Đức Phật Và Nàng: Hoa Sen Xanh

Quyển 2 - Chương 41




Tiếng vỗ tay rào rào và những lời trầm trồ thán phục râm ran khắp nơi. Phép thuật của Karmapa phải cao minh nhường nào mới có thể tạo ra hình ảnh Mandala rực rỡ, kỳ ảo như vậy. Thứ phép thuật này làm tiêu hao rất nhiều tinh lực của người phàm, bởi vậy ảo ảnh chỉ xuất hiện trong chốc lát rồi lập tức biến mất. Karmapa bị mất sức, thở hổn hển sau khi màn trình diễn kết thúc. Sau một hồi tĩnh dưỡng, Karmapa gắng gượng hé mắt, ném về phía Bát Tư Ba ánh nhìn đầy khiêu khích.

Bát Tư Ba chắp tay, điềm đạm cúi đầu bày tỏ sự thán phục:

- Pháp lực của pháp sư quả là cao cường, thiên hạ khó ai sánh bằng.

Karmapa tuy đã mệt lả, bàn tay nổi gân xanh run rẩy nhưng khẩu khí vẫn rất mực cay nghiệt:

- Thiên hạ không ai sánh bằng nhưng tiểu Sa di mang hư danh bậc thánh giả là người thì sánh được chứ gì? Hay là ngươi định nhận thua? 

Những người có mặt khi đó đã bị kích động bởi lời nói khiêu khích của Karmapa, mọi ánh nhìn háo hức đổ dồn về phía Bát Tư Ba kèm theo những lời khích bác:

- Pháp sư Bát Tư Ba, hãy trổ tài đi!

Bát Tư Ba trầm ngâm một lát, rồi thở dài:

- Xin pháp sư đưa ra yêu cầu, Bát Tư Ba sẽ làm theo.

Karmapa lôi từ thắt lưng ra một con dao khoắm, kiểu dao người Tạng hay giắt bên mình, chầm chậm bước tới trước mặt Bát Tư Ba, vẻ dương dương thách thức:

- Nếu là bậc đại đức, ắt sẽ được ngũ bộ thần Phật [1] phù hộ độ trì, thân thể không bị tổn thương. Đây là con dao ta thường giắt bên mình, đã chịu lễ gia trì[2]. Liệu pháp sư Bát Tư Ba có thể đâm dao này vào ngũ bộ trên cơ thể ngài, gồm: tim, hai vai, hai cánh tay để chứng minh ngài là sứ giả được Phật Tổ phái xuống nhân gian để hoằng dương Phật pháp hay không?

Ai nấy đều lấy tay che miệng, thốt lên sửng sốt. Hốt Tất Liệt mặt mày biến sắc:

- Pháp sư Karmapa, phép biến hóa khi nãy ngài thi triển nếu không thành thì bất quá cũng chỉ khiến ngài mất thể diện một chút thôi. Nhưng với yêu cầu mà ngài đặt ra cho thượng sư của ta, nếu sơ suất sẽ không tránh khỏi thương vong.

- Xin Đại vương chớ lo lắng.

Bát Tư Ba mỉm cười hồn hậu với Hốt Tất Liệt, sau đó quay lại, bình thản đón lấy con dao từ tay Karmapa, gương mặt điềm nhiên, không gợn chút sợ hãi, khẽ gật đầu:

- Bát Tư Ba sẽ làm theo yêu cầu.

Karmapa lùi lại vài bước, nhìn xoáy vào Bát Tư Ba:

- Tốt lắm, nếu pháp sư có thể vượt qua cửa ải này, ta sẽ chịu thua, lập tức rời khỏi đây.

Ai nấy đều nín thở, chăm chú nhìn Bát Tư Ba, lòng không khỏi bồn chồn, lo lắng cho thượng sư. Bát Tư Ba rút dao khỏi vỏ, lưỡi dao sắc nhọn, sáng lấp lóa. Cậu ấy nín thở, nhắm mắt, đâm con dao vào vùng tim mình. Giữa tiếng kêu gào thảng thốt, cậu ấy thản nhiên rút dao ra, rồi lại điềm nhiên đâm vào bả vai mình. Cứ thế, cậu ấy hoàn tất năm lần đâm vào ngực, hai bên vai và hai cánh tay.

Hốt Tất Liệt lao đến trước mặt Bát Tư Ba, lo lắng kiểm chứng, hoàn toàn không có vết thương nào, cũng không hề chảy máu. Hốt Tất Liệt vui mừng khôn xiết, quay lại tuyên bố với Karmapa lúc đó đã tái mặt vì khiếp sợ:

-Thắng thua đã rõ, pháp sư còn gì để nói nữa không?

Lúc này, gương mặt của Karmapa đã trắng bệch, ông ta chỉ kịp thốt lên ba tiếng: “Ta thua rồi”, rồi ngã vật ra vì không chịu nổi cơn chấn động dữ dội này.

