Đông Phương Thần Thánh Đế Quốc

Chương 37: Chiến tranh đại minh – đại ngu (2)










Sau khi kể về việc Hồ Nguyên Trừng ngộ nạn, Quảng Tế Pháp sư dừng lời một lúc rồi mới lại nói tiếp :



- Đúng lúc đó, Hồ Vấn mang quân từ Vũ Cao đến đánh úp quân Minh. Hoàng Trung chống cự không nổi, đến đêm phải rút quân về. Song các tướng nhà Hồ là Hồ Xạ và Trần Đĩnh mang quân đóng chặn ở ải Chi Lăng. Quân Minh bị chặn mất đường về, đành phải chấp nhận giao nộp Trần Thiêm Bình và sai Cao Cảnh đưa hàng thư, đề nghị mở đường cho về nước. Hồ Xạ nhận hàng thư, bằng lòng nhận Thiêm Bình và mở vòng vây cho quân Minh rút lui. Quân nhà Hồ bắt được nhiều tù binh, đưa vào Nghệ An cho làm ruộng. Thiêm Bình bị mang về xử lăng trì. Sau đó, Hồ Hán Thương khẩn trương củng cố phòng tuyến Đa Bang, đồng thời sai sứ đoàn gồm Trần Cung Túc, Mai Tú Phu sang Minh triều xin giảng hòa, biện minh việc Thiêm Bình giả mạo. Nhưng sứ đoàn bị Minh triều bắt giam toàn bộ.



Đinh An Bình than :



- Xem ra Minh triều quyết ý đánh Đại Việt rồi ?



Đào Anh hỏi :



- Sao chúng ta không giúp Đại Việt chống quân Minh ?



Đinh An Bình nói :




- Giúp sao được. Lúc đó chúng ta chỉ có một ít quân, cuộc chiến ở Sumatra còn phải điều động cả Cấm Vệ quân tác chiến. Lấy quân đâu mà giúp Đại Việt.



Giang Phong nói thêm :



- Hồ Quý Ly mất lòng dân, thất bại chỉ là chuyện sớm muộn. Chúng ta giúp y rồi để mất lòng dân luôn sao ? Hơn nữa, Quý Ly bản tính đa nghi. Dù chúng ta chịu giúp, y chưa chắc đã tin. Đến lúc đó, quân ta phải lưỡng diện tác chiến, vừa phải lo chống quân Minh, vừa phải lo đề phòng quân nhà Hồ, gặp bất lợi như thế thì làm sao yên tâm tác chiến được.



Đào Anh chỉ khẽ thở dài. Quảng Tế Pháp sư tiếp lời :



- Tháng 9 năm ngoái, Minh triều sai Trương Phụ, Trần Húc mang quân đánh vào ải Pha Lũy; Mộc Thạnh, Lý Bân mang quân đánh ải Phú Lệnh. Quân Minh chỉ có khoảng 22 vạn, nhưng lại nói phao lên thành 80 vạn. Tháng 10, quân Minh hội ở sông Bạch Hạc, lập doanh trại ở bờ bắc sông Hồng, kéo dài đến tận Chú Giang. Quân nhà Hồ cũng bố trí dọc theo sông Hồng, do Hồ Quý Tỳ, em Hồ Quý Ly, chỉ huy. Quân ở Chú Giang do Hồ Đỗ chỉ huy. Trên bờ, quân bộ và voi đóng đối diện doanh trại quân Minh. Trương Phụ và Mộc Thạnh dùng danh nghĩa ‘Phù Trần diệt Hồ’, viết bảng văn kể tội phụ tử Hồ Quý Ly và tìm con cháu nhà Trần để phục ngôi, cho thả theo dòng sông. Nội dung bảng văn kể 22 tội của Hồ Quý Ly, gồm có 8 nội dung lớn :



1. Cướp ngôi, giết vua và tôn thất nhà Trần (2 tội).



2. Xem nước và nhân dân như thù địch (3 tội).



3. Tự tiện đổi họ Lê sang họ Hồ (1 tội).



4. Lừa gạt triều đình Minh triều (trong vụ Trần Thiêm Bình) (3 tội).



5. Đánh chiếm và khống chế vùng Tư Minh, Ninh Viễn (5 tội).



6. Đánh Chiêm Thành là nước đã thần phục Minh triều (6 tội).



