phụ nữ trả lời.

“Xin chào, Rebecca.”

“Đồ quỷ tha ma bắt. Cậu khỏe không, Beck?”

“Khỏe. Cậu thế nào?”

“Không tồi. Bận như quỷ.”

“Cậu làm việc nhiều quá.”

“Đâu có nữa. Tớ kết hôn năm ngoái rồi.”

“Tớ biết. Xin lỗi tớ không đến được.”

“Vớ vẩn.”

“Ừ. Nhưng dù sao cũng chúc mừng.”

“Vậy có chuyện gì?”

“Tớ cần hỏi cậu về cái này,” tôi nói.

“Ừ.”

“Về vụ tai nạn ôtô.”

Tôi nghe thấy một tiếng vang nho nhỏ. Rồi im lặng.

“Cậu có nhớ vụ tai nạn ôtô không? Cái vụ trước khi Elizabeth bị giết ấy?”

Rebecca Schayes, bạn thân nhất của vợ tôi, không trả lời.

Tôi hắng giọng. “Ai lái xe?”

“Cái gì?” Cô không nói vào điện thoại. “Được rồi, đợi đã.” Rồi quay lại với tôi: “Nghe này, Beck, tớ có chút chuyện ở đây. Lát nữa tớ gọi lại cho cậu được không?”

“Rebecca...”

Rồi điện thoại ngắt.

Đây là sự thật về thảm kịch: nó tốt cho tâm hồn.

Sự thật là, tôi trở thành người tốt hơn nhờ những cái chết. Nếu trong cái rủi có cái may, phải thừa nhận cái may này hơi nhỏ bé. Nhưng có may. Điều đó không có nghĩa là nó đáng vậy hay một cuộc đổi chác công bằng hoặc đại loại thế, nhưng tôi biết tôi là người tốt hơn so với trước kia. Tôi nhạy cảm hơn với những thứ biết là quan trọng. Tôi thấm thía hơn nỗi đau của con người.

Có một thời - bây giờ nghe thì buồn cười - tôi rất hay lo nghĩ không biết mình là thành viên câu lạc bộ nào, mình lái loại xe nào, mình dán lên tường tấm bằng đại học nào - tất cả những trò dớ dẩn địa vị xã hội đó. Tôi muốn trở thành một bác sĩ phẫu thuật vì nó khiến thiên hạ ngây ngất thán phục. Tôi muốn gây ấn tượng với những kẻ được gọi là bạn bè. Tôi muốn trở thành một nhân vật tầm cỡ.

Như tôi nói đấy, buồn cười.

Một số có thể vặn lại rằng sự tiến bộ của bản thân tôi đơn giản chỉ là vấn đề trưởng thành. Một phần nào đó, đúng thế. Và phần lớn những đổi thay là nhờ thực tế tôi giờ đây là chính mình. Elizabeth và tôi là một đôi, một thực thể đơn nhất. Nàng tốt đến nỗi tôi có thể không tốt mấy cũng được, như thể tính tốt của nàng nâng cả hai chúng tôi lên, và hai chúng tôi tốt ngang nhau, hài hòa.

Hơn nữa, cái chết là một người thầy vĩ đại. Nó chỉ quá khắc nghiệt thôi.

Tôi ước mình có thể nói với bạn, qua thảm kịch đó tôi đã khám phá được một thứ chân lý tuyệt đối đến mức có thể làm đổi đời những ai chưa từng nhận ra, và tôi có thể truyền lại cho bạn. Nhưng tôi đã không tìm được cách nói. Những lời sáo rỗng được tôi lôi ra áp dụng - con người quan trọng cuộc sống quý giá, xem trọng vật chất được đánh giá cao quá mức, những thứ nhỏ nhặt tầm thường có ý nghĩa quan trọng, sống trong khoảnh khắc hiện tại - và tôi nhắc đi nhắc lại những thứ đó với bạn đến nỗi phát ngán lên được. Bạn lắng nghe, nhưng bạn sẽ không tiếp thu. Thảm kịch làm hằn nó vào trong đầu bạn. Thảm kịch khắc sâu nó lên tâm hồn bạn. Bạn có thể không hạnh phúc hơn. Nhưng bạn sẽ tốt hơn.

