Đừng Học Tiến Sĩ Sẽ Thoát Ế

Chương 40: Không Phải Những Gì Lấp Lánh Đều Là Vàng




"Thành phố lớn vốn cũng không phải là nơi thực hiện ước mơ."

- ----------------------------------

Văn Địch sinh ra ở huyện Tùng Đài, xét về mặt địa lý, Tùng Đài đông giáp Giang Tô, Chiết Giang, Thượng Hải, tây dựa núi Cửu Hoa, chỉ cách vành đai kinh tế đông đúc và giàu có nhất cả nước một con sông nhưng nó lại mới được gỡ mác huyện nghèo cách đây 5 năm.

Mỗi lần về quê Văn Địch đều phải ngồi tàu từ Bắc Kinh về tỉnh lỵ, sau đó đổi sang tàu điện ngầm tới ga hành khách rồi bắt xe buýt đến thị trấn huyện Tùng Đài, tiếp lại đổi hai xe buýt về đến cửa thôn, cuối cùng kéo valy đi bộ về nhà.

Dù đường xá xa xôi nhưng mỗi lần về tới cánh cổng nâu đỏ đã bạc màu, nghe thấy tiếng hô đầy ngạc nhiên và mừng rỡ của ông bà nội thì mọi mệt nhọc đều tan biến.

"Ai gu!" Bà lão tóc bạc bước ra đón, "Cháu cưng về rồi này!"

Văn Địch cười toe toét. Đã hai mươi sáu tuổi đầu rồi nhưng bà nội vẫn gọi cái tên hồi bé của cậu. Mỗi nhà mình thì không sao nhưng khách tới mà gọi một chàng trai trưởng thành là "Bé cưng" thì xấu hổ quá.

Cậu kéo valy, chưa bước vào cửa thì bà nội đã đi tới và ôm cậu thật chặt, xoa đầu cậu thành tổ quạ.

"Ây da, sao lại gầy đi rồi, " bà nội nhìn từ trên xuống dưới, "học khổ quá hả con?"

"Không khổ, " Văn Địch phản đối, "Rõ ràng là con béo hơn mà, lần nào gặp bà cũng giảm ba cân của con."

"Có phải do đồ ăn trên Bắc Kinh đắt quá nên không dám ăn không?" Bà nội hoàn toàn không để ý đến lời phủ nhận của cạu, "Cứ tiêu tiền đi, đừng lúc nào cũng nghĩ đến việc gửi tiền về nhà..."

"Hai mươi đồng là đã ăn no căng bụng ở căn tin rồi bà, con thực sự không có gầy đi mà!"

Đứng nói dông nói dài ở cửa một hồi rồi bà nội kéo cậu vào nhà. Nhà ở quê là một căn nhà gỗ dài, có hai dãy, mỗi dãy có ba phòng ngăn cách nhau bằng ván gỗ. Phòng phía trước bên trái là gia đình chú, bên phải là gia đình cậu, ở giữa là phòng ăn. Phòng phía sau bên trái là phòng tắm, ở giữa là phòng bếp, bên phải là phòng ngủ của ông bà.

Cậu kéo vali vào phòng của nhà mình. Phòng rộng mười mét vuông nhưng có hai cái giường, một cái bàn, một cái tủ quần áo, valy chỉ đành đá vào gầm giường.

Cậu chưa kịp mở balo ra thì bà nội đã bưng một bát súp gà bước vào. Đùi gà chổng lên trời, bên dưới có hai quả trứng ngâm. Văn Địch bắt đầu đổ mồ hôi trán, cậu bị dị ứng với món súp gà Tết này.

"Sáng nay ông nội con mới làm thịt đấy," bà nội đặt bát lên bàn, "Gà thả vườn ăn khác gà thành phố lắm con."

Văn Địch bưng bát, cầm đùi gà lên gặm. Bà nội ngồi ở mép giường, ánh mắt sáng ngời nhìn cậu.

"Năm nay thức ăn bán thế nào ạ?" Văn Địch hỏi.

"Cũng không biết sao nữa nhưng bèo quá!" Bà nội vỗ đùi nói: "Bà và ông đẩy xe lên huyện nhưng chỉ bán được 30 tệ! Đồ ăn ở Bắc Kinh đắt lắm không con?"

Những ngày nghỉ lễ không đến trường thì Văn Địch cũng thi thoảng tới cái chợ gần đấy mua rau. Cậu nhớ lại rồi nói: "Mùa đông cải thìa bán năm tệ một cân."

Bà nội trợn to mắt như chuông đồng: "Sao đắt thế!" Sau đó bà bắt đầu lảm nhảm: "Ớt trong kho không bán được, ngoài chợ cũng không biết đã thối nhiêu trái. Bà làm hai lọ tương ớt, lúc con đi thì mang theo..."