7. Không theo lịch Trung Quốc, tự đổi tên nước (1 tội).



8. Khinh nhờn, không kính trọng Minh triều (1 tội).



Đinh An Bình kinh ngạc nói :



- Không ngờ bọn họ tìm ra được nhiều tội như thế, mà tội nào nghe cũng có lý cả.



Cát Ti cũng nói :




- Mưu kế này thật thâm độc.



Quảng Tế Pháp sư lại nói :



- Quân nhà Hồ trông thấy bảng văn, lại thấy chính sự nhà Hồ mất lòng dân, nên không có lòng chống quân Minh. Các tướng Mạc Thúy, Nguyễn Huân mang 1 vạn quân ra hàng quân Minh và được phong chức tước. Ngày 2 tháng chạp, quân Minh chiếm được bờ sông Mộc Hoàn và chỗ đóng cọc ở sông Bạch Hạc. Tướng chỉ huy Tả Thánh Dực quân là Hồ Xạ không giữ nổi, phải dời trận địa sang phía nam sông Hồng. Đêm mùng 7 tháng chạp, quân Minh tiến ra bãi sông Thiên Mạc, bị tướng nhà Hồ là Trần Đĩnh đánh bại. Sau đó, quân Minh chấn chỉnh lại đội ngũ, đánh được hai mặt sông Thao và sông Tuyên, đóng quân ở bờ bắc sông Thao, đối diện với thành Đa Bang. Đêm mùng 9 tháng chạp, quân Minh đánh úp quân nhà Hồ ở bãi Mộc Hoàn. Tướng nhà Hồ là Nguyễn Công Khôi mải mê nữ sắc, không phòng bị, chiến thuyền bị đốt gần hết. Các đạo thủy quân mặt trên và mặt dưới của nhà Hồ đều không đến cứu ứng. Quân Minh dựng cầu phao vượt sông. Trương Phụ và Mộc Thạnh thấy các bãi sông đều có rào cọc chắn không tiến được, lại biết nhà Hồ chỉ trông vào thành Đa Bang để phòng thủ, nên tập trung tấn công thành này làm bước quyết định cục diện mặt trận. Ngày 12 tháng chạp, quân Minh nhân đêm tối đánh úp thành, Trương Phụ và Hoàng Trung đánh góc tây bắc, Mộc Thạnh và Trần Tuấn đánh mặt đông nam. Phía Mộc Thạnh dùng thang mây đánh lên mặt thành, quân Minh bị giết xác chất cao như núi nhưng vẫn không ngừng tấn công. Tướng nhà Hồ là Nguyễn Tông Đỗ đào thành lùa voi ra đánh. Biết voi sợ sư tử, quân Minh lấy vải vẽ hình sư tử trùm lên đầu ngựa và bắn tên lửa khiến voi sợ phải chạy ngược vào trong. Quân Minh đuổi theo vào tận trong thành, quân nhà Hồ đại bại, phải bỏ chạy về Hoàng Giang. Quân Minh đánh chiếm được thành Đa Bang, bắt được 12 voi chiến và vô số binh khí.



Đinh An Bình nói :



- Bọn Hồ Quý Ly kỳ vọng rất nhiều vào thành Đa Bang. Nay thành Đa Bang thất thủ, quân đội tan vỡ, bại thế đã định.



Quảng Tế Pháp sư lại nói :



- Sau khi thành mất, các cánh quân nhà Hồ dọc sông đều tan vỡ, lui về giữ Hoàng Giang. Trương Phụ tiến đến sông Phú Lương, quân nhà Hồ chặn giữ. Trương Phụ chưa biết tính ra sao thì hàng tướng là Mạc Thuý và Đặng Nguyên vẽ bản đồ địa hình xin làm hướng đạo. Ngày 13 tháng chạp, được sự dẫn đường của Mạc Thuý, quân Minh theo dọc sông Phú Lương tiến xuống, đốt phá cọc gỗ. Ngày 14, quân Minh đánh vào Thăng Long, cướp được nhiều của cải và lương thực, rồi đặt quan cai trị.



Đinh An Bình nói :



- Thế là Minh triều đã lộ rõ mưu đồ đánh chiếm Đại Việt đặt làm quận huyện chứ có ‘Phù Trần diệt Hồ’ đâu.



Triệu Phong hỏi :



- Thánh hoàng. Hồ Quý Ly tất bại. Bản triều sẽ làm gì ạ ?



Giang Phong ngẫm nghĩ giây lát, rồi nói :



- Quý Ly mất lòng dân, nhưng họ Trần vẫn còn. Sau khi nhà Hồ thất bại, tôn thất họ Trần tất khởi binh mưu việc khôi phục. Tạm thời bản triều chưa nên can thiệp vào.