Điều khiến tất cả những chuyện này càng mỉa mai hơn là tôi vẫn luôn ước giá như Elizabeth có thể nhìn thấy tôi bây giờ. Mặc cho rất muốn, tôi không tin người chết dõi theo chúng ta hay bất cứ kiểu tưởng tượng nào tương tự nhằm an ủi mà chúng ta tự thuyết phục mình tin vào. Tôi tin những người chết đã ra đi vĩnh viễn. Nhưng tôi không thể dừng được ý nghĩ: Có lẽ, giờ đây, tôi xứng đáng được có nàng.

Một người sùng đạo hơn có thể tự hỏi liệu đó có phải lý do nàng quay trở về.

Rebecca Schayes là một nhiếp ảnh gia tự do thành công lẫy lừng. Tác phẩm của cô xuất hiện trên hết thảy các tạp chí nổi tiếng quen thuộc, tuy nhiên khá lập dị, cô chuyên chụp đàn ông. Các vận động viên thể thao chuyên nghiệp đồng ý xuất hiện trên trang bìa, chẳng hạn, GQ thường đề nghị cô bấm máy. Rebecca thích đùa sở trường của cô ở cơ thể đàn ông là nhờ “cả đời nghiên cứu cao độ”.

Tôi tìm thấy studio của cô trên Phố 23 Tây, cách Ga Penn không xa lắm. Tòa nhà dạng kho chứa hàng xấu xí gớm ghiếc bốc mùi hôi thối từ ngựa và những cỗ xe độc mã của Central Park trú ngụ ở tầng trệt. Tôi bỏ không đi thang máy chuyên để chở hàng hóa mà lên thang bộ.

Rebecca đang vội vã đi ra hành lang. Theo sát cô, một trợ lý gầy gò mặc đồ đen với đôi cánh tay mảnh khảnh và bộ râu lơ thơ kéo lê hai cái vali bằng nhôm. Tóc Rebecca vẫn rối, như kiểu xù lên giận dữ và lòa xòa tùy ý. Hai mắt xanh, cách nhau một quãng rộng, và nếu có gì đã thay đổi ở cô trong tám năm qua, tôi không hề nhận ra.

Cô gần như không bước chậm lại khi nhìn thấy tôi. “Không phải lúc, Beck.”

“Hệ trọng,” tôi nói.

“Tớ phải đi chụp. Nói sau được không?”

“Không.”

Cô dừng lại, thì thầm gì đó với tay trợ lý vận đồ đen cáu bẳn kia, rồi nói, “Được rồi, theo tớ.”

Studio của cô có trần cao và tường xi măng sơn trắng. Đầy những ô có đèn, màn chắn sáng màu đen và ổ cắm điện có dây nối dài ngoằn ngoèo khắp mọi chỗ. Rebecca nghịch nghịch cái hộp đựng phim máy ảnh vờ bận rộn.

“Kể cho tớ về vụ tai nạn xe ôtô đó,” tôi nói.

“Tớ không hiểu chuyện này, Beck.” Cô mở cái hộp nhỏ, đặt xuống, đóng nắp hộp lại, rồi lại mở ra. “Chúng ta hầu như không nói chuyện trong, bao nhiêu nhỉ, tám năm? Bất thình lình cậu lại ám ảnh về một vụ tai nạn xe hơi từ ngày xưa?”

Tôi khoanh tay lại và chờ đợi.

“Tại sao, Beck? Cuối cùng là lần này. Tại sao cậu lại muốn biết?”

“Kể cho tớ.”