Tiếng hoan hô như sấm dậy, mọi người hân hoan bủa vây Bát Tư Ba để chúc mừng. Cậu ấy chỉ mỉm cười đáp lễ, ánh mắt lo lắng chốc chốc lại lướt qua các góc nhỏ lẩn khuất trên đỉnh lán trại như kiếm tìm điều gì.

~.~.~.~.~.~

- Khi ấy, thủ lĩnh các giáo phái vì muốn giành được sự ủng hộ của nhà cầm quyền nên nghĩ ra đủ mọi cách phô bày năng lực siêu phàm của mình. Ví như việc họ dự báo thời tiết, dự đoán tương lại, sử dụng phép ảo thuật biến hóa ra những thứ kỳ lạ không có trên đời, hay bằng những nghi thức tôn giáo phức tạp, phô bày phép thuật thần thông quảng đại, v.v… Trong doanh trại của Hốt Tất Liệt, những kẻ buôn thần bán thánh như vậy không thiếu. – Tôi tựa người vào mép lò sưởi, chăm chú ngắm nhìn những đốm lửa bập bùng, trầm ngâm tưởng nhở. – Nhưng Bát Tư Ba xưa nay không hề xem trọng những trò ma quỷ kỳ dị đó. Cậu ấy không thích dựa vào phép thuật, cũng không muốn tổ chức những nghi lễ tôn giáo hao tiền tốn của và ghét cay ghét đắng nói những lời bốc giời hòng xu nịnh, bợ đỡ.

Chàng trai trẻ đưa ra lời nhận xét khách quan:

- Nhưng vị pháp sư Karmapa này thực sự là một người tài giỏi, ông ta không giống như những thầy tu buôn thần bán thánh khác.

Tôi khá ngạc nhiên vì chàng trai này không hề có cái nhìn phiến diện và định kiến, tôi bày tỏ sự tán đồng:

- Con người thời hiện đại biết rất ít về Karmapa, nhưng ông ấy là một nhân vật rất quan trọng. Ông ấy là linh đồng chuyển thế đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Tạng truyền. Các thế hệ tiếp theo của phái Karma Kagyu đã kế tục truyền thống của thế hệ Karmapa, tiếp tục duy trì phương thức chọn linh đồng chuyển thế làm người kế thừa pháp thống của giáo phái. Tính đến nay, cách thức đó đã kéo dài mười bảy đời.

Chàng trai trẻ ngạc nhiên:

- Vậy ra các giáo phái khác ở Tây Tạng đều học theo phái Karma Kagyu.

Cậu ta nghĩ ngợi một lát rồi nghiên đầu hỏi tôi:

- Sau cuộc đấu pháp này, chắc chắn địa vị của Bát Tư Ba trong lòng Hốt Tất Liệt không gì có thể suy suyển được. Vậy còn Karmapa thì sao? Kết cục của ông ta thế nào?

Tôi nhấp một ngụm trà bơ ấm nóng, thở dài:

- Thua một Sa di kém mình những ba chục tuổi, đối với một vị danh sư nức tiếng đất Tạng suốt bốn mươi năm mà nói, chẳng khác nào một cái tát nảy lửa. Ngay hôm đó, Karmapa đã rời khỏi doanh trại của Hốt Tất Liệt để đến nương náu dưới trướng của Mông Kha Hãn. Vài năm sau, Mông Kha Hãn lâm bệnh rồi qua đời. Hốt Tất Liệt phát động cuộc nội chiến quyết liệt với người em út là A Lý Bất Ca nhằm tranh giành ngôi vị Khả hãn, Karmapa đã sai lầm khi đứng về phía A Lý Bất Ca. mấy năm sau, cùng với sự thất thế của A Lý Bất Ca, đại sư Karmapa – vị linh đồng chuyển thế đầu tiên của lịch sử Phật giáo Tây Tạng – cũng nhanh chóng biến mất khỏi vũ đài lịch sử.

=== ====== ======

[2] Ngũ bộ gồm: Bảo bộ, Liên hoa bộ, Kim cương bộ, Nghiệp bộ, Phật bộ. Năm bộ Phật tượng trưng cho tính giác ngộ viên mãn. Trong Phật giáo Mật tông, ngũ phương Phật là một hệ thống phối trí chư Phật, chư Bồ Tát, chư Hộ pháp hết sức vi diệu và là sự phối hợp giữa ngũ phương, ngũ trí, ngũ Phật, ngũ bộ và ngũ hành. (DG)

[3] Gia trì là một nghi thức của Phật giáo. Ý nghĩa của nghi thức này là nương vào tấm lòng đại bi của Bồ tát Quan Thế Âm để cầu ngài xuất nước cam lộ, rẩy lên và làm cho vật hoặc người chịu lễ được thanh tịnh, mát mẻ. Trước khi hành lễ, người ta cần chuẩn bị một bát nước và một nhành liễu. Nước trong tượng trưng cho định lực, nhành liễu linh động tượng trưng cho trí tuệ. (DG)

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.