Đừng Nói Một Ai

Chương 1-2




Tám năm sau

Một bé gái nữa sắp làm tan nát trái tim tôi. Con bé có đôi mắt nâu, mái tóc xoăn và một nụ cười rộng mở. Con bé đeo dây càng răng, nó mười bốn tuổi và...

“Cháu có thai à?” tôi hỏi.

“Vâng, thưa bác sĩ Beck.”

Tôi cố không nhắm mắt lại. Đây không phải lần đầu tiên tôi tiếp một đứa trẻ vị thành niên mang thai. Cũng không phải lần đầu tiên trong ngày hôm nay. Tôi là bác sĩ nhi tại phòng khám Washington Heights sau khi hoàn thành công việc của bác sĩ nội trú năm năm trước ở Trung tâm Y khoa Columbia gần đó. Chúng tôi phục vụ những người được trợ cấp Y tế (tức: nghèo) bằng việc chăm sóc sức khỏe gia đình thông thường, bao gồm sản khoa, nội khoa, và dĩ nhiên, nhi khoa. Nhiều người cho rằng công việc này biến tôi thành một nhà từ thiện bác ái. Thực sự không phải thế. Tôi thích làm một nhà bác sĩ nhi. Tôi đặc biệt không thích công việc này tại những khu ngoại ô với những bà mẹ trong các gia đình trung lưu khá giả và những ông bố sơn sửa móng tay và, ừm, những người giống tôi.

“Cháu định thế nào?” tôi hỏi.

“Cháu và Terrell. Chúng cháu thực sự hạnh phúc, bác sĩ Beck ạ.”

“Terrell bao nhiêu tuổi?”

“Mười sáu ạ.”

Con bé ngước nhìn tôi, hạnh phúc và mỉm cười. Một lần nữa, tôi cố không nhắm mắt lại.

Điều luôn làm tôi ngạc nhiên - luôn luôn - là hầu hết những ca có thai này đều không phải ngẫu nhiên. Những đứa trẻ con này muốn có những đứa trẻ con. Không ai hiểu nổi điều đó. Người ta nói về các biện pháp hạn chế sinh đẻ cũng như tiết dục và rằng tất cả đều ổn và tốt, nhưng sự thật là, lũ bạn bè hay ho của chúng đang có con và lũ bạn ấy giành được mọi sự chú ý, và vì vậy, này, Terrell, tại sao chúng ta lại không có con nhỉ?

“Anh ấy yêu cháu,” đứa trẻ mười bốn tuổi này bảo tôi.

“Cháu nói chuyện này với mẹ chưa?”

“Vẫn chưa ạ.” Con bé lúng túng và nhìn nó đúng hệt như một đứa trẻ ở tuổi mười bốn. “Cháu hy vọng chú có thể cùng cháu nói chuyện này với mẹ.”

Tôi gật đầu. “Ừ.”

Tôi đã học được cách không phán xét. Tôi lắng nghe. Tôi đồng cảm. Khi là bác sĩ nội trú, tôi lên giọng dạy đời. Tôi từ trên cao nhìn xuống và rao giảng với bệnh nhân rằng hành vi của họ sẽ hủy hoại họ như thế nào. Nhưng vào một buổi chiều giá lạnh ở Manhattan, một cô bé mười bảy tuổi đầy mệt mỏi, đang mang thai đứa con thứ ba của người cha thứ ba, đã nhìn thẳng vào mắt tôi và nói một sự thật không thể nào tranh cãi được: “Chú không hiểu đời cháu đâu.”

Câu nói làm tôi cứng họng. Và bây giờ tôi lắng nghe. Tôi chấm dứt việc đóng vai Người Da trắng Nhân đức và trở thành một bác sĩ tốt hơn. Tôi sẽ trao cho đứa bé mười bốn tuổi này và đứa con của nó sự chăm sóc tốt nhất có thể. Tôi sẽ không bảo con bé rằng Terrell sẽ không bao giờ ở lại, rằng con bé đang chối bỏ tương lai của mình, rằng nếu nó cũng giống như hầu hết những bệnh nhân ở đây, nó sẽ ở trong tình trạng tương tự vì ít nhất hai người đàn ông nữa trước khi nó bước sang tuổi hai mươi.