Văn Địch vừa xé đùi gà vừa gật đầu. Cậu và ông bà nội cũng không có gì nhiều để nói, mỗi lần về nhà, trừ giá thức ăn ra thì cũng chỉ có ba bữa mỗi ngày.

Cảm thán sự đắt đỏ của thành phố lớn một rồi hồi bà nội đi vào phòng ăn xem đồng hồ, lẩm bẩm tại sao bố mẹ Văn Địch vẫn chưa về, đã nói hôm nay đóng quầy sớm mà.

Những năm đầu tiên cha mẹ Văn Địch lái xe đẩy bán đồ ăn sáng ở thị trấn huyện. Sau khi tiết kiệm tiền hơn mười năm cuối cùng cũng mua được một tòa nhà để bán đồ rộng hơn hai mươi mét trong thị trấn huyện vào năm Văn Địch học cấp ba, lấy vách ngăn ngăn thành hai tầng, dưới thì bán hàng trên làm phòng ngủ. Trừ ngày lễ và tết thì bọn họ thường ngủ luôn trong tiệm.

"Gần đây buôn bán được không ạ?" Văn Địch hỏi.

Bà nội lắc đầu xua tay: "Không được, không bán hết bánh nướng..."

Sau đó bà lại bắt đầu cằn nhằn, nói rằng nhà chồng của dì Văn Địch đã bị cưỡng chế di dời, được cấp nhà khác và còn được thêm mấy trăm nghìn! Nhưng thôn họ không có động tĩnh gì, hàng xóm láng giềng vì để tăng diện tích được cưỡng chế di dời mà xây đầy sân, cũng không nghe tin gì.

Văn Đế không biết nên nói cái gì. Vị trí thôn này quá tệ, chẳng có tí giá trị cưỡng chế di dời nào.

Bỗng tiếng cửa mở cắt ngang lời lải nhải của bà nội. Mở cửa ra nhìn, là bà Trương hàng xóm đang xách một giỏ trứng, ở trên phủ một tầng củ cải, nói là mới đào từ dưới đất lên. Bà nội lấy ra hai thùng tương ớt nhỏ -- thùng lấy từ nhà Phúc bán kẹo - rồi đưa qua. Bà Trương chạy qua chỗ Văn Địch, "Ôi chao" và vỗ nhẹ vào tay cậu: "Đây là cháu trai cả nhà bà phải không, cái cậu đang ở Bắc Kinh ấy?"

Lưng bà nội thẳng lên, lập tức cao hơn bình thường vài cm: "Đúng vậy! Đang học tiến sĩ đấy!"

"Giỏi ghê," bà Trương nói, "Sau này kiếm nhiều tiền lắm đây. Bà đúng là có phúc mà!"

Bà nội cười tươi như hoa.

"Đứa nhà tôi học tệ, nào nó về sẽ bảo nó sang đây học hỏi, " Bà Trương thở dài, "Phong thủy nhà bà tốt thật. Trong thôn chưa từng có ai học lên tới đó, sau này làm quan lớn thì phải mời mọi người uống rượu đấy, để mọi người hưởng ké tí phúc..."

Văn Địch nghe được lời này mà run rẩy trong lòng. Gì mà kiếm nhiều tiền, gì mà làm quan lớn chứ, cậu một tháng 5400, tương lai đi dạy đại học thì lương cũng thấp nhưng được cái nhiều áp lực. Bà Trương à, phúc này chưa chắc đã là phúc đâu!

Bà Trương nhìn cậu với ánh mắt tán thưởng rồi về. Nhưng đi một bà Trương tới một bác Lý. Bác gái Lý trong nhà có ao cá, xách một giỏ cá diếc đi sang.

Thêm hai thùng tương ớt biến mất.

"Ây da, nghiên cứu sinh xuất sắc của đại học T này, " Bác gái Lý đã trải qua hai năm học[1], vốn từ vựng cũng phong phú hơn. "Sau này thành tinh anh trong ngành rồi, lương mỗi năm cũng phải triệu bạc hen!"

Đang là mùa đông nhưng Văn Địch bắt đầu đổ mồ hôi.

Sau cuộc trò chuyện ngắn với bà Trương và bác Lý, trên người Văn Địch đã cắm toàn cờ "học sinh giỏi", "người giàu". Ở Ngũ Đạo Khẩu, một hòn đá ném ra cũng có thể đập chết ba nghiên cứu sinh top 2. Nhưng Tùng Đài vẫn còn chìm trong vầng hào quang của các trường danh tiếng và thế hệ cũ vẫn coi cậu như báu vật.

Văn Địch cảm thấy vô cùng hối hận. Nếu biết trước sẽ như thế này thì lúc cậu thi đậu vào đại học T sẽ không để cho gia đình đốt pháo ở cổng thôn. Bây giờ cậu đi đâu cũng không dám nói mình là người đại học T, cực kỳ sợ sẽ thu hút khen ngợi, mong đợi và giả định trước ---- giả định trước[2] là điều đáng sợ nhất.