Triệu Phong khẽ than :



- Vậy là không có đánh nhau ư ?




Giang Phong mỉm cười, nói :



- Điều động 5 quân Định Hải, Thần Vũ, Thần Sách, Thần Uy, Thần Long đi bình định Majapahit. Triệu Phong thống lĩnh các đạo quân này. Tây Dương Hạm đội hỗ trợ.



Triệu Phong cả mừng nói :



- Cẩn tuân thánh ý.



Giang Phong lại nói :



- Bắc Dương Hạm đội phái một phân hạm đội đưa Bảo Tiệp quân đến Thuận Hóa, cùng Thế Căng phòng ngự các xứ Tân Bình, Thuận Hóa. Tuyệt đối không cho bọn Hồ Quý Ly chạy vào đấy. Các quân Uy Tiệp, Long Tiệp chuẩn bị sẵn sàng chờ lệnh.



Đinh An Bình cung kính nói :



- Cẩn tuân thánh ý.



Thế là bộ máy chiến tranh của Thần Thánh Đế quốc đã được khởi động. Triệu Phong thống lĩnh 15 vạn quân, cùng 100 thuyền hạm của Tây Dương Hạm đội tiến sang các đảo xứ Java, là lãnh thổ của vương triều Majapahit. Lúc này, vương triều Majapahit đã rất suy yếu. Cuộc nội chiến tranh ngôi giữa vua Vikramavardhama và người anh rể là Virabhumi ở miền Đông, kéo dài từ năm 1401 đến 1406, đã khiến vương quốc kiệt quệ. Tiếp theo đó là cuộc quấy nhiễu bởi việc luyện quân của bọn Triệu Phong, khiến vương quốc càng thêm suy sụp. Các tiểu quốc trong vùng không còn thần phục vương triều nữa, hoặc chỉ thần phục trên danh nghĩa. Quốc vương Vikramavardhama chỉ có thể kiểm soát Majapahit và các khu vực lân cận.



Khi Triệu Phong thống lĩnh đại quân đến tấn công, nhờ sự hỗ trợ của Tây Dương Hạm đội, thành Majapahit nhanh chóng thất thủ, quốc vương Vikramavardhama phải dẫn tàn quân chạy về phía tây, đến Galuh cố thủ. Thấy thế lực của Thần Thánh Đế quốc quá hùng mạnh, nhiều tiểu vương trong vùng sai sứ đến xin thần phục, nhưng đều bị Triệu Phong từ chối. Giang Phong không chấp nhận chế độ phong kiến phân quyền với các tiểu vương tự cai trị tiểu quốc của mình, vốn là truyền thống ở các xứ Đông Nam Á (chỉ trừ có Đại Việt). Những khu vực do Giang Phong kiểm soát, tất cả đều phải trực thuộc triều đình ở Gia Định, không thể để tồn tại các tiểu quốc là ‘quốc trung quốc’.



Trước hoàn cảnh đó, đại bộ phận các tiểu vương đều tập hợp lại xung quanh quốc vương Vikramavardhama để mưu việc đề kháng. Nhưng cũng có một số tiểu vương nguyện ý giao quyền, chỉ nhận tước vị mà hưởng cuộc sống phú quý an nhàn. Giang Phong đã chấp thuận, phong cho bọn họ tước hầu, tước bá và con cháu bọn họ muốn làm quan đều được trọng dụng.



Đảo Java không lớn, lại dài và hẹp, hoàn toàn thích hợp cho quân đội của Thần Thánh Đế quốc tác chiến. Dưới sự hỗ trợ của Tây Dương Hạm đội, Triệu Phong cho quân tập trung bình định khu vực lân cận thành Majapahit, sau đó đến khu vực phía đông, trước đây vốn là địa bàn của tiểu vương Virabhumi, anh rể của quốc vương Vikramavardhama.



Sau đó đại quân mới bắt đầu lấn dần sang phía tây, lấn dần dần, lần dần dần. Quân đội của quốc vương Vikramavardhama cứ phải lùi dần, lùi dần. Sau khi cố thủ Galuh được khoảng 8 tháng, quốc vương Vikramavardhama lại phải bỏ thành chạy về phía tây, đến xứ Kalapa. Rồi sang đầu năm sau (1408), thành Kalapa thất thủ, quốc vương Vikramavardhama tự sát. Vương triều Majapahit chính thức diệt vong.



Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.