Nghĩ ngợi về điều đó quá nhiều sẽ đâm ra thần kinh.

Chúng tôi nói chuyện một lúc - hay, ít nhất, con bé nói và tôi nghe. Phòng khám, rộng gấp đôi văn phòng của tôi, to bằng kích cỡ một xà lim (không phải tôi biết được điều này từ kinh nghiệm trực tiếp nhé), sơn màu xanh lá cây công sở, giống màu phòng vệ sinh ở trường tiểu học. Bảng kiểm tra thị lực mắt để bạn chỉ vào một số điểm được treo phía sau cánh cửa. Vài tấm đề can hình chuột Disney đã phai màu treo trên một bức tường; bức tường còn lại được che bởi một poster vĩ đại vẽ tháp dinh dưỡng. Bệnh nhân mười bốn tuổi của tôi ngồi trên bàn khám với một cuộn giấy vệ sinh mà chúng tôi kéo xuống sẵn cho mỗi đứa bé. Vì lý do nào đó, cách cuộn giấy mở ra làm tôi nhớ đến cách gói một cái sandwich ở Carnegie Deli.

Lò sưởi khiến không khí rất ngột ngạt, nhưng cần đến nó ở nơi bọn trẻ thường xuyên cởi quần áo. Tôi mặc bộ quần áo bác sĩ nhi thông thường: quần jeans màu xanh da trời, giày Converse Chuck Taylor, sơ mi gài cúc, và một cà vạt sáng kiểu Cứu lấy trẻ em thời thượng hồi năm 1994. Tôi không mặc áo choàng trắng. Tôi nghĩ nó làm bọn nhóc hoảng sợ.

Bệnh nhân mười bốn tuổi của tôi - phải, tôi không thể nào bỏ qua tuổi nó - thực sự là một đứa trẻ rất ngoan. Điều đáng buồn cười là, tất cả chúng đều ngoan. Tôi chuyển nó cho một bác sĩ sản khoa mà tôi quý mến. Và rồi tôi nói chuyện với mẹ nó. Không có gì mới lạ hay đáng ngạc nhiên. Như tôi nói đấy, tôi làm việc này hầu như hằng ngày. Chúng tôi ôm hôn khi con bé ra về. Qua vai đứa trẻ, mẹ nó và tôi liếc nhìn nhau. Độ chừng hai mươi lăm bà mẹ mang con đến gặp tôi mỗi ngày; đến cuối tuần, tôi có thể đếm trên đầu ngón tay có bao nhiêu đứa kết hôn.

Như tôi nói đấy, tôi không phán xét. Nhưng tôi thực sự quan sát.

Sau khi họ rời đi, tôi bắt đầu viết nhanh những ghi chú ngắn vào bản theo dõi của con bé. Tôi lật lại vài trang. Tôi đã chăm sóc nó từ khi tôi là bác sĩ nội trú. Điều này có nghĩa là con bé bắt đầu theo tôi khi nó tám tuổi. Tôi nhìn vào bảng theo dõi phát triển của nó. Tôi nhớ con bé khi nó tám tuổi và rồi tôi nghĩ khi ấy trông nó thế nào. Con bé không thay đổi nhiều lắm. Cuối cùng, tôi nhắm mắt và dụi.

Homer Simpson ngắt đoạn suy nghĩ của tôi bằng tiếng hét, “Thư! Thư ở đây! Oooo!”

Tôi mở mắt, quay về phía màn hình. Đây là Homer Simpson như trong chương trình TV The Simpsons. Ai đó đã thay cái giọng đều đều “Bạn có thư” của máy tính bằng đoạn thu âm tiếng Homer. Tôi khoái cái này. Tôi khoái cái này cực kỳ.

Tôi toan kiểm tra email thì tiếng gọi của hệ thống điện đàm nội bộ khiến tay tôi khựng lại. Wanda, nhân viên lễ tân, nói “Shauna... ừm, hừm, ừ... của anh đang gọi điện.”

Tôi hiểu sự bối rối đó. Tôi cám ơn cô rồi nhấn nút nghe. “Chào cưng.”

“Mặc kệ tớ,” cô trả lời. “Tớ ở đây rồi.”