Bữa tối có rau có thịt, bà nội vào bếp nhóm lửa chiên cá, mùi thơm ngào ngạt. Văn Địch đứng trong vườn rải lá rau cho gà trong chuồng trúc. Những con gà duỗi cổ mổ đất, bộ dáng diễu võ giương oai.

Điện thoại trong túi quần rung lên, Văn Địch lấy ra, thấy có nhắc nhở tin nhắn mới, xoắn xuýt một lúc nhưng rồi vẫn bấm vào.

Biên Thành gửi cho cậu một bức ảnh, cậu bấm vào thì thấy đó là câu đối Tết.

Hàng xóm chết dẫm: [Đã dán.]

Văn Địch ngồi xổm nửa ngày bỗng thấy tê chân. Cậu đứng dậy đá vài cái, đi loanh quanh với những con gà trống trong chuồng một lúc rồi mới lạnh lùng đáp lại: [Ờ.]

"Đang nhập..." kéo dài hồi lâu, cho dù không nhìn thấy người thật nhưng Văn Địch vẫn có thể tưởng tượng ra dáng vẻ xoắn xuýt của Biên Thành. Vài giây sau "Hàng xóm chết dẫm" chậm rãi gõ vài chữ: [Anh đã mua quà năm mới cho em rồi.]

Văn Địch tiếp tục lạnh lùng: [Ờ.]

Hàng xóm chết dẫm: [Đưa anh địa chỉ, anh gửi cho em.]

Thì ra chỉ chờ cái này: [Đợi tôi ăn tết xong quay lại rồi tặng cũng được.]

Hàng xóm chết dẫm: [Vậy thì không còn là quà năm mới nữa.]

Để ý tiểu tiết làm gì, cái đồ rối loạn ám ảnh cưỡng chế!

Hàng xóm chết dẫm: [Chắc chắn em sẽ thích.]

Văn Địch cắn móng tay, người EQ bằng 0 này sao có thể biết cậu thích gì chứ? [Là gì vậy?]

Hàng xóm chết dẫm: [Em nhìn là biết thôi, gửi địa chỉ cho anh đi.]

Tò mò là thiên tính, là bản năng. Văn Địch giãy dụa một hồi rồi mới gửi địa chỉ quán ăn của bố mẹ. Trong thôn không có điểm chuyển phát nhanh nào, nhưng đối diện quán ăn của cha mẹ có một cái, bình thường Văn Địch đều gửi đồ tới đó.

Gửi địa chỉ xong, Văn Địch chuyển sang xem ảnh câu đối xuân, nghĩ thầm mình dám tặng anh ta dám dán. Quan sát kỹ càng, bỗng cậu nhận ra bức hoành có hơi kỳ.

Văn Địch gửi tin nhắn hỏi: [Sao trên hoành phi lại có thêm hoa hòe hoa hoét gì vậy?]

Hàng xóm chết dẫm: [À, Giang Vũ bảo chữ xấu quá nên em ấy vẽ thêm viền hoa vào.]

Văn Địch trầm mặc một lát, đăng xuất WeChat, hối hận tại sao nãy lại hỏi. Cậu không nên chủ động trả lời anh, càng không nên gửi anh địa chỉ! Anh ta có thể tặng cậu thứ tốt gì chứ? Không chọc điên cậu đã là quá tốt rồi.

Cậu nhìn chằm chằm vào điện thoại trong tiếng gà mái cục tác, nghiến răng nghiến lợi, chợt nhìn thấy một tin nhắn mới xuất hiện trong nhóm QQ đã chết từ lâu. Là nhóm lớp cấp hai.

[Tết này mọi người có về không? Năm nay là kỷ niệm 10 năm tốt nghiệp đó! Gặp nhau không?]

[Gặp gặp gặp, được thì hú một tiếng.]

Trong nhóm là một tràng "áu" dài dằng dặc. Cấp hai Văn Địch học ở trường trung học cơ sở số 1 của huyện. Trường trung học cơ sở số 1 là trường trung học cơ sở tốt nhất ở địa phương, nhưng tỷ lệ học lên và tỷ lệ học đại học rất thấp. Sau khi tốt nghiệp phần lớn bạn cùng lớp đều ở tại quê nhà nên gặp nhau rất tiện.

Có lẽ phát hiện ra cậu đang online nên một người bạn khá thân hồi cấp hai @ cậu: [Văn thần có tới không?]

Văn Địch nhìn biệt danh ngày xưa, cười khổ: [Tới, tới, tới.]

Trong nhóm lập tức nháo nhào:

[Chời quơi boss tới, mọi người mau nhường đường.]