Cô vẫn ngoảnh đi. Mái tóc rối xòa phủ đến nửa mặt cô, nhưng cô không buồn vuốt ra sau. “Tớ nhớ cô ấy,” cô nói. “Và tớ cũng nhớ cậu.”

Tôi không đáp lại.

“Tớ đã gọi,” cô nói.

“Tớ biết.”

“Tớ cố giữ liên lạc. Tớ muốn ở bên.”

“Tớ xin lỗi,” tôi nói. Và tôi cảm thấy có lỗi thực. Rebecca đã là bạn thân nhất của Elizabeth. Họ ở cùng nhau trong một căn hộ gần Washington Square Park trước khi chúng tôi kết hôn. Tôi lẽ ra phải trả lời điện thoại của cô hay mời cô lại nhà hay cố gắng chút ít. Nhưng không.

Nỗi đau có thể ích kỷ đến quá quắt.

“Elizabeth nói với tớ, hai cậu bị một tai nạn xe hơi nhỏ,” tôi nói tiếp. “Đó là lỗi của cô ấy, cô ấy bảo thế. Cô ấy không nhìn đường. Thật thế không?”

“Chuyện đó bây giờ thì thay đổi được gì?”

“Rất nhiều thứ.”

“Những gì?”

“Cậu sợ cái gì, Rebecca?”

Bây giờ tới phiên cô im lặng.

“Có tai nạn hay không?”

Vai cô sụm xuống như thể thứ gì đó bên trong đã bị đứt gãy. Cô hít sâu và cúi mặt xuống. “Tớ không biết.”

“Ý cậu là sao, cậu không biết?”

“Cô ấy cũng bảo với tớ là tai nạn ôtô.”

“Nhưng cậu không có mặt ở đó ư?”

“Không. Tớ đi vắng, Beck ạ. Một đêm tớ về nhà, và Elizabeth đã có ở đó. Cô ấy bị bầm tím. Tớ hỏi chuyện gì đã xảy ra. Cô ấy bảo với tớ bị tai nạn ôtô và nếu có ai hỏi, thì nói chúng tớ đã ở cùng nhau trên xe ôtô của tớ.”

“Nếu có ai hỏi?”

Rebecca cuối cùng ngước lên. “Tớ nghĩ ý cô ấy là cậu, Beck.”

Tôi cố gắng tiêu hóa chuyện này. “Vậy chuyện gì thực sự đã xảy ra?”

“Cô ấy không nói.”

“Cậu có đưa cô ấy tới gặp bác sĩ không?”

“Cô ấy không cho tớ làm thế.” Rebecca nhìn tôi bằng ánh mắt lạ lùng. “Tớ vẫn không hiểu. Tại sao bây giờ cậu lại hỏi tớ chuyện này?”

Đừng nói một ai.

“Tớ chỉ cố tìm hiểu kỹ hơn.”

Cô gật đầu, nhưng cô không tin tôi. Không ai trong hai chúng tôi có khả năng nói dối điêu luyện.

“Cậu có chụp cái ảnh nào cho cô ấy không?” tôi hỏi.

“Ảnh?”

“Những vết thương của cô ấy. Sau vụ tai nạn.”

“Chúa ơi, không. Tại sao tớ lại làm thế?”

Một câu hỏi hay khủng khiếp. Tôi ngồi nghĩ về chuyện đó. Tôi không biết trong bao lâu.

“Beck?”

“Ừ.”

“Trông cậu tệ kinh.”

“Cậu thì không,” tôi nói.

“Tớ đang yêu.”

“Tình yêu hợp với cậu.”

“Cảm ơn.”

“Anh ấy có tốt không?”

“Đỉnh của các loại đỉnh.”

“Có lẽ anh ấy xứng với cậu.”

“Có lẽ.” Cô ngoài người tới và hôn lên má tôi. Cảm giác rất dễ chịu, thoải mái. “Có chuyện gì xảy ra à?”

Lần này tôi chọn sự thật. “Tớ không biết.”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.