Shauna gác máy. Tôi đứng dậy và đi xuống hành lang khi Shauna từ đường phố bước vào. Shauna hiên ngang bước vào phòng cứ như thể căn phòng làm cô khó chịu. Cô là một người mẫu quá khổ, một trong số ít người được biết đến với cái tên độc một từ. Shauna. Giống như Cher hay Fabio. Cô cao 1m83 và nặng 96kg. Cô là người, như bạn có thể mong đợi, khiến người khác phải ngoái đầu lại nhìn và tất cả mọi cái đầu trong phòng đợi đều làm thế.

Shauna không buồn dừng lại ở quầy lễ tân, và bộ phận tiếp tân cũng hiểu tốt hơn là không nên ngăn cô lại. Cô kéo cửa và chào tôi bằng những lời này:

“Ăn trưa. Bây giờ.”

“Tớ bảo cậu rồi. Tớ sắp bận.”

“Mặc áo khoác vào,” cô nói. “Ngoài trời lạnh đấy.”

“Nghe này, tớ ổn. Dù sao thì mai mới là ngày kỷ niệm mà.”

“Cậu sẽ trả tiền.”

Tôi lưỡng lự và cô biết cô đã thắng tôi.

“Đi nào, Beck, sẽ rất vui. Như hồi ở đại học ấy. Nhớ hồi bọn mình thường cùng nhau đi chơi và ngắm mấy em gái hot quá trời chứ?”

“Tớ chưa bao giờ ngắm mấy em gái hot quá trời.”

“Ồ, đúng, tớ mới thế. Đi lấy áo khoác đi.”

Trên đường quay lại văn phòng, một trong số các bà mẹ trao cho tôi nụ cười niềm nở và kéo tôi lại gần. “Cô ấy trông còn xinh hơn khi được gặp trực tiếp thế này.” Bà thì thầm.

“Vâng,” tôi đáp lại.

“Có phải bác sĩ và cô ấy...” Bà mẹ làm cứ chỉ ngoắc hai tay vào nhau.

“Không, cô ấy có ai đó rồi mà,” tôi trả lời.

“Thật ư? Ai vậy?”

“Chị gái tôi.”

Chúng tôi ăn tại một nhà hàng Trung Quốc rẻ tiền với cô hầu bàn dân Tàu chỉ nói được tiếng Tây Ban Nha, Shauna, ăn mặc không chê vào đâu được, một bộ vest màu xanh da trời, một chiếc vòng cổ buông xuống hệt như Black Monday, nhíu mày lại.

“Thịt lợn Moo shu trong vỏ bánh ngô?”

“Thử mạo hiểm đi,” tôi nói.

Chúng tôi gặp nhau vào ngày đầu tiên ở trường đại học. Ai đó ở văn phòng đăng ký làm việc rất dở hơi và nghĩ tên cô là Shaun, và vì vậy cuối cùng chúng tôi là bạn cùng phòng.

Khi mới tán gẫu, chúng tôi đều định báo lại nhầm lẫn này. Cô mua bia cho tôi. Tôi bắt đầu quý cô. Vài giờ sau, chúng tôi quyết định không nói vì nhỡ đâu bạn cùng phòng thực sự của chúng tôi lại là đứa dở hơi thì sao.

Tôi học ở Amherst College, một học viện đặc biệt tinh hoa nằm ở phía Tây Massachusetts, và tôi không biết liệu trên trái đất có trường tư thục nào giàu như thế này không. Elizabeth, đại biểu học sinh đọc diễn văn trong lễ hội tốt nghiệp của trường cấp ba chúng tôi, chọn Yale. Chúng tôi có thể học cùng một trường, nhưng chúng tôi đã bàn và quyết định đây có thể là lần thử thách tuyệt vời nữa cho mối quan hệ của chúng tôi. Một lần nữa, chúng tôi hành động như những người trưởng thành. Kết quả ư? Chúng tôi nhớ nhau phát điên. Sự chia xa thắt chặt thêm lời cam kết gắn bó của chúng tôi và tạo cho tình yêu của chúng tôi một kích thước mới: khoảng-cách-làm-trái-tim-yêu-thương-hơn.

Đáng buồn cười, tôi biết mà.