[Mở cửa cho boss.]

[Lau sàn cho boss.]

[Đốt điếu thuốc cho boss.]

Văn Địch xấu hổ không quan tâm tới cái cách gọi "boss" này: [Mình hẹn ở đâu đây?]

Có người gợi ý: [Trên đường Nhân Dân cạnh RT-Mart có một quán lẩu mới mở. Tôi ăn thử rồi, cũng được á.]

Mọi người đều đồng ý nên đã chốt được địa điểm nhưng mãi vẫn chưa quyết được thời gian, cuối cùng chốt là đêm 29 Tết.

Sau khi lên cấp ba Văn Địch đã rời khỏi Tùng Đài, chỉ về vào mỗi dịp Tết, cũng đã nhiều năm không gặp những người bạn đã chơi từ nhỏ kia.

Sau mười năm, cậu vô cùng tò mò bạn bè khi xưa bây giờ sống như thế nào. Trong tò mò cũng có lo âu ------- nếu họ đều sống tốt hơn cậu thì sao?

Càng nghĩ càng thấy chuyện này vô cùng có khả năng. Hồi trước cậu từng thấy trong vòng bạn bè có một bạn học cùng lớp tốt nghiệp cao đẳng loại hai[3] chuyên ngành thông tin điện tử, hiện đang làm kỹ sư ở thủ phủ tỉnh, mức lương hàng năm gần 300.000, nhìn kiểu gì cũng thấy tương lai sáng hơn cậu.

Cậu chợt hối hận, lẽ ra cậu nên giả vờ không thấy tin nhắn của nhóm hoặc kiếm đại cớ nào đấy để từ chối.

Nhưng đã đồng ý rồi.

Họ sẽ nghĩ gì nếu phát hiện ra rằng cái người trăng trong biển sao[4], người được gọi là học sinh xuất sắc trước đây, hiện tại cũng chỉ có như vậy, thì sẽ có cảm tưởng gì.

Nếu như tô son điểm phấn lên cuộc sống nghiên cứu sinh của mình thì có thể khiến bản thân cảm thấy tốt hơn không?

Cậu một bên so sánh xem lâm trận tháo chạy và ăn xiên nói láo cái nào dễ hơn, một bên cảm thấy xấu hổ vì lòng hư vinh còn sót lại của mình.

Trong những người bạn của cậu, có lẽ Vu Tĩnh Di là người hiểu tâm trạng hiện tại của cậu nhất - tốt nghiệp Đại học T, nộp đơn vào Cambridge với hào quang là một thiên tài ngôn ngữ học, bỏ học giữa chừng, không bao giờ quay lại nữa, dạy một đám học sinh luôn bắt bẻ vẻ ngoài của giáo viên ở trung tâm du học. Văn Địch biết cô cũng đang ăn tết ở quê nên vào WeChat, nhắn: [Càng lớn càng sầu.]

Đối phương nhanh chóng trả lời: [Là sao?]

Văn Địch: [Trước đây khi đọc tiểu thuyết tôi luôn đứng về phía nhân vật chính. Bà xem, họ cũng giống như chúng ta, gia đình không giàu có nhưng cực kỳ chăm chỉ, thành tích vô cùng tốt, đậu các trường đại học vô cùng lớn — chà, cơ bản toàn là vào đại học T — sau đó hoặc là trở thành giám đốc điều hành cấp cao hoặc khởi nghiệp, đạt đến đỉnh cao nhân sinh. Hồi đó tôi thích tình tiết "chớ khinh thiếu niên trẻ", "lội ngược dòng thành công" này lắm nhưng bây giờ thì khác, bây giờ tôi hi vọng bọn họ thất bại.]

Đối phương im lặng một lúc rồi trả lời: [Tôi hiểu.]

Văn Địch cười: [Không biết tôi nên mừng vì may mắn hay buồn vì bất hạnh nhưng ở quê tôi vẫn có rất nhiều người tin đây là sự thật, bọn họ cho rằng nếu bà vào được một trường đại học tốt thì tương lai của bà chắc chắn sẽ xán lạn, còn cho rằng tôi đang sống vui sống khỏe ở thành phố lớn.]

Vài giây sau, trên màn hình hiện lên một câu: [Thành phố lớn vốn cũng không phải là nơi thực hiện ước mơ.]

[Thành phố lớn là nơi khiến con người ta không phát hiện ra bản thân chưa thực hiện được ước mơ của mình.]

~~~~

Tên chương được trích từ:

"All that glisters is not gold—

Often have you heard that told." - William Shakespeare《The Two Gentlemen of Verona》

Tạm dịch: 7

"Vàng rực nhưng không hề quý

Ngài thường thoáng nghe về ý này đây."

– Trích từ "Hai quý ông của Verona" của William Shakespeare.

- ----------------------------------

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.