Trong lúc ăn, Shauna hỏi tôi, “Cậu có thể trông Mark tối nay không?”

Mark là cậu cháu trai năm tuổi của tôi. Một vài lần khi còn học năm cuối. Shauna bắt đầu hẹn hò với chị gái tôi, Linda. Họ tổ chức một đám cưới bảy năm trước. Mark là kết quả phụ của, ừm, tình yêu của họ, với một ít giúp đỡ từ thụ thai nhân tạo. Linda mang thai và Shauna nhận nuôi thằng bé. Có phần hơi cổ điển, họ muốn con trai họ có mẫu người đàn ông lý tưởng trong đời. Tôi tham gia.

Ngoài những gì tôi sắp gặp ở chỗ làm, chúng tôi nói chuyện Ozzle and Harriet.

“Không vấn đề gì,” tôi trả lời. “Dù sao tớ cũng muốn xem bộ phim Disney mới.”

“Cái cô em trong phim đó xinh kinh hoàng.” Shauna nói. “Nhân vật hot nhất của họ kể từ Pocahontas.”

“Rất vui được biết,” tôi nói. “Thế cậu và Linda đi đâu?”

“Biết chết liền. Bây giờ những cô đồng tính lại là gái trẻ xinh cơ đấy, quan niệm của xã hội chúng ta kỳ cục thật. Tớ hầu như khao khát những ngày khi bọn tớ phải trốn chui trốn lủi trong tủ quần áo.”

Tôi gọi thêm một bia. Đáng lẽ không nên, nhưng thêm một cũng chẳng hại gì.

Shauna cũng gọi thêm một. “Vậy cậu đã chia tay với, tên-cô-ấy-là-gì-nhỉ, rồi à,” cô hỏi.

“Brandy.”

“Đúng rồi. Nhân tiện nói, tên đẹp đấy. Cô ta có một cô em tên Whiskey phải không?”

“Chúng tớ chỉ gặp nhau hai lần thôi.”

“Tốt. Cô ta là một ả gầy nhom. Hơn nữa, tớ tìm được một em hoàn hảo cho cậu rồi.”

“Thôi, cám ơn,” tôi nói.

“Thân hình em này đẹp chết người.”

“Shauna, đừng giới thiệu cho tớ. Làm ơn đi.”

“Tại sao không?”

“Nhớ lần gần đây nhất cậu giới thiệu cho tớ chứ?”

“Với Cassandra.”

“Đúng.”

“Thế cô ta làm sao?”

“Một điểm thôi nhé, cô ta đồng tính.”

“Chúa ơi, Beck, cậu thật là một tay cực đoan quá thể.”

Điện thoại di động của cô reo. Shauna ngả người ra sau trả lời điện thoại nhưng mắt không rời khỏi gương mặt tôi. Cô quát tháo điều gì đó và dập máy. “Tớ phải đi đây,” cô nói.

Tôi ra hiệu để thanh toán.

“Tối mai cậu đến,” cô tuyên bố.

Tôi giả vờ há hốc miệng, “Mấy cô đồng tính không có kế hoạch gì à?”

“Tớ thì không. Chị gái cậu có. Cô ấy đến bữa đại tiệc của Brandon Scope một mình.”

“Cậu không đi với chị ấy à?”

“Không.”

“Tại sao không?”

“Bọn tớ không muốn để Mark không có bọn tớ hai đêm liên tục. Linda buộc phải đi. Bây giờ cô ấy quản lý quỹ từ thiện. Còn tớ, tối tớ nghỉ. Vì vậy, tối mai đến nhé, được không? Tớ sẽ đặt sẵn phim, chúng mình sẽ xem cùng với Mark.”

Mai là ngày kỷ niệm. Nếu Elizabeth còn sống, chúng tôi sẽ khắc vạch thứ hai mươi mốt lên cái cây đó. Điều này nghe có vẻ lạ lùng, nhưng ngày mai không phải là một ngày đặc biệt khó nhọc với tôi. Đối với những ngày kỷ niệm hay dịp nghỉ, hay sinh nhật Elizabeth, tôi thường chuẩn bị tâm lý tốt đến mức có thể xoay xở mà không gặp vấn đề gì. Những ngày “bình thường” mới là những ngày khó nhọc. Khi tôi bấm cái điều khiển từ xa và bập vào một đoạn kinh điển trong The Marry Tyler Moore Show hay Cheers. Khi tôi ngang qua một hiệu sách và thấy một cuốn mới của Alice Hoffman hay Anne Tyler. Khi tôi nghe O’Jay hay Four Tops hay Nina Simone. Những thứ thường nhật.

“Tớ bảo với mẹ Elizabeth tớ sẽ ghé qua rồi,” tôi nói.

“A, Beck...” Cô toan tranh cãi nhưng rồi tự ngăn mình lại. “Sau đó thì sao?”

“Được thôi,” tôi nói.

Shauna cầm lấy tay tôi. “Cậu lại đang biến mất, Beck ạ.”

Tôi không trả lời.

“Tớ yêu cậu, cậu biết đấy. Ý tớ là, nếu nhỡ ra cậu hấp dẫn về mặt tình dục thì tớ đã đến với cậu, chứ không phải chị cậu.”

“Tớ hãnh diện quá,” tôi nói. “Thật đấy.”

“Đừng sập cửa lại với tớ. Nếu cậu sập cửa lại với tớ, cậu cũng làm thế với tất cả mọi người. Tâm sự với tớ, được chứ?”

“Được rồi,” tôi nói. Nhưng tôi không thể.

Tôi suýt xóa email đó.

Tôi nhận quá nhiều mail rác, bạn biết cái bộ lọc thư thế nào rồi đấy, tôi trở nên khá khéo léo với phím xóa. Tôi đọc địa chỉ người gửi trước. Nếu là ai đó tôi biết hoặc từ bệnh viện thì được. Nếu không phải, tôi nhiệt tình dập phím xóa.

Tôi ngồi ở bàn, xem lịch làm việc buổi chiều. Đông nghịt, không có gì đáng ngạc nhiên. Tôi xoay xoay người trong ghế và sẵn sàng cho ngón tay nhấn phím xóa. Chỉ có một email. Chính là cái làm cho Homer gào lên lúc nãy. Tôi nhìn liếc qua, và mắt tôi dừng lại ở hai chữ cái đầu tiên của tiêu đề thư.

Cái gì...?

Theo cách mà cửa sổ màn hình được thiết kế, tất cả những gì tôi có thể nhìn thấy chỉ là hai chữ cái này và địa chỉ của người gửi. Tôi không biết địa chỉ này. Một loạt những con số @comparama.com.

Tôi nheo mắt lại và nhấn thanh trượt bên phải. Tiêu đề thư hiện ra từng chữ cái một. Mỗi lần nhấp chuột, tim tôi lại đập nhanh thêm một chút. Hơi thở của tôi trở nên khang khác. Tôi giữ ngón tay ở thanh trượt và chờ đợi.

Khi làm xong, mọi chữ cái đã xuất hiện, tôi đọc lại tiêu đề một lần nữa và cảm nhận một tiếng huỵch nặng nhọc, sâu thẳm trong tim.

“Bác sĩ Beck?”

Miệng tôi không cử động.

“Bác sĩ Beck?”

“Chờ tôi một phút, Wanda.”

Cô ngần ngại. Tôi vẫn có thể nghe tiếng cô trên hệ thống máy liên lạc nội bộ. Và rồi tôi nghe tiếng máy tắt.

Tôi vẫn nhìn màn hình.

Gửi đến: [email protected]

Từ: [email protected]

Tiêu đề: E.P + D.B /////////////////////

Hai mươi mốt vạch. Tôi đã đếm đến bốn lần.

Thật là một trò đùa ác độc, bệnh hoạn. Tôi biết mà. Hai tay tôi nắm chặt lại. Tôi tự hỏi thằng quái mất dạy dở hơi nào đã gửi cái thư này. Thật dễ dàng để giấu tên trong email - nơi ẩn náu tốt nhất của thằng hèn công nghệ. Nhưng vấn đề là, rất ít người biết về cái cây hay ngày kỷ niệm của chúng tôi. Báo chí không bao giờ biết chuyện này. Shauna biết, dĩ nhiên. Và Linda biết. Elizabeth có thể đã kể với bố mẹ hay chú của nàng. Nhưng ngoài những người ấy ra thì...

Ai đã gửi bức thư?

Dĩ nhiên tôi muốn đọc nội dung, nhưng có gì đó níu tôi lại. Sự thật là, tôi nghĩ về Elizabeth nhiều hơn tôi tự cho phép mình - tôi không nghĩ tôi đánh lừa ai - nhưng tôi không bao giờ nói về nàng hay về chuyện đã xảy ra. Mọi người nghĩ tôi tỏ ra là đấng trượng phu, là can đảm, rằng tôi đang cố làm bạn bè đỡ lo lắng hay lảng tránh lòng trắc ẩn của mọi người hay những thứ vớ vẩn đại loại. Không phải thế. Nhắc đến Elizabeth khiến tôi đau đớn. Rất nhiều. Nó đem về lại tiếng hét cuối cùng của nàng. Nó đem về lại hết thảy những câu hỏi không lời giải đáp. Nó đem về lại thứ-đáng-lẽ-đã-có-thể (rất ít thứ, tôi đảm bảo với bạn, có khả năng hủy hoại như thứ-đáng-lẽ-đã-có-thể.) Nó đem về lại tội lỗi, cảm giác, dù phi lý, rằng một người đàn ông mạnh mẽ hơn - một người đàn ông tốt hơn - đáng lẽ đã có thể cứu nàng.

Người ta bảo rằng sẽ mất một thời gian dài để thấu hiểu được thảm kịch. Bạn chết lặng đi. Bạn không thể chấp nhận một cách thỏa đáng hiện thực ác nghiệt. Một lần nữa, đó không phải là sự thật. Dù sao cũng không phải, đối với tôi. Tôi hiểu tất cả những việc sẽ xảy đến trong khoảnh khắc họ tìm thấy thi thể Elizabeth. Tôi hiểu tôi sẽ không bao giờ nhìn thấy nàng nữa, rằng tôi sẽ không bao giờ được ôm nàng một lần nào nữa, rằng chúng tôi sẽ không bao giờ có những đứa con hay cùng nhau già đi theo năm tháng. Tôi hiểu đây là kết thúc, rằng không có gì trì hoãn, rằng không có gì có thể trao đổi hay thỏa thuận.

Tôi òa khóc ngay lập tức. Nức nở không kiểm soát được. Tôi nức nở gần một tuần không dứt. Tôi nức nở trong suốt đám tang. Tôi không cho ai chạm vào mình, ngay cả Shauna và Linda. Tôi ngủ một mình trên giường của chúng tôi, vùi chặt đầu trong gối của Elizabeth, cố gắng hít ngửi mùi hương của nàng, siết chặt lên mặt mình quần áo của nàng. Không có gì trong những hành động ấy giúp tôi dễ chịu. Thật kỳ cục, thật đau đớn. Nhưng đó là mùi hương của nàng, một phần của nàng, và dù sao tôi cũng không thể dừng được.

Những người bạn có ý tốt - thường là loại xấu nhất - nói với tôi những câu sáo rỗng, và vì vậy tôi cảm thấy mình có đủ tư cách để có thể cảnh báo bạn rằng: Chỉ nên nói ra lời chia buồn sâu sắc nhất. Đừng bảo tôi rằng tôi còn trẻ. Đừng bảo với tôi rằng mọi thứ sẽ ổn hơn thôi. Đừng bảo tôi rằng nàng đang ở một nơi tốt hơn. Đừng bảo tôi rằng đó là một phần của kế hoạch thần thánh thiêng liêng nào đó. Đừng bảo tôi rằng tôi đã may mắn vì đã có một tình yêu như thế. Mọi người với những thứ nhàm chán như thế làm tôi phát ngấy. Họ khiến tôi - và điều này nghe có vẻ khắc nghiệt - nhìn đăm đăm vào những kẻ đần độn và tự hỏi tại sao anh ta hay cô ta vẫn hít thở trong khi Elizabeth của tôi thối rữa.

Tôi liên tục phải nghe cái thứ của nợ “yêu rồi mất thì tốt hơn”. Lại một sai lầm nữa. Tin tôi đi, không tốt hơn đâu. Đừng chỉ cho tôi thiên đường rồi lại thiêu rụi và bảo đó là một phần của nó. Một phần ích kỷ. Điều làm tôi thực sự đau đớn là Elizabeth đã bị tước đi quá nhiều. Tôi không thể nói với bạn, bao nhiêu lần tôi nhìn thấy hay làm một thứ gì đó mà tôi nghĩ Elizabeth sẽ thích thú đến nhường nào, và cơn đau nhói lại một lần nữa đập vào tôi.

Mọi người băn khoăn liệu tôi có chút ân hận nào không. Câu trả lời là, chỉ một điều duy nhất thôi. Tôi ân hận đã có những khoảnh khắc lãng phí vào những công việc khác hơn là làm cho Elizabeth hạnh phúc.

“Bác sĩ Beck?”

“Một giây nữa thôi.” Tôi nói.

Tôi đặt tay lên chuột và di con trỏ đến biểu tượng Đọc. Tôi nhấn vào và nội dung hiện ra:

Gửi đến: [email protected]

Từ: [email protected]

Tiêu đề: E.P + D.B //////////////////////

Nội dung: Nhấn vào hyperlink, thời điểm hôn, ngày kỷ niệm.

Một khối chì đè nặng ngực tôi.

Thời điểm hôn?

Hẳn là một trò đùa, hẳn thế. Tôi không thích những thứ bí ẩn. Tôi cũng không thích chờ đợi.

Tôi lại chộp lấy chuột và di mũi tên vào hyperlink. Tôi nhấp chuột và nghe cái modem cổ lỗ sĩ rít lên kết nối với máy chủ. Chúng tôi sở hữu một hệ thống lạc hậu ở phòng khám. Phải mất một lúc trình duyệt web mới xuất hiện. Tôi chờ đợi, nghĩ: Thời điểm hôn, làm thế nào họ biết được về thời điểm hôn?

Trình duyệt xuất hiện. Nó báo lỗi.

Tôi nhăn mặt. Đứa quái nào đã gửi cái này? Tôi thử lại lần thứ hai, và lỗi xuất hiện lần nữa. Đó là một đường link hỏng.

Đứa quái nào có thể biết được về thời điểm hôn?

Tôi chưa bao giờ kể với ai. Elizabeth và tôi ít khi nói về chuyện này, có lẽ vì nó cũng không phải là vấn đề gì to tát. Chúng tôi đã sến đến mức như trong Pollyanna vì vậy những thứ như thế này chúng tôi giữ riêng cho mình. Thật ra thì hơi xấu hổ, nhưng khi chúng tôi hôn nhau lần đầu tiên hai mươi mốt năm trước, tôi đã xem giờ. Chỉ cho vui thôi. Tôi dứt ra và nhìn vào chiếc đồng hồ đeo tay hiệu Casino và nói, “6 giờ 15 phút.”

Và Elizabeth nói, “Thời điểm hôn.”

Tôi nhìn nội dung bức thư chưa hiện ra một lần nữa. Bây giờ tôi bắt đầu thấy khó chịu. Điều này vượt quá giới hạn của chuyện vui vẻ khôi hài. Gửi một cái email đầy ác ý là một chuyện, nhưng...

Thời điểm hôn.

Đúng, thời điểm hôn là 6 giờ 15 phút chiều mai. Tôi không có nhiều lựa chọn. Tôi phải đợi đến lúc ấy.

Vì vậy, cứ thế thôi.

Tôi lưu email lại trong một chiếc đĩa mềm, chỉ để đề phòng. Tôi kích vào lựa chọn in và nhấn nút In tất cả. Tôi không hiểu nhiều lắm về máy tính, nhưng tôi biết thỉnh thoảng bạn có thể lần ra nguồn gốc một lá thư từ tất thảy những thứ khó hiểu viết ở cuối trang này. Tôi nghe tiếng máy in chạy rè rè. Tôi nhìn tiêu đề thư một lần nữa. Tôi đếm lại số vạch một lần nữa. Vẫn là hai mươi mốt.

Tôi nghĩ về cái cây và nụ hôn đầu tiên, và trong cái văn phòng chật chội, ngột ngạt này, tôi bắt đầu ngửi thấy mùi dâu tây Pixie Stix